Thông tin giá cả thị trường số 30/2018

11:55 PM 25/07/2018 |   Lượt xem: 4729 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Cây tre giúp nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc

Là nguồn đầu vào quan trọng cho ngành thủ công mỹ nghệ, tre cũng là loại cây trồng mang lại nguồn sinh kế cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phát triển toàn diện và bền vững chuỗi giá trị tre ở Việt Nam sẽ nâng cao thu nhập cho người dân vùng sâu, vùng xa.

Nguồn thu nhập của các hộ nghèo

Theo Vụ Phát triển rừng - Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), tổng diện tích tre nứa ở Việt Nam ước tính khoảng 1,4 triệu héc-ta, chiếm 10,5% tổng diện tích rừng của cả nước. Đến nay, sản phẩm từ cây tre Việt đã có mặt tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhất là các nước thuộc Liên minh châu Âu. Bên cạnh đó, cây tre còn đóng góp tích cực trong việc chống xói mòn đất, giảm thiểu các tác nhân biến đổi khí hậu. Ngoài ra, rừng mây tre chủ yếu phân bố ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế khó khăn. Đối tượng liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất trong chuỗi giá trị tre chủ yếu là người sản xuất quy mô nhỏ thuộc diện nghèo và các doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ. Do vậy, việc phát triển ngành tre không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm tre nứa vẫn còn nhiều thách thức. Phần lớn các sản phẩm từ tre nứa là sản phẩm thô hoặc bán thành phẩm mới qua sơ chế với chất lượng và giá trị thấp. Hoạt động quản lý các chuỗi giá trị tre nứa còn chưa phát triển. Cơ chế, chính sách cho phát triển sản xuất bền vững của chuỗi giá trị tre ở Việt Nam mặc dù đã được ban hành tương đối đầy đủ nhưng chưa được thực thi đầy đủ và còn nhiều bất cập…

Hướng đến chuỗi giá trị

Nhằm hỗ trợ cho cây tre Việt Nam phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Tre ở Việt Nam” đã được khởi động thực hiện từ tháng 4/2018 đến tháng 3/2022 với mục tiêu là nâng cao thu nhập và năng lực tham gia của 15.000 nông dân sản xuất quy mô nhỏ và 40 doanh nghiệp chế biến tre vừa và nhỏ và các đối tác khác trong chuỗi giá trị tre theo hướng đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC ở 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Đây là điều kiện tiên quyết để tiếp cận các thị trường khó tính như châu Âu.

Bà Babeth Ngọc Hân Lefur - Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam - nhận định: Thu nhập của những người sản xuất quy mô nhỏ sẽ được cải thiện khi sản phẩm của họ đáp ứng được những tiêu chuẩn về chất lượng và sản xuất bền vững, năng lực đàm phán của họ với các công ty chế biến và thương mại được nâng cao, từ đó tiếp cận hiệu quả hơn tới thị trường trong nước và quốc tế.

TS. Phạm Văn Thắng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ khẳng định: Các thị trường quốc tế đòi hỏi cao, đó là thách thức nhưng cũng là cơ hội vì khi chúng ta đáp ứng được những tiêu chuẩn đó, người sản xuất và doanh nghiệp chế biến không những tăng được thu nhập mà còn góp phần vào việc khai thác vùng nguyên liệu theo hướng bền vững.

Các thị trường mới cho tre được nghiên cứu và tiếp cận thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, đặc biệt là các đối tác châu Âu như: Mạng lưới mây, tre quốc tế (Inbar), hiệp hội và mạng lưới các nhà bán lẻ quốc tế như Amzon, Morison… Ngoài ra, một trong những mục tiêu quan trọng của dự án là thúc đẩy môi trường chính sách thuận lợi, từ đó nâng cao hiệu quả quản trị chuỗi.

Theo ông Đoàn Văn Thu - Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, do có tới hơn 70% dân số tập trung tại các vùng sâu, vùng xa, sinh kế của người dân phụ thuộc rất lớn vào việc sản xuất các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, đặc biệt là các sản phẩm từ tre. Việc triển khai dự án sẽ góp phần thực hiện các chiến lược và mục tiêu của Chính phủ cũng như Bộ NN&PTNT đặt ra đối với ngành này. Đồng thời, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân vùng sâu, vùng xa.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Gia Lai: Triển vọng từ dự án nuôi gà ri lai

Thời gian qua, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã phối hợp với một số tỉnh, thành trong cả nước triển khai dự án “Hỗ trợ khôi phục sinh kế của người chăn nuôi gia cầm và các cộng đồng nông dân nghèo bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn do ảnh hưởng của El Nino gây ra”.

Tại tỉnh Gia Lai, dự án triển khai hỗ trợ giống gà ri lai cho người dân 5 xã trên địa bàn 3 huyện: Đắk Pơ, Chư Sê và Chư Pưh. Dự án được kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế.

Theo đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai đã phối hợp với 5 xã của 3 huyện được thụ hưởng gồm: An Thành, Yang Bắc (huyện Đắk Pơ), Hbông, Ayun (huyện Chư Sê) và xã Ia Dreng (huyện Chư Pưh) để chọn các hộ nhận giống gà và vật tư chăn nuôi theo tiêu chí dự án đặt ra. Theo đó, đã có 585 hộ nghèo và cận nghèo được cấp 11.700 con gà ri giống lai 21 ngày tuổi có trọng lượng 250 - 300 gam/con. Số gà ri lai này do Viện Chăn nuôi Quốc gia cung cấp, gà nhanh nhẹn, khỏe mạnh và được tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh đầy đủ. Ngoài ra, mỗi hộ còn được nhận 40 kg thức ăn cho gà từ lúc nuôi cho đến 4 tháng tuổi… Sau khi nhận gà, các hộ dân được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn chăm sóc và nuôi dưỡng theo đúng quy trình kỹ thuật đề ra. Trung tâm khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các xã thụ hưởng từ dự án tổ chức 12 lớp tập huấn, chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi gà cho người dân. Các hộ dân nhận gà giống đều có chuồng trại đảm bảo, gà được cấp khỏe mạnh. Thành công ban đầu của dự án hứa hẹn hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người nghèo và cận nghèo tại các vùng bị ảnh hưởng bởi hạn hán.

Tuyên Quang: Trồng xoan để hết nghèo

Xã Sơn Phú là địa phương dẫn đầu huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang về diện tích trồng xoan. Vùng đất này đặc biệt phù hợp để cây xoan sinh trưởng, phát triển và tạo sinh kế cho người dân địa phương.

Trên thực tế, Sơn Phú vẫn thuộc xã nghèo của huyện Na Hang. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 53,4%. Xã phấn đấu mỗi năm giảm từ 4 - 5% tỷ lệ hộ nghèo. Vì vậy chính quyền địa phương luôn khuyến khích các hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng phát triển kinh tế vườn rừng. Cây xoan đã và đang trở thành cây trồng thế mạnh giúp người dân địa phương giảm nghèo hiệu quả.

Hiện nay, giá xoan trên thị trường được thương lái thu mua từ 3 đến 3,5 triệu đồng/m3. Theo người dân địa phương, trung bình 1 héc-ta xoan cho từ 70 - 80m3 khối gỗ, cá biệt có những diện tích cho 200 m3/héc-ta. Vì vậy, nhiều hộ gia đình đã chọn cây xoan trở thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế hộ gia đình.

Ở xã Sơn Phú, dọc 2 bên Quốc lộ 279 và cả vùng đất rừng được quy hoạch làm đất sản xuất bạt ngàn những đồi xoan. Chất đất feralit vàng nhạt nơi đây là điều kiện lý tưởng để cây xoan sinh trưởng và phát triển. Toàn xã Sơn Phú có 633 hộ dân, hầu như hộ gia đình nào trên địa bàn xã cũng trồng xoan. Hộ ít thì 0,3 héc-ta, hộ nhiều lên đến 6 héc-ta. Đến nay, xã có gần 500 héc-ta xoan. Trong đó có 30 hộ trồng hơn 3 héc-ta, thu lãi gần 200 triệu đồng/năm.        

MUA GÌ - BÁN GÌ

Đồng Hỷ (Thái Nguyên): Sản lượng chè búp tươi tăng

Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) hiện có gần 3.000 héc-ta chè kinh doanh đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển tốt. 6 tháng đầu năm nay, sản lượng chè búp tươi của huyện đạt trên 14.500 tấn, tăng 1.800 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Xác định chè là cây kinh tế mũi nhọn của địa phương, thời gian qua, huyện Ðồng Hỷ đã khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ nhân dân mở rộng diện tích trồng chè và sản xuất chè an toàn theo quy trình VietGAP; giúp bà con đưa một số giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao vào trồng. Huyện cũng khuyến cáo bà con áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật đã được tập huấn (bón phân cân đối; chú trọng phòng trừ sâu bệnh gây hại, thu hái, chế biến chè theo đúng quy trình kỹ thuật...) để nâng cao năng suất, chất lượng chè.

Miền Bắc: Giá lợn hơi cao, người nuôi có lãi

Từ đầu tháng 7 đến nay, giá lợn hơi tại các tỉnh phía Bắc liên tục tăng cao, người nuôi có lãi. Với giá 52.000 - 54.000 đồng/kg, những hộ có lợn bán thời điểm này có thể thu lãi tới 1,7 triệu đồng/100kg lợn hơi, thậm chí cao hơn tuỳ vào mô hình chăn nuôi. Tuy nhiên, không có nhiều người chăn nuôi được hưởng mức lợi nhuận cao này bởi không phải ai cũng có lợn để bán đúng thời điểm giá lên kỷ lục như hiện nay. Một số địa phương đang khan hiếm nguồn cung lợn hơi trên 1 tạ trong khi thương lái vào tận chuồng thu mua.

Trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm, thị trường chưa có đột biến, nhiều dự đoán cho rằng, giá lợn hơi sẽ còn duy trì ở mức cao trong thời gian nữa, thậm chí có thể tăng giá ở những nơi thiếu cục bộ. Tuy nhiên, xét theo góc độ quản lý, sự tăng giá này có dấu hiệu bất thường và khó bền vững.

Ninh Thuận: Ngư dân trúng vụ cá cơm 

Ngư dân xã Phước Diêm và Cà Ná (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) đang thu hoạch cá cơm đầu vụ Nam. Vụ này, cá cơm trúng đậm nên bà con rất phấn khởi. Tại cảng Cá Ná mở rộng, từ sáng sớm, hoạt động mua, bán hải sản diễn ra tấp nập. Các thuyền công suất lớn của ngư dân địa phương khẩn trương chở đầy cá cơm tươi vào bờ để bán cho các tiểu thương mang đi tiêu thụ, vận chuyển đến các chợ trong và ngoài tỉnh; chế biến cá hấp; ướp chượp chế biến nước mắm. Mỗi thuyền của ngư dân khai thác sản lượng khoảng 200 - 400 giỏ, mỗi giỏ khoảng 18 - 20 kg. Giá cá cơm sọc đen từ 300.000 - 350.000  đồng/giỏ, cá cơm mờm có giá từ 500.000 - 700.000 đồng/giỏ. Đặc biệt, do sản lượng cá cơm mờm tươi ít nhưng sức tiêu thụ mạnh nên có lúc giá tăng lên gần 1 triệu đồng/giỏ. Đây là tín hiệu vui để ngư dân địa phương khai thác vụ cá Nam sắp tới, góp phần tăng thu nhập và ổn định đời sống.

Khánh Hòa: Giá xoài tăng gấp 3 lần

Trên địa bàn huyện Cam Lâm - thủ phủ trồng xoài ở tỉnh Khánh Hòa, giá thu mua các loại xoài đều tăng gấp 3 so với thời điểm thu hoạch chính vụ cách đây khoảng 2 tháng. Cụ thể, giá xoài cát Hòa Lộc dao động từ 23.000 - 45.000 đồng/kg (tùy loại); xoài Tứ quý từ 10.000 - 20.000 đồng/kg; xoài Bồ trắng 22.000 đồng/kg... Đặc biệt, giá xoài Canh nông liên tục tăng, hiện dao động từ 8.000 - 16.000 đồng/kg, trong khi trước đó chính vụ giá thu mua chỉ 4.000 - 5.000 đồng/kg đối với loại 1. Chủ một vựa xoài cho biết, nguyên nhân giá các loại xoài tăng là do cuối vụ khiến nguồn cung khan hiếm, cộng với các chợ miền Trung hiện đang tiêu thụ xoài mạnh.

Toàn huyện Cam Lâm trồng trên 4.000 héc-ta xoài, trong đó xoài Úc chiếm đến khoảng 2.000 héc-ta, xoài Canh nông khoảng 1.000 héc-ta, xoài Cát Hòa Lộc trên 800 héc-ta...

LƯU Ý - CẢNH BÁO

Thanh Hóa: Tôm chết hàng loạt

Hàng chục tấn tôm chết thối tại hàng trăm héc-ta ao hồ ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa khiến bà con nông dân trắng tay, lâm cảnh nợ nần. Nguyên nhân có thể là do nắng nóng.

Lúc đầu, tôm sú chết rải rác, số lượng ít ở một số ao nuôi, sau đó lan rộng ra 100% số ao nuôi phía ngoài đê của các hộ nông dân địa phương. Số tôm bị chết hiện chiếm hơn 90% số tôm có trong các ao nuôi của hộ dân. Đáng lo ngại là tình trạng tôm chết vào đúng thời điểm thu hoạch khiến nhiều hộ không kịp trở tay.

Toàn xã Hoằng Châu, huyện Hoằng Hóa có 147 hộ nuôi tôm sú với tổng diện tích ao hồ nuôi tôm là 477 héc-ta, trong đó toàn bộ số diện tích nuôi tôm phía ngoài đê của người dân địa phương đã xảy ra tình trạng tôm chết bất thường.

Theo tính toán của người dân nuôi tôm, bình quân mỗi héc-ta nuôi tôm cho thu hoạch khoảng 4 tạ tôm thương phẩm, giá bán trên dưới 200.000 đồng/kg. Do vậy, tình trạng tôm sú chết hàng loạt đã và đang gây thiệt hại cho bà con nông dân khoảng 80 triệu đồng/héc-ta nuôi tôm. Số tôm chết trên diện tích 427 héc-ta ao hồ nuôi tôm của người dân xã Hoằng Châu đã gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Theo nhận định ban đầu của một số người dân nuôi tôm, nguyên nhân tôm sú chết hàng loạt có thể do gần 10 ngày nay nắng nóng kéo dài, nền nhiệt tại ao nuôi luôn ở mức trên 37 độ C, dẫn đến tôm bị sốc nhiệt; hoặc nguồn nước ao nuôi bị ô nhiễm.

Hiện nay, huyện Hoằng Hóa đang kiểm tra, xác minh số lượng diện tích, số lượng tôm chết và phối hợp với cơ quan chức năng xác định nguyên nhân tôm sú chết hàng loạt. Đồng thời, khuyến cáo bà con nông dân tận thu tôm chết, vệ sinh ao nuôi tôm để chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Sơn La: Đẩy mạnh công tác quản lý thị trường

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Sơn La, tình hình gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng nhập lậu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và kinh doanh trái phép vẫn còn xảy ra. Lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã và đang nỗ lực để đẩy mạnh công tác QLTT, giữ thị trường bình ổn, đảm bảo quyền lợi cho bà con.

Ông Nguyễn Duy Nhượng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La cho biết, phương thức hoạt động của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn như vận chuyển bằng các phương tiện cá nhân, cất giấu lẫn trong hàng hóa, hành lý cá nhân hoặc ngụy trang. Các đối tượng lợi dụng biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa giữa các khu vực hoặc lợi dụng nhãn hiệu của các hãng nổi tiếng để gây sự nhầm lẫn, ảnh hưởng đến quyền lợi và an toàn sức khỏe của bà con.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, Chi cục QLTT tỉnh đã thực hiện rất tốt công tác đấu tranh chống buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng. Chi cục đã kiểm tra 2.118 vụ, xử lý 1.438 vụ, thu phạt với tổng số tiền trên 3,822 tỷ đồng.

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền về QLTT, 6 tháng đầu năm, lực lượng QLTT tỉnh đã tổ chức ký cam kết an toàn thực phẩm đối với 564 cơ sở sản xuất. Phát hành 131 tờ rơi; xây dựng 52 tin bài… về công tác chống buôn lậu. Nhờ làm tốt công tác kiểm soát thị trường song song với tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đến nay, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, các hộ kinh doanh ngày một cải thiện. Thị trường minh bạch, đời sống bà con được đảm bảo ngày càng tốt hơn.

HÀNG VIỆT 

Nghêu Bến Tre đạt chứng nhận quốc tế

Đã sang năm thứ 9, con nghêu ở tỉnh Bến Tre được Hội đồng Biển quốc tế chứng nhận MSC (Marine Stewardship Council) - nghêu “Em-ét-xi” - nhãn hiệu cho nghề khai thác được quản lý tốt, giữ đa dạng sinh thái, không gây cạn kiệt. Nghề nuôi nghêu cũng giúp bà con 3 huyện ven biển của tỉnh Bến Tre có thu nhập ổn định.

Diện tích nuôi nghêu được cấp sổ đỏ

Các bãi nuôi nghêu ở tỉnh Bến Tre trải dài trên địa bàn 3 huyện ven biển: Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Diện tích nuôi nghêu được cấp sổ đỏ cho 9 hợp tác xã thủy sản để thực hiện quản lý cộng đồng, điều còn rất ít địa phương làm được. Năm 2017, Bến Tre nuôi 3.922 héc-ta, trong đó, nghêu thịt 3.542 héc-ta, nghêu giống 380 héc-ta. Bến Tre là tỉnh duy nhất trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long duy trì được bãi nghêu giống. Bởi muốn khai thác nghêu giống từ 100.000 con trở lên phải có giấy phép của UBND tỉnh, 5.000 đến dưới 100.000 con phải có giấy phép của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.

Trong quá trình nuôi nghêu “Em-ét-xi”, các hợp tác xã phải áp dụng một quy trình nuôi rất chặt chẽ và bài bản. Hợp tác xã phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ sự biến động của thời tiết, môi trường nước; phân công cán bộ đo đạc các yếu tố môi trường hàng ngày như độ mặn, nhiệt độ, pH để xử lý kịp thời các biến động. Nhờ giữ nghêu giống và bảo vệ môi trường tốt, sản lượng thu hoạch năm 2017 đạt 5.050 tấn, trong đó, nghêu thịt 4.804 tấn, còn lại nghêu giống; doanh thu hơn 88 tỷ đồng. Hiện nay, giá nghêu các địa phương trung bình khoảng 30.000 đồng/kg, riêng nghêu “Em-ét-xi” của Bến Tre có giá cao trên 30.000 đồng/kg, có khi lên tới 40.000 đồng/kg. Tuy nhiên, muốn mua nghêu “Em-ét-xi” phải đấu giá tại bãi nghêu nên chỉ có các thương lái chuyên nghiệp, đại lý lớn mới có thể mua, trả tiền trước, khai thác nghêu sau.

Xuất khẩu nghêu “Em-ét-xi”

Con nghêu “Em-ét-xi” của Bến Tre đã thành thương hiệu được nhiều thị trường ưa chuộng, nhất là thị trường EU. Công ty CP Thủy sản Hưng Trường Phát - một đơn vị chuyên chế biến, xuất khẩu nghêu ở huyện Bình Đại, mỗi năm xuất 4.000 tấn sản phẩm nghêu cho biết, ngày càng có nhiều khách hàng yêu cầu nghêu “Em-ét-xi”. Đây là tín hiệu tốt, mở ra nhiều triển vọng để địa phương phát triển. Tuy nhiên, nghêu “Em-ét-xi” của Bến Tre mà Công ty CP Thủy sản Hưng Trường Phát mua được hàng năm để chế biến xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 50% tổng nguyên liệu và phải mua qua thương lái. Nguyên nhân chủ yếu do công ty chưa đấu giá được với các thương lái. Từ đó đặt ra vấn đề cấp thiết đối với công ty là phải xây dựng nguồn nguyên liệu nghêu “Em-ét-xi” thông qua chuỗi cung ứng từ các hợp tác xã. Bản thân công ty đang tìm cách gắn với các hợp tác xã bằng giải pháp đầu tư, tạo thêm việc làm cho xã viên. Đó là xây dựng các trạm sơ chế làm sạch nghêu, một công đoạn quan trọng nhất của chế biến nghêu tại các hợp tác xã. Công việc sơ chế làm sạch nghêu cũng cần nhiều lao động, tạo thêm thu nhập cho xã viên và công ty  sẽ có nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng.

Hiện nay, dự án đầu tư chuỗi cung ứng nghêu “Em-ét-xi” của Công ty CP Thủy sản Hưng Tường Phát đã thống nhất được với Hợp tác xã Thủy sản Đồng Tâm ở xã Thừa Đức (huyện Bình Đại). Hợp tác xã Đồng Tâm có 300 héc-ta nuôi nghêu, thuộc loại trung bình của Bến Tre. Theo thỏa thuận giữa hai bên, quý 2 năm 2018 bắt đầu triển khai, hoàn thành sau một năm bởi một vụ nuôi nghêu ngắn cũng cần một năm.

Bên cạnh việc tạo đầu ra thuận lợi, hiệu quả rõ rệt của việc nuôi nghêu “Em-ét-xi” là đem nguồn lợi tự nhiên về cho 19.375 hộ xã viên một cách dân chủ, từ tiền lãi nuôi nghêu đến giải quyết việc làm như cào nghêu.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)