Nâng cao nhận thức môi trường cho đồng bào ở Si Ma Cai - Bài 1: Kiến thức bản địa không còn phù hợp

02:13 PM 15/04/2020 |   Lượt xem: 2817 |   In bài viết | 

Những thói quen và lối sống hòa đồng với thiên nhiên đã tạo nên những hành vi ứng xử đặc biệt của các cộng đồng đối với điều kiện môi trường rừng núi. Ảnh minh họa: baolaocai.vn

Đánh giá các vấn đề môi trường, nhận thức về môi trường và ảnh hưởng của môi trường đến sinh kế của cộng đồng dân tộc thiểu số ở huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai là một phần kết quả của Dự án "Nâng cao nhận thức và năng lực bảo vệ môi trường cho cộng đồng vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016-2020 " do Ủy ban Dân tộc quản lý, được nhóm các nhà khoa học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Học viện Dân tộc tiến hành tại cộng đồng dân tộc Mông ở huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Qua đó đã nêu ra nhiều vấn đề môi trường khá nghiêm trọng và diễn biến phức tạp ở các vùng DTTS như suy thoái rừng, thoái hóa đất và nước… 

Nghiên cứu cũng đề cập đến nhận thức và những hành vi môi trường của đồng bào dân tộc Mông, nhu cầu giáo dục môi trường cho cộng đồng DTTS ở Lào Cai nói riêng và vùng núi phía Bắc nói chung. Đồng thời đề xuất khung tiếp cận trong giáo dục môi trường cho phát triển bền vững với nguyên tắc lấy con người làm trung tâm, kết hợp giữa kiến thức khoa học và kiến thức bản địa phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội (KT-XH) của người DTTS, thúc đẩy trách nhiệm của các tổ chức xã hội và vai trò của người có uy tín trong cộng đồng.

Bị giới hạn trong phạm vi nhỏ

Theo truyền thống từ lâu đời, đồng bào dân tộc Mông thường sinh sống ở các vùng cao khoảng 800-1.500m so với mực nước biển, tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, trong đó Lào Cai là một trong những tỉnh có đông đồng bào Mông và Si Ma Cai là huyện có nhiều đồng bào Mông sinh sống nhất. Họ sống tập trung tại các thôn bản, thường từ vài chục gia đình.

Trong thôn bản có nhiều gia tộc, trong đó có một số dòng họ nổi bật có xu hướng đóng vai trò quyết định hơn trong cấu trúc xã hội của thôn bản. Người đứng đầu một nhánh gia đình có nhiều quyền hạn, được mọi người tôn trọng và tin tưởng. Theo truyền thống, người đứng đầu thôn bản có trách nhiệm giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng. Người dân của mỗi thôn bản tự nguyện tuân theo quy tắc được quy định chung, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, bảo vệ rừng, duy trì trật tự xã hội và sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau.

Những kinh nghiệm này dần được đúc kết hình thành các kiến thức bản địa và được truyền lại trong mỗi gia đình và cộng đồng, từ thế hệ này sang thế hệ khác chủ yếu bằng truyền miệng. Do đó, những kiến thức bản địa cũng có nhiều thay đổi theo thời gian và ở mỗi cộng đồng. Nhìn chung các kiến thức bản địa là những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm sản xuất quý báu cho người dân tộc sống hài hòa với tự nhiên. Tuy vậy, các kiến thức bản địa thường bị giới hạn trong phạm vi nhỏ của cộng đồng và chỉ phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa và KT-XH của một số địa phương nhất định. 

Hơn nữa, đồng bào Mông thường ít chú ý đến việc phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên như trồng rừng và bảo vệ đất. Trong điều kiện dân số đông như hiện nay đã dẫn đến làm suy thoái tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Nhất là trong thời kỳ phát triển KT-XH hiện nay, hệ sinh thái tự nhiên đang xuống cấp nghiêm trọng, nhiều điều kiện mới phát sinh, nên cần nghiên cứu và lựa chọn những kiến thức phù hợp với điều kiện hiện tại để đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai.

Áp lực tăng dân số và phát triển nông nghiệp

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, Si Ma Cai là một trong 3 huyện nghèo nhất của tỉnh Lào Cai, với hơn 6.500 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông (82,52%). Diện tích tự nhiên rộng nhưng nhiều núi cao, vực sâu, đá nhiều hơn đất, lại khô hạn, thiếu nước tưới, nên việc canh tác nông nghiệp rất khó khăn. Để phát triển KT-XH, huyện Si Ma Cai tập trung vào khai thác các thế mạnh của địa phương, tận dụng lợi thế đất đai cùng nguồn lao động, tập trung vào hai hình thức phát triển sản xuất nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi đại gia súc) theo hướng hàng hóa để xóa nghèo nhanh. 

Kết quả phát triển kinh tế đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Si Ma Cai năm 2017 xuống 32,6% hộ nghèo (giảm 9,6% so với cuối năm 2016). Để đáp ứng nguồn cung lương thực thực phẩm của người dân, diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã tăng 156%, chăn nuôi gia cầm, gia súc và trâu bò tăng tương ứng 131-140 và 178% và diện tích đất rừng sản xuất tăng trên 3,5 nghìn ha trong giai đoạn 2000-2018. Có thể nói, sự gia tăng dân số nhanh chóng (tăng 2,7 lần trong giai đoạn 2000-2018) và phát triển sản xuất nông nghiệp đã gây áp lực mạnh lên nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên đất và đây là nguyên nhân cơ bản của suy thoái môi trường ở các vùng DTTS ở Si Ma Cai. 

Khảo sát ở 80 hộ gia đình cho thấy, trong sinh kế hàng ngày người dân tộc thiểu số nói chung và người Mông nói riêng coi tài nguyên thiên nhiên là sẵn có, nên quá trình khai thác thường không gắn với việc tái tạo và sử dụng chúng một cách không bền vững. Có tới 74% số người được hỏi có tham gia khai thác gỗ trái phép trong rừng, 71% canh nương rẫy theo hình thức chặt đốt và 55% có săn bắt thú rừng. Họ không hiểu mối quan hệ giữa các hoạt động này và các vấn đề môi trường, mà chỉ theo đuổi những lợi ích kinh tế trước mắt mà không quan tâm đến hệ quả lâu dài đối với môi trường sống của họ. Điều đó dẫn đến rừng tiếp tục bị phá hủy mỗi năm do canh tác nương rẫy và khai thác gỗ trái phép, cùng với việc sử dụng đất không hợp lý trong một thời gian dài đã gây suy thoái môi trường nghiêm trọng. Nhiều vùng đất đã mất khả năng sản xuất và bị bỏ hoang hóa.