Hoạt động KH&CN của Ủy ban Dân tộc: Chủ động cung cấp cơ sở khoa học phục vụ công tác dân tộc

10:00 AM 12/05/2016 |   Lượt xem: 106940 |   In bài viết | 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bài phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ I Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam ngày 18/5/1963.

Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của Ngày KH&CN Việt Nam ?

Thứ trưởng Phan Văn Hùng: Cách đây 53 năm, ngày 18/5/1963, Đại hội lần thứ nhất Hội phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã được tổ chức. Đây là sự kiện lịch sử của lĩnh vực KH&CN nước ta. Tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.

Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Người, Đảng, Nhà nước ta luôn nhận thức và đánh giá vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của KH&CN đối với sự phát triển của đất nước. Năm 2013, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật KH&CN; trong đó có quy định ngày 18/5 là Ngày KH&CN Việt Nam.

Để phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc và miền núi thì việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN có vai trò, vị trí như thế nào, thưa Thứ trưởng ?

Thứ trưởng Phan Văn Hùng: Như chúng ta đều biết, KH&CN đã có nhiều đóng góp to lớn trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước hiện nay, KH&CN lại càng có ý nghĩa then chốt.

Vùng dân tộc và miền núi là địa bàn chiến lược về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh nhưng lại là địa bàn khó khăn nhất cả nước: kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ nghèo cao và rất cao; chất lượng nguồn nhân lực thấp; cơ hội tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội hạn chế; văn hóa, ngôn ngữ bị mai một, mất dần; môi trường ngày càng suy thoái nghiêm trọng…

Thực tế đó đòi hỏi chúng ta phải tập trung hơn nữa các nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc và miền núi, trong đó KH&CN được xác định có vai trò đặc biệt quan trọng. Việc nghiên cứu các vấn đề lý luận công tác dân tộc; xác định thành phần dân tộc; dự báo các vấn đề dân tộc, công tác dân tộc; giải đáp các vấn đề thực tiễn đang đặt ra ở vùng DTTS… sẽ là tiền đề để chúng ta xây dựng các chính sách đầu tư, hỗ trợ phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của vùng dân tộc và miền núi, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc.

Hiệu quả của việc áp dụng KH&CN trong phát triển kinh tế-xã hội ở vùng dân tộc và miền núi thời gian qua như thế nào, thưa Thứ trưởng ?

Thứ trưởng Phan Văn Hùng: Có thể khẳng định, KH&CN đã thực sự góp phần làm thay đổi bộ mặt vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thay đổi tập quán sản xuất, sinh hoạt và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào.

Đến nay, hầu hết đồng bào DTTS đã biết sử dụng giống mới, kỹ thuật canh tác tiến bộ, góp phần làm tăng năng suất cây trồng gấp 2 đến 3 lần so với trước đây. Năng suất lúa lên đến 6-7 tấn/ha; ngô từ 4 -5 tấn/ha; tăng sản lượng lương thực bình quân đầu người lên đến gần 400 kg/năm, nhiều nơi đạt trên 500 kg/người năm; đưa tốc độ tăng trưởng của nhiều vùng đạt trên 10%/năm; giảm 4-5% hộ nghèo/năm; tạo nên các vùng sản xuất hàng hoá tập trung như cà phê, chè, mía, thuốc lá, lúa chất lượng cao và các loại cây ăn quả. 
Các nhà khoa học, văn hóa đã nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn, làm cơ sở để phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc. Các tri thức truyền thống được kết nối với khoa học hiện đại mở ra nhiều cơ hội phát triển cho vùng dân tộc và miền núi.Vấn đề bảo vệ môi trường, nhất là các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu được quan tâm nghiên cứu, nhằm dự báo, từ đó đưa ra các giải pháp ứng phó, hạn chế thiệt hại do các sự cố môi trường, hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra. Trong lĩnh vực giáo dục, y tế đã ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, giải pháp hữu ích, để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS&MN.

Thứ trưởng có thể cho biết những thành tựu KH&CN của Ủy ban Dân tộc ?

Thứ trưởng Phan Văn Hùng: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của KH&CN cả nước, công tác KH&CN của Ủy ban Dân tộc trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu quan trọng. Từ năm 1998 đến nay, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì và cấp kinh phí thực hiện 83 đề tài khoa học cấp Bộ. Ngoài ra, các nhà khoa học của Ủy ban đã chủ trì hàng chục đề tài cấp bộ, cấp tỉnh khác. Trên cơ sở đó, Ủy ban Dân tộc đã xuất bản được gần 40 sách chuyên khảo, tham khảo, sách chính trị...

Riêng giai đoạn 2011-2015, các tổ chức, các nhà khoa học của Ủy ban Dân tộc đã chủ trì thực hiện 6 nhiệm vụ KH&CN cấp Nhà nước. Ngoài chủ trì các nhiệm vụ KH&CN nói trên, đội ngũ các nhà khoa học, quản lý của Ủy ban Dân tộc còn tham gia phối hợp thực hiện hàng chục đề tài cấp nhà nước có liên quan đến lĩnh vực công tác dân tộc.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm xây dựng và trưởng thành của cơ quan Công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì xây dựng và triển khai thực hiện một Chương trình KH&CN cấp quốc gia về: “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về các DTTS và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030”. Chương trình đã được phê duyệt, chính thức tổ chức triển khai thực hiện từ năm 2016 nhằm cung cấp luận cứ khoa học để giải quyết các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến các DTTS.

Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành của cơ quan công tác dân tộc cho thấy, lĩnh vực KH&CN đã có sự phát triển và đạt được những thành tựu nhất định; đã tham gia tích cực và cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng các văn kiện, nghị quyết của Đảng, chính sách dân tộc, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc. Hoạt động KH&CN vừa trực tiếp vừa gián tiếp góp phần không nhỏ vào sự phát triển bền vững vùng dân tộc và miền núi.

Thứ trưởng có thể cho biết những khó khăn trong hoạt động KH&CN của Ủy ban Dân tộc thời gian qua là gì ?

Thứ trưởng Phan Văn Hùng: Khó khăn trong hoạt động KH&CN của Ủy ban Dân tộc đang gặp phải đầu tiên là vấn đề kinh phí. Hàng năm, kinh phí sự nghiệp KH&CN cấp cho Ủy ban Dân tộc rất thấp, không đủ thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu kể cả cấp Bộ và cấp cơ sở.

Bên cạnh đó, hiện nay cả hệ thống cơ quan công tác dân tộc chỉ có duy nhất 1 đơn vị nghiên cứu khoa học là Viện Dân tộc. Song cho đến nay sau 13 năm hoạt động, đơn vị này vẫn đang gặp khó khăn về mọi mặt từ con người (biên chế, năng lực nghiên cứu) đến việc không có trụ sở phải đi thuê ngoài, cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện làm việc không được đảm bảo.

Các hoạt động nghiên cứu khoa học chưa đa dạng, nhất là trong hợp tác, khai thác đề tài, dự án từ bên ngoài. Chưa tổ chức được nhiều hoạt động, tư vấn, phân biệt về các vấn đề phục vụ công tác xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc. Chưa có nhiều hoạt động trao đổi học thuật về những vấn đề lý luận, cơ sở khoa học của công tác dân tộc, chính sách dân tộc...

Phương hướng hoạt động KH&CN của Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2016-2020 là gì, thưa Thứ trưởng ?

Thứ trưởng Phan Văn Hùng: Giai đoạn 2016-2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đất nước ta nói chung và cơ quan công tác dân tộc nói riêng. Do vậy, hoạt động KH&CN của Ủy ban Dân tộc cần phải chủ động tham gia một cách tích cực và hiệu quả để cung cấp cơ sở khoa học phục vụ cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Ủy ban Dân tộc.

Theo đó, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tổng kết, bổ sung, hoàn thiện lý luận về công tác dân tộc; thực hiện tốt hoạt động nghiên cứu các vấn đề thực tiễn góp phần bổ sung, hoàn thiện, phát triển lý luận và phục vụ có hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc; đa dạng hóa, mở rộng cả về quy mô và chất lượng các hoạt động KH&CN; tiếp tục đổi mới công tác quản lý khoa học và công nghệ.

Các hoạt động KH&CN cũng sẽ tiếp tục được mở rộng để hoạt động này thực sự trở thành nhân tố quan trọng đáp ứng các yêu cầu phát triển vùng dân tộc thiểu số cả nước nói chung và nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc nói riêng. Mục tiêu là đến năm 2020, hoạt động KH&CN của Ủy ban Dân tộc đạt mức khá trong các Bộ, ngành trung ương.

 

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng ! 

Tuấn Hà (thực hiện)