Thông tin giá cả thị trường số 45/2018

02:10 PM 09/11/2018 |   Lượt xem: 4305 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Lào Cai: Thảo quả được mùa

Sau nhiều năm mất mùa do ảnh hưởng của thiên tai, diện tích thảo quả trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm nay đã phục hồi và cho thu hoạch trở lại. Tuy nhiên, người trồng thảo quả lại phải đối mặt với nỗi lo “được mùa, mất giá”.

Thời điểm này, thảo quả bắt đầu vào vụ thu hoạch. Sau 2 năm bị ảnh hưởng do thời tiết có tuyết rơi và băng giá, vụ này, cây thảo quả cho quả khá nhiều. Tuy nhiên, giá mua thảo quả trên thị trường đang có dấu hiệu giảm mạnh khiến người trồng lo lắng. Hiện mới vào đầu vụ thu hoạch thảo quả, giá trên thị trường chưa ổn định. Phía bạn hàng cũng đặt cầm chừng nên thương lái chưa dám thu mua với số lượng lớn. Điểm đáng lưu ý là giá quả thảo quả năm nay thấp hơn so với các năm gần đây bởi nguồn cung dồi dào do thảo quả đã phục hồi và được mùa. Dự báo, từ nay đến cuối vụ, giá quả thảo quả có tăng lên hay không đều phụ thuộc vào đối tác và bạn hàng.

Thời điểm này, tại khu vực rừng già xã Dền Sáng và xã Y Tý, nhiều hộ đồng bào dân tộc sau khi gặt xong lúa, bà con đã tranh thủ lên nương dựng lán, đào lò sấy. Thảo quả năm nay sai quả, báo hiệu bội thu nhưng giá lại khá thấp, hiện thương lái đang thu mua với giá 120.000 - 140.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với thời điểm thu mua những năm trước. Đặc biệt, năm 2017, thương lái thu mua thảo quả với mức cao nhất lên tới 420.000 đồng/kg. Trước tình trạng này, một số hộ quyết định giữ lại chờ giá tăng thêm mới bán. Nhiều hộ không có điều kiện dù biết là giá thấp nhưng vẫn phải chấp nhận bán cho thương lái bởi nếu không bán cho họ thì cũng không biết tiêu thụ ở đâu. Xã Dền Sáng có hơn 400 héc-ta cây thảo quả với sản lượng khá cao. Nếu bán với giá thấp như hiện nay, người trồng thảo quả sẽ thiệt hại rất lớn.

Văn Bàn cũng là huyện có diện tích thảo quả khá lớn. Vụ này, thảo quả mất giá cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của bà con. Do giá thảo quả năm nay xuống thấp từ đầu vụ nên một số hộ đã quyết định thu hoạch sớm. Tại Văn Bàn, giá thảo quả năm nay chỉ ở ngưỡng 110.000 đồng/kg. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn, toàn huyện hiện có hơn 3.000 héc-ta thảo quả. Giá quả thảo quả xuống thấp khiến người dân nơi đây thiệt hại nặng.

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Lào Cai hiện có gần 9.000 héc-ta thảo quả. Giá quả thảo quả không ổn định, lên xuống thất thường sẽ gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các hộ gia đình. Nguyên nhân chính khiến giá quả thảo quả lên xuống thất thường là do thị trường không ổn định, việc mua bán chủ yếu do người dân tự thỏa thuận với thương lái.

Cũng giống như các loại nông sản khác, tình trạng được mùa, mất giá đối với cây thảo quả diễn ra liên tục từ mùa này sang mùa khác, năm này sang năm khác.  Thiết nghĩ, đã đến lúc các bộ, ngành cần vào cuộc, liên kết tìm đầu ra ổn định cho quả thảo quả. Đồng thời, nghiên cứu các loại cây trồng, cây dược liệu phù hợp, có giá trị kinh tế cao để bà con có thể thay thế cây thảo quả, góp phần phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ rừng.

MUA GÌ-BÁN GÌ

Chợ gạo (tiền giang): Diện tích cây nếp bè giảm mạnh

Nếp bè Chợ Gạo là loại đặc sản nổi tiếng ở tỉnh Tiền Giang đã xây dựng thương hiệu quốc gia từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, do đầu ra bấp bênh, hiệu quả không cao nên nông dân địa phương đã chuyển sang trồng bưởi da xanh, dừa xiêm và cây thanh long.

Hiện toàn huyện Chợ Gạo chỉ còn vài chục héc-ta nếp bè, chủ yếu ở xã Thanh Bình. Tại xã Mỹ Tịnh An, bà con  đã chuyển 100% diện tích ruộng trồng nếp bè sang cây thanh long do hiệu quả cao hơn. Do diện tích nếp bè giảm nên những hộ riêng lẻ trồng nếp bè gặp nhiều khó khăn như: Máy không vào ruộng được, bị chuột phá, ruộng nếp không giữ nước được lâu do các ruộng xung quanh đã lên liếp trồng thanh long. Vì vậy, năng suất nếp bè bây giờ rất thấp, 1.000 m2 chỉ thu hoạch khoảng 500 - 600 kg. Ngoài ra, nếp bè trồng đơn lẻ còn gặp nhiều khó khăn trong chăm sóc nên cây dễ mắc bệnh như bị cháy lá, đạo ôn, chín sớm…

Bến Tre: Nông dân trúng mùa sắn

Nông dân xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đang có lãi cao vì sắn được mùa và bán được giá. Hiện nay, giá củ sắn được thương lái tới thu mua tại ruộng dao động từ 4.000 - 4.200 đồng/kg. Với giá thu mua này và năng suất đạt 4 tấn/công như hiện nay, nông dân lãi khoảng 10 triệu đồng/công đất sắn.

Xã Thạnh Hải có diện tích đất trồng sắn là 225 héc-ta, năng suất đạt từ 3,8 - 4,2 tấn/công. Vụ mùa sắn này, một số hộ dân đã thu hoạch năng suất đạt 4,5 tấn/công.

Phù Cát - Bình Định: được mùa đậu phộng

Vụ mùa năm nay, toàn huyện Phù Cát sản xuất hơn 395 héc-ta đậu phụng, tập trung ở các xã Cát Tài, Cát Hải, Cát Hanh, Cát Hiệp…, với các giống L14, L23, HL 25, LDH 01, luân canh hoặc xen canh với cây mì. Nhờ thời tiết thuận lợi, chăm sóc tốt nên năng suất đậu phụng đạt 31 tạ/héc-ta, cao hơn 0,3 tạ/héc-ta so với cùng vụ năm ngoái. Theo tính toán, mỗi héc-ta trồng đậu phụng 3 tháng/vụ cho thu nhập khoảng 80 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 50 triệu đồng, cao gấp 1,5 - 2 lần so với cây mì, cây bắp. Để đạt được kết quả đó, ngoài việc cung cấp nguồn giống tốt, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện đã tổ chức hội thảo, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đậu phụng cho nông dân.

Lào Cai: Bắp cải trái vụ tiêu thụ tốt

Những ngày này, khi bắp cải của bà con vùng xuôi mới đang kỳ xuống giống thì lứa bắp cải trái vụ trồng từ 4 tháng trước của nhiều hộ nông dân ở huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai lại đang mùa thu hoạch. Giá bắp cải hiện nay đạt 10.000 đồng/kg, cao điểm đạt tới 15.000 đồng/kg. Bắp cải thu hoạch đến đâu, thương lái thu mua và vận chuyển ngay về miền xuôi tiêu thụ. Nhờ trồng bắp cải trái vụ, nhiều hộ nông dân huyện vùng cao Si Ma Cai đã tìm ra hướng đi xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.

Theo tính toán, mỗi héc-ta bắp cải trái vụ, bà con Si Ma Cai cho thu hoạch tối thiểu 150 triệu đồng, gấp 6 - 7 lần trồng ngô và lúa. Tuy nhiên, do tập quán canh tác của người dân vùng cao còn lạc hậu, bà con cũng chưa biết tính toán và ngại chuyển đổi theo hướng mới nên chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa để giúp đồng bào nơi đây tiếp cận được hướng đi hiệu quả, nâng cao năng lực sản xuất.

CƠ HỘI-GIAO THƯƠNG

Đồng Tháp: Phát triển các sản phẩm từ sen

Hàng năm, huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) gieo trồng từ 150 - 200 héc-ta sen, sản lượng từ 110 - 147 tấn/năm. Nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách và quảng bá nhãn hiệu sen Tháp Mười, huyện đã hình thành Khu du lịch sinh thái Đồng Sen Tháp Mười. Nơi đây, ngoài cánh đồng sen rộng lớn gần 100 héc-ta đáp ứng nhu cầu của du khách tham quan, ngắm cảnh, các hộ dân còn liên kết làm du lịch cộng đồng với nhiều món ăn hấp dẫn được chế biến từ sen như: Cá lóc gói lá sen, cơm hạt sen, các món gỏi từ ngó sen, hạt sen rang muối ớt...

Với lợi thế về cây sen, huyện Tháp Mười đã quy hoạch vùng trồng sen 300 héc-ta tại hai xã Tân Kiều và Mỹ Hòa. Cây sen đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu Sen Tháp Mười năm 2016. Sở Khoa học Công nghệ hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu Sen Tháp Mười ở Đài Loan vào tháng 8/2014. UBND huyện Tháp Mười đã phối hợp Công ty Tư vấn sở hữu trí tuệ AGL tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện hệ thống các quy chế phục vụ quản lý nhãn hiệu chứng nhận. Dự kiến năm 2019, huyện đăng ký bảo hộ một số sản phẩm mới từ sen để được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Sen Tháp Mười” như: Bột sen, bột sữa sen, sữa sen, vải dệt từ tơ sen, quà lưu niệm từ sen...

Bên cạnh đó, huyện Tháp Mười đã sử dụng các phương tiện truyền thông để chia sẻ thông điệp các sản phẩm từ sen, hình ảnh logo trên trang điện tử của huyện, xây dựng các pano logo sen đặt các vị trí vào trung tâm huyện như: đường Quốc lộ N2, Đường Thét, Trường Xuân, huyện Cái Bè (Tiền Giang); tăng cường truyền thông qua các sự kiện, ngày lễ hội của huyện gắn với khu du lịch sinh thái Đồng Sen, in ấn logo vào tài liệu hội nghị của huyện..

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Tỏi Lý Sơn giả, nhái

Lý Sơn là huyện đảo Đông Bắc của tỉnh Quảng Ngãi với trên 326 héc-ta đất sản xuất hành, tỏi. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng tỏi giả, nhái nhãn hiệu tỏi Lý Sơn.

Từ đầu năm 2018 đến nay, các cơ quan chức năng huyện đảo Lý Sơn đã phát hiện hàng chục trường hợp tỏi từ các nơi khác được vận chuyển ngược ra Lý Sơn. Có những vụ việc dù bị phát hiện nhưng chính quyền địa phương rất khó xử lý bởi tỏi được vận chuyển ra đảo không hề dán nhãn mác tỏi Lý Sơn nên ở góc độ pháp lý, đây chỉ là việc thông thương hàng hóa bình thường. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tình trạng này đã khiến giá tỏi Lý Sơn giảm mạnh. Đồng thời, ảnh hưởng lớn đến chất lượng tỏi Lý Sơn và những người buôn bán tỏi chính gốc tại đây.

Hiện nay, tỏi Lý Sơn mới ở mức công nhận nhãn hiệu tập thể nên một số tư thương lợi dụng để trà trộn các loại tỏi khác, đưa ra thị trường gây ảnh hưởng lớn đến giá trị của tỏi Lý Sơn. Đặc biệt, vụ tỏi năm nay, giá tỏi Lý Sơn đạt thấp, lượng tỏi tồn nhiều khiến người trồng lo lắng. Hiện nay, tỏi Lý Sơn bán ra giá thấp, bình quân mỗi ki-lô-gam tỏi nông dân phải chịu lỗ 20.000 đồng/kg. Theo thống kê sơ bộ, hiện tỏi Lý Sơn còn tồn đọng hơn 280 tấn tỏi. Việc này sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, xuống giống cho vụ sau.

Mặc dù huyện đảo Lý Sơn đã triển khai một số biện pháp nhằm ngăn chặn việc vận chuyển tỏi từ đất liền ra đảo nhưng vấn đề cần thiết hiện nay chính là xây dựng chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn. Cũng như các nông sản khác, lợi ích từ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho tỏi Lý Sơn sẽ mang lại giá trị gia tăng cho nhà sản xuất; ngăn chặn tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, khi có chỉ dẫn địa lý rõ ràng sẽ có những quy định về chế tài xử lý những trường hợp vi phạm.

HÀNG VIỆT 

Nông sản Hà Giang: Từ xây dựng thương hiệu đến mở rộng thị trường

Mật ong bạc hà, cam sành, gạo Già Diu, hồng không hạt… là những nông sản vốn được đồng bào dân tộc Hà Giang trồng cấy từ nhiều đời nay. Vậy nhưng, nhờ được xây dựng thương hiệu và tăng cường quảng bá, giới thiệu, đến nay các sản phẩm này đã được đông đảo khách hàng tin dùng với giá trị thu về cao hơn hẳn.

Xây dựng thương hiệu cho nông sản

Mấy năm gần đây, tham dự các hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản ở nhiều tỉnh phía Bắc, hội nghị nào chúng tôi cũng gặp ông Mai Văn Sướng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang. Nhắc đến việc sản xuất và tiêu thụ nông sản, ông Sướng có thể nói cả ngày không hết chuyện.

Với thực tế ở tỉnh Hà Giang, ông Sướng cho hay: Mấy năm trước, một số sản phẩm được xem là có thế mạnh của Hà Giang như: Cam, chè, mật ong… có nguy cơ phải thu hẹp sản xuất do cạnh tranh khốc liệt từ các hàng hóa cùng loại trên thị trường. Trước tình hình này, với vai trò của mình, Sở Công Thương Hà Giang đã tham mưu lồng ghép quảng bá cam sành, mật ong bạc hà, chè… tại các hội nghị xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để gia tăng kết nối cung - cầu. 

Đồng thời, để bảo vệ nhãn hiệu của các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, UBND tỉnh Hà Giang đã triển khai ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc trên thiết bị di động bằng mã ma trận QR-code để hỗ trợ cho một số doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Từ năm 2014 đến nay, với tổng kinh phí hơn 11 tỷ đồng, Hà Giang đã tập trung hỗ trợ được nhiều chương trình như: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học, xây dựng và đăng ký thương hiệu, tư vấn thiết kế nhãn mác bao bì sản phẩm; xây dựng nhà trưng bầy sản phẩm; hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ trong nước và ngoài nước…

Phấn khởi khi Hà Giang đã có được những sản phẩm nông sản chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, ông Mai Văn Sướng chia sẻ: “Ban đầu thuyết phục để bà con sản xuất theo quy trình khép kín, sử dụng công nghệ thông tin để quản lý cũng không phải dễ dàng, một sớm một chiều mà làm được ngay. Tuy nhiên, với những sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu, có giá bán tăng lên trông thấy, thì thương hiệu lại có tác dụng như là một động lực để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào việc duy trì hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa - dịch vụ”.

Thị trường tiêu thụ liên tục được mở rộng

Nhờ công tác xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa và các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch đẩy mạnh sản xuất và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực… đến nay, nhiều sản phẩm tiêu biểu của Hà Giang như: Chè, dược liệu, mật ong bạc hà, cam sành… đã có chỗ đứng ổn định trên thị trường; một số sản phẩm chè đã xuất khẩu được sang: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu.

Trong năm 2018, Phó Giám đốc Mai Văn Sướng phấn khởi cho hay, sản lượng mật ong của Hà Giang dự kiến thu hoạch khoảng trên 12.000 tấn; chè búp tươi trên 70.000 tấn; cam sành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 50.000 tấn, cùng với đó là một sản lượng không nhỏ chè đen, chè vàng, chè xanh đã qua chế biến.

Để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, Hà Giang đang tập trung hỗ trợ đẩy mạnh công nghiệp chế biến sản phẩm sau thu hoạch; Chú trọng xây dựng thương hiệu, hỗ trợ bao bì, ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương, nhằm tạo thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững cho sản phẩm.

“Việc quảng bá sản phẩm trên phương tiện truyền thông, kết nối đưa các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh vào hệ thống phân phối tại các siêu thị, chợ đầu mối lớn… vẫn được chúng tôi thực hiện thường xuyên. Trong tháng 11, 12/2018 “Tuần lễ cam sành và các đặc sản tỉnh Hà Giang” sẽ được tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh” - ông Mai Văn Sướng thông báo với chúng tôi thông tin này trong lúc đang tham dự Hội thảo Phát triển sản xuất hàng hóa, tạo liên kết vùng và thu hút đầu tư khu vực Tây Bắc trong hội nhập tổ chức tại Yên Bái. Trò chuyện với Phó Giám đốc Mai Văn Sướng, chợt nghĩ: Có được những cán bộ tâm huyết, trách nhiệm với các sản phẩm địa phương như vậy, sản xuất và tiêu thụ nông sản ở Hà Giang có nhiều đổi thay tích cực - âu cũng là điều dễ hiểu!

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)