Đoàn công tác của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử thăm và làm việc tại tỉnh Ninh Thuận
09:32 AM 10/04/2015 | Lượt xem: 34806 In bài viết |Chiều ngày 09/04/2015, đồng chí Giàng Seo Phử, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc dẫn đầu Đoàn công tác đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Ninh Thuận để kiểm tra tình hình công tác dân tộc, kết quả thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh và Chương trình tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg ngày 18/02/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc: “Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - trật tự đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới”.
Tiếp Đoàn có các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ban ngành, các huyện trong tỉnh.
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Trong thời gian vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể quán triệt, phổ biến các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Chính phủ về công tác dân tộc nói chung và công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng; triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, quyết định của Thủ tướng như: Chương trình 135, Quyết định 775/QĐ-TTg, Quyết định 33/2013/QĐ-TTg, Chương trình xây dựng Nông thôn mới, công tác cán bộ người dân tộc thiểu số. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó, trong các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương chung về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đều gắn với việc đề ra nhiệm vụ thực hiện công tác dân tộc và xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. UBND tỉnh rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành về công tác dân tộc để hoạch định chương trình, kế hoạch nhằm nâng cao hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm củng cố, kiện toàn bộ máy tham mưu công tác dân tộc trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: Chính phủ phân bổ kinh phí theo suất đầu tư được quy định trong Quyết định 551/QĐ- TTg để tỉnh có điều kiện thực hiện nhanh các mục tiêu của Chương trình; đối với Chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Quyết định 755/QĐ- TTg, đề nghị Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện, cân đối cấp vốn đủ theo lộ trình của Đề án; cần xây dựng cơ chế lồng ghép vốn các chương trình, dự án; có cơ chế chính sách đặc thù cho cán bộ làm công tác dân tộc…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ
trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử ghi nhận những nỗ lực của Đảng bộ, chính
quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Ninh Thuận trong phát triển kinh tế - xã hội
địa phương. Mặc dù là tỉnh rất khó khăn và khí hậu khắc nghiệt, nhưng tỉnh đã
đạt được những thành tựu kinh tế đáng khích lệ trong thời gian qua.
Bộ trưởng yêu cầu tỉnh Ninh Thuận tiếp tục rà soát đánh giá toàn diện, thực chất
tình hình thực hiện các cơ chế, chính sách đối với đồng bào dân tộc làm cơ sở để
đề xuất, triển khai hiệu quả các đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã
hội, chính sách dân tộc cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng nông thôn, miền
núi.
Mặt khác, Ninh Thuận cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, chủ động xây dựng và thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội thiết thực; sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp với yêu cầu thực tiễn; quan tâm đến đời sống, nâng cao thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy tinh thần đoàn kết và giữ gìn chủ quyền, an ninh biên giới…
Bộ trưởng cũng thông báo, hầu hết các chính sách sắp hết hiệu lực. Trong thời gian tới còn rất ít chính sách, theo kế hoạch trung hạn 2016- 2020 chỉ còn 2 chương trình lớn, đó là Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình Xây dựng nông thôn mới. Do vậy, tỉnh Ninh Thuận cần chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc và xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng đặc biệt khó khăn.
NGUYỄN QUÂN – NGUYỄN CƯƠNG