Thông tin giá cả thị trường tuần từ 30/06/2014 đến 04/07/2014

04:10 PM 30/06/2014 |   Lượt xem: 2424 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Chung tay loại bỏ mũ bảo hiểm rởm, không an toàn 
 
“Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGTQG) cho biết, từ 1/7/2014, những người tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe gắn máy và xe đạp điện, nếu không đội mũ bảo hiểm (MBH), đội mũ sai quy cách, hoặc đội mũ không phải MBH sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt với mức từ 100.000 – 200.000 đồng. Các cơ sở sản xuất kinh doanh buôn bán MBH giả, mũ không phải MBH, không có dấu hợp quy, chưa có công bố tiêu chuẩn chất lượng, vi phạm về nhãn hàng hóa (làm nhái, làm giả) và mũ không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng bị xử lý”.
 
Xử phạt MBH rởm ở tất cả các khâu và mọi địa bàn

Theo Ủy ban ATGTQG, từ thời điểm trên các lực lượng chức năng sẽ tiến hành chiến dịch kiểm tra, xử lý về sản xuất, kinh doanh, buôn bán và việc sử dụng mũ bảo hiểm trên toàn quốc. Địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng không phải là ngoại lệ.

Ông Nguyễn Trọng Thái – Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết: Dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan như tỷ lệ người đội MBH đạt cao, tỷ lệ thương vong nặng giảm, ý thức của người dân được nâng lên, nhưng ở nhiều nơi vẫn còn tình trạng, người dân sử dụng, buôn bán các loại MBH rởm, tìm mọi cách đối phó với cơ quan chức năng. Đặc biệt, thời gian gần đây, ở nhiều địa phương, trong đó có địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, số người không đội MBH, hoặc đội MBH rởm gia tăng, nhất là các buổi tối.

Chính vì vậy, Ủy ban ATGTQG sẽ phối hợp với các bộ, ban ngành, chính quyền địa phương tổ chức chiến dịch xử phạt hành chính đối với cả người sản xuất, buôn bán và người sử dụng MBH rởm. Mục đích cuối cùng của các chiến dịch là nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông, tiến tới loại bỏ hoàn toàn những loại mũ trông giống MBH, nhưng không phải là MBH và kém chất lượng ra khỏi thị trường. Điều quan trọng là góp phần làm giảm thương vong do tai nạn giao thông gây ra, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.

Cần cả cộng đồng chung tay kiên trì thực hiện lâu dài

Ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, trên thị trường vẫn tồn tại tình trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng MBH rởm, kém chất lượng là do một số doanh nghiệp, người kinh doanh hám lợi và cả người dân thiếu ý thức, cố tình lợi dụng khe hở của pháp luật để vi phạm, chống đối lại chủ trương đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Do đó, việc kiểm tra xử lý hành vi vi phạm cả “gốc” (sản xuất) lẫn “ngọn” (buôn bán, tiêu dùng) là điều cần thiết phải làm và cần cả cộng đồng chung tay kiên trì thực hiện lâu dài. 

Tuy nhiên, làm thế nào để người dân có thể phân biệt được đâu là MBH thật, mũ kém chất lượng là điều khó khăn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa. Vì đã có những loại mũ cũng đủ 3 bộ phận, bao gồm: Vỏ nhựa cứng, lớp xung động (lớp xốp) và quai đeo theo đúng quy chuẩn về MBH của Bộ Giao thông Vận tải quy định, có dán tem nhưng tem của nhà sản xuất và tem hợp quy vẫn có thể làm giả. 

“Đối với mũ không phải MBH thì người dân dễ dàng phát hiện bằng mắt thường vì chỉ có một lớp nhựa, quai đeo, hoặc vỏ bằng chất lượng khác (nhựa tái sinh có màu đen, giòn nên dễ vỡ). MBH có chất lượng, thì nhựa của lớp vỏ thường có màu trắng, lớp xốp dầy dặn, chắc chắn, tem hợp quy sắc nét, rõ ràng...” – ông Thái cho biết. 

Nhiều ý kiến cho rằng, chiến dịch năm 2013, còn có chương trình hỗ trợ người dân đổi MBH rởm, lấy mũ đạt chuẩn, nên người dân còn có chỗ để “bấu víu” và làm đối chứng. Nhưng năm nay không còn, người dân sẽ gặp khó khăn để lựa chọn được hàng chất lượng, vì tình trạng bán MBH kém chất lượng nhan nhản khắp mọi nơi, đặc biệt là nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Tình hình trên, thiết nghĩ đối với các vùng sâu, vùng xa, biên giới miền núi, các cơ quan chức năng cần có một giải pháp riêng. Ví dụ như tổ chức các điểm bán hàng do các DN sản xuất MBH đúng tiêu chuẩn thực hiện, hoặc lựa chọn, công bố những cơ sở bán MBH đúng chất lượng để người dân được biết. Thời gian tuyên truyền, nhắc nhở người tham gia giao thông cũng nên kéo dài hơn trước khi xử phạt. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm nếu cố tình bán MBH rởm, mũ kém chất lượng.

Tất cả những giải pháp trên cần được tập huấn cho các cán bộ thực thi, tuyên truyền sâu rộng trên các đài phát thanh địa phương, thông qua các tổ chức đoàn thể ở thôn bản, xã, phường... Mặt khác, nếu phát hiện cơ sở sản xuất gia công mũ rởm, mũ kém chất lượng, giả - nhái hay cửa hàng nào bán MBH rởm, người dân cần chủ động thông báo cho cơ quan chức năng ở địa phương như quản lý thị trường, công an... để xử lý kịp thời. Đồng thời, tuyên truyền, nhắc nhở cho những người xung quanh mình thực hiện. Có chung sức tiêu diệt hàng rởm như vậy, thị trường MBH ở miền núi mới trong sạch, còn người dân được hưởng lợi lâu dài. 

MUA GÌ

Bến Tre: Giá dừa khô tăng trở lại 

Thời gian qua, giá dừa khô tại Bến Tre đã rớt giá rất mạnh khiến người trồng dừa rất hoang mang. Theo Hiệp hội Dừa Bến Tre, giá dừa xuống do 3 nguyên nhân gồm nhu cầu thị trường thế giới giảm khiến việc xuất khẩu cơm dừa nạo sấy gặp nhiều khó khăn; việc xuất dừa khô nguyên liệu đi Trung Quốc cũng gặp những trở ngại tương tự; thêm vào đó là tâm lý lo lắng, vội vàng thu hoạch của nông dân cũng khiến giá dừa giảm thêm. Đến nay, giá dừa khô tại tỉnh đã tăng mạnh trở lại hơn tuần qua. Hiện dừa khô loại 1 (1,2 - 1,3 kg mỗi quả) có giá 115.000 đồng/12 quả; dừa mua xô từ 85.000 - 90.000 đồng/12 quả. Theo một số thương lái thu mua dừa khô, giá dừa sẽ ổn định ở mức cao và có khả năng tăng nhẹ trong thời gian tới do việc tiêu thụ đã thuận lợi trở lại, thêm vào đó là dừa sắp bước vào mùa nghịch, sản lượng sẽ giảm đi.
 
Chợ Lách (Bến Tre): Giá măng cụt thấp nhất từ trước đến nay 

Mùa măng cụt thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 7 (âm lịch), rộ nhất là tháng 5, tháng 6. Huyện Chợ Lách là địa phương có diện tích trồng măng cụt lớn nhất tỉnh Bến Tre (trên 1.100 héc-ta), tập trung chủ yếu ở các xã Vĩnh Hòa, Tân Thiềng, Phú Sơn, Vĩnh Thành, Long Thới, Hưng Khánh Trung B. Trong đó, Vĩnh Hòa là xã có diện tích trồng măng cụt lớn nhất huyện Chợ Lách với 245 héc-ta đang cho quả. 
Năm nay măng cụt Chợ Lách ngon, chất lượng hơn mọi năm, rất ít quả bị xì mủ, bị sượng bởi lượng mưa đầu mùa ít; các hộ nông dân đã chủ động đốn bỏ cây măng cụt cho quả bị mủ để trồng chôm chôm nên số lượng này không bị trà trộn chung với măng cụt ngon. Với sản lượng khoảng 1 đến 1,2 tấn/1.000 m2, tăng gấp đôi so với mọi năm, nhưng giá bán măng cụt lại thấp nhất từ trước đến nay. Măng cụt đầu mùa thu mua tại vườn có giá 80.000 đồng/kg, nhưng đến nay chỉ còn 14.000 - 15.000 đồng/kg. Ngoài điệp khúc “được mùa, mất giá”, còn do nguyên nhân áp thấp nhiệt đới khiến thương lái không thể vận chuyển măng cụt đi xa nên hạn chế mua số lượng lớn.
 
Gạo đang được giá 

Tại miền Bắc, giá thóc tẻ thường dao động phổ biến ở mức 6.000 - 6.500 đồng/kg, giá gạo tẻ thường dao động phổ biến ở mức 8.000 - 12.500 đồng/kg. Tại Nam Bộ, giá lúa, dao động ở mức 5.050 - 6.050 đồng/kg, tăng khoảng 50 đồng/kg; gạo thành phẩm xuất khẩu loại 5% tấm giá trong khoảng 7.875  -  8.400 đồng/kg, tăng khoảng 125 - 350 đồng/kg; loại 25% tấm giá khoảng 7.250 - 7.550 đồng/kg, tăng khoảng 50 đồng/kg. Giá thóc, gạo từ nay đến cuối tháng có thể ổn định trở lại.
 
Cà Mau: Tôm nguyên liệu tăng giá hơn 10.000 đồng/kg 

Tỉnh Cà Mau hiện có diện tích nuôi tôm công nghiệp trên 7.735 héc-ta; trong đó riêng 6 tháng đầu năm tăng thêm gần 1.750 héc-ta so với cuối năm 2013. Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết giá tôm nguyên liệu trên thị trường đã tăng trở lại trung bình 10.000 - 15.000 đồng/kg. Theo đó, tôm sú loại 20 con/kg được thương lái mua 255.000 - 260.000 đồng/kg; loại 30 con/kg khoảng 225.000 đồng/kg. Tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giá 100.000 đồng/kg, loại 90 con/kg giá 103.000 đồng/kg và 80 con/kg là 110.000 đồng/kg. Dự báo giá tôm còn tăng trong thời gian tới.
 
Tiền Giang: Giá chanh giảm mạnh

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), chanh là một trong những loại cây trồng hiệu quả kinh tế cao ở các xã đầu nguồn của huyện với lợi thế là không kén đất, có thể trồng xen hoặc tận dụng những diện tích đất khó trồng được các loại cây ăn trái khác. Hiện nay, Cái Bè có diện tích trồng chanh lớn nhất Tiền Giang, lên tới 1.000 héc-ta. Khoảng 1 tháng trở lại đây thì giá chanh bắt đầu giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ chanh tươi giảm trong khi sản lượng chanh tăng. Hiện nay, chanh được các thương lái thu mua với giá 9.000 - 12.000 đồng/kg (tùy loại), khiến lợi nhuận của nông dân trồng chanh giảm sút. Ngoài nguyên nhân do sức tiêu thụ chanh trong nước giảm mà còn do thị trường Trung Quốc ngừng nhập chanh Việt Nam trong những ngày gần đây. Theo tính toán của nhiều nông dân trồng chanh ở Tiền Giang, chanh thường đạt năng suất khoảng 10 - 15 tấn/héc-ta. Với giá chanh hiện nay, sau khi trừ tất cả các chi phí, nhà vườn nào thu hoạch chanh trong thời điểm này xem như hòa vốn. Để tạo đầu ra ổn định cho cây chanh theo hướng sản xuất chất lượng, bền vững và tạo uy tín trong người tiêu dùng, huyện Cái Bè cũng đã thành lập HTX chuyên canh trồng chanh ở xã Tân Thanh với diện tích gần 200 héc-ta.

BÁN GÌ

Đường thốt nốt bán chạy

Tại các điểm du lịch ở An Giang thời điểm này, các vựa thốt nốt tràn ngập quả tươi và các sản phẩm chế biến từ thốt nốt. Ngoài thốt nốt tươi, cùi sấy, nước giải khát… thì đường thốt nốt đang được tiêu thụ mạnh. Hiện tại, giá mỗi cân đường thốt nốt khoảng 25.000 đồng, 1 ly thốt nốt tươi từ 6.000 – 8.000 đồng. 

Vùng Bảy Núi (An Giang) hiện có khoảng 60.000 cây thốt nốt, được trồng nhiều ở các xã Núi Tô, Ô Lâm, An Tức (Tri Tôn), An Cư, An Hảo, Văn Giáo (Tịnh Biên). Vài năm qua, cây thốt nốt giúp nhiều gia đình thoát nghèo, khá lên và giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động bằng cách khai thác và chế biến đường thốt nốt.
Ảnh: Đường thốt nốt – đặc sản nổi tiếng của vùng Bảy Núi

Giá xuất khẩu tinh bột sắn giảm

Tại cửa khẩu Móng Cái trong tuần qua, tinh bột sắn là mặt hàng nông sản xuất khẩu nhiều với sản lượng trong tuần đạt hơn 3.000 tấn, đạt trị giá 7,8 triệu nhân dân tệ (NDT). Giá giao dịch các sản phẩm tinh bột sắn trong tuần đã giảm từ 2.900 NDT/tấn xuống 2.600 NDT/tấn. Nguyên nhân giá xuất khẩu tinh bột sắn giảm là do nguồn cung cao hơn cầu tới 30%. Lợi dụng thực trạng đó, các đối tác Trung Quốc đã áp giá mạnh tay đối với bên xuất khẩu.

An Giang: Giá cà phê dao động nhẹ

Sau khi tăng trở lại trong tuần trước đó, sang tuần qua giá cà phê nhìn chung biến động nhẹ. Cụ thể, giá cà phê nhân xô tại thị trường Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông đã đứng ở mức 38.300 – 39.400 đồng/kg (tùy địa phương và chất lượng) so với 38.500 – 39.600 đồng/kg một tuần trước đó. Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đồng loạt tăng rất mạnh từ mức 39.000 đồng/kg lên 40.000 - 40.500 đồng/kg.

Trong khi đó, giá cà phê xuất khẩu FOB, TP. Hồ Chí Minh chào bán tăng nhẹ từ mức 1.942 đô-la Mỹ/tấn lên đạt 1.956 đô-la Mỹ/tấn.

Giá phân bón diễn biến trái chiều

Thị trường phân bón trong nước hiện đang có diễn biến trái chiều giữa các địa phương do yếu tố mùa vụ. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thị trường phân bón khá ảm đạm bởi nhu cầu cho vụ Hè Thu hiện còn khá yếu. Nhiều địa phương đã trong giai đoạn thu hoạch, một số địa phương khác thì vẫn tiếp tục chăm bón nhưng ảnh hưởng của mưa nên nhu cầu ít, nhu cầu phân bón của bà con còn hạn chế. Tại miền Bắc, nhu cầu không đáng kể do vụ Đông Xuân đang thu hoạch và khoảng 1 tháng nữa mới tới vụ Hè Thu (vụ mùa). Trong khi đó tại khu vực miền Trung, thị trường phân bón khá sôi động bởi nhiều địa phương đang bước vào giai đoạn bón đợt 2 cho lúa Hè Thu. Mặc dù nhu cầu cao nhưng do nguồn cung hàng nhiều nên đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Giá hạt tiêu tăng từng ngày

Tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước, giá hạt tiêu tiếp tục tăng và đã tăng lên mức kỷ lục 172.000 đồng/kg vào chiều 19/6. Giá hạt tiêu tăng lên từng ngày trong tuần cuối tháng 6. Trên thực tế, giá tiêu hạt đã bắt đầu tăng lên từ đầu tháng 6. Tuy nhiên, do trên thị trường, trữ lượng tiêu hạt còn tồn tại nhà của người trồng tiêu không nhiều cho nên thương lái tranh mua để dự trữ cũng là một trong những nguyên nhân làm giá tiêu tăng rất nhanh trong gần tuần nay. Với giá tiêu bán ra như hiện nay, người trồng tiêu có lãi rất cao. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm, trồng và chăm sóc tiêu cũng không phải dễ. Ngoài đất trồng phù hợp, giống tiêu tốt, khâu chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây tiêu cũng hết sức khó… Chính vì vậy, nhiều nông dân trồng tiêu thu lãi được 3 năm, đến năm thứ 4 do thời tiết, sơ sót trong khâu chăm sóc thì cả vườn tiêu, chỉ trong vài ngày bị sâu bệnh hoành hành… dây tiêu rủ xuống rồi chết sạch thì lãi trong 3 năm cũng không đủ để đầu tư trồng lại vườn tiêu mới.

Giá phân urê tại một số thị trường

Đ.V: Giá (đồng/kg)
Mặt hàng Tại các tỉnh miền Bắc Tại Đồng bằng sông Cửu Long Tại miền Trung - Tây Nguyên
Urê Phú Mỹ 7.750 - 7.850 7.750 - 7.800 8.200 - 8.400
Urê Cà Mau 7.400 - 7.450 7.200 - 7.400 
Urê Ninh Bình 7.200 – 7.300 7.200 – 7.700 7.750 – 7.900
Urê Trung Quốc 7.500 – 7.600 6.500 – 6.600 7.500 -7.550 

LƯU Ý CẢNH BÁO

Tiếp tay cho thuốc lá nhập lậu - thiệt đơn, hại kép

Thắt chặt sản xuất thuốc lá điếu hợp pháp trong nước, trong khi chưa kiểm soát được vấn nạn buôn lậu ở biên giới, đặc biệt chưa có chính sách vận động người dân biên giới không tiếp tay cho buôn lậu... đang tạo cơ hội cho thuốc lá lậu “lấn át” thị trường nội địa, gây thiệt đơn, hại kép.

Tạo thị trường cho thuốc lá lậu

Theo ông Phạm Kiến Nghiệp, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam: Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đã và đang có tác động rõ nét tới ngành công nghiệp thuốc lá. Sau khi doanh nghiệp (DN) thực hiện chuyển đổi bao thuốc lá điếu in cảnh báo bằng chữ sang in cảnh báo bằng hình ảnh theo quy định Thông tư 05 của Liên Bộ Công Thương và Y tế, sản lượng toàn ngành sụt giảm đáng kể. Tổng sản lượng toàn ngành trong 5 tháng đầu năm đã giảm tới 30%; 4/5 công ty có sản lượng 80% toàn ngành đều giảm sản lượng từ 8 - 25%. Sản lượng giảm kéo theo nộp ngân sách cũng giảm tới 30%.

Trong khi đó, thuốc lá nhập lậu không bị kiểm soát về hình ảnh và chất lượng ngày càng tăng mạnh, năm 2013, số thuốc lá nhập lậu khoảng 17 tỷ điếu, lấy đi 20% thị phần. Đặc biệt là 5 tháng đầu năm 2014 thuốc lá lậu tăng đột biến tới 30% so cùng kỳ năm 2013 và lấy đi 22% thị phần nội địa.

Phân tích về việc giảm sản xuất trong nước, tăng nhập lậu, ông Nghiệp cho biết: Người tiêu dùng hiện nay ngại mua những sản phẩm có in hình cảnh báo rợn người mà chuyển sang tiêu thụ các loại bao thuốc không in hình cảnh báo. Vì thế, thuốc lá lậu là lựa chọn số 1 mà người tiêu dùng tìm đến bởi giá rẻ, hình thức bắt mắt. Bên cạnh đó, nhiều người lo ngại, thuốc lá lậu làm thất thu ngân sách và không được kiểm soát chất lượng lại đang được nới tay, trong khi đó ngành công nghiệp thuốc lá ngày càng thu hẹp sản xuất. Nếu thị trường mất đi, nhường đất cho thuốc lá lậu thì 2 - 3 năm sau, DN có bỏ tiền núi cũng không thể lấy lại thị trường.

Trong khi, ngành thuốc lá còn đang chịu tác động lớn từ Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, thì mới đây Bộ Tài chính lại có văn bản đề nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá sẽ tiếp tục tạo gánh nặng cho ngành. 

Mất hơn 6.500 tỷ đồng mỗi năm và ảnh hưởng lớn an sinh xã hội

Điều đáng lo ngại, không những giảm thu ngân sách nhà nước từ việc giảm sản lượng thuốc lá hợp pháp mà thuốc lá nhập lậu gia tăng còn gây thất thu nguồn ngân sách lớn cho nhà nước. Năm 2013, thuốc lá nhập lậu đã làm thất thu khoảng 6.500 tỷ đồng thuế cho ngân sách Nhà nước. 

Không chỉ làm thất thu ngân sách, buôn lậu thuốc lá có tác động tiêu cực gây thiệt đơn, hại kép. Theo thống kê của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, vấn nạn thuốc lá lậu gia tăng làm mất sản lượng nguyên liệu 18.000 tấn/năm (tương đương diện tích trồng là 10.000 héc-ta). Theo đó, mất việc làm của nông dân với 5 triệu công lao động/năm; mất việc làm của công nhân với 600.000 công lao động/năm... 

Đặc biệt, vùng trồng thuốc lá nguyên liệu đa phần ở miền núi, đồng bào nghèo, nhưng làm thu hẹp sản xuất, cũng có nghĩa đời sống nông dân nhiều vùng nguyên liệu ở miền núi cũng khó khăn theo. Ông Phạm Kiến Nghiệp lo ngại khi người dân mất việc làm, đặc biệt là cư dân biên giới sẽ tìm đủ mọi cách để tìm kế sinh nhai, trong đó có cả việc đi buôn lậu và tiếp tay cho buôn lậu… Điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn tới an sinh xã hội. Nguy hiểm hơn, thuốc lá nhập lậu không tuân thủ bất kỳ quy định nào về in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, ATVSTP và lộ trình giảm các chất gây hại (Tar và Nicotine), không kiểm soát được chất lượng nên sẽ gây tác hại nhiều đến sức khỏe cộng đồng. Điều quan tâm, thực trạng buôn lậu tại các khu vực biên giới lại do chính cư dân sinh sống tại đây tiếp tay. Các đối tượng đầu nậu lợi dụng chính sách ưu đãi cho cư dân biên giới đã thuê cư dân biên giới để thực hiện hành vi buôn lậu. Điển hình như khu vực biên giới Tây Nam người dân còn trực tiếp tham gia vận chuyển hàng lậu thuê cho các đầu nậu, khi bị lực lượng chức năng bắt thì chống trả quyết liệt…

Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Nghiệp, người dân khu vực này phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, kinh tế khó khăn nên vào thời điểm nông nhàn thường được các đầu nậu thuê mướn đeo vác hàng lậu qua biên giới… 

box: 
Ông Phạm Kiến Nghiệp, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho rằng: “Để chuyển biến nhận thức người dân không tiếp tay cho buôn lậu, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân vùng biên giới…, rất cần các cấp, ngành và quan trọng nhất là chính sự nỗ lực từ phía chính quyền địa phương trong việc giải quyết công ăn việc làm và định hướng nghề nghiệp đúng đắn cho người dân tại các khu vực giáp biên. Có cơ chế chính sách tạo công ăn việc làm cho bà con biên giới thiết thực hơn. Ví dụ như hỗ trợ đầu tư cho cư dân biên giới có thêm cuộc sống ổn định thì họ sẽ yên tâm trong việc sản xuất, hạn chế tiếp tay cho buôn lậu”.
Hà Nguyễn

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Đông Triều (Quảng Ninh):Tạo đầu ra ổn định cho nông sản

Thời gian qua, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) đã từng bước thực hiện gắn kết chặt chẽ giữa “4 nhà” trong nông nghiệp (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân). Qua đó, tạo điều kiện cho bà con nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hình thành tư duy làm ăn mới, góp phần tạo đầu ra ổn định cho nông sản.

Mô hình của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong là một điển hình trong việc thực hiện liên kết “4 nhà”. HTX đã mạnh dạn đầu tư vốn, thuê chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn cho nông dân kỹ thuật trồng và chăm sóc rau màu, áp dụng khoa học công nghệ trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, triển khai trên diện tích 13 héc-ta tại xã Xuân Sơn. Thực hiện theo mô hình này, nông sản của bà con được HTX hỗ trợ, bao tiêu từ khâu sản xuất, đến tiêu thụ. 

Bên cạnh đó, để tạo nguồn tiêu thụ ổn định cho nông sản, HTX còn đầu tư các cửa hàng bán và trưng bày sản phẩm tại các chợ trên địa bàn như: Chợ Cột, Mạo Khê, Trần Hưng Đạo, Bình Khê... Đồng thời, HTX ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp và tiểu thương trên địa bàn tỉnh, như các doanh nghiệp ngành than, ngành điện, một số đơn vị sản xuất xi măng, du lịch, nhà hàng, khách sạn. 
Cùng với đó, việc liên kết với các đơn vị nghiên cứu về nông nghiệp trong nước và nước ngoài đã từng bước tạo ra sự hỗ trợ hiệu quả cho địa phương, nông dân. Như mô hình 1 héc-ta trồng 7 loại rau (ớt, cải củ, hành lá, bí ngô, khoai tây, khoai lang và cà rốt) tại xã Nguyễn Huệ, thực hiện từ năm 2012 đến nay do Viện Nghiên cứu rau, quả Trung ương triển khai theo chương trình hợp tác phát triển giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc. Thực hiện mô hình này, các hộ sản xuất được hỗ trợ 100% về giống và một phần vật tư, chuyển giao kỹ thuật thâm canh. Qua đánh giá thực tế mô hình, các loại cây trồng đều cho năng suất và thu nhập vượt trội so với những loại cây trồng khác tại xã trước đây. Hay như, từ vụ đông năm 2013, huyện đã ký kết với Công ty Orion của Hàn Quốc trồng 51 héc-ta khoai tây Atlantic tại các xã Bình Dương, Kim Sơn, Xuân Sơn, Việt Dân. Tham gia mô hình này, các hộ nông dân được ứng giống, sau khi thu hoạch sẽ thanh toán bằng đổi trừ sản phẩm; các sản phẩm đạt tiêu chuẩn được Công ty Orion bao tiêu toàn bộ.

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đông Triều, mô hình doanh nghiệp, HTX đầu tư đầu vào sản xuất và bao tiêu nông sản sẽ hạn chế tình trạng nông dân sản xuất nhỏ lẻ, không tập trung và quan trọng hơn là tạo nguồn tiêu thụ nông sản ổn định, giúp bà con yên tâm sản xuất. 

Cao Bằng: Khó khăn trong phát triển vùng nguyên liệu sắn

Xã Chu Trinh (thành phố Cao Bằng) là xã trọng điểm trồng cây sắn cao sản vì nơi đây có lợi thế gần Nhà máy Chế biến tinh bột sắn, đất đai ở đây phù hợp. Vì vậy, ngay từ khi Nhà máy đang khởi công xây dựng, đại bộ phận các hộ nông dân đã tiến hành trồng giống sắn cao sản KM94 do Nhà máy cung cấp.

Năm 2010, xã Chu Trinh trồng được gần 100 héc-ta sắn, 100% thôn, xóm đều đã ký cam kết trồng giống sắn cao sản. Nhưng đến năm 2013, toàn bộ diện tích trồng sắn đã giảm đi khá nhiều, người dân cũng không mấy mặn mà với cây sắn. Khi Nhà máy Chế biến tinh bột sắn đi vào hoạt động cuối năm 2013 thì sản lượng sắn lại không đáp ứng với yêu cầu công suất. Năm 2014, xã Chu Trinh được giao trồng 120 héc-ta sắn, nhưng đến thời điểm này, bà con mới chỉ trồng được khoảng 70% diện tích, có xóm cũng chỉ trồng được 50% diện tích so với kế hoạch. Nguyên nhân do bà con vẫn e ngại giống như trước đây thu hoạch xong Nhà máy không thu mua. Việc thu mua của Nhà máy chỉ diễn ra ở những nơi đường giao thông thuận tiện và phải đủ số lượng 2 tấn thì mới có xe vận chuyển. Trong khi đó, các hộ ở xa rất khó trong việc vận chuyển sắn để tiêu thụ. Nhiều hộ đã tự ý phá hợp đồng, thấy ai trả giá cao hơn thì bán không hề nghĩ tới lợi ích lâu dài. Trong khi đó, Nhà máy Chế biến tinh bột sắn có công suất 100 tấn tinh bột/ngày, tương đương tiêu hao nguyên liệu sắn củ tươi từ 350 - 400 tấn/ngày...

Được biết, vụ sản xuất năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ giống cho nông dân vùng nguyên liệu sắn. Theo đó, các hộ thuộc vùng 1 và vùng 2 được hỗ trợ 40%, vùng 3 được hỗ trợ 100%. Điều đó khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng, tạo vùng nguyên liệu tập trung. Tuy nhiên, việc quy định mức hỗ trợ cụ thể từng vùng như vậy, đòi hỏi các địa phương cần phối hợp với Nhà máy để có kế hoạch hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, tránh thiệt thòi cho người trồng sắn.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Ngành thủy sản, cần sớm tìm giải pháp đa dạng hóa thị trường

Những ngày này, Công ty TNHH Thủy sản Phúc Minh (TP. Nha Trang) đang khẩn trương thu gom cá mú nuôi của người dân tại các tỉnh Nam Trung Bộ để xuất khẩu chính ngạch cá sống sang Trung Quốc bằng tàu thủy. Từ đầu năm đến nay, DN này đã xuất được 5 chuyến tàu, với tổng sản lượng khoảng 150 tấn cá sống, trị giá hàng triệu đô-la Mỹ. Cá mú đen đang được DN thu mua tại đìa với giá 250.000 đồng/kg, loại 1,5 kg/con. Nguồn cá mú cung cấp từ Việt Nam được các DN Trung Quốc đánh giá rất cao về chất lượng.

Hiện nay, giá cá mú tại Khánh Hòa đang dao động từ 200.000 - 400.000 đồng/kg, tùy theo từng loại cá. Ngoài lượng cá mú được xuất khẩu chính ngạch, hiện có nhiều mặt hàng thủy sản khác như tôm hùm, ốc hương cũng đang được xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Hiện tôm hùm loại 1 đang được thu mua tại lồng với giá 1,7 triệu đồng/kg, ổn định như năm ngoái.

Theo đánh giá của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Khánh Hòa, các mặt hàng thủy sản như cá mú, tôm hùm, ốc hương... tuy sản lượng không lớn, nhưng giá trị kinh tế rất cao. Đây là những mặt hàng chỉ đạt giá trị cao nếu đảm bảo được còn sống khi đến với khách hàng. Tuy vậy, điều đáng lo ngại là ngoài lượng nhỏ tiêu thụ trong nước, hầu hết các mặt hàng này đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trong tỉnh Khánh Hòa cũng chưa có DN nào chế biến các mặt hàng này. Điều này khiến ngành nuôi trồng thủy sản đang gặp nhiều bất lợi vì chỉ cần phía nhập khẩu hạn chế hoặc dừng thu mua thì các mặt hàng này sẽ lập tức hạ giá. Thời gian gần đây, nhiều DN Khánh Hòa cố gắng tìm kiếm các thị trường tiêu thụ trong nước nhưng kết quả vẫn hạn chế. 

Theo ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa, về lâu dài, Nhà nước cần quy hoạch, tìm kiếm thị trường, hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng sản phẩm để đa dạng hóa đầu ra. Trung Quốc vẫn là một thị trường lớn nhưng không nên quá phụ thuộc vào họ. 

Đồng Nai: Bà con trồng xoài thiếu thông tin và thiếu liên kết

Với gần 46.000 héc-ta, Đồng Nai là một trong số các tỉnh có diện tích cây ăn trái lớn nhất khu vực phía Nam với nhiều loại trái ngon, như: Chôm chôm, mít, xoài, sầu riêng, thanh long ruột đỏ... Đây đều là những trái cây có tiềm năng xuất khẩu lớn.

Vụ xoài năm nay, nhiều nông dân Đồng Nai đã trắng tay chỉ vì giá xoài giảm mạnh xuống, còn 1.500 – 2.000 đồng/kg. Thương lái chỉ ưu tiên mua tại vườn có đường đi lại thuận lợi, còn những vườn ở sâu bên trong, nông dân phải thu hoạch và vận chuyển ra bán cho đại lý. Nghịch lý là xoài ế thừa, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu lại phải từ chối đơn hàng. Nguyên nhân do xoài Đồng Nai không hợp thị hiếu thị trường. Ví dụ có những thị trường chỉ chuộng xoài cát Hòa Lộc và Cát Chu, trong khi nông dân Đồng Nai chủ yếu trồng xoài ba mùa mưa nên không xuất khẩu được. Nhưng ngược lại cũng có chủ trang trại trồng xoài ở huyện Vĩnh Cửu cho biết hiện giống xoài có nguồn gốc từ Florida (Mỹ) của trang trại đang xuất khẩu rất tốt qua các thị trường Mỹ, New Zealand... Nhiều đoàn khách từ Dubai, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng về tận nơi đặt vấn đề xuất khẩu nhưng trang trại không đủ hàng cung cấp. Chủ trang trại cho biết nếu các hộ trồng có nhu cầu sẽ sẵn sàng hướng dẫn chuyển giao giống, kỹ thuật canh tác và cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân phát triển vùng chuyên canh giống xoài này. 

Để khắc phục tình trạng kể trên, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành hàng loạt những chính sách hỗ trợ nhằm tạo ra những vùng sản xuất cây ăn trái theo hướng hàng hóa để xuất khẩu ổn định đầu ra và nâng cao thu nhập. Cụ thể, tỉnh đã chọn lọc và phát triển các loại cây ăn trái chủ lực, như: bưởi, xoài, sầu riêng... Nông dân được hỗ trợ một phần giống, kinh phí, vật tư nông nghiệp để hình thành các vùng thâm canh, chuyên canh lớn đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Đây được xem là tiền đề cho mục tiêu phát triển chuỗi liên kết giữa DN và nông dân - một lỗ hổng khá trầm trọng. Qua đó, giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản một cách bền vững.
 

HÀNG THẬT, HÀNG GIẢ

Phân biệt mũ bảo hiểm chính hãng với hàng kém chất lượng

Kể từ ngày 1/7/2014, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ xử phạt người điều khiển mô-tô, xe máy, xe máy điện tham gia giao thông mà không đội mũ bảo hiểm, mũ không đúng quy cách và mũ bảo hiểm không dành cho các loại phương tiện trên. Điểm mới nhất ở đây là việc lực lượng này sẽ xử lý cả những người đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn. Đó là những mũ bảo hiểm không đủ 3 bộ phận bao gồm vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động (xốp) và quai mũ. 

Chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con cách thức đơn giản nhất để phân biệt mũ bảo hiểm chính hãng và mũ bảo hiểm không đạt chuẩn. Chỉ bằng vài thao tác và chịu khó quan sát, việc phân biệt một chiếc mũ bảo hiểm thật và giả khá dễ dàng:

Mũ bảo hiểm giả/không đạt chất lượng

Không có tem dán hợp chuẩn (CR), không có nhãn hàng hóa hoặc nếu có thì tem, nhãn không sắc nét, dễ trầy xước, tróc khỏi vỏ mũ.

Thiết kế đơn giản, sơ sài, các chi tiết không sắc nét, thường nhái theo các kiểu mũ thời trang (mũ lưỡi trai, mũ rộng vành, mũ phớt…).

Vỏ mũ làm bằng nhựa mỏng, giòn, dễ trầy xước, dễ vỡ khi va chạm mạnh.

Lõi xốp mỏng, mềm, bị lún khi ấn ngón tay vào, dễ tháo rời khỏi vỏ mũ. Một số mẫu không có lõi xốp mà chỉ có một lớp vải mỏng bên trong.

Dây quai mũ mỏng, dễ bị dãn khi kéo căng, dễ đứt, khóa mũ làm bằng nhựa kém chất lượng nên dễ gãy sau vài lần sử dụng, khi kéo căng quai có thể bị bung ra khỏi mũ.

Một số mũ bảo hiểm giả có thêm lớp kính chắn gió, tuy nhiên kính thường mờ, chất liệu làm kính khá giòn và dễ gãy, khớp nối kính với mũ không chắc chắn.

Thường các loại mũ giả tập trung vào dạng lưỡi trai hoặc nửa đầu mà ít khi có mũ cả đầu hoặc mũ loại 3/4. Loại này được bày bán tràn lan ở các vỉa hè, cửa hàng nhỏ hoặc chợ.
Giá thành rất thấp, chỉ từ vài chục ngàn đồng.

Mũ đạt chất lượng

Có dán tem hợp chuẩn (CR), nhãn hàng hóa được thiết kế tinh xảo, phản chiếu sắc cầu vồng dưới ánh sáng. Ngoài ra, một số nhà sản xuất không chỉ in logo trên bề mặt mũ mà còn in trên quai mũ, lõi xốp bên trong để chống hàng giả.

Thiết kế tinh xảo, các chi tiết sắc nét, chắc chắn, ôm sát đầu và có cảm giác êm, thoải mái khi đội.

Vỏ mũ làm bằng nhựa tốt, dày, cứng như ABS (nhựa cứng), PVC (nhựa cao cấp, nhẹ hơn ABS), sợi thủy tinh (chống trầy xước), da…

Lõi xốp dày, chắc, không bị lún khi ấn ngón tay vào, được dán chắc chắn vào vỏ mũ.

Dây quai có nhiều lớp, chắc chắn, chịu lực kéo rất tốt. Khóa mũ và các đai nhựa giữ dây mũ được sản xuất từ nhựa tốt, khi cài và điều chỉnh thì mũ rất ôm vào đầu, một số mũ có thêm miếng cao su ở dưới cằm.

Mũ bảo hiểm thật loại có kính chắn gió thì kính sẽ trong, dẻo, có thể chịu uốn cong hoặc thậm chí là chịu được lực dẫm đạp. Khớp nối với mũ chắc chắn, gió mạnh cũng khó làm bật kính.
Mũ bảo hiểm thật thường ít có các kiểu mũ thời trang mà chủ yếu tập trung vào loại nửa đầu, 3/4 hoặc cả đầu. Thường được bày bán trong các cửa hàng có địa chỉ cụ thể, có chế độ bảo hành và cam kết của nhà sản xuất.

Giá thành từ 200.000 đồng trở lên.

Để bảo vệ sức khỏe, tính mạng bản thân và những người trong gia đình cũng như thể hiện ý thức tuân thủ pháp luật, bà con hãy tìm mua sản phẩm mũ bảo hiểm chất lượng từ những nhà sản xuất uy tín thay vì các mặt hàng trôi nổi với giá thành rẻ như trước đây.

(Thông tin do báo Công thương và Cổng Thông tin UBDT phối hợp thực hiện)