Thông tin giá cả thị trường số ra ngày 25/9/2015

05:40 PM 25/09/2015 |   Lượt xem: 2266 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Làm sao để ngành điều chủ động nguồn nguyên liệu?

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, 8 tháng qua, ngành điều đã xuất khẩu 215.000 tấn nhân các loại, tăng 9% về lượng và gần 23% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Dự kiến năm nay toàn ngành sẽ xuất khẩu 320.000 tấn nhân điều các loại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến nhân điều xuất khẩu vẫn phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài. Vì vậy để chủ động nguồn nguyên liệu cần đầu tư cho chế biến, đổi mới biện pháp thâm canh.

Cải tạo chất lượng giống

Cục Trồng trọt cho biết, đến nay cả nước có hơn 300.000 héc-ta điều, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận, Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk... Mặc dù diện tích và năng suất điều những năm gần đây có tăng, nhưng hầu hết các doanh nghiệp chế biến điều trong nước vẫn thường xuyên thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu, nhất là những tháng cuối năm. Nguyên nhân vì thời điểm cuối năm không rơi vào vụ thu hoạch, trong khi giá nhập khẩu nguyên liệu từ châu Phi cũng tăng cao. Hiện giá thu mua nguyên liệu đã tăng từ 1.000 đô-la Mỹ/tấn đầu năm nay lên 1.300 - 1.400 đô-la Mỹ/tấn. Với giá này, các nhà máy và doanh nghiệp không thể cân đối nhập và xuất khẩu. Năng lực sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu của ngành công nghiệp chế biến điều; còn các doanh nghiệp xuất khẩu thì thiếu sự liên kết với các hộ sản xuất do quy mô quá nhỏ lẻ. Do đó, khoảng 70% điều thô bắt buộc phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu chế biến ở trong nước.

Để chủ động tháo gỡ khó khăn về nguồn nguyên liệu, 2 năm qua, ngành điều tập trung vào công tác quản lý giống điều. Hiện các tỉnh Bình Định, Đồng Nai và Bình Phước là những địa phương có tổng năng lực sản xuất cây giống điều khá cao, từ 3,7 - 3,9 triệu cây/năm. Số lượng này đáp ứng đủ nhu cầu trồng mới, trồng tái canh và ghép cải tạo vườn điều 10 tỉnh. Cùng với việc quan tâm đến chất lượng giống, năm nay nhiều vườn điều đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật tổng hợp chăm sóc điều tốt như bón phân, tỉa cành, tạo tán và phun thuốc bảo vệ thực vật cho năng suất bình quân đạt 1,32 tấn/héc-ta, và cao hơn các vườn điều không áp dụng kỹ thuật từ 20 - 50%.

Thay đổi tập quán canh tác

Để quản lý giống điều tốt góp phần thúc đẩy, nâng cao năng suất cây điều, Bộ NN và PTNT cùng Hiệp hội Điều Việt Nam xây dựng đề án cải tạo 200 điểm với khoảng 60.000 héc-ta. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn giống mới chưa đáp ứng phần lớn diện tích điều già cỗi cần được thay thế, muốn nâng năng suất phải đổi mới chế độ thâm canh, tỉa cành, tạo tán, cắt ghép... Trong khi đó cải tạo, thâm canh vườn điều là việc làm cần thiết nếu muốn có hiệu quả cao. Thực tế các mô hình vườn điều thực hiện tác động cộng hưởng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp thời gian qua cho thấy chỉ trong một năm tác động thâm canh, năng suất sẽ tăng đáng kể, trong đó có mô hình đạt 5 - 6 tấn/héc-ta. Cục Trồng trọt đã phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh xây dựng mô hình về tái canh, ghép cải tạo vườn điều, nhất là các mô hình thâm canh chuyên nghiệp. Trong đó đầu tư tỉa cành tạo tán, bón phân tưới nước, theo dõi phòng trừ sâu bệnh. Các mô hình điều năng suất tăng 30 - 50% so với bình thường, đã thu hút nhiều hộ nông dân tham gia thâm canh, ghép cải tạo. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tổ chức tuyên truyền để bà con hiểu, sử dụng, quản lý giống theo khuyến cáo của Bộ. Trên cơ sở này, thực hiện công tác bình tuyển các cây đầu dòng ở vùng, địa phương mà giống đó đã thích nghi, thể hiện ưu việt trong quần thể giống được xem xét. Từ đó, tổ chức hội đồng bình tuyển và quyết định công nhận, giao hộ nông dân quản lý và khai thác sử dụng các mắt ghép từ cây đầu dòng. Đồng thời, từ các cây đầu dòng có thể nhân ra vườn đầu dòng để phát triển sản xuất giống với quy mô lớn hơn.

Hy vọng với những giải pháp cụ thể, diện tích và năng suất cây điều từng bước được cải thiện, góp phần chủ động nguồn nguyên liệu trong nước.

MUA GÌ


Hậu Giang: Khởi sắc với giá mía đầu vụ

Niên vụ 2015 - 2016, toàn huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang đã trồng được 7.805 héc-ta mía. Trong đó giống mía chín sớm chiếm gần 63% diện tích trồng; còn lại là giống mía chín trung bình và muộn. Hiện giống mía chín sớm, chủ yếu là ROC 16 đã đạt từ 9 chữ đường trở lên. Nếu so với quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thì giống mía ROC 16 hoàn toàn đảm bảo yêu cầu thu hoạch. Đáng kể là giá mía nguyên liệu đạt 10 chữ đường (CCS) được doanh nghiệp thu mua tại rẫy khoảng 850 đồng/kg. Cho nên không ít hộ dân đều mong muốn bán sớm để tranh thủ gieo sạ thêm vụ lúa tiếp. Với mức giá khá cao như hiện nay thì sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi héc-ta, người trồng mía có thể thu lợi nhuận 15 triệu đồng. Vì thế, khả năng trong tháng 9 này, toàn huyện sẽ thu hoạch khoảng 1.700 héc-ta mía chín sớm. Hiện tại, Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát đang triển khai công tác thu mua nguồn nguyên liệu ở các địa bàn có lượng mía chín sớm của huyện Phụng Hiệp như Hòa Mỹ, Phương Bình, Hòa An. Tuy nhiên, nước lũ năm nay về trễ đã gây khó khăn cho quá trình vận chuyển mía nguyên liệu về nhà máy.

Đắk Lắk: Giá thức ăn chăn nuôi giảm

Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi giảm giúp nhiều nông dân có lời, góp phần bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, giá thức ăn trên thị trường giảm đồng loạt từ 5.000 - 20.000 đồng/bao 25 kg, tùy loại. Trong đó, thức ăn nội giảm giá nhiều hơn thức ăn ngoại nhập. Vì vậy, người chăn nuôi đang có xu hướng chuyển sang sử dụng thức ăn nội nhiều hơn do giá thức ăn sản xuất trong nước thấp hơn thức ăn ngoại nhập nhưng chất lượng vẫn được bảo đảm. Sở dĩ có mức giảm trên do mức thuế nhập khẩu thức ăn giảm từ 5% xuống bằng không nên giá thành các sản phẩm cũng giảm theo. Trên thực tế, chăn nuôi quy mô lớn thắng thua ở đầu vào, nếu trúng thời điểm giá thức ăn giảm thì có lời, ngược lại giá thức ăn cao thì lỗ. Với đà giảm giá này, người chăn nuôi đã tái đàn nhiều hơn, lợi nhuận thu được cao hơn.

An Giang: Măng tre vào vụ thu hoạch

Thời điểm này đang bước vào mùa thu hoạch rộ măng tre Mạnh Tông. Hàng trăm hộ dân ở huyện Tịnh Biên (An Giang) sống được cũng nhờ trồng và làm thuê các công việc thu hoạch, sơ chế... măng mạnh tông. Ở Núi Cấm, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên có 4 ấp: Vồ Thiên Tuế, Vồ Bồ Hong, Vồ Đầu, Vồ Chư Thần với trên 50% số hộ nông dân trồng tre lấy măng. Tre Mạnh Tông ngoài việc khai thác lấy măng, nhà vườn còn bán cây cho các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ hoặc các cửa hàng vật liệu xây dựng rất được giá. Hiện thương lái thu mua măng với giá dao động từ 5.000 - 7.000 đồng/kg (còn nguyên vỏ). Tại khu vực Lâm Viên - núi Cấm có 6 điểm thu mua măng Mạnh Tông. Trung bình một cơ sở thu mua được trên 60 tấn mỗi ngày. Nếu bán trong tỉnh thì bà con để nguyên vỏ, còn bán ngoài tỉnh cho công nhân lột vỏ đóng vào bao bì vận chuyển. Măng được lột vỏ bán với giá 15.000 đồng/kg. Riêng hàng chục công nhân bào măng để làm măng chua bán, khoảng 8 tấn/ngày.

Đồng bằng sông Cửu Long: Xuất khẩu tôm giảm mạnh

Cánh cửa xuất khẩu thu hẹp lại khiến cho những người nuôi tôm tại đồng bằng sông Cửu Long phải treo ao nhằm tránh thua lỗ. Mùa vụ tôm năm 2015, toàn khu vực này hiện giảm tới 1/3 tổng diện tích thả giống. Trong đó, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng treo ao nhiều nhất tại các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp. Hiện ngành nông nghiệp các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu đã khuyến cáo các hộ dân không nên tiếp tục thả tôm và chờ giá lên để tránh gặp rủi ro. Trước tình hình xuất khẩu khó khăn như hiện nay, nhiều chủ ao đã chọn giải pháp treo ao. Các công ty bán giống tôm cũng đóng cửa, ao nuôi để nứt nẻ, máy móc bỏ không. Theo người nuôi, khó khăn lớn nhất là về con giống vì giá cao nhưng hay bị chết. Bên cạnh đó, thiếu vốn và giá thu mua giảm gần một nửa so với năm 2014 khiến họ cảm thấy bất an. Theo tính toán, sau khi trừ chi phí, người nuôi tôm quy mô công nghiệp gần như đang làm không công.

Xoài cát chu xuất khẩu sang Nhật Bản

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản thông báo mở cửa cho trái xoài cát chu của Việt Nam vào thị trường này từ ngày 17/9. Đây sẽ là trái cây tươi thứ hai của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường này sau trái thanh long vào năm 2009. Trên thực tế, để đưa được trái xoài cát chu vào thị trường Nhật, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phải mất 5 năm để chuẩn bị hồ sơ, xây dựng quy trình xử lý dịch hại mới được phía Nhật chấp thuận. Trước khi vào Nhật, trái xoài bắt buộc phải xử lý bằng hơi nước nóng (tương tự trái thanh long). Hiện đã có 5 nhà máy hơi nước nóng tại Việt Nam và 4 trong số đó được phía Nhật Bản kiểm tra cấp mã số. Hiện các doanh nghiệp, công ty xuất khẩu trái cây đang ráo riết chuẩn bị vùng nguyên liệu ở Đồng Tháp để đưa lô hàng đầu tiên vào Nhật Bản trong thời gian sớm nhất.

Bến Tre: Dừa khô xuất khẩu sang Trung Đông tăng

Theo Hiệp hội Dừa Bến Tre, liên tiếp trong những tuần qua giá dừa khô trên địa bàn tăng so với thời gian trước đó. Hiện nay giá dừa khô dao động 70.000 - 80.000 đồng/chục (12 trái) tùy theo từng vùng và tùy dừa lớn hay nhỏ, tăng gấp đôi so với giá thời điểm đầu tháng 8/2015. Tại các điểm thu mua lẻ tại huyện Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc… giá dừa khô tại vườn cũng đạt mức 55.000 - 60.000 đồng/chục 12 trái. Trong khi đó, cũng chủng loại dừa này, tháng trước các nhà vườn chỉ bán được giá 40.000 - 45.000 đồng/chục (12 trái).

Theo Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, nguyên nhân giá dừa tăng mạnh trở lại thời gian gần đây là do nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ dừa trên thế giới tăng mạnh, nhất là ở thị trường Trung Đông. Do vậy, các thương lái đã đẩy mạnh lượng thu mua nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, để tránh tâm lý hoang mang cho người dân, Hiệp hội Dừa tỉnh Bến Tre cần kết hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan thông tin giá dừa kịp thời cho doanh nghiệp và người trồng dừa biết.

Quảng Trị: Chuối tăng giá gấp đôi

Hiện nay có nhiều thương lái đến xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị thu mua chuối quả trong dân, với giá cao gấp từ 2 đến 2,5 lần so với 6 tháng trước.

Cụ thể, chuối quả hiện tại được bán với giá từ 4.000 - 4.500 đồng/kg, xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Thái Lan. Đây là tin vui đối với bà con nông dân bởi sau khi thị trường Trung Quốc, vốn là nơi tiêu thụ chính của sản phẩm chuối Hướng Hóa ngừng nhập, người trồng chuối ở địa phương đã vấp phải khó khăn. Đến tháng 8 năm nay, các thương lái chuyên thu gom chuối xuất khẩu trên địa bàn đã chuyển hướng sang nhập chuối quả cho thị trường Thái Lan. Hiện mỗi ngày có từ 3 - 4 xe chuối, mỗi xe khoảng 25 tấn, được các thương lái thu gom xuất sang thị trường này. Giá chuối cao trở lại khiến người trồng rất phấn khởi. Đây cũng là động lực để bà con tiếp tục đầu tư phát triển loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao này.

Hậu Giang: Chanh không hạt rớt giá

Những năm gần đây, do nhận thấy việc trồng chanh không hạt lời nhiều nên hàng loạt nhà vườn đua nhau tăng diện tích. Thậm chí, có nông dân còn sẵn sàng phá bỏ vườn nhãn, chôm chôm hoặc bỏ lúa để lên bờ trồng chanh không hạt. Tuy nhiên, bước vào đầu tháng 9, khi tiết trời mát mẻ, nhu cầu tiêu thụ giảm khiến giá chanh giảm mạnh. Từ 45.000 đồng/kg, chanh không hạt đã giảm mạnh xuống còn từ 4.000 - 6.000 đồng/kg. Tình trạng này đã kéo dài cả tháng nay, khiến cho nhiều nhà vườn "méo mặt”. Đây là giá bán thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Trong khi đó, tình hình sâu bệnh nhiều cũng ảnh hưởng lớn tới năng suất nên năm nay hầu hết các nhà vườn chỉ hòa vốn, không có lãi.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hậu Giang, gần đây diện tích chanh không hạt trồng mới có xu hướng tăng nhanh, diện tích đang cho trái tăng theo hàng năm. Nếu như năm 2009 tỉnh này chỉ có khoảng 20 héc-ta chanh không hạt thì hiện nay diện tích này đã tăng lên đến 1.000 héc-ta, trong đó có 600 héc-ta đang cho trái, 400 héc-ta đang trồng mới. Để hạn chế việc giá giảm như hiện nay, trung tâm sẽ tập trung hướng dẫn kỹ thuật cho bà con áp dụng quy trình sản xuất chanh theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo bà con không nên trồng mới diện tích chanh không hạt.

LƯU Ý CẢNH BÁO


Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: Người chăn nuôi chân chính bị ảnh hưởng

Kinh doanh chất cấm trong chăn nuôi mang lại lợi nhuận cao nên nhiều cửa hàng, đại lý bán thức ăn chăn nuôi đã cố tình vi phạm, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi trong nước và người chăn nuôi chân chính.

“Quýt làm cam chịu”

Từ đầu năm đến nay, giá thịt lợn tăng và giữ ổn định, người chăn nuôi có lãi cao nên nhiều chủ trang trại, hộ dân muốn "ăn xổi” đã lén lút sử dụng thức ăn có chứa chất cấm Salbutamol để tăng trọng, tăng tỷ lệ nạc cho lợn nhằm bán được giá. Nắm bắt tâm lý này, một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã bất chấp quy định của pháp luật, trộn Salbutmol vào thức ăn cung ứng cho các hộ chăn nuôi. Không chỉ thức ăn chăn nuôi, nhiều nguyên liệu thức ăn bổ sung khác cũng có nguy cơ chứa chất kích thích tạo nạc. Cụ thể premix vitamine-khoáng, men tiêu hóa, probiotic, choline chloride, chromium picolinate, thức ăn bổ sung lạ có quảng cáo công dụng kích thích sinh trưởng và tạo nạc… được cố tình đưa vào để tăng hiệu quả, lôi kéo người chăn nuôi sử dụng. Điều đó khiến không chỉ ngành chăn nuôi bị thiệt hại do người tiêu dùng ngại sử dụng thịt có chất cấm mà người sản xuất thức ăn chăn nuôi chân chính, người nuôi heo đàng hoàng cũng bị vạ lây.

Đáng báo động hơn cả là tình trạng sử dụng chất cấm đang ngày càng gia tăng, nhất là ở thị trường các tỉnh phía Nam. Trước đây, việc sử dụng chất cấm đa phần xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ do nhận thức còn hạn chế, lại bị tư thương xúi giục vì lợi nhuận. Đến nay, ngay cả các trang trại lớn vì lợi nhuận cũng đã lạm dụng thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất cấm. Tuy nhiên, việc phát hiện vi phạm của doanh nghiệp cũng như người dân sử dụng Salbutamol trong thức ăn chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Bởi các đối tượng này sử dụng nhiều mánh khóe tinh vi để kinh doanh, đưa hàng về vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, các cơ sở sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi bị phạt tiền tuy ở mức khá cao nhưng chưa bị đình chỉ sản xuất, người chăn nuôi chưa bị xử phạt nên hiệu lực răn đe thấp. Điều này dễ dẫn đến tình trạng nộp phạt xong tiếp tục vi phạm. Cuối cùng là tiêu chuẩn chất lượng thức ăn chăn nuôi hầu như chưa được kiểm soát. Không ít nhà máy gian lận chất lượng sản phẩm để thu lời bất chính.

Cần siết chặt quản lý


Để khẩn trương chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ NN&PTNT đã có văn bản chỉ thị tới các tỉnh, thành phố cần tăng cường quản lý việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lợn và bò thịt. Theo đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tỉnh do sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm đầu mối phối hợp với các cơ quan liên quan như: Y tế, Công thương, Tài chính và Công an tiến hành tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về những nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng, uy tín của ngành chăn nuôi Việt Nam. Trong đó nhấn mạnh, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là hành vi phi đạo đức, phải bị cộng đồng, dư luận tố giác và tẩy chay. Đồng thời, tổ chức các đoàn công tác tiến hành thanh tra, kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chủ yếu là chất Salbutamol. Kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến các cơ sở gia công thức ăn chăn nuôi, tự phối trộn các loại premix, thuốc thú y, thức ăn bổ sung. Còn tại các cơ sở, trang trại chăn nuôi, cần kiểm tra thức ăn chăn nuôi, nhất là nước tiểu vật nuôi ở giai đoạn vỗ béo, xuất bán với thịt lợn và bò thịt. Các lò mổ, chợ cần kiểm tra các mẫu thịt, gan, thận và nhất là nước tiểu của các loại lợn, bò thịt trước khi đưa vào giết mổ. Cần đơn giản hóa thủ tục, quy trình kiểm tra bằng cách sử dụng que thử phát hiện nhanh nước tiểu. Việc này bản thân người chăn nuôi, cán bộ, bà con vùng sâu, vùng xa đều có thể làm được. Người tiêu dùng cũng có thể sử dụng que thử trực tiếp trên sản phẩm thịt heo bán ở ngoài thị trường. Đối với các trường hợp vi phạm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Cao Đức Phát yêu cầu xử lý thật nghiêm các vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nhằm ngăn chặn ngay từ gốc.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG


Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn gia tăng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN & PTNT), tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tiếp tục gia tăng ở các tỉnh, thành trên cả nước.

Báo cáo 6 tháng đầu năm của Chi cục thú y thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, trong 227 mẫu nước tiểu gia súc của 55 hộ giết mổ đã phát hiện 31 mẫu dương tính với hoạt chất cấm, sử dụng trong chăn nuôi là salbutamol từ l80 - 1.300ppb. Trong các trường hợp phát hiện, có 4 trường hợp có nguồn gốc xuất xứ Đồng Nai, 2 ở Tiền Giang, 1 ở Long An.

Nguyên nhân do áp lực về giá heo, giá lợn cao, vào khoảng 45.000 – 47.000 đồng/kg, thậm chí trên 50.000 đồng/kg khiến nhiều người chăn nuôi hám lợi. Bên cạnh đó là tình trạng thương lái muốn ép người chăn nuôi nhỏ lẻ dùng chất cấm để lợn đạt tỷ lệ nạc cao, hấp dẫn về thực phẩm. Đồng thời, công tác kiểm tra, kiểm soát tại một số địa phương cũng có phần lơi lỏng.

Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành thì hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chỉ dừng ở mức xử lý hành chính chứ rất khó xử lý hình sự. Bởi do chất cấm ăn vào không chết ngay mà phải sau một thời gian dài mới để lại những tác hại nặng nề. Chính vì vậy Cục Chăn nuôi (Bộ NN & PTNT) đang kiến nghị sửa đổi Luật Hình sự để phải bị xử nghiêm hành vi sử dụng chất cấm.

Trước thực trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang có chiều hướng gia tăng, Bộ trưởng Bộ NN & PTNT đã có chỉ thị, đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về những nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng, uy tín của ngành chăn nuôi Việt Nam; thông tin kịp thời cho dư luận biết về tình hình và danh tính của các đối tượng vi phạm…

Tại các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi cần lưu ý các cơ sở gia công thức ăn chăn nuôi, phối trộn các loại premix, thuốc thú y, thức ăn bổ sung. Tại các cơ sở, trang trại chăn nuôi cần kiểm tra thức ăn chăn nuôi, nhất là nước tiểu vật nuôi ở giai đoạn vỗ béo, xuất bán đối với lợn thịt và bò thịt.

Khánh Vĩnh (Khánh Hòa): Bài học đắt giá từ nghề nuôi nhím

Cách đây 5 - 6 năm, phong trào nuôi nhím trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) phát triển rầm rộ.
Thời điểm đó, giá nhím thịt rất cao, đến 600.000 - 700.000 đồng/kg. Chính vì vậy, nhiều hộ đầu tư lớn để xây chuồng trại, gây đàn.

Đến năm 2012, nghề này bắt đầu đi xuống vì nhím rớt giá. Để vớt vát lại ít vốn, nhiều hộ đã bán tháo với giá rẻ. Có thời điểm bán nhím thịt chỉ với giá 180.000 đồng/kg, giá nhím giống đẹp chỉ khoảng 3 triệu đồng/cặp nhưng cũng rất ít người mua.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện chỉ còn 119 cơ sở nuôi động vật hoang dã, trong đó có 106 cơ sở nuôi động vật hoang dã thông thường, chủ yếu là nhím, giảm 49 cơ sở so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do người nuôi thiếu kiến thức, hiệu quả kinh tế từ nghề này không cao... Một số địa phương từng hy vọng nghề nuôi nhím sẽ giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, do đầu ra khó khăn, giá bán lại thấp nên các hộ không còn mặn mà với nghề này nữa. Chỉ còn lại một vài hộ còn duy trì nuôi nhưng số lượng cũng không đáng kể.

Không riêng tại Khánh Hòa, nuôi nhím từng được coi là nghề "hái ra tiền" ở nhiều địa phương trên cả nước; có thời điểm giá nhím giống đã được "thổi" lên mức vài chục triệu đồng/cặp. Chính vì vậy, nhiều hộ nuôi đã bị thua lỗ nặng nề khi giá thịt nhím cứ liên tục sụt giảm; thậm chí hiện nhiều nhà hàng chỉ mua nhím thịt với giá hơn 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, mức giá này cũng phản ánh đúng với giá trị thật của con nhím. Thực tế là nhím hay bất kỳ loại vật nuôi nào rất hiếm khi có chuyện đầu tư "một vốn bốn lời". Kinh nghiệm nhiều năm trở lại đây cho thấy, nếu đầu tư sản xuất, nuôi trồng ồ ạt theo lời đồn thổi thì cái lợi trước mắt không thể nào bù lại được thiệt hại về lâu dài.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG


Bắc Giang: Thu hoạch dẻ rừng

Tại các xã vùng sâu, vùng xa huyện Lục Nam (Bắc Giang), mùa dẻ chín kéo dài từ tháng 8 đến hết tháng 10 âm lịch. Vào mùa, từ sáng sớm, nhà nhà trong thôn mang cơm nắm lên rừng quét, nhặt hạt, xế chiều lại đồng loạt xuống núi. Năm nay dẻ được mùa nên nhiều hộ dân sẽ có khoản thu lớn từ rừng.

Tại các xã Trường Sơn, Nghĩa Phương, Lục Sơn, Huyền Sơn, Bình Sơn… người dân đã có nguồn thu đáng kể từ rừng dẻ. Dẻ chín không tập trung nên phải thu hoạch thủ công. Nhiều hộ đã huy động cả nhà vào rừng thu hoạch hạt. Công việc không nặng nhọc, người già, trẻ nhỏ đều làm được, chỉ phải tốn công, tỷ mỷ sàng sảy loại bỏ tạp chất cho sạch sẽ. Sau đó, sản phẩm được thương nhân ở Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh thu mua tại chỗ, có đến đâu bán hết đến đó. Đầu vụ, giá 50.000 đồng/kg, giữa vụ 25.000 – 30.000 đồng/kg.

Coi rừng dẻ là vốn quý, tài sản hiếm nơi nào có được, UBND huyện Lục Nam đã chỉ đạo giữ diện tích rừng dẻ hiện có. Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng tự nhiên, cử cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng người dân để có hướng giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh liên quan. UBND huyện trích ngân sách hỗ trợ cán bộ lâm nghiệp tại các xã trồng dẻ 500.000 đồng/người/tháng. Để nâng cao giá trị hạt dẻ, từng bước đưa sản phẩm vào siêu thị, mang lại nguồn thu ổn định, năm 2014 UBND huyện Lục Nam triển khai dự án xây dựng thương hiệu dẻ Lục Nam. Dự kiến giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trao trong tháng 11 năm nay.

Cùng với các biện pháp trên, UBND huyện đang lập quy hoạch vùng dẻ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 gồm 6 xã: Lục Sơn, Bình Sơn, Trường Sơn, Vô Tranh, Nghĩa Phương, Huyền Sơn. Đây là những xã có diện tích dẻ lấy hạt lớn và ổn định; quỹ đất để phát triển cây dẻ còn nhiều.

Thu hoạch lúa, hoa màu chạy bão, lũ


Thời tiết bất lợi ngay trong những tuần đầu tháng 9 đã khiến bà con nông dân các tỉnh Quảng Nam, Đồng Tháp... lao đao. Nhiều hộ đã phải dầm mưa để thu hoạch lúa, sắn chạy lũ.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, tại Quảng Nam đã xảy ra mưa to, gió giật mạnh. Do mưa to, nhiều hoa màu tại Quảng Nam bị ngập sâu trong nước. Vì vậy, nhiều người dân phải dầm mưa ra ruộng thu hoạch nông sản. Nhiều ruộng lúa, rau ở xã Tam Thăng bị nước ngập sâu trong nước, bà con phải cắt lúa, dùng xe bò chở về nhà để tuốt. Các ruộng sắn cũng lâm vào tình trạng tương tự. Dù còn một tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch nhưng bà con đã phải thu hoạch sớm để bán tháo. Bởi nếu không thu hoạch, mưa ngập sẽ làm sắn bị úng thối hết.

Tại Đồng Tháp, mưa lớn đã làm hơn 365 héc-ta lúa vụ 3 tại xã Phú Thọ và thị trấn Tràm Chim bị đổ ngã, thiệt hại năng suất từ 10 - 20%. Bên cạnh đó, lúa sắp đến ngày thu hoạch mà không có thương lái thu mua nên nông dân rất lo lắng. Giá lúa lại liên tục sụt giảm, nếu như cách đây một tuần giá lúa tươi Jasmine 85 là 5.100 đồng/kg, OM 4900 là 5.000 đồng/kg thì hiện nay lúa Jasmine 85 giảm chỉ còn 4.700 đồng/kg, OM 4900 giảm còn 4.650 đồng/kg. Theo nhiều thương lái giá lúa giảm do bị đổ ngã chất lượng lúa giảm, lép nhiều... Ngoài ra, mưa nhiều, lúa bị đổ ngã nền đất lúa yếu nên việc thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp cũng gặp khó khăn. Do vậy, công cắt đã tăng lên 250.000 – 300.000 đồng/công, tăng 100.000 – 120.000 đồng/công so với vụ trước.

Trước tình hình đó, lãnh đạo các địa phương đã chỉ đạo các hợp tác xã, tổ hợp tác tăng cường bơm tiêu úng cho nông dân. Đồng thời huy động thêm máy gặt đập liên hợp để khi thời tiết thuận lợi thì thu hoạch lúa nhanh gọn cho nông dân.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Quạt điện cơ Thống Nhất “nhái”

Công ty TNHH MTV Điện cơ Thống Nhất là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại quạt điện mang thương hiệu quạt Vinawind đã nổi tiếng từ lâu. Lợi dụng uy tín của thương hiệu quạt nổi tiếng này, một số cơ sở đã sử dụng thủ đoạn tinh vi, sản xuất và lưu thông quạt điện “nhái” quạt cây điện cơ, gây thiệt hại cho uy tín của công ty.

Do vậy, khi mua hàng, người tiêu dùng, đặc biệt là bà con vùng dân tộc, miền núi cần chú ý phân biệt, tránh mua phải quạt dởm kém chất lượng. Thời gian qua, Cơ quan công an kinh tế (Công an TP. Hà Nội) phối hợp thanh tra Bộ Khoa học – Công nghệ đã tiến hành kiểm tra hơn 1.000 chiếc quạt các loại của một cơ sở sản xuất quạt điện trên địa bàn Hà Nội. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, cơ quan công an đã niêm phong tất cả số quạt cây điện cơ nói trên và lập biên bản vi phạm về sở hữu trí tuệ đối với đơn vị này. Đồng thời, buộc công ty nói trên phải nộp phạt hành chính 48 triệu đồng và tiêu hủy tất cả số tem nhãn, các bộ phận của quạt điện cơ có yếu tố làm nhái thương hiệu.

Từ năm 2010, trước nạn hàng “nhái” tràn lan, Công ty TNHH MTV Điện cơ Thống Nhất đã phải thiết kế lại bộ nhận diện thương hiệu mới, tuy nhiên điều này vẫn chưa giải quyết được triệt để. Lợi dụng sự nổi tiếng của thương hiệu “Vinawind”, nhiều cơ sở đã đưa ra thị trường các loại

quạt được in nhái nhãn hiệu “Vinawindz” với bố cục và màu sắc gần giống nhãn hiệu “Vinawind”, khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt. Sản phẩm quạt điện cơ mang nhãn hiệu “nhái” này có chất lượng và giá thành thấp hơn nhưng vẫn được bày bán xen kẽ ở đại lý, cơ sở nhỏ lẻ với giá ngang với giá quạt “xịn” của Công ty TNHH MTV Điện cơ Thống Nhất.

Cục Sở hữu trí tuệ đã có kết luận về hành vi của công ty vi phạm là “hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ và ra kết luận xử phạt hành chính. Phía Công ty TNHH MTV Điện cơ Thống Nhất cũng khuyến cáo khách hàng khi mua sản phẩm, cần đến các cửa hàng, đại lý uy tín và ghi nhớ: trên bao bì của sản phẩm chính hãng luôn có chữ “Vinawind” chứ không phải “nhái” kiểu như “Vinawindz” hay bất cứ một hình thức nhái nào khác. Đồng thời, sản phẩm luôn ghi rõ tên nhà sản xuất trên thân quạt cũng như bao bì là Công ty TNHH MTV Điện cơ Thống Nhất.

Các tỉnh miền Tây Nam Bộ: Phát hiện nhiều thuốc bảo vệ thực vật giả


An Giang nói riêng và các tỉnh miền Tây Nam bộ nói chung thường xuyên xảy ra tình trạng thuốc bảo vệ thực vật giả và tình trạng này khiến người nông dân bị thiệt hại nặng nề.

Thời gian qua, hàng chục vụ sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giả lớn nhỏ liên tiếp bị phát hiện. Tại An Giang, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra đột xuất các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phát hiện hàng loạt các sản phẩm là thuốc bảo vệ thực vật giả như: LACA-SOTOrm, LACA-SOTOacb, LACA-SUTO, COMKAT, TORA, Cứng Đầu… Trên bao bì hàng hóa đều ghi công dụng là thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, qua làm việc với cửa hàng vi phạm, tất cả đều không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đồng thời cũng không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng. Hai mặt hàng phân bón COWAT-SỬA, BMC-106 (siêu to hạt, tạo hạt) cũng không rõ nguồn gốc. Thanh tra sở đã xử phạt vi phạm hành chính các cửa hàng vi phạm và tịch thu các loại hàng hóa trên.

Tại Cần Thơ, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP. Cần Thơ cũng triệt phá một vụ làm giả thuốc bảo vệ thực vật quy mô lớn. Đoàn kiểm tra lập biên bản tạm giữ 627 chai thuốc giả các loại cùng số lượng lớn nguyên liệu dùng làm thuốc giả, khoảng 4.000 vỏ chai nhựa, 3 máy đóng nút chai, 20 kg tem, nhãn các loại, máy in ngày tháng năm sản xuất, sơn nước…

Nhằm ngăn chặn tình trạng này, các Sở NN&PTNT đã yêu cầu Chi cục bảo vệ thực vật, các bộ phận chức năng tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, đẩy mạnh hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân biết nhằm tránh mua nhầm thuốc “dởm”, gây thiệt hại…

Nam Sơn (Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)