Thông tin giá cả thị trường tuần từ 14/07/2014 đến 18/07/2014

04:10 PM 14/07/2014 |   Lượt xem: 2253 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Chương trình tái canh cà phê: Cần một đề án tổng thể quốc gia 
 
Hiện tại Việt Nam chiếm khoảng 15% sản lượng cà phê và khoảng 17% thương mại thế giới. Tuy nhiên, điều này có thể ảnh hưởng bởi diện tích vườn cà phê đang tăng nhanh. Chương trình tái canh cà phê mặc dù đã triển khai hơn 2 năm, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. 
 
Tái canh chậm do chính sách chưa phù hợp 

Tổng diện tích cà phê của cả nước hiện đã lên đến gần 622.167 héc-ta, trong đó diện tích cà phê già cỗi trên 20 và 25 năm tuổi khoảng 86.000 héc-ta chiếm 17,3% tổng diện tích, ngoài ra có khoảng 40.000 héc-ta cà phê dưới 20 năm tuổi nhưng có biểu hiện già cỗi sinh trưởng kém, ít cành thứ cấp nhiều cành không cho quả, năng suất và chất lượng quả thấp. Tổng diện tích cà phê già cỗi cần trồng thay thế và chuyển đổi trong 5 - 10 năm tới khoảng 140 - 160 nghìn héc-ta. 

Ông Nguyễn Viết Vinh - Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê Cao cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, sự già cỗi của cây cà phê, cùng với ảnh hưởng của thời tiết bất thường như hạn hán, sâu bệnh, sử dụng phân bón không đúng chất lượng đã tác động tới năng suất và chất lượng của cà phê. Cụ thể sản lượng niên vụ 2012/2013 giảm trên 20% và niên vụ tới 2013/2014 dự kiến giảm khoảng 15%. Đây là nguyên nhân đẩy giá thành sản xuất tăng, trong khi giá bán lại giảm làm ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống người trồng cà phê.
Từ năm 2012 đến nay, Tổng công ty Cà phê Việt Nam - một đơn vị đầu mối trong chương trình tái canh mới tái canh được khoảng 2000 héc-ta. Trong đó, Đắk Lắk (khoảng 700 héc-ta), Gia Lai (khoảng 650 héc-ta), Kon Tum (Khoảng 350 héc-ta), Đắk Nông và các nơi khác (khoảng 300 héc-ta) bằng nguồn vốn từ doanh nghiệp và vốn vay. Các diện tích còn lại do các hộ nông dân quản lý, tiến độ tái canh chậm.

Ông Võ Thanh Phong - đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, dù nguồn vốn 12.000 tỷ đồng cho tái canh đã được thông qua nhưng đến nay ngân hàng vẫn chưa nhận được. Mặt khác, để vay vốn, bắt buộc diện tích tái canh phải nằm trong quy hoạch và có tài sản thế chấp, song đến nay hầu hết các tỉnh vẫn chưa có quy hoạch, nhiều hộ gia đình không có tài sản thế chấp (chưa được cấp sổ đỏ), hoặc có nhưng giá trị xác định rất thấp vì tài sản trên đất chưa được cấp chứng nhận quyền sử dụng. Trong khi đó để tái canh 1 héc-ta cà phê cần tới 150 - 200 triệu đồng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sở dĩ diện tích tái canh còn thấp là do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do cơ chế chưa phù hợp. Do đó, dù người dân có nhận thức là cần tái canh để đảm bảo năng suất nhưng vẫn ngậm ngùi ôm vườn cà phê già cỗi. 

Chính sách phải hỗ trợ nông dân

Theo thống kê thực tế, có tới 95% diện tích cà phê là của nông dân, trong đó khá nhiều đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì thế để tái canh cà phê thành công cần có chính sách phù hợp hỗ trợ người nông dân và đẩy nhanh tiến độ, nếu không cà phê Việt Nam sẽ mất dần vị thế trên thị trường thế giới. 

Ông Nguyễn Đức Luyện - Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Nông cho rằng, cà phê là cây trồng chiến lược, có giá trị kinh tế cao, không chỉ mang lại nguồn lợi xuất khẩu mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho người nông dân, doanh nghiệp. Vì vậy, nhà nước cần phải có chiến lược và các giải pháp đồng bộ cho ngành cà phê nói chung và tái canh cà phê nói riêng.

Theo đó, ông Võ Thanh Phong đề nghị cần có chính sách riêng cho vay tái canh cà phê như giảm lãi suất như các đại biểu đề nghị (xuống dưới 6%), thời gian cho vay dài hạn hơn khoảng 10 năm, ưu tiên cấp đủ vốn. Nâng mức cho vay không phải bảo đảm bằng tài sản đối với hộ gia đình thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân lên mức 100 triệu đồng, hộ kinh doanh 500 triệu đồng, hợp tác xã 3 tỷ đồng. Mặt khác, cho phép Agribank không phải chuyển 2% nguồn vốn huy động sang Ngân hàng Chính sách xã hội mà giữ lại để cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có tái canh cà phê.  

Các chuyên gia cho rằng, để cây cà phê tái canh thành công, cần có hình thức tuyên truyền, hướng dẫn, thậm chí có chế tài bắt buộc để bà con lựa chọn những chủng loại giống đảm bảo, có chất lượng cao, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật đã được ban hành, loại phân bón... để tránh tình trạng cây cà phê bị chết, bị sâu bệnh lây lan, đỡ rủi ro cho cả nông dân, ngân hàng, doanh nghiệp. Trong thời gian cải tạo đất và trồng lại cần hướng dẫn, hỗ trợ người dân trồng các loại cây ngắn ngày, vừa có thu nhập, vừa tăng độ phì nhiêu cho đất, đơn cử như cây lạc, muồng đen...
 
box: Tái canh cà phê, cần có một đề án tổng thể quốc gia, bao gồm từ quy hoạch, giống cây, kỹ thuật chăm sóc, vốn, lãi suất và các chính sách hỗ trợ khác. Trước hết cần phải có quy hoạch chi tiết trên cơ sở tính toán cần sản xuất bao nhiêu cà phê cho phù hợp với nhu cầu của thị trường thế giới hiện nay và trong tương lai. Việc quy hoạch rất quan trọng bởi nó liên quan đối với số diện tích còn lại cần định hướng cho người nông dân trồng loại cây gì, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng phá vỡ quy hoạch.               
 

MUA GÌ

 Cá rô đầu vuông khó tiêu thụ 

Do phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nội địa nên đầu ra của cá rô đầu vuông tại ĐBSCL không ổn định. Tại Hậu Giang, địa phương có diện tích cá rô đầu vuông lên đến 250 héc-ta, hiện tại giá cá 10 con/kg dao động ở mức 22.000 - 23.000 đồng/kg, trong khi để có 1kg cá thương phẩm, người nuôi tốn trung bình 21.000 đồng tiền thức ăn. Như vậy nếu hộ nào nuôi đạt hiệu quả tốt nhất cũng chỉ lợi nhuận 2.000 đồng/kg, đó là chưa tính công lao động… Không chỉ lời ít, mà hiện tại số lượng thương lái thu mua cũng rất hạn chế.
 
Trái cây cuối vụ biến động giá 

Nhiều loại trái cây đặc sản ở ĐBSCL đang tăng giá trở lại do vào cuối vụ thu hoạch, nguồn cung không còn nhiều. Huyện Châu Thành, Long Mỹ và thị xã Ngã Bảy là các địa phương trồng cây ăn trái có múi nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang. Ở ấp Phước Long, xã Đông Phước A, giá cam sành hiện cân tại vườn 28.000 đồng/kg, còn bưởi năm roi giá cũng được 25.000 đồng/kg, tăng từ 8.000 – 10.000 đồng/kg so với thời điểm chính vụ cách đây hơn một tháng. Giá cam sành và bưởi có thể còn tăng trong thời gian tới vì sản lượng hiện nay không còn nhiều. Mặt hàng chanh không hạt lại giảm giá khá mạnh. Cách đây hơn một tháng, chanh không hạt được thương lái thu mua với giá trung bình 30.000 - 35.000 đồng/kg, nhưng hiện tại chỉ còn 10.000 đồng/kg. 

Ông Trần Quang Hành, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành cho biết, do giá trị kinh tế của các loại cây có múi rất cao, có năm doanh thu đạt cả tỷ đồng/héc-ta nên có thời điểm người dân chạy đua lên liếp để trồng. Phát triển quá nóng đã gây ra hiện tượng sốt giống, người dân chấp nhận mua cả cây giống trôi nổi để trồng. Chính vì vậy đã dẫn đến hiện tượng dịch bệnh bùng phát. Năm nay có khoảng 30% diện tích cây có múi của huyện bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh và vàng lá thối rễ, gây thiệt hại nặng cho nhà vườn. Do đó, bà con nên chọn cây giống sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng để trồng. Khi cây ra đọt non thì tiến hành phun thuốc diệt rầy chống cánh (vật trung gian truyền bệnh) để tránh bị truyền mầm bệnh. Đặc biệt là không nên chạy đua theo thị trường, thấy giá cả của loại cây nào đó tăng cao thì đổ xô đi trồng, dễ dẫn đến bị đụng hàng dội chợ khi vào vụ thu hoạch rộ, làm mất giá.
 
Miền Trung: Nuôi tôm, cá nước lợ xen ghép được mùa, giá cao 

Bà con huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế bắt đầu thu hoạch 635 héc-ta diện tích ao hồ nuôi tôm, cua và cá nước lợ được mùa nhất từ trước tới nay. Tư thương thu mua ngay tại hồ nuôi từ 170.000 - 180.000 đồng/kg đối với tôm kích cỡ 40 con/kg; cá kình 150.000 - 180.000 đồng/kg… giúp trên 85% hộ nuôi trên địa bàn được lãi ròng bình quân từ 15 - 20 triệu đồng/héc-ta, nhiều hộ được lãi đến 40 triệu đồng/héc-ta.

Tại tỉnh Quảng Trị, tôm thẻ chân trắng thả nuôi dần kiểm soát được dịch bệnh tốt hơn tôm sú. Hiện tôm thẻ chân trắng trên thị trường có kích cỡ 100 con/kg, giá 100.000 đồng/kg và 50 con/kg, giá 150.000 đồng/kg đã giúp bà con có lãi cao, tiếp tục đầu tư cải tạo ao hồ chuẩn bị cho vụ nuôi thả mới.
 
Nấm rơm đá tăng 20.000 đồng/kg 

Những ngày gần đây, tại các chợ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, nấm rơm đá tăng đột biến và đạt mức 80.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg so với cách đây 2 tháng. Riêng nấm rơm tươi trồng tại địa phương tăng nhẹ từ 5.000 - 7.000 đồng/kg, hiện ở mức 47.000 - 50.000 đồng/kg. Các tiểu thương tại chợ Vị Thanh cho biết, việc tăng giá trên do nguồn nấm rơm đá tại địa phương hạn chế mà chủ yếu lấy từ tỉnh Đồng Tháp, TP.Cần Thơ… về tiêu thụ, trong khi nhu cầu thị trường tăng cao. Hiện nay, tại các hộ dân trồng nấm rơm tươi, giá bán vẫn ổn định ở mức 25.000 - 26.000 đồng/kg.
 

Giá cà phê tại một số địa phương

Thị trường

Giá (đồng/kg)

Gia Lai

40.700

Đắk Lắk

40.700

Đắk Nông

40.600

Lâm Đồng

40.300

Đồng Nai

41.000

 

  Giá hạt tiêu đen tại một số địa phương

BÁN GÌ

 Xuất 10 tấn vải thiều sang Nhật Bản làm mẫu

Theo thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ, 10 tấn vải thiều Lục Ngạn sẽ lên đường sang Nhật Bản vào thời gian tới. Nếu được Nhật Bản chấp nhận, năm sau Bộ Khoa học sẽ giúp bà con nông dân tiêu thụ vải ở thị trường  nước này.
Trước mắt, Việt Nam phải đưa sang Nhật Bản một vài sản phẩm mẫu để thí điểm, nếu Nhật Bản chấp nhận và thấy có khả năng tiêu thụ thì lúc đó mới có thể ký hợp đồng. Khi đó, người nông dân ở khu vực trồng vải trong nước sẽ phải tổ chức sản xuất lại, gieo trồng, chăm bón cây vải theo một quy trình, trước mắt là VietGAP và về lâu dài là tiêu chuẩn Global GAP quốc tế. Lúc này quả vải mới có chất lượng đồng nhất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đủ tiêu chuẩn để xuất sang thị trường Nhật Bản.
ảnh: Mô hình trồng vải thiều VietGAP đã cho hiệu quả cao
 
Bình Định: Giá cá ngừ đại dương và cá ngừ sọc dưa giảm 

Chưa bao giờ giá các loại cá ngừ (cá ngừ đại dương và cá ngừ sọc dưa) xuống thấp như năm nay. Nếu thời điểm này năm ngoái, cá ngừ sọc dưa đứng ở giá 25.000 đồng/kg thì chuyến biển cách nay 1 tháng chỉ còn 14.000 - 15.000 đồng/kg, hiện bây giờ giá có nhỉnh hơn một chút nhưng cũng chỉ 17.000 đồng/kg. Với giá này, từ chủ tàu đến những ngư dân đi bạn đều khốn đốn vì không có thu nhập.

Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định, trong 6 tháng đầu năm 2014, sản lượng thủy sản do ngư dân Bình Định đánh bắt đạt được 78.000 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cá ngừ đại dương đạt sản lượng 4.982 tấn, tăng 6,6% so cùng kỳ năm ngoái. Dù giá cá thấp, đánh bắt được ít nhưng nhờ ý thức bảo vệ chủ quyền nên ngư dân quay vòng chuyến biển rất nhanh, do đó đạt sản lượng cao.
 
Cam Ranh (Khánh Hòa): Cá mú, cá chẻm được mùa, được giá

Vài năm trước, diện tích nuôi cá mú, cá chẻm trên địa bàn TP. Cam Ranh phát triển rất lớn, nhưng do gặp dịch bệnh, năng suất thấp, rớt giá, lãi không cao nên nhiều hộ đã chuyển sang nuôi ốc hương hay trồng rong. Tuy nhiên năm nay việc nuôi cá mú, cá chẻm lại rất thuận lợi, giá bán cao nên người nuôi rất phấn khởi. Theo các thương lái, hiện giá cá chẻm từ 80.000 - 90.000 đồng/kg, cá mú 220.000 đồng - 260.000 đồng/kg tùy loại, cao hơn nhiều so với năm ngoái và các năm trước. Cá chẻm chỉ để cung cấp cho thị trường nội địa, trong khi phần lớn cá mú được xuất khẩu sang Trung Quốc. Với mức giá này, có hộ đầu tư lớn vào nhiều đìa cá đã may mắn sau khi bán hết thu lãi được hàng tỷ đồng.

Trước đây diện tích nuôi cá chẻm và cá mú trên địa bàn thành phố rất lớn, nhưng do gặp dịch bệnh, nhiều người đã chuyển sang nuôi ốc hương, tu hài hay trồng rong nên năm nay chỉ còn lại 130 héc-ta nuôi cá mú và 170 héc-ta nuôi cá chẻm. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã thu hoạch khoảng 400 tấn cá mú và cá chẻm. Do năng suất đạt cao, bán được giá nên nhìn chung người nuôi đều có lãi.

Đến thời điểm này, người dân nuôi cá mú, cá chẻm ở Cam Ranh đã có một vụ cá bội thu. Vì thế, không ít người đã có ý định đầu tư mở rộng hay nuôi lại các loại cá này vào vụ sau. Tuy nhiên, cần tỉnh táo để thấy rằng năm nay được mùa, được giá phần nhiều là do may mắn nên bà con cần cân nhắc kỹ lưỡng, thả nuôi chừng mực, tuân thủ các yếu tố kỹ thuật để đề phòng rủi ro như mấy năm trước.
 
Hậu Giang 100% mía được bao tiêu

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, hiện toàn bộ 12.559 héc-ta mía của tỉnh đã được hai doanh nghiệp bao tiêu hết. Cụ thể, Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) bao tiêu hơn 10.000 héc-ta với giá 830 đồng/kg mía 10 chữ đường tại cầu cảng nhà máy và Công ty Mía đường cồn Long Mỹ Phát bao tiêu khoảng 2.000 héc-ta còn lại với giá 700 đồng/kg tại ruộng. Tuy nhiên, với giá thành sản xuất từ 700 - 800 đồng/kg thì với giá bao tiêu như trên người trồng mía chỉ hòa vốn. Song trên thực tế, giá bao tiêu đó chỉ là mức giá bảo hiểm thấp nhất, còn tăng bao nhiêu thì tùy thuộc vào giá thị trường tại thời điểm thu hoạch (khoảng 2 tháng nữa).

LƯU Ý CẢNH BÁO

 Cảnh báo tình trạng chặt cây hồ tiêu
 
Không nên chạy theo giá cả
 
Đến thăm các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai... trong những ngày này, chúng tôi thấy nhiều vườn cà phê, cao su đang bị chặt hạ, thay thế vào đó là các vườn cọc trụ tiêu tua tủa. Hỏi một cán bộ Sở Nông nghiệp Đắk Nông mới biết giá tiêu đang tăng cao, giá cao su đang giảm, còn giá cà phê cũng dao động liên tục nên bà con đổ xô trồng tiêu với hy vọng làm giàu.
 
Trồng - chặt theo giá cả lên xuống...

Theo ý kiến của nhiều người, dường như đang tồn tại một cuộc đuổi bắt giá cả trong ngành sản xuất nông sản ở nước ta vì vậy mới có điệp khúc trồng rồi chặt, chặt lại trồng. Điều này không chỉ gây khó khăn cho bà con nông dân, nhất là ở những vùng xa, vùng sâu mà còn làm ảnh hưởng đến tính ổn định của thị trường.

Điều đáng nói ở đây là việc trồng tiêu hoàn toàn mang tính tự phát, không theo quy hoạch. Thêm vào đó, người dân lựa chọn giống tiêu không rõ nguồn gốc, rồi tình trạng chặt cây rừng để làm trụ tiêu diễn ra phổ biến. 

Ông Phạm Thanh Nhựt, Chủ tịch UBND xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông  cho biết, tình trạng đua nhau trồng tiêu cũng giống như trước đây với cây cao su, khi giá lên cao, bà con đua nhau trồng theo phong trào. Việc mua giống kém chất lượng trôi nổi trên thị trường, không am hiểu kỹ thuật chăm sóc nên đến khi thu hoạch, vườn cao su cho sản lượng mủ thấp, nay giá xuống thấp, người dân lại chặt. 

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, sở dĩ người dân mở rộng diện tích là do vài ba năm trở lại đây, cây tiêu có mức tăng trưởng mạnh nhất trong số các mặt hàng nông sản. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2014, hồ tiêu xuất khẩu đạt 111.000 tấn mang lại 790 triệu đô-la Mỹ, tăng 36,2% về khối lượng và tăng 47,8% về giá trị. Giá tiêu 3 năm gần đây luôn duy trì ở mức 150.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm đạt trên 200.000 đồng/kg. 

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng, nông dân không nên chạy theo giá để phát triển ồ ạt diện tích hồ tiêu, điều này sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Hơn nữa, các cây công nghiệp có suất đầu tư lớn, thời gian đầu tư lâu, nếu không có nhận thức đúng đắn, dễ dẫn đến tình trạng “đứng núi này trông núi nọ”.  

...Và những khuyến cáo

Trên thực tế, các loại cây nông sản đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu, xây dựng nhà cửa, mua sắm đồ dùng, lo cho con cái học hành và tích trữ. Thế nhưng chỉ cần sản phẩm đầu ra bị rớt giá vài năm hoặc không ổn định, người dân sẵn sàng hy sinh hàng héc-ta cây trồng đã gắn bó.

Theo tính toán, để trồng một héc-ta cà phê, cao su, hay điều, người nông dân phải đầu tư hàng trăm triệu đồng trở lên và phải mất nhiều hơn 3 - 4 năm, thậm chí 6 - 7 năm mới được thu hoạch. Vì vậy, việc phá bỏ các cây công nghiệp dài ngày gây ra lãng phí rất lớn về công sức lao động và tiền của. Đó là chưa kể tới việc khi các tỉnh xây dựng quy hoạch vùng, đã đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật như điện, thủy lợi, đường xá, còn các doanh nghiệp thì đầu tư cơ sở chế biến, kho bãi...

Việc trồng tiêu ồ ạt ở nhiều nơi có chất đất không phù hợp, cho dù có đầu tư chăm sóc tốt, nhưng năng suất sẽ không đạt cao; hoặc việc lựa chọn giống không tốt có thể ảnh hưởng tới tuổi thọ, gây ra dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát gây nguy cơ mất trắng là điều khó tránh khỏi. Mặt khác, theo quy luật cung cầu của thị trường, sản lượng tăng, giá sẽ giảm và ngược lại. Vì thế người dân cần tính toán thật kỹ trước khi quyết định đầu tư.

Nhiều chuyên gia khuyến cáo, việc chạy theo giá thị trường để trồng, chặt cây nông sản sẽ phá vỡ quy hoạch ngành, khó kiểm soát chất lượng sản phẩm, sản lượng, thiếu nguyên liệu sản xuất cho các cơ sở, nhà máy chế biến, gây bất ổn cho thị trường giá cả nông sản hàng hóa.

Lựa chọn cây trồng để làm kế sinh nhai hoặc làm giàu là quyền chính đáng của người nông dân. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng, nhất là ở địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ để nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý quy hoạch và nên chăng cần có chế tài bắt buộc người dân phải đăng ký khi trồng tương tự như khi làm nhà phải xin phép. Có như vậy mới dễ dàng quản lý, kiểm soát, góp phần ổn định thị trường, ổn định đời sống cho bà con nông dân. 

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

 Đồng Nai: Tìm thị trường xuất khẩu mới cho nông sản 
 
Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, qua hoạt động xúc tiến thương mại, nhiều doanh nghiệp (DN) của tỉnh đã ký kết được hợp đồng kinh tế, bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Trong đó, nổi bật là thị trường Trung Đông - khu vực chủ yếu nhập khẩu nông sản và Hàn Quốc - nước đang có nhu cầu nhập khẩu lớn hàng nông sản, thực phẩm.
 
Hiện Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) đã thành lập văn phòng đại diện tại Dubai và thời gian tới là tại Hàn Quốc. Dự kiến từ nay đến cuối năm, sẽ có nhiều loại trái cây được xuất sang các thị trường này. Ngoài ra, nhiều mặt hàng nông sản khác, như: Nha đam, cỏ, thức ăn gia súc... cũng có thể xuất khẩu với số lượng lớn. 
Theo Công ty cổ phần Việt Nông Lâm (huyện Trảng Bom), chuyên chế biến và xuất khẩu thức ăn gia súc từ các phế phẩm nông nghiệp, hiện trung bình mỗi tháng, công ty xuất khẩu từ 3 - 4 ngàn tấn thức ăn gia súc sang Hàn Quốc. Công ty cũng đã có đơn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản. Thời gian đầu, công ty chủ yếu xuất khẩu qua trung gian. Đến nay, công ty đã làm việc trực tiếp với các DN Hàn Quốc nên sản phẩm xuất khẩu mang nhãn hàng của công ty với giá tốt hơn. Đây là cơ sở để DN tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường còn rất giàu tiềm năng này. 

Một mô hình đáng chú ý trong việc chuyển hướng từ xuất khẩu thô sang chế biến sâu, tận dụng được lợi thế sản vật địa phương là Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán). DN đang chuẩn bị đưa ra thị trường các sản phẩm mới là nước trái cây ca cao và rượu ca cao bò cạp. Nhờ đó, doanh nghiệp tìm được cơ hội xuất khẩu sang thị trường châu Phi, vốn là vùng đất của cây ca cao. Các khách hàng Nga, Nhật, Hàn Quốc... cũng rất quan tâm đến dòng sản phẩm độc đáo này. Những thành công bước đầu này đã đem lại niềm tin cho bà con nông dân vì được đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Tuy tiềm năng xuất khẩu vào các thị trường mới rất lớn nhưng cũng không thiếu những rào cản, khó khăn, như: Yếu về công nghệ sơ chế, bảo quản; việc áp dụng quy trình sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) chưa được phổ biến; chưa truy nguyên được xuất xứ cho sản phẩm... Trong đó, khó khăn lớn nhất của DN hiện nay vẫn là xây dựng vùng nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu. Vì lý do này mà nhiều DN buộc phải từ chối nhiều đơn hàng xuất khẩu vì yếu ở khâu nguyên liệu sản xuất. Trong khi đó, những nước lân cận, như: Thái Lan, Philippines... nhờ có những vùng nguyên liệu sản xuất theo hướng công nghiệp, giá cả cạnh tranh nên ngành chế biến rất phát triển và xuất khẩu tốt. 
 
Bình Thuận: Chuyển biến tích cực về đầu ra cho nông sản
 
Đây là giá thấp nhất từ trước tới nay. Không chỉ cao su mà cây thanh long cũng lên xuống phập phồng. Từ đầu năm đến nay, giá thanh long liên tục giảm, có lúc chỉ còn 4.000 đồng/kg. Theo nhiều hộ trồng thanh long thì việc lên xuống thất thường của giá thanh long một phần vì chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Chỉ cần đối tác bên kia biên giới dừng thu mua thanh long một ngày là giá đã giảm xuống đáng kể. Người trồng hiện nay đang bán thanh long theo kiểu “cầu may”, hên thì được giá cao, còn xui thì chấp nhận lỗ tiền phân, tiền thuốc…

Tuy nhiên, người dân đã nhận ra được sự bấp bênh khi quá tin vào thị trường Trung Quốc và bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực. Trước đây, nhiều hộ gia đình đã quay lưng với chương trình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGap vì hiệu quả mang lại chưa rõ rệt thì nay đã khác. Người dân đã biết lắng nghe, làm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. “Trước đây, thị trường Trung Quốc khá dễ không yêu cầu cao, không kiểm định thanh long khi nhập khẩu nên người dân không mấy mặn mà với VietGAP. Vì cùng một diện tích thanh long nhưng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP công và chi phí đầu tư cao hơn nhiều so với trồng theo cách truyền thống. Nhưng nay, người dân đã biết rõ hơn về việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường xuất khẩu. 

Tại các buổi họp, tập huấn về kỹ thuật canh tác, điều trị sâu bệnh số lượng người tham dự tăng lên rất nhiều. Các câu hỏi về quy trình sản xuất, những băn khoăn về thị trường xuất khẩu đã được các nông dân đưa ra. Điều này, rõ ràng là một chuyển biến đáng mừng.                      

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Quy hoạch xuất khẩu hồ tiêu
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phê duyệt quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 nhằm tăng năng suất và giá trị ngành hồ tiêu, đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu.

Quy hoạch này nhấn mạnh việc khai thác lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu, thời tiết để phát triển hồ tiêu theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, hiệu quả và bền vững.
Mục tiêu của quy hoạch là phấn đấu đến năm 2020, tầm nhìn 2030, diện tích trồng hồ tiêu cả nước duy trì ổn định ở mức 50.000 héc-ta, năng suất đạt 30 tạ/héc-ta, sản lượng đạt 140.000 tấn và sản phẩm tiêu chất lượng cao đạt 90%. Về cơ cấu sản phẩm: Tiêu đen 70% (trong đó tiêu nghiền bột 15%), tiêu trắng 30% (tiêu nghiền bột khoảng 25%) và kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 - 1,3 tỷ đô-la Mỹ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ định hướng quy hoạch ngành hồ tiêu trên toàn quốc tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển hồ tiêu tại địa phương; tổ chức thực hiện phương án quy hoạch được duyệt. Đối với diện tích hồ tiêu già cỗi, thoái hóa các địa phương cần có kế hoạch trồng tái canh. Hồ tiêu trồng ở những nơi điều kiện sinh thái không thích hợp, hồ tiêu bị nhiễm các bệnh khó phòng trị và không nằm trong vùng quy hoạch được duyệt, các đơn vị cơ sở cần khuyến khích chuyển sang trồng cây khác theo quy hoạch của địa phương. Bên cạnh đó, theo quy hoạch, các địa phương cần đẩy mạnh công tác khuyến nông để nâng cao trình độ cho người trồng chăm sóc, thu hoạch, chế biến hồ tiêu; ưu tiên chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất hồ tiêu theo chứng chỉ chất lượng VietGAP, Global GAP… Các đơn vị, cơ sở cần tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu hồ tiêu Việt Nam. Khai thác tốt các thị trường truyền thống; mở rộng thị trường có nhiều tiềm năng như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản; các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi… và từng bước thâm nhập thị trường là các nhà phân phối gia vị, các nhà chế biến thực phẩm tại các nước tiêu thụ, phát triển ngành hồ tiêu bền vững. 
 
Quảng Nam: Triển vọng mô hình trồng rong nho
       
Đầu năm 2014, phòng NN&PTNT huyện Núi Thành triển khai trồng thử nghiệm giống rong nho Nhật Bản. Đến nay, có hộ gia đình được lựa chọn triển khai mô hình mới này thu hoạch trên 600 kg rong nho tươi mỗi tháng. Với giá bán tại chỗ 30.000 đồng/kg rong nho tươi, hộ gia đình có thể thu lãi hàng chục triệu đồng. Bà con cho biết, so với nuôi tôm, nghêu, hàu trước đây thì mô hình trồng rong nho này hiệu quả hơn hẳn. Cây rong nho không đòi hỏi kỹ thuật cao, dễ chăm sóc, phát triển nhanh và thời gian thu hoạch cũng ngắn, khoảng hơn 1 tháng đến 2 tháng sau khi trồng.

Rong nho là sản phẩm mới nên còn xa lạ với nhiều người tiêu dùng ở Quảng Nam, nhưng ở các địa phương như Nha Trang, Ninh Thuận... thì sản phẩm rong nho đã được thị trường ưa chuộng, loại tốt (màu tươi xanh, trái to, đều, bóng mượt...) có giá từ 100 – 130.000 đồng/kg. Cây rong nho biển là loài thủy sinh có khả năng thích nghi với môi trường nuôi trồng ở huyện Núi Thành. Loài này được nuôi trồng dưới các hình thức trồng đáy, trồng trong khay đất có thiết kế các lỗ trống tại các ao đầm hoặc trên biển, nuôi trong các hồ bể có mái che... 

Những năm gần đây việc nuôi trồng một số loài thủy hải sản phổ biến như hàu, tôm... của bà con trên địa bàn huyện gặp khá nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, phòng NN&PTNT huyện đã chủ động tìm hiểu, tiếp cận với những mô hình sản xuất mới cho hiệu quả hơn. Và cây rong nho Nhật Bản là một trong những mô hình mới đang được triển khai trồng thí điểm và bước đầu mang lại những thành công nhất định. Cây rong nho Nhật Bản sống và phát triển tốt đã tạo cơ hội cho bà con nhân dân ổn định việc làm tại chỗ, cho thu nhập cao so với nuôi trồng các loại thủy sản truyền thống. Khi áp dụng mô hình trồng rong nho, địa phương tận dụng được các diện tích ao nuôi tôm bị bỏ hoang để đưa vào sản xuất, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

PHÂN BIỆT HÀNG THẬT - GIẢ

 Ống nhựa PVC 
 
Cuộc cạnh tranh trên thị trường ống nhựa PVC ngày càng trở nên quyết liệt, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, nơi bà con không có nhiều lựa chọn. Không chỉ cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập chính hãng, ống nhựa còn phải đối mặt với tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày một tăng và ở mức độ tinh vi hơn.
 
 Chọn các sản phẩm có chất lượng

Ống nhựa PVC là sản phẩm có nhiều tính năng sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Với lĩnh vực xây dựng dân dụng dùng để dẫn nước nóng, lạnh; trong công nghiệp dùng để dẫn dầu, dẫn các chất lỏng ăn mòn cao, các dung dịch dinh dưỡng thực phẩm; trong nông nghiệp dùng để tưới tiêu... Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, trước khi lắp đặt một hệ thống tưới, dù là thủ công hay tưới tự động, bà con nông dân đều băn khoăn nên mua ống của thương hiệu nào? Kích cỡ, độ dày là bao nhiêu?.. 

Trên thực tế, khi quyết định lắp đặt 1 hệ thống tưới tiêu, bà con không nên ham rẻ mà chọn sản phẩm kém chất lượng, vì sẽ phải thường xuyên thay đổi sản phẩm trong quá trình sử dụng. Trong khi đó, chi phí và công lắp đặt 1 hệ thống tưới tiêu dù là lộ thiên hay đi âm dưới đất cũng rất tốn kém. Hiện nay, trên thị trường có 1 số thương hiệu được đánh giá cao là nhựa Tiền Phong, Bình Minh... Ngoài ra, 1 số sản phẩm do các công ty liên doanh sản xuất cũng khá bền và được bà con lựa chọn nhiều. Ngoài việc dựa vào thương hiệu, bà con có thể nhận biết được chất lượng sản phẩm bằng con mắt cảm quan. Sản phẩm chất lượng thường có màu sắc chuẩn, bắt mắt, các chân đồng bám sâu, ren sắc nét trong khi đó các sản phẩm cùng loại có xuất xứ Trung Quốc nhìn rất "dại", ren không đều. Riêng các loại ống gia công, nhái nhãn mác của các thương hiệu có tiếng nhìn không sắc nét, các chân đồng và ren không đều, thậm chí gửi thấy mùi nhựa tái sinh rất đặc trưng.

Chọn cỡ ống phù hợp

Đối với việc lựa chọn cỡ ống, các kỹ thuật viên cũng cho biết, cỡ ống lớn, nhỏ sẽ cho một lưu lượng nước lớn, nhỏ tương ứng đi qua trong một điều kiện tối ưu. Giả sử nếu hệ thống tưới yêu cầu 1 lưu lượng nước cần đạt được là 10m3/giờ, thì cỡ ống tối ưu là 49 mm hoặc 60 mm. Tương tự, nếu lưu lượng nước yêu cầu là 30m3/giờ, thì cỡ ống nào nên chọn là ống 90mm, hoặc 75mm.  Tuy nhiên, bà ocn cần lưu ý nếu cho một lưu lượng nước lớn là 30m3/giờ đi qua ống cỡ 60mm sẽ gây một tổn thất về áp suất lớn. Điều này khiến bà con phải đầu tư một máy bơm lớn hơn cho hệ thống để vẫn đảm bảo đủ cả về lưu lượng và áp suất. Dẫn đến chi phí tăng cao, đặc biệt chi phí dầu, hoặc điện do máy bơm tiêu hao. Trên thực tế, có nhiều bà con dùng máy bơm chỉ bơm được khoảng 10m3/giờ nhưng vẫn sử dụng ống lên tới 60mm gây lãng phí chi phí đầu tư đường ống ban đầu, ngược lại có những gia đình sử dụng máy dầu công suất bơm có thể đạt 30 - 40m3/giờ nhưng cũng dùng ống 60mm gây tổn thất áp cao trên đường ống và tốn chi phí chạy máy bơm.

(Thông tin do Báo Công thương và Cổng Thông tin UBDT phối hợp thực hiện)