Thông tin giá cả thị trường số 2/2018

11:08 AM 09/01/2018 |   Lượt xem: 4648 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Vùng cao Bắc Hà chống đói, chống rét cho gia súc

Những ngày này, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ tại Bắc Hà (Lào Cai) giảm xuống dưới 10oC. Trước diễn biến thời tiết khắc nghiệt, ngành chức năng của huyện và chính quyền các xã đã tăng cường, chủ động các giải pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc, trọng tâm gồm: Nâng cao sức đề kháng cho đàn gia súc; dự trữ, bảo đảm nguồn thức ăn; tu sửa, làm mới chuồng trại kiên cố và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động.

Trong dịp này có 281 hộ chăn nuôi thực hiện làm mới, sửa chữa chuồng trại chăn nuôi. Hiện tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng hợp vệ sinh đạt trên 76%. Các hộ chăn nuôi cũng trồng mới và chăm sóc 230 héc-ta cỏ voi, trồng mới trên 70 héc-ta cây ngô dày. Đặc biệt là phải thu gom rơm rạ để làm nguồn thức ăn dự trữ cho gia súc khi thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài. Để nâng cao sức đề kháng cho đàn gia súc, Bắc Hà đã tiêm phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc đợt 2 năm 2017. Đến nay, chiến dịch tiêm phòng vắc-xin đợt 2 đã kết thúc, tỷ lệ đạt cao, vượt kế hoạch.

Xã Tả Văn Chư có tổng đàn trâu bò, ngựa gần 1.500 con, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng việc phòng, chống đói rét cho đàn gia súc, vật nuôi trong mùa đông đã được xã triển khai đến các hộ dân từ rất sớm. Ông Tráng Ba Điện - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Để chủ động phòng, chống đói rét cho gia súc, xã vận động nhân dân trồng được trên 5 héc-ta cỏ. Đồng thời, vận động nhân dân tích trữ rơm, rạ, thân, lá cây ngô sau khi thu hoạch vụ đông để dự trữ thức ăn cho gia súc, xây dựng kế hoạch tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi; hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm túc các biện pháp chăn thả như: đưa trâu, bò về chăn thả gần nhà, có sự trông coi, kiểm soát, không thả rông trâu bò vào những ngày giá rét dưới 15oC”.

Theo kinh nghiệm chăn nuôi của gia đình anh Sùng Seo Vư, thôn Sừ Mừn Khang - Xà Ván, xã Tả Văn Chư, mùa đông là mùa khan hiếm thức ăn cho đàn gia súc, nhất là thức ăn xanh, thức ăn tinh. Vì vậy, mới chớm đông, anh đã chủ động dự trữ thức ăn, sửa chữa lại chuồng trại, tận dụng bao tải cũ, bạt cũ, mảnh nylon để vây quanh chuồng nuôi nhốt trâu, không để gió lạnh lùa vào. Mái che cũng được sửa chữa lại để đảm bảo đêm xuống đàn trâu không bị nhiễm sương muối, không bị ướt trong những ngày mưa. Bên cạnh đó, anh Vư cũng đã tận dụng rơm phơi khô, kê sàn cao thoáng để dự trữ rơm bổ sung thức ăn cho đàn trâu.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà phối hợp với các phòng, ban chức năng tăng cường cán bộ về cơ sở nắm bắt tình hình, chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Kiểm tra, đôn đốc cơ sở tăng cường chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, đặc biệt là đàn gia súc trong vụ đông xuân 2017 - 2018. UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp quản lý, chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại như: Các biện pháp gia cố, che chắn chuồng trại; các phương pháp chế biến, bảo quản phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho gia súc; tăng cường biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc trong mùa đông... 

Bên cạnh đó, huyện Bắc Hà chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí hậu, đặc biệt là các đợt rét đậm rét hại để thông tin kịp thời cho người dân biết. Nhất là khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10oC phải nhốt gia súc trong chuồng, tuyệt đối không chăn thả ngoài đồng cỏ; bổ sung cho gia súc thức ăn và cho uống nước ấm; không cho trâu, bò cày, kéo. Khi nhiệt độ xuống thấp kéo dài, nên sử dụng bao tải, chăn cũ mặc cho trâu, bò...

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Đồng Nai: Vùng nuôi gà vào vụ tết

Vụ tết năm nay, thị trường gà ta ở Đồng Nai sôi động sớm. Giá gà có xu hương tăng khiến người chăn nuôi phấn khởi.

Giá gà ta hiện đang ở mức cao nhất trong vòng vài năm trở lại đây và ổn định ở mức 65.000 - 75.000 đồng/kg. Trước đây, giá gà ta chỉ dao động trên dưới 50.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm dưới 40.000 đồng/kg. Nông dân nuôi gà ta phấn khởi vì đã có lãi sau bao tháng dài thua lỗ.

Theo bà con chăn nuôi, gà ta sốt giá do nguồn cung ít hơn cầu vì nhiều hộ nuôi gà giảm đàn khi thấy giá gà giảm sâu. Mặt khác, nhiều vùng nuôi gà ta tập trung tăng đàn để phục vụ thị trường tết nên thời điểm này chưa có gà xuất chuồng. Theo đó, nguồn gà ta cung cấp ra thị trường Tết Nguyên đán 2018 dự đoán sẽ dồi dào.

Ngoài mặt hàng gà ta, nhiều hộ nông dân tập trung tăng sản lượng gà trống thiến cho mùa tết. Gà trống phục vụ thị trường tết khi xuất chuồng thường đạt trọng lượng từ 3 - 4 kg/con. Thông thường, giá gà trống thiến luôn cao hơn giá gà ta và ít khi rớt giá vào dịp Tết Nguyên đán. Đây cũng là lý do nhiều hộ dân chỉ tập trung vào nuôi gà trống thiến bán tết.

Một số loại đặc sản như: gà Đông Tảo, gà thảo dược mặc dù tiêu thụ chậm nhưng các trại gà đặc sản vẫn chuẩn bị nguồn hàng dồi dào để cung cấp cho thị trường tết. Chủ một trại gà Đông Tảo ở xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom cho biết, sức tiêu thụ gà Đông Tảo các tháng trước tết giảm từ 20 - 30% so với mọi năm. Vụ tết năm nay, khách đặt gà biếu tết cũng trễ hơn nhiều so với năm ngoái. Giá bán vẫn giữ ổn định như mọi năm, gà tuyển có giá từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/con, gà thịt giá trung bình 350.000 đồng/kg.

Sóc Trăng: Xoài Cát Chu mang lại hiệu quả kinh tế cao

Xã An Thạnh 1 nằm ở đầu cù lao, cuối nguồn Sông Hậu của huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng. Đây là vùng đất phù sa bồi lắng, rất màu mỡ, thích hợp cho phát triển sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, nhất là cây ăn trái. Trong đó phải kể đến xoài Cát Chu - giống xoài truyền thống của địa phương.

Cây xoài Cát Chu có năng suất cao, dễ trồng, thích hợp với nhiều loại đất, nhất là đất phù sa ven Sông Hậu. Đặc biệt, xoài Cát Chu được trồng ở vùng đất cồn có vị ngọt đậm đà, mang nét đặc trưng rất riêng mà không nơi nào có được. So với các loại cây trồng khác, xoài Cát Chu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Năng suất bình quân đạt 8 đến 10 tấn/héc-ta, quả xoài có trọng lượng trung bình 350 - 450g. Cây cho trái vào khoảng tháng 12 dương lịch nhưng các nhà vườn thường cho cây ra hoa sớm hơn, trước tết 3, 4 tháng. Vì vậy, khi Tết Nguyên đán đến thì trái xoài vừa kịp chín để có xoài bán. Năm nay do thời tiết không thuận lợi nên năng suất cũng như sản lượng xoài giảm hơn so với những năm trước. Hiện các thương lái đã vào tận vườn đặt cọc thu mua với giá từ 14.000 - 15.000 đồng/kg.

Để hỗ trợ bà con nông dân, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương đang mời gọi và liên kết với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bao tiêu xoài. Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển mô hình trồng xoài theo mô hình VietGAP để tăng thu nhập cho nhà vườn cũng như nâng cao giá trị xoài của An Thạnh 1. Đồng thời, trong thời gian tới, việc chế biến các sản phẩm từ xoài cũng cần được quan tâm, như chế biến mứt, nước ép, thạch xoài…

MUA GÌ - BÁN GÌ

Sóc Trăng: Nhiều loại cây trồng bị thiệt hại nặng do mưa bão

Do ảnh hưởng mưa dông và hoàn lưu bão Tembin (số 16), nhiều vùng lúa đang chín và chuẩn bị thu hoạch bị đổ ngã trên 5.900 héc-ta và 30 héc-ta bị ngập úng có thể giảm năng suất 5 - 10%. Trong khi đó, lúa đông xuân 2017 - 2018 toàn tỉnh đã gieo cấy được 114.000/142.000 héc-ta, phần diện tích còn lại (28.000 héc-ta) thuộc vùng trũng chủ yếu ở huyện Mỹ Tú và thị xã Ngã Năm, chuẩn bị xuống giống gặp mưa dầm, đồng bị ngập úng, sẽ trễ lịch thời vụ. Trong khi đó, rau màu bị ảnh hưởng nặng nhất là vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu có hơn 560 héc-ta trồng hành tím và củ cải, trong đó số diện tích bị thiệt hại đang giai đoạn thu hoạch sớm. Riêng ở huyện Cù Lao Dung, mưa dông gây thiệt hại nặng, làm đổ ngã hơn 128 héc-ta mía.

An Giang: Giá vật tư, phân bón tăng nhẹ

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, giá các mặt hàng phân bón phục vụ sản xuất trên thị trường tỉnh An Giang đang có xu hướng tăng. Cụ thể: Giá phân DAP (của Philipin) đang bán ra giá 15.500 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/ kg, các loại phân bón khác giá đang bình ổn như phân Urê (Phú Mỹ) giá 7.500 đồng/kg, phân Super lân (Long Thành) giá 3.300 đồng/kg; phân NPKViệt Nhật giá 9.000 đồng/kg; phân KCL (Canada) giá 8.200 đồng/kg.

Vụ thu đông 2017, các doanh nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng với nông dân để liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn gặp nhiều khó khăn. Đến nay mới chỉ có 9 doanh nghiệp đã ký hợp đồng liên kết với nông dân theo các mức độ khác nhau như: doanh nghiệp liên kết cung ứng vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua lại sản phẩm cho nông dân, hoặc chỉ thực hiện một khâu là thu mua sản phẩm với nông dân… Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá vật tư, phân bón tăng.

Cao Bằng: Giá dong riềng giảm

Mùa này đồng bào Tày, Nùng ở xóm Phia Đén (xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), nhà nào cũng bận rộn thu hoạch củ dong bán cho thương lái. Tuy nhiên, ngay từ đầu mùa vụ, giá củ dong riềng đã giảm mạnh khiến bà con lo lắng.

Hiện giá thu mua củ dong riềng tại đồi từ 1.000 - 1.300 đồng/kg. Mức giá này đã giảm hơn một nửa so với mùa năm trước. Năm ngoái, giá dong thu hoạch tại đồi được bán từ 2.500 - 2.900 đồng/kg. Nguyên nhân do lượng dong riềng thu hoạch ồ ạt nên mức giá giảm mạnh, có nơi xuống còn 1.000 đồng/kg.

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, người dân trong xã Thành Công phát triển mạnh diện tích dong riềng. Năm 2017, toàn xã trồng khoảng 117,8 héc-ta, tăng gần 30 héc-ta so với năm 2016. Diện tích trồng lớn cùng với thị trường tiêu thụ ngày càng thu hẹp đã ảnh hưởng trực tiếp khiến giá dong riềng giảm mạnh như hiện nay. Với giá bán này, bà con trồng dong gần như không có lãi.

Bình Thuận: Giá hành tím tăng cao

Thời điểm này, nông dân các xã: Vĩnh Hảo, Phú Lạc, Phong Phú của huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đang thu hoạch củ hành tím. Hầu hết bà con nông dân đều phấn khởi vì giá hành tím tăng cao. Hiện nay, hành củ tím ở huyện Tuy Phong được thương lái thu mua tại ruộng có giá khoảng 30.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Năm nay, thời tiết bất lợi khiến năng suất hành tại các vùng trồng trọng điểm tại các xã giảm mạnh. Theo ước tính, chi phí mỗi sào ở vụ này ước khoảng 15 triệu đồng. Với năng suất đạt bình quân 1 tấn/sào, sau khi trừ chi phí người trồng thu lãi khoảng 10 triệu đồng/sào.

Theo thống kê, địa phương hiện có khoảng 45 héc-ta hành tím được trồng tập trung tại 3 xã: Vĩnh Hảo, Phú Lạc và Phong Phú. Giá hành củ tím tăng cao ở vụ cuối năm giúp nông dân có thêm thu nhập, nhất là đối với những hộ bị thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết mưa lũ.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Hòa Bình: Mở rộng diện tích trồng xạ đen

Đại hội Đảng bộ xã Cao Dương, tỉnh Hòa Bình lần thứ XIV đề ra mục tiêu tiếp tục mở rộng diện tích trồng xạ đen. Sau một thời gian triển khai đã cho thấy những hiệu quả bước đầu trong việc phát triển loại cây trồng này ở xã Cao Dương.

Đại hội Đảng bộ xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình lần thứ XIV đã đề ra mục tiêu tiếp tục mở rộng diện tích trồng xạ đen. Sau một thời gian triển khai đã cho thấy những hiệu quả bước đầu trong việc phát triển loại cây trồng này ở xã Cao Dương.

Năm 2011, cây xạ đen bắt đầu được một số hộ dân xã Cao Dương đem về trồng. Đảng ủy xã xác định, nhu cầu sử dụng xạ đen là rất lớn bởi nhiều công dụng được biết đến trong hỗ trợ điều trị các loại bệnh: ung thư, gan, dùng hàng ngày để tăng cường sức khỏe....

Theo đánh giá của những hộ dân trồng xạ đen, đây là loại cây dạng bụi leo, rất dễ trồng, không đòi hỏi công chăm bón, không yêu cầu kỹ thuật cao, có thể trồng xen canh và quan trọng nhất là giá bán ổn định. Xạ đen sau khi cắt về được tuốt riêng lấy lá, cành băm nhỏ. Mỗi cân lá tươi có giá dao động từ 4.000 - 5.000 đồng, phơi khô có giá từ 18.000 - 20.000 đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi héc-ta xạ đen cho thu trên 100 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với trồng lúa. Từ trồng xạ đen, nhiều hộ trong xã hiện nay đã có kinh tế khá ổn định.

Với ưu điểm vượt trội là tiền đầu tư không cao, trung bình mỗi năm cho thu hoạch 3 lần nên trồng xạ đen lúc nào cũng có thu nhập. Định kỳ hàng tuần, tư thương từ các tỉnh, thành phố lân cận về tận vườn thu mua, rất thuận lợi cho người trồng. Nắm bắt nhu cầu của thị trường, đồng thời mở ra hướng tiêu thụ ổn định cho cây xạ đen, hiện nay, trên địa bàn xã Cao Dương bắt đầu hình thành các cơ sở sản xuất cao xạ đen. Bằng việc lựa chọn, xử lý kỹ nguyên liệu đầu vào, dùng phương pháp đóng gói hút chân không, cao xạ đen có thể bảo quản khá lâu, rất tiện dụng cho người sử dụng.

Đến nay, cây xạ đen được coi là cây trồng chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân xã Cao Dương. Diện tích trồng ngày càng được mở rộng. Theo thống kê chưa chính thức, hiện diện tích trồng xạ đen toàn xã khoảng 50 héc-a, sản lượng hàng năm đều tăng. Tuy nhiên, lãnh đạo xã luôn trăn trở, tìm giải pháp bao tiêu, tìm đầu ra ổn định cho cây xạ đen. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện đề nghị hướng dẫn làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa cho xạ đen Cao Dương.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Lào Cai: Nhiều cơ sở nuôi cá sử dụng chất cấm

Tại Lào Cai, hiện nay, tình hình vi phạm trong chăn nuôi cá nước lạnh vẫn hết sức phức tạp. Nhiều vùng nuôi cá phát triển không tuân theo quy hoạch do Ủy ban Nhân dân tỉnh đề ra.

Toàn tỉnh Lào Cai hiện có 96 cơ sở nuôi cá nước lạnh, tổng sản lượng/năm ước đạt 480 tấn. Trong đó, huyện Sa Pa chiếm tỷ lệ sản lượng cao nhất là 340 tấn (71% tổng sản lượng). Toàn tỉnh có 4 cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản nước lạnh, tập trung chủ yếu tại huyện Sa Pa. Con giống chủ yếu được nhập trứng từ nước ngoài về ấp nở, số lượng không đủ cung ứng cho như cầu sản xuất của người dân. Bên cạnh đó, thức ăn cho cá được các cơ sở chăn nuôi tự lấy từ nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu là hàng nhập khẩu nhưng hoàn toàn không được kiểm soát. Đáng lo ngại là tình trạng chính quyền các địa phương chưa quản lý được hoạt động tự phát này.

Thực tế cho thấy, hiện có 2 vấn đề đang ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cá nước lạnh tại địa phương. Đó là hiện tượng thẩm lậu qua biên giới sản phẩm cá tầm để đánh tráo với cá nuôi trong nước và các cơ sở chăn nuôi sử dụng thuốc, hóa chất từ nhiều nguồn khác nhau, chưa đúng liều lượng hướng dẫn. Đặc biệt, có cơ sở dùng chất cấm và thuốc kháng sinh của người để điều trị cho cá. Trong 13 cơ sở được kiểm tra thì có tới 12 cơ sở (chiếm 92%) bị phát hiện sử dụng chất cấm trong nuôi thủy sản, quy định tại Thông tư 10/2016 ngày 1/6/2016 của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn.

Thiết nghĩ, các ngành chức năng của tỉnh Lào Cai cần nhanh chóng vào cuộc nhằm  ngăn chặn và khắc phục tình trạng này.

HÀNG VIỆT 

Cà phê chè Khe Sanh được bảo hộ nhãn hiệu tập thể

Sau nhiều năm xây dựng chất lượng và thương hiệu sản phẩm, hiện sản phẩm cà phê chè Khe Sanh của huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

Phát triển thương hiệu sản phẩm bền vững

Hướng Hóa là địa bàn trọng điểm phát triển cà phê của tỉnh Quảng Trị và vùng Bắc Trung bộ. Cây cà phê của Hướng Hóa chiếm 1/7 tổng diện tích cà phê cả nước, 22% tổng diện tích cây công nghiệp dài ngày, chủ lực của tỉnh. Giá trị sản lượng cà phê Hướng Hóa hàng năm mang lại khoảng 300 tỷ đồng. Tổng số hộ nông dân tham gia trồng cà phê có hơn 8.000 hộ, phần lớn là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô.

Vùng cà phê chè Hướng Hóa hiện có tổng diện tích khoảng 5.000 héc-ta, trong đó diện tích cho thu hoạch trên 4.500 héc-ta. Việc xác lập nhãn hiệu cà phê chè Khe Sanh cho sản phẩm cà phê chè là điều kiện thuận lợi để nâng cao danh tiếng cho sản phẩm này. Đây cũng là tiền đề quản lý, phát triển thương hiệu sản phẩm bền vững. Từ đó, danh tiếng, uy tín của các sản phẩm cà phê chè Khe Sanh được nâng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho sản phẩm nông sản của địa phương phát triển, vai trò của UBND huyện Hướng Hoá, Hội Cà phê Khe Sanh huyện Hướng Hóa trong việc quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể cà phê “Khe Sanh” sau khi được trao văn bằng. Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải tái canh; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến để nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, phải chọn được giống tốt, chất lượng cao, sử dụng phương án tưới nước phù hợp và tiết kiệm cho cà phê. Chú trọng đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê nhân phục vụ xuất khẩu…

Tái canh là nhiệm vụ trọng tâm

Tỉnh Quảng Trị có gần 4.700 héc-ta cà phê, chủ yếu là cà phê chè, nhưng trong số đó có đến 2.400 héc-ta cà phê do trồng đã quá lâu nên già cỗi, sinh trưởng kém cần cải tạo, tái canh. Việc tái canh cà phê giai đoạn 2017 - 2025 là cơ hội thay thế các giống cà phê mới, có đặc tính vượt trội, năng suất cao, khả năng kháng bệnh lớn. Cụ thể, trung bình từ nay đến 2025 mỗi năm thực hiện tái canh 200 héc-ta. Ngoài ra, mỗi năm cưa đốn, cải tạo thêm 50 héc-ta cà phê để vườn cho năng suất cao hơn. Dự kiến đến năm 2020, năng suất cà phê chè đạt từ 14 đến 16 tấn/héc-ta quả tươi. Sản lượng bình quân sau khi tái canh đạt 10 ngàn tấn/năm. Điều đặc biệt quan trọng là tái canh sẽ tăng thu nhập cho người trồng cà phê lên 1,5 lần so với hiện tại. Để việc tái canh đạt hiệu quả cao, một yếu tố quan trọng đó là giống cà phê tái canh phải là giống cà phê chè thuần chủng. Bà con nông dân có thể lựa chọn mua hạt giống thuần chủng của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên hoặc tuyển chọn cây cà phê đầu dòng trên địa bàn để lấy hạt giống. Đây được xem là khâu quyết định để đảm bảo tái canh cà phê bền vững.

Nguồn vốn phục vụ tái canh được xác định cần gần 300 tỷ đồng, tính theo định mức khuyến cáo cho mỗi héc-ta tái cánh hơn 152 triệu đồng. Nguồn vốn này gồm vay ngân hàng, vốn tự có và vốn của nhà nước. Cơ chế chính sách hỗ trợ tái canh là nhà nước hỗ trợ tối đa 80% giá giống cà phê và giống cây ngắn ngày trồng xen kẻ phục vụ tái canh. Trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 30%, ngân sách huyện hỗ trợ 50%.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)