Nói chuyện với nhân dân, bộ đội, cán bộ tại Yên Châu (Sơn La) - 8-5-1959

06:47 AM 21/12/2015 |   Lượt xem: 3144 |   In bài viết | 

Bác và đồng chí Bộ trưởng lên thăm bộ đội, cán bộ, thăm đồng bào đã có công, có thành tích trong kháng chiến, thăm các cháu thanh niên và nhi đồng.

Đảng, Chính phủ và Bác rất vui lòng khen ngợi đồng bào châu nhà trong kháng chiến đã tổ chức du kích đánh Tây rất tốt, đã giúp đỡ bộ đội, cán bộ đánh Tây. Thế là tốt.

Đặc biệt đồng bào vùng cao sinh hoạt gian khổ, trong kháng chiến rất anh dũng; Đảng và Chính phủ tỏ lời khen.

Từ ngày hoà bình lập lại, đồng bào, cán bộ, bộ đội đoàn kết rất tốt, giúp đỡ nhau tăng gia sản xuất, học bình dân. Như thế là tốt.

Bây giờ Bác có mấy lời dặn dò đồng bào như sau:

Khi trước đồng bào bị Tây áp bức, bây giờ không còn Tây nữa. Khi trước nhân dân không có ruộng, bây giờ nhờ có Đảng và Chính phủ, nhân dân tự đấu tranh có ruộng. Như thế là đời sống của đồng bào đã có phần sung sướng.

Nhưng muốn sung sướng hơn phải làm thế nào? Phải sản xuất cho tốt. Ví dụ: khi trước cấy 1 mẫu được 100 gánh, bây giờ đồng bào phải cố được 150, 200 gánh. Muốn như thế phải làm thế nào? Phải cải tiến kỹ thuật. Phải cải tiến kỹ thuật là đúng. Nhưng có việc phải làm trước hết là phải tổ chức tổ đổi công thật tốt rồi tiến lên hợp tác xã thật tốt.

Mỗi một người phải coi tổ đổi công, hợp tác xã như nhà mình, phải làm lợi cho tổ đổi công trước, lợi cho mình sau, như thế mới là tốt. Ví dụ: cái nhà hợp tác xã dột, nhà của mình cũng dột thì phải làm nhà cho hợp tác xã trước. Cán bộ đổi công, hợp tác xã phải công bằng, dân chủ và gương mẫu. Ví dụ: làm thì cán bộ xung phong làm việc khó, khi thu hoạch chia hoa lợi thì để cho xã viên lấy trước, cán bộ lấy sau, không nên lấy trước, thế mới tốt.

Bác được biết ở đây nhiều chỗ ruộng thiếu nước. Nếu có đủ nước làm được 2 mùa, thiếu nước chỉ làm được một mùa thôi.

Làm thế nào cho có nước? Mỗi năm mưa xuống rất nhiều nước. Khi mưa xuống nước nhiều bị ngập, khi nắng lên thì lại bị cạn. Muốn làm cho được 2 mùa phải giữ nước. Muốn giữ nước phải làm thuỷ lợi. Đồng bào có nghe thấy đồng bào Điện Biên làm thuỷ lợi không? Đồng bào Điện Biên làm thuỷ lợi rất tốt, mà đồng bào tự làm lấy. Đồng bào Điện Biên làm được thì đồng bào Yên Châu cũng làm được, muốn làm được như Điện Biên phải có tổ đổi công, phải có hợp tác xã. Ví dụ: đào một cái mương dài 1 cây số, một gia đình không làm được. Hai nhà cũng không đào được. Hai mươi nhà, bốn mươi nhà tổ chức nhau lại mới làm được. Có đúng thế không? Vì vậy đồng bào phải tổ chức nhau lại làm tổ đổi công, hợp tác xã. Đồng bào phải tổ chức tổ đổi công cho tốt, hợp tác xã cho tốt, làm mương phai tốt để có nhiều nước làm được 2 mùa.

Chúng ta có mương phai, có nước rồi, lúa có tốt không? Người ta chỉ uống nước thôi mà không ăn cơm có sống được không?

Lúa chỉ có nước, không có ăn cũng không tốt. Ngô, lúa, khoai, sắn, mía nó ăn gì? Nó ăn phân. Lúa ăn phân nhiều lúa càng tốt. Ví dụ: ở đây bây giờ 1 mẫu chỉ được 100 gánh vì ít phân, ở dưới xuôi có tổ đổi công, hợp tác xã nhiều nơi đã thu hoạch hơn thế nhiều vì có nhiều phân.

Cần phải có nhiều phân. Muốn làm phân nhiều, nhưng từng nhà, mỗi nhà làm một đống có tốt không? Không. Ví dụ: mỗi nhà làm một đống phân hao tốn nhiều, hợp tác xã làm lên một đống phân ở gần ruộng không hao tốn. Vì vậy, muốn làm mương phai tốt, phân nhiều, phải tổ chức tổ đổi công, hợp tác xã cho tốt.

Đồng bào ở đây cày cuốc quen làm lối cũ từ những đời trước. Làm như thế rất tốn công mà không tốt. Bác đã đi qua thấy phụ nữ lấy cây tre chọc đất để giồng lúa nương. Như thế rất tốn công mà không tốt. Muốn cho lúa, ngô, khoai, sắn tốt, phải cày sâu bừa kỹ. Ở đây Bác thấy cái cày, cái cuốc bé tẹo thế này không thể cày sâu được. Ở các nước anh em như Liên Xô cày bằng máy hết.

Bây giờ ta chưa có máy, nhưng sau này ta sẽ có. Có khi độ 5 năm, 10 năm nữa mới có. Trong thời gian đó cần phải cải tiến kỹ thuật, không thể cứ làm theo lối cũ để ngồi chờ 5 năm, 10 năm được. Muốn cải tiến phải tổ chức tổ đổi công, hợp tác xã, từng nhà riêng không làm được.

Đồng bào đã biết tổ đổi công, hợp tác xã là tốt. Vậy phải có quyết tâm làm tổ đổi công, hợp tác xã. Tổ chức tổ đổi công, hợp tác xã là phải tự nguyện, nghĩa là tuyên truyền giải thích ai muốn vào thì vào, không phải nắm cổ kéo người ta vào. Ví dụ: mấy gia đình này vào hợp tác xã, tổ đổi công, thu hoạch 200 gánh, mấy nhà kia làm riêng lẻ thu hoạch 100 gánh thôi. Như thế những nhà làm riêng lẻ sẽ muốn xin vào. Như thế để người ta tự xin vào. Người ta thấy tổ đổi công, hợp tác xã làm tốt, người ta sẽ tự xin vào, không phải nắm cổ người ta kéo vào.

Một điều nữa, Bác đi qua nhiều nơi thấy rừng bị phá rất nhiều. Những cây gỗ to, cao chặt để đốt hay để cho nó mục nát, không khác gì đồng bào tự mình đem tiền bạc của mình bỏ xuống sông. Có đúng không? Sau này đường sá tốt, bến sông làm tốt, đưa gỗ ấy về xuôi bán, hay bán ra nước ngoài, đó là của của đồng bào đấy. Chừng 150 cây gỗ hay 200 cây gỗ chúng ta đưa ra nước ngoài bán, đổi được máy cày, cày được cả vùng này. Đồng bào có nên giữ gìn rừng, giữ gìn gỗ không? Có nên đốt bừa đi không? Phải giữ gìn rừng cho tốt. 5 năm, 10 năm nữa, rừng là vàng là bạc, là máy móc cả.

Đồng bào châu nhà kháng chiến anh dũng. Bây giờ hoà bình rồi, cũng phải anh dũng. Anh dũng là anh dũng mọi mặt. Trong kháng chiến anh dũng giết Tây, đuổi giặc; bây giờ anh dũng sản xuất, xoá nạn mù chữ. Về bình dân học vụ ở miền Bắc, nhiều xã, nhiều thị trấn đã xoá xong nạn mù chữ. Nhưng châu nhà chưa xoá xong nạn mù chữ. Như thế là còn kém, đúng thế không? Bây giờ phải cố gắng. Hết năm nay nữa, năm sau phải xoá cho xong nạn mù chữ. Đối với công việc này, thanh niên và nhi đồng phải góp nhiều vào đấy. Đối với những xã, những châu đã xoá xong nạn mù chữ, Chính phủ có thưởng huân chương, đồng bào ở đây có muốn được thưởng huân chương không?

Một điều nữa, ở đây đồng bào nhiều người còn sốt rét, các cháu bé thường thường đau mắt hột, bụng to. Vì sao? Vì không biết giữ vệ sinh. Đồng bào có muốn có sức khoẻ để sản xuất không? Có muốn con cháu mình không đau mắt hột, không bụng to thế này không? Muốn thế phải giữ gìn vệ sinh, ăn uống sạch sẽ, nhà cửa sạch sẽ, vườn cũng sạch sẽ. Công việc ấy, cán bộ châu phải đôn đốc đồng bào mà đồng bào phải tích cực làm.

Tây, Mỹ, Diệm và bọn phản động khác chúng có muốn đồng bào đoàn kết không? Chúng có muốn đồng bào sung sướng không? Không, chúng không muốn như thế. Chúng sẽ làm thế nào? Chúng tuyên truyền nhảm nhí. Vì vậy đồng bào phải cảnh giác, chớ nghe tuyên truyền bậy bạ, thấy kẻ nào nói bậy bạ phải giúp công an, Uỷ ban hành chính xã, châu giáo dục, nếu cố tình và ngoan cố thì trừng trị.

Một điểm nữa, để giữ gìn an ninh trật tự trong bản mường, phải có dân quân; để giữ gìn Tổ quốc mình không cho Tây, Mỹ vào được, phải có bộ đội. Bộ đội là ai? Bộ đội là con, em, cháu của đồng bào, bộ đội không phải trên trời rơi xuống. Vì vậy đồng bào nên giúp đỡ cán bộ làm nghĩa vụ quân sự cho tốt.

Một điểm nữa, đồng bào muốn no ấm hơn phải cố gắng sản xuất. Nhưng chỉ sản xuất đã đủ chưa? Chưa đủ. Ví dụ: nhà Bác ở đây làm được 200 gánh, nhưng lại xa phí, uống rượu một phần, làm cưới một phần, làm ma một phần, còn một ít để ăn Tết nữa. Như thế là hết sạch thì có nên không?

Vì vậy, đã tăng gia sản xuất phải thực hành tiết kiệm. Ví dụ làm được 200 gánh thì ăn mặc một phần, rượu bớt đi, cưới cũng giảm, ma chay cũng giảm bớt đi (cái này các cụ già hơi khó làm), còn thừa đem bán mua thêm trâu bò, nông cụ để năm sau sản xuất được nhiều hơn nữa.

Hồi còn Tây, còn vua quan, đồng bào Kinh ăn hiếp đồng bào Thái, đồng bào Thái ăn hiếp đồng bào Puộc, đồng bào Xá, có phải thế không? Hồi trước như thế là vì sao? Vì Tây và vua quan muốn chia rẽ đồng bào, muốn làm cho đồng bào yếu đi.

Bây giờ chúng ta, tất cả các dân tộc Kinh, Thái, Mường, Mèo, Mán, Xá, Puộc, v.v. đều là anh em ruột thịt một nhà chứ không phải Kinh ăn hiếp Thái, Thái ăn hiếp Xá, Puộc như trước nữa. Cũng ví như một bó que, đây là đồng bào Kinh, Thái, Mèo, Xá, Puộc, Mán, Mường. Từng cái một có thể bẻ gãy. Bây giờ đoàn kết lại thế này có ai bẻ gãy được không? Chẳng những không ai bẻ gãy được, mà ai bẻ chúng ta đánh vào cái đầu nó. Đồng bào phải đoàn kết chặt chẽ như nắm tay này.

Cán bộ, bộ đội, nhân dân phải đoàn kết chặt chẽ như nắm tay thế này. Nếu mà Tây, Mỹ muốn xâm phạm nước ta, ta sẽ đánh vào đầu nó.

Bây giờ Bác có mấy lời dặn dò cán bộ:

Cán bộ từ trên xuống dưới, từ Bác đến cán bộ xã đều là đày tớ của nhân dân, không phải là vua, là quan như ngày trước mà đè đầu cưỡi cổ nhân dân. Tức là cán bộ phải chăm lo đời sống của nhân dân, phải giúp nhân dân tổ chức được tổ đổi công, hợp tác xã, dân quân. Cán bộ phải đến tận nơi giúp đỡ, bao giờ các tổ chức đó thật vững mới thôi.

Cán bộ châu nhà có hai bộ phận họp thành: một bộ phận là cán bộ địa phương, một bộ phận là ở nơi khác đến và ở xuôi lên.

Cán bộ địa phương thường thường có tâm lý tự ti, cho mình là văn hoá kém, chính trị kém, không muốn làm cán bộ. Như thế là không đúng. Nếu như thế, không ai làm việc cho đồng bào cả, việc làm đây là do cán bộ địa phương phải làm lấy. Vì vậy cho nên còn kém thì phải học, phải tích cực học cách làm việc, tích cực học chuyên môn cho biết. Nếu vì kém mà không làm thì không được. Nhiều cái mình chưa biết, nhưng có quyết tâm học thì phải biết, nhất định biết. Biết là tiến bộ.

Cán bộ xuôi lên không yên tâm công tác, muốn về Hà Nội, Hải Phòng , Nam Định. Như thế là không đúng. Bác đã nói cán bộ là đày tớ của nhân dân, chỗ nào nhân dân cần đến mình là mình phải đến, bất kỳ chỗ nào cũng là Tổ quốc, là đất nước, cũng là cương vị công tác của cán bộ. Phải nhớ rằng Đảng, Chính phủ tin cậy vào cán bộ, nơi nào khó có cán bộ. Việc gì khó có cán bộ. Vì vậy cán bộ các nơi đến phải yên tâm, tích cực công tác, phải gương mẫu, phải đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ cán bộ địa phương được tốt. Vì vậy cán bộ địa phương cùng cán bộ nội khác đều phải đoàn kết yêu thương nhau, làm gương cho nhân dân địa phương.

Một điểm nữa: cho đến bây giờ cán bộ đã chú ý giúp đỡ đồng bào rẻo cao, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Từ giờ về sau phải chú ý hơn, giúp đỡ nhiều hơn.

Bây giờ Bác dặn dò bộ đội và dân quân:

Bộ đội, dân quân là những người được Đảng và Chính phủ tin cậy để giữ gìn trật tự, bảo vệ Tổ quốc. Các chú biết rằng miền Bắc đang tiến lên chủ nghĩa xã hội, đang xây dựng nhà máy làm cho nhân dân được sung sướng. Mỹ - Diệm không muốn cho nhân dân mình sung sướng, không muốn cho ta tiến lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy chúng nó luôn luôn tìm cách phá hoại chúng ta. Để ngăn chặn chúng lại, đánh tan âm mưu của chúng, bộ đội, công an, dân quân phải cảnh giác; để làm tròn nhiệm vụ Đảng, Chính phủ và nhân dân giao cho, các chú phải hết sức học tập ngày càng tiến bộ, phải tham gia lao động sản xuất, phải giữ gìn trật tự an ninh cho tốt, phải đoàn kết chặt chẽ với nhân dân, tuỳ lực lượng của mình mà giúp dân.

Còn các cháu, các cháu phải làm gì? Cán bộ, bộ đội có việc của cán bộ, bộ đội. Các cháu phải học tập cho tốt, lao động cho tốt, giữ gìn vệ sinh cho tốt, giữ kỷ luật cho tốt.

Châu nhà có trên 13.000 đồng bào. Hôm nay mới có một số đồng bào được tới đây hội họp đông vui thế này thôi, các cô, các chú nhớ lời Bác nói, về nói lại với nhân dân, sau này Khu sẽ in thành tài liệu phổ biến rõ hơn.

Sau cùng, Bác và đồng chí Bộ trưởng gửi lời hỏi thăm đồng bào Xá, Puộc, Mèo, Thái, Mán, Mường, Kinh, v.v., hỏi thăm cán bộ, bộ đội và dân quân địa phương.

 

Nói ngày 8-5-1959

(Hồ Chí Minh toàn tập, t. 9, tr. 439-445.)