Hội nghị giao ban công tác dân tộc khu vực Tây Nam Bộ

07:45 AM 30/08/2022 |   Lượt xem: 2480 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Cùng tham dự có lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc UBDT: Địa phương III, Chính sách Dân tộc, Văn phòng điều phối 1719; lãnh đạo các Ban Dân tộc, Ban Tôn giáo và Dân tộc các tỉnh, thành trong khu vực Tây Nam Bộ (An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng và TP. Cần Thơ).

Tại Hội nghị, ông Tào Việt Thắng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Địa phương III cho biết, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS trên địa bàn trong 9 tháng đầu năm duy trì ổn định. Việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc của các địa phương cũng đạt nhiều kết quả tích cực, trọng tâm tập trung tham mưu, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 -2025; tham mưu HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành các quyết định, nghị quyết, kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện liên quan thực hiện chương trình MTQG.

Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, phân công Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, xây dựng Kế hoạch chung của tỉnh và chỉ đạo các sở, ngành địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hằng năm và giai đoạn 2021 - 2025... Tổ chức kiểm tra kết quả rà soát đối tượng thụ hưởng của Chương trình. Phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG. Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương; đề xuất phương án phân khai chi tiết vốn; xây dựng Kế hoạch truyền thông về Chương trình.

Theo kết quả phê duyệt danh sách xã khu vực III, khu vực II, khu vực I, danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, toàn khu vực có 227 xã thuộc vùng DTTS và miền núi (52 xã khu vực III, 4 xã khu vực II, 171 xã khu vực I), 310 xã đặc biệt khó khăn. Tổng phân bổ vốn ngân sách Trung ương năm 2022 là hơn 619,143 tỷ đồng.

Ông Trần Hoàng Nhỏ - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau nêu khó khăn của tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện chính sách dân tộc

Tại Hội nghị, các địa phương đã nêu nên khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG do nhiều nguyên nhân: Chưa có hướng dẫn cụ thể, các dự án bị chồng chéo, việc tinh giảm biên chế gây ảnh hưởng đến nhân lực thực hiện công tác dân tộc, cán bộ làm công tác dân tộc chưa sát sao, chưa có sự thống nhất thực hiện của các sở ngành liên quan trong thực hiện Chương trình, các vấn đề liên quan đến định mức đầu tư, nhà ở, đất ở…

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau - ông Trần Hoàng Nhỏ, trong triển khai và tổ chức thực hiện các Chương trình, chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển KT-XH vùng DTTS của tỉnh luôn gặp khó khăn trong việc huy động và bố trí nguồn lực để thực hiện; chủ yếu được bảo đảm từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do hầu hết đều thực hiện tại các địa bàn rất khó khăn, không có khả năng huy động vốn đối ứng trong nhân dân để cùng thực hiện.

 

Ông Thạch Dương - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long phát biểu tại Hội Nghị

Bên cạnh đó, các chính sách dân tộc hiện đã được tích hợp toàn bộ vào “Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. Tuy nhiên, đến nay tỉnh Cà Mau chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý cũng như mới vừa được phân bổ nguồn vốn để tổ chức thực hiện.

Còn việc triển khai Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng như các chương trình MTQG khác chậm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, ông Thạch Dương - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh nêu khó khăn, hệ thống văn bản của các bộ ngành Trung ương hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG chậm ban hành, nên công tác ban hành văn bản cũng như xây dựng kế hoạch ở địa phương gặp khó khăn. 

Ông Men Pho Ly - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang phát biểu tại Hội nghị

Đối với tỉnh An Giang, là tỉnh đặc thù duy nhất của Khu vực Tây Nam Bộ vừa có đồng bằng vừa có huyện miền núi, do đó cũng có những khó khăn riêng. Ông Men Pho Ly - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, Cơ chế quản lý thực hiện Chương trình MTQG ban hành chậm, nên gặp không ít khó khăn trong công tác tham mưu triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài nhiều năm đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện Chương trình.

Công tác tuyên truyền chính sách dân tộc tại một số huyện tại địa phương chưa đi vào chiều sâu, chưa nêu rõ lợi ích thực sự của chính sách đối với người dân vùng dự án nhằm khuyến khích tinh thần của người dân trong việc tham gia thực hiện chính sách một cách hiệu quả, bảo đảm mục tiêu đề ra. Đồng thời, một số ngành, địa phương chưa phối hợp chặt chẽ với nhau, chưa chủ động xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để tập trung thực hiện chính sách dân tộc đạt hiệu quả cao; chưa kịp thời sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện để uốn nắn, khắc phục những khó khăn, vướng mắc.

Ông Lê Trung Kiên - Trưởng Ban Dân tộc TP. Cần Thơ phát biểu tại Hội nghị

Riêng Tp. Cần Thơ, ông Nguyễn Trung Kiên - Trưởng Ban Dân tộc Thành phố cho biết, TP. Cần Thơ đang làm lại kế hoạch nhằm cân đối nguồn lực, do Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, nên không được hỗ trợ nguồn ngân sách từ Trung ương.

Đồng thời, Cần Thơ đề nghị UBDT phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có kế hoạch tổ chức các hội thảo, tập huấn, các hội nghị chuyên đề tổ chức dạy, học, kiểm tra đánh giá tiếng dân tộc trong Chương trình giáo dục phổ thông mới; ngoài lương cơ bản, hỗ trợ thêm chế độ cho giáo viên dạy tiếng dân tộc nhằm tạo thêm động lực cho giáo viên thực hiện tốt công tác giảng dạy và giáo dục học sinh.

Đề nghị Bộ Nội vụ sớm ban hành thông tư hướng dẫn quy định chi tiết biên chế giáo viên tiểu học đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là cơ chế đặc thù cho vùng đồng bào DTTS (Báo cáo số 505/BC-BDT ngày 24/6/2022 của Ban Dân tộc TP. Cần Thơ).

Các đại biểu phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đại diện các vụ, đơn vị thuộc UBDT đã làm rõ các vấn đề thắc mắc, đồng thời hướng dẫn các địa phương thực hiện các chương trình, dự án, đề án đang triển khai tại vùng đồng bào DTTS.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải chia sẻ những khó khăn từ thực tế của từng địa phương, đồng thời Thứ trưởng Phó Chủ nhiệm mong muốn các Ban Dân tộc cần học tập kinh nghiệm của các địa phương thực hiện tốt chính sách dân tộc, công tác dân tộc để về áp dụng vào tình hình thực tế của địa phương mình.

“Các tỉnh, thành cần sáng tạo trong việc triển khai, thực hiện chính sách dân tộc, công tác dân tộc.  Đồng thời, Vụ Địa phương III làm đầu mối kết nối với các Ban Dân tộc bằng hình thức trực tuyến, để kịp thời giải đáp thắc mắc của các tỉnh khi gặp vướng mắc trong thời gian tới”, Thứ trưởng Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải chỉ đạo.

(baodantoc.vn)