Thông tin giá cả thị trường số 40/2018

02:17 PM 03/10/2018 |   Lượt xem: 3693 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào:

Giới thiệu nhiều sản phẩm chất lượng

Trong khuôn khổ Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam-Lào lần thứ XI diễn ra tại Quảng Bình (ngày 26-27/9/2018), Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào đã tổ chức khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các tỉnh có chung biên giới Việt Nam và Lào.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lào- Bounmy Mavivong và ông Nguyễn Xuân Quang-Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình đã tham dự, khai mạc chương trình giới thiệu sản phẩm, kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Lào.

Chương trình trưng bày, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Lào  thu hút 40 doanh nghiệp tham gia, đặc biệt có nhiều sản phẩm của các tỉnh, thành phố có tuyến biên giới của hai nước. Nhiều sản phẩm địa phương, sản phẩm làng nghề, tour tuyến du lịch đã được giới thiệu. Khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm có quy mô 22 gian hàng, trong đó có 11 gian hàng của nước bạn Lào và gian hàng sản phẩm của nhiều doanh nghiệp, địa phương trong nước. Các doanh nghiệp Lào trưng bày những sản phẩm đặc trưng và có thế mạnh như: Ðồ gỗ, cao su, gạo, đường và một số sản phẩm đồ gia dụng. Về phía doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp từ các địa phương mang đến nhiều sản phẩm đã chế biến chất lượng như: Hồ tiêu, tinh bột nghệ, khoai lang gieo, các dược liệu, dầu lạc, cà phê, gạo… Qua giới thiệu sản phẩm, doanh nghiệp hai nước đã có được cơ hội gặp gỡ kết nối, tìm hiểu kỹ về sản phẩm của nhau để mở rộng hợp tác…

Bà Nguyễn Thị Kim Khuyên - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Mỹ Khuyên (Quảng Trị) chia sẻ: Hội nghị và chương trình giới thiệu sản phẩm đã tạo cơ hội tốt cho doanh nghiệp trong kết nối giao thương. Công ty đã mang đến hội chợ những sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Đó là hai sản phẩm thế mạnh là ngọc sâm Trường Xuân và linh chi táo đỏ, với thành phần là những nguyên dược liệu tự nhiên nhập khẩu và sản phẩm thu mua từ người dân khu vực biên giới. Tham dự chương trình, mục đích của doanh nghiệp không chỉ là tiếp cận thị trường Lào mà còn vươn ra thị trường các nước trong khu vực. Cùng chung nhận định về cơ hội hợp tác giao thương, ông Khammouane Bounthnome - Giám đốc Công ty Khammouane Furniture chuyên sản xuất đồ gỗ của Lào thông tin, mặc dù đã tiếp cận thị trường và có nhiều sản phẩm xuất sang Việt Nam, nhưng lần này doanh nghiệp mang đến trưng bày nhiều sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm mỹ nghệ nhỏ gọn, với mong muốn tiếp cận khách hàng, người tiêu dùng Việt.

Nhận định về cơ hội và hiệu quả chương trình giới thiệu sản phẩm mang lại, ông Trần Thanh Hải-Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá: Việc tổ chức cho các doanh nghiệp trực tiếp trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại hội nghị tạo điều kiện tốt để doanh nghiệp hai nước tiếp cận sản phẩm của nhau. Từ kết quả của chương trình này, thời gian tới, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cần nỗ lực trong việc nắm bắt chính sách thương mại, tiếp cận thị trường, tận dụng cơ hội để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Quảng Ngãi: Nông sản miền núi vào siêu thị

Sản phẩm nông sản sạch ở huyện vùng cao Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) đã được kết nối với hệ thống các siêu thị Big C trong cả nước. Đây chính là thành công từ nỗ lực của chính quyền huyện Sơn Hà trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho người dân - chủ yếu là đồng bào H’rê.

Đầu tháng 9/2018, Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Sơn Hà đã tổ chức khai trương khu giết mổ gia cầm, chế biến nông sản tập trung và vận chuyển chuyến hàng đầu tiên cung ứng cho hệ thống 18 siêu thị của các tỉnh miền Nam. Đây là hoạt động nhằm thực hiện việc kết nối tiêu thụ các loại nông sản với hệ thống siêu thị BigC. Để sản phẩm đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đòi hỏi việc giết mổ gia cầm, chế biến các sản phẩm nông sản phải theo đúng quy trình kỹ thuật khép kín, có trang thiết bị cần thiết, đặc biệt là phải có giấy kiểm dịch gia cầm để vận chuyển ra ngoài tỉnh. Khu giết mổ, chế biến được xây dựng theo hình thức huy động kinh phí của hộ gia đình, cá nhân, tổ hợp tác và xã hội hóa. Cơ sở được xây dựng tại thôn Nước Tăm, xã Sơn Thượng với các thiết bị hiện đại, có máy vặt lông, máy hút chân không, máy sục ô-zôn.

Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện miền núi Sơn Hà như: Gà kiến, rau dớn, ớt xiêm rừng, bắp chuối rừng... đã được bày bán tại hệ thống siêu thị. Đến hết tháng 8/2018, doanh số các sản phẩm đã cung cấp và tiêu thụ tại 3 siêu thị BigC là hơn 672 triệu đồng.

Địa phương đang làm thủ tục đề nghị cấp nhãn hiệu đặc trưng của địa phương cho sản phẩm gà kiến, các loại rau rừng và các sản phẩm dược liệu để nhận diện hàng hóa của Sơn Hà. Trong thời gian tới, huyện Sơn Hà tăng cường phát triển các tổ hợp tác thành các HTX hoạt động hiệu quả để làm cầu nối cho các nhóm hộ nông dân cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Huyện Chợ Gạo (Tiền Giang): Quy hoạch phát triển vùng trồng bưởi da xanh

Bưởi da xanh được xác định là cây trồng đặc sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang. Toàn tỉnh hiện có khoảng 4.000 héc-ta bưởi trồng dưới dạng chuyên canh.

Hiện nay, diện tích cây bưởi da xanh trên địa bàn huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang ngày càng tăng, hiện có trên 700 héc-ta. Bưởi da xanh được mùa được giá, mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân vùng chuyên canh. Giá bưởi loại 1 tại vườn hiện được thương lái thu mua trên 40.000 đồng/kg, tạo phấn khởi cho nhà vườn. Thậm chí, có những thời điểm khan hàng, giá bưởi da xanh tăng lên đến 55.000 đồng/kg loại 1.

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 05/4/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tiền Giang về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, huyện Chợ Gạo đã tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch và quy hoạch vùng trồng bưởi da xanh tập trung tại 2 xã Song Bình và Long Bình Điền. Đến năm 2020, riêng tại 2 xã này dự kiến sẽ có 600 héc-ta bưởi da xanh. Để tạo điều kiện cho người dân trong huyện có thể ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng bưởi da xanh, các ngành chuyên môn huyện đã thường xuyên mở những lớp dạy nghề ngắn hạn về cách trồng, chăm sóc bưởi da xanh. Đặc biệt năm 2017, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện đã xây dựng mô hình “Sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP” và triển khai thực hiện tại xã Song Bình với quy mô 6 héc-ta, có 16 hộ tham gia. Kết quả đạt năng suất 10 tấn/héc-ta, giá bán bình quân 28.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt trên 200 triệu đồng/héc-ta.

Để tạo điều kiện cho nông dân nắm vững các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các ngành chức năng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, các lớp dạy nghề ngắn hạn, thành lập các câu lạc bộ trồng bưởi da xanh... nhằm hỗ trợ nông dân về kỹ thuật trồng bưởi từ khâu chọn giống, cách trồng, chăm sóc và liên kết các cơ sở thu mua tiêu thụ sản phẩm của nông dân, từng bước giúp người dân vươn lên làm giàu từ loại cây trồng đặc sản này.

MUA GÌ - BÁN GÌ

Hậu Giang: Cam sành rớt giá

Hiện nay, cam sành của người dân địa phương thu hoạch bán ra chỉ ở mức khoảng 5.000 đồng/kg nên khả năng lỗ vốn là rất lớn. Theo các nhà vườn, gần đây cam sành bị giảm mạnh, thậm chí không có thương lái đến thu mua. Nguyên nhân do vào mùa mưa nhu cầu tiêu thụ thấp. Ngoài ra, cũng có nguyên nhân là do một số vườn cam bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh nên chất lượng trái không đảm bảo.

Hiện tại, toàn tỉnh Hậu Giang có hơn 11.600 héc-ta cam, trong đó cam sành chiếm đa số và trong thời điểm cho trái, tập trung nhiều ở huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy.

Bạc Liêu: Giá lợn tăng, người nuôi tăng tái đàn

Giá lợn hơi trên thị trường tỉnh Bạc Liêu đang dao động từ 50.000 - 54.000 đồng/kg. Với mức giá này, trừ chi phí, người nuôi lãi khoảng 50%. Trước tình hình này, nhiều hộ đang tái đàn trở lại để “đón” giá vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, các ngành tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo người nuôi thận trọng tái đàn. Trường hợp tái đàn đảm bảo chuồng trại, điều kiện chăn nuôi, lựa chọn nguồn giống chất lượng, rõ nguồn gốc, sạch bệnh. Tính đến giữa tháng 9, tổng đàn lợn tại Bạc Liêu hơn 226.000 con, khả năng đến cuối năm 2018, tổng đàn lợn của tỉnh khoảng 230.000 con.

Nam Đàn (Nghệ An): Giá chanh chính vụ giảm

Ngược với vụ chanh trái vụ vừa được giá, vừa bán chạy thì chanh chính vụ ở Nam Đàn hiện nay đang ế ẩm, giá giảm mạnh. Hiện nay, giá chanh đẹp bán sỉ tại vườn chỉ 3.000 đồng/kg, còn chanh xấu hơn thì tùy loại, đại trà bán với giá 1.500 đồng/kg nhưng cũng rất khó bán. Chanh giảm giá gây thiệt hại nặng cho bà con. Nhiều hộ sốt ruột phải hái chanh đem đi các chợ để tiêu thụ. Các hộ dân cũng xác định, dù giá rẻ thì người trồng chanh cũng phải hái bán để gỡ gạc chút ít, còn thấy rẻ mà cầm cự để chanh trên cây thì quả sẽ vàng và rụng hết. Hơn nữa cũng phải thu hái để cứu cây chanh, giữ sức cho mùa tới.

Long An: Giá cá tra giống tăng mạnh

Gần 1 tháng nay, giá cá tra giống tăng liên tục. Hiện giá cá dao động từ 60.000 - 70.000 đồng/kg tùy theo trọng lượng cá. Với giá này, nhiều hộ nuôi cá tra giống ở huyện Tân Hưng, tỉnh Long An thu lợi nhuận khá cao. Hiện cá tra giống loại 30 - 40 con/kg có giá từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, tăng gấp 3 - 4 lần so với cùng kỳ tháng trước. Nếu như vụ nuôi trước, giá cá tra giống ở mức 22.000 đồng/kg loại 30 con/kg thì hiện nay đã tăng hơn 60.000 đồng/kg.

Theo người nuôi cá, mặc dù thời tiết trong vụ này không thuận lợi, một số diện tích ao nuôi cá bị nhiễm bệnh nhưng do giá cá ở mức cao nên nhiều hộ nuôi cá tra giống có lợi nhuận, một số diện tích ao nuôi quản lý được dịch bệnh tốt, sản lượng, có lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/héc-ta.

Do lợi nhuận từ nuôi cá tra giống cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa, chỉ trong thời gian ngắn, nông dân huyện Tân Hưng tự ý chuyển đất sản xuất lúa sang đào ao nuôi cá với diện tích gần 1.100 héc-ta. Chính quyền địa phương không khuyến khích nông dân mở rộng diện tích thả nuôi vì sợ gặp khó về đầu ra dẫn đến tình trạng cung vượt cầu.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Ninh Thuận: Giá hành tím giảm

Nhiều tháng nay, người dân trồng hành tím tại xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận đang lao đao vì hành rớt giá mạnh. Nhưng năm nay, giá hành chỉ dao động từ 10.000 đồng - 12.000 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 3 - 4 lần.

Hành là cây trồng chủ lực của xã Nhơn Hải, mỗi năm người dân sản xuất được hai vụ chính. Vụ hành năm 2018, do ảnh hưởng của hạn hán nên xã Nhơn Hải chỉ xuống giống 40 héc-ta trên tổng số 160 héc-ta. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các hộ trồng hành đang rất lo lắng vì giá giảm mạnh trong khi thương lái không muốn thu mua hành tím như những năm trước.Giá hành tươi và hành củ giống năm nay chỉ dao động từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng/kg. Đa số người dân ở đây đã quyết định nhổ hành để cất giữ, đợi thị trường tăng giá mới bán.

Nhiều nông dân cho biết, mùa thu hoạch năm trước, thương lái thu mua hành khô làm giống với giá từ 60.000 đồng/kg, năm nay giảm xuống chỉ 14.000 đồng/kg. Hành ăn tươi mới nhổ tại vườn là 30.000 đồng/kg, năm nay thương lái chỉ thu mua hành tươi (loại 1) vừa nhổ lên tại vườn từ 10.000 đồng - 12.000 đồng/kg. Thấp hơn 50% so với vụ trước, sau khi trừ các chi phí cộng với công chăm sóc, nông dân lỗ hàng chục triệu đồng/sào. Một trong những nguyên nhân dẫn đến giá hành tím giảm là do vài năm gần đây, nông dân ở các tỉnh khác đã chủ động được nguồn giống, nên không mua giống hành ở xã Nhơn Hải để sản xuất nữa.

Trước những khó khăn mà bà con đang gặp phải, UBND xã đã khuyến cáo các hộ tổ chức lại sản xuất cho hợp lý, trong đó, tập trung vào trồng vụ chính (từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch), thu hẹp diện tích sản xuất theo nhu cầu của thị trường để gia tăng giá trị kinh tế trên đất sản xuất.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LÂN THƯƠNG MẠI

Đưa tạp chất vào thủy sản bị xử phạt đến 100 triệu đồng

Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 20/10/2018. Theo đó, những hành vi vi phạm về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống có nguồn gốc thủy sản sẽ bị xử phạt với mức xử phạt cao hơn nhiều lần so với quy định cũ.

Phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng đối với hành vi bảo quản, vận chuyển, khai thác các loài thủy sản có xuất xứ từ cơ sở nuôi cấm thu hoạch, vùng nuôi thủy sản cấm thu hoạch. Đối với hành vi thu gom, sơ chế các loài thủy sản có xuất xứ từ cơ sở nuôi cấm thu hoạch, vùng nuôi thủy sản cấm thu hoạch mức phạt cao nhất lên tới 10 triệu đồng. Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi thuê người khác vận chuyển, khai thác các loài thủy sản có xuất xứ từ cơ sở nuôi cấm thu hoạch, vùng nuôi thủy sản cấm thu hoạch.

Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với các hành vi đưa tạp chất vào thủy sản; sản xuất, kinh doanh, sử dụng thủy sản có tạp chất do được đưa vào hoặc có chất bảo quản cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng. Đối với hành vi khai thác, thu gom, sơ chế, bảo quản, chế biến, kinh doanh các loài thủy sản có độc tố tự nhiên sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng. Đối với hành vi thu gom, sơ chế, bảo quản, chế biến, kinh doanh các loài thủy sản có độc tố tự nhiên gây nguy hại đến sức khỏe con người dùng làm thực phẩm sẽ bị xử phạt mức cao nhất là 100 triệu đồng. Trong một số trường hợp áp dụng mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt tương ứng mà vẫn còn thấp hơn 7 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền từ 5 - 7 lần giá trị sản phẩm vi phạm.

HÀNG VIỆT 

Bảo hộ nhãn hiệu  Cao khô Vạn Linh

Nhờ làm cao  khô (mì khô), nhiều gia đình dân tộc Tày, Nùng xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã thoát nghèo, mở rộng quy mô sản xuất, đưa đặc sản địa phương tới nhiều vùng miền đất nước.

Theo bà Vũ Thị Huệ - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vạn Linh, cao khô là nguyên liệu chế biến món ăn được nhiều người ưa chuộng, có thể chế biến thành nhiều món ăn với nhiều cách khác nhau như: nấu phở, làm phở chua, phở xào… Để làm được một mẻ cao ngon thì phải chọn được loại gạo thích hợp. Đó là loại gạo nấu lên dẻo thơm nhưng tơi cơm chứ không được dính nát. Theo kinh nghiệm của bà con ở đây, giống gạo Đoàn Kết và Bao thai do người dân địa phương tự trồng làm cao là ngon nhất. Toàn xã Vạn Linh hiện có hơn 100 hộ sản xuất cao khô, trong đó tập trung chủ yếu ở 2 thôn Phố Cũ và Phố Mới, với sản lượng hơn 3.000 tấn/năm. Nếu như trước đây, các công đoạn sản xuất cao khô được làm thủ công nên trung bình một mẻ cao khoảng 20 kg phải làm mất 2 - 3 ngày, thì những năm gần đây, nhiều hộ đã chủ động đầu tư trang thiết bị, máy móc như: máy nghiền, máy tráng, dàn phơi, hệ thống xử lý nước thải… do đó, sản lượng có thể đạt từ 3 - 4 tạ/mẻ, chất lượng sản phẩm ổn định hơn, đảm bảo vệ sinh và tiết kiệm công lao động. Theo chia sẻ của bà con, mặc dù ngày nay làm cao có sự hỗ trợ của máy móc song gạo vẫn phải sàng sảy kỹ, vo đãi thật sạch, đem ngâm khoảng 2 tiếng trước khi nghiền. Gạo nghiền càng kỹ, càng mịn thì sợi mỳ càng mượt và bóng. Vì vậy, mỗi gia đình làm cao khô ở Vạn Linh đều đặt làm riêng một chiếc cối đá chứ không dùng cối nghiền công nghiệp. Nhờ đó, sản phẩm rất thơm, ngon được người dân các tỉnh, thành phố khác trong cả nước ưa chuộng.

Tuy nhiên, thời gian qua, do hầu hết các loại cao khô trên thị trường chưa có nhãn mác, nên người tiêu dùng rất khó phân biệt. Điều đáng nói, do sản phẩm chưa được bảo hộ nên khó thu hút được sự quan tâm liên kết sản xuất của các nhà tiêu thụ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng tiêu thụ và giá cả của sản phẩm. Để bảo vệ quyền lợi người sản xuất và khẳng định giá trị của thương hiệu Cao khô Vạn Linh, tháng 7/2018, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Cao khô Vạn Linh của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vạn Linh. Nhận định của chuyên gia, đây là cơ hội khẳng định giá trị thương hiệu cho mặt hàng nông sản của bà con vùng cao; góp phần tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, bà Vũ Thị Huệ cho rằng, đây là sự kiện quan trọng mở ra hướng đi mới cho sản phẩm Cao khô Vạn Linh. Tuy nhiên, bà Huệ cũng trăn trở, hiện nay cán bộ và Hội viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vạn Linh vẫn chưa được đào tạo kiến thức về sở hữu trí tuệ, chưa có kinh nghiệm trong công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc vận hành hệ thống quản lý nhãn hiệu tập thể Cao khô Vạn Linh. Mong muốn, thời gian tới, huyện Chi Lăng cũng như các sở, ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ làng nghề sản xuất Cao khô Vạn Linh đổi mới công nghệ, thiết bị trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh sản phẩm, nhằm nâng giá trị hàng hóa và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm Cao khô Vạn Linh.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)