Thông tin thị trường giá cả số 44/2021

04:14 PM 08/11/2021 |   Lượt xem: 20007 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Tuần Giáo - Điện Biên:

Ngô được mùa được giá

Được xem là vựa ngô của tỉnh Điện Biên, những ngày tháng 10, bà con nông dân huyện Tuần Giáo tất bật huy động nhân lực, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch ngô vụ xuân hè. Niềm vui của nông dân được nhân lên gấp đôi bởi ngô được mùa, tiêu thụ tốt. Thậm chí, nhiều thương lái đến tận nương bao tiêu sản phẩm.

Vụ ngô xuân hè năm nay, huyện Tuần Giáo gieo trồng 6.550 héc-ta ngô, tập trung ở các xã vùng cao: Pú Nhung, Tỏa Tình, Rạng Đông, Phình Sáпg, Ta Ma… Nhiều năm trở lại đây, nông dân Tuần Giáo đã chuyển từ gieo trồng giống ngô truyền thống năng suất thấp sang sử dụng giống ngô lai cho năng suất cao. Đặᴄ biệt, nhờ thời tiết thuận lợi cùng với việc đưa các giống ngô lai chất lượng cao vào gieo trồng nên năng suất ngô tăng, ước đạt 28 tạ/héc-ta; sản lượng toàn huyện đạt khoảng hơn 14.000 tấn. Bà con rất phấn khởi vì vụ ngô năm nay được mùa, được giá. Nếu như giá ngô bắp tại nương năm 2020 chỉ đạt từ 2.200 – 2.500 đồng/kg, thì vụ ngô này giá dao động từ 3.500 – 4.000 đồng/kg đã đem lại nguồn thu đáпg kể cho người dân.

Thời điểm này, tại xã Pú Nhung, đâu đâu cũng thấy không khí rộn ràng thu hoạch ngô. Với hơn 700 héc-ta diện tích trồng ngô, người dân xã Pú Nhung phải thu hoạch kéo dài từ đầu tháng 9 đến hết tháng 10 mới xong. Những năm trước đây, bà con xã Pú Nhung đã có thói quen trồng ngô trên nương, xen kẽ với những cây trồng khác. Trong 5 năm trở lại đây, bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt; đồng thời, đưa các loại ngô lai giống mới vào trồng thử nghiệm với diện tích lớn đạt hiệu quả cao về năng suất và sản lượng ngô khi thu hoạch. Mỗi năm 2 vụ, cây ngô được bà con trồng thành vùng, phủ kín các cánh đồng, mảnh nương, thậm chí còn thay thế một số giống cây nông nghiệp khác kém hiệu quả, không có đầu ra. Vụ xuân hè năm nay, nhiều thương lái thập phương biết đến chất lượng ngô lai Pú Nhung đã đến tận nương thu mua cho bà con. Giá ngô bắp bán thu mua tại nương cũng được giá hơn hẳn mọi năm. Giá bán trung bình ngô bắp là 3.500 – 3.700 đồng/kg. Riêng các diện tích ngô bắp chất lượng tốt hơn có thể bán được 4.000 đồng/kg. Cùng với niềm vui được mùa, được giá, vụ này bà con xã Pú Nhung phấn khởi hơn khi mới vào đầu vụ thu hoạch ngô nhưng thương lái đã đặt mua gần hết những diện tích ngô của xã. Đây cũng là dấu hiệu khả quan về thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của nông dân và mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho bà con trong xã. Về lâu dài, để thị trường đầu ra cho bắp ngô lai được ổn định, chính quyền xã Pú Nhung đã tính tới phương án hợp đồng năm với thương lái chuyên thu mua ngô lai theo thời vụ; đồng thời, tuyên truyền, vận động bà con tăng thêm các diện tích chuyên canh cây ngô lai bằng cách khai hoang thêm đất trống đồi trọc, hỗ trợ kinh phí mua giống ngô, phân bón…

Tại xã Tỏa Tình, dọc tuyến đường bê tông từ bản lên nương từng vạt ngô đã ngả vàng, từng tốp xe máy nối nhau chở ngô về bản. Xác định thế mạnh về cây ngô, những năm gần đây xã Tỏa Tình đã chủ động, khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích lúa nương năng suất thấp sang trồng ngô. Vì thế vụ xuân hè này, diện tích ngô của xã Tỏa Tình được mở rộng với trên 500 héc-ta. Hiện diện tích đã thu hoạch đạt trên 70%, năng suất đạt từ 30 – 35 tạ/héc-ta. Thời gian tới, xã tiếp tục chỉ đạo người dân tranh thủ thời tiết thuận lợi huy động nhân lực để thu hoạch, bảo quản ngô đảm bảo chất lượng, phấn đấu đến cuối tháпg 11 xã thu hoạch xong toàn bộ diện tích ngô.

Hy vọng rằng, trong tương lai gần, cây ngô lai trên mảnh đất biên cương không đơn thuần là cây nông nghiệp giúp xóa đói, giảm nghèo cho bà con nông dân mà còn trở thành sản phẩm hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao.

Chư Sê - Gia Lai:

Tăng đàn bò phục vụ thị trường cuối năm

Để phục vụ thị trường thịt bò dịp cuối năm tăng cao, người chăn nuôi ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đầu tư chi phí tăng đàn, chuẩn bị nguồn cung...

Chư Sê là một trong những địa phương có tổng đàn bò lớn của tỉnh Gia Lai. Mặc dù ngành nông nghiệp đang chịu nhiều ảnh hưởng do dịch Covid-19 nhưng huyện Chư Sê vẫn giữ vững đà tăng trưởng trong lĩnh vực chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường. Tính đến hết tháng 9/2021, tổng đàn bò toàn huyện tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện nay, các xã có lợi thế chăn nuôi gia súc ở Chư Sê như: Hbông, Ayun, Al Bá… cũng đang tăng đàn bò. Với tốc độ tái đàn như hiện nay, huyện phấn đấu duy trì đàn bò 28.000 con.

Để đồng hành cùng người chăn nuôi tái đàn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã có kế hoạch tiêm phòng các loại vắc-xin viêm da nổi cục, tụ huyết trùng, lở mồm long móng đối với những vật nuôi trong diện tiêm phòng. Tiếp tục theo dõi sát sao và ký cam kết đến từng hộ chăn nuôi không giấu dịch. Ngành chăn nuôi cũng khuyến cáo bà con phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêu độc khử trùng định kỳ khu vực chăn nuôi bằng hóa chất; bổ sung các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn cho đàn gia súc, chủ động nguồn thức ăn như: Rơm khô, thân cây bắp, cỏ… để đáp ứng nhu cầu cho vật nuôi trong mọi thời điểm. Bên cạnh đó, các hộ dân, chủ trang trại chăn nuôi triển khai nhiều giải pháp thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn cho thị trường, nhất là các tháng cuối năm.         

Hàm Yên - Tuyên Quang:

Xây dựng phương án tiêu thụ cam

Đầu tháng 10/2021, Tập đoàn Masan đã có buổi làm việc với huyện Hàm Yên nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm cam sành sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ.

Mục tiêu của tập đoàn là cùng với tỉnh Tuyên Quang và huyện Hàm Yên tổ chức kết nối cung – cầu hàng hóa nông sản lâu dài, xây dựng bản ghi nhớ về cung cầu hàng hóa đối với các sản phẩm tiêu thụ, trong đó có cam sành Hàm Yên. Dự kiến cuối tháng 11/2021, Tập đoàn Masan sẽ hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang mặt bằng dựng gian hàng thực hiện tuần lễ bán và giới thiệu sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh Tuyên Quang tại Hà Nội. Tập đoàn Masan hiện đang quản lý và vận hành hơn 2.500 cửa hàng Vinmart và Vinmart+ trong cả nước. Để đưa được sản phẩm nông sản của tỉnh Tuyên Quang vào hệ thống siêu thị của tập đoàn, bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất an toàn theo các tiêu chí, chỉ tiêu chất lượng mà tập đoàn đưa ra.

Trước đó, huyện Hàm Yên đã xây dựng phương án tiêu thụ cam, bảo đảm không để cam tồn đọng. Năm nay, thời tiết cực đoan mưa to, nắng gắt nên sản lượng cam dự báo sẽ giảm so với năm ngoái. Để bảo đảm tiêu thụ 80.000 tấn cam, ổn định về giá và giữ vững thương hiệu cam sành Hàm Yên trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, huyện đã và đang tích cực liên hệ, phối hợp với các ngành xây dựng phương án tiêu thụ cam. Tăng cường phối hợp với Sở Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối tiêu thụ sản phẩm cam với các Tập đoàn phân phối, sở hữu các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như: Big C, Lan Chi, Vinmart&Vinmart+, Fivimart và Citimart; kết nối tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử như: Sen đỏ, Vỏ sò, PostMart...

Với các giải pháp và phương án tiêu thụ cụ thể, huyện Hàm Yên phấn đấu cơ bản tiêu thụ hết sản lượng cam niên vụ 2021 - 2022. Cam Hàm Yên đã được người tiêu dùng bình chọn là 1 trong 50 trái cây đặc sản Việt Nam, lọt tốp 10 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng; được Cục sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý sản phẩm “Cam sành Hàm Yên”. Đây là lợi thế để cam Hàm Yên gia tăng sức cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Hậu Giang:

Mít Thái lên giá vì thị trường xuất khẩu tăng

Hiện nay, các vựa mít Thái tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đang tăng cường thu mua mít phục vụ thị trường xuất khẩu. Vì vậy, mít Thái đã tăng giá từ 25.000 đồng/kg lên 31.000 đồng/kg (loại 1). Mít loại 2 cũng có giá thu mua tại vựa là 21.000 đồng/kg. Đặc biệt, mít chợ (dạt) hoặc mít xơ đen cũng được nhiều vựa nhỏ chuyên mua hàng chợ thu gom với giá 5.000 đồng/kg. Giá này bằng với lúc mít Thái thấp nhất vào vụ thuận năm 2020. Nguyên nhân khiến mít tăng giá là do đang trong mùa nghịch nên giá cao hơn so với mùa thuận. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng loại trái cây này của Việt Nam. Vào mùa thuận sản lượng thu mua có khi lên đến 50 - 60 tấn/ngày.

Vĩnh Long:

Dừa khô tăng giá mạnh

Tuần qua, giá dừa khô luôn duy trì ở mức cao, thương lái vào tận vườn thu mua với giá 100.000 - 115.000 đồng/chục (12 trái), tăng 15.000 - 20.000 đồng/chục so với tháng trước. Thời điểm này nhiều vườn dừa cho ít trái vì ảnh hưởng bởi sâu bệnh và thời tiết bất lợi, dừa không được chăm sóc tốt, trái dừa cũng ít đẹp. Nhiều vườn phải “vét” mới đủ số lượng. Dự báo, từ nay đến tết, giá dừa khô sẽ còn tăng do nhu cầu chế biến thực phẩm dịp tết tăng. Các thương lái cũng cho biết thêm, giá dừa khô tăng mạnh do nhu cầu tiêu thụ tăng cao; các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu dừa khô cũng đã hoạt động trở lại, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương dễ dàng hơn.

Đơn Dương - Lâm Đồng:

Đề nghị hỗ trợ tiêu thụ 10.000 tấn củ năng

Huyện Đơn Dương đã đề nghị Sở Công Thương Lâm Đồng có giải pháp hỗ trợ tiêu thụ 10.000 tấn củ năng thu hoạch tại vùng nông nghiệp xã Pró. Đây là địa bàn có hơn 60% đồng bào dân tộc thiểu số, hàng năm gieo trồng củ năng chuyên canh theo mô hình hợp tác xã trên tổng diện tích khoảng 350 héc-ta, đạt tổng sản lượng thu hoạch khoảng 10.000 tấn. Do tác động của dịch bệnh, đến thời điểm hiện tại, Hợp tác xã Củ năng Pró không thể kết nối được thị trường đầu ra, các thương lái đã tạm ngừng thu mua, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của đồng bào. Hiện tại, đơn giá củ năng đã được rửa sạch tại kho là 12.000 đồng/kg, nếu cung cấp đến nơi khác thì phải cộng thêm chi phí vận chuyển.

Thuận Châu - Sơn La:

Thu mua 500 tấn quả sơn tra

Hiện nay, huyện Thuận Châu có 5.167 héc-ta quả sơn tra, trong đó diện tích cho thu hoạch là 1.700 héc-ta với tổng sản lượng cho thu hoạch năm 2021 ước đạt 4.250 tấn quả tươi. Dịch bệnh COVID-19 đã gây ảnh hưởng đến việc tiêu thụ quả sơn tra. Trước tình hình này, huyện Thuận Châu đã quyết liệt tìm đầu ra sản phẩm. Trong đó, Công ty Dược liệu Hảo Sớm (bản Kiến Xương, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu) đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Dương Minh Sơn (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) bao tiêu sản phẩm cho bà con với số lượng 1.000 tấn quả sơn tra tươi, 500 tấn quả sơn tra khô. Đến nay, Công ty Dược liệu Hảo Sớm đã thu mua trên 500 tấn quả sơn tra tươi, trong đó đã sơ chế, sấy khô trên 100 tấn sơn tra khô cho Công ty TNHH Dương Minh Sơn.

Ninh Hòa - Khánh Hòa:

Muối tồn đọng

Mặc dù chuẩn bị vào mùa mưa bão nhưng trên những cánh đồng muối thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), hàng ngàn tấn muối đang chất đống phủ bạt chưa bán được, diêm dân lo lắng.

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, muối làm xong thương lái không thể đến mua nên chất đống ngoài đồng. Thời tiết nắng thì muối khô lại, mưa thì trôi đi nên 3 tháng qua muối đã hao hụt trên 10%. Đối với việc làm muối, diêm dân bỏ ruộng từ tháng 7 đến tháng 2 (âm lịch) năm sau mới làm lại nên mỗi năm lượng muối tồn qua mùa mưa bão hao hụt 40%. Hiện nay, muối Ninh Hòa có 2 loại: Muối đất (làm tự nhiên không lót bạt) và muối bạt (lót bạt để làm muối). Giá muối bạt 900 đồng/kg, muối đất 700 đồng/kg, cao hơn mọi năm 200 đồng/kg. Tuy nhiên, diêm dân chủ yếu làm muối đất do chi phí làm muối bạt rất lớn; trung bình 1 héc-ta muối bạt chi phí khoảng 40 triệu đồng để san mặt bằng, phủ bạt, nhân công…

Một trong những nguyên nhân khiến muối ứ đọng là do các công ty sản xuất chế biến và xuất khẩu muối ngưng hoạt động do dịch Covid-19. Theo Công ty Cổ phần Muối Khánh Hòa, một trong những khu vực sản xuất muối của công ty nằm tại địa bàn phường Ninh Diêm với diện tích 300 héc-ta. Các tháng 7, 8, 9 hàng năm là cao điểm sản xuất muối và là thời điểm có tính quyết định đến kết quả sản xuất cả năm của công ty. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, giãn cách xã hội nên 200 công nhân của 2 đơn vị Xí nghiệp Muối xuất khẩu Hòn Khói và Xí nghiệp Chế biến muối Hòn Khói trực thuộc công ty không thể đi làm, ảnh hưởng lớn đến kết quả sản xuất của công ty.

Thời điểm này các năm trước, muối đã được bán gần hết, lượng muối tồn rất ít. Năm nay, giá muối cao hơn nhưng do dịch Covid-19 khiến các cung đường bị phong tỏa, xe chở hàng hóa không thông thương được dẫn đến lượng muối ứ đọng, tồn hơn 3.000 tấn (phần lớn là muối đất). Địa phương đang tìm cách tiêu thụ lượng muối tồn đọng cho diêm dân, đồng thời, phủ bạt để giữ lượng muối tồn qua mùa mưa bão.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

An Giang:

Gia tăng vi phạm trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp

Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn An Giang đã xảy ra hơn 100 vụ vi phạm trong kinh doanh, sản xuất vật tư nông nghiệp, trong đó tỷ lệ sai phạm chiếm cao nhất là mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Thời gian qua, Tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang đã đồng loạt kiểm tra các cơ sở kinh doanh và sản xuất vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã phát hiện nhiều sản phẩm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sai phạm ở nhiều hình thức. Điển hình là nhiều trường hợp tên sản phẩm, chỉ dẫn địa lý so với quyết định lưu hành không đúng với nhau. Chẳng hạn như sản phẩm phân bón khi đăng ký với cơ quan chức năng rất cụ thể và đúng tiêu chuẩn nhưng khi sản xuất lưu hành trên thị trường thì lại công bố thấp hơn so với đăng ký trước đó. Điều này gây sự ngộ nhận cho bà con nông dân mua về sử dụng gây thiệt thòi về chất lượng sản phẩm và còn ảnh hưởng đến năng suất mùa vụ. Tiếp đến là tình trạng các cơ sở kinh doanh phân bón và thuốc BVTV bán hàng hóa không hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng hóa.

Là tỉnh có đường biên giới tiếp giáp gần với Campuchia, tạo thuận lợi giao thương hàng hóa giữa 2 quốc gia nhưng cũng là kẽ hở để từ đó hàng nhập lậu, trong đó có nhóm hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật xuất hiện. Vì vậy, trong thời gian tới, các lực lượng chức năng tỉnh An Giang sẽ thường xuyên kiểm tra và xử lý các vấn nạn trong kinh doanh vật tư nông nghiệp.

HÀNG VIỆT

Thanh long Bình Thuận:

Được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản

Đây là nông sản thứ 2 của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Qua đó mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận.

Sau hơn 3 năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, ngày 7/10/2021, Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) đã chính thức cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận. Vốn là một thị trường “khó tính” hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận phải đối mặt với nhiều khó khăn về sửa đổi hồ sơ cho phù hợp với yêu cầu của Nhật Bản.

Hiện tại có 5 đơn vị của Bình Thuận đủ năng lực cung cấp quả thanh long đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu và cũng là 5 nơi dự kiến cung cấp thanh long sang Nhật Bản gồm các huyện: Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và TP. Phan Thiết.

Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng ở đó tin tưởng gần như tuyệt đối và có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại Nhật Bản. Vì thế, đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa thanh long vào Nhật Bản cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản khác của Việt Nam tại thị trường khó tính này.

Hướng Hóa - Quảng Trị:

Phát triển thương hiệu cà phê Khe Sanh

Huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là một trong những vùng trọng điểm trồng cà phê Arabica của Việt Nam với diện tích khoảng 5.000 héc-ta. Địa phương này nổi tiếng trong và ngoài nước với thương hiệu cà phê Arabica Khe Sanh.

Đây là địa phương của tỉnh Quảng Trị được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  chọn để xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản Việt Nam với diện tích khoảng 60 héc-ta ở xã Hướng Phùng. Để triển khai thực hiện hiệu quả việc xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản Việt Nam, hiện nay, huyện Hướng Hóa đang từng bước nhân rộng diện tích cà phê đặc sản ra địa bàn các xã, thị trấn của huyện. Đồng thời, tiến hành rà soát lại diện tích cà phê hiện có để có kế hoạch thâm canh, nâng cao chất lượng cà phê và đề xuất chuyển đổi đối với diện tích cà phê kém hiệu quả. Đặc biệt, sản phẩm cà phê Arabica Khe Sanh đã đạt giải Nhất tại cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2021 do Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức. Đây là cuộc thi nhằm phát hiện và tôn vinh những lô cà phê, đơn vị sản xuất cà phê nhân đạt tiêu chuẩn đặc sản. Giới thiệu sản phẩm cà phê nhân đặc sản của Việt Nam với người tiêu dùng, nhà sản xuất trong và ngoài nước. Cuộc thi cũng góp phần kết nối nhà rang xay với các đơn vị sản xuất cà phê đặc sản. Qua đó, gia tăng giá trị cho cà phê đặc sản, tạo điều kiện cho người trồng cà phê quan tâm đến việc nâng cao chất lượng. Năm nay, cuộc thi đã thu hút sự tham gia của 41 đơn vị đến từ các tỉnh. Kết quả, trong 20/47 mẫu cà phê đặc sản lọt vào vòng chung kết, đã có 3 mẫu Arabica và 3 mẫu Robusta đạt điểm cao nhất được Ban tổ chức lựa chọn để trao giải cho các đơn vị tham gia.

Cà phê Arabica Khe Sanh là một trong tám vùng cà phê chè trọng điểm của Việt Nam. Với chiến lược tái canh hiệu quả cây cà phê chè trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đang cấp bách tái cơ cấu ngành nông nghiệp cà phê để phát triển thương hiệu cà phê Khe Sanh.