Phát triển nông nghiệp số tại vùng DTTS và miền núi: Xu thế tất yếu để bắt kịp thời đại

04:14 PM 02/10/2020 |   Lượt xem: 2990 |   In bài viết | 

Mở ra nhiều cơ hội

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến tháng 8/2020, cả nước có trên 1.920 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của 1.120 chủ thể tham gia tại 63 tỉnh, thành cả nước. Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm hiện nay chủ yếu vẫn được phân phối qua những kênh bán hàng truyền thống, như: Hội chợ, cửa hàng, siêu thị... và chưa có sự gắn kết cao giữa những sản phẩm nông nghiệp với sàn thương mại điện tử (TMĐT). Đặc biệt, người dân vùng DTTS và miền núi vẫn cần thông qua các thương lái để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Cùng với đó là sự liên kết trong chuỗi cung ứng cơ bản trong nông nghiệp vùng đồng bào DTTS và miền núi bao gồm: Sản xuất, thu hoạch và vận chuyển; xử lý và lưu trữ; đóng gói, phân phối; đưa ra thị trường của người nông dân và các Hợp tác xã nông nghiệp chưa thực sự chuyên nghiệp, đang là rào cản của sự kết nối giữa sản phẩm nông nghiệp với giao dịch điện tử hiện nay.

Trong khi thời đại của sàn TMĐT đang nở rộ, người mua hàng có thể mua sản phẩm từ khắp nơi trên cả nước cũng như thế giới thông qua các sàn TMĐT và dịch vụ vận chuyển.

Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng, Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho rằng, hiện nay, ở vùng DTTS và miền núi, không ít người dân đã biết sử dụng điện thoại di động, dùng mạng Internet. Khi được hướng dẫn giới thiệu sản phẩm qua các sàn như: Postmart, Tiki, Shoppe... mọi người đều học rất nhanh và ra được đơn hàng. Thêm vào đó, là hệ thống bưu điện đã phủ sóng khắp các xã cũng là điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia vào các giao dịch điện tử.

Minh chứng như tại xã Vi Hương, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn), là xã thí điểm xây dựng nông nghiệp số. Trong 2 tuần triển khai, xã đã giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp trên Website, Fanpage Facebook, nhóm Zalo và người dân vùng DTTS và miền núi đã có những đơn hàng đầu tiên trên sàn TMĐT Tiki, Shopee, Sendo...

Bà Đinh Thị Hóa, dân tộc Tày, xã Vi Hương cho biết: “Hiện đang là mùa cốm, nếu như trước đây tôi chỉ làm và mang ra chợ bán theo ngày, thì bây giờ tôi bán cả trên mạng bằng điện thoại di động. Chỉ trong 3 ngày tôi đã bán được hơn 60 đơn hàng với khối lượng 50kg cốm, thu về hơn 7 triệu đồng, bằng bán cả mùa ở chợ”.

Làng thông minh, xã kết nối

Tại Hội thảo chuyển đổi số và định hướng nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ NN&PTNT và Bộ TT&TT tổ chức vừa qua, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp số, trong đó nhấn mạnh việc tiến tới mô hình “Làng thông minh, xã kết nối”.

Mô hình “Làng thông minh, xã kết nối” là một cộng đồng xóm, thôn, xã ở các vùng nông thôn sử dụng các giải pháp khoa học công nghệ để kết nối, chia sẻ, thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội nhằm cải thiện các điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương trên nền tảng công nghệ số.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng “Làng thông minh, xã kết nối” ở Việt Nam cần xuất phát từ con người, lấy con người là đối tượng được phục vụ, xây dựng các kết nối trực tiếp nhất, tiết kiệm nhất, đầy đủ nhất có thể. Theo đó, “Làng thông minh, xã kết nối” sẽ bao gồm các hợp phần về thiết chế thông minh, con người thông minh (được đào tạo, chuyên nghiệp), chính quyền thông minh và nông nghiệp thông minh (dễ sử dụng, tiện ích).

Việc phát triển nông nghiệp số giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa, không thua kém đô thị về sức sản xuất, về năng suất lao động, về tính cạnh tranh, về an sinh và sự hưởng lợi các dịch vụ xã hội so với vùng thuận lợi.

Để sản phẩm nông nghiệp được kết nối số, người dân và các Hợp tác xã vùng đồng bào DTTS và miền núi cần được đào tạo về cách thức bán hàng trên mạng, kỹ năng bán hàng và cách chốt đơn. Đồng thời, được hướng dẫn chi tiết về cách đóng gói, bảo quản nông sản trước khi chuyển cho các nhà phân phối. Cùng với đó cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp để xây dựng, duy trì và phát triển số hóa trong nông nghiệp...