Thông tin thị trường giá cả số 20/2021

03:58 PM 12/05/2021 |   Lượt xem: 3570 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ thịt trâu, bò bị viêm da nổi cục:

Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm

Sau lần đầu tiên xuất hiện ở Cao Bằng, Lạng Sơn (tháng 10/2020), đến nay, bệnh viêm da nổi cục đã lây lan ra đàn bò ở nhiều tỉnh trên toàn quốc, gây tâm lý lo lắng, đồng thời làm thiệt hại kinh tế của rất nhiều hộ chăn nuôi bò.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), có nhiều phương thức lây truyền vi rút viêm da nổi cục nhưng chủ yếu là qua ruồi, muỗi, ve, mòng. Trong đó, loài ruồi hút máu có tên khoa học Stomoxys calcitrans là thủ phạm chính. Loài ruồi này có đặc điểm sinh học là sau khi hút máu con bệnh rồi bay đi trong khoảng 100km rồi tiếp tục hút máu con khỏe rồi truyền vi rút gây bệnh nên làm dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

Sau Cao Bằng, Lạng Sơn, đến đầu tháng 5/2021, đã có 781 xã của 149 huyện tại 25 tỉnh, thành phố trên cả nước có bò bị mắc bệnh viêm da nổi cục. Tại Thái Nguyên, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra ở 438 xóm của 117 xã tại 9 huyện, thành phố, thị xã. Tổng số trâu, bò mắc bệnh là 1.649 con; trong đó, chết 190 con. Tại Quảng Nam, đã có 109 con trâu, bò tại 29 xã, phường của 9 huyện, thị xã và thành phố xuất hiện bệnh viêm da nổi cục; trong đó, 10 con đã bị chết. Tại Hà Tĩnh, sau khi 98 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thị, thành phố xuất hiện ổ dịch, đã có hơn 1.000 con bò mắc bệnh viêm da nổi cục. Tại Quảng Ngãi, hiện nay toàn tỉnh có 3.456 con bò mắc bệnh viêm da nổi cục trong đó có 106 con chết, ước thiệt hại lên đến 3 tỷ đồng…

Lo ngại về thịt trâu, bò mắc bệnh, thị trường tiêu thụ thịt bò đã giảm trông thấy. Thậm chí có những địa phương thị trường thịt bò và các sản phẩm có sử dụng thịt bò gần như đóng băng.

Trước tình hình trên, các ngành chức năng tại các địa phương đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn, kiểm soát, phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục, ngăn ngừa sự lây lan, bùng phát bệnh trên diện rộng nhằm đảm bảo phát triển, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trâu, bò. Trong đó, tập trung mua vắc-xin để tiêm phòng bệnh cho trâu, bò; mua thuốc phun diệt ve, ruồi, muỗi ở tất cả các ổ dịch. Theo Cục Thú y, hiện nay, trên thế giới có khoảng 10 loại vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục. Ngoài ra, còn nhiều loại vắc-xin phòng bệnh đậu dê, đậu cừu có thể sử dụng để phòng bệnh vì chủng vi rút gây bệnh viêm da nổi cục.

Cùng với việc áp dụng các giải pháp phòng bệnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo, người chăn nuôi không được bán chạy, giết mổ, tiêu thụ trâu, bò có biểu hiện bị mắc bệnh mà phải báo ngay cho cơ quan chức năng và ngành thú y tại các địa phương để có biện pháp xử lý. “Quy định của pháp luật về thú y cấm tuyệt đối việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, bao gồm kể cả bệnh viêm da nổi cục. Các trường hợp cố tình buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm gia súc mắc bệnh sẽ bị xử lý nghiêm. Trong trường hợp không may nếu mua phải sản phẩm trâu, bò mà nghi nhiễm bệnh viêm da nổi cục, người dân cũng yên tâm là vi rút này không lây nhiễm ở người” - ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Thú y, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn thông tin.

Để dịch bệnh viêm da nổi cục nhanh chóng bị đẩy lùi, ngành chức năng của các địa phương phải chủ động theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, buôn bán trâu, bò, sản phẩm trâu, bò không rõ nguồn gốc để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm. Trường hợp phát hiện ổ dịch nghi ngờ gia súc mắc bệnh cần phải lấy mẫu để xét nghiệm bệnh và nếu mắc bệnh phải tổ chức tiêu hủy theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở gia súc; không giấu dịch; không mua, bán vận chuyển trâu, bò bệnh hoặc chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt trâu, bò bệnh hoặc chết; không vứt xác trâu, bò chết ra môi trường.         

Sóc Trăng:

Sản xuất hành tím theo vùng quy hoạch

Thời gian qua, xác định hành tím Vĩnh Châu là một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương, Sóc Trăng đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm nâng cao chuỗi giá trị hành tím.

Trong đó nổi bật là các dự án: “Trồng hành tím an toàn, theo hướng hữu cơ và sinh học, giai đoạn 2017 - 2019”, “Phát triển sản xuất theo quy trình GAP cho các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu giai đoạn 2015 - 2020” và Dự án “Chuỗi giá trị hành tím Vĩnh Châu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”. Ngoài ra, để hỗ trợ bà con tiêu thụ hành tím, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng còn đưa ra một số giải pháp cụ thể để triển khai trong thời gian tới.  Đó là: Tìm kiếm doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch, tập hợp nông dân sản xuất thành tổ hợp tác, hợp tác xã, giảm diện tích trồng hành mùa, tăng diện tích trồng vụ hành sớm, hành giống, xây dựng mô hình giảm giá thành… Triển khai các mô hình nhà lưới trồng hành và trồng hành theo quy trình VietGAP, hướng hữu cơ với diện tích hàng trăm héc-ta. Với các mô hình trên, hành dự trữ được lâu, màu sắc hành đẹp, bán được giá. Ngành nông nghiệp cũng đề nghị địa phương phối hợp quy hoạch vùng sản xuất; cơ cấu lại mùa vụ; nhân rộng các mô hình sản xuất hành tím theo hướng hữu cơ và tập hợp người dân sản xuất nhỏ lẻ vào tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tạo chuỗi liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp…

Theo số liệu sơ bộ của Phòng Kinh tế TX. Vĩnh Châu, diện tích hành tím của địa phương đạt hơn 6.600 héc-ta, trong đó hành thương phẩm xuống giống hơn 5.300 héc-ta, sản lượng ước đạt 103.935 tấn. Giá bán hành thời điểm hiện nay biến động từ 7.000 - 15.000 đồng/kg.

Lào Cai:

Ðào được mùa, được giá

Những ngày này, nông dân huyện Bắc Hà (Lào Cai) đang bước vào vụ thu hoạch đào Pháp. Nhờ khí hậu thuận lợi, cây đào năm nay đậu nhiều quả, đào thơm ngọt nên bà con bán được giá.

Tại khu vực trung tâm huyện Bắc Hà, nhất là ở quanh thị trấn và các xã Tả Chải, Na Hối, Bản Phố, những vườn đồi trồng cây đào Pháp bắt đầu vào chính vụ thu hoạch. Bên những cây đào chi chít quả, bà con nông dân đang tất bật thu hái để đem xuống chợ bán. Đặc biệt, vào mùa đào chín rộ, những vườn cây ở đây đều thu hút rất nhiều du khách tới tham quan, trải nghiệm.

Năm nay, người trồng đào Pháp rất phấn khởi vì được mùa được giá cao, không như vụ năm ngoái vừa mất mùa, vừa mất giá do ảnh hưởng dịch Covid-19, không có nơi tiêu thụ. Đầu vụ, giá đào xô, chọn dao động từ 15.000 - 25.000 đồng/kg, đào ngố loại 1 giá 40.000 đồng/kg. Hiện đã vào chính vụ, song giá đào xô vẫn duy trì ổn định từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, còn đào ngố từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.

Hiện giá đào Pháp bán lẻ tại thị trường Bắc Hà dao động từ 10.000 - 30.000 đồng/kg đối với 3 loại đào xô, đào chọn và đào to loại 1, tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/kg so với năm 2020. Trong đó giá đào ngố cao nhất, đạt từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.

Mấy năm gần đây, những loại cây ăn quả này mang lại lợi ích kép cho bà con nông dân, vừa đem lại nguồn thu từ hái quả bán, vừa tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo. Từ đầu tháng 4, khi mới vào hạ, các cơ sở lưu trú, dịch vụ homestay trên địa bàn đã tất bật đón khách. Dự kiến đến tháng 5, 6, 7, khi mận tam hoa, mận Tả Van và lê cùng chín, kết hợp với giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà, lượng du khách đến đây sẽ tăng lên. Theo đó bà con vừa bán được nông sản mình làm ra, vừa có thêm thu nhập từ các dịch vụ du lịch khác.

Đắk Lắk:

Ea Súp thất thu mùa điều

Nông dân huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) đang thu hoạch vụ điều. Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết khiến năng suất và chất lượng điều thấp. Bên cạnh đó, giá điều giảm liên tục khiến nông dân thất thu vụ này. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp, toàn huyện hiện có 4.280 héc-ta điều, tập trung chủ yếu tại các xã Ia R’vê, Cư Kbang, Ea Lê… Ngay từ đầu vụ, nhiều chủ vườn điều đã tích cực tưới thêm nước hằng ngày và bón thúc phân để tăng chất dinh dưỡng giúp cây ra hoa nhiều. Tuy nhiên, năm nay, nhiều vườn điều ra hoa khá muộn. Đợt ra hoa thứ hai, do trời nắng nóng gay gắt, mưa nhiều nên tỷ lệ đậu trái thấp hơn so với mọi năm, chỉ đạt từ 40 - 60%, năng suất khoảng 4,5 tạ/héc-ta. Hiện tại, nhiều diện tích điều cũng đang trong giai đoạn ra hoa đợt ba, nhưng với thời tiết hiện nay có khả năng sẽ ảnh hưởng đến việc đậu trái. Trong khi đó, giá điều liên tục đi xuống. Đầu tháng 3/2021 giá thu mua hạt điều tươi là 24.000 – 30.000 đồng/kg, gần đây giảm mạnh, có thời điểm dưới 24.000 đồng/kg. Năng suất thấp, giá cả không ổn định khiến nhiều nông dân trồng điều lo lắng.

Nghệ An:

Ngô sinh khối được giá

Do giá ngô sinh khối tăng cao hơn so với năm trước nên hiện tại bà con nông dân vùng bãi bồi sông Lam đã đồng loạt thu hoạch để bán cho các trang trại chăn nuôi. Các trang trại bò sữa ở Nghĩa Đàn (Nghệ An), Hà Tĩnh, Quảng Bình về đây mua cây ngô non rất nhiều bởi đây là thời điểm ngô trổ bông để bắt đầu thời kỳ cho hạt sữa, giá trị dinh dưỡng cao. Mới đầu họ ra giá 900.000 đồng/sào, mấy ngày nay thì tăng lên 1,3 đến 1,4 triệu đồng/sào. Nếu tính theo giá thị trường hiện tại, mỗi tạ ngô hạt khoảng 1,2 triệu đồng, mỗi sào ngô cho thu hoạch khoảng 3 tạ. Nếu chờ khoảng hơn 1 tháng nữa thì mỗi sào sẽ cho thu nhập khoảng hơn 3 triệu đồng. Năm nay giá ngô sinh khối cao hơn năm ngoái, do năm nay thời tiết thuận lợi, không bị chuột phá hoại nên ngô cho năng suất cao.

Bình Thuận (Bình Định):

“Đại thắng” mùa đậu phụng

Người trồng đậu phụng ở xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) đang thu hoạch đậu. Với giá bán 24.000 đồng/kg đậu khô, trừ hết chi phí các hộ thu lãi khá. Đậu phụng là cây dễ trồng, vốn đầu tư ít, đầu ra tương đối thuận lợi nên nhiều năm qua nông dân mở rộng diện tích trồng.

Vụ đông xuân năm nay, diện tích cây đậu phụng trên địa bàn xã đã lên 748,4 héc-ta, năng suất ước đạt 41,5 tạ/héc-ta (cao hơn vụ đông xuân trước 2 tạ/héc-ta). Ngoài sử dụng máy trỉa đậu, chế tạo béc phun nước để giảm bớt công tưới, người trồng đậu ở địa phương còn cơ giới hóa sản xuất bằng cách sử dụng máy lắc hạt để khâu thu hoạch nhanh hơn, hiệu quả hơn. Mùa đậu này, máy lắc hạt phải hoạt động liên tục cả ngày cả đêm, mỗi ngày làm trên 30 sào đậu. Người dân chuộng máy lắc hạt đậu bởi thu hoạch nhanh, gọn (chỉ 1 tiếng đồng hồ/sào); chi phí giảm chỉ còn 150.000 đồng/sào. Đậu phụng được mùa, được giá, người dân có việc làm, thu nhập cao.

Hà Tĩnh được mùa dưa

Được mùa, được giá nên dù mới bước vào giữa vụ thu hoạch nhưng nông dân trồng các loại dưa lê, dưa gang (dưa bở), dưa hấu... ở nhiều địa phương Hà Tĩnh rất phấn khởi. Hiện nay, thương lái đang thu mua tại nhà với giá 15.000 - 20.000 đồng/kg dưa lê, 8.000 - 10.000 đồng/kg dưa gang và dưa hấu. Thời tiết thuận lợi nên năm nay các ruộng dưa đều cho năng suất cao. Chỉ mới giữa vụ nhưng bà con đã thu hoạch đạt trung bình khoảng 6 - 7 tạ/sào dưa lê; dưa gang (dưa bở) và dưa hấu đạt 1 - 1,2 tấn/sào. Thời tiết thuận lợi cộng với chăm sóc tốt là yếu tố giúp vụ dưa năm nay đạt năng suất, chất lượng cao.

Cao Bằng:

Xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp thông minh

Phát huy thế mạnh của tỉnh biên giới, Cao Bằng đã xây dựng Đề án phát triển nông nghiệp thông minh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và coi đây là đột phá chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo đó, Cao Bằng sẽ chú trọng vào quy hoạch, phát triển vùng sản xuất trên các lĩnh vực phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương. Đa dạng hóa các hình thức liên kết giữa người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản thông qua các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế. Trong đó, xác định mục tiêu hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp để ổn định sản xuất, vùng phát triển sản xuất tập trung các cây trồng, vật nuôi chủ lực, xây dựng vùng nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao phù hợp với các cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, thế mạnh. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật VietGap, GlobalGap, hữu cơ...

Về trồng trọt, Cao Bằng tiếp tục ổn định diện tích sản xuất nông nghiệp hằng năm,  bảo đảm an ninh lương thực, quy hoạch các vùng trọng điểm trồng lúa chất lượng cao (Japonica), lúa đặc sản (Pì Pất, nếp Hương, nếp Ong). Tiếp tục phát triển các loại cây công nghiệp như: Thuốc lá, sắn, lạc, mía... trên cơ sở sử dụng giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Phát triển các cây trồng ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ cao như: Gừng, nghệ, chanh leo, lê, cam, quýt, dẻ… Chú trọng vào khâu chọn giống, kỹ thuật sản xuất, công nghệ bảo quản, chế biến, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật VietGap, hữu cơ...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tập trung phát triển chăn nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng nhằm đa dạng hóa vật nuôi, triển khai các giải pháp chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gia trại, trang trại. Hình thành các khu, dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, đặc biệt là các dự án: Trang trại bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại huyện Quảng Hòa; chăn nuôi lợn tập trung tại các huyện: Trùng Khánh, Hòa An, Hà Quảng. Tiếp tục thu hút các doanh

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Tây Ninh:

Cần xử lý dứt điểm tình trạng lúa giống trôi nổi

Tại Tây Ninh, thời gian gần đây, tình trạng người dân mua phải lúa giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng thường xuyên xảy ra. Hậu quả là một số trường hợp sau khi ngâm, lúa giống không nẩy mầm hoặc tỷ lệ nẩy mầm thấp.

Lợi dụng nhu cầu lúa giống tăng cao vào đầu mỗi vụ sản xuất và tâm lý ham rẻ của một số nông dân, nhiều đối tượng đã làm giả lúa giống để trục lợi. Thông thường các đối tượng trên có cùng thủ đoạn là tự giới thiệu mình có người quen làm tại các đơn vị sản xuất lúa giống có thương hiệu trên thị trường, móc nối để “tuồng” lúa giống ra bên ngoài để kiếm lời. Do vậy, những bao lúa giống giao cho nông dân thường không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ được bán với giá rẻ hơn từ 1.000 - 3.000 đồng/kg so với giống cùng loại mua tại các đại lý. Đồng thời, để tạo niềm tin, những người này thường làm thêm tờ cam kết đánh máy sẵn kèm theo giao kèo sẽ thu mua lúa thương phẩm sau thu hoạch của nông dân với mức giá cao hơn giá thị trường. Cũng có trường hợp đối tượng làm giả thu mua lại bao bì đã qua sử dụng để đóng gói, giả làm lúa giống cấp xác nhận. Những bao lúa giống này được thương lái chào mời tận nhà người dân với giá rất rẻ.

Trên thực tế, việc tồn tại những giống lúa không có nhãn mác, bao bì, không rõ nguồn gốc xuất xứ, lúa giống giả nhãn hiệu kém chất lượng không những làm giảm năng suất mà còn ảnh hưởng kéo dài đến nhiều mùa vụ tiếp theo. Chính vì vậy, hàng năm mỗi khi bước vào mùa vụ sản xuất lúa mới, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện thường khuyến cáo bà con nông dân không mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, trước sự lôi kéo của các đối tượng cò, lái, nhiều nông dân vẫn mua và sử dụng loại giống này. Nhằm ngăn chặn tình trạng này tái diễn, Tây Ninh đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc kinh doanh các loại giống cây trồng. Đối với trường hợp các địa phương và người dân phát hiện những đối tượng chào bán lúa giống không có giấy tờ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

HÀNG VIỆT

Tuyên Quang:

Mở rộng những làng chè sạch

Hiện nay, các xã vùng ATK Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) đã hình thành những làng chè nổi tiếng, diện tích vùng nguyên liệu của mỗi làng rộng cả trăm héc-ta. Đó là làng chè Vĩnh Tân (xã Tân Trào); làng chè Ngân Sơn - Trung Long (xã Trung Yên). Đây là những địa danh có sản phẩm chè đạt OCOP và đã chinh phục được các thị trường khó tính ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Vụ chè sớm trên ATK Tân Trào

Những ngày này, bà con vùng ATK Tân Trào rộn ràng vào vụ thu hái chè. Tuy chè chớm vụ cho năng suất chưa cao nhưng chất lượng tốt và được giá. Đến những làng chè vùng ATK Tân Trào, một đặc điểm dễ thấy là người dân nơi đây hái toàn bộ bằng tay, không dùng máy. Việc hái bằng tay giúp bà con chủ động được việc chọn lựa búp và số lượng lá cần hái. Ngoài việc bán chè tươi cho các cơ sở sản xuất, nhiều hộ gia đình còn chủ động mang về tự chế biến. Ngoài ra, hộ nào cũng có từ một đến vài máy sao chè thủ công. Làm như vậy sẽ mất công hơn nhưng khi bán sẽ được giá hơn. Vào vụ chè, ngoài các thành viên trong gia đình, nhiều hộ đã huy động thêm anh em họ hàng rồi trả tiền công cho họ đảm bảo kịp giai đoạn thu hoạch tốt nhất. Nhờ trồng chè, nhiều hộ ở Tân Trào đã có cuộc sống ấm no, mỗi năm thu về hơn 100 triệu đồng. Theo tính toán sơ bộ, với 1 héc-ta chè vào thời điểm chè rộ, mỗi tháng có thể sản xuất được 3 tạ chè khô, sau khi xuất bán, trừ chi phí thu lãi khoảng 20 triệu đồng/tháng.

Nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm chè

Nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm chè, người dân ở các làng chè vùng ATK Tân Trào đã chủ động làm chè sạch. Bởi họ ý thức được rằng thu hoạch chè phun thuốc bảo vệ thực vật còn có dư lượng thì trước hết hại đến sức khỏe của chính người trồng, người thu hái, chế biến. Huyện Sơn Dương cũng đã thành lập được các hợp tác xã (HTX) chế biến chè như HTX chè Vĩnh Tân; HTX chè Ngân Sơn - Trung Long. Các HTX này được hình thành đã dần giải quyết được vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Các thành viên HTX đã nhiều năm thực hiện quy trình sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP nên cũng không khó để chuyển đổi sang quy trình hữu cơ. Với mô hình sản xuất chè hữu cơ, các thành viên trong HTX trồng các loại hoa cúc là khắc tinh của một số loại rầy và bọ xít muỗi, giúp giảm thiểu sâu hại chè; thu hút côn trùng gây hại; tiến hành cải tạo, bổ sung các chất dinh dưỡng hữu cơ vào đất cho cây và đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động.

Chăm sóc chè theo quy trình hữu cơ năng suất giảm 30% so với chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng chất lượng chè được đảm bảo hơn và giá bán cao gấp đôi. Cụ thể, mỗi sào chè hữu cơ mỗi lứa thu được 20 kg chè khô, giá bán 500.000 - 600.000 đồng/kg, chè VietGAP chỉ bán với giá 250.000 đồng/kg. Tính ưu việt của sản xuất chè theo quy trình hữu cơ là tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng, an toàn cho sức khỏe của người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

Với những nương chè xanh ngát trải dài tít tắp, các làng chè ở vùng ATK Tân Trào còn là điểm đến hấp dẫn cho những du khách yêu thích trải nghiệm, khám phá. Đây cũng là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch khám phá và trải nghiệm, đồng thời mang lại nguồn thu cho người dân ATK.

Huyện Sơn Dương đã xây dựng được 6 làng nghề sản xuất, chế biến chè gồm: Làng nghề chè thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào; làng chè thôn Đồng Hoan, xã Tú Thịnh; làng chè thôn Liên Phương, xã Phúc Ứng; làng chè thôn Yên Thượng, xã Trung Yên; làng chè thôn Đồng Đài, xã Hợp Thành và làng chè thôn Cảy, xã Minh Thanh.