Thông tin giá cả thị trường số 46/2017

08:31 PM 27/11/2017 |   Lượt xem: 4541 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Quảng Ninh kết nối sản phẩm OCOP chủ lực vào hệ thống siêu thị lớn

Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) - một chương trình riêng có của Quảng Ninh được khởi động từ năm 2013. Sau hơn 3 năm thực hiện, từ 44 sản phẩm có địa chỉ sản xuất ban đầu, đến nay OCOP Quảng Ninh đã có trên 251 sản phẩm của gần 300 tổ chức: DN nhỏ, HTX, tổ hợp tác. Vì thế, chương trình OCOP Quảng Ninh đã được Chính phủ cho nhân rộng ra cả nước.

Giai đoạn mới với những mục tiêu cao hơn

Chương trình OCOP hiện đã được UBND tỉnh Quảng Ninh  phê duyệt giai đoạn 2 (2017 - 2020) với nhiều mục tiêu mới cả chiều rộng và chiều sâu.

 Cụ thể, OCOP Quảng Ninh giai đoạn này được xác định là chương trình kinh tế  quan trọng của tỉnh, sản xuất được phát triển tập trung quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa nông nghiệp và phi nông nghiệp ở cả khu vực đô thị và khu vực nông thôn, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng dân tộc.

Đối với sản phẩm OCOP giai đoạn này cũng phải được phát triển theo yêu cầu nâng cao hơn chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, khi Việt Nam đã tham gia sâu các Hiệp định thương mại AEC, AFTA, TPP.

Giai đoạn 2017 - 2020, Quảng Ninh sẽ phát triển ít nhất 250 sản phẩm OCOP, trong đó củng cố và nâng cao chất lượng, số lượng 130 sản phẩm đã có từ giai đoạn 2013 - 2016; phát triển mới 120 sản phẩm (tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu theo chuỗi sản phẩm chủ lực các cấp huyện, tỉnh và cấp quốc gia…).

Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu xây dựng nhãn hiệu OCOP thành thương hiệu mạnh của tỉnh có sức tiêu thụ trên phạm vi thị trường cả nước và dần từng bước xuất khẩu trên thị trường quốc tế.

Kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP chủ lực

Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh - Nguyễn Mạnh Hà cho biết, việc kết nối sản phẩm OCOP được Sở Công Thương Quảng Ninh phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành bài bản theo từng bước. Hiện chương trình đã tiến đến giai đoạn kết nối sản phẩm chủ lực OCOP cấp quốc gia.

Theo tiến trình này, hiện nay Quảng Ninh đã lựa chọn được hơn 30 sản phẩm OCOP chủ lực để tập trung đầu tư về mọi mặt đạt tiêu chuẩn sản phẩm và tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm quốc gia.

Năm 2017, năm đầu của giai đoạn (2017 - 2020) Quảng Ninh đã chọn 12 sản phẩm (chủ yếu là sản phẩm địa phương vùng biển đảo, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số) được xếp hạng đạt từ 4 - 5 sao, sản phẩm cấp tỉnh (có khả năng xuất khẩu) để kết nối vào các hệ thống siêu thị trên cả nước. Cụ thể như: Ba kích, trà Hoa vàng, hàu Vân Đồn, chả mực Hạ Long, nước mắm Cái Rồng, miến dong Bình Liêu, gà Tiên Yên, lợn Móng Cái, ghẹ, chè Đường Hoa, gốm sứ Đông Triều và nhóm thảo dược…

Trong nhóm 12 sản phẩm trên, UBND tỉnh Quảng Ninh đã lựa chọn 6 nhóm sản phẩm, bao gồm: Ba kích Ba Chẽ, Hoành Bồ (Ba kích khô, rượu Ba kích, cao Ba kích); trà hoa vàng Ba Chẽ (hoa khô, trà túi lọc, trà thô); hàu Vân Đồn (ruốc hàu, hàu ruốc chưng thịt); chả mực Hạ Long (chả chín); nước mắm Sá Sùng (đóng chai); sản phẩm lợn Móng Cái (giò lụa, chả lụa, ruốc, khâu nhục) đang được tập trung đầu tư phát triển về mọi mặt, cả số lượng và chất lượng, mẫu mã… đạt tiêu chí quốc gia, để kết nối tiêu thụ trên cả nước tại hệ thống các siêu thị: BigC, Vinmart…

Việc kết nối các sản phẩm OCOP đẳng cấp quốc gia này đã được Sở Công Thương Quảng Ninh tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan và siêu thị BigC triển khai thực hiện với nhiều cách làm phong phú từ Hội chợ sản phẩm OCOP lần thứ 5, diễn ra vào đầu tháng 9/2017.

Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh - Nguyễn Mạnh Hà: “Để phát triển thành sản phẩm chủ lực, sản lượng phải tăng lên nhiều hơn nữa. Tiếp đến các khâu: chất lượng, chế biến, mẫu mã, bao bì… để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn và các kênh tiêu thụ. Năm 2017 là năm tạo nền tảng trên cơ sở đã có sẵn, các địa phương có sản phẩm OCOP cùng với các ngành tham mưu cho tỉnh để có kế hoạch phát triển thành những sản phẩm thực sự đúng là chủ lực cấp quốc gia.”

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Huyện miền núi A Lưới: Hiệu quả từ mô hình trồng rau sạch

Những năm trở lại đây, nhờ sự hỗ trợ vốn, áp dụng công nghệ trồng rau sạch, người dân ở huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên Huế) đã có thu nhập ổn định, từng bước cải thiện đời sống.

Là địa phương có tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp nhưng do sự bất lợi của thời tiết, tập quán canh tác lạc hậu nên các giá trị đem lại vẫn chưa cao. Năm 2016, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con, huyện A Lưới đã đầu tư 300 triệu đồng hỗ trợ các hộ nông dân sản xuất mô hình rau sạch tại các xã A Ngo, Sơn Thủy, Hồng Thủy và thị trấn A Lưới. Ban đầu, mô hình được triển khai  trên 12 hộ dân với 12 sào. Tuy nhiên, sau thời gian canh tác hiệu quả, đến nay đã có hơn 20 hộ dân tham gia trồng rau sạch.

Quy trình trồng rau sạch theo phương pháp: Rau được trồng dưới mái che bằng nylon màu trắng, hệ thống nước tưới phun sương, xung quanh có lưới bảo vệ để hạn chế ánh nắng mặt trời, lượng mưa và che chắn được côn trùng xâm nhập, tránh được sâu bệnh hại, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…

Ông Văn Lập – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới cho biết: Đây là mô hình được bà con nông dân phấn khởi đón nhận, mặc dù thời gian đầu thực hiện còn lúng túng nhưng đến nay bà con đã yên tâm đầu tư sản xuất. Từ đó, đảm bảo nguồn cung cấp rau sạch cho người tiêu dùng và nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Qua sự thành công đó, từ nguồn kinh phí khuyến nông, huyện A Lưới tiếp tục nhân rộng mô hình “làm nhà” cho việc trồng hoa, bắp cải, su hào, đậu các loại… tại địa phương.

Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, UBND huyện A Lưới giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, nhân rộng trồng mô hình rau theo công nghệ cao, tạo nguồn thực phẩm an toàn không chỉ phục vụ tại địa phương mà có thể tiêu thụ ở các địa phương khác. Về lâu dài, huyện sẽ hướng người dân sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, chủ động đưa cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn trực tiếp từng hộ dân sản xuất rau theo hướng an toàn.

Phú Yên: Giá keo xuống thấp, người trồng lo lắng

Bão số 12 đi qua, ước tính hơn 80% rừng keo của các hộ bị gãy đổ, bật gốc. Sau một tuần, keo bắt đầu héo lá, chết. Cách duy nhất để lấy lại vốn là người trồng bán gỗ tạp cho các nhà máy chế biến dăm gỗ. Trong khi đó, các nhà máy dăm gỗ lại hạn chế thu mua.

Trước đây, người trồng keo bán được từ 1,1 - 1,3 triệu đồng/tấn đối với keo 5 năm tuổi. Nay, vẫn là keo 5 năm tuổi nhưng do ngã đổ sau bão, người dân buộc phải bán nhanh vì sợ để lâu nắng lên cây khô lại, sản lượng gỗ giảm, chỉ bán được từ 900.000 - 970.000 đồng/tấn. Nhiều hộ gia đình hiện có hàng trăm héc-ta keo gãy đổ cần bán, gồm keo từ 2 - 7 năm tuổi. Trước đây, cứ keo 2 tuổi trở lên công ty thu mua với giá 1,3 triệu đồng/tấn gỗ keo. Nay giá thu mua đã khác, cụ thể cây dưới 4 năm giá 800.000 đồng/tấn, cây 5 năm là 1.000.000 đồng/tấn và cây trên 5 năm tuổi là 1.050.000 đồng/tấn.

Với giá bán thấp như hiện nay, trừ chi phí mỗi héc-ta người trồng chỉ còn từ 20 - 30 triệu đồng, không đủ để mua giống trồng mới. Bởi chi phí mỗi héc-ta keo từ mua giống, thuê công làm cỏ, tỉa cành, thu hoạch… là 35 triệu đồng/héc-ta.

Ở huyện Đồng Xuân, thương lái mua keo theo hình thức bao tiêu cả héc-ta. Hiện thương lái đã liên hệ với các hộ trồng keo để thu mua, chủ yếu là keo đủ tuổi (5 năm trở lên) và theo hình thức bao tiêu toàn bộ diện tích, với giá từ 50 - 60 triệu đồng/héc-ta tùy vào mức độ thiệt hại của từng hộ. Với cách mua này, người dân đỡ chịu thiệt hơn khi giá công khai thác ở mức cao.

Thực tế cho thấy, các nhà máy chế biến gỗ ở Phú Yên còn ít nên chưa chủ động được đầu ra. Đặc biệt, do ảnh hưởng của cơn bão số 12 khiến chất lượng keo bị ảnh hưởng, người trồng gặp khó trong tiêu thụ. Hiện các hộ trồng keo mong được ngân hàng hỗ trợ lãi suất, gia hạn thời gian vay để vượt qua khó khăn.

MUA GÌ?- BÁN GÌ?

Bến Tre: Doanh nghiệp làm đầu mối xuất khẩu không thu mua nhãn

Tháng 10/2014, cơ quan Kiểm dịch thực vật - Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức cấp mã số cho 34 héc-ta trong tổng số trên 500 héc-ta nhãn ở xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre để đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Thời gian qua, các nhà vườn đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đạt tiêu chuẩn này nhưng do doanh nghiệp làm đầu mối xuất khẩu nhãn vào thị trường này không thu  mua sản phẩm. Vì vậy, nhà vườn phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm, tự tìm cách tiêu thụ. Đến nay, hầu hết vườn các nhãn ở xã Tam Hiệp đều chưa ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên nhà vườn phải tự bán sản phẩm cho thương lái các nơi. Đặc biệt, số vườn nhãn được cấp mã code chi phí sản xuất cao nhưng bán giá sản phẩm lại ngang bằng với vườn nhãn sản xuất bình thường.

Sóc Trăng: Giá cá kèo giảm sâu

Nhiều năm qua, cá kèo được xem là một trong số những loại cá nuôi có giá trị kinh tế cao của huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Tuy nhiên, những ngày gần đây, giá cá kèo giảm sâu khiến các hộ nuôi lo lắng. Thông thường, giá cá kèo luôn ở mức cao và ổn định ở mức 80.000 đồng - 95.000 đồng/kg. Thậm chí, vào những thời điểm khan hàng, giá lên đến 100.000 đồng - 130.000 đồng (tùy kích cỡ). Khoảng 1 tháng trở lại đây, giá cá kèo giảm sâu và hiện chỉ còn 25.000 đồng - 35.000 đồng/kg khiến người nuôi cá kèo lo lắng… Trong khi đó, nuôi cá kèo chi phí rất cao và thời gian chăm sóc cá từ lúc thả tới thu hoạch khoảng 6 tháng. Nếu giá cá được 60.000 đồng/kg thì người nuôi cá mới hòa vốn. Nếu không thu hoạch, chi phí thức ăn đội lên cao, giá cá vẫn duy trì ở mức như hiện nay thì càng lỗ nặng hơn.

Theo nhận định của một số thương lái có kinh nghiệm, giá cá sụt giảm nghiêm trọng phần lớn do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh ghẻ lở trên cá ở một số tỉnh bạn. Điều này đã tác động lớn đến việc tiêu thụ cá kèo trong tỉnh. Dự đoán, thời gian tới,  giá cá sẽ ở mức thấp vì dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.

Để vụ nuôi năm 2018 thành công, tránh tình trạng dội hàng và tăng sức mua, địa phương đã khuyến cáo bà con nông dân nên thận trọng, không mở rộng diện tích nuôi cá kèo và có thể nuôi thêm một số loài thủy sản khác.

Sầu riêng nghịch vụ tiêu thụ mạnh

Sầu riêng nghịch vụ tại 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang đang được thương lái đến tận vườn thu mua với giá từ 75.000 - 90.000 đồng/kg. Giá bán lẻ hiện dao động ở mức 130.000 - 160.000 đồng/kg, cao hơn sầu riêng nhập khẩu khoảng 30.000 đồng/kg và tiêu thụ rất nhanh. Phần lớn sầu riêng thu mua tại 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang hiện nay là để giao cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc bởi thời điểm này thị trường Trung Quốc có sức tiêu thụ sầu riêng mạnh.

Vụ này, các vườn sầu riêng tại Tiền Giang hầu hết trúng mùa trong khi tại Bến Tre có một số vườn bị thất mùa. Nguyên nhân chủ yếu do vào đúng thời điểm nhà vườn xử lý cho trái nghịch vụ thì bị mưa dầm, gió giật nên bông rụng nhiều, tỷ lệ đậu trái khá thấp. Một số vườn khó thoát nước, cây bị đâm chồi, việc xử lý thất bại. Ngoài ra, việc thất mùa còn do dư âm của đợt thiên tai xâm nhập mặn mùa khô năm 2016 khiến cây đến nay vẫn chưa phục hồi thể trạng tốt, trong khi việc xử lý nghịch vụ sẽ tiêu hao rất nhiều năng lượng, tuổi thọ của cây ăn trái.

Cần Thơ: Sản xuất lúa sạch được bao tiêu

Trong vụ đông xuân 2017 - 2018, thành phố Cần Thơ sẽ sản xuất 10.000 héc-ta lúa sạch theo kỹ thuật tiên tiến với các quy trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” với mục tiêu tăng lợi nhuận cho người sản xuất. Cánh đồng lúa sạch được triển khai tại 4 quận, huyện là: Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ, Thốt Nốt và 2 nông trường là nông trường: Sông Hậu, Cờ Đỏ. Dự kiến, trong vụ đầu tiên sẽ có hơn 5.300 hộ nông dân tham gia sản xuất và 5 doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm. Trong đó 3 công ty là Vinacam, Phú Cường, Lộc Trời sẽ liên kết tại huyện Vĩnh Thạnh; Công ty Gentraco liên kết ở huyện Thới Lai và Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An liên kết ở huyện Cờ Đỏ.

Mục tiêu của việc triển khai cánh đồng lúa sạch nhằm nâng cao trình độ sản xuất của nông dân, xây dựng quy trình sản xuất lúa sạch về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy chuẩn. Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo giữa hợp tác xã và doanh nghiệp.

LƯU Ý - CẢNH BÁO

Cao Phong - Hòa Bình: Chanh đào chín rụng đầy vườn

Chán nản vì giá chanh đào rớt kỷ lục, anh Ứng Văn Quang, xóm Hải Phong, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đành chặt đi 200 gốc chanh đào đang sai trĩu quả.

Mấy năm trước, giống như nhiều hộ dân ở Cao Phong, anh Quang bắt tay vào trồng chanh đào xung quanh vườn, xen giữa những gốc cam. Khi đó, nhu cầu mua chanh đào rộ lên, chanh đào được thương lái đến tận vườn tìm mua, giá chanh đào lên tới 10.000 đồng, thậm chí 15.000 - 20.000 đồng/kg.

Cây giống chanh đào chỉ 15.000 đồng/cây, chanh đào lại dễ trồng, sống khỏe, chủ yếu sử dụng phân chuồng nên cứ có dư diện tích đất nào là các hộ ở Cao Phong lại tranh thủ trồng chanh đào. Hộ nào có từ vài trăm gốc chanh trở lên là có thể thu được cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, niềm vui chanh đào được giá không được bao lâu. Sang năm 2016, chanh đào được mùa nhưng giá giảm mạnh. Từ chỗ còn 5.000 - 6.000 đồng/kg, sang giữa mùa chanh năm 2017, chanh đào chỉ còn 1.500 - 2.000 đồng/kg. Do giá quá rẻ, nhiều hộ ở Cao Phong tập trung vào chăm sóc cam thay vì hái chanh đi bán, chanh đào chín đỏ, rụng đầy gốc.

Ông Nguyễn Văn Mùi, xã Bắc Phong cho biết: Nhà ông đang có 1.000 gốc chanh, trong đó có hơn 500 gốc chanh đào, còn lại là chanh xanh. Trong lúc chanh đào chọn tại vườn chỉ còn 1.000 – 2.000 đồng/kg, chanh xanh vẫn được 3.000 – 5.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do chanh xanh quả cứng, vỏ dày, để được lâu lại có mùi thơm nên được sử dụng thường xuyên làm gia vị cho bữa ăn hàng ngày, pha nước uống, làm chanh muối. Chanh đào thì ngược lại, không có mùi thơm lại nhanh bị nhũn nên chủ yếu chanh đào vẫn được mua chỉ để ngâm mật ong làm thuốc ho.

Thực tế, cây chanh đào được trồng hoàn toàn do nhu cầu tự phát của người dân, không theo quy hoạch, định hướng của chính quyền. Chính vì vậy, nay chanh đào rớt giá, người dân cũng chỉ biết ngậm ngùi bán giá rẻ để thu lại tiền phân bón; nhiều người quyết tâm chặt bỏ để thay thế bằng việc trồng cam hay các loại cây trồng khác.           

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Mỡ đã qua chế biến: Tiềm ẩn nguy cơ có hại cho sức khỏe

Do giá rẻ lại tiện lợi nên nhiều bà con vẫn hay mua mỡ rán sẵn về để chiên, rán. Tuy nhiên, ít người biết rằng, mỡ rán sẵn đa phần được sản xuất bởi một quy trình vô cùng mất vệ sinh.

Kiểm tra các cơ sở chế biến mỡ lợn tại nhiều địa phương trên cả nước, các ngành chức năng đã phát hiện rất nhiều cơ sở sản xuất mỡ với quy trình “siêu bẩn”. Cụ thể, sau khi được thu gom tại các cơ sở giết mổ gia súc, mỡ, nội tạng thừa (thậm chí lẫn cả phân) được thu gom về các cơ sở chế biến mỡ.

Mỡ được rán trong những chảo to, đen kịt, khét nồng. Mỡ sau khi rán xong sẽ được lọc qua một tấm giẻ (cũng đen và bám bẩn) cho chảy vào các thùng chứa lớn cáu bẩn. Từ đây, mỡ sẽ được chia vào các can loại 5 lít bán với giá 50.000 - 70.000 đồng/can; tóp mỡ 5.000 đồng/kg. Tại các chợ, mỡ được chia ra thành các túi bóng 1 - 2 kg. Nhiều cơ sở còn cho thêm một số nguyên liệu để mỡ biến thành dầu ăn với màu vàng óng, trông rất bắt mắt.

Mấy năm gần đây, mỡ đã qua chế biến được chuyển lên bán rất nhiều tại các chợ xã, chợ huyện ở vùng cao. Mỡ được đóng trong túi nylon, không tên tuổi, nhãn mác, không hạn sử dụng. Ngoài mỡ, tóp mỡ cũng được bày bán cùng các mặt hàng tôm, cá khô… Do mỡ rẻ (chỉ 15.000 – 20.000 đồng/kg), mỡ lại là nguyên liệu cần thiết để chế biến món ăn hàng ngày nên bà con đi chợ rất hay mua về sử dụng.

Khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng cho thấy, mỡ đã qua chế biến chủ yếu dùng nguyên liệu sản xuất là mỡ thối, mỡ và nội tạng không đảm bảo vệ sinh, có chứa nhiều độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe như andehyt, oxy axit…

Nếu không có điều kiện mua dầu ăn về sử dụng, bà con nên mua mỡ phần tại chợ về rửa sạch, chế biến và để trong âu sứ, thủy tinh để dùng dần. Tuyệt đối không nên mua các sản phẩm mỡ đóng túi vì không rõ nguồn gốc, không rõ thời gian chế biến. Bởi lẽ, nếu mua phải sản phẩm mỡ không an toàn, dùng lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhất là đối với trẻ em.

HÀNG VIỆT

Bưởi đỏLàm giàu cho Tân Lạc

Nếu đã một lần nếm thử trái bưởi đỏ Tân Lạc (Hòa Bình), thật khó có thể quên vị ngọt thanh của những tép bưởi hồng tươi, mọng nước. Chắt lọc từ tinh hoa trời đất, dưới bàn tay cần cù của người nông dân, bưởi đỏ đã trở thành nông sản đặc biệt và ý nghĩa của Tân Lạc.

Trái bưởi góp phần thay đổi diện mạo làng quê

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn bưởi cây nào cây đấy sai trái, chị Nguyễn Thị Viên (xã Mãn Đức, huyện Tân Lạc) cho biết: Cùng với 100 gốc bưởi Diễn, gia đình chị hiện có 80 gốc bưởi đỏ Tân Lạc. Bưởi đỏ đã thu hoạch được 5 năm nên trái khá đều, mọng nước, ăn giòn ngọt, không he đắng. Trung bình, mỗi cây bưởi đỏ cho khoảng 200 trái, giá bán tại vườn là 30.000 đồng/trái, thu hoạch từ bưởi đỏ của nhà chị đã đạt 480.000 triệu đồng/năm.

Ngắm trái bưởi tròn căng được chị Viên mang ra mời khách, ai cũng trầm trồ vì phía sau lớp vỏ xanh, cùi mỏng, những múi bưởi hiện ra hồng tươi, tép to mọng, róc vỏ. Vị ngọt thanh, dịu mát làm hài lòng cả những người khó tính nhất. Chị Viên chia sẻ, ban đầu trồng bưởi cũng nhiều âu lo, nhưng đến nay bưởi chưa đến ngày thu hoạch đã có người hỏi mua, nên vui lắm. Bưởi đỏ Tân Lạc sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, ít bị sâu bệnh hại, năng suất cũng khá ổn định.

Giống như chị Viên, rất nhiều hộ dân ở các xã khác của Tân Lạc như: Quy Hậu, Đông Lai, Thanh Hối, Tử Nê hiện cũng đang trồng loại bưởi đỏ này. Nhà ít cũng vài chục cây, nhà nhiều lên tới vài trăm cây. Nổi tiếng về trồng bưởi đỏ ở Tân Lạc hiện nay phải kể đến nhà ông Trần Văn Hùng, xóm Tân Hương 1, xã Thanh Hối. Chỉ với diện tích hơn 1 héc-ta, nhưng mỗi năm vườn bưởi nhà ông Hùng cho thu hoạch khoảng 4.000 quả, giá trị thu được từ 1 - 1,2 tỷ đồng. Do trái bưởi dễ vận chuyển, không lo dập nát, để được lâu nên việc tiêu thụ bưởi đỏ khá thuận lợi. Hiện tại, những vườn bưởi cho thu hoạch từ 5 năm trở lên đều có thương lái đến tận vườn tìm mua.

Câu chuyện về những người làm giàu từ việc trồng bưởi đỏ ở Tân Lạc kể không hết. Xen giữa những vườn bưởi bạt ngàn là những ngôi nhà cao tầng, tiện nghi được xây lên nhờ tiền bán bưởi… Nhiều người nông dân ở Tân Lạc đang toàn tâm toàn ý trồng và chăm sóc bưởi đỏ, bởi họ tin rằng, bưởi đỏ đang và sẽ góp phần thay đổi diện mạo làng quê hôm nay.

Xây dựng thương hiệu cho bưởi Tân Lạc

Năm 2013, Nghị quyết số 10-NQ/HU của huyện ủy Tân Lạc về phát triển sản xuất bưởi đỏ, bưởi da xanh giai đoạn 2013 - 2020 đi vào cuộc sống đã tạo tiền đề cho diện tích bưởi đỏ ở Tân Lạc tăng lên nhanh chóng. Từ gần 100 héc-ta ban đầu, đến nay Tân Lạc đã có trên 991,8 héc-ta bưởi đỏ, trong đó có gần 350 héc-ta đang cho thu hoạch. Cùng với sự đón nhận tích cực của thị trường, bưởi đỏ Tân Lạc đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể “Bưởi đỏ Tân Lạc”. Đây là điều kiện quan trọng để Tân Lạc xây dựng thương hiệu, quảng bá, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, tiến tới đưa sản phẩm vào siêu thị và những thị trường lớn.

Cùng với việc phát triển sản xuất, hiện Tân Lạc cũng đang tập trung cho công tác bảo quản, dịch vụ và thị trường tiêu thụ, tăng cường áp dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng và kinh doanh bưởi. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích trồng bưởi đỏ trên địa bàn huyện đạt 1.200 héc- ta. Từ thành công của huyện Tân Lạc, ngày 29/4/2016 tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt Đề án sản xuất bưởi đỏ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, ban hành quy định một số cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa trong lĩnh vực trồng trọt và ra quyết định công nhận mô hình sản xuất bưởi đỏ huyện Tân Lạc là mô hình điển hình tiên tiến  để triển khai nhân rộng trong toàn tỉnh.

Một mùa bưởi nữa lại về, thưởng thức những trái bưởi đỏ Tân Lạc ngay giữa vườn bưởi, càng thấy trân trọng công sức của người nông dân nơi đây. Để cây bưởi đỏ ăn sâu, bám dễ, dâng cho đời những ngọt lành, thơm mát… người nông dân biết bao vất vả. Và bù đắp cho những vất vả ấy, trái bưởi đỏ Tân Lạc đang trở thành sản phẩm hàng hóa đắt khách, giúp người nông dân làm giàu và đưa ngành nông nghiệp của huyện Tân Lạc có bước phát triển mạnh mẽ.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)