Kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cụm các tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc

09:43 PM 30/05/2018 |   Lượt xem: 2022 |   In bài viết | 

Dự và chỉ đạo Hội nghị, có đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư, Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai và Lạng Sơn.

Qua tiến hành kiểm tra, báo cáo tham luận tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo T.Ư đã làm rõ những ưu điểm, nguyên nhân và hạn chế về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cụm các tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc đó là: Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan đơn vị và thực hiện chỉ thị, nghị quyết về công tác dân vận, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, xây dựng đô thị văn minh, chính sách dân tộc, tôn giáo và chính sách an sinh xã hội…

Chính quyền các cấp tiếp tục cải cách hành chính, thực hiện tinh giảm biên chế, đổi mới phong cách làm việc; công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân và doanh nghiệp, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân… được triển khai tích cực, đem lại hiệu quả thiết thực. Công tác quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được thực hiện nghiêm túc, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp từng đối tượng; công tác phối hợp các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc triển khai, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát và phản biện xã hội ngày càng chặt chẽ, hiệu quả.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, cụ thể: Việc thực hiện công khai một số chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan trực tiếp đến quyền lợi và trách nhiệm của người dân ở một số nơi chưa đầy đủ, còn chiếu lệ, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý và sử dụng ngân sách; công tác cải cách hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, một cửa liên thông… gặp nhiều khó khăn ở một số địa phương.

Nhằm khắc phục hạn chế, Ban Chỉ đạo T.Ư về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở ghi nhận kiến nghị, đề xuất của Ban Chỉ đạo quy chế dân chủ ở các tỉnh; sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để phù hợp với tình hình mới.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương ghi nhận và đánh giá cao Ban Chỉ đạo quy chế dân chủ ở cơ sở các tỉnh đã nỗ lực chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ tạo bước chuyển trong phát triển kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.

Đồng thời, đồng chí chỉ rõ các tỉnh miền núi, biên giới vẫn còn nhiều thách thức, hạ tầng giao thông, đi lại còn khó khăn nhất là các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, mức thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ đói nghèo cao… Vì vậy, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị cần quan tâm, lưu ý tới việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản, chỉ thị, nghị quyết đến người dân sát thực tiễn cuộc sống. Qua đó quan tâm đến lợi ích hợp pháp, chính đáng; giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc, công khai, minh bạch; nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc, thực hiện cơ chế giám sát để người dân phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận với cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, cùng quan tâm lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân, qua đó góp phần cho người dân cùng tham gia phát triển kinh tế, xã hội, ổn định đời sống, giữ vững an ninh quốc phòng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở vùng miền núi, biên giới.

(nhandan.com.vn)