Thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá địa phương cho phụ nữ dân tộc thiểu số

10:52 AM 13/07/2023 |   Lượt xem: 7131 |   In bài viết | 

Hội thảo khoa học "Tiếp cận và ứng dụng thông tin thị trường để tiêu thụ hàng hóa địa phương cho phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ: Thực trạng và giải pháp"

Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo khoa học "Tiếp cận và ứng dụng thông tin thị trường để tiêu thụ hàng hóa địa phương cho phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ: Thực trạng và giải pháp" thuộc đề tài "Giải pháp tiếp cận thông tin thị trường nhằm tiêu thụ sản phẩm địa phương cho PNDT thiểu số huyện Tân Sơn, tỉnh PHú Thọ.

Bà Đặng Thị Minh Hồng - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ cho rằng, ra quyết định là một công việc phức tạp, khó khăn và hết sức quan trọng của người sản xuất. Sản xuất cái gì, sản xuất cho ai, sản xuất như thế nào, hình thức mẫu mã, chất lượng sản phẩm ra sao, sản xuất vào lúc nào luôn là những câu hỏi đặt ra cho tất cả các chủ thể kinh tế, đặc biệt là nông dân.

Để ra một quyết định đúng đắn, người nông dân cần rất nhiều thông tin, nhất là thông tin về thị trường. Chỉ khi được cung cấp thông tin đầy đủ thì người sản xuất, cụ thể là những người phụ nữ mới có thể ra được những quyết định đúng đắn để trả lời cho các câu hỏi trên.

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều sản phẩm địa phương đặc hữu. Nhân dân các dân tộc huyện Tân Sơn hiện đang là chủ thể sản xuất ra nhiều loại đặc sản của địa phương như: thịt lợn lửng, gà chín cựa, thịt lợn chua, cá thính, lúa nếp thơm, khoai tầng, chuối phấn vàng…

Nhược điểm của các sản phẩm này là thời hạn sử dụng ngắn, không bảo quản được lâu, trong khi thời gian cần để đi từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng đòi hỏi phải dài với yêu cầu vẫn giữ nguyên chất lượng, hương vị của sản phẩm.

Ứng dụng công nghệ thông tin sẽ góp phần sẽ góp phần giải quyết bài toán rút ngắn thời gian tiêu thụ sản phẩm, đồng thời thu hẹp khoảng cách địa lý giữa các vùng miền.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của PGS.TS. Tô Thế Nguyên - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, các kênh tiêu thụ sản phẩm chủ yếu của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Tân Sơn hiện nay vẫn là thông qua thương lái và tự bán lẻ. Trong đó, vai trò của thương lái rất quan trọng, là kênh tiêu thụ chính của nông hộ, chiếm khoảng 60% - 70% tổng sản phẩm tiêu thụ.

Các nông hộ thường lựa chọn bán cho nhà buôn nhiều hơn là các công ty vì đòi hỏi của các nhà buôn với sản phẩm không quá cao, số lượng tiêu thụ lớn, trả tiền ngay khi giao dịch. Các nông hộ không muốn bán cho các công ty thường là do giá thấp và phải bán chịu cho công ty, thời gian nợ dài (có thể lên đến vài tháng).

Mặc dù tiêu thụ nông sản là nỗi lo thường trực của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Tân Sơn và bà con vẫn đang loay hoay trong cái vòng luẩn quẩn tập trung đầu tư cho chăn nuôi, trồng trọt rồi lại lo lắng tìm đầu ra cho sản phẩm nhưng có một thực tế là các chỉ số tìm kiếm thông tin về cơ chế, chính sách của Nhà nước; xu hướng phát triển thị trường; nhu cầu thị trường (giá cá, mẫu mã, chất lượng, số lượng…); đối thủ cạnh tranh; ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất,  tiêu thụ; đầu vào sản xuất (giá cả, chất lượng, số lượng)… đều chỉ ở mức độ trung bình khá.

Bà Lê Thị Thuỷ - Nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển phụ nữ nhấn mạnh những thách thức rất lớn đang đặt ra với hàng nông sản địa phương như: yêu cầu cao về nhãn mác hàng hoá, bao bì đóng gói, dư lượng tối đa hoá chất trong sản phẩm nông nghiệp, tính hợp pháp của nguyên liệu sử dụng…

Do đó, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chính là thúc đẩy sản xuất phát triển và tăng cường tiếp cận thông tin thị trường để bán các sản phẩm nông nghiệp sẽ là một bước dài trong việc xoá đói giảm nghèo cũng như trao quyền nhiều hơn cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Trong bối cảnh mới, muốn xoá đói giảm nghèo bền vững phải hướng tới nâng cao năng lực tự chủ cho người dân, đặc biệt là năng lực tiếp cận thị trường của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó phụ nữ dân tộc thiểu số là chủ yếu.

Khi phụ nữ dân tộc thiểu số có năng lực tìm kiếm thông tin thị trường, xử lý thông tin thị trường thì tất yếu hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sẽ hướng tới thị trường, đời sống kinh tế của hộ gia đình theo đó cũng được cải thiện, vị thế của người phụ nữ trong gia đình được nâng lên.

TS. Nguyễn Cao Đức, Thư ký Chương trình đề tài địa phương, Viện phó Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, trên cơ sở nghiên cứu thực trạng và tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp được nhiều đề xuất giải pháp của nhà quản lý, nhà khoa học, nhà tư vấn độc lập… nhằm thúc đẩy việc tiếp cận và ứng dụng thông tin thị trường trong phụ nữ dân tộc thiểu số để tiêu thụ hàng hoá do chính họ sản xuất ra.

Đó là việc đề xuất, kiến nghị với chính quyền cần có chính sách tạo điều kiện cho nông dân phát triển thị trường bằng mã QR code; tiếp tục phát huy vai trò của các kênh thông tin truyền thống và sử dụng các mạng xã hội để truyền thông một cách chân thật quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến các sản phẩm bản địa, tạo ra kênh phân phối có giá trị giao dịch và tiêu thụ cao.

Xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý gắn với xây dựng nhãn hiệu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và tạo uy tín cao với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, phát huy sức ảnh hưởng của các nhân vật nổi tiếng, truyền thông qua các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình maketting; xây dựng các website, video thông tin sản xuất để quảng bá và khẳng định thương hiệu sản phẩm; giới thiệu những câu chuyện đằng sau các sản phẩm gắn với mong muốn của người tiêu dùng…

Những giải pháp này không chỉ có giá trị tham khảo với phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Tân Sơn mà hoàn toàn có thể ứng dụng ra các địa bàn khác vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

(dangcongsan.vn)