Thông tin giá cả thị trường số 52/2018

08:24 PM 24/12/2018 |   Lượt xem: 4170 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Tìm đầu ra cho nông sản: Tăng cường quảng bá, kết nối giao thương

Từ ngày 19 - 25/12/2018, tại Nhà triển lãm Nông nghiệp Việt Nam (Hà Nội), cam Hà Giang, quýt Bắc Kạn cùng nhiều loại nông sản đặc sắc đã được trưng bày, giới thiệu tới người tiêu dùng. Với việc đem sản phẩm về tận thủ đô để quảng bá, nhiều địa phương đang cho thấy những nỗ lực lớn trong việc tìm đầu ra cho nông sản.

Về Thủ đô tìm kiếm thị trường cho nông sản

Lần đầu tiên tổ chức “Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cam, quýt và sản phẩm OCOP Bắc Kạn tại Hà Nội năm 2018”, Bắc Kạn dành rất nhiều quan tâm cho hoạt động này. Không chỉ có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, hợp tác xã..., lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn cũng có mặt khá đầy đủ và đến từ rất sớm. Bà Đỗ Minh Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: Thời gian vừa qua, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa Bắc Kạn và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

“Với “Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cam, quýt và sản phẩm OCOP Bắc Kạn” lần này, Bắc Kạn mong muốn giới thiệu các sản phẩm nông sản Bắc Kạn với thủ đô Hà Nội - nơi có sức mua lớn nhất miền Bắc. Từ đó, mở rộng tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối tại Hà Nội” - bà Đỗ Minh Hoa cho hay.

Cùng với Bắc Kạn, tỉnh Hà Giang cũng mang đến Nhà triển lãm Nông nghiệp Việt Nam rất nhiều sản phẩm nông sản đặc sắc như: Cam sành, gạo Già Dui, chè shan tuyết, mật ong bạc hà… Đây là lần thứ 2, Hà Giang tổ chức chương trình giới thiệu sản phẩm quy mô tại Hà Nội, nên công tác chuẩn bị, trưng bày được thực hiện rất chu đáo. Ông Nguyễn Khắc Quyền, Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang cho biết: Sau một thời gian dài hỗ trợ người nông dân nâng cao năng lực sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm… từ năm 2017, Hà Giang đặc biệt quan tâm đến khâu quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, đưa sản phẩm về giới thiệu tại thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là những hoạt động đã và đang mang lại hiệu quả tích cực trong việc nâng cao giá trị và sản lượng tiêu thụ cho các sản phẩm. Đến nay, riêng cam sành Hà Giang, có tới hơn 80% sản lượng đã được tiêu thụ tại các thị trường ngoài tỉnh.

Hiệu quả từ hoạt động quảng bá, xúc tiến

Theo Thạc sỹ Đào Văn Hồ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp: Năm 2018, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt hơn 4 tỷ đô-la Mỹ. Điều này cho thấy, chất lượng rau quả Việt Nam đang ngày càng được nâng lên. Trong năm 2018, rất nhiều tỉnh như: Sơn La, Hưng Yên, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Giang, Bắc Kạn… đã chọn Nhà triển lãm Nông nghiệp Việt Nam để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm như: Nhãn sông Mã, nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Lục Ngạn, na Chi Lăng, cam sành Hà Giang, quýt Bắc Kạn… Những hoạt động được thực hiện liên tiếp, với chương trình ngày càng quy mô, bài bản đã cho thấy, các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã… đã ý thức sâu sắc hơn về vai trò của việc quảng bá, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại cho nông sản. Hiệu quả của các hoạt động này cũng thấy rõ khi mà giá trị và sản lượng nông sản tiêu thụ được năm sau cao hơn năm trước.

Thực tế, nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự sâu sát của chính quyền, sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương không còn dừng ở chỗ tự cung, tự cấp mà đã mở rộng thành các vùng sản xuất hàng hóa. Cùng việc quảng bá, kết nối tiêu thụ được chính quyền các địa phương quan tâm, giá trị của các nông sản đang ngày càng gia tăng, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người nông dân, trong đó có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số.

MUA GÌ-BÁN GÌ

Cà Mau: Giá cua biển tăng cao

Ở các huyện Cái Nước, Năm Căn, Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) vào những ngày trung tuần tháng 12, giá cua biển tăng cao. Hiện mỗi kg cua biển tăng trên dưới 60.000 đồng. Cụ thể, cua gạch giá trên dưới 300.000 đồng/kg, cua y các loại dao động trên dưới 200.000 đồng/kg. Dự báo giá có thể tăng tiếp cho đến Tết Nguyên đán.

Hiện nay, nông dân đã nắm bắt được thời vụ thả giống để trúng mùa, trúng giá. Bà con thả nuôi hy vọng có cái tết sung túc. Các chủ vựa cua lớn ở thị trấn Năm Căn cho biết, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn để xuất khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, gần đây thị trường nội địa cũng có nhu cầu tiêu thụ cao nên giá cua liên tục tăng. Đặc biệt, trong các năm qua, người dân đã mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi cua biển xen canh trên đất nuôi tôm, vì chi phí đầu tư thấp, ít dịch bệnh nhưng lợi nhuận thu về cao.

Hậu Giang: Bí đao tăng giá

Trong những ngày qua, một số hộ dân trồng bí đao xanh ở thành phố Vị Thanh và huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) đã vào vụ thu hoạch trái và rất phấn khởi vì giá đang tăng. Hiện thương lái vào tận rẫy mua bí đao hàng xô với giá 10.000 - 11.000 đồng/kg, còn giá bán lẻ tại các chợ trên địa bàn tỉnh dao động từ 15.000 - 16.000 đồng/kg, cao hơn vài ngày trước đó từ 800 - 1.000 đồng/kg. Giá bí đao tăng do các cơ sở làm mứt bán tết đã bắt đầu thu mua nguyên liệu và sức mua lẻ ở các chợ cũng đang có dấu hiệu tăng nên giá cũng tăng theo. Các nhà vườn cũng tranh thủ cơ hội giá tăng khẩn trương thu hoạch bí.

Hậu Giang: Thương lái đặt cọc các loại trái cây tạo hình

Tết Kỷ Hợi năm nay, dự kiến câu lạc bộ sản xuất trái cây tạo hình ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang sẽ cung cấp thị trường từ 8.000 - 9.000 trái bưởi hồ lô. Mặc dù còn khoảng 2 tháng nữa mới đến tết nhưng đã có nhiều khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đến tận nhà vườn bỏ tiền cọc trước để đến tết có hàng lấy. Hiện giá bán các loại mặt hàng trái cây tạo hình giữ mức ổn định so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, bưởi hồ lô giá từ 300.000 - 400.000 đồng/trái, bưởi thỏi vàng từ 700.000 -750.000 đồng/trái, tài lộc thư pháp 650.000 - 700.000 đồng/trái… Ngoài ra, các nhà vườn còn sản xuất khoảng 400 trái đào tiên với nhiều kiểu dáng như đào tiên hồ lô, đào tiên Tài Lộc với giá từ 300.000 - 600.000 đồng/trái.

Theo đánh giá chung, sản lượng trái cây tạo hình cung cấp tết năm nay giảm gần 30% so với mọi năm do gặp khó khăn về thời tiết. Vì vậy, hiện các nhà vườn đang tập trung chăm sóc rất kỹ những trái mà khách hàng đã cọc trước để cho ra sản phẩm ưng ý trưng trong dịp tết.

Phong Điền (Thừa Thiên Huế): Thu hoạch sắn sau lũ

Trước lũ, người trồng sắn huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế khấp khởi về một vụ sắn được mùa, có lãi khi giá thu mua của Nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế (Phong An) là 2.500 đồng/kg. Tuy nhiên, chưa kịp mừng, cây sắn bắt đầu xuống lá và có chiều hướng thối củ do ngập lũ. Vì vậy, hàng trăm hộ dân ở Phong Điền đổ xô ra ruộng thu hoạch sắn ngập úng. Số ít sắn đã thu hoạch trước lũ chưa kịp chở đến nhà máy cũng đành chất đống và bị thối trên ruộng.

Mặc dù giá sắn từ 2.500 đồng/kg thời điểm trước lũ đã hạ xuống còn 1.700 - 1.900 đồng/kg nhưng bà con vẫn tất bật nhổ và nhập sắn ngay cho Nhà máy tinh bột sắn Fococev Thừa Thiên Huế sớm chừng nào tốt chừng đó.

CƠ HỘI-GIAO THƯƠNG

Đắk Lắk: Nông dân Ea Nuôl lo lắng vì cam, quýt rớt giá

Ea Nuôl là xã có diện tích cam, quýt lớn của huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk với gần 200 héc-ta, trong đó 90% đang cho trái. Mặc dù đang vào thời điểm thu hoạch nhưng bà con lại thấp thỏm, lo âu trước tình  trạng cam, quýt rớt giá kéo dài.

Vụ này, giá cam, quýt giảm chỉ bằng gần 1/3 so với thời điểm cao nhất năm ngoái khiến người trồng thấp thỏm, lo lắng, nhất là những hộ trồng cam, quýt chuyên canh. Những trái quýt to, đẹp cùng thời điểm này năm ngoái giá thu mua tại vườn dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, vậy mà nay thương lái đến tận vườn chọn lựa trái loại đẹp giá chỉ từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, mua xô chỉ dưới 10.000 đồng/kg. Giá cam sành mua xô cũng chỉ ở mức 10.000 - 14.000 đồng/kg. Theo tính toán, để chăm sóc 1 héc-ta cam, quýt phải chi phí hơn 100 triệu đồng cho các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công… Do đó, cam, quýt phải có giá từ 14.000 đồng/kg thì người trồng mới có lãi.

Tại Ea Nuôl, những năm gần đây, cam, quýt đem lại giá trị kinh tế cao lại phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương nên diện tích được mở rộng, sản lượng ngày càng nhiều. Tuy nhiên, hiện nay, giá cả sản phẩm các thương lái tự thỏa thuận với nhà vườn, chưa có đơn vị nào nhận bao tiêu đầu ra. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ nội tỉnh là chính, thời điểm này lại đang vào chính vụ, cung vượt cầu dẫn đến rớt giá, người nông dân phải gánh chịu thiệt hại. Để tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao thu nhập, thời gian tới, địa phương đang có kế hoạch thành lập hợp tác xã nông nghiệp để các hộ nông dân dễ dàng tiếp cận khoa học - kỹ thuật, nguồn vốn, ổn định đầu ra… hướng tới phát triển cây ăn trái bền vững. Đồng thời, khuyến cáo bà con không nên ồ ạt mở rộng diện tích để tránh rủi ro về kinh tế.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Quảng Ninh: Tiêu hủy hàng giả, kém chất lượng

Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh đã tổ chức tiêu hủy 30 mặt hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được các đội quản lý thị trường tỉnh phát hiện, thu giữ, xử lý trong năm 2018. Hàng giả tiêu hủy chủ yếu là thực phẩm, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, quần áo, đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực... với tổng giá trị tương đương với hàng thật khoảng 644 triệu đồng.

Thông qua việc tiêu huỷ hàng loạt hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của hàng giả, hàng nhái, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Thừa Thiên Huế: Xử phạt cơ sở vật tư nông nghiệp kém chất lượng

Trong năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế đã thành lập 3 đoàn  kiểm tra liên ngành và tiến hành kiểm tra 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi dành trong nuôi trồng thủy sản… Nội dung kiểm tra tập trung vào các nội dung như: Điều kiện kho tàng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, hạn sử dụng, bao bì, giấy phép kinh doanh, hồ sơ theo dõi chất lượng sản phẩm theo đúng quy định...

Qua kiểm tra, đã phát hiện, lập biên bản và ra quyết định xử phạt 12 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y đã hết hạn sử dụng và không đảm bảo chất lượng với số tiền hơn 84 triệu đồng.

HÀNG VIỆT 

Vú sữa tím xuất ngoại

Lô vú sữa đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng với sản lượng 2 tấn, sau khi hoàn tất kiểm dịch và chiếu xạ sẽ được xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Đây là kết quả bước đầu chương trình xúc tiến liên kết chuỗi sản xuất giữa các nhà vườn, hợp tác xã nông nghiệp và các doanh nghiệp (Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T và Công ty Chánh Thu) trong khuôn khổ Dự án Phát triển vườn cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2018 - 2020.

Hiện nay, Công ty Vina T&T đã ký hợp đồng xuất khẩu sang Mỹ với số lượng cung cấp 1,5 tấn/ngày vào mùa thu hoạch chính vụ từ tháng 12/2018 đến tháng 3/2019. Trái vú sữa tươi xuất khẩu sang thị trường Mỹ phải được thu mua từ vùng nguyên liệu đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số. Vùng nguyên liệu này phải tuân thủ đúng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của Mỹ để bảo đảm an toàn thực phẩm. Sau khi thu hoạch, quả phải được đóng gói tại nhà máy đã được Mỹ cấp mã số, bảo đảm không có dịch hại, sâu bệnh và xử lý chiếu xạ trước khi xuất khẩu.

Sau khi thu mua của hợp tác xã tại Sóc Trăng, Công ty Vina T&T vận chuyển lô vú sữa lên TP. Hồ Chí Minh làm thủ tục kiểm dịch bởi chuyên gia Mỹ và cơ quan quản lý của Việt Nam trước khi chiếu xạ và đưa lên máy bay.

Trên thực tế, do trái vú sữa có vòng đời ngắn, nếu bảo quản tốt chỉ được 7 ngày kể từ thời điểm hái nên thời gian bán hàng tại Mỹ rất ngắn, tối đa chỉ được 4 ngày. Vì những yếu tố đặc thù như vậy, để bán được trái vú sữa vào thị trường Mỹ là không dễ dàng và buộc phải đi máy bay, dù chi phí vận chuyển cao. Bù lại, vào đầu vụ, trái vú sữa bán tại Mỹ có giá 60 đô-la Mỹ/thùng 4 kg, tương đương 15 đô-la Mỹ/kg (khoảng 350.000 đồng/kg). Thời điểm hiện tại vú sữa đã vào mùa nên giá giảm còn 50 đô-la Mỹ/thùng 4 kg nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Trong quá trình hợp tác, doanh nghiệp cùng ngành liên quan của ngành nông nghiệp Sóc Trăng theo sát các hợp tác xã để hỗ trợ kỹ thuật. Đây là bước liên kết đầu tiên của doanh nghiệp với hợp tác xã tại Sóc Trăng trong việc bao tiêu trái vú sữa tím, loại trái cây đặc sản xuất khẩu. Để chuẩn bị cho thu hoạch, nhân viên Công ty Vina T&T và Công ty TNHH Chánh Thu đã trực tiếp hướng dẫn thành viên hợp tác xã sơ chế trái vú sữa để đóng thùng. Khi trái vú sữa hái xuống, được phân loại theo từng kích cỡ, đối với các trái bị cành cây va quẹt có vết xước hay màu sắc chưa chuẩn, trọng lượng dưới 200 gam không được lựa chọn. Sau đó, từng trái được gói giấy cẩn thận và dùng mút xốp bao trái và xếp gọn vào thùng, mỗi thùng có trọng lượng 4kg trái. Qua một ngày thu hoạch, sản lượng vú sữa tím thu về là 1,4 tấn trái đạt chuẩn xuất khẩu. Riêng với các trái không đạt chuẩn được doanh nghiệp ở Đồng Tháp thu mua để cung ứng thị trường nội địa, bởi đây là sản phẩm đạt chuẩn VietGAP có mã code truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh năng suất cao, vú sữa tím giá cao khi được xuất khẩu, thành viên hợp tác xã hăng hái sản xuất cũng như luôn thực hiện đúng cam kết với đơn vị thu mua ngay mùa vụ đầu tiên tiến hành ký kết hợp đồng cũng như những mùa vụ tiếp theo. Giờ đây, hợp tác xã không còn thấp thỏm lo âu về việc tiêu thụ vú sữa khi vào vụ thu hoạch.

Trong chiến dịch đưa trái cây chất lượng cao xuất khẩu đi các thị trường khó tính, Công ty Vina T&T đã gắn kết với các hợp tác xã, nhà vườn tại Sóc Trăng để phát triển vùng nguyên liệu, tiến tới nâng mức thu mua lên 2 - 4 tấn trái vù sữa/ngày. Từ năm 2019 sẽ phối hợp với một đơn vị thuộc Viện cây ăn quả miền Nam ứng dụng kỹ thuật trồng rải vụ, kéo dài mùa vú sữa thu hoạch. Nsgoài vú sữa, công ty sẽ xây dựng vùng trồng cung cấp trái nhãn Idlo, xoài tại Sóc Trăng để kịp xuất sang Mỹ vào tháng 6/2019.

Thông qua buổi tọa đàm trao đổi liên kết tiêu thụ nông sản tỉnh Sóc Trăng được tổ chức vào trung tuần tháng 6/2018, Công ty Vina T&T nhận thấy trái vú sữa tím của vùng đất Kế Sách có tiềm năng lớn trong việc xuất khẩu nên đã phối hợp với ngành nông nghiệp Sóc Trăng tiến hành liên kết chuỗi tiêu thụ trái vú sữa tím của Hợp tác xã Nông nghiệp Trinh Phú.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)