Tập trung tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính sách dân tộc

08:48 AM 19/05/2022 |   Lượt xem: 4377 |   In bài viết | 

Phiên họp toàn thể lần thứ ba của Hội đồng Dân tộc Quốc hội khóa XV

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm và các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội chủ trì Phiên họp. Tham dự Phiên họp, có các thành viên Hội đồng Dân tộc.

Về phía Ủy ban Dân tộc (UBDT), có sự tham dự của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh và lãnh đạo một số vụ, đơn vị thuộc UBDT.

Dự thảo báo cáo hoạt động của Hội đồng Dân tộc từ Kỳ họp thứ hai đến Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV cho thấy, trong bối cảnh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao, Hội đồng Dân tộc tiếp tục nghiên cứu đổi mới, cải tiến cách thức làm việc, nâng cao chất lượng hiệu quả, nhất là việc đôn đốc để các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đi vào cuộc sống.

Về kết quả giám sát chuyên đề “Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016 - 2021”, trong giai đoạn 2016 - 2021, Quốc hội đã ban hành 42 luật, 12 Nghị quyết của Quốc hội và 5 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến công tác dân tộc. Tuy nhiên, cũng như những khó khăn, bất cập trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật nước ta hiện nay nói chung, việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là việc ban hành một số văn bản quy định chi tiết nội dung được giao trong luật, pháp lệnh có liên quan đến công tác dân tộc còn chậm so với quy định, hoặc chưa ban hành; nhiều nội dung ban hành còn chung chung, dẫn đến khó thực thi hoặc thực thi hiệu quả thấp.

Về kết quả khảo sát tác động của việc phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển đến việc thực hiện chính sách dân tộc, trước hết, cần khẳng định rằng, việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 là căn cứ pháp lý để xác định phạm vi, đối tượng, địa bàn trong triển khai chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình MTQG, bảo đảm việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Tuy nhiên, một số địa phương có số xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn giảm rất nhiều so với giai đoạn trước, dẫn đến đồng bào DTTS ra khỏi vùng khó khăn sẽ không tiếp tục được hưởng các chính sách, đặc biệt là các chính sách về an sinh xã hội. Tổng số đối tượng bị tác động ảnh hưởng là rất lớn. Việc này tác động lớn đến các chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với cán bộ, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, chính sách cho vay hộ sản xuất kinh doanh, chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS nghèo sinh con…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, Ủy ban Dân tộc sẽ tăng cường nắm bắt địa bàn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân

Thảo luận tại Phiên họp, các đại biểu đồng tình với các báo cáo đánh giá của Hội đồng Dân tộc và cho rằng việc lựa chọn chuyên đề giám sát và đánh giá tác động đúng, trúng, toàn diện. Các đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc; quan tâm hơn đến các chính sách giáo dục dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…

Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đồng thuận và cảm ơn các ý kiến góp ý của các đại biểu. Cho ý kiến cụ thể về các nội dung liên quan đến báo cáo giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc; kết quả khảo sát tác động của việc phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển, Bộ trưởng, Chủ nhiệm thông tin, UBDT đã có đánh giá, tổng hợp ý kiến các bộ, ngành liên quan, có ý kiến đề xuất các bộ, ngành, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm mong muốn thường trực Hội đồng Dân tộc tạo điều kiện cho UBDT được tham gia các đoàn giám sát của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc để nắm tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, kịp thời tham mưu thực hiện chính sách sát thực tiễn hơn. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo có liên quan đến công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc; phối hợp đón tiếp, thăm hỏi, động viên già làng, trưởng bản, Người có uy tín. Bộ trưởng, Chủ nhiệm cũng mong muốn các đại biểu Quốc hội tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với UBDT.

Kết luận Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến trao đổi thảo luận tại Phiên họp và cho rằng Phiên họp đã thu được những kết quả tích cực.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đồng tình với đề xuất của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh và cho biết, thời gian tới, sẽ có thành viên của UBDT tham gia các đoàn giám sát liên quan đến thực hiện chính sách dân tộc. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị UBDT và các bộ, ngành liên quan tập trung tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn trong thực hiện các chính sách dân tộc, triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG, bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả, không trùng lắp, chồng chéo.

(baodantoc.vn)