Thông tin giá cả thị trường số ra ngày 8/5/2015

03:16 PM 08/05/2015 |   Lượt xem: 2019 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Giải pháp phát triển bền vững ngành chè: Gắn vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến

Theo thống kê của Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas), nước ta hiện có khoảng 140.000 héc-ta đất trồng chè. Tuy nhiên, các nhà máy chế biến chè trong nước vẫn đang gặp khó với nguồn nguyên liệu đầu vào…
Sản lượng lớn, nhưng chất lượng chưa cao

Theo đó, diện tích chè đang cho thu hoạch là 130.000 héc-ta, năng suất bình quân đạt 8 tấn búp tươi/héc-ta. Tổng sản lượng hàng năm đạt xấp xỉ 180.000 - 190.000 tấn/năm. Trong đó, xuất khẩu chiếm đến 80% tổng sản lượng. Năm 2014, nước ta đã xuất khẩu 130.000 tấn chè, kim ngạch đạt 230 triệu đô-la Mỹ. Với sản lượng và kim ngạch xuất khẩu trên, Việt Nam tiếp tục đứng ở vị trí thứ 5 trên thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Kenya và Srilanka.

Tuy nhiên, dù sản lượng ở mức khá cao nhưng giá bán của chè Viêt Nam vẫn ở thấp, chỉ bằng 60 - 70% giá bình quân trên thế giới. Theo ước tính của Vitas, giá chè xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức trung bình 1,7 đô-la Mỹ/kg. Nguyên nhân chủ yếu là do sản phẩm chè xuất khẩu của nước ta còn nghèo nàn về chủng loại. Chủ yếu vẫn là mặt hàng chè đen chiếm đến 60 - 65% nên giá trị xuất khẩu thấp. Những năm gần đây, dù sản lượng chè xanh xuất khẩu đã tăng lên nhưng vẫn chưa đóng vai trò chủ lực. Bên cạnh đó, chất lượng, mẫu mã chưa hấp dẫn nên chưa đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu lâu năm trên thế giới. Phần lớn chè Việt Nam vẫn phải xuất khẩu dưới dạng thô cho các công ty nước ngoài. Đặc biệt, ngay tại thị trường trong nước, sự gắn bó giữa chế biến và sản xuất nguyên liệu chưa được chặt chẽ với nhau cũng làm giảm giá trị của chè trên thị trường.

Gắn vùng nguyên liệu với nhà máy sản xuất


Thống kê sơ bộ, Việt Nam đang có 450 nhà máy sản xuất chè nằm rải rác trên các địa bàn, chưa kể các cơ sở chế biến nhỏ lẻ, hộ gia đình. Trên cùng một vùng nguyên liệu có đến 2 – 3 cơ sở cùng khai thác đã dẫn đến việc tranh mua, tranh bán. Chè từ tay người trồng qua các người buôn đến điểm chế biến, nên nhiều cơ sở không nắm được chính xác nguồn gốc, chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào. Chưa kể đến việc người trồng bị ép giá trong khi nhà máy vẫn phải thu mua với giá cao và do cách bảo quản không đúng kỹ thuật làm chè bị giảm chất lượng.

Trước tình hình này, Ban chỉ đạo phát triển chè bền vững, đề xuất các địa phương điều chỉnh lại quy hoạch các cơ sở chế biến chè, tiến hành phân vùng nguyên liệu cụ thể cho từng cơ sở chế biến và rà soát chặt các cơ sở chế biến đảm bảo tiêu chuẩn cũng như hướng dẫn doanh nghiệp chế biến ký kết hợp đồng với nông dân trồng chè.

Với cách làm này, các cơ sở cũng sẽ dễ dàng trong việc hỗ trợ người dân trồng từ khâu cây giống, kỹ thuật... cho đến khi thu mua. Đơn cử như công tác phun thuốc bảo vệ thực vật sẽ được thực hiện triệt để trên diện rộng. Hiện nay, một số đơn vị đi đầu trong việc đảm bảo chứng nhận chè an toàn như: chè Mỹ Lâm (Tuyên Quang), Phú Bền (Phú Thọ), Cờ đỏ (Sơn La)... đã tham gia vào thử nghiệm mô hình này. Theo đó, các vùng nguyên liệu tập trung sẽ có những đơn vị bảo vệ thực vật làm nhiệm vụ kiểm tra sâu bệnh, tư vấn, hướng dẫn chăm sóc và thực hiện việc phun thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân. Nhờ đó sẽ hạn chế tối đa thiệt hại cho người trồng mỗi khi có dịch bệnh, tránh tình trạng phun tự phát tràn lan từng hộ gia đình, vừa không an toàn vừa thiếu triệt để, gây ảnh hưởng đến hiệu suất kinh tế. Ban chỉ đạo sẽ đánh giá lại các mô hình phát triển chè bền vững này để nhân rộng ra nhiều địa phương khác.

Box: Ông Hoàng Vĩnh Long, Chánh Văn phòng Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết: Việc làm cần kíp của ngành chè Việt Nam hiện nay là phải phân bổ quy hoạch lại các vùng nguyên liệu tại các địa phương, gắn vùng nguyên liệu với nhà máy. Đặc biệt, không cấp phép cho bất cứ nhà máy nào nếu chưa có vùng nguyên liệu riêng. Đây cũng là chủ trương của Ban chỉ đạo Phát triển Chè bền vững.

MUA GÌ

Vĩnh Long: Chanh tứ quý đắt hàng

Trong những năm gần đây, người trồng chanh ở ấp Long Hòa 1, xã Long Mỹ, huyện Mang Thít (Vĩnh Long) rất phấn khởi nhờ có thị trường tiêu thụ rộng mở, đầu ra dễ dàng, nhất là mùa nắng nóng từ tháng 1 đến tháng 4, giá cao gấp đôi mùa thuận. Nhiều bà con nông dân đã đánh giá cao cây chanh tứ quý (loại có hột) là giống chanh có nhiều ưu thế nhất hiện nay, ít bị bệnh vàng lá, xì mủ, ít bị sâu cuốn lá như các loài cây có múi khác nên người trồng giảm được tổn thất và lợi nhuận thường ở mức cao. Loại chanh này tuy trái không to nhưng mọng nước và có mùi thơm đặc biệt nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Chanh hái xong có thương lái đến tận vườn thu mua chuyển đi các chợ đầu mối. Giá chanh tương đối ổn định. Mùa thuận giá bình quân 10.000 đồng/kg; mùa nghịch (tháng 2, 3 và 4) có giá từ 18.000 – 26.000 đồng/kg, có lúc hút hàng lên tới 30.000 đồng/kg. Lợi nhuận của cây chanh tứ quý hiện đang đứng đầu trong các loài chanh khác. Muốn cây phát triển bền vững, trái sai, chất lượng tốt, trước hết người trồng phải biết áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Tuyệt đối không ép cho cây ra nhiều quả vì làm như thế cây sẽ mau cỗi và tuổi thọ không cao.

Nghệ An: Dứa tiêu thụ khó, giá thấp

Thị trường tiêu thụ dứa trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) năm nay được dự báo là rất khó khăn dù đây mới chỉ là thời điểm đầu vụ. Huyện Quỳnh Lưu khẳng có 5 xã tham gia mô hình trồng dứa với tổng diện tích hơn 600 héc-ta, trong đó trên 200 héc-ta đã đến kỳ thu hoạch. Giá dứa chỉ dao động từ 5.000 – 5.500 đồng/kg. Được biết, toàn xã Tân Thắng có trên 320 héc-ta dứa. Ông Lang Đình Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thắng cho rằng: “Hiện trên địa bàn không có đơn vị nào đứng ra bao tiêu sản phẩm nên người nông dân đang phải tự xoay sở, do đó thường xuyên bị cánh thương lái ép giá”.

Lý Sơn: Trúng đậm mực núc

Những ngày qua, hàng chục tàu cá của ngư dân đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) sau mỗi đêm thả lưới ven đảo, mỗi tàu khai thác được hàng tạ mực núc, thu về vài chục triệu đồng. Ngoài số cá khai thác được, mỗi tàu của ngư dân còn trúng đậm hàng trăm kg mực núc. Mực núc là loại hải sản sống xa bờ, tuy nhỏ như ngón tay cái nhưng cơm dầy và ngọt. Đây là loại mực đang được thị trường ưa chuộng. Với giá bán sỉ cho tư thương từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, mỗi tàu thu về hàng chục triệu đồng. Theo ngư dân, các năm trước loại mực này rất hiếm tại ngư trường ven đảo, nhưng năm nay có lẽ do thời tiết biến đổi bất thường nên loại mực này kéo về nhiều. Mỗi mẻ lưới thả xuống ngoài sản lượng cá nục thu được thì có hàng chục ki-lô-gam mực núc đóng lưới. Trung bình mỗi đêm tàu khai thác được khoảng 2 - 3 tạ mực núc.

Cần Thơ: Dâu bòn bon bán được giá

Những năm gần đây, để đa dạng hóa sản phẩm, tránh rớt giá, bà con xã Hạ Châu, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ chuyển sang trồng một giống dâu khác, có năng suất cao, đó là dâu bòn bon. Dâu bòn bon là loại dâu ghép rất dễ chăm sóc, ít sâu bệnh. Cây trồng khoảng 3 năm thì cho trái. Để tránh dội chợ, giá thấp, nông dân còn xử lý cho dâu ra trái sớm. Cây càng lâu năm trái càng sai (trái từ gốc đến ngọn). Trái dâu bòn bon có hình dáng tròn, chín có màu vàng sậm, vị chua ngọt rất hấp dẫn. Thương lái rất thích mua dâu bòn bon chuyển lên TP. Hồ Chí Minh hay sang nước bạn Campuchia bán. Với giá thu mua tại vườn là 15.000 đồng/kg, trừ các chi phí khác, người làm vườn còn lãi khoảng 140 - 150 triệu đồng/héc-ta, nếu chăm sóc tốt, gặp vụ được giá, lãi còn cao hơn

BÁN GÌ

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá tôm nguyên liệu giảm

Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời tiết diễn biến bất thường, bên cạnh những chuỗi ngày nắng nóng đã xuất hiện những cơn mưa trái mùa, thậm chí là mưa lớn kéo dài. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến tôm nuôi và gây thiệt hại cho bà con. Do vậy, đến nay, tất cả các địa phương đều trễ lịch thời vụ xuống giống vụ mùa tôm năm 2015. Ngoài yếu tố thời tiết, giá tôm nguyên liệu cũng gây bất lợi cho người nuôi. Hiện tại, giá tôm thẻ chân trắng chỉ bán ở mức giá 85.000 - 95.000 đồng/kg, loại 100 con/kg, giảm từ 15.000 - 20.000 đồng/kg; giá tôm sú bán 150.000 - 175.000 đồng/kg, loại 40 con/kg, giảm 25.000 - 45.000 đồng/kg.

Đồng Tháp: Trúng vụ sen

Toàn huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp có hơn 40 héc-ta diện tích trồng sen. Hiện nay, nông dân trong huyện bắt đầu thu hoạch rộ. Mùa sen năm nay khá trúng, cách hai ngày hái một lần, được 150 kg gương sen. Những ngày đầu vụ, sen có giá khoảng trên 25.000 đồng/kg. Tuy nhiên, càng vào chính vụ sen càng rớt giá so với cách đây gần 1 tháng, giá giảm còn khoảng 15.000 - 17.000 đồng/kg. Một số bà con đã trồng sen trên ruộng lúa vừa thu hoạch vụ đông xuân cũng thu lãi khoảng 60 triệu đồng/héc-ta. Nông hộ biết chăm sóc cho sen ra hoa làm gương suốt chu kỳ sinh trưởng với năng suất cao. Cây sen thay hai vụ lúa, đỡ vất vả rất nhiều từ việc chăm sóc đến vận chuyển, lợi nhuận cũng cao hơn vì giảm chi phí.

Đắk Nông: Trồng gấc xuất khẩu sang châu Âu

Hiện nay, HTX Nam Hà ở thị trấn Ea T’ling (Chư Jút) đã liên kết với nông dân trên địa bàn huyện Chư Jút, Krông Nô, Đăk Mil và thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) trồng được 300 héc-ta cây gấc để xuất khẩu sang châu Âu. Toàn bộ diện tích gấc được trồng theo tiêu chuẩn cung cấp nguồn nguyên liệu sạch phục vụ cho chế biến thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm. Sau 7 tháng trồng, cây gấc bắt đầu cho thu hoạch, năng suất đạt trên 20 tấn/héc-ta. Sau khi trừ chi phí, với giá bán 6 triệu đồng/tấn thì mỗi héc-ta lời 100 triệu đồng/năm. Sau khi gấc được thu hoạch, HTX sẽ sơ chế sấy khô sản phẩm và bán lại cho các công ty để xuất khẩu. Trên cơ sở hợp tác với các công ty sản xuất các sản phẩm, HTX đã hợp đồng với nông dân tiếp tục mở rộng diện tích.

Bắc Kạn: Thu mua chuối tây giá cao

Khác với không khí trầm lắng mọi năm, từ đầu tháng 4/2015 đến nay, rất nhiều xe vận tải đến xã Nông Thượng, thị xã Bắc Kạn, vựa chuối tây lớn nhất của tỉnh Bắc Kạn thu mua quả chuối tây xanh với giá cao nên bà con rất phấn khởi. Theo các tư thương, giá chuối tây xanh năm nay tăng cao do thương lái tại các tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên thu mua để bán lẻ ra thị trường. Với thu nhập ước đạt từ 50 - 80 triệu đồng/héc-ta, những năm qua, loại cây trồng này đã giúp cho nhiều hộ gia đình thoát nghèo. Hiện toàn tỉnh Bắc Kạn có khoảng 400 héc-ta cây chuối tây trồng rải rác ở tất cả các huyện, thị xã. Chuối tây dễ trồng, dễ chăm sóc, thu hoạch quanh năm đem lại hiệu quả kinh tế cao, cộng với ưu điểm phù hợp với điều kiện đất đai, ít sâu bệnh, vốn đầu tư thấp. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ rộng nên rất phù hợp để các hộ nông dân đưa vào sản xuất hàng hóa.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Thương lái ép giá chè đến khi nào?

Điệp khúc được mùa mất giá, bị thương lái ép giá đã trở nên quá quen thuộc với người nông dân. Các sản phẩm chè do nông dân sản xuất và chế biến vẫn chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường do không có kênh phân phối lâu dài, phụ thuộc nhiều vào tiểu thương.

Vị chát chè Tà Xùa


Người Mông ở xã Tà Xùa (Bắc Yên - Sơn La) đã gắn bó với cây chè qua nhiều thế hệ. Chè Tà Xùa được sao chế bằng phương pháp thủ công theo kinh nghiệm từ lâu đời của người Mông. Bà con nơi đây chăm bón chè với các biện pháp tự nhiên, không có hóa chất nên chè sạch và có hương vị rất lạ. Tuy nhiên, giá chè Tà Xùa ngày càng giảm. Vụ chè năm nay, bà con bán trực tiếp cho người mua chè với giá 150.000 - 250.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nếu bán cho tiểu thương hoặc qua tay chỉ có thể thu về từ 80.000 - 120.000 đồng/kg. Nguyên nhân chủ yếu do chè Tà Xùa chưa có kênh phân phối lâu dài nên vẫn phụ thuộc nhiều vào tiểu thương. Do giá bán quá thấp, không có lãi nên người dân không còn mặn mà với cây chè nữa.

Chè Định Hóa bấp bênh đầu ra


Mặc dù có tiềm năng, có lợi thế nhưng chè Khe Hương ở Định Hóa hiện chưa có thương hiệu nên rất khó tiêu thụ. Hiện đang là thời điểm thu hoạch rộ vụ chè xuân nhưng các hộ dân đều không muốn sản xuất vì giá chè khô lúc này chỉ được 50.000 – 55.000 đồng/kg. Hơn nữa, đầu ra cho chè lại rất bấp bênh bởi đều phụ thuộc vào các tiểu thương thường về bản mua chè đưa ra.

Trước đây, không bù lại công chăm sóc, nhiều gia đình ở bản Khe Hương đã bỏ chè để tập trung trồng keo và khai thác keo lấy gỗ. Một số hộ dân vẫn cố gắng giữ nghề nhưng có thời điểm, để “đảm bảo doanh thu”, họ đã bỏ cả lá cây hoặc đất trộn vào chè để tăng trọng lượng, bán cho thương lái. Vì theo họ, dù có làm chè ngon và sạch mấy thì giá cũng không đạt, không đủ thu hồi vốn ban đầu bỏ ra.
Tìm đầu ra cho sản phẩm

Trước tình trạng này, để lấy lại giá trị của cây chè Tà Xùa, huyện Bắc Yên đã có những dự án cải tạo, hỗ trợ người dân trong việc xây dựng thương hiệu riêng cho chè Tà Xùa và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, do chưa tìm được kênh phân phối chính thức, có hệ thống, phải phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái nên sản phẩm chè Tà Xùa vẫn đang chật vật khẳng định mình. Khó khăn này chỉ có thể hóa giải khi doanh nghiệp vào cuộc, bắt tay cùng nông dân sản xuất, chế biến, kinh doanh chè.

Tỉnh Thái Nguyên cũng đã xây dựng Đề án Nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 - 2015. Ngay từ khi triển khai đề án, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành hàng loạt chính sách khuyến nông cho cây chè như: Thực hiện trợ giá giống chè cho diện tích trồng mới và trồng lại chè có năng suất cao, chất lượng tốt, mức trợ giá từ 30 - 100%. Các giống chè đều đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ khuyến nông thường xuyên có mặt tại các vùng chè. Lực lượng này giữ vai trò chủ lực trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, chuyển đổi giống, nâng cao giá trị sản xuất chè. Cách làm này giúp bà con yên tâm khi đầu tư cho cây chè. Hình thức tổ chức, sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Các hợp tác xã, làng nghề sản xuất, chế biến chè tăng cả về số lượng, quy mô, hiệu quả hoạt động sản xuất... Đây chính là mô hình sản xuất và tiêu thụ hiệu quả cần được nhân rộng.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Nguy cơ thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị tẩy chay

Mới đây, thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết chỉ trong hai tháng đầu năm 2015, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã từ chối cấp phép nhập khẩu ít nhất 107 lô tôm từ các nước Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc và Việt Nam.

Không chỉ Mỹ mà các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam như châu Âu, Nhật Bản đều có những tiêu chuẩn rất khắt khe về vấn đề này. Như Nhật Bản trong những năm trở lại đây đã có lúc họ áp dụng chế độ kiểm tra 100% lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam về chỉ tiêu chất kháng sinh do phát hiện nhiều lô hàng vi phạm. Thậm chí họ gửi thông báo nếu tình hình không được cải thiện, Nhật sẽ xem xét áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn kể cả tạm đình chỉ nhập khẩu tôm từ Việt Nam.

So với các mặt hàng thủy sản khác, con tôm khó kiểm soát được vấn đề kháng sinh vì khó nuôi và dễ mắc nhiều bệnh. Nhiều hộ nuôi không tuân thủ hướng dẫn mà dùng vô tội vạ khiến dư lượng thuốc trong tôm rất cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu lại không thể đủ sức tự nuôi vùng nguyên liệu tôm. Như con cá tra, một ao cá có thể cho doanh nghiệp thu hoạch 300 - 500 tấn cá/năm, trong khi một ao tôm cùng diện tích chỉ có thể thu hoạch 3 - 5 tấn tôm/năm. Để đủ sản lượng tôm xuất khẩu, doanh nghiệp phải thu gom nhiều nguồn từ các hộ nuôi, thương lái, thậm chí phải nhập khẩu nên càng khó kiểm tra, kiểm soát dư lượng kháng sinh.

Để siết chặt việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, tránh dẫn tới việc các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị tẩy chay, Tổng cục Thủy sản và Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đang có những giải pháp kiểm tra, xử phạt những cơ sở sản xuất thuốc, hóa chất trong nuôi trồng thủy sản không đủ điều kiện, sử dụng hóa chất ngoài danh mục cho phép. Đồng thời có phương án tuyên truyền hướng dẫn cơ sở nuôi thủy sản tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng hóa chất kháng sinh.

Đắk Nông: Điều trúng mùa, được giá

Vào thời điểm này, người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang bước vào vụ thu hoạch điều rộ. Năm nay, do thời tiết thuận lợi nên hầu hết diện tích điều của người dân ở các địa phương chuyên trồng điều như Đắk R’lấp, Chư Jút, Krông Nô... đều trúng mùa, được giá.

Hiện, giá điều được các thương lái thu mua từ 24.000 - 25.000 đồng/kg, cao hơn từ 3.000 - 4.000 đồng/kg so với mùa vụ năm 2014. Trung bình 1 héc-ta điều cho thu nhập từ 80 - 90 triệu đồng. Như vậy, sau khi đã trừ các khoản chi phí như thuốc bảo vệ thực vật, nhân công, người trồng điều cũng có lãi từ 45 – 50 triệu đồng/héc-ta.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Nông, nhờ thời tiết thuận lợi, vào thời điểm hoa điều nở rộ, thời tiết không có mưa và sương mù, cũng như trong cả vụ không xuất hiện các loại bệnh như nấm, bệnh thán thư... Hơn nữa, giá cả lại ổn định nên các hộ trồng điều đã mạnh dạn đầu tư bón phân, phun thuốc để phòng bệnh, trừ sâu nên năng suất điều năm nay cao hơn từ 10 - 15% so với cùng kỳ năm trước.
Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có trên 15.656 héc-ta điều, giảm hơn 4.030 héc-ta so với năm 2011. Dự báo diện tích điều sẽ tiếp tục giảm vì nông dân vẫn đang có xu hướng chuyển sang trồng tiêu, cà phê, các loại cây ăn trái. Vì theo bà con nông dân, các loại cây trồng này cho giá trị kinh tế cao hơn điều nên người dân đang tiếp tục chuyển đổi. Đồng thời, một số địa phương như huyện Đắk R’lấp, Tuy Đức những năm gần đây đã thực hiện chủ trương chuyển đổi cây điều sang trồng cao su và các loại cây công nghiệp, cây ăn quả nên diện tích điều ở các địa phương này đã giảm nhiều.

Do diện tích giảm dẫn đến sản lượng giảm không đủ cung cấp doanh nghiệp tăng giá thu mua. Chính vì thế nên ngay từ đầu vụ không chỉ những nên doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mà nhiều thương lái từ Đắk Lắk, Bình Phước cũng đến thu gom hạt để có nguồn nguyên liệu dự trữ phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu cho những tháng còn lại trong năm.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Nhãn Châu Thành mở rộng thị trường tiêu thụ

Giống nhãn Idor của Thái Lan du nhập vào vùng cù lao An Hòa, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) khoảng gần 20 năm trước. Hiện nay, thị trường tiêu thụ trong nước đối với sản phẩm nhãn Idor còn rất dồi dào, thị trường xuất khẩu lại đang rộng mở. Đây là cơ hội tốt đối với bà con nông dân và doanh nghiệp.

Cây nhãn Idor có nhiều lợi thế kinh tế hơn các loại nhãn tại địa phương như tỷ lệ nhãn bị nhiễm chỗi rồng thấp, giá cả cao, thị trường tiêu thụ rộng... Với giá bán trung bình từ 25.000 - 30.000 đồng/kg và năng suất lên đến 25 - 30 tấn/héc-ta/năm, người trồng nhãn Idor ước tính thu nhập 500 - 700 triệu đồng/héc-ta/năm. Từ đầu năm đến nay, Tổ hợp tác (THT) sản xuất và tiêu thụ nhãn An Hòa cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu gần 50 tấn nhãn tươi. Ngoài các doanh nghiệp xuất khẩu nhãn sang thị trường Mỹ thì hiện nay một số đối tác đã đến khảo sát và tiến hành thực hiện cấp giấy chứng nhận vùng nguyên liệu sản xuất theo quy trình GlobalGAP để phục vụ xuất khẩu cho thị trường Anh quốc. Ngoài ra, THT cũng xuất bán nhãn Idor sang đường tiểu ngạch ở thị trường Trung Quốc. Việc thị trường xuất khẩu đang rộng mở cho sản phẩm nhãn Idor của huyện Châu Thành không những góp phần khẳng định uy tín, chất lượng cho sản phẩm nông sản của địa phương, mà đây còn là hiệu ứng tốt giúp đảm bảo cho việc ổn định giá cả và kích thích thị trường tiêu dùng trong nước. Để đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, các nhà vườn không những phải thực hiện sản xuất theo đúng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm của nhà nhập khẩu mà còn phải cam kết và đảm bảo về sản lượng đối với đối tác. Thời gian sắp tới, huyện sẽ mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn để hỗ trợ nông dân trong việc tiếp cận với thị trường xuất khẩu, cũng như dành những chính sách ưu đãi và hỗ trợ để hoạt động của hợp tác xã được tốt hơn.

Gia Lai: Cam Sơn Lang cho lãi cao

Khó có thể tin rằng, những giống cam nổi tiếng xứ Bắc như cam sành Bố Hạ, cam đường Canh, quýt vàng Lạng Sơn…, đã và đang trụ vững và đem lại lãi lớn cho nhiều nông dân ở xã Sơn Lang, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.

Xã Sơn Lang đã phát triển được trên 10 héc-ta cam, trồng từ cách đây trên 10 năm. Các hộ trồng cam chủ yếu là người Kinh từ miền Bắc vào Tây Nguyên lập nghiệp, mang theo các giống cam đặc sản quê hương. Thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng, cây cam trên đất Sơn Lang cho quả to và đẹp không thua kém cam ở chính quê hương gốc gác của mình. Trái cam nặng từ 0,3 - 0,9 kg/trái. Cam màu sắc vàng, thơm, vị ngọt đậm đà, ngay cả phần cùi cam cũng có vị ngọt bùi… Cam vườn tới ngày chín rộ, thương lái đến tận nơi thu mua, có bao nhiêu hết bấy nhiêu. Giá bán ngày thường dao động trong khoảng 25.000 – 30.000 đồng/kg. Cam cho thu hoạch quanh năm nên nhà vườn chỉ cần theo sát cây, tỉa bớt trái và giữ lại lượng vừa đủ để nuôi dưỡng cây là có thể đảm bảo đạt năng suất ổn định. So với nhiều cây trồng khác như cà phê, cao su… cam là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn nhưng đầu tư cũng sẽ tốn kém gấp 3 - 4 lần.

Chính bởi ưu thế vượt trội, chính quyền xã Sơn Lang đã tính đến chủ trương nhân rộng loại cây trồng này. Trước mắt, xã lên kế hoạch trong năm nay sẽ phát triển thêm khoảng 10 héc-ta cam, chủ yếu trong vùng đồng bào người Kinh, vì cây cam đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trình độ và kỹ thuật canh tác cao. Đặc biệt, chính quyền địa phương cũng lồng ghép chủ trương này gắn với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ vốn 30 triệu đồng/héc-ta cho hộ trồng cam. Thời gian tới, huyện sẽ xây dựng thương hiệu cam Sơn Lang, thúc đẩy việc phát triển cây cam theo hướng bền vững, mở rộng thị trường.

BÀ CON CẦN BIẾT

Quy trình sản xuất chè xanh túi lọc

Hiện nay chè túi lọc ngày càng phổ biến bởi tính tiện dụng. Với nguyên liệu được tuyển chọn từ những búp chè non, sản phẩm chè túi lọc có hương vị thơm ngon, ngọt dịu rất được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con vùng trồng chè.

Thu hoạch

Bà con chọn chè búp non một tôm hai, ba lá non trên đọt chè, có thể thu hái vào đầu, giữa hay cuối vụ, nếu hái vào giữa vụ thì quá trình làm héo, cắt vò nghiền sẽ kỹ hơn để giảm hàm lượng tanin làm vị chè dịu hơn.
Làm héo

Mục đích quan trọng của làm héo là chuẩn bị các điều kiện sinh hóa thuận lợi cho quá trình lên men sau này, như làm héo để tăng cường hoạt tính của enzym trong lá chè, xúc tiến quá trình tăng hàm lượng chất hòa tan và tạo ra những biến đổi hóa học ban đầu có lợi cho chất lượng chè sau này. Hai mục đích trên luôn luôn phụ thuộc vào mức độ làm bay hơi đi một lượng nước nhất định trong lá chè, chỉ còn lại 60 – 70%.

Cắt – vò – nghiền

Quá trình này là để tăng độ dập tế bào của lá chè làm cho toàn bộ khối chè được lên men đồng điều cùng một lúc ở cùng các điều kiện, thời gian như nhau, nhờ đó chè có tính đặc trưng nổi bật về hương vị và màu sắc của nước pha. Sau khi cắt - vò - nghiền thu được khối chè keo dính lẫn xơ nên phải sàng trong máy sàng trong những thiết bị thùng quay, phần chè không lọt sàng đưa trở lại máy vò – nghiền. Nghiền trà sao cho tới vụn là được, vụn nghĩa là kích thước khoảng 1,4 mi-li-mét hoặc bụi nghĩa là kích thước khoảng 0,35 mi-li-mét nhưng tốt nhất là trà vụn hạn chế chè bụi.

Lên men

Đây cũng là giai đoạn hoàn thành các quá trình ô-xy hóa và chuyển hóa các chất đã được bắt đầu ở các giai đoạn trước đó để toàn bộ khối chè được lên men đồng đều. Các quá trình trước đó mục đích là tăng cường hoạt tính của enzym tăng nồng độ các chất chuẩn bị cho các phản ứng ô-xy hóa lên men sau này. Vò chè thực chất là giai đoạn một của quá trình lên men, vì ngay từ lúc tế bào của lá bị vò dập men tiếp xúc với đối chất, ô-xy của không khí thâm nhập vào dịch ép, tất cả quá trình đó thúc đẩy quá trình ô-xy ngưng tụ các hợp chất phenol.

Làm khô

Tiến hành qua 2 bước:

Bước 1: Sấy sơ bộ làm giảm độ ẩm của chè xuống 18 – 20%, nhiệt độ 90 – 95 độ C, thời gian sấy là 15 phút.

Bước 2: Sấy khô khi chè còn ở trạng thái nóng >65 độ C, độ ẩm 7 – 8% đưa đi ủ nóng để tạo hương đặc trưng, giảm mùi hăng, nhiệt độ 80 – 85 độ C, thời gian sấy 15 phút, thời gian ủ 5 – 6 giờ.

Ủ chè

Sau khi vò độ ẩm 60 – 61%, nhiệt độ của khối chè là 45 – 50oC, thời gian ủ là 2 – 3 giờ. Sau khi sấy sơ bộ: độ ẩm của chè là 18 – 20%, nhiệt độ khối chè >65oC, thời gian ủ 5 - 6 giờ. Sau khi sấy khô: Độ ẩm của chè là 7 – 8%, nhiệt độ khối chè >65 độ C, thời gian ủ 8 – 12 giờ.
Ướp hương

Đây là quá trình góp phần quan trọng làm hương thơm của chè tăng lên mà còn do những chất thơm của nó cón có tác dụng kích thích tinh thần, bổ trợ cho tiêu hóa. Hương liệu ở đây là các loại hoa tươi như hoa nhài, hoa sen, cây cỏ ngọt … các nguyên liệu này trộn lẫn với nhau theo những tỷ lệ thích hợp rồi ướp lên chè.

Đóng gói

Trà được đóng gói trong túi theo công nghệ gấp hiện đại, hai ngăn làm tăng gấp đôi diện tích tiếp xúc với nước giúp quá trình trích ly khi pha chế tốt hơn. Túi lọc được làm bằng loại giấy lọc đặc biệt chuyên dùng để bao gói thực phẩm, không hàn nhiệt, có độ thẩm thấu nhanh, không ảnh hưởng tới hương vị của trà, không gây hại cho người tiên dùng. Chất liệu túi bao ngoài là giấy tráng polyerhylene cuộn, giữ sạch và chống thấm.

CHỐNG BUÔN LẬU - MUA BÁN GIAN LẬN

Tem chống hàng giả cũng bị giả

Đời sống, dân trí ở vùng sâu, vùng xa ngày càng được nâng cao. Bà con đã ý thức được việc lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, tem chống hàng giả để mua. Cũng chính vì vậy, tình trạng hàng giả nguồn gốc xuất xứ, dán tem chống giả bị làm giả xuất hiện ở các tỉnh miền núi để đánh lừa người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng khu vực nông thôn, miền núi.

Ngăn chặn, xử lý chưa quyết liệt

Theo ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương cho biết, năm 2014, lực lượng QLTT đã xử lý trên 17.000 vụ hàng giả các loại, số tiền xử phạt trên 57 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 53 tỷ đồng. Trong quý 1/2015, Cục QLTT đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát trên 4.000 vụ, trong đó quan tâm nhiều đến mặt hàng thực phẩm. Trong đó, nhiều vụ nổi cộm đã được các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ, kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng biên giới, biên phòng, hải quan. Hàng ngàn loại hàng hóa đã và đang bị làm giả trong đó khoảng 30 loại ngành hàng bị làm giả nghiêm trọng như: quần áo, mỹ phẩm, túi xách của các hãng nổi tiếng; các loại thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng; các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng… Các loại hàng hóa này tiêu thụ chủ yếu ở các vùng nông thôn, miền núi.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban chỉ đạo (BCĐ) 389, kết quả xử lý hàng gian, giả chưa tương xứng với thực tế vấn nạn trên thị trường. Ông Nguyễn Văn Cẩn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan – Thường trực BCĐ 389 cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến hàng giả được bày bán tràn lan từ thành phố lớn đến nông thôn, miền núi là do việc ngăn chặn, xử lý của lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt.

Tem chống giả cũng bị làm giả

Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan, để bảo vệ thương hiệu, khi đưa sản phẩm ra thị trường, hầu hết các doanh nghiệp đều gắn thêm tem chống hàng giả của doanh nghiệp hoặc tem chống giả của các cơ quan chức năng. Theo Cục QLTT, tem chống giả là thành phần không thể thiếu với các mặt hàng uy tín và chất lượng, sản phẩm có dính tem chống giả phần lớn sẽ khiến khách hàng yên tâm lựa chọn. Có đến 80% những sản phẩm được dán tem chống hàng giả sẽ được khách hàng chú ý.

Nắm bắt được điều này, hiện nay rất nhiều các loại hàng giả, nhái được các đối tượng buôn bán gắn tem chống hàng giả như hàng thật khiến người tiêu dùng không thể nhận biết đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Điển hình như mới đây, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội phát hiện hàng trăm chai rượu Chivas, dầu gội thương hiệu “Gội là đen TIGI” sản xuất từ Trung Quốc được gắn tem chống giả đang được đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc.

Lực lượng QLTT cho rằng, vấn nạn tem chống giả bị làm giả đang có xu hướng gia tăng và báo động ở nhiều địa phương nhất là các địa phương, giáp biên giới như: Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn… Các cơ quan chức cho rằng, các loại tem chống giả của các doanh nghiệp không có khả năng chống giả. Vì vậy, các lực lượng chức năng khuyến cáo các doanh nghiệp bên cạnh việc sử dựng các loại tem chống giả của mình thì nhất thiết phải sử dụng tem chống giả công nghệ cao đã được các lực lượng chức năng kiểm định như: Tem chống giả kỹ thuật số, trên mỗi con tem được in một dãy mã số đặc biệt, mã số đó được mã hóa để chứa các thông tin liên quan đến sản phẩm và nhà sản xuất. Khi mua hàng có dán loại tem này, người tiêu dùng cần cào để lấy mã số và gọi để kiểm tra sản phẩm là thật hay giả. Loại tem này theo DAC tính toán khả năng rất khó để làm giả vì sử dụng công nghệ cao và không thể tái sử dụng (tránh quay vòng tem); tem chống giả SMS, đây là loại tem điện tử tích hợp 4 công nghệ cao trong 1 sản phẩm do Viện Khoa học hình sự phối hợp cùng Công ty Vina CHG nghiên cứu và đưa ra thị trường. Tem được mã hóa bằng kỹ thuật số, người tiêu dùng có thể lấy mã số trên tem, nhắn tin kiểm tra trên điện thoại di động hay kiểm tra trực tiếp trên website của Vina CHG để xác định sản phẩm thật hay giả thông qua mã số trên tem.

HÀNG VIỆT

Cây chè trên đỉnh Phja Đén: Hương thơm bay xa

Tham gia Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 25 (VietnamExpo) tại Hà Nội; gian hàng trưng bày các sản phẩm chè của Công ty TNHH Kolia Cao Bằng được rất nhiều khách ghé thăm. Trong đó, không ít đối tác từ Trung Quốc, Đài Loan đã “phải lòng” những sản phẩm chè sạch, có hương vị độc đáo này.

Sản phẩm chè “3 không”

Được biết, để có sản phẩm chè sạch, thơm ngon đặc biệt, cạnh tranh với nhiều sản phẩm trà đã nổi tiếng trên thị trường; gần 5 năm qua, Công ty TNHH Kolia (xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) đã phải mời nhiều chuyên gia ở Trung tâm phát triển chè Việt Nam, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc hỗ trợ nghiên cứu, tư vấn trồng chè theo tiêu chuẩn sạch Organic quốc tế.
Ông Hoàng Mạnh Ngọc - Giám đốc Công TNHH Kolia thông tin thêm: Chè được trồng theo tiêu chuẩn sạch Oganic Quốc tế phải tuân thủ tuyệt đối “3 không” trong quá trình chăm bón, phòng bệnh cho cây. Đó là: Không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc diệt cỏ.

Ngoài lợi thế thổ nhưỡng khí hậu, quá trình chăm bón chè còn phải chọn phân hữu cơ có chất dinh dưỡng phù hợp với từng loại chè để thúc đẩy tạo hương chè riêng biệt ngay từ khi cây đang sinh trưởng. Theo đó, để có đủ nguồn phân hữu cơ bón cho chè theo quy trình sản xuất sạch, Công TNHH Kolia đã chủ động xây dựng chuồng trại nuôi thỏ Niu Di Lân, lợn rừng và dê, gà, ngỗng...

Bên cạnh đó, để chè đạt được hương vị thơm ngon nhất, Công TNHH Kolia đã trực tiếp mời ông Từ Quốc An, chuyên gia của xứ chè Đài Loan nổi tiếng thế giới - đến chuyển giao kỹ thuật sao sấy, lên hương… Quá trình này phải trải qua hơn 20 công đoạn rất công phu. Chè hái ngoài rừng không được để quá 2 tiếng mà phải đưa về nhà xưởng ngay, đem vào phòng thực hiện quy trình sấy, sao tẩm tự nhiên. Khi sấy phải xem thời tiết, nhiệt độ để điều chỉnh thời gian sấy, lên hương phù hợp từng loại chè. Sao tẩm một mẻ chè mất 2 ngày liên tục không nghỉ, sơ suất một chi tiết là hỏng hết mẻ chè.

Khát vọng vươn xa

Chất lượng chè ô long trồng ở Phja Đén được các chuyên gia Đài Loan đánh giá là đạt hương vị chuẩn của chè ô long, ngon nhất nhì so với các sản phẩm chè ô long trồng ở Việt Nam. Chính vì vậy, dù đang trong quá trình phát triển vùng nguyên liệu, Công TNHH Kolia đã nhận được rất nhiều lời mời cung cấp sản phẩm từ các doanh nghiệp Đài Loan. Hiện sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang Đài Loan, Trung Quốc, Canada và tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong nước, với 6 loại chè chủ đạo, bao gồm: Chè ô long, Đông phương mỹ nhân, hồng trà, xanh hương ô long, xanh hương đặc biệt, xanh thơm truyền thống.

Ngoài 30 héc-ta chè đang cho thu hoạch (trong đó có hơn 10 héc-ta trồng ở trong dân), Công ty TNHH Kolia đang tiến hành cấp giống, chuyển giao khoa học cho các hộ dân ở xã Thành Công để tăng diện tích thêm 5 héc-ta vào năm 2016.

Hiện tại, xã Thành Công có hơn 50 hộ dân người Tày, Nùng, Dao Đỏ, Dao Tiền là vệ tinh trồng chè cho Công ty TNHH Kolia. Nhờ việc trồng chè, các hộ đã có nguồn thu ổn định, với giá bán chè búp tươi lên tới 40.000 đồng/kg. Nhiều người đã trở thành công nhân của công ty với việc làm và thu nhập cao hơn nhiều so với trồng các loại cây khác.

Anh Nông Văn Dù, trưởng xóm Phja Đén chia sẻ, năm 5 trước, lần đầu tiên nghe đến chuyện trồng chè trên Phja Đén, bà con đều ngại vì sợ mất công mất sức mà chưa biết có lợi ích gì không. Nhưng các cán bộ kỹ thuật chia nhau đến nhà cùng ăn, cùng ở. Họ tặng cây giống rồi cùng bà con đi đào hố, làm đất trồng chè, hướng dẫn kỹ thuật chăm bón. Những cây chè nhanh chóng đâm cành, ra nhánh xanh mướt mắt. Thấy vậy, bà con dần dần trồng theo. Giờ thì chè thu hoạch được đang tiêu thụ rất tốt, chỉ lo không còn đất để trồng.

Với chất lượng đã được khẳng định, cùng diện tích chè đang được tích cực nhân rộng, anh Hoàng Mạnh Ngọc tin tưởng: Đến năm 2020, với diện tích chè đạt 50 héc-ta, sản phẩm chè của Công ty TNHH Kolia sẽ xuất khẩu nhiều hơn nữa sang các thị trường khác, góp phần tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc ở Phja Đén, đồng thời nâng cao giá trị cây chè Việt Nam.

Ban biên tập (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)