Thông tin giá cả thị trường số ra ngày 21/8/2015

02:56 PM 21/08/2015 |   Lượt xem: 1847 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Giải pháp phù hợp cho cây ca cao

Theo Cục Trồng trọt, cả nước có gần 11.700 héc-ta ca cao, giảm tới 14.000 héc-ta so với năm 2012. Đây là loại cây vốn được kỳ vọng nhiều trong chương trình xóa đói, giảm nghèo, nhưng hiệu quả kinh tế lại thấp. Do đó đòi hỏi ngành nông nghiệp cần phải có các giải pháp phù hợp để phát triển loại cây trồng này.

Năng suất không cao

Cây ca cao tập trung tại các tỉnh Tây Nguyên, vùng Đông Nam bộ và một số tỉnh ĐBSCL như Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh... So với năm 2012, diện tích ca cao đã giảm khoảng 54,6%. Về năng suất, do là cây trồng xen lại không được đầu tư thâm canh hợp lý nên cây ca cao có năng suất bình quân hiện chỉ đạt 8 tạ hạt khô lên men/héc-ta, nhiều hộ chỉ đạt năng suất 3 - 4 tạ/héc-ta. Trong khi đó mục tiêu của ngành trồng trọt là đưa diện tích ca cao lên 50.000 héc-ta vào năm 2020 là không khả thi khi đến nay, cả nước chỉ mới có 11.600 héc-ta, chưa kể tình trạng chặt bỏ ca cao vẫn đang diễn ra ở nhiều địa phương.

Lý giải về nguyên nhân việc cây ca cao giảm cả diện tích và sản lượng. Tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, vấn đề quy hoạch ngành hàng ca cao được đặt ra từ năm 2008, nhưng đến năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới phê duyệt quy hoạch phát triển ca cao các tỉnh phía Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Bên cạnh đó, nhiều địa phương không “mặn mà” việc phát triển loại cây trồng này. Trong số 13 tỉnh, thành nằm trong quy hoạch phát triển ngành của Bộ thì chỉ mới có 9 tỉnh thông qua quy hoạch. Bởi chính sách dành cho loại cây trồng này gần như không có, ngoài chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong khi doanh nghiệp cũng như nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng rất khó tiếp cận được với các nguồn vốn vay. Tại Tây Nguyên, cây ca cao đòi hỏi thâm canh cao, kể cả về quy hoạch, tổ chức sản xuất, nhưng giá thu mua hạt ca cao chỉ có 6.000 đồng/kg là không hiệu quả. Còn tại Đắk Lắk, nhiều bà con cho rằng muốn phát triển trồng ca cao, kể cả thuộc chương trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, cũng khó tiếp cận vốn vay được.

Nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu

Tại hội nghị đánh giá 10 năm phát triển ca cao Việt Nam được tổ chức gần đây đa số các chuyên gia đều cho rằng chiến lược phát triển ngành hàng này nên đi theo hướng nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu cho sản phẩm ca cao Việt Nam và từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa mà không cần tăng diện tích hay đẩy mạnh xuất khẩu. Đồng thời, xác định lại cây ca cao là loại cây trồng cần có sự đầu tư chứ không thể là cây “phụ thêm” như trước đây. Tuy nhiên, về mô hình, trong thời gian hiện nay vẫn cần trồng xen và thuần để đảm bảo năng suất.

Theo Tiến sĩ Trương Hồng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng, chiến lược phát triển ca cao Việt Nam không cần hướng về xuất khẩu mà chỉ cần phát triển đảm bảo đủ cho nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp chế biến trong nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất ca cao nên có sự chia sẻ lợi ích với người nông dân, tăng giá thu mua và thu nhập cho nông dân và giúp nông dân hướng đến mục tiêu sản xuất lâu dài. Bên cạnh đó, cần chính sách hỗ trợ nông dân kỹ thuật trồng và thủ tục nhận các chứng chỉ chất lượng.

Cây ca cao không phải là cứu cánh, nhưng đây là cây trồng góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Do đó, trong thời gian tới, trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, có một số vùng, cây trồng có năng suất thấp thì nên đưa cây ca cao vào trồng. Đồng thời, không nên xem cây ca cao là loại cây trồng xen canh, “ăn thêm” mà là loại cây trồng kết hợp, phát triển theo hướng tập trung nâng cao chất lượng và có sự chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp với người nông dân. Đây cũng là thời điểm cần xác định doanh nghiệp thu mua, chế biến là đơn vị đầu tàu dẫn dắt ngành ca cao phát triển, từ đó có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp.

MUA GÌ

Bình Dương: Bò sữa giống giá giảm mạnh

Theo Hội Nông dân xã Tân Thuận Đông, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương), giá giống bò sữa hiện đang giảm mạnh. Nếu mua 10 con bò sữa cái 20 tháng tuổi thì chi phí mất khoảng trên 300 triệu đồng, trong khi đó chỉ cách đây mấy tháng đã là 400 - 450 triệu đồng. Thực tế là dù giá con giống giảm, nhưng bán ra lại chậm, ít người mua. Nông dân địa phương không còn đầu tư phát triển đàn bò sữa như trước nữa mà người mua chủ yếu là từ nơi khác đến. Một nông dân ấp 11A, nuôi 10 con bò sữa cho biết, thời điểm đầu tháng 8, giá sữa bò tươi tại các điểm thu mua bình quân khoảng 12.000 đồng/kg, với mức giá này người chăn nuôi vẫn có lãi tuy không nhiều so các năm trước. Nhưng sợ nhất là các công ty thu mua gây khó khăn, cắt hợp đồng nếu sữa tươi bán ra lẫn nhiều tạp trùng, tạp chất, bởi đại lý ngưng mua 1 tuần lễ, tức 10 con bò cho cả tấn sữa phải đổ đi. Cộng với việc thông tin về một công ty sữa nhập về 20 ngàn con bò sữa, bằng tổng đàn của xã Tân Thuận Đông trong suốt hơn 15 năm qua cộng lại, nên giá bò sữa giống ở địa phương giảm một cách bất thường.

Đồng Nai: Giá lợn hơi liên tục xuống thấp

Thông tin từ một số chủ trang trại nuôi lợn đến đầu tuần này, giá lợn hơi tiếp tục giảm xuống chỉ còn 42.000 - 43.000 đồng/kg. Giá lợn hơi liên tục giảm nhanh trong những ngày qua, là do trước thực trạng nhiều trang trại vẫn sử dụng chất cấm, người tiêu dùng trở nên cảnh giác, ngại ngần hơn với thịt lợn, chuyển sang sử dụng các loại thịt khác hay ăn thủy sản. Bằng chứng là ngay sau khi thông tin nhiều trang trại nuôi lợn ở Đồng Nai bị phát hiện sử dụng chất cấm trong chăn nuôi được đăng tải trên báo chí, giá lợn hơi đã giảm xuống và liên tục giảm tiếp trong những ngày sau đó. Bên cạnh đó, theo nhận định của một số chủ trang trại ở Đồng Nai, còn có tình trạng thương lái lợi dụng việc người tiêu dùng đang e ngại với thịt lợn để ép giá lợn hơi do các trang trại bán ra. Ngoài ra ngành nuôi lợn ở Đông Nam bộ cũng đã bắt đầu ít nhiều chịu sức ép về giá bán từ thịt lợn đông lạnh nhập khẩu. Những lô hàng thịt lợn nhập khẩu về chào bán với giá rất rẻ khi chưa tới 60.000 đồng/kg.

An Giang: Mãng cầu Bảy Núi vào mùa

Bước vào mùa mưa, cũng là lúc người dân Bảy Núi (An Giang) tất bật thu hoạch mãng cầu ta (na). Mãng cầu được xem là trái cây sạch ở vùng núi, được tiêu thụ mạnh trong nước và xuất khẩu sang Campuchia. Theo bà con ấp Tà Lọt, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên chi phí đầu tư phân bón cho cây mãng cầu ta cũng không cao, khoảng 300.000 đồng/công nên đây được xem là loại cây ăn trái dễ trồng đối với nông dân vùng cao. Mỗi năm, chỉ cần bón phân chuồng cho cây từ 2 - 3 đợt đến khi cây ra hoa. Theo nhiều nhà vườn trồng mãng cầu, bình quân mỗi héc-ta cho thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/năm. Hiện giá thu mua tại vườn từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, lúc cuối vụ tăng lên 17.000 đồng/kg. Ngoài chính vụ, mãng cầu ta còn cho trái nghịch vụ vào các tháng khác trong năm. Vấn đề khó khăn hiện nay của nông dân là việc chủ động được nguồn nước tưới cho cây khi quanh năm chỉ phụ thuộc vào lượng mưa ít ỏi.

Quảng Trị: Giá chuối ở Hướng Hóa tăng trở lại

Những ngày qua, giá chuối ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã tăng trở lại, sau một thời gian giảm thấp nhất trong vài năm trở lại đây, do không có thị trường tiêu thụ. Sau khi thị trường Trung Quốc, vốn là nơi tiêu thụ chính của sản phẩm chuối Hướng Hóa (Quảng Trị) ngừng nhập, nhiều thương lái chuyên thu gom chuối xuất khẩu trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã chuyển hướng sang nhập chuối quả cho thị trường Thái Lan. Hiện mỗi ngày có từ 2 đến 3 xe chuối (mỗi xe khoảng 25 tấn) được các thương lái thu gom xuất sang thị trường này. Với giá bán từ 3.500 - 4.500 đồng/kg, cao hơn 2.000 - 2.500 đồng/kg so với thời điểm cách đây hai tháng, người trồng chuối rất phấn khởi. Sắp tới có nhiều khả năng giá chuối sẽ tiếp tục tăng bởi vụ trái cây ở miền Nam sắp kết thúc, trong khi thị trường tiêu thụ Thái Lan liên tục gia tăng sản lượng chuối nhập khẩu.

BÁN GÌ

Cà phê Việt Nam vào chuỗi cửa hàng Starbucks

Sản phẩm cà phê Arabica có xuất xứ Cầu Đất, Đà Lạt đã chính thức trở thành 1 trong 7 loại cà phê Arabica được hãng cà phê Starbucks chọn giao dịch, mua bán trên toàn thế giới. Đây là lần đầu tiên một loại cà phê Arabica trồng tại Việt Nam được chọn để cung cấp cho các cửa hàng của Starbucks. Để được lựa chọn trở thành một trong những sản phẩm tại Starbucks, cà phê phải đảm bảo vị, mùi và tiêu chuẩn an toàn khá khắt khe, gọi là tiêu chuẩn Starbucks C.A.F.E Practices. Chuyên gia cà phê cao cấp của Starbucks Leslie Wolford cho biết, chất lượng cà phê Arabica của Đà Lạt rất hoàn hảo với vị chua nhẹ dịu, thích hợp gu thưởng thức của khách hàng. Starbucks cũng công nhận cà phê Đà Lạt là 1 trong 7 loại cà phê ngon trên thế giới.

Trước cà phê Arabica Cầu Đất, Starbucks chỉ chọn 6 quốc gia làm nhà cung cấp cà phê Arabica cho chuỗi cửa hàng, gồm Indonesia, Kenya, Rwanda, Brazil, Colombia và Guatemala.

Đồng Tháp: Giá chanh giảm

Giá bán một sọt chanh (khoảng 40kg) hiện chỉ còn 6.000 - 8.000 đồng. Tại các vùng trồng chanh nổi tiếng ở huyện Cao Lãnh, Châu Thành (Đồng Tháp), hiện giá chanh loại 1 (phục vụ nhu cầu xuất khẩu) có vỏ ngoài xanh, vỏ cứng, da láng mịn có giá 2.000 đồng/kg. Trong khi đó loại chanh quả to, vàng, mọng nước phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của người dân chỉ khoảng 300 đồng/kg. Với mức giá này, nhiều nông dân đang thua lỗ.

Khoảng hai tháng trở lại đây giá chanh bắt đầu giảm mạnh khiến các nhà vườn không dám thuê nhân công bẻ chanh nữa vì không đủ tiền chi trả. Thêm vào đó là lý do thời vụ, hiện đã vào cuối vụ, mẫu mã và chất lượng chanh không còn tốt như thời điểm đầu vụ. Hơn nữa đang là mùa mưa nên nhu cầu sử dụng chanh làm nước giải khát hoặc phục vụ các nhu cầu khác không cao.

Bình Thuận: Thanh long giảm giá mạnh do xuất khẩu chững lại

Mặc dù đang vào vụ thu hoạch chính của năm nhưng trái thanh long ở Bình Thuận rớt giá mạnh do thị trường xuất khẩu chững lại. Loại thanh long đẹp nhất dành cho xuất khẩu chỉ 4.500 - 5.000 đồng/kg, trong khi giá bán đại trà khoảng 3.000 - 3.500 đồng/kg. Trong khi đó, theo tính toán của nông dân, thanh long chính vụ phải có giá ít nhất 6.000 đồng/kg mới có lãi.

Diện tích thanh long của tỉnh Bình Thuận hiện vào khoảng 22.000 héc-ta, trong khi quy hoạch đến cuối năm 2015 chỉ 15.000 héc-ta và trên 75% sản lượng thanh long xuất sang thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Sau khi thu mua thanh long, tư thương chuyển đến tận biên giới Việt - Trung để bán cho đầu nậu Trung Quốc. Đầu nậu Trung Quốc ít xuất hiện mà chỉ thông qua “cò” trong tỉnh để thu gom thanh long. Họ điều nghiên cứu rất kỹ, nếu thanh long được mùa thì họ ép giá, ngược lại có thể tăng giá nhưng chỉ chút ít, không tương xứng với nguồn cung. Đặc biệt, khi thấy thanh long tập kết về nhiều thì thương lái chê hàng xấu đủ kiểu để hạ giá còn 12.000 - 13.000 đồng/kg.

Ninh Thuận: Nho mất mùa

Thời gian qua, do nắng hạn kéo dài nên các vườn nho ở Ninh Thuận sa sút sản lượng trầm trọng. Mặc dù đang là vụ chính (từ tháng 5 đến tháng 8) nhưng năng suất bình quân năm nay khoảng 1,2 tấn/sào, chỉ bằng 60% so với mọi năm. Mặc dù mất mùa nhưng giá nho cũng không tăng, bình quân 30.000 - 35.000 đồng/kg (loại 1); 22.000 - 27.000 đồng/kg (loại thường), giảm gần 30% so với cùng vụ những năm trước. Hiện nay, nhiều hộ nông dân trong tỉnh Ninh Thuận đã áp dụng quy trình thâm canh nho, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng. Đồng thời hình thành tập quán canh tác áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa các sản phẩm nho vào các siêu thị Coop Mart, Metro… tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội... Vì vậy, năng suất nho tăng lên rõ rệt, sản phẩm có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn an toàn, được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Đồng bằng sông Cửu Long: Gỡ khó cho người trồng ca cao

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT, ca cao là loại cây trồng xen dưới vườn dừa, vườn cây ăn trái bền vững nhất hiện nay. Tuy nhiên, việc việc phát triển diện tích cây ca cao cũng như các vấn đề thu mua, sơ chế hạt vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Diện tích trồng ca cao ngày càng giảm

Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện nay cả nước có gần 11.800 héc-ta ca cao, trong đó diện tích cho thu hoạch chiếm trên 70% tổng diện tích. Bến Tre là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích ca cao. Phần lớn ca cao tại Bến Tre được trồng xen trong vườn dừa đã giúp nông dân tăng thu nhập gần gấp đôi trên cùng diện tích. Đặc biệt, chất lượng hạt ca cao Bến Tre đã được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn chuyên thu mua, sản xuất chocolate như Cargill, Puratos Grand Place đánh giá cao. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay diện tích ca cao liên tục giảm. Nguyên nhân là do giá không ổn định, hiệu quả kinh tế không cao và không cạnh tranh với những cây trồng khác. Đặc biệt là tình trạng doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu chưa liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu, hỗ trợ kỹ thuật để người dân yên tâm trồng ca cao… Do vậy, nhiều hộ trồng ca cao ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, An Giang... không đầu tư chăm sóc vườn ca cao dẫn đến năng suất kém, chất lượng thấp. Do vậy, khi giá ca cao thế giới có chiều hướng tăng, nguồn cung trong nước lại không đáp ứng đủ nhu cầu.

Để phát triển ca cao bền vững cho cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khâu nghiên cứu, tuyển chọn giống cho người trồng. Đồng thời, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho nông dân. Đặc biệt, việc phát triển diện tích ca cao cần tập trung hơn, mỗi khu vực tối thiểu phải đạt 20 héc-ta để thuận lợi cho việc thu mua, sơ chế của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần nâng mức thưởng đối với ca cao đạt chứng chỉ UTZ - chứng nhận chất lượng tốt bên trong của sản phẩm nông nghiệp để khuyến khích nông dân canh tác theo tiêu chuẩn này.

Giúp nông dân tiếp cận thông tin và định hướng thị trường

Trước tình hình này, ngay đầu tháng 8/2015, Trung tâm Phát triển cộng đồng (CDC) đã tổ chức hội thảo giới thiệu dự án “Nâng cấp cách tiếp cận thông tin và định hướng thị trường cho nông hộ/nhóm trồng ca cao”. Theo đó, dự án có 3 hợp phần, gồm: Hợp phần A là nâng cao năng lực tiếp cận thông tin, cụ thể sẽ tổ chức 10 bàn thông tin di động tại các địa phương với 600 nông dân tham gia; xây dựng bản tin ca cao tại các địa phương trọng điểm trồng ca cao; cung cấp thông tin giá cả ca cao hằng ngày... Hợp phần B là kết nối các tác nhân trong chuỗi sản xuất ca cao. Hợp phần này sẽ hỗ trợ thành lập các tổ nhóm nông dân với doanh nghiệp; giới thiệu các doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu ca cao tại Việt Nam cho nông dân; giới thiệu các chuyên gia đầu ngành về ca cao hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân. Hợp phần C là vận động chính sách, tổ chức hội thảo tại các tỉnh trọng điểm giới thiệu dự án và tham vấn địa phương; phát thông tin giá ca cao trên hệ thống loa phát thanh của địa phương.... Đối tượng hưởng lợi là nông hộ, nhóm nông hộ, điểm lên men, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ ca cao.

Dự án này được kỳ vọng sẽ đa dạng hóa kênh thông tin về sản xuất, chứng nhận, thị trường. Nâng cao năng lực tiếp cận thông tin của nông hộ, tạo sự tương tác và hợp tác giữa các bên liên quan, đặc biệt là liên kết 4 nhà trong phát triển chuỗi giá trị ca cao.

Thực tế của tỉnh Bến Tre cho thấy, trồng ca cao xen trong vườn dừa không những góp phần đảm bảo về mặt kinh - tế xã hội, môi trường mà còn thể hiện khả năng an toàn hơn của một mô hình sản xuất phù hợp trước những tác động xấu của biến đổi khí hậu so với một số cây trồng khác. Đây cũng được xem như một trong những mô hình thành công trong việc đa dạng hóa sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Đắk Nông: Thận trọng, chưa phát triển đại trà cây mắc ca

Thời gian gần đây trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng đã xuất hiện “cơn sốt” trồng cây mắc ca.

Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp Đắk Nông đã khuyến cáo: Cây mắc ca hiện nay chỉ mới trồng mang tính chất thử nghiệm ở một vùng đất nhất định, để xem có phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng hay không rồi mới tính tiếp, chứ chưa thể phát triển đại trà. Vì vậy, bà con cần hết sức thận trọng, không nên nghe đồn thổi, chạy theo phong trào. Trước mắt, bà con nên trồng xen trong vườn cà phê, tiêu mang tính chất chắn gió, phát triển theo hướng dần dần, thăm dò, chứ không nên ồ ạt đổ tiền vào đây. Cây mắc ca có thời gian cho thu hoạch lên đến 70 - 80 năm, nên nếu trong 10 năm mà có 6 năm được mùa 4 năm mất mùa thì mới xem là phần nào có hiệu quả, khi đó sẽ tính đến chuyện có nên trồng nhiều hay không.

Box: Mắc ca phải được trồng ở những nơi có nhiệt độ trung bình 15 - 35 độ C, thích hợp nhất vào khoảng 20 - 25 độ C, với lượng mưa trung bình mỗi năm từ 1.600 -2.500 mm, nơi trồng cần cao hơn 10 - 20 mét so với mặt nước biển và ít có gió phơn, sương muối và mưa phùn.

Cây mắc-ca trồng thích hợp nhất với những nơi có độ dày tầng đất trên 50cm, thoát nước tốt và giàu hữu cơ. Không được trồng mắc ca ở những nơi đất cát, ngập úng hoặc chua phèn. Địa hình thích hợp nhất là bằng phẳng (độ dốc dưới 20 độ).

Khi quả chín rụng xuống đất phải thu hoạch ngay. Sau đó, phải bóc vỏ trong vòng 24 giờ và đưa vào làm khô, không làm hạt xây xát ảnh hưởng đến chất lượng nhân, không được phơi quả dưới ánh nắng.

Hạt cần chế biến ngay sau khi đã làm khô, nếu chưa thể làm ngay cần được bảo quản bằng cách cho vào thùng nhựa, thùng tôn có nắp đậy kín hoặc cho vào túi hút chân không, bảo quản nơi thoáng mát.

Hạt được làm khô tự nhiên có thời gian bảo quản và cất trữ không quá 6 tháng, hạt làm khô nhân tạo sẽ có thời gian cất trữ lâu hơn.

Nguy cơ cây vằng bị tận diệt


Ngoài săn lùng các loại cây thuốc quý như cà gai leo, chùm bành..., gần đây, người dân ở Quảng Nam còn ồ ạt khai thác cây vằng bán cho thương lái Trung Quốc. Dân gian gọi cây vằng là chè vằng, có 3 loại là vằng lá nhỏ (vằng sẻ), vằng lá to (vằng trâu), vằng núi nhưng các cơ sở chỉ thu mua vằng sẻ và vằng trâu vì hai loại này có thể sử dụng làm thuốc. Vằng sẻ có giá cao hơn vằng trâu, vì loại này dùng làm thuốc tốt hơn.

Theo thông tin từ các điểm thu mua, sau khi khai thác, lá cây vằng được các thương lái Trung Quốc đưa ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị để chế biến thành chè vằng và cao vằng. Với giá bán khoảng 7.000 đồng/kg nên bà con cố khai thác được càng nhiều càng tốt để trang trải thu nhập. Chỉ tính riêng ở xã Bình Tú (huyện Thăng Bình) đã có gần 10 điểm thu mua lá cây vằng với khối lượng thu mua lên tới vài trăm kg mỗi điểm/ngày. Như vậy có thể thấy rõ nguy cơ loại cây này sẽ trở nên khan hiếm và nguy cơ thiếu hụt nguồn dược liệu quý trong tương lai gần. Không riêng Quảng Nam, thời gian qua, nhiều nguồn dược liệu quý ở các địa phương trên cả nước bỗng dưng được thương lái Trung Quốc mua với giá cao. Trong khi đó các cơ quan chức năng lại rất thiếu thông tin về thị trường nên không thể giải thích, định hướng cho bà con biết vì sao lại có hiện tượng nhiều loại cây tưởng chừng rất bình thường bỗng nhiên "sốt giá". Đây chính là kẽ hở cần được chính quyền các địa phương quan tâm, sớm có biện pháp bảo vệ các nguồn dược liệu quý của Việt Nam.

Box: Cây vằng mọc rải rác ở các tỉnh thuộc vùng núi thấp, trung du và đồng bằng, sống lẫn với cây bụi ở ven đồi, bờ nương rẫy, quanh làng bản. Cây nhỏ dạng bụi, hoa màu trắng, quả mọng khi chín màu đen. Lá vằng có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, làm mau lành vết thương…, được người dân tại nhiều vùng miền sử dụng dưới dạng sắc thuốc hay pha nước uống, đặc biệt tốt khi dùng cho các sản phụ.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Điện Biên: Nhiều mặt hàng tăng giá sau lũ

Hiện nay tại các chợ thuộc trung tâm của các huyện như Tuần Giáo, Mường Ảng, Nậm Pồ, thị xã Mường Lay, thành phố Điện Biên Phủ (ĐBP), sau mưa bão và lụt lội, các mặt hàng thiết yếu như rau xanh, thịt, cá đều tăng giá vì phải chịu sự phụ thuộc nhiều vào nguồn cung của các huyện, tỉnh kề cận, kể cả vùng dưới chuyển lên.

Tại các chợ lớn, có tiếng trên địa bàn thành phố ĐBP như Chợ Trung tâm 1, Chợ Trung tâm 2, Chợ Trung tâm 3 và Chợ Mường Thanh, các loại rau như: muống, rau ngót đều tăng gấp đôi, từ 3.000 đồng/mớ lên 7.000 - 8.000 đồng/mớ. Riêng cà chua, rau cải giá đã tăng lên đến gấp 3 lần, từ 8.000 đồng lên 20.000 đồng. Cùng với rau củ, các thực phẩm tươi sống như thịt, cá… cũng có xu hướng tăng. Cá trắm trước khi có lũ lụt, giá chỉ dao động từ 60.000 - 70.000 đồng/kg thì giờ đây tăng lên đến 100.000 - 120.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo các tiểu thương, giá thực phẩm tươi sống tăng cao như vậy nhưng vẫn được bán khá chạy. Những trận mưa lớn kéo dài vừa qua đã làm ngập và phá hủy nhiều diện tích rau. Nhiều loại rau chịu được nước như rau muống giá còn tăng ít nhưng các loại rau khác như rau cải, kém chịu nước giá tăng đến gấp 2 thậm chí là 3 lần cũng là điều dễ hiểu. Một nguyên nhân nữa khiến rau ở khu vực thành phố Điện Biên Phủ và các khu vực kề cận tăng là do cung không đủ cầu. Bình thường, những vùng trồng rau hiện có trên địa bàn thành phố đều không đủ đáp ứng đủ cho người dân mà vẫn phải tăng cường từ các huyện, tỉnh kề cận về. Nay, do mưa bão, nhiều phần diện tích trồng rau trên địa bàn bị ảnh hưởng, đường sá nhiều nơi chưa thông nên lượng rau đưa về tiêu thụ không đủ.

Quảng Ngãi: Tiêu được giá nhưng lo dịch bệnh

Chưa bao giờ người trồng tiêu ở xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi lại có một mùa tiêu được giá như năm nay. Và cũng nhờ cây tiêu mà nhiều hộ dân nơi đây đã có cuộc sống khấm khá hơn. Tuy nhiên, tình trạng cây tiêu bị chết hàng loạt trong nhiều tháng qua đã khiến nông dân “đứng ngồi không yên”.

Mặc dù giá tiêu năm nay tăng đột biến, nhưng các hộ dân trồng tiêu ở đây vẫn ăn ngủ không yên. Nguyên nhân là do từ nhiều tháng nay, hàng trăm gốc tiêu tự nhiên héo rũ rồi chết mà không rõ nguyên nhân. Điều này đã khiến cho năng suất tiêu giảm xuống đáng kể. Người trồng tiêu ở nông trường cũng đã tìm mọi cách để cứu chữa nhưng đến nay vẫn không tìm được lời giải nào về loại bệnh này. Để hạn chế tình trạng bệnh lây lan sang các gốc tiêu còn lại, người trồng tiêu đã tiến hành chặt bỏ và đốt cây tiêu. Còn những vùng đất xung quanh gốc tiêu bị bệnh thì họ cũng tiến hành xử lý bằng cách rải vôi để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Song liệu rằng với cách làm trên có xử lý được hết mầm bệnh, không lây lan sang các vườn tiêu khác hay không thì người dân vẫn chưa biết.

Quảng Ngãi chưa phải là tỉnh phát triển về cây tiêu. Thế nhưng những năm gần đây, số lượng cây tiêu trên địa bàn tỉnh ngày càng mở rộng. Và thực tế cây tiêu đã phát huy được giá trị của một loại cây công nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân Quảng Ngãi. Song điều mà nông dân trồng tiêu lo lắng chính là tình trạng dịch bệnh đang lây lan trên cây tiêu khiến năng suất giảm rõ rệt. Hiện người dân đang mong các cơ quan chức năng vào cuộc hỗ trợ bà con tìm ra cách phòng và trị bệnh cho cây tiêu.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Tràn lan giống mắc ca kém chất lượng

Thời điểm này khi khu vực Tây Nguyên đang chính thức bước vào vụ gieo trồng mới, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên đã đổ xô vào trồng cây mắc ca khiến giá của loại cây giống này tăng cao. Từ đó cũng xuất hiện nhiều loại giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tràn lan giống kém chất lượng

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk, đến thời điểm hiện nay nông dân trên địa bàn tỉnh đã tự phát trồng trên 110 héc-ta cây mắc-ca. Do nhu cầu quá tải của người dân nên thị trường cây giống mắc ca ở Tây Nguyên đang hết sức lộn xộn và rất khó kiểm soát. Các đại lý cây giống trên địa bàn đã nhập tràn lan nhiều loại giống mắc ca về bán cho người dân với giá khác nhau từ 30.000 – 80.000 đồng/cây.

Tại Đắk Nông, mặc dù thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh đến thời điểm hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh mới trồng được trên 700 héc-ta cây mắc ca, bằng nguồn vốn từ các chương trình khác nhau như: khuyến nông quốc gia, xây dựng nông thôn mới; các dự án hỗ trợ phát… Tuy nhiên, trên thực tế diện tích cây mắc ca trên địa bàn tỉnh đã lên tới 1.500 - 2.000 héc-ta.

Nhu cầu của bà con khu vực này tăng cao đã khiến giá cây giống mắc ca trên thị trường tăng mạnh từ 25.000 – 35.000 đồng/cây lên 70.000 – 80.000 đồng/cây. Điều đáng nói là lợi dụng vào giá cây giống mắc ca tăng cao, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại giống. Trong đó có nhiều loại do người dân tự trồng, tự ươm chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Theo phản ánh của Sở NN&PTNT Đắk Nông, hiện nay, công tác kiểm tra, quản lý hoạt động mua bán cây giống mắc ca trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn bởi người dân trực tiếp đi mua tại các cơ sở bán cây giống ngoài tỉnh mang về trồng, đồng thời một số đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh mua cây giống rồi chở thẳng về vườn, rẫy giao cho người dân trồng nên không thể kiểm soát hết. Tại hội thảo về thông tin thị trường cho đồng bào dân tộc miền núi, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao cảnh báo, nếu người dân không cẩn trọng trong việc lựa chọn giống mắc ca mà tham rẻ mua phải những loại giống kém chất lượng thì 5 - 7 năm sau người dân sẽ trắng tay bởi các cây không cho trái. “Việc người dân ồ ạt phát triển cây mắc ca tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi đây là loại cây trồng mới, nguồn vốn đầu tư lớn, trồng sáu, bảy năm mới cho thu hoạch” – ông Tự cảnh báo.

Cảnh báo người dân không nên mở rộng diện tích

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng: Mắc ca là một loại cây trồng mới, vì vậy cần phải có thêm thời gian và nhiều nghiên cứu về đất đai, khí hậu, kỹ thuật… Do đó, việc ồ ạt chặt bỏ các loại cây trồng khác để trồng mắc ca sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Thực tế thời gian qua, Viện đã tiến hành trồng thử nghiệm nhiều loại giống mắc ca nhưng kết quả không đồng đều, có loại cho khoảng trên dưới 10kg hạt/cây nhưng cũng có loại chỉ đạt chưa tới một kg hạt/cây.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các ngành chức năng, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến cây mắc ca để người nông dân, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số biết để thực hiện.

Nhằm hạn chế những thiệt hại về kinh tế cho người dân, Sở NN&PTNT tỉnh Đắc Nông đã đưa ra những khuyến cáo, hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca trên địa bàn. Theo đó, về giống chỉ trồng cây giống đã được Bộ NN&PTNT công nhận… Ngoài ra, các Sở NN&PTNT cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp các ngành liên quan và các địa phương tiến hành kiểm tra chặt chẽ hoạt động mua, bán các loại giống cây trồng trên địa bàn, nhất là giống cây mắc ca, nếu phát hiện những đơn vị, cá nhân nào bán cây giống không bảo đảm chất lượng, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật...

Box: Hiện Bộ NN&PTNT đã công nhận khoảng 10 loại giống, nhưng vẫn tiếp tục hợp tác nghiên cứu để mở rộng số giống đạt chất lượng. Chọn đúng giống tốt được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu để trồng mắc ca thành công.

BÀ CON CẦN BIẾT

Để ca cao có năng suất cao

Việt Nam là nước có tiềm năng phát triển cây ca cao rất lớn, cả về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, trình độ canh tác cũng như chất lượng hạt. Ở nước ta, ca cao được trồng ở nhiều vùng sinh thái khác nhau từ Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Để ca cao có năng suất cao, bà con nông dân cần thực hiện tốt từ khâu giống, chăm sóc đến thu hoạch và chế biến.

Về giống

Ca cao là cây công nghiệp lâu năm, tuổi thọ có thể kéo dài hơn 30 năm. Sau khi trồng khoảng 12 - 14 tháng là cây ra hoa, kết trái, đến tháng thứ 18 cho thu hoạch lứa đầu tiên, sau đó sẽ cho năng suất ổn định từ 3 - 4 tấn/héc-ta. Năng suất cao nhất có thể đạt vào năm thứ 5 và duy trì đến 30 năm sau, vì vậy người trồng cây ca cao phải quan tâm đầu tư giống tốt. Qua nhiều năm theo dõi và đánh giá, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã chọn được 5 cây đầu dòng từ 500 cây thực sinh của tập đoàn giống ca cao địa phương và nhập nội được trồng năm 1978 và 1980 để cung cấp giống ra sản xuất. Các cây đầu dòng này thỏa mãn các tiêu chí chọn lọc chính như: Sinh trưởng tốt, năng suất trung bình 5 vụ đạt 3,9 kg hạt khô/cây và khả năng kháng bệnh thối từ trung đến cao. Các cây đầu dòng này (TC5, TC7, TC11, TC12 và TC13) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận vào năm 2005.

Thời vụ và kỹ thuật trồng

Tùy theo điều kiện thời tiết khí hậu mà bà con có thể chọn cho phù hợp, tốt nhất nên trồng vào đầu mùa mưa. Trên đất tốt mật độ trồng 3 x 3 mét, trên đất kém mầu mỡ khoảng cánh trồng 3 x 2,5 mét. Trước khi trồng nên chuẩn bị hố có kích thước 50 x 50 x 50 cm, khi đào hố, lớp đất mặt và đất sâu để riêng. Tốt nhất nên chuẩn bị hố trồng trước 2 tuần. Đất trồng ca cao cần chọn loại có tầng canh tác dầy, có mực nước ngầm sâu và có thể thoát nước tốt, tránh nước đọng khi mưa. Bà con cần làm đất kỹ, đảm bảo đất tơi xốp. Khi trồng ca cao cần moi đất ở giữa hố, đặt bầu và dùng dao sắc rạch bầu, tránh làm vỡ bầu. Cây ca cao thích hợp với nhiều loại đất khác nhau: đất đỏ, đất xám, đất phù sa cổ, song thích hợp nhất với đất có thành phần cơ giới trung bình đến nhẹ, pH từ 5,5 - 5,8, tầng canh tác dày 1 - 1,5 mét, dễ thoát nước, có khả năng giữ nước cao, giàu chất hữu cơ. Tuy nhiên bằng biện pháp canh tác (bón vôi, bón phân hữu cơ…) có thể giúp cây ca cao đạt năng suất cao trên vùng đất kém mầu mỡ.

Ca cao là cây không chịu được nước đọng nên khi trồng bà con phải đặt mặt bầu ngang với mặt đất. Trong điều kiện tự nhiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long, ca cao trồng xen trong vườn dừa, vườn cây ăn trái là rất thích hợp vì vừa tận dụng được ánh sáng tán xạ, vừa hạn chế được các yếu tố giới hạn của sinh thái như mùa hạn kéo dài, ngập lũ, thủy cấp cao, tầng canh tác mỏng. Nếu ca cao trồng thuần cần phải trồng cây che bóng hoặc làm dàn che nhất là trong năm đầu trồng mới và giai đoạn kiến thiết cơ bản. Giai đoạn này cây ca cao cần cây che bóng từ 50 - 75% để cây sinh trưởng và phát triển tốt. Sau trồng cần tưới nước thường xuyên đủ ẩm và tránh đọng nước gây úng. Sau trồng 1 tháng cần phun thuốc trừ mối lần 2 bằng thuốc Confidor hay Admire. Nên phun thuốc xung quanh hố và toàn bộ cây.

Thu hoạch ca cao

Chất lượng hạt ca cao chủ yếu phụ thuộc vào 3 yếu tố: Giống, kỹ thuật chăm sóc và cách thu hái bảo quản, khi áp đúng kỹ thuật sẽ tạo ra được sản phẩm có chất lượng cao, mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất ca cao. Để hạt đạt được chất lượng cao, bà con chỉ thu hoạch những quả đã chín, không thu quả xanh. Sau khi thu hoạch cần chế biến ngay không được để quá 4 ngày (dùng dao, kéo cắt cành để cắt cuống quả khi thu hoạch). Dùng một đoạn gỗ để đập vỏ quả lấy hạt đem đi cho lên men. Hiện tại ở thị trường tiêu thụ trong nước, bà con nông dân có thể sơ chế và bán cho các nhà máy chế biến ca cao hoặc các công ty chuyên thu mua để xuất khẩu.

HÀNG VIỆT

Lâm Đồng: Phát triển nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai”

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai”. Đây là nhãn hiệu được đăng ký độc quyền trong nước.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy Chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” phải đáp ứng các điều kiện sau: Một là, sản xuất trên diện tích từ 0,5 héc-ta trở lên hoặc hoạt động kinh doanh sản phẩm sầu riêng từ 1.000 kg/ngày trở lên trên địa bàn huyện Đạ Huoai và nằm trong phạm vi vùng chứng nhận theo bản đồ. Hai là, đảm bảo các tiêu chí chất lượng theo quy định. Ba là, tuân thủ các quy định trong suốt quá trình từ sản xuất đến lưu thông. Bốn là, cam kết tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các nội dung sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

Thủ tục cấp giấy Chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” được UBND huyện Đạ Huoai giải quyết trong vòng 10 ngày theo nhu cầu của tổ chức, cá nhân. Trong đó có 3 ngày kiểm tra thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh và 7 ngày lấy mẫu kiểm định, đánh giá chất lượng. Thời hạn sử dụng nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” trong 3 năm. Trường hợp vi phạm phải thu hồi Giấy Chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” thì thời hạn 1 năm sau đó mới được xét cấp lại như lần đầu.

Việc cấp giấy Chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” nhằm giúp địa phương nâng cao giá trị, chất lượng và tạo uy tín của sản phẩm cây ăn trái đặc trung thế mạnh của mình trên thị trường. Đồng thời, tạo điều kiện để bà con bà dân tập trung trồng trọt theo hướng chuyên canh.

Làng rèn độc đáo ở miền núi phía Bắc

Từ xa xưa, đồng bào Nùng An xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên (tỉnh Cao Bằng) đã hình thành các nghề sản xuất vật dụng tiêu dùng, hàng hóa để trao đổi, mua bán giữa các vùng miền trong tỉnh. Một trong số nghề hiện nay đang mang lại thu nhập đáng kể cho người dân trong xã là nghề rèn, đúc nông cụ phục vụ lao động sản xuất nông nghiệp như: cuốc, xẻng, dao, kéo, búa, cày bừa...

Làng rèn Phúc Sen có 6 bản làm nghề rèn với khoảng gần 100 lò rèn hoạt động… Từ lâu, sản phẩm rèn của Phúc Sen đã nổi tiếng khắp vùng và nghề rèn đã trở thành nguồn sống chính của nhiều hộ gia đình, được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Những người thợ rèn ở Phúc Sen rất chú ý đến thị hiếu người tiêu dùng. Đặc biệt, một số loại nông cụ sản xuất đã được họ tạo dáng riêng, thích hợp địa hình nơi cư trú của người sử dụng. Ví như, cuốc bướm để bán cho cư dân vùng thung lũng, nơi có địa hình tương đối bằng phẳng (người Tày, Nùng), có cán choãi, còn để bán cho cư dân ở trên núi cao vùng đất dốc, người Mông, Dao thì làm quặp hơn. Sản phẩm rèn Phúc Sen chủ yếu bán tại nhà cho thương nhân từ nhiều nơi đến mua gom. Việc thực hiện mua gom được thực hiện theo từng “dây” thường vài hộ có chung một khách hàng và cứ 2 phiên chợ họ lại giao hàng một lần. Nghề rèn Phúc Sen hiện đã tạo được hơn 30 loại sản phẩm chủ yếu là công cụ sản xuất như búa, dao quắm, cuốc bướm, cào cỏ, liềm, một số đồ gia dụng như dao phay, dao chặt xương, que cời bếp, bàn sản… Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, người thợ rèn Phúc Sen đã sản xuất một vài loại sản phẩm mới như lưỡi cưa, kéo, chuông trâu bò và một số sản phẩm dùng làm quà tặng, phụ tùng máy móc đơn giản như lưỡi dao của máy thái rau lợn và lưỡi bào máy. Làng rèn Phúc Sen gần như có sự chuyên hóa, mỗi bản tập trung sản xuất một loại sản phẩm nhất định. Bản Tình Đông, Pắc Rằng chủ yếu rèn dao quắm, Bản Cọ chủ yếu làm cuốc bướm, bản Lũng Vài chuyên liềm và bàn sản, bản Phja Chang Trên làm búa là chính. Sản phẩm của làng rèn Phúc Sen hiện nay đã trở thành đồ dùng quen thuộc, thân thiết của nhiều gia đình 3 miền đất nước, xâm nhập cả thị trường Trung Quốc..

Nam Sơn (Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)