Hội thảo góp ý vào dự thảo cuốn sách phân tích về bình đẳng giới từ dữ liệu điều tra KT-XH các DTTS Việt Nam năm 2015

10:47 PM 22/09/2017 |   Lượt xem: 3686 |   In bài viết | 

Bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số phát biểu khai mạc Hội thảo

Hiện nay, công tác thống kê trong lĩnh vực dân tộc còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhiều số liệu lại chưa được phân tích đầy đủ theo các chỉ tiêu về giới nên việc tiếp cận thông tin gặp nhiều khó khăn. Được xây dựng trong khuôn khổ Dự án “Trao quyền cho phụ nữ DTTS Việt Nam” do Vụ Dân tộc thiểu số (UBDT) và UN Women thực hiện với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Ai Len, dự thảo cuốn sách gồm các nội dung chính: tóm tắt các quy định của pháp luật; thông tin cơ bản về bình đẳng giới và DTTS; công tác thống kê về dân tộc và thống kê về giới trong lĩnh vực công tác dân tộc; số liệu thống kê và phân tích theo các chủ đề: dân số, tiếp cận cơ sở hạ tầng, tài sản, việc làm, thu nhập, giáo dục và đào tạo, văn hóa - xã hội, y tế, vệ sinh môi trường, cán bộ, đảng viên...

 

 

Đại diện Tổ chuyên gia trình bày dự thảo cuốn sách

Các số liệu chủ yếu của cuốn sách được phân tích từ các cuộc điều tra: Thực trạng KTXH của 53 DTTS năm 2015; Mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2014 (VHLSS); Lao động - Việc làm 2014 (LFS); Các mục tiêu về phụ nữ và trẻ em 2014 (MICs); Biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 1/4/2014 và số liệu thống kê của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bình đẳng giới và DTTS.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã báo cáo tham luận và chia nhóm thảo luận, góp ý cụ thể vào dự thảo cuốn sách, tập trung vào các nội dung như: tên gọi, bố cục, cách trình bầy, các thuật ngữ, khái niệm và đặc biệt là các chỉ tiêu, số liệu cũng như phương pháp tiếp cận, phân tích từ các kết quả nghiên cứu.

Phát biểu tổng kết hội thảo, Bà Nguyễn Thị Tư nhấn mạnh: với mục tiêu hình thành một bức tranh về bình đẳng giới của đồng bào DTTS Việt Nam, đây sẽ là các căn cứ, số liệu quan trọng cho các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu, các tổ chức hỗ trợ phát triển để góp phần đánh giá thực trạng về mối quan hệ giới, hiểu biết thêm về những bất bình đẳng giới đang tồn tại trong các vùng dân tộc, các nhóm DTTS và thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới của Việt Nam. Đề nghị tổ chuyên gia soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo, chuẩn bị báo cáo Lãnh đạo Ủy ban trước khi phát hành cuốn sách.

Việt Cường