Thông tin giá cả thị trường số 14/2017

12:00 AM 14/05/2017 |   Lượt xem: 2962 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Lào Cai: Công bố nguyên nhân dứa chết và thối hàng loạt

Hơn 3 tuần sau khi người dân tại 5 thôn của xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai phát hiện tình trạng cây dứa chết héo, quả thối hỏng trên diện rộng, trung tuần tháng 4/2017, UBND tỉnh Lào Cai đã có kết luận chính thức về nguyên nhân và chỉ ra đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp về vấn đề này.

Theo đó, UBND tỉnh Lào Cai cho biết, trước tình trạng dứa chết héo và thối hỏng hàng loạt tại xã Bản Lầu, tỉnh đã thành lập đoàn công tác liên ngành, gồm đại diện một số sở, ngành của địa phương và một số cơ quan chức năng của Trung ương cùng tiến hành lấy mẫu phân tích trên quả dứa, chè, mạ giống của nông dân vùng bị ảnh hưởng.

Kết quả cho thấy, hàm lượng đồng (Cu) và chì (Pb) trong quả dứa (lấy mẫu cách Nhà máy Luyện kim màu Lào Cai, thuộc Công ty cổ phần Tứ Đỉnh khoảng 300m) vượt tiêu chuẩn quá lớn (gấp 19 lần đối với Cu, trên 50 lần đối với Pb). Trên lá dứa, hàm lượng Cu ở mẫu số 2 và số 3 cao hơn 8 - 9 lần. Hàm lượng Cu và Pb trên mẫu đất ở nơi trồng dứa cũng vượt ngưỡng hàng chục lần. Đặc biệt, dư lượng lưu huỳnh (S) có trong tất cả các mẫu dứa, chè và đất. Không phát hiện thấy dư lượng thuốc trừ cỏ trong mẫu quả dứa.

Như vậy, có thể khẳng định, việc hàng chục héc-ta dứa và cây nông nghiệp của người dân xã Bản Lầu bị chết là do khí thải và nước thải của Nhà máy Luyện kim màu Lào Cai gây ra. Diện tích dứa bị thiệt hại là 11,8 héc-ta  và 41,9 héc-ta chè, rau màu và các cây trồng khác cũng bị thiệt hại.

Nhà máy Luyện kim màu Lào Cai do Công ty cổ phần Tứ Đỉnh mua lại của một công ty khác vào tháng 3/2015. Toàn bộ hệ thống lò cũ được thay bằng lò quay hỏa luyện, công suất 75.000 tấn/năm. Nếu theo đúng tiến độ của dự án thì từ tháng 10/2016, nhà máy sản xuất ra đồng tấm nguyên chất và a-xít sun-phua-rích (H2SO4). Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm tra, nhà máy mới chỉ luyện được tinh quặng có hàm lượng đồng Cu đạt 32%. Lượng khí SO2 sản sinh ra chưa được thu hồi để sản xuất a-xít sun-phua-rích mà phải dùng hệ thống phun vôi sữa để trung hòa.

Kiểm tra thực tế cho thấy, hệ thống xử lý khí thải của Nhà máy Luyện kim màu Tứ Đỉnh còn có một số vị trí bị hở, hệ thống cấp và phụ vôi sữa hoạt động không ổn định, chưa đáp ứng yêu cầu. Theo nhận dịnh của đoàn công tác liên ngành, chỉ cần một trong các bộ phận của hệ thống phun vôi sữa hoạt động không ổn định thì lập tức khí thải SO2 ra môi trường sẽ vượt ngưỡng quy định. Khí này khi tiếp xúc với hơi ẩm, mưa mù trong tự nhiên sẽ tạo thành H2SO4, gây mưa a-xít, tác động rất xấu đến cây trồng, gây héo, rụng lá và thối quả.

Từ những sai phạm nêu trên, UBND tỉnh Lào Cai quyết định tạm dừng mọi hoạt động của Nhà máy Luyện kim màu Tứ Đỉnh. Yêu cầu nhà máy có trách nhiệm thống nhất với đoàn công tác, chính quyền địa phương và người dân về diện tích, số lượng cây trồng để bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người dân. Công ty phải hoàn thiện đầy đủ thủ tục, hồ sơ pháp lý liên quan của dự án và hệ thống xử lý môi trường được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận hoàn thành. Triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải, nước thải tự động theo quy định, có kết nối với hệ thống của tỉnh. Trên cơ sở đó, tỉnh Lào Cai sẽ xem xét việc cho phép hoạt động sản xuất trở lại.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Quảng Nam: Người trồng bí đao điêu đứng

Những cánh đồng trồng bí đao ở huyện Duy Xuyên đang thời kỳ thu hoạch. Bí đao trĩu quả, treo lủng lẳng trên giàn nhưng người dân bỏ mặc, không hái. Những năm trước, mỗi sào bí đao người dân có thể thu hoạch gần 10 tấn. Với giá từ 12.000 – 15.000 đồng/kg, trung bình một sào bí đao, người dân có thể thu lãi từ 15 - 20 triệu đồng. Còn năm nay, ngay mới đầu vụ, bí đao đã rớt giá còn dưới 2.000 đồng/kg khiến nhiều người dân đầu tư trồng bí đao trên địa bàn điêu đứng. Một số hộ đành để bí đao trên giàn, không thu hoạch vì tiền bán bí không đủ trả tiền thuê người hái.

Trên thực tế, người dân đã đầu tư khoảng 10 triệu đồng/ sào bí đao và phải bỏ rất nhiều công sức làm giàn, chăm sóc gần 3 tháng trời mới có thể thu hoạch. Nhưng đang vào vụ hoạch thì giá giảm mạnh khiến nhiều hộ bỏ ruộng không thu hoạch. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm ngoái, thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh, thương lái tìm đến tận vườn thu mua bí đao giá cao. Do vậy, ngay đầu vụ nhiều hộ đã tự cân đối và tăng diện tích trồng bí đao.

Diện tích trồng bí đao trên địa bàn huyện Duy Xuyên khoảng 3 héc-ta. Mấy năm trước, giá bí đao cao nên người dân tự mở rộng diện tích trồng. Nhưng năm nay, giá bí đao giảm mạnh khiến nhiều người dân thất thu. Trong thời gian tới, chính quyền huyện sẽ có định hướng và tìm nguồn đầu ra ổn định để giúp bà con nông dân không bị thương lái ép giá.

Bến Tre: Cây giống tăng giá mạnh

Tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, những ngày đầu tháng 4/2017, mặc dù chưa chính thức bước vào mùa mưa, nhưng các thương lái đã đưa xe đến tận vườn mua gom cây giống.

Do nhu cầu tăng cao nên hầu hết giống cây ăn trái của nông dân huyện Chợ Lách sản xuất đều tăng giá hơn 30% so với năm trước. Riêng giá mít giống tăng “kỷ lục”, từ 20.000 đồng/cây lên hơn 80.000 đồng/cây. Vì vậy, một số nhà vườn đã “săn” cây mít con về ghép khiến giá cây giống nguyên liệu cũng tăng theo.

Theo nhiều nhà vườn, từ giữa năm 2016 đến nay, họ liên tục nhận được đơn đặt hàng cây giống với số lượng lớn. Trong đó, đặt hàng nhiều nhất là: bưởi da xanh, sầu riêng, các loại xoài, vú sữa… Đây là những giống mà địa phương có thế mạnh. Thậm chí, một số chủng loại giống mà địa phương không có thế mạnh như: dừa dứa, hồ tiêu, bơ sáp, thanh long ruột đỏ cũng được các thương lái đặt hàng. Hơn thế, một số loại cây giống chưa đủ chiều cao cần thiết vẫn được thương lái thu mua vì vận chuyển đi dễ dàng hơn.

Xuất phát từ nhu cầu của thị trường, nhiều nhà vườn ở Chợ Lách đã chặt bỏ vườn cây ăn trái, bán rẻ hoa kiểng, thậm chí tìm sang các huyện khác như: Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, thành phố Bến Tre thuê đất để chuyển sang sản xuất cây giống.

Hầu hết lượng cây giống ở đây đều phục vụ nhu cầu giống cây ăn trái của các khách hàng ở miền Trung, miền Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, gần đây, một số thương lái đã bắt đầu xuất khẩu cây giống của Chợ Lách sang các nước Lào, Campuchia bằng đường tiểu ngạch, khiến cung không đủ cầu.

Trước tình hình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre đã phối hợp với chính quyền các địa phương tìm giải pháp kiểm soát và tổ chức lại sản xuất cho phù hợp theo hướng tập trung phát triển một số chủng loại giống cây ăn trái mà địa phương có thế mạnh, tránh tình trạng thừa nguồn cung, dẫn đến giảm giá, gây thiệt hại cho nông dân.

MUA GÌ? BÁN GÌ?

Nghệ An: Giá chanh giảm mạnh

Hiện nay, hầu hết các hộ gia đình ở thôn Bãi Ổi, xã Chi Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đều đầu tư trồng chanh. Nhà ít nhất 5 - 6 sào, nhà nhiều lên đến 2 - 3 héc-ta, đưa tổng diện tích chanh của cả thôn lên trên 30 héc-ta. Do đầu tư, chăm bón tốt, các vườn chanh cho năng suất khoảng 5 - 6 tấn/héc-ta, cá biệt có những vườn chanh lâu năm, thâm canh tốt có thể đạt 7 - 8 tấn/héc-ta. Những năm trước, với giá bán trung bình 8.000 – 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, các hộ trồng chanh có thể thu lãi trên 30 triệu đồng/héc-ta.

Thấy trồng chanh trên đồi sỏi đá cho thu nhập cao nên bà con đua nhau trồng chanh. Năm nay, chanh được mùa nhưng thiếu đầu ra. Bà con phải đi bán lẻ khắp huyện, giá chanh chỉ 2.500 – 3.000 đồng/kg, nhưng cũng khó bán. Nếu vài tuần nữa không tìm được đầu ra, chanh sẽ chín không còn nước.  

Quảng Trị: Ngư dân được mùa cá

Tại tỉnh Quảng Trị những ngày này, đến vùng biển nào cũng nghe ngư dân bàn chuyện sử dụng tiền đền bù đóng mới tàu thuyền, đi biển được mùa cá. Ngư dân các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh vừa trúng đậm vụ cá khoai, còn bà con vùng biển huyện Hải Lăng lại được mùa ghẹ… Dọc bãi biển, thương lái chờ sẵn để thu mua các loại hải sản đánh bắt gần bờ. Bình quân, mỗi thuyền đánh bắt ven bờ trong ngày thu được 3 triệu đồng, cá biệt có thuyền hơn 10 triệu đồng nhờ trúng đậm ghẹ xanh. Những hồ nuôi tôm ven biển các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng đã được bà con cải tạo, lấy nước biển thả nuôi tôm trở lại.

Hiện ngư dân tỉnh Quảng Trị đang tập trung nâng cấp, đóng mới tàu thuyền để vươn khơi đánh bắt trung bờ và xa bờ. Động thái này sẽ nâng sản lượng khai thác nguồn lợi thủy sản, khôi phục lại nhu cầu sử dụng cá biển và các dịch vụ biển. Qua đó, bù đắp lại thiệt hại cho ngư dân thời gian qua do sự cố môi trường biển.

Đồng bằng sông Cửu Long: Giá lúa giảm nhẹ

Giá lúa, gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong tuần qua đã quay đầu giảm sau 2 tuần đứng ở mức cao. Nguyên nhân do vùng này đang thu hoạch vụ đông xuân rộ, nguồn cung dồi dào.

Mặc dù giá lúa đang giảm, song cho đến thời điểm hiện nay, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu cần phải áp dụng chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo để kích cầu bởi diện tích lúa thu hoạch đến đâu hầu như đều được tiêu thụ hết đến đó với mức giá tương đối ổn định ngay từ đầu vụ.

Tại An Giang, lúa IR50404 giảm 100 đồng/kg, từ 4.700 đồng/kg xuống 4.600 đồng/kg. Tại Vĩnh Long, lúa tươi IR50404 giảm 100 đồng/kg, từ 5.000 đồng/kg xuống 4.900 đồng/kg, trong khi lúa khô lại tăng lên 5.400 đồng/kg. Tại Bạc Liêu, lúa chất lượng cao giống OM 5451, OM 6976 giữ ở mức 5.500 – 5.800 đồng/kg. Giá thu mua lúa của Công ty Lương thực giảm 300 đồng/kg, lúa OM 5451 còn 5.400 đồng/kg (lúa tươi) và 6.200 đồng/kg (lúa khô); lúa OM 4900 ở mức 5.500 đồng/kg (lúa tươi) và 6.300 đồng/kg (lúa khô).

Bến Tre: Giá dừa khô tăng cao

Hiện nay, giá dừa khô trên địa bàn tỉnh Bến Tre tăng mạnh khiến người trồng dừa rất phấn khởi. Thương lái đến tận vườn thu mua với giá từ 100.000 - 115.000 đồng/chục (12 trái), tăng từ 25.000 - 30.000 đồng/chục so với tháng trước. Dù giá dừa tăng nhưng số lượng cung cấp cho thị trường giảm mạnh do ảnh hưởng của hạn mặn năm trước khiến nhiều vườn dừa trên địa bàn tỉnh bị giảm năng suất và sản lượng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, do ảnh hưởng hạn mặn mùa khô năm 2016 nên năng suất dừa giảm từ 50 - 70% lượng trái khô. Tuy nhiên, nếu người nông dân chăm sóc tốt, thực hiện các giải pháp sinh học, phòng, chống sâu bệnh gây hại, các vườn dừa sẽ phát triển tốt trở lại.

Bến Tre có hơn 70.000 héc-ta vườn dừa, năng suất bình quân hơn 600 triệu trái/năm. Do ảnh hưởng của thiên tai xâm nhập mặn mùa khô năm 2016 khiến lượng trái bị giảm nghiêm trọng trong các tháng đầu năm 2017.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Nhiều thủ đoạn nhập lậu phụ gia thực phẩm độc hại từ biên giới

Từ lâu, khu vực biên giới thuộc thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh được xem là điểm trung chuyển nhiều loại phụ gia thực phẩm không nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, không hạn sử dụng nhập lậu từ Trung Quốc, gây hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Lượng hàng thẩm lậu rất lớn

Dù các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và triệt phá các đường dây nhập lậu phụ gia thực phẩm qua địa bàn. Tuy nhiên, tình trạng thẩm lậu các chất phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc từ bên kia biên giới vào nội địa vẫn diễn biến phức tạp.

Theo một cán bộ thuộc Đội Quản lý thị trường số 4, thành phố Móng Cái, nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn trong việc ngăn chặn, kiểm soát là do tính chất đặc thù của loại hàng hóa này. Cụ thể, nhiều loại hóa chất dùng cho chế biến thực phẩm có trọng lượng nhỏ; nhiều loại không mùi vị; chủng loại rất đa dạng và có thể tồn tại dưới rất nhiều dạng khác nhau (tinh thể, nước...) nên rất dễ trà trộn với các loại hàng hóa khác.

Bên cạnh đó, đối tượng buôn lậu sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm qua mắt các lực lượng chức năng như: chia nhỏ, xé lẻ hàng hóa, thuê cửu vạn vận chuyển qua các đường mòn, lối mở dọc theo biên giới đưa vào các chợ, bến xe. Sau đó, hàng hóa sẽ được gom lại giấu trong các xe container, xe tải, xe du lịch, xe khách hoặc tàu thuyền trên sông để đưa vào sâu trong nội địa.

Trước tình trạng đó, các lực lượng chức năng thành phố Móng Cái tăng cường kiểm tra, xử lý và đã thu giữ, tiêu hủy hàng trăm tấn chất phụ gia thực phẩm Trung Quốc không rõ nguồn gốc. Điển hình như vừa qua, vụ thu giữ 750 tấn bột thực phẩm công nghiệp không nhãn mác của lực lượng Hải quan Móng Cái hay vụ thu giữ 600 kg chất bột tạo màu thực phẩm do đối tượng Trần Thị Nguyệt (trú tại phường Ka Long) do Công an TP. Móng Cái thực hiện.

Bên cạnh đó, nhiều vụ được phát hiện, bắt giữ khi các đối tượng đang bày bán trong nội địa. Trong các vụ việc này, chủ các lô hàng đều khai nhận số hàng được mua thu gom từ thành phố Móng Cái về tiêu thụ trong nội địa.

Nhiều phụ gia thực phẩm có độc tính cao

Theo thống kê của Bộ Y tế, trên thị trường hiện nay, lượng phụ gia thực phẩm do Việt Nam sản xuất chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ (dưới 10%). Còn lại 90% lượng phụ gia nhập khẩu, trong đó lượng nhập khẩu chính ngạch chỉ chiếm rất ít.

Nhận định của ngành y tế khá trùng khớp với thông tin từ Cục Hải quan Quảng Ninh. Theo đó, qua công tác kiểm tra, kiểm soát, lực lượng chức năng phát hiện ngày càng nhiều chất phụ gia mới có độc tính cao, chuyên dùng để tẩm ướp thực phẩm đã phân hủy thành thực phẩm tươi sống, tẩy mùi thối, giữ màu; các loại hương liệu dùng để sản xuất nước mắm, nước chấm, pha chế đồ uống giải khát và đồ uống có cồn...

Trên thực tế, các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ chế biến, kinh doanh thực phẩm sử dụng các loại phụ gia độc hại nói trên. Cụ thể, Công an thành phố Móng Cái vừa bắt quả tang cơ sở hoạt động trái phép của đối tượng Đồng Thị Thu Thủy, tại khu 5, phường Hải Hòa chuyên ngâm tẩm thịt bò thối để chế biến thành thịt bò khô. Tại hiện trường, lực lượng công an thu giữ 1,2 tấn thịt bò bốc mùi thối, 250 kg chất phụ gia, 120 kg hương liệu nước mắm. Trước đó, tại bến sông thuộc khu 2, phường Ka Long, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh thu giữ 600 kg bột trà sữa trân châu nhập lậu. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, thành phần chỉ là kem béo pha với bột đá và các hương liệu tạo mùi và bột màu.

Cũng trong đầu năm 2017 này, Công an thành phố Móng Cái đã thu giữ hàng nghìn gói gia vị nấu lẩu các loại. Kết quả kiểm nghiệm từ Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia cho thấy, có hơn 70% mẫu gia vị nấu lẩu của Trung Quốc được bày bán trên thị trường có pha trộn nhiều hóa chất, hương liệu, phẩm màu. Cá biệt có loại phụ gia còn chứa các kim loại nặng, như: thạch tím, chì... gây tổn thương cho hệ thống thần kinh và tiêu hóa của người sử dụng.

Để ngăn chặn từ gốc nguồn cung phụ gia thực phẩm nguy hại, thời gian tới, các lực lượng chức năng thành phố Móng Cái sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, triệt phá và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vận chuyển, buôn bán trái phép nói trên. Đồng thời, khuyến cáo người tiêu dùng cần hết sức thận trọng khi mua và sử dụng các loại phụ gia thực phẩm.

HÀNG VIỆT

Bài học từ xây dựng thương hiệu mận Mộc Châu

Dù nhiều mặt hàng nông sản khi vào mùa luôn chịu cảnh “được mùa, mất giá” nhưng tình trạng này chưa bao giờ xảy ra với mận Mộc Châu. Điều này cho thấy, công tác xây dựng thương hiệu mận Mộc Châu đã được triển khai thành công và trở thành bài học cho các loại nông sản khác.

Ấn tượng mạnh từ Ngày hội hái mận

Được trồng từ hơn 30 năm trước, Mộc Châu hiện là khu vực trồng mận hậu lớn nhất tỉnh Sơn La, với diện tích hơn 1.200 héc-ta. Do được trồng ở vùng khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, mận Mộc Châu có sự khác biệt so với các loại mận ở các vùng khác về cả chất lượng và hình thức. Mận được trồng tập trung ở Nông trường Mộc Châu và xã Tân Lập. Từ giữa tháng 5, mận bắt đầu chín rộ, người dân vào vụ thu hoạch mận, đổ bán cho các thương lái miền xuôi. Mận Mộc Châu có vị chua vừa phải, giòn, thơm so với mận trồng ở vùng đất khác, đặc biệt hấp dẫn người tiêu dùng, nhất là phụ nữ.

Dù hiện nay, mận Mộc Châu có giá bán ổn định nhưng trước đây, loại trái cây này cũng trải qua nhiều năm “được mùa, mất giá”. Tuy vậy, với định hướng không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, cùng các hoạt động xây dựng thương hiệu được triển khai bài bản, mận Mộc Châu dần dần lấy lại được uy tín trên thị trường.

Trong chiến lược xây dựng thương hiệu cho trái mận Mộc Châu không thể không nhắc đến Ngày hội hái mận được tổ chức đều đặn hàng năm. Theo đó, cứ vào khoảng cuối tháng 5 – thời điểm thu hoạch rộ, huyện Mộc Châu lại tổ chức Ngày hội hái mận. Ngày hội hái mận không chỉ là dịp giới thiệu, quảng bá mận hậu Mộc Châu, vinh danh người trồng mận tiêu biểu mà còn tạo cơ hội để họ được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây mận hậu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mận. Đồng thời, mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tạo đầu ra cho sản phẩm mận hậu Mộc Châu.

Sau 3 năm liên tiếp được tổ chức, ngoài điểm nhấn là cuộc thi hái mận và thưởng thức mận ngay tại vườn dành cho du khách, Ngày hội hái mận huyện Mộc Châu còn có nhiều hoạt động sôi nổi như: tìm hiểu, giới thiệu về quả mận, các hoạt động thể thao dân tộc, trò chơi dân gian kéo co, đẩy gậy... Tất cả tạo nên nét văn hóa đặc sắc, với không khí vui tươi, phấn khởi, cuốn hút. Những kiến thức văn hóa đặc sắc gắn với trái mận được truyền tải một cách tự nhiên với người dân và du khách.

Xây dựng thương hiệu gắn với du lịch

Trong những năm gần đây, bên cạnh phong trào lên Mộc Châu du lịch, chụp ảnh ở các đồi chè mát mẻ vào mùa hè, nhiều khách du lịch từ Hà Nội hay các tỉnh miền Bắc bắt đầu tới Mộc Châu vào mùa hè để hái mận, vừa để mang những trái mận đặc sản về làm quà, vừa tận hưởng không khí trong lành vùng cao nguyên trong những ngày nóng nực. Những vườn mận bạt ngàn chạy tít từ chân núi tới gần đỉnh, những chùm mận sai lúc lỉu sẽ khiến du khách thích mê, đặc biệt khi còn được mang theo các dụng cụ hái quả, ăn mận chín cây vẫn còn nguyên lớp phấn trắng.

Tham gia trọn gói chương trình du lịch hái mận, khách du lịch vừa được ngắm những đồi mận dài tít tắp, được ăn mận thoải mái, vừa được làm nông dân hái mận và trả tiền từ số mận mình hái được. Buổi chiều, khi đã thấm mệt với việc làm nông dân, du khách sẽ nghỉ ngơi và thưởng thức những đặc sản của người Thái, người Mông, giao lưu văn nghệ và nghỉ tại nhà sàn.

Ngoài mận hậu Mộc Châu, Sơn La còn vô vàn những đặc sản quý như: xoài Yên Châu, mận Thuận Châu, mật ong, măng rừng… Kinh nghiệm xây dựng thương hiệu từ trái mận hậu Mộc Châu có lẽ là một trong những bài học để các loại nông sản này cũng dần xây dựng thành công thương hiệu, đứng vững trên thị trường, đưa sản phẩm về đúng giá trị vốn có và dần vươn xa.

CHỐNG BUÔN LẬU GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Cao Bằng: Thu giữ hơn 2 tấn thịt lợn đông lạnh không rõ nguồn gốc

Vào khoảng 22 giờ ngày 15/4/2017,  nhận được tin báo của công an phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng về việc sang hàng tại số 061, tổ 9, phường Sông Hiến, thành phố Cao Bằng, Đội kiểm soát liên ngành 389/ĐP thành phố phối hợp với Công an thành phố Cao Bằng tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh.

Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện 155kg thịt viên các loại, 25kg thịt lợn không có tem, nhãn. Đội tiến hành mở kho phát hiện nhiều sản phẩm thịt lợn đã qua giết mổ, được đóng trong các bao tải màu da cam. Đội kiểm soát liên ngành đã tiến hành niêm phong kho đông lạnh.

Ngày 16/4/2017, Đội kiểm soát liên ngành tiến hành mở niêm phong, kiểm đếm số thịt lợn trong kho đông lạnh. Tổng số thịt lợn trong kho là 2.338kg. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ nguồn gốc.

Hiện cơ quan chức năng đã lập biên bản, tịch thu tang vật và xử lý theo quy định của pháp luật.

Đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, khu vực vùng biên nhằm góp phần ổn định cuộc sống của người dân để bà con không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Đây là một trong những giải pháp được nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2016, sơ kết công tác quý 1 năm 2017, phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) vừa diễn ra tại Hà Nội.

Theo đó, để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới có chuyển biến tích cực, căn bản hơn, các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng cần quán triệt, thực hiện nghiêm các nhóm nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Trong đó cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

Phân tích, đánh giá những vấn đề nổi lên trong thời gian qua. Về địa bàn, chú trọng các tỉnh biên giới phía Bắc, Tây Nam, Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh. Mặt hàng trọng điểm là: thuốc lá, xăng dầu, ô tô, đường, thuốc tân dược, thực phẩm tươi sống… Thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin nhanh, chính xác, phối hợp lực lượng đồng bộ, hiệu quả. Từ đó đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, toàn diện, thực chất và bài bản. Kiên quyết ngăn chặn, triệt phá tận gốc các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, chuyển giá trốn thuế.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, trong đó xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Xây dựng lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thực sự trong sạch, vững mạnh.

Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về pháp luật, kết quả đấu tranh của các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, biểu dương, phê bình, nêu gương người tốt, việc tốt.

Tập trung nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tại các địa bàn trọng điểm biên giới phía Bắc, Tây Nam, cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, các địa bàn đông dân cư. Kiên quyết xóa bỏ tình trạng hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả được vận chuyển, tàng trữ, phân phối, bày bán công khai.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới phương thức, quy trình quản lý, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới nhằm góp phần ổn định cuộc sống của người dân để người dân không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật, sớm khắc phục những bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý. Về chính sách thương mại biên giới, phải xem xét điều chỉnh cơ chế xuất khẩu, nhập khẩu tiểu ngạch để tiến tới tập trung vào xuất khẩu, nhập khẩu chính ngạch. Tăng cường tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế, chủ động phối hợp với các tổ chức, thương hiệu toàn cầu chống hàng giả, chống vi phạm sở hữu trí tuệ, xác định nhiệm vụ chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)