Thông tin giá cả thị trường số 11/2017

12:00 AM 11/05/2017 |   Lượt xem: 2780 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Đồng Nai: Tăng lợi nhuận từ trồng xen canh ca cao - điều

Đồng Nai đã triển khai dự án cánh đồng mẫu lớn trồng xen canh ca cao trong vườn điều với quy mô cả ngàn héc-ta tại huyện Trảng Bom. Dự án này đang thu hút khá đông nông dân đăng ký tham gia.

Trước tình trạng thời tiết thất thường như hiện nay, đây là mô hình xen canh rất lợi thế cho nông dân trồng điều. Bởi trồng xen canh ca cao tăng lợi nhuận rất nhiều so với trồng chuyên canh cây điều. Tại Tổ hợp tác ca cao Trung Hòa (huyện Trảng Bom) hiện có 39 héc-ta vườn điều trồng xen ca cao đang cho thu hoạch. Năm nay, dù mất mùa điều nhưng các tổ viên của hợp tác xã vẫn an tâm vì cây ca cao cho lợi nhuận tốt. Cụ thể, từ năm thứ 5 trở đi, 1 héc-ta ca cao xen canh trong vườn điều cho thu hoạch ít nhất là 10 tấn trái tươi/năm. Với giá bán 6.300 đồng/kg như hiện nay, nông dân đã thu về 63 triệu đồng. Nhưng hiện đa số các tổ viên trong tổ hợp tác đều đạt năng suất từ 20 tấn/héc-ta trở lên nên lợi nhuận rất khả quan.

 Không chỉ ở huyện Trảng Bom mà nông dân ở nhiều địa phương khác cũng đã thành công khi trồng xen cây ca cao trong vườn điều. Hiện toàn huyện Định Quán đã phát triển được trên 80 héc-ta ca cao xen canh cây điều. Từ năm 2014, các hợp tác xã của huyện định Quán đã đăng ký tham gia dự án cánh đồng lớn cho cây ca cao để nông dân được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Đầu ra của sản phẩm cũng được đảm bảo vì đã ký kết hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, với quy mô cả ngàn héc-ta, dự án cánh đồng lớn ca cao xen canh cây điều có diện tích và quy mô lớn nhất trong các dự án cánh đồng lớn của Đồng Nai. Dự án được triển khai nhanh vì tỉnh, huyện và cả doanh nghiệp chủ đầu tư dự án đều đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Cây ca cao phát triển tốt là tín hiệu vui của dự án.

Dự kiến, trong năm 2017, dự án phát triển thêm 111 héc-ta trồng xen canh. Đặc biệt, nông dân tham gia dự án cánh đồng lớn sẽ được Công ty cổ phần Bamboo Capital (TP. Hồ Chí Minh) hỗ trợ 20% tiền giống và phân bón trong năm đầu. Những năm sau, nông dân chỉ phải trả trước 50% tiền phân bón, phần còn lại sẽ thanh toán khi thu tiền bán trái ca cao. Công ty sẽ ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm và tổ chức hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc ca cao cho nông dân trong suốt quá trình trồng. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng hỗ trợ 30% chi phí giống và 30% tiền xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm.

Giá cả thị trường tháng 3/2017

Tại miền Bắc, giá thóc, gạo tẻ thường ổn định so với cùng kỳ tháng 2/2017. Giá thóc tẻ thường dao động ở mức 6.500 - 7.500 đồng/kg, giá một số loại thóc chất lượng cao hơn ở mức 8.000 - 9.500 đồng/kg; giá gạo tẻ thường dao động ở mức 8.500 - 14.000 đồng/kg. Tại miền Nam, do tiểu thương và doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu đang đẩy mạnh hoạt động thu mua để đảm bảo đủ cho các đơn hàng xuất khẩu trong năm 2017 nên giá thóc tại kho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long loại thường dao động ở mức 5.350 - 5.450 đồng/kg (tăng 400 - 500 đồng/kg); giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì giao tại mạn tàu hiện khoảng 7.750 - 7.850 đồng/kg (tăng 800 - 900 đồng/kg); gạo 25% tấm khoảng 7.350 - 7.450 đồng/kg (tăng 800 - 900 đồng/kg).

Giá một số loại thực phẩm tươi sống giảm, riêng nhóm mặt hàng thịt bò, thịt gà và thủy hải sản tăng so với cùng kỳ tháng 2/2017. Cụ thể như sau: thịt lợn hơi giảm 1.000 đồng/kg: Tại miền Bắc, giá khoảng 30.000 - 34.000 đồng/kg; tại miền Nam, giá khoảng 30.000 - 36.000 đồng/kg. Thịt bò thăn: giá phổ biến khoảng 260.000 - 275.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg). Thịt gà ta làm sẵn có kiểm dịch giá ở mức 110.000 - 120.000 đồng/kg (tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg); thịt gà công nghiệp làm sẵn ở mức 55.000 - 65.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg).

Giá phân bón urê giảm nhẹ so với cùng kỳ tháng 2/2017 do nhu cầu thị trường giảm. Tại thị trường các tỉnh phía Bắc, mức giá khoảng 7.200 đồng/kg (giảm 350 đồng/kg); tại miền Nam, mức giá khoảng 7.200 - 7.500 đồng/kg (giảm 50 đồng/kg).     

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Huyện Đức Hòa (Long An): Hiệu quả từ mô hình trồng bắp bao tiêu sản phẩm

Hiệu quả mô hình trồng bắp (ngô) bao tiêu sản phẩm được chứng minh qua từng mùa vụ trong nhiều năm qua đã khẳng định tác dụng của sự liên kết 4 nhà: Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học và doanh nghiệp.

Vụ đông xuân 2016 - 2017, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An xuống giống gần 1.000 héc-ta bắp, trong đó có trên 50 héc-ta bắp giống được trồng tại các xã: Mỹ Hạnh Nam, Mỹ Hạnh Bắc, Đức Lập Thượng, Tân Phú. Bà con tham gia mô hình trồng bắp bao tiêu sản phẩm được hỗ trợ về giống, kỹ thuật, một phần vốn không tính lãi... Nhờ vậy, năng suất, lợi nhuận cao hơn so với bắp thương phẩm.

Tại xã Đức Lập Thượng, mô hình bắt đầu được triển khai từ vụ đông xuân 2013 – 2014 với diện tích ban đầu chỉ 4 héc-ta và mở rộng dần đến vụ đông xuân 2016 - 2017 là 14,5 héc-ta với 25 hộ tham gia. Mỗi héc-ta, người dân được tạm ứng kinh phí 10 triệu đồng. Qua khảo sát, đến nay, bắp phát triển rất tốt, đang trong giai đoạn lấp đầy hạt, khả năng có thể đạt khoảng 9 tấn/héc-ta như vụ đông xuân năm trước. Bình quân mỗi héc-ta bắp giống bao tiêu, người dân có lãi trên 40 triệu đồng.

Đáng mừng là năm nay đã có một số công ty tham gia bao tiêu sản phẩm: Công ty Syngenta, Tập đoàn An Nông, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Giống cây trồng miền Nam, Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam... với giá 8.600 đồng/kg bắp tươi nguyên cùi.

Hiệu quả trồng bắp bao tiêu sản phẩm đã được chứng minh qua từng mùa vụ trong nhiều năm qua. Đây là một trong những mô hình khẳng định hiệu quả của sự liên kết 4 nhà: Nhà nước nhà nông nhà khoa học và doanh nghiệp. Thời gian tới, để bảo đảm quyền lợi cho nông dân, các ngành chức năng huyện Ðức Hòa cần tăng cường quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện đẩy mạnh liên kết 4 nhà nhằm mở rộng diện tích bao tiêu sản phẩm. Qua đó, thúc đẩy phong trào chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng của huyện.

Huyện Trảng Bàng (Tây Ninh): Được mùa đậu phộng

Hiện nay, nông dân ở huyện Trảng Bàng bắt đầu thu hoạch đậu phộng (lạc). Nhờ có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và tích cực chăm sóc nên đậu phộng phát triển tốt, năng suất đạt khá, bình quân 3,5 tấn/héc-ta.

Năm nay, mưa cuối mùa muộn nên diện tích đậu phộng trên địa bàn xã giảm gần một nửa so với vụ trước. Vụ này, đậu phát triển tốt, ít bị chết cây, năng suất đạt khá. Nhiều hộ đã thu hoạch đạt từ 3 - 4 tấn/héc-ta (đậu khô). Với giá bán từ 22.000 - 23.000 đồng/kg đậu khô, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, nông dân lãi khoảng 30 triệu đồng/héc-ta.

Tuy vậy, do hầu hết các khâu sản xuất đậu phộng chưa được cơ giới hoá, phải cần rất nhiều công lao động, nên người trồng đậu phộng hiện đang rất khó thuê lao động. Để xuống giống 1 héc-ta đậu phộng, cần đến 4 người chày lỗ và 25 người bỏ hạt làm trong 1 buổi. Còn khâu thu hoạch, để nhổ xong 1 héc-ta đậu phộng trong một buổi, phải cần đến 50 người. Để nhặt đậu trên 1 héc-ta đậu trong một ngày, phải cần từ 30 - 40 người. Ngoài ra, người trồng đậu phộng còn phải thuê vận chuyển đậu về nhà, thuê người phơi đậu… Trong khi đó, công lao động ở nông thôn ngày càng khan hiếm do đa số lao động trẻ đi làm công nhân ở các khu công nghiệp.

Thêm một khó khăn không nhỏ nữa là giá đậu phộng luôn bấp bênh, thường vào đầu vụ giá cao, đến giữa vụ giá lại hạ xuống. Hiện chưa có doanh nghiệp nào đầu tư hay liên kết bao tiêu sản phẩm đậu phộng. Thực tế cho thấy, sản xuất đậu phộng có lãi nhiều hơn lúa và một số cây trồng khác. Nhưng diện tích đậu phộng ở Trảng Bàng còn quá thấp so với cây lúa do vốn đầu tư cho cây đậu phộng lớn, khó thuê mướn công lao động và đầu ra bấp bênh.

Để cây đậu phộng được duy trì và phát triển mạnh hơn trên đất Trảng Bàng, rất cần các nhà khoa học nghiên cứu, chế tạo thiết bị cơ giới hoá phục vụ các khâu xuống giống, thu hoạch. Đồng thời, cần các doanh nghiệp liên kết với nông dân đầu tư và bao tiêu sản phẩm đậu phộng.

MUA GÌ? BÁN GÌ?

Ninh Thuận: Ngư dân trúng đậm tôm hùm con

Từ đầu tháng 2 đến nay, ngư dân vùng biển ở huyện Tháp Chàm , tỉnh Ninh Thuận liên tục trúng đậm tôm hùm con. Cứ sáng sớm, ngư dân đưa lưới ra giăng ở khu vực vùng biển Ninh Chữ - Bình Sơn, đến cuối ngày, một bè lưới bắt được từ 10 - 20 con, có thời điểm trúng đậm bắt được từ 20 - 30 con. Với giá dao động từ 250.000 - 320.000 đồng/con (tùy theo kích cỡ con tôm), mỗi thuyền bè đánh bắt tôm hùm giống thu hoạch trung bình khoảng 3 triệu đồng/ngày.

Theo ngư dân địa phương, do các lồng bè ở khu vực biển miền Trung đang trong thời kỳ đầu thả nuôi tôm hùm thương phẩm nên các thương lái đến tận bờ biển để thu mua.

Bình Định: Ngư dân bội thu cá ngừ đại dương

Nước biển đang mát, lại đã qua mùa sinh sản nên cá ngừ đại dương xuất hiện nhiều trên mọi ngư trường. Nhờ đó, tất cả những chuyến biển của ngư dân Bình Định trong gần 3 tháng qua đều bội thu.

Theo số liệu sơ bộ của Chi cục Thủy sản Bình Định, trong gần 3 tháng đầu năm 2017, tổng sản lượng khai thác thủy sản của ngư dân tỉnh này đạt 30.100 tấn, tương đương cùng kỳ năm 2016. Riêng sản lượng đánh bắt cá ngừ đại dương đạt đến 3.446 tấn, trong khi đó, cùng kỳ này năm ngoái chỉ đánh bắt được 1.970 tấn. Nhiều tàu cá có hôm đã đánh bắt được 9 - 10 con cá ngừ đại dương, có con nặng gần 100 kg.

Hậu Giang: Giá rơm ở mức cao

Hiện nay, rơm trên đồng có giá 120.000 đồng/công, cộng với chi phí thuê mướn trâu kéo hoặc máy hút thu gom thành đống có tổng chi phí khoảng 300.000 đồng/công, tăng hơn 50.000 đồng/công so với thời điểm năm trước. Rơm hiện nay rất hút hàng do được dùng để chất nấm hoặc lót trái cây xuất khẩu. Mặc dù giá bán luôn ở mức cao nhưng bà con không có đủ hàng để bán. Theo tiết lộ của các thương lái, tuy giá rơm nguyên liệu ở mức cao, nhưng mỗi công rơm sau khi chất nấm cho năng suất từ 30 – 40 kg. Với giá nấm rơm ổn định ở mức 50.000 đồng/kg, người trồng nấm vẫn thu được lợi nhuận khoảng 700.000 đồng/công rơm.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Tây Nguyên: Thận trọng mở rộng diện tích cây mắc ca

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có 2.266 héc-ta cây mắc ca, chiếm hơn 64% diện tích cây mắc ca của cả nước. Tuy nhiên, đây là một loại cây trồng mới nên người dân không nên trồng ồ ạt, dễ gây ra nhiều hệ lụy.

Giảm thiểu rủi ro cho người trồng

Mắc ca là loại cây mới được đưa vào trồng thử nghiệm ở Tây Nguyên. Bước đầu cho thấy, cây có thể phát triển được ở một số vùng sinh thái, nhất là những vùng có khí hậu lạnh. Sau 5 đến 7 năm trồng, cây mắc ca đã cho năng suất, nên có triển vọng phát triển trên địa bàn Tây Nguyên. Hiện diện tích cây mắc ca tập trung chủ yếu ở tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk… Thực tế, tại một số vùng như: Krông Năng (Đắk Lắk), Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà (Lâm Đồng), đồng bào đã trồng xen mắc ca trong vườn cà phê. Cách trồng này mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, vừa tăng thêm thu nhập cho người trồng vừa cải tạo môi trường sinh thái trong các lô cà phê. Xét về mặt kinh tế, cây mắc ca dễ trồng, ít công chăm sóc, chi phí đầu tư ít nhưng lãi cao hơn nhiều so với cây cà phê.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, đây là loài cây mới nên cần phải đánh giá kỹ trước khi phổ biến rộng rãi. Công tác chọn giống, quy hoạch vùng trồng cho cây mắc ca cần gắn với các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo sản xuất có hiệu quả, giảm thiểu rủi ro cho người trồng. Hiện nay, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên đã có 4 dòng mắc ca gồm: 246, 816, OC, 849 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Đây là những giống mắc ca cho năng suất cao, kháng nhiều sâu bệnh hại...

Thế nhưng, do chạy theo phong trào, nhiều hộ dân bất chấp khuyến cáo của các đơn vị chức năng ồ ạt mở rộng diện tích, đưa cây mắc ca vào trồng ở những vùng đất, khí hậu không thích hợp. Nghiêm trọng hơn, có hộ sử dụng các loại giống không rõ nguồn gốc, giống kém chất lượng nên cây không cho quả, hoặc tỷ lệ đậu quả rất thấp.

Những điều cần lưu ý khi mua giống mắc ca

Hiện nay, trên thị trường có nhiều điểm bán cây giống mắc ca không đảm bảo chất lượng về dòng, giống và kỹ thuật ghép. Theo Trung tâm khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, hiện đang có 3 loại giống cây mắc ca không đảm bảo chất lượng: Một là loại cây giống không phải là cây ghép. Bởi các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng cây mắc ca trên thế giới khuyến cáo phải là cây ghép, không trồng giống thực sinh (tức là cây trồng bằng hạt). Tuy nhiên, một số cơ sở đã bán cây giống không phải là cây ghép. Họ đã tạo ra vết ghép giả bằng cách cắt tạo ở thân cây một vết cắt hình dạng giống vết ghép. Để nhận biết cây là cây ghép giả, bà con so sánh sẽ thấy lá ở dưới vết cắt và lá ở bên trên vết ghép giống nhau.

Hai là loại cây giống dùng cây thực sinh làm mắt ghép. Một số điểm ươm, bán cây giống không có cây đầu dòng để lấy mắt ghép đã dùng cành của cây thực sinh làm mắt ghép. Loại cây này năng suất thấp, thời gian cho thu hoạch trái rất chậm (phải từ 7 – 8 năm trở lên).

Ba là loại cây giống nguồn gốc không rõ ràng. Một số điểm bán giống không có cây đầu dòng để lấy mắt ghép, đã mua cành của các vườn người dân trồng khác về ghép. Loại cây giống này, chủ vườn ươm không phân biệt được dòng cây mà vẫn đặt tên để bán. Có những người khi bán lại nói nhập từ Úc, Mỹ,Trung Quốc hay Thái Lan nhưng thực chất chỉ là giống cây trôi nổi, kém chất lượng.

Do đó, khi mua giống cây bà con lưu ý tránh 3 loại giống kém chất lượng trên. Ngoài ra, bà con cũng không nên mua cây có mắt ghép cao cách mặt bầu từ 50 cm trở lên vì cây cao không chịu được gió bão, ít cành ngang, không cho năng suất cao. Không nên mua cây có tuổi gốc ghép quá 24 tháng hoặc thân to trên 10mm vì như thế gốc ghép đã già, rễ cọc to, dài, xoắn dưới đít bầu ươm. Trong trường hợp này, khi trồng phải cắt dưới đáy bầu ươm cây tức là cắt mất rễ cọc đi. Do đó, rễ mới mọc ra không phải rễ cọc sẽ không cắm sâu xuống đất nên cây dễ bị nghiêng đổ và thường không chịu đựng được gió bão, mưa dầm, hạn hán, lũ lụt.

HÀNG VIỆT

Quýt Bắc Kạn - Món quà quý của núi rừng

Là trái cây đặc sản của tỉnh Bắc Kạn, nhiều năm nay, trái quýt là một trong những loại nông sản giúp người dân thoát nghèo. Để nâng cao giá trị cho loại quả quý này, tỉnh Bắc Kạn đã nỗ lực xây dựng thương hiệu cho trái quýt. Đến nay, sau hơn 4 năm được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, sản phẩm quýt Bắc Kạn đã và đang được thị trường ưa chuộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sản phẩm nông nghiệp có giá trị

Vốn là cây ăn quả đã được người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trồng từ nhiều năm nay, quýt Bắc Kạn được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng vì có hương vị thơm ngon đặc trưng. Có hương vị hấp dẫn đặc biệt nên quýt Bắc Kạn đã từng được đem trồng thử ở nhiều nơi, tuy vậy, chỉ những trái quýt cắm rễ sâu trên vùng đất núi, ngấm trọn sương giá của vùng núi cao Bắc Kạn mới có được hương vị đặc trưng nổi trội. Đặc biệt, là một loại cây trồng truyền thống, từ xưa đến nay, bà con tỉnh Bắc Kạn thường không dùng chất bảo quản trong quá trình trồng, chăm bón cũng như bảo quản nên trái quýt Bắc Kạn là loại trái cây sạch. Chính vì lẽ đó, trong những năm gần đây, người tiêu dùng đặc biệt ưa chuộng loại trái cây này và đặt hàng tương đối nhiều.

Nhằm nâng cao giá trị cho trái quýt, từ cuối năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quýt Bắc Kạn tại 12 xã gồm: Quang Thuận, Dương Phong, Đôn Phong (huyện Bạch Thông); Rã Bản, Đông Viên, Phương Viên (huyện Chợ Đồn); Thượng Giáo, Địa Linh, Chu Hương, Mỹ Phương, Cao Trĩ, Yến Dương (huyện Ba Bể). Việc được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý đã giúp quýt Bắc Kạn khẳng định chỗ đứng ở thị trường trong tỉnh, từng bước mở rộng tiêu thụ ở ngoài tỉnh. Theo đó, từ khi quýt trổ hoa (tháng chín âm lịch), tiểu thương đã nô nức đến Bắc Kạn đặt mua quýt. Gần Tết Nguyên đán, quýt lại nhuốm một màu vàng xanh dọc các tuyến đường để phục vụ nhu cầu của bà con các địa phương lân cận.

Mở rộng diện tích sản xuất

Mặc dù là cây trồng mang lại hiệu quả cao nhưng do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình trồng nên trái quýt còn phụ thuộc lớn vào thời tiết, tình trạng mất mùa, được mùa không ổn định. Do vậy, vài năm trở lại đây, người trồng quýt đã được tiếp cận với phương pháp ghép mắt, ghép cành thay thế cho phương pháp chiết cành truyền thống. Ưu điểm của phương pháp này là sử dụng gốc bưởi để ghép nên có bộ rễ khỏe, có thể sống trên diện tích đất cằn cỗi, thời gian cho thu hoạch sớm hơn 1 năm so với cách trồng truyền thống (4 năm đã cho thu hoạch), thời gian bói quả và thu hoạch được lâu khoảng 10 năm, chất lượng quả tốt hơn, quả to đều, năng suất cao.

Tỉnh Bắc Kạn còn quan tâm hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật và chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích canh tác theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Người dân cũng thường xuyên được cung cấp kiến thức, tập huấn kỹ năng trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm, giúp tăng hiệu quả, năng suất cây trồng, chất lượng quả. Công tác quảng bá, giới thiệu quả đặc sản của địa phương nói chung và quýt Bắc Kạn nói riêng cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm bằng cách tích cực giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, sự kiện thương mại trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, vùng trồng cam quýt của Bắc Kạn vào khoảng khoảng 2.400 héc-ta, năng suất trung bình 83,6 tạ/héc-ta, sản lượng 10.880 tấn, thu nhập bình quân hàng năm đạt 85 triệu đồng/héc-ta. Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục duy trì và phát triển ổn định diện tích quýt hiện có. Trong đó, tập trung đầu tư thâm canh, tăng năng suất diện tích thêm 1.500 héc-ta tại các huyện: Bạch Thông, Chợ Đồn, Ba Bể. Đồng thời, phát triển vùng trồng quýt theo hướng đầu tư quy trình công nghệ chăm sóc, cải tạo thay thế dần những vườn cây ăn quả đã già cỗi, năng suất thấp, nhiễm sâu bệnh bằng các giống tốt, sạch sâu bệnh; phát triển theo hướng đầu tư quy trình công nghệ chăm sóc, cải tạo cam, quýt theo tiêu chuẩn VietGap.

Diện tích quýt Bắc Kạn đã tăng gấp trên 300 lần chỉ trong vòng hơn 10 năm qua. Từ chỉ 7 héc-ta năm 1998 đến nay đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với khoảng 2.400 héc-ta tại 3 huyện: Bạch Thông, Chợ Đồn và Ba Bể, sản lượng đạt 10.500 – 14.000 tấn/năm.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Sản xuất, gia công phân bón vô cơTăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, ngày 1/3/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 636/QĐ-BCT phê duyệt kế hoạch triển khai đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ năm 2017.

Phát hiện những bất cập trong công tác quản lý phân bón

Mục đích của đợt kiểm tra cao điểm này nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công phân bón vô cơ trong việc duy trì và thực hiện các điều kiện sản xuất phân bón theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh xử lý nghiêm đối với doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về sản xuất, gia công phân bón vô cơ, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đặc biệt là phát hiện những bất cập trong công tác quản lý phân bón nói chung, phân bón vô cơ nói riêng để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các biện pháp khắc phục, chỉnh lý, hoàn thiện các quy định hiện hành về quản lý phân bón.

Theo đó, thời gian kiểm tra bắt đầu từ ngày 15/3/2017 đến tháng 9/2017. Trong đó, đợt kiểm tra thứ nhất từ ngày 15/3 đến ngày 15/4; đợt thứ hai từ ngày 1/5 đến tháng 7 và đợt kiểm tra thứ 3 từ cuối tháng 8 đến tháng 9. Trong đợt kiểm tra thứ nhất, các chi cục quản lý thị trường sẽ kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón vô cơ trên địa bàn; phát hiện kiểm tra doanh nghiệp không hoặc chưa được cấp Giấy phép sản xuất phân bón vẫn hoạt động sản xuất. Đợt kiểm tra thứ hai, các chi cục tiếp tục kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón vô cơ trên địa bàn.

Đoàn kiểm tra của Bộ do Cục Quản lý thị trường chủ trì kiểm tra trực tiếp một số tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công phân bón vô cơ tại một số địa bàn trọng điểm. Đợt kiểm tra thứ ba, các chi cục quản lý thị trường kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón vô cơ còn lại trên địa bàn. Đoàn kiểm tra của Bộ sẽ kiểm tra chéo công tác kiểm tra của một số chi cục tại một số địa bàn trọng điểm.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, hoạt động kiểm tra cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Công tác kiểm tra phải gắn liền với tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật đối với các doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón vô cơ. Các đánh giá kết luận cần phản ánh đúng thực tế, khách quan, trung thực, đảm bảo công bằng. Trên cơ sở đó, cần rút ra những bài học, vấn đề trong chỉ đạo, điều hành để kiến nghị, đề xuất với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi các quy định của pháp luật về quản lý mặt hàng này.

Cục Quản lý thị trường cần xây dựng kế hoạch kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công phân bón vô cơ. Các  Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm tra cụ thể trên địa bàn và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ nghiêm túc, đúng tiến độ.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)