Thông tin giá cả thị trường số 43/2019

02:51 PM 01/11/2019 |   Lượt xem: 3924 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Bạch Thông mùa quýt chín

Vào tháng 10 hàng năm, các xã phía Tây của huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn lại bước vào vụ thu hoạch quýt. Mặc dù quýt đầu vụ vẫn còn xanh ương nhưng do nhu cầu tiêu dùng của thị trường nên bà con bắt đầu hái tỉa.

Hơn tuần nay, dọc quốc lộ 3B đã xuất hiện nhiều điểm bán quýt, điểm cân mua tập trung của thương lái. Đây là những thương lái quen thuộc ở các tỉnh như: Thái Nguyên, Hưng Yên, Lạng Sơn, Cao Bằng. Bắt đầu có những chuyến hàng quýt đầu tiên tiêu thụ ra ngoài tỉnh. Giá quýt đầu vụ thường khá cao nên nhiều hộ dân tranh thủ hái bán, dù đã có khuyến cáo không nên thu hái khi còn quả xanh ương. Giá quýt loại 1 hiện là 11.000 đồng/kg, loại 2 khoảng 5.000 đồng/kg, trung bình là 6.000 đồng/kg. Mức giá này tương đương giá năm ngoái nên nhiều hộ tranh thủ hái quýt khi quả chưa chín rộ.

Nhìn chung, quýt Bạch Thông năm nay sai quả hơn năm ngoái, sản lượng ước đạt 6.500 tấn, tăng khoảng 1 tấn so với cùng kỳ. Thời điểm tháng 10, bà con đã bắt đầu thu hái dù quả còn chưa chín. Xã đã tuyên truyền, khuyến cáo nhưng bà con lo sợ giá thấp khi vào chính vụ nên vẫn tranh thủ bán sớm.

Có thể thấy sau nhiều năm canh tác, chất lượng những vườn quýt bản địa một phần đã già cỗi, nhiều cây bị bệnh thối rễ và chết, năng suất thấp. Để duy trì và nâng cao chất lượng cây ăn quả, những năm qua, huyện Bạch Thông đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các chương trình thâm canh, cải tạo, nhân giống cây quýt bằng việc lấy mắt quýt ta ghép với gốc bưởi để tạo ra những lứa cây giống có chất lượng tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, dễ chăm sóc. Đưa vào các mô hình trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP, khuyến khích trồng mới thay thế các lứa cây cằn cỗi, kém năng suất bằng các loại giống mới. Bên cạnh đó, huyện còn đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu nông sản, khuyến khích, hướng dẫn thành lập các hợp tác xã. Trên địa bàn huyện hiện có 2 hợp tác xã là Hợp tác xã Đại Hà (xã Quang Thuận) và Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Dương Phong đều được kỳ vọng là những đầu mối đắc lực có thể kết nối, mở rộng tiêu thụ nông sản cho bà con vùng quýt. Huyện cũng tăng cường mở các lớp tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chuyển giao kỹ thuật thâm canh trên cây cam quýt. Tính đến nay, diện tích quýt của Bạch Thông lên đến 1.500 héc-ta, tập trung tại 3 xã là: Quang Thuận, Dương Phong và Đôn Phong. Trong đó, diện tích đang cho thu hoạch chiếm trên 1.200 héc-ta.

Dù có thất thường về giá cả nhưng không thể phủ nhận cây cam, quýt vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế tại các xã Quang Thuận, Dương Phong và Đôn Phong. Bình quân mỗi năm giá trị thu về từ quýt, cam lên đến cả trăm tỷ đồng, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ dân, góp phần hiệu quả vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Nhiều hộ dân có nhà cao, cửa rộng, phương tiện sinh hoạt đắt tiền cũng nhờ vào cây cam, quýt.

Mặc dù sản phẩm quýt đã có chỉ dẫn địa lý, được quảng bá, giới thiệu đến nhiều nơi nhưng vẫn chưa có đầu ra ổn định. Cách thức tiêu thụ cơ bản phụ thuộc vào thương lái nên giá cả bấp bênh. Chính vì vậy, bà con mong muốn chính quyền địa phương cũng như các cơ quan quản lý hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tìm đầu ra ổn định để đảm bảo canh tác bền vững.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Gia Lai: Giá cà phê giảm

Thời điểm này, nhiều diện tích cà phê niên vụ 2019 - 2020 đã chín, buộc người dân phải hái bán cho các đại lý thu mua. Do giá cà phê xuống thấp hơn những vụ trước nên nông dân lo lắng.

Hiện tại, cà phê niên vụ 2019 - 2020 mới bước vào giai đoạn hái bói trên những diện tích chín sớm. So với năm ngoái, năng suất cà phê năm nay cao hơn nhờ thời tiết thuận lợi cùng với việc đầu tư chăm sóc, bón phân đầy đủ. Tuy nhiên, người dân không khỏi lo lắng vì giá cà phê giảm khá sâu so với đầu niên vụ trước. Tuy mới đầu vụ nhưng giá cà phê tươi chỉ 6.000 đồng/kg, trong khi đầu vụ trước là 7.000 - 8.000 đồng/kg. Nếu giá cà phê duy trì ở mức này, gia đình nào bỏ nhiều vốn đầu tư, phải thuê công chăm sóc, thu hái thì may mắn lắm là hòa vốn bởi năm nay giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhân công thu hái đều tăng. Hiện giá thuê nhân công hái cà phê đang ở mức 170.000 -180.000 đồng/người/ngày.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 97.000 héc-ta cà phê. Trong đó, diện tích đang kinh doanh là hơn 83.000 héc-ta, còn lại đang ở giai đoạn kiến thiết cơ bản. Khoảng 2 năm trở lại đây, giá cà phê trên thị trường liên tục sụt giảm đã gây nhiều khó khăn cho người trồng.

Niên vụ 2019 - 2020, thời tiết thuận lợi nên cây cà phê sinh trưởng phát triển tốt. Tình hình sâu bệnh gây hại tại các vùng trồng cà phê cũng không lớn, bệnh rụng quả xảy ra ở mức độ bình thường… Vì vậy, năng suất cà phê ước sẽ đạt kế hoạch đề ra. Hiện nay, giá cà phê phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Do đó, Chi cục khuyến cáo bà con nông dân khi thu hoạch cần quan tâm đến chất lượng sản phẩm.

Việc tiêu thụ ổn định sẽ giúp nông dân vượt qua khó khăn, có nguồn thu nhập để tái đầu tư sản xuất trong niên vụ tới.

 

Quảng Trị: Trồng bơ trái vụ cho thu nhập khá

Thời gian gần đây, nhiều nông dân ở xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã lựa chọn giống bơ trái vụ để trồng nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Việc nhân rộng mô hình trồng bơ trái vụ ở Tân Liên đã góp phần làm đa dạng hóa cây ăn quả ở huyện miền núi Hướng Hóa. Trong đó, giống bơ booth 7 được bà con lựa chọn nhiều.  Loại cây này dễ trồng, tiết kiệm công chăm sóc, kháng sâu bệnh tốt và cho năng suất, chất lượng cao. Cây trồng sau 3 - 4 năm cho thu hoạch, bình quân mỗi cây có thể cho từ 200 - 300 kg quả/năm. Đặc biệt, trồng bơ trái vụ thu nhập cao gấp 2 - 3 lần bơ chính vụ. Với lợi thế đó, những năm trở lại đây, nhiều hộ dân ở xã Tân Liên trồng xen canh hoặc chuyển đổi một phần diện tích tiêu, cà phê già cỗi, kém hiệu quả để đầu tư trồng bơ booh 7. Toàn xã Tân Liên có hơn 10 hộ nông dân mạnh dạn đầu tư chuyển đổi diện tích một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng bơ booth 7, hộ trồng nhiều thì vài trăm gốc, hộ ít vài chục gốc. Hiện đang vào vụ bơ trái vụ, thương lái đến tận vườn thu mua nên người trồng bơ ở Tân Liên không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm.

Mô hình trồng bơ trái vụ đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo bền vững của nông dân xã Tân Liên nói riêng, huyện Hướng Hóa nói chung. Tuy nhiên, Hội Nông dân xã cũng khuyến cáo bà con cần có kế hoạch chuyển đổi cây trồng hợp lý, không vì lợi nhuận trước mắt mà trồng bơ trái vụ ồ ạt, nên xen canh cây bơ với các loại cây trồng khác nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, tránh nguy cơ thua lỗ trong trường hợp độc canh cây trồng.

Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bơ trái vụ cho nông dân; tạo điều kiện để nông dân vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất những giống cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Hậu Giang:

Giá thuê nhân công thu hoạch mía cao

Các hộ dân trên địa bàn huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) đang vào vụ thu hoạch mía. Hiện giá thuê nhân công đốn và vận chuyển từ rẫy mía ra bãi cân có giá 180.000 - 220.000 đồng/tấn (tùy theo đường vận chuyển mía xa hay gần), tăng khoảng 20.000 - 40.000 đồng/tấn so với thời điểm đầu vụ năm rồi. Thuê nhân công thu hoạch thời điểm này cũng gặp nhiều khó khăn do lực lượng lao động ở nông thôn ngày càng khan hiếm. Dự báo, giá thuê nhân công đốn mía có thể nhích lên trong những ngày tới khi nông dân vào vụ thu hoạch rộ, đồng thời gặp áp lực trong việc tìm người đốn mía.

Sau khi bắt đầu vụ ép vào trung tuần tháng 10, chữ đường (CCS) của mía đầu vụ đo được tại Nhà máy đường Phụng Hiệp (thuộc Casuco) đều đạt trên 10 CCS. Sở dĩ mía đạt CCS cao là do đa phần các diện tích mía của bà con thu hoạch là giống ROC 16 và đã hơn 10 tháng tuổi nên đảm bảo độ chín. Ngoài ra, trước khi thu hoạch, cán bộ khuyến nông đều tiến hành kiểm tra CCS. Khi đảm bảo mía đạt độ chín theo quy định thì mới cấp phiếu để bà con mướn nhân công thu hoạch mía.

Tiền Giang:

Giá mít thái tăng cao

Tiền Giang là địa phương có diện tích cây mít lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích hơn 6.000 héc-ta. Dù ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con không nên mở rộng diện tích cây mít nhất là vùng ngoài quy hoạch, vùng ngập lũ chưa có đê bao khép kín nhưng do giá mít tăng cao nên người dân vẫn mở rộng diện tích trồng.

Thời gian qua, giá mít thái luôn ở mức cao, dễ trồng, lợi nhuận dẫn đầu so với nhiều loại cây trồng khác. Hiện tại, mít Thái giá trên 50.000 đồng/kg, có thời điểm giá lên đến 70.000 đồng/kg. Mỗi héc-ta đất trồng cây mít, nông dân có nguồn lãi từ 600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/năm.

Lý Sơn:

Vụ hành bội thu

Vụ hành hè thu, nông dân Lý Sơn gieo trồng gần 200 héc-ta, chiếm hơn 1/2 tổng diện tích đất nông nghiệp của huyện. Vụ hành này thời tiết thuận lợi, đảm bảo được nguồn nước tưới, ít sâu bệnh nên hành đạt củ to đều, sản lượng ước đạt trên 2.200 tấn hành củ. Mặc dù vụ hành bội thu nhưng bà con huyện đảo Lý Sơn vẫn lo lắng bởi giá cả diễn biến thất thường. Đặc biệt vào tuần qua, khi nông dân thu hoạch đại trà, việc vận chuyển hành vào đất liền tiêu thụ gặp nhiều khó khăn do biển động liên tục nên giá hành giảm mạnh, chỉ còn 25.000 đồng/kg.

Vụ hành bội thu là tín hiệu vui cho nông dân đảo Lý Sơn. Tuy nhiên, điệp khúc “được mùa rớt giá” đang gây nhiều khó khăn cho bà con huyện đảo. Trước thực trạng này, huyện Lý Sơn đang xây dựng Đề án kết nối doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị cho nông dân trên đảo.

Quảng Bình:

Hỗ trợ 6 tỷ đồng phát triển đàn bò lai sind

Trong năm 2019, huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ số tiền gần 6 tỷ đồng thực hiện 32 dự án chăn nuôi bò lai sind cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở các địa phương. Việc hỗ trợ vốn cho các hộ nghèo, cận nghèo mua trên con 800 bò giống lai sind có chất lượng để phát triển chăn nuôi, giúp các gia đình có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua đó, Minh Hóa thúc đẩy nhanh việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, Minh Hóa có tổng đàn bò gần 12.000 con, trong đó, số lượng bò lai sind có trên 2.500 con. Định hướng của địa phương là dần thay thế đàn bò cóc địa phương bằng bò bò lai sind để nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Khuyến cáo không xuất lợn tiểu ngạch

So với những ngày đầu tháng 10, giá lợn hơi tuần cuối tháng 10/2019 ở các tỉnh miền Bắc đã chững lại. Một số địa phương, giá lợn hơi có xu hướng giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg nhưng vẫn đảm bảo mức giá từ 60.000 đồng/kg trở lên.

Theo đó, giá lợn hơi tại Thanh Hóa, Nghệ An chỉ còn 61.000 đồng/kg. Ở chiều ngược lại, giá lợn hơi ở vùng biên Lào Cai được ghi nhận đạt mức 65.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá cao nhất miền Bắc. Đặc biệt, giá lợn hơi trung bình tại 6 tỉnh của Trung Quốc giáp ranh Việt Nam tiếp tục tăng lên mức trên 100.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, các trang trại, doanh nghiệp tuyệt đối không được xuất khẩu lợn sang Trung Quốc. Bởi Việt Nam và nước bạn chưa có ký kết chính thức việc xuất khẩu chính ngạch, đồng thời chúng ta cũng phải có trách nhiệm bảo vệ kiểm dịch động vật ở biên giới. Hơn nữa, nguy cơ rủi ro rất cao về dịch bệnh lây nhiễm chéo trở lại.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợi hơi tương đổi ổn định ở mức 55.000 - 60.000 đồng/kg. So với miền Bắc, mức giá không chênh lệch là mấy. Giá heo hơi ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị đạt 56.000 - 57.000 đồng/kg; tại Bình Thuận đạt 60.000 đồng/kg; khu vực Tây Nguyên đạt 55.000 đồng/kg. Điều đáng nói là, hiện nguồn cung lợn ra thị trường khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang hạn chế do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.

Đánh giá về việc giá lợn hơi tăng cao trong những ngày vừa qua, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) khẳng định, giá tăng như hiện nay là hoàn toàn bình thường theo đúng quy luật cung cầu thị trường.  Bình thường giá thành 1kg lợn hơi khoảng 37.000 - 39.000 đồng/kg, khi dịch tả châu Phi bùng phát và kéo dài phải cộng thêm chi phí sát trùng, khử trùng, vôi bột, chi phí tăng lương, chế độ phụ cấp cho công nhân ăn ở tại trại cùng rất nhiều chi phí gián tiếp khác khiến giá thành lợn hơi tăng lên khoảng 42.000 - 43.000 đồng/kg. Vậy nên, dù giá lợn hơi đang khá cao nhưng người chăn nuôi nhỏ lẻ, các chủ trang trại cũng chỉ lấy công làm lãi, đủ trang trải các chi phí phát sinh.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Nhận biết dầu ăn thật - giả

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại dầu ăn kém chất lượng, dầu ăn giả những thương hiệu uy tín. Tại các phiên chợ vùng cao, những chai dầu ăn được bày bán tràn lan với nhiều loại, nhiều nhãn mác khác nhau.

Theo kinh nghiệm của các nhà sản xuất dầu ăn có uy tín, dầu ăn gia công, kém chất lượng thường được làm từ các chất hóa học, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, lượng dầu ăn bẩn làm từ rác thải và cặn dầu đã qua chế biến cũng được sản xuất tràn lan khiến nhiều người khó có thể phân biệt được đâu là dầu ăn thật, đâu là giả. Do đó, để tránh mua phải dầu giả, kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe, bà con có thể phân biệt dựa trên mùi vị, màu sắc...

Quan sát màu sắc

Nếu là dầu ăn thật, chất lượng tốt sẽ có màu vàng sẫm, chất lượng bình thường có màu vàng nhạt. Tuy nhiên, màu sắc cũng tùy thuộc vào nguyên liệu làm nên loại dầu đó. Nếu đó là dầu hạt cải thì trong màu vàng sẽ có chút màu lục, nếu là dầu đậu phộng (dầu lạc) thì có màu vàng nhạt hoặc da cam nhạt. Trong khi đó, dầu ăn kém chất lượng, giả mạo thường có màu sậm, xỉn màu chứ không sáng như các màu vàng nâu, vàng sậm, thậm chí hơi đen.

Quan sát độ trong của dầu

Nếu là dầu ăn thật sẽ trong suốt, không có bợn hay lắng cặn, đông đặc. Khi lắc nhẹ chai dầu, bà con sẽ cảm nhận được dầu chảy trơn tru, dễ dàng. Ngược lại, dầu ăn giả thường lẫn tạp chất, có dấu hiệu lắng cặn, đông đặc. Khi lắc, bà con sẽ dễ dàng thấy dầu chảy sệt, không trơn tru.

Quan sát độ đông đặc

Vào mùa lạnh, dầu ăn thật sẽ ít bị đông đặc khi để ở nhiệt độ phòng hoặc chỉ hơi lợn cợn phía trên. Dầu ăn giả vào mùa lạnh sẽ bị đông đặc cả can dầu hoặc lắng cặn dưới đáy. Nếu đã mua dầu về mà phân vân không biết liệu đây có phải là dầu thật hay không, bà con có thể kiểm tra bằng vị giác bằng cách cho 1 đến 2 giọt dầu vào lòng bàn tay rồi nếm thử. Nếu dầu thật, tốt sẽ có vị không chát, không đắng, không chua, bình thường. Ngược lại là dầu giả.

HÀNG VIỆT

Điện Biên:

Xây dựng 11 sản phẩm đạt chuẩn OCOP

Theo kế hoạch giai đoạn 2018 - 2020, toàn tỉnh Điện Biên có 21 sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); trong đó, năm 2019, Điện Biên phấn đấu có 11 sản phẩm đạt tiêu chuẩn.

Ưu tiên tiêu chuẩn hóa các sản phẩm có sẵn

Với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn có khả năng cạnh tranh trên thị trường, hiện nay, Điện Biên đang tích cực triển khai Chương trình OCOP. Trong đó, giai đoạn 2018 - 2020, chú trọng tiêu chuẩn hóa các sản phẩm đã có sẵn. Theo đó, các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn từ 1 - 2 sản phẩm trong các nhóm sản phẩm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm, nội thất, trang trí và nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng để xây dựng và phát triển thành thương hiệu. Quy trình OCOP được thực hiện theo 6 bước, trên nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm”, gồm: Tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; nhận ý tưởng sản phẩm; nhận kế hoạch kinh doanh; triển khai kế hoạch kinh doanh; đánh giá, phân hạng sản phẩm và xúc tiến thương mại.

Theo thống kê, đến nay có khoảng 25 sản phẩm đăng ký xét duyệt năm 2019, như: Chè Tủa Chùa, cà phê Hồng Kỳ (Tuần Giáo), cà phê Mường Ảng, đông trùng hạ thảo; thịt khô, rượu táo, rượu chuối (TP. Ðiện Biên Phủ), gạo chất lượng cao, mật ong (huyện Ðiện Biên)… Với mỗi thương hiệu, các chủ thể phát triển từ 1- 4 sản phẩm để xét duyệt.

Chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các sản phẩm tiềm năng

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên và xã hội, đến nay, Ðiện Biên đã hình thành một số vùng sản xuất sản phẩm tập trung như: Gạo chất lượng cao, rau an toàn, cây ăn quả… Tỉnh cũng có nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô hàng nghìn con. Bên cạnh các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, tỉnh có những sản phẩm đặc trưng như: Dệt thổ cẩm, sản phẩm mây tre đan được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, để sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP thì vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nguyên nhân là do vẫn còn tư duy sản xuất nhỏ lẻ; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ chưa chặt chẽ và bền vững; việc áp dụng đồng bộ hóa tiêu chuẩn sản phẩm còn hạn chế dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường; công tác đăng ký, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức… Do đó, thực hiện Chương trình OCOP năm 2019, Ðiện Biên xác định tập trung tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho chủ thể các sản phẩm có tiềm năng, làm nền tảng để phát triển, đăng ký xét duyệt sản phẩm OCOP trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, huyện Tủa Chùa có 2 sản phẩm được phê duyệt trong Ðề án Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 là: Chè Tuyết Shan và rượu Mông Pê. Ðối với sản phẩm chè Tuyết Shan đã có vùng nguyên liệu, huyện và ngành chuyên môn tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện tối đa để các công ty, doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, xây dựng chỉ dẫn địa lý, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường. Sản phẩm rượu Mông Pê được sản xuất chủ yếu tại hộ gia đình thuộc các xã: Sín Chải, Tả Sìn Thàng nên UBND huyện sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư dây chuyền sản xuất rượu Mông Pê, đóng chai thành phẩm; có các chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu, phân phối sản phẩm.

Đối với huyện Tuần Giáo đã hoàn thành dự kiến quy hoạch 7 sản phẩm OCOP giai đoạn 2018 - 2030 chia thành 2 nhóm tại 5 xã. Nhóm thực phẩm bao gồm: Cá nước lạnh Tênh Phông; dưa mèo, mật ong Tỏa Tình. Nhóm thảo dược gồm: Táo mèo khô Tỏa Tình, Tênh Phông; dứa Pú Nhung; sa nhân Ta Ma, Phình Sáng, Tỏa Tình. Đây là các sản phẩm có giá trị kinh tế cao và có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP trong tương lai gần... Cùng với việc lên danh mục các sản phẩm, huyện cũng thành lập tổ chuyên trách về lĩnh vực OCOP cấp huyện và thực hiện nhiều phần việc để phát triển sản phẩm trong thời gian tới.

Ðề án OCOP tỉnh Điện Biên với tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2018 - 2020 khoảng 35,76 tỷ đồng; trong đó năm 2019 bố trí 10 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình Xây dựng nông thôn mới.