Số hóa toàn bộ thông tin cá nhân công dân: Chặng đường còn dài

02:43 AM 27/03/2013 |   Lượt xem: 1768 |   In bài viết | 

608 văn bản quy phạm pháp luật sẽ phải sửa đổi, bổ sung

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Bộ Tư pháp, hiện có gần 1.300 thủ tục hành chính (TTHC) trong mẫu đơn khai yêu cầu thông tin cơ bản về công dân hoặc yêu cầu xuất trình/nộp bản sao/bản sao có chứng thực một số giấy tờ: giấy khai sinh/chứng sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân/hộ chiếu, sơ yếu lý lịch, giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng tử.

Do đó, nếu vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp cắt giảm tổng chi phí khoảng 1.643 tỷ đồng. Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý ngành, lĩnh vực giúp giảm việc phải xuất trình các loại giấy tờ cá nhân, công dân liên quan còn các cơ quan quản lý nhà nước không phải bố trí nguồn lực chỉ để nhập các thông tin cơ bản về công dân vào các cơ sở dữ liệu của ngành, lĩnh vực mình.

Thực tế từ việc triển khai Đề án 30 cho thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý công dân, giải quyết TTHC cho công dân cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng về phát triển công nghệ thông tin và triển khai “cơ chế một cửa” “một cửa liên thông” ở nước ta. Tuy nhiên, với quy mô áp dụng rộng khắp trên cả nước, liên quan tới toàn dân và hoạt động của tất cả các bộ, ngành, địa phương nên sẽ không tránh khỏi khó khăn khi triển khai Đề án.

Ông Phan cho biết, trước hết, để đơn giản hóa gần 1.300 TTHC và các giấy tờ công dân, Đề án phải kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đối với 608 văn bản quy phạm pháp luật gồm 97 Luật, Pháp lệnh; 157 Nghị định; 26 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 237 Thông tư, Thông tư liên tịch và 91 Quyết định của Bộ trưởng…

Thực tiễn triển khai thực thi các Nghị quyết đơn giản hóa TTHC của Chính phủ, các bộ, ngành còn chưa chủ động trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân.

Theo mục tiêu của Đề án đến năm 2020, dữ liệu của toàn bộ công dân sẽ được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để các bộ, ngành, địa phương khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, hiện có 12 cơ sở dữ liệu của 9 bộ, ngành đã và đang trong quá trình khai thác, sử dụng, nhiều cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng đang được nghiên cứu, xây dựng để phục vụ mục tiêu quản lý ngành. Nếu việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến việc kết nối, chia sẻ thông tin do đó mục tiêu đơn giản hóa các cơ sở dữ liệu sẽ không đạt được.

Thêm vào đó, thông tin xác lập thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công an và Bộ Tư pháp, trong đó có các TTHC trong lĩnh vực hộ tích được thực hiện tại UBND xã. Vì vậy, để triển khai Đề án, cần khẩn trương thiết lập đội ngũ cán bộ hộ tịch chuyên trách đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ và trình độ tin học.

Không quyết liệt khó triển khai hiệu quả

Thảo luận tại Hội thảo, nhiều đại biểu bày tỏ sự thống nhất với nội dung của Đề án và cho rằng cần nhanh chóng triển khai quá trình cấp số định danh để thống nhất quản lý dân cư, thay vì buộc người dân phải loay hoay tìm cách chứng minh nhân thân của mình như hiện nay.

Tuy nhiên việc sử dụng số CMTND mới thay thế số CMTND cũ đang dùng để giao dịch trong rất nhiều thủ tục hiện hành sẽ thế nào; khi triển khai Đề án thì các bộ, ngành kết nối, sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia như thế nào, tính bảo mật thông tin cá nhân ra sao, và có nên tổ chức lấy ý kiến cộng đồng khi triển khai các nội dung của Đề án… là các vấn đề gắn với tình hình thực tế có thể phát sinh khi triển khai đề án.

Theo ông Phạm Xuân Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội cho rằng, nếu không quyết liệt thì rất khó khăn trong triển khai thực hiện. Ngay từ bây giờ, cần triển khai số định danh đối với trẻ em ngay từ khi bắt đầu sinh ra và có quá trình theo dõi liên tục để bổ sung thêm các thông tin đầy đủ trong quá trình trưởng thành và cần bổ sung thêm các thông tin cá nhân cần thiết. Khi triển khai số định danh, không cần bất cứ một thứ giấy tờ nào khác, như vậy sẽ góp phần tiết giảm các loại chi phí quản lý của cơ quan nhà nước, thời gian của công dân…

“Cho dù khó hay dễ nếu không quyết tâm thì sẽ không thể triển khai. Do đó, rất cần sự vào cuộc của tất các cấp, bộ, ngành, địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị trong quá trình triển khai” ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Bộ Tư pháp khẳng định.

Hương Nguyên (Nguồn: Báo Nhân dân)