Thông tin giá cả thị trường tuần từ 23/06/2014 đến 27/06/2014

03:27 PM 23/06/2014 |   Lượt xem: 2788 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM


Nhằm đáp ứng nhu cầu về thông tin của người dân miền núi và bà con dân tộc thiểu số, từ số 01 (ra ngày 03/01/2014), Chuyên đề DTTS&MN (Báo Công Thương) tiếp tục chuyên mục “Thị trường – Giá cả” với sự hợp tác của Cổng Thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc (Dantoc online), Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) và các hiệp hội, ngành hàng...


Tìm lối ra lâu dài cho nông sản Việt

Mới đây, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đã phối hợp với UBND các địa phương: TP. Hồ Chí Minh, Bắc Giang và Hải Dương tổ chức hội nghị vùng Đông – Tây Nam Bộ, nhằm tìm giải pháp hỗ trợ tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong nước. Đồng thời, câu chuyện lối ra cho các loại nông sản hàng hóa khác cũng được nhiều nhà quản lý quan tâm.

Từ chuyện khó tiêu thụ quả vải...

Sản lượng vải thiều chỉ riêng 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương năm 2014 ước đạt 200.000 tấn quả tươi, trong đó Bắc Giang có sản lượng đạt 150.000 tấn và Hải Dương khoảng 50.000 tấn. Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều trong và ngoài nước, thời gian qua, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại; xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản, đồng thời cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo đó, triển khai đồng bộ các giải pháp như: Đẩy nhanh thời gian thông quan hàng hóa, ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi trong công tác kiểm dịch thực vật đối với vải thiều xuất khẩu, điều tiết kịp thời các phương tiện vận tải để tránh tình trạng ùn tắc hàng hóa, trong đó có ưu tiên các sản phẩm khó bảo quản như vải thiều… Hiện nay, tiêu thụ quả vải tại thị trường trong nước chiếm khoảng 60% sản lượng, xuất khẩu quả tươi qua chế biến chiếm khoảng 40% sản lượng…

Tuy nhiên, đặc trưng của trái vải là chín rộ tập trung chỉ trong 1 tháng với khối lượng lớn khiến thị trường tiêu thụ không kịp. Do đó, để nâng cao hiệu quả đầu ra đối với quả vải thiều, các cơ quan chức năng cần có biện pháp hỗ trợ, chuyển giao công nghệ về giống, quy trình chăm sóc để kéo dài thời gian sinh trưởng và nâng cao chất lượng quả vải thiều theo tiêu chuẩn VietGap; tìm kiếm giải pháp hữu hiệu giúp kéo dài thời gian bảo quản sau thu hoạch cho vải thiều. Trong khi chưa tìm kiếm được các thị trường xuất khẩu mới, thị trường truyền thống gặp nhiều khó khăn, thì thị trường trong nước rất quan trọng. Để vải thiều đến với người tiêu dùng, cần tính đến việc đẩy mạnh các kênh phân phối như chợ, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn.

...Nghĩ về chủ động điều tiết thị trường nông sản

Không chỉ có quả vải gặp khó trong khâu xuất khẩu, hiện nhiều mặt hàng nông sản thực phẩm xuất khẩu khác cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong 5 tháng đầu năm vẫn đạt 12,1 tỷ đô-la Mỹ, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, riêng trong tháng 5, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này lại giảm tới 18%. Theo các chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, tình hình tiêu thụ nông sản của Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, do nhu cầu tiêu thụ của các thị trường trong và ngoài nước đều giảm. Thêm vào đó, ở ngoài nước hàng nông sản xuất khẩu gặp khó khi áp lực cạnh tranh cao và chịu nhiều rào cản thương mại và kỹ thuật. Trước thực tế đó, chúng ta không thể trông chờ quá nhiều vào thị trường xuất khẩu, mà cần phải tìm giải pháp khai thông, kích cầu thị trường nội địa, nhằm chủ động trong việc điều tiết thị trường, hạn chế tình trạng “được mùa, rớt giá” vẫn thường xuyên diễn ra đối với các loại nông sản, nhất là mặt hàng tươi sống. Thực tế cho thấy muốn cạnh tranh tốt để xuất khẩu trước hết phải làm chủ thị trường trong nước, nơi hơn 90 triệu dân phải là những khách hàng truyền thống của sản phẩm Việt.

Vì vậy, cùng với việc tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm duy trì các thị trường truyền thống và phát triển thị trường mới, thì giải pháp quan trọng là cần chú trọng khai thác thị trường trong nước, với những chính sách kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ, nhằm đưa nhanh sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, những địa phương vốn được coi là trọng điểm sản xuất nông sản hàng hóa, có nhiều loại “đặc sản” của quê hương như vải thiều Thanh Hà (Hải Dương), Lục Ngạn (Bắc Giang), Nhãn lồng (Hưng Yên), Thanh long (Bình Thuận), chè (Thái Nguyên), dừa (Bến Tre)… không nên dựa quá nhiều vào sự hỗ trợ của các bộ, ban ngành, mà cần chủ động quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình ngay tại các chợ đầu mối nông sản, tụ điểm thu mua. Tăng cường đầu tư trang bị kỹ thuật cho các cơ sở chế biến, kho bảo quản, bến bãi giao nhận hàng hóa tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán trao đổi hàng hóa. Đồng thời xây dựng hệ thống thông tin cập nhật, dự báo về tình hình thị trường, cân đối cung - cầu, biến động giá cả trong nước và quốc tế để có sự điều chỉnh kịp thời; tăng cường phổ biến kiến thức cho người sản xuất về thu hoạch, bảo quản bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, để người Việt Nam yên tâm sử dụng nông sản trong nước.

MUA GÌ


Thừa Thiên - Huế: Mủ cao su rớt giá liên tục

Tại huyện vùng cao Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên - Huế), mỗi năm, toàn huyện thu hoạch 8.000 tấn mủ tươi với doanh thu khoảng 60 tỷ đồng. Cao su thường được khai thác từ đầu tháng 5 đến đầu năm sau. Nhờ cây cao su, bà con vùng cao nơi đây đã bớt khó khăn và dần dần ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trước tình trạng mủ cao su giảm giá liên tục thời gian gần đây, bà con đang đối diện với nhiều khó khăn và áp lực. Đến nay giá mủ cao su chỉ còn 6.000 - 7.000 đồng/kg, đây là mức giá thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Đứng trước tình hình này, một số hộ dân ngưng việc lấy mủ để dưỡng cây với hy vọng giá mủ cao su sẽ tăng lên vào thời gian tới. Tình trạng giảm giá mạnh của mủ cao su khiến người dân không đủ để trang trải chi phí chăm sóc và thu hoạch, đặc biệt là áp lực từ tiền vay ngân hàng dùng để đầu tư vào rừng cao su. Với tình hình này thì bà con sẽ không có tiền để đầu tư chăm sóc, nguy cơ dịch bệnh rất cao, chất lượng mủ năm tới sẽ giảm. Một số hộ phải chuyển nhượng rừng cao su cho chủ khác.

Đồng Nai: Giá nấm giảm mạnh

Những ngày qua, giá các loại nấm trồng tại xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) giảm mạnh khiến cho người trồng nấm gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ. Hiện giá nấm sò đang được các thương lái mua với giá 7.000 đồng/kg (giảm 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ), giá nấm mèo dao động từ 50.000 – 55.000 đồng/kg (giảm 20.000 đồng/kg). Nguyên nhân do thị trường xuất khẩu là Trung Quốc giảm nhập hàng. Với giá bán này, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, người trồng nấm lỗ hoặc chỉ hòa vốn.

Đồng Tháp: Bắp (ngô) tiêu thụ chậm

Hiện nay các hộ trồng bắp ở huyện Lấp Vò đã bước vào mùa thu hoạch rộ nhưng tiêu thụ chậm. Không bán được, nhiều hộ đành chuyển sang để bắp khô, nhưng giá bắp khô hiện tại chỉ còn ở mức 6.000 - 7.000 đồng/kg giảm 10.000 - 11.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2013. Từ bắp tươi chuyển sang để bắp khô nông dân chịu thiệt rất nhiều. Bắp tươi chỉ 75 ngày thu hoạch, bắp khô phải mất 105 ngày mới thu hoạch, sẽ gây ảnh hưởng đến sản xuất vụ sau. Bà con phải đầu tư thêm 2,1 triệu đồng/công vì phải bón phân thêm 2 đợt, rồi thuê nhân công thu hoạch, tách hạt. Khi trồng bắp tươi chuyển sang lấy hạt thì còn mất khoảng 200.000 đồng vì không bán thân cây bắp tươi (làm thức ăn cho bò).

Miền Trung: Muối tồn đọng, rớt giá

Muối tồn đọng và rớt giá là tình cảnh chung trên nhiều cánh đồng muối ở các tỉnh miền Trung. Tại Khánh Hòa, với diện tích muối gần 1.000 héc-ta, sản lượng muối, đến lúc này không dưới 28.000 tấn. Còn tại tỉnh Ninh Thuận, thủ phủ muối của cả nước, sản lượng muối hiện đã đạt gần 150.000 tấn, nhưng lượng muối tiêu thụ chỉ mới một nửa. Đã có nhiều giải pháp sản xuất - tiêu thụ muối được đưa ra, song qua nhiều năm, tình hình vẫn không có gì thay đổi. 38.000 đồng là số tiền của mỗi lao động sau nửa ngày trên đồng muối. Thu nhập thấp đã trở thành điều quen thuộc của diêm dân nhưng thấp như năm nay thì không ai không xót xa. Giá 1 tấn muối là 650.000 đồng trong khi đó để có 1 tấn muối, phải bỏ vào đây không ít vốn. Tiền bán muối vừa đủ trả tiền công. Giá muối thấp cộng với sức tiêu thụ chậm khiến cho một lượng lớn muối tồn đọng ngay tại ruộng.

Quảng Nam: Mực khơi được mùa, được giá

Ông Phạm Văn Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang (huyện Núi Thành, Quảng Nam), cho biết những ngày gần đây nhiều tàu câu mực khơi tại địa phương sau khi cập bến đã xuất đi hàng trăm tấn mực khô với giá khá cao. Trong đó, có tàu đánh bắt được trên 45 tấn mực khô, thu về hàng tỷ đồng. sản lượng hải sản khai thác được trong 6 tháng đầu năm toàn xã đạt trên 5.000 tấn. Đối với nghề câu mực khơi, trong 6 tháng đầu năm ngư dân đánh bắt được 2 chuyến, trung bình mỗi tàu đạt khoảng 50 tấn mực khô. Hiện giá mực khoảng 75.000 đồng/kg.

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá lúa hè thu giảm

Theo thống kê của ngành nông nghiệp của các tỉnh ĐBSCL, đến thời điểm này diện tích lúa thu hoạch mới đạt khoảng 40%, trên tổng diện tích 1,7 triệu héc-ta, năng suất bình quân từ 5,5 - 6,5 tấn/héc-ta. Nhiều ngày qua, khu vực ĐBSCL xuất hiện nhiều cơn mưa lớn, trong khi đó vụ lúa hè thu đang trong giai đoạn cao điểm thu hoạch rộ, khiến nhiều diện tích lúa bị đổ ngã và ngập nước sâu gây trở ngại cho việc thu hoạch. Bên cạnh đó, giá công cắt lúa lại tăng lên 15 - 20% so với năm trước, trong khi giá lúa lại giảm từ 200 - 250 đồng/kg, điển hình là giống lúa IR 50404 (lúa tươi không bị đổ ngã) hiện thương lái mua từ 3.800 - 3.900 đồng/kg, lúa hạt dài 4.100 - 4.150 đồng/kg.

Giá vải thiều trong tuần tại một số địa phương

Thị trường
Giá (đồng/kg)
Lục Ngạn (Bắc Giang)
6.000 – 13.000
Thanh Hà (Hải Dương)
6.000 - 8.000
Hà Nội
7.000 – 12.000
Cửa khẩu Lào Cai
12.000 – 15.000

BÁN GÌ


Hạt tiêu tăng 4.000 – 5.000 đồng/kg

Các đại lý mua bán nông sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bình Phước cho biết: Thời điểm hiện nay, giá hạt tiêu mua tại nhà của nông dân là 150.000 – 152.000 đồng/kg. So với cuối tháng 5, giá thu mua hạt tiêu đã tăng thêm 4.000 – 5.000 đồng/kg. Với giá này, người trồng tiêu có lãi khá song ít người còn hàng để bán. Bởi trong vụ thu hoạch, giá tiêu dao động ở mức 135.000 – 140.000 đồng/kg nên nhiều nông dân đã bán ra để thanh toán tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và đầu tư vụ mới. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, giá hạt tiêu luôn đạt trên 100.000 đồng/kg, giúp nhiều nông dân trồng tiêu thu lợi nhuận từ 200 - 500 triệu đồng/héc-ta/năm. Đặc biệt, năm nay, nhiều vườn tiêu ở Đồng Nai nhờ áp dụng phương pháp tưới nước tiết kiệm vào mùa khô nên cây phát triển tốt, sản lượng ổn định… Từ đó, giá thành đầu vào thấp hơn nên thu lãi cao hơn.

Khu vực các tỉnh miền Đông Nam Bộ có diện tích trồng tiêu rất lớn. Riêng Đồng Nai là tỉnh có diện tích trồng tiêu đứng thứ ba trong cả nước với diện tích trên 8.200 héc-ta. Trong đó, có khoảng 7.300 héc-ta cây tiêu đang trong thời kỳ thu hoạch, với tổng sản lượng trên 15 ngàn tấn/năm.

Khánh Hòa: Giá cây bông trúc tăng

Cây bông trúc trắng và trúc xanh được trồng nhiều tại xã Vĩnh Trung (Nha Trang, Khánh Hòa), nhiều hộ trồng bông trúc từ hộ nghèo đến nay đã thoát nghèo. Đặc biệt, hơn 2 tháng trở lại đây, giá cây bông trúc tăng khiến nhiều hộ nông dân có lãi sau khi thu hoạch. Một nông dân có thâm niên trồng trúc gần 10 năm nay ở xã Vĩnh Trung (Nha Trang) cho biết, giá bông trúc đã tăng nhiều nên những hộ trồng loại cây này đều có lợi nhuận. Trước đây giá bông trúc xanh chỉ ở mức từ 500 – 600 đồng/cây, trúc trắng 1.500 đồng/cây, nay tăng lên 700 – 800 đồng/cây trúc xanh, trúc trắng từ 2.000 - 2.500 đồng/cây.

Giá tôm nguyên liệu tăng trở lại

Sau thời gian giảm giá chạm đáy, trung tuần tháng 6, tôm thẻ chân trắng đã bắt đầu tăng giá trở lại. Cụ thể, tại Bạc Liêu giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giá từ 75.000 -77.000 đồng tăng lên 100.000 -105.000 đồng/kg; loại 50 - 60 con/kg bán giá 120.000 - 125.000 đồng/kg. Riêng tôm sú loại 30 con/kg tại Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng giá tăng từ 225.000 đồng lên 235.000 - 240.000 đồng/kg. Tôm sú 20 con/kg giá từ 255.000 – 260.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản nhận định, với sự tăng giá trở lại của các mặc hàng tôm (tôm sú và tôm thể trân thắng) như hiện nay thì nông dân vẫn chưa có lãi nhiều vì giá thức ăn và thuốc thú y thủy sản cũng tăng 10 - 15%.

Giá cao su giảm, cơ hội cho ngành sản xuất săm lốp

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), do tác động từ thị trường thế giới, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giảm sâu trong tháng 5/2014. Thực trạng này gây khó cho DN cao su nhưng cũng tạo cơ hội cho ngành săm lốp.

Theo đó, đối với chủng loại SVR 3L, mức giá trung bình tháng 5 đạt 2.023 đô-la Mỹ/tấn, giảm 65 đô-la Mỹ/tấn so với giá trung bình tháng 4. So với cùng kỳ tháng 5/2013, giá SVR 3L tháng 5/2014 đã giảm trên 24%. Thực trạng này khiến nhiều DN sản xuất cao su gặp khó khăn và một số lô hàng bị thua lỗ vì giá bán dưới giá thành.

Giá cao su giảm sâu gây khó cho DN cao su nhưng lại giúp DN ngành công nghiệp sản xuất săm lốp gặp thuận lợi trong phát triển. VRA dự báo nhu cầu lốp xe ở Việt Nam tăng trưởng trung bình 5%/năm. Năm 2014 nhu cầu lốp xe máy cần 33,96 triệu chiếc; đến năm 2015 cần 35,66 triệu chiếc. Tương tự, năm 2014 tổng nhu cầu lốp xe ô tô là 5,05 triệu chiếc; năm 2015 dự tính tổng nhu cầu lốp là 5,34 triệu chiếc. Tính đến nay, Việt Nam có 830 DN hoạt động trong ngành lốp xe. Nguồn cao su thiên nhiên dồi dào cộng với nhu cầu sử dụng các phương tiện vận chuyển gia tăng cũng đã thu hút nhiều tập đoàn lớn của ngành săm lốp trên thế giới đến Việt Nam như Bridgestone, Kumho, Yokohama...

Giá cà phê nhân xô giảm

Ngày 18/6, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên đồng loạt giảm 500 - 600 đồng xuống 38.700 - 39.500 đồng/kg. Giá cà phê trong nước giảm theo đà giảm của thị trường cà phê thế giới. Tại cảng thành phố Hồ Chí Minh, giá cà phê robusta theo giá FOB cũng giảm tới 29 đô-la Mỹ/tấn xuống 1.960 đô-la Mỹ/tấn. Giới phân tích cho rằng, Worldcup đang diễn ra tại Brazil vì vậy cà phê bán ra được đẩy mạnh để có tiền chi tiêu cho sự kiện lớn này. Tuy nhiên, do sức mua của các nhà rang xay thấp dẫn đến giá cà phê thế giới đồng loạt sụt giảm.

Giá cà phê nhân xô ngày 18/6/2014

Tỉnh
Giá
Giảm so với tuần trước
Đắk Lắk
39.500
600
Lâm Đồng
38.700
500
Gia Lai
39.100
600

LƯU Ý CẢNH BÁO


Bà con thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ bí xanh

Bí xanh là một cây nông sản ngắn ngày, dễ tiêu thụ lại có giá trị kinh tế cao hơn với trồng lúa nên được nhiều địa phương ở miền núi khuyến khích trồng. Tuy nhiên, do không có quy hoạch, cộng thêm dịch bệnh khiến loại cây này rất bấp bênh cả về sản lượng lẫn giá cả.

Mất mùa, giá giảm

Vào thời điểm này, nếu đi dọc các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ ở Hòa Bình, dễ dàng bắt gặp những hàng quán chất chồng bí xanh, bí đỏ, bán rẻ cũng không ai mua. Chị Quách Thị Vỳ ở Bãi Cả, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình cho biết năm nay, bí xanh bị mất mùa nên sản lượng không cao, nhiều thửa ruộng còn bị mất trắng. Nhà chị trồng 4 sào nhưng chỉ thu được 2 tấn quả (khoảng 5 tạ/sào). Sản lượng thấp và giá cũng giảm, đầu vụ còn bán được khoảng 4.000 đồng/kg, giữa mùa khoảng 1.500 – 1.700 đồng/kg, còn cuối vụ chỉ còn 1.000 đồng/kg. “Năm ngoái, một sào thu được 1,5 tấn giá bình quân cũng được trên 5.000 đồng/kg, tính ra còn có lãi, chứ năm nay bị lỗ là cái chắc, biết thiệt đơn, thiệt kép, nhưng vẫn phải làm, may nhờ rủi chịu” - Chị Vỳ than thở.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Thủy, diện tích trồng bí xanh vụ xuân năm 2014 của toàn huyện khoảng 330 héc-ta, tăng 25% so với kế hoạch, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2013. Bí xanh cũng là cây chủ lực của huyện, chiếm gần 50% diện tích các loại rau trên địa bàn.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, từ nhiều năm qua, bí xanh vẫn là loại cây trồng có nhiều ưu điểm, phù hợp với mọi loại đất và mang lại giá trị cao hơn nhiều loại cây hoa màu khác. Nếu bỏ công chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi, mỗi héc-ta có thể đạt năng suất bình quân khoảng 25 - 30 tấn/héc-ta, thậm chí cao hơn. Trong khi đó số tiền đầu tư cho giàn bí trong 3 năm mất khoảng 50.000 đồng/héc-ta. Chỉ tính giá bình quân 5.000 đồng/kg, hai vụ cũng có doanh thu lên tới trên 200 triệu/năm.

Có lẽ, chính vì lý do này, nên ở nhiều nơi, người dân đã đua nhau mở rộng diện tích trồng bí xanh, thậm chí có nơi còn chặt các cây trồng lâu năm khác để chuyển sang bí xanh.

Theo các hộ trồng bí xanh, đầu vụ giá bí xanh bao giờ cũng cao, do sản lượng ban đầu ít, một số loại rau xanh chưa đến kỳ thu hoạch. Bên cạnh đó, bí xanh còn được nhiều nhà máy thu mua để làm nguyên liệu chế biến như bánh kẹo, nước giải khát nên đã đẩy giá lên cao. Ngoài ra, do bí xanh được các nhà máy thu mua về làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến bánh kẹo và nước giải khát nên nhu cầu rất lớn. Nhưng giá càng ngày càng giảm, do sản lượng vào chính vụ, nhu cầu tiêu thụ cũng ít đi.

Thu mua, vận chuyển khó

Có một điều làm chúng tôi băn khoăn, dù năm nào cũng trồng, cũng bán nhưng nếu hỏi người dân là ai mua, chuyển đi đâu thì không ai biết. Chỉ biết trồng, cứ đến vụ là các thương lái đánh xe tải lớn, nhỏ đến tận ruộng mua. Giá cả sẽ do người mua quyết định, họ bảo giá cao thì được cao, thấp thì cũng biết vậy.

Ở các vùng sâu, vùng xa, vùng trồng không tập trung, việc thu mua, vận chuyển khó khăn, cước phí tăng cao nên giá bí xanh bao giờ cũng rẻ hơn so với khu vực gần trung tâm, đô thị.

Ông Bùi Đức Tin – cán bộ Hội Nông dân huyện Kim Bôi cho rằng, sở dĩ giá bí xanh năm nay giảm, kể cả cuối vụ có thể là do diện tích trồng bí xanh tăng vọt. Khi trồng ít, sản lượng không nhiều, trong khi nhu cầu tăng không đáng kể thì giá cao là đương nhiên. Mặt khác, bản thân người trồng không biết được nhu cầu của thị trường, giá thì phụ thuộc vào thương lái nên cũng khó biết đâu là giá trị thực.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu còn được biết, giá bí xanh ngày càng giảm bởi lẽ nhu cầu tiêu dùng của người dân càng giảm, ngay ở chính các bản làng trồng bí, họ cũng ít dùng bí làm thức ăn vì sợ chất kích thích hoặc thuốc sâu. Chính việc dùng thuốc thực vật, các chất kích thích (đa phần là không rõ nguồn gốc, không đúng kỹ thuật, quá liều) dù có làm tăng sản lượng nhưng chất lượng sản phẩm đầu ra khó kiểm soát. Điều này chẳng khác nào gậy ông đập lưng ông, vừa làm mất đi thị trường tại địa phương, mà còn là nguyên nhân để tư thương ép giá.

Việc lựa chọn cây trồng phù hợp với nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, nâng cao năng suất là nhu cầu chính đáng và nên làm. Tuy nhiên, từ những thực tế đã diễn ra từ nhiều năm nay, đã đến lúc, bà con nông dân nên xem xét lại quy trình sản xuất của mình. Đặc biệt là không được lạm dụng các chất kích thích để tăng sản lượng, làm đúng quy trình kỹ thuật sản xuất. Có như vậy mới cho ra đời những sản phẩm hàng hóa sạch, chất lượng, quan trọng hơn là phải giữ chữ tín mới mong giữ được giá cả ổn định, giữ được kế sinh nhai của mình.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Nam Định: Xây dựng nhãn hiệu tập thể “Cá bống bớp Nghĩa Hưng”

Là loài cá nước mặn, sinh trưởng trong môi trường tự nhiên, cá bống bớp đã được thuần hóa, nuôi trồng thành công ở Nghĩa Hưng từ hơn 20 năm nay, khi những ngư dân bắt được cá bé sau mỗi chuyến ra khơi đã gom góp lại nuôi trong ao.

Ngoài việc dễ tiêu thụ, cá bống bớp còn có đặc tính khỏe mạnh, dễ nuôi và ít bệnh. Ban đầu cá bống bớp được nuôi xen canh với tôm sú nhưng năng suất đã đạt 4 đến 6 tấn/héc-ta. Với giá bán 250.000 – 350.000 đồng/kg, bình quân 1 héc-ta nuôi cá bống bớp có thể đem lại nguồn thu 1,5 - 1,8 tỷ đồng/năm. Do đó, diện tích nuôi cá bống bớp ở huyện Nghĩa Hưng ngày càng được mở rộng. Đến nay, diện tích nuôi cá bống bớp của huyện Nghĩa Hưng đạt 230 héc-ta và đang tiếp tục mở rộng sang vùng Tây Nam Điền với tổng sản lượng ước đạt 1.700 - 2.000 tấn/năm. Hiện, ngoài 5 đại lý thu gom tiêu thụ sản phẩm cá bống bớp, trên địa bàn huyện còn hình thành hàng chục đại lý trung chuyển với sản lượng cá tiêu thụ bình quân 4 - 6 tấn/ngày xuất đi các địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hoá và xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc). Mặc dù sản xuất với sản lượng lớn nhưng vì không có thương hiệu nên tiêu thụ nhỏ lẻ dẫn đến bị thương lái ép giá, chưa tham gia được vào chuỗi tiêu thụ hiện đại và xuất khẩu chính ngạch… Để tháo gỡ khó khăn này, từ giữa năm 2013 Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN), Chi cục Quản lý chất lượng nông thủy sản (Sở NN&PTNT) đã hỗ trợ Hội Nuôi trồng thủy sản huyện Nghĩa Hưng xây dựng Dự án Tạo lập, quản lý và phát triển kênh thương mại nhãn hiệu tập thể (NHTT) “Cá bống bớp Nghĩa Hưng” cho sản phẩm cá bống bớp của huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.

Được sự hỗ trợ của Sở KH&CN Nam Định, Hội Nuôi trồng thủy sản huyện Nghĩa Hưng đã tiến hành xây dựng hệ thống công cụ, phương tiện quản lý NHTT “Cá bống bớp Nghĩa Hưng”. Hội Nuôi trồng thủy sản huyện Nghĩa Hưng đang nỗ lực giúp đỡ các hộ sản xuất hoàn thiện các tiêu chí cơ bản về cơ sở vật chất để đảm bảo đủ điều kiện đăng ký sử dụng NHTT “Cá bống bớp Nghĩa Hưng”. Đồng thời, phối hợp vận động các đại lý phân phối tham gia vào quá trình xúc tiến thương mại, quảng bá NHTT “Cá bống bớp Nghĩa Hưng” nhằm phát triển kênh phân phối sản phẩm và kiểm soát quá trình cung ứng sản phẩm từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, đảm bảo uy tín, chất lượng sản phẩm trên thị trường…

Tam Đảo – Vĩnh Phúc: Xây dựng thương hiệu su su sạch

Su su là rau đặc sản của thị trấn du lịch Tam Đảo (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Từ khi Hội Nông dân ở đây xây dựng thương hiệu su su an toàn gắn với du lịch, nhiều hộ nông dân “phố núi” này đã có cuộc sống dư dật.

Toàn huyện Tam Đảo hiện có trên 300 héc-ta trồng su su, riêng diện tích su su của thị trấn Tam Đảo chiếm trên 200 héc-ta với khoảng 255 hộ gắn bó với cây trồng này. Khoảng 15 năm trở lại đây, trồng su su thực sự là hướng thoát nghèo hiệu quả cho bà con nông dân. Đa phần những gia đình trồng su su ở thị trấn này đều có của ăn, của để. Su su ở Tam Đảo chủ yếu trồng lấy ngọn cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn. Ngọn su su có giá từ 9.000 - 12.000 đồng/kg, trái mùa có thể lên tới 30.000 đồng/kg. Su su được chính quyền và Hội Nông dân xác định là nông sản đem lại thu nhập cao cho nông dân với doanh thu bình quân 120 triệu đồng/héc-ta, trừ chi phí còn lãi không dưới 100 triệu đồng/héc-ta, cao gấp nhiều lần các cây trồng khác. Hiện thị trấn Tam Đảo có 7 đại lý lớn chuyên thu gom rau su su...
Trên thực tế, su su trồng ở Tam Đảo chất lượng tươi và ngon hơn nơi khác do bà con nông dân chỉ bón phân chuồng hoai mục, phân xanh, phân vi sinh, NPK và tưới nước, không phun thuốc trừ sâu nên vừa bảo vệ môi trường, cải tạo đất lại đảm bảo rau sạch tuyệt đối. Thường 3 - 4 ngày bà con có thể cắt ngọn su su bán một lần.

Hội Nông dân huyện Tam Đảo đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan xây dựng chương trình sản xuất su su an toàn, lấy tên là “Su su an toàn Tam Đảo” và đã được công nhận. Tính đến giữa tháng 3/2014, tổng diện tích trồng su su “đảm bảo an toàn” của thị trấn lên đến cả trăm héc-ta. Mỗi năm su su đem về cho người dân ở đây cả chục tỷ đồng...

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG


Khánh Hòa: Hướng đi bền vững từ cây rong nho

Người đầu tiên có công đưa cây rong nho về phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) là một doanh nhân kinh doanh đá granite; trong một lần tiếp xúc với đối tác Nhật Bản, họ nhắc đến món rong nho tươi bổ dưỡng. Nhớ đến những đìa nuôi tôm hùm đang bỏ hoang, vị doanh nhân này nảy ra ý tưởng mang rong nho Nhật Bản về trồng thử. Từ 200 gram rong nho được những người bạn Nhật Bản tặng, ông trồng thử nghiệm trong các bể kính theo tài liệu hướng dẫn. Không bao lâu, số lượng rong nho đã tăng gấp hàng chục lần và được mang trồng tại các đìa nuôi tôm bỏ hoang. Từ những thành công ban đầu, đến nay, diện tích trồng rong nho ở Ninh Hải đã được mở rộng. Phường đã có 5 hộ đầu tư nuôi trồng với tổng diện tích hơn 8 héc-ta, chủ yếu trên những ao đìa đã từng nuôi tôm nhưng không hiệu quả. Sự thành công này đang mở ra hướng nuôi trồng phù hợp cho nhiều đìa tôm bị bỏ hoang ở Ninh Hải.

Tuy khí hậu ở vùng biển Ninh Hải khá khắc nghiệt, nhưng rong nho được trồng ở đây phát triển rất tốt cả về chất lượng và sản lượng so với nơi xuất xứ (Nhật Bản, Philippines). Đến nay, rong nho đã được nhiều người biết tới. Một số hộ tại Ninh Hải đã vươn lên làm giàu nhờ rong nho, khi sản phẩm được xuất khẩu với lãi ròng hàng chục triệu đồng/tháng.

Với thực trạng các ao đìa ven biển bị ô nhiễm, nghề nuôi tôm ngày càng khó khăn, thành công của việc trồng rong nho ở Ninh Hải đang hứa hẹn hướng đi bền vững. Đặc biệt, thời điểm hiện tại, rong nho đang là mặt hàng xuất khẩu được nhiều quốc gia ưa dùng. Do đó, việc phát triển cây trồng này sẽ tăng thêm tính chủ động cho đầu ra của hoạt động nuôi trồng hải sản vốn đang bị lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Rong nho biển còn gọi là rong cầu lục bi nhỏ, rong guộc. Loài thực vật này mọc trên nền đáy là bùn cát, cát bùn ở những vũng, vịnh kín sóng, nước trong. Tại Việt Nam, rong nho được tìm thấy ở mũi Chim Chim thuộc Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận). Rong nho bắt đầu được trồng tại Việt Nam vào đầu năm 2004 và phát triển mạnh tại các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Quảng Ngãi...; được sử dụng như một loại rau xanh, có hàm lượng vitamin A, C, các nguyên tố vi lượng và axit béo... tốt cho sức khỏe.

TP. Hồ Chí Minh: Đầu mối liên kết tiêu thụ vải thiều ở Nam Bộ

Theo những tiểu thương tại TP. Hồ Chí Minh, năm nay người dân ở thành phố này ăn trái vải nhiều hơn năm ngoái và cả những năm trước đây. Một số bà con làm nghề bán trái cây dạo cho biết số lượng bán ra của họ tăng gấp khoảng 2 lần so với các vụ trước.

Tại chợ nông sản Thủ Đức, riêng lượng trái vải tập kết bằng container đạt bình quân trên 200 xe mỗi tháng. Còn tại chợ đầu mối Hóc Môn bình quân cũng tập kết 8 - 9 xe container/ngày (gần gấp đôi so với năm ngoái). Dự tính từ nay đến cuối tháng 7, sẽ có khoảng 4.000 - 5.000 tấn trái vải được tiêu thụ ở chợ đầu mối Hóc Môn. Theo ước tính của cơ quan chức năng, năm nay, diện tích vải thiều vào khoảng trên 50.000 héc-ta, sản lượng thống kê chưa đầy đủ là trên 200.000 tấn. Trong đó, mới chỉ khoảng 10% trái vải được đưa vào chế biến, còn lại tới 90% vẫn đang tiêu thụ tươi, trong đó có khoảng 50% là xuất khẩu đi Trung Quốc. Bởi vậy, có thể nói trái vải Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, mà đáng ngại là phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, thị trường nội địa lại gần như đang bị bỏ ngỏ. Vì vậy, việc củng cố, tổ chức, phát triển thị trường nội địa cho trái vải đang là vấn đề cần thiết, nhất là để phòng khi thị trường xuất khẩu có biến động. Trong đó, thị trường phía Nam lại có thị hiếu tiêu dùng thuận lợi cho việc tiêu thụ trái vải.

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, vụ vải năm nay toàn tỉnh trồng 32.000 héc-ta, sản lượng ước tính 140.000 tấn trái vải tươi (tăng 10.000 tấn so năm 2013). Có tới khoảng 60% sản lượng vải Bắc Giang được tiêu thụ nội địa. Các tỉnh, thành phố Nam Bộ chiếm tới 1 nửa lượng vải tiêu thụ nội địa của Bắc Giang. Vải thiều từ Bắc Giang được chuyển vào TP. HCM bằng container bảo ôn lạnh và xe nóng, thường đi thẳng vào các chợ đầu mối nông sản như Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền. Chính vì thế, TP. HCM được các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang coi là đầu mối quan trọng nhất để đưa vải vào tiêu thụ ở Nam Bộ. Trên địa bàn thành phố có nhiều hệ thống siêu thị, những hệ thống này còn xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố.

HÀNG VIỆT


Bắc Kạn: Đổi mới đưa hàng Việt về nông thôn vùng cao

Nhiều sản phẩm hàng Việt: Lương thực, thực phẩm, đồ uống, đặc sản vùng, miền; hàng phục vụ nông nghiệp: phân bón, giống cây trồng, các loại thuốc phục vụ nông nghiệp; đồ gia dụng… với chất lượng tốt và giá bán thấp hơn các sản phẩm cùng loại đã được đưa đến nhiều địa phương khu vực nông thôn, vùng sâu vùng cao trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Hàng Việt đưa về vùng cao hằng năm tăng không ngừng

Là một địa phương miền núi cao, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhu cầu được tiếp cận với các sản phẩm có chất lượng với giá cả là nhu cầu rất cấp thiết của người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đặc biệt là các xã vùng nông thôn, vùng sâu vùng cao.

Trước những nhu cầu chính đáng đó, kể từ khi Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Bộ Chính trị phát động, việc đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Bắc Kạn đặt lên hàng đầu. Ngay từ năm 2009 - năm đầu tiên Cuộc vận động được triển khai, Sở Công Thương Bắc Kạn đã phối hợp với Siêu thị HaproMart, Công ty CP Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ Bắc Kạn đưa hàng Việt phục vụ tại xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới. Việc làm khởi đầu này được nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện hưởng ứng, thu hút được 1.000 lượt khách tham quan, mua sắm với doanh thu ước đạt 45 triệu đồng.

Năm 2010, hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn tỉnh Bắc Kạn đã được thực hiện rộng hơn tại địa bàn 3 xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới; Cụm xã Xuân Dương, huyện Na Rỳ và Cụm xã Quảng Khê, huyện Ba Bể. Có 6 doanh nghiệp (DN) tham gia chuyến đưa hàng Việt về nông thôn này với 5 gian hàng, một chuyến xe bán hàng lưu động, thu hút trên 5.000 lượt người tham quan, mua sắm với doanh thu ước đạt 176 triệu đồng.

Ông Chu Văn Thống – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn cho biết, với một địa phương miền núi còn nhiều khó khăn như Bắc Kạn, để hàng Việt chiếm lĩnh được thị trường, Sở Công Thương không chỉ chú trọng đưa hàng Việt về khu vực nông thôn mà còn phải đảm bảo hàng hóa đó có giá cả cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại. Do đó, từ năm 2011, các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn tỉnh này đã được đổi mới theo hướng đưa những sản phẩm hàng Việt có chất lượng về bán trên địa bàn với giá thấp hơn giá thị trường từ 5 – 7%. Kể từ năm 2011 đến nay, các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn đã được tỉnh Bắc Kạn triển khai mạnh trên địa bàn các xã miền núi, vùng cao vùng xa, vùng khó khăn. Lượng khách đến với các chuyến hàng Việt này đã ngày càng đông, lượng hàng Việt tiêu thụ ngày càng nhiều, doanh thu tăng cao theo từng năm.

Hỗ trợ nhiều hơn cho DN

Trao đổi về nhu cầu hàng Việt, bà Hứa Thị Gia – bản Lủng Quang - xã Quảng Khê - huyện Ba Bể cho hay: “Tôi đã chọn lựa sử dụng nhiều sản phẩm cho nhu cầu hàng ngày như nước mắm Trung Thành, giấy vở Hồng Hà, phân bón Văn Điển… vì chất lượng tốt, giá cả phải chăng. Chúng tôi mong muốn có nhiều chuyến đưa hàng Việt về sâu trong các khu dân cư, vì hiện nay các sản phẩm này không phải ở đâu cũng bán”.

Bằng những hoạt động được thực hiện rộng khắp trong suốt 5 năm qua, Cuộc vận động đã được đông đảo các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể, các xã, phường và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn hưởng ứng tích cực. Tỷ lệ tiêu thụ hàng Việt, đặc biệt là các khu vực miền núi, vùng khó khăn đang ngày càng tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, đặc biệt là các địa phương vùng sâu, vùng xa tỉnh Bắc Kạn còn tồn tại rất nhiều khó khăn do địa bàn khó khăn, DN thiếu vốn, chưa có hệ thống phân phối sản phẩm… Chính vì vậy, ông Chu Văn Thống cũng kiến nghị, để hoạt động này đạt được nhiều thành công hơn nữa, hàng năm, cần có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các DN để tổ chức tốt hơn các chuyến vận chuyển hàng hóa phục vụ nhân dân các dân tộc ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, DN cần chủ động hơn trong việc xây dựng hệ thống phân phối để đưa hàng hóa về gần hơn với bà con.

NHẬN BIẾT HÀNG THẬT - HÀNG GIẢ


Khó ngăn chặn thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu

Theo Chi cục Quản lý Thị trường Lào Cai, tình trạng buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (TBVTV) không rõ nguồn gốc, thuốc diệt cỏ nhập lậu vẫn diễn ra phổ biến tại các chợ vùng cao của tỉnh trong khi công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Tràn lan thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc

Dạo một vòng chợ phiên Bắc Hà, phóng viên ghi nhận hàng chục sạp hàng bán TBVTV, nhiều nhất vẫn là thuốc diệt cỏ. Các sản phẩm này đựng trong gói nhỏ màu trắng, xanh và trên bao bì đều ghi chữ Trung Quốc. Đang nhiệt tình giới thiệu sản phẩm cho một số bà con đi chợ, nhưng khi thấy chúng tôi cầm máy ảnh tiếp cận, bà chủ sạp hàng tỏ thái độ không hài lòng và lảng tránh không trả lời các câu hỏi của phóng viên. Còn những người dân đang mua hàng thì cho biết, họ chỉ biết đây là thuốc của Trung Quốc và những người bán hàng khẳng định với họ là chất lượng khá tốt.

Để tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi đến thôn Trung Đô (xã Bảo Nhai, Bắc Hà) gặp ông Trưởng thôn Lục Văn Tỉnh. Theo ông Tỉnh, việc buôn bán, sử dụng thuốc diệt cỏ của Trung Quốc diễn ra từ nhiều năm nay. “Bà con tại xã Bảo Nhai vẫn mua thuốc diệt cỏ bởi đây đang là thời điểm nông dân các huyện vùng cao làm đất gieo cấy vụ lúa mùa nên cầu sử dụng thuốc trừ cỏ tăng cao” – ông Tỉnh khẳng định và cho biết thêm, do sản phẩm này giá rẻ và giúp bà con đỡ tốn công sức khi cấy lúa, trồng ngô. Vì vậy nên các tư thương đã sang bên kia biên giới mua và vận chuyển trái phép về Lào Cai tiêu thụ.

Cũng vì nhu cầu sử dụng thuốc diệt cỏ của bà con tăng cao nên tại thị trường Lào Cai thời gian qua, hoạt động kiểm soát thuốc không rõ nguồn gốc chưa đạt kết quả như mong muốn. Trong khi đó, theo khuyến cáo của cơ quan chức năng TBVTV không rõ nguồn gốc, tác động rất lớn đến sức khỏe của người sử dụng cũng như môi trường do không có hướng dẫn sử dụng đúng cách. Đó là TBVTV thường có thời gian tồn tại khá lâu trên cây trồng và trong đất, các chất này sẽ được rễ hút lên lá, hoa và tích lũy cả trong thân cây. Người trồng lại thường phun trực tiếp các loại thuốc này lên sản phẩm trước ngày thu hoạch nên các sản phẩm thu này thường có lượng tồn dư hóa chất khá cao và gián tiếp gây ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng.

Khó quản!

Việc ngăn chặn nạn buôn bán, sử dụng thuốc diệt cỏ không rõ nguồn gốc của bà con dân tộc tại các phiên chợ vùng cao rất khó khăn. Theo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Lào Cai, liên tiếp trong tháng 5/2014, lực lượng QLTT đã bắt giữ một số lô TBVTV không rõ nguồn gốc. Điển hình như ngày 15/5, thu 30 kiện tại thôn Khởi Xá, xã Bảo Nhai (Bắc Hà); ngày 17/5, Đội QLTT số 10 kiểm tra tại chợ Cán Cấu ( xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai) phát hiện lô hàng gồm 3 can dạng nước, 31 lọ thuốc BVTV dạng nước, 7kg TBVTV dạng bột; ngày 20/5 tại xã Nấm Lư, huyện Mường Khương, lực lượng QLTT thu 10 chai thuốc diệt cỏ nhập lậu từ Trung Quốc…

Tuy nhiên, do mặt hàng này rẻ, tiện lợi và nhận thức của bà con về tác hại của loại thuốc này chưa cao nên kết quả công tác quản lý còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, những người kinh doanh đều là hộ cá thể nhỏ lẻ tại các chợ phiên ở những địa bàn miền núi, biên giới nên công tác quản lý của QLTT rất khó khăn. “Mỗi lần đi kiểm tra, cán bộ QLLT phải giằng co từng can thuốc diệt cỏ với người bán hàng tại chợ phiên” – ông Nguyễn Bá Bình - Chi Cục trưởng Chi Cục QLTT Lào Cai cho biết.

Cũng theo ông Bình, lực lượng QLTT quá mỏng, thiếu phương tiện, trong khi địa bàn quản lý rộng, phân tán cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc quản lý hoạt động buôn bán, sử dụng TBVTV không rõ nguồn gốc rất khó khăn. “Trung bình huyện chỉ có 5 - 6 cán bộ QLTT trong khi đó nhiều huyện có đến hơn 20 đơn vị xã, thị trấn nên rất khó quản chặt” – ông Bình chia xẻ và cho biết thêm, kinh phí để giám định chất lượng sau khi thu giữ rất hạn chế; việc giám định thường mất nhiều thời gian chờ kết quả; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân chưa tốt… cũng là những nguyên nhân khiến công tác của lực lượng QLTT khó khăn hơn.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Bình, ngoài lực lượng QLTT, hiện Chi Cục QLTT đã ký hợp đồng với cán bộ người dân tộc để thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con. “Cần làm tốt hơn công tác phối hợp giữa cán bộ địa phương, cán bộ quản lý chợ, cán bộ ngành nông nghiệp… thì mới mong hạn chế được tình trạng này” – ông Bình kiến nghị.

Ban biên tập ((Thông tin do Báo Công Thương và Cổng TTĐT Ủy ban Dân tộc phối hợp thực hiện))