Mặt trái của internet tại các thôn đồng bào Mông

05:53 PM 04/10/2015 |   Lượt xem: 3232 |   In bài viết | 

Dạo quanh một số quán internet ở thôn Ea Lang, thôn Ea Uôl (xã Cư Pui) và thôn Ea Luêh (xã Cư Drăm) không thấy người lớn mà chủ yếu là trẻ em đang độ tuổi đến trường. Hầu như các em đều thuê và sử dụng máy tính cho mục đích chơi game. Các quán internet đều không đáp ứng được khi lượng máy ít so với nhu cầu chơi game của trẻ em nơi đây. Cứ 1 máy thì có đến 2 - 3 em đứng chờ để đến lượt. Quán mở cửa từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm, có hôm đông khách, chủ quán mở thâu đêm.

Từ khi các thôn đồng bào di cư có quán internet, nhiều học sinh Tiểu học và THCS thường xuyên nghỉ học, các em giành chủ yếu thời gian vào việc chơi game; vì vậy, chất lượng học tập ngày càng kém. Thầy Lê Đức Hoàng, giáo viên trường Tiểu học Cư Pui 2 cho biết: “Trước đây học sinh rất ít khi vắng học. Thời gian vừa qua, các em nghỉ học nhiều, có hôm vắng 5 đến 6 em; đa số các em nghỉ học để vào quán chơi game. Nhiều em đến lớp tinh thần mệt mỏi vì thức khuya để chơi game, lực học cũng giảm sút rõ rệt”.

Ông Giàng Seo Sính ở thôn Cư Rang (xã Cư Pui) buồn rầu tâm sự: “Có đứa con trai đang học lớp 7 trường THCS Cư Pui. Mấy năm học trước, năm nào cháu cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Vậy mà, năm học này mải chơi game nên phải thi lại 4 môn. Gia đình làm nông nên suốt ngày đi rẫy, không quản lý được các cháu. Nhiều hôm thấy con vẫn đến trường nhưng thầy giáo báo về là cháu nghỉ học; Hỏi ra mới biết, cháu đi học nhưng không đến trường mà vào quán chơi game”.

Cuộc sống của đa số đồng bào Mông di cư vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Để có tiền chơi game, nhiều em đã lấy trộm tiền của cha mẹ, trộm bắp, sắn trong nhà đem đi bán. Thời gian gần đây, có em còn bắt trộm gà, vịt, nhổ trộm sắn, bẻ trộm ngô của hàng xóm bán lấy tiền chơi game. Anh Thào Văn Sinh, công an viên thường trực xã Cư Pui cho biết: “Nhiều gia đình trong thôn Cư Rang và thôn Ea Uôl đã lên trình báo với Công an xã về việc gia đình thường xuyên bị mất cắp gà, vịt, sắn, ngô và các vật dụng trong gia đình. Khi có tiền, các em nạp hết vào tài khoản để chơi dần, có em nạp hàng trăm nghìn đồng vào tài khoản máy tính trong khi gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn”.

Tình trạng sao nhãng học hành, bỏ bê việc nhà, thậm chí là trộm cắp của trẻ em ở các thôn đồng bào Mông vì những trò chơi vô bổ trên mạng internet là do các em thiếu sân chơi lành mạnh trong khi nhận thức của các em còn nhiều hạn chế; người dân ở đây chủ yếu làm nghề nông, suốt ngày bận rộn với công việc nương rẫy, không có thời gian quản lý, giám sát con em. Thiết nghĩ, các gia đình cần quan tâm, nghiêm khắc hơn đối với con em; kịp thời “cai nghiện” game để các em chú tâm vào việc học tập. Nhà trường phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trong thôn và gia đình tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở các em. Đặc biệt, Chi đoàn ở các thôn có kế hoạch tổ chức những sân chơi lành mạnh trong hè cho các em tham gia. Các cơ quan chức năng cũng nên thường xuyên kiểm tra các quán internet về việc thực hiện quy định thời gian mở cửa, đóng cửa, hạn chế các trò chơi bạo lực trên mạng.

Tùng Lâm (UBDT)