Thông tin giá cả thị trường số ra ngày 4/9/2015

07:20 AM 04/09/2015 |   Lượt xem: 2255 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Đề xuất mô hình bảo hiểm nông nghiệp cho cây cà phê

Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam đã phối hợp với tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo “Đề xuất mô hình bảo hiểm nông nghiệp cho cây cà phê, vấn đề thể chế và kỹ thuật”. Mục đích của hội thảo là tăng cường năng lực về quản lý rủi ro trong nông nghiệp cho cây cà phê thông qua bảo hiểm nông nghiệp, góp phần vào sự phát triển của bảo hiểm nông nghiệp có sự liên kết công, tư tại Việt Nam.

Dự kiến sẽ có 14 mô hình bảo hiểm

Ở nước ta, cà phê hiện là một trong những ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, có vị trí quan trọng đối với đời sống kinh tế - xã hội của người dân. Những năm qua, ngành cà phê đã có những bước phát triển nhanh và mạnh, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới. Hiện nay, cà phê nước ta có 22 tỉnh thành phố và 105 huyện trồng cà phê với 5 vùng sản xuất chính là Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, Bắc Trung bộ và Trung du miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh cà phê cũng ẩn chứa những rủi ro cần được khắc phục để có thể hướng đến một ngành sản xuất cà phê bền vững. Do vậy, ông Trần Công Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn đề xuất 14 mô hình bảo hiểm nông nghiệp cho cây cà phê. Những mô hình này tập trung vào: mục tiêu bảo hiểm, rủi ro, địa bàn, quyền lợi, năng suất, phạm vi, giá trị, thời kỳ bảo hiểm… Ông Thắng cũng đề xuất, trước mắt nên triển khai bảo hiểm nông nghiệp cho cây cà phê ở tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng. Đây là hai địa phương có diện tích cà phê nhiều nhất cả nước về rủi ro bảo hiểm gồm: hạn hán, mưa sớm, mưa lớn gây lũ, mưa đá nhằm giảm thiệt hại về kinh tế cho các nông hộ sản xuất cà phê. Các nông hộ sản xuất cà phê có thể chọn mức phạm vi bảo hiểm khác nhau từ 80 - 100%, phụ thuộc vào nhu cầu quản trị rủi ro và khả năng chi trả. Mức phạm vi bảo hiểm càng cao thì phí bảo hiểm càng cao.

Đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp nhằm giảm thiểu những rủi ro đối với người trồng cà phê. Đó là: giải pháp đa dạng hoá sản phẩm; giải pháp quản trị thông tin; giải pháp liên kết lọc; hợp đồng Marketing; hợp đồng sản xuất; các chương trình an sinh xã hội; giải pháp vay tín dụng; giải pháp thành lập quỹ bảo hiểm… Trong đó giải pháp dịch vụ bảo hiểm sản xuất cà phê được đa số các đại biểu tán thành. Bởi dịch vụ bảo hiểm này bảo đảm được lợi ích của người sản xuất, người kinh doanh, lại đa dạng các hình thức như: bảo hiểm hạn hán, bảo hiểm theo chỉ số hình thức năng suất, bảo hiểm dịch hại… tạo điều kiện cho người nông dân lựa chọn. Ngoài ra, loại bảo hiểm này còn mang lại lợi ích trực tiếp cho người nông dân có thêm sự hỗ trợ khi gặp thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời nâng cao nhận thức của người dân, cải thiện trình độ sản xuất của hộ thông qua việc áp dụng quy trình sản xuất; tạo tâm lý ổn định cho hộ sản xuất; tăng cường liên kết giữa cán bộ kỹ thuật với người nông dân…

Thực tế hiện tại, nhu cầu của người dân với bảo hiểm nông nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên để bảo hiểm nông nghiệp phát huy được hiệu quả và đến được với nông dân cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về phí bảo hiểm từ ngân sách như giai đoạn thí điểm. Chính phủ cần đưa cây cà phê vào diện triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp và ban hành chính sách lâu dài về bảo hiểm nông nghiệp hoặc ban hành cơ chế, chính sách để đảm bảo doanh nghiệp thực hiện bảo hiểm nông nghiệp thương mại. Chính phủ đảm bảo chương trình tái bảo hiểm phù hợp theo hình thức hợp đồng tái bảo hiểm theo nhóm rủi ro và quy định tỷ lệ cho phép giữ lại tương ứng với năng lực tài chính của doanh nghiệp…

Qua hội thảo này, các nhà quản lý sẽ sớm đưa ra những loại hình bảo hiểm nông nghiệp nói chung và bảo hiểm cho cây cà phê nói riêng phù hợp với tình hình thực tế, từ đó hoạch định chính sách cụ thể, giúp người nông dân hạn chế được những rủi ro trong sản xuất.

MUA GÌ

Lạng Sơn: Na được mùa, giá giảm

Đã hơn 10 ngày nay, chợ na Đồng Bành (Chi Lăng, Lạng Sơn) trở nên nhộn nhịp hơn. Na từ các xã Cai Kinh, Hòa Lộc của huyện Hữu Lũng, xã Đồng Bành tập kết về đây, người mua bán tấp nập. Tuy nhiên người dân chưa kịp phấn khởi về mùa na bội thu lại đã buồn vì giá na giảm hơn nhiều so với năm trước cùng nhiều biến động thất thường. Một gùi na mang xuống chợ được người bán phân làm ba loại, loại nhỏ nhất chỉ có giá 10.000 đồng/kg, loại trung bình 12.000 -15.000 đồng/kg, đẹp nhất là 25.000 đồng/kg. Nếu bán lẻ thì mức giá chênh lệch được thêm 2.000 - 5.000 đồng/kg nhưng với hàng tấn na như thế, người nông dân thường chọn cách đổ buôn. Na được trồng trên núi cao, vì vậy để có một gùi na mang xuống bán, người dân đi lại rất vất vả, đấy là chưa kể những chi phí cho việc thuê người gánh na xuống, mỗi cân na mất 3.000 đồng tiền nhân công. Na năm nay tuy được mùa nhưng quả không đều, nhiều quả nhỏ do thời tiết nắng nóng, khô hạn, quả còi không lớn được, nên giá bán na thấp. Hơn nữa, thương lái lúc thu mua ồ ạt, lúc lại ngừng, nên giá cả biến động thất thường.

Đồng Nai: Lúa đầu vụ giá thấp

Tính đến thời điểm hiện nay, nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch lúa hè thu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt hạn đầu vụ nên năng suất lúa đạt thấp, trung bình từ 6 - 6,5 tấn/hécta, có khu vực chỉ đạt 4 tấn/hécta. Trong khi đó, giá lúa bán tại ruộng hiện chỉ từ 4.100 - 4.200 đồng/kg, giảm khoảng 400 đồng/kg so với vụ trước đó. Năng suất thấp, ngay đầu vụ thu hoạch giá đã giảm, khiến nông dân trồng lúa lo giá cả thị trường sẽ càng bất lợi khi bước vào mùa thu hoạch rộ. Vài năm trở lại đây, giá lúa biến động thất thường theo xu hướng ngày càng giảm, khiến nông dân không còn mặn mà với cây trồng này.

Tiền Giang: Giá thanh long giảm một nửa


Giá thanh long tại nhiều nhà vườn hiện chỉ còn 1.000 - 3.000 đồng/kg, so với cách đây vài tháng giá đã giảm mất một nửa... Theo một số nhà vườn tại huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), hiện giá thanh long ruột đỏ bán cho thương lái có loại chỉ hơn 1.000 đồng/kg, loại đẹp hơn giá ở mức 3.000 - 5.000 đồng/kg. Lý giải nguyên nhân rớt giá, một nông dân trồng thanh long tại huyện Chợ Gạo, cho rằng do trồng quá nhiều nhưng không bán được nên mất giá. Thanh long ở đây chủ yếu đưa đi Trung Quốc, ra đến cửa khẩu người ta không mua là coi như đổ bỏ ngay đó. Các thương lái Trung Quốc rất am hiểu tình hình mùa vụ thanh long tại Việt Nam, do đó họ có thể ép giá khi đang thu hoạch rộ. Một số doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ, thế nhưng sản lượng xuất sang thị trường này đang chững lại vì tháng 7 và tháng 8 hằng năm là thời điểm thu hoạch vụ chính thanh long trong năm nên số lượng cung cấp ra thị trường rất lớn. Tuy nhiên, đây cũng là các tháng bắt đầu mùa mưa nên sâu bệnh nhiều, chất lượng thanh long xuống thấp. Do đó, các doanh nghiệp rất hạn chế xuất khẩu trong thời điểm này. Các doanh nghiệp chỉ chọn thanh long chất lượng cao và xuất khẩu bằng đường máy bay để đảm bảo chất lượng. Do vậy, giá bán loại thanh long đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ hiện còn 12.000 đồng/kg, trong khi thời điểm trước và sau tết lên đến 35.000 - 40.000 đồng/kg.

Trà Vinh: Người nuôi cua biển thất thu


Hiện hàng chục nghìn nông dân các vùng ven biển bốn huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú (Trà Vinh) đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ vụ cua biển nuôi. Do giá cua thương phẩm giảm mạnh, ước tính người nuôi cua biển ở Trà Vinh thất thu hơn 30 tỷ đồng. Cụ thể, giá cua thịt được thương lái mua với giá 90.000 đồng/kg, giảm 50.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 8; giá cua gạch loại 1 giảm 80.000 đồng/kg, còn 170.000 đồng/kg.Theo một số đại lý thu mua cua biển thương phẩm, nguyên nhân cua rớt giá là do thị trường xuất khẩu bị hạn chế. Mặt khác, những năm gần đây nghề nuôi cua biển tại các vùng ven biển tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre phát triển mạnh, sản lượng cua biển cung ứng thị trường nội địa vượt nhu cầu.

BÁN GÌ

Hải Dương: Giá thóc thương phẩm giảm mạnh

Theo quy luật, thời điểm giao vụ như hiện nay giá bán các loại thóc thương phẩm sẽ tăng so với thời điểm thu hoạch lúa nhưng hiện nay giá thóc lại giảm mạnh. Cụ thể, thóc Bắc thơm số 7 đang được nông dân nhiều nơi bán với giá 6.500 đồng/kg (giảm 2.000 đồng), giá thóc BC 15, Thiên ưu 8 chỉ còn 6.000 đồng/kg (giảm 1.500 đồng), Xi còn 5.500 đồng/kg (giảm khoảng 2.000 đồng)... Một số giống lúa lai còn khó tiêu thụ. Nguyên nhân do nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc từ đầu năm đến nay giảm mạnh nên các tiểu thương ít thu gom thóc để làm gạo xuất khẩu sang thị trường này dẫn đến lượng thóc tồn nhiều. Bên cạnh đó, một lượng lớn thóc thương phẩm được vận chuyển từ các tỉnh phía Nam ra Bắc tiêu thụ cũng ảnh hưởng đến giá bán thóc của nông dân trong tỉnh.

Lạng Sơn: Mùa thu hoạch hồi


Tháng 8, khi trời bắt đầu chuyển sang hanh khô thì những gia đình trồng hồi ở Lộc Bình (Lạng Sơn) rục rịch vào mùa thu hoạch hoa hồi - thứ đặc sản nổi tiếng với lượng tinh dầu tốt, mùi thơm đặc trưng. Sau khi thu hái hoa hồi người dân thường đợi đến các phiên chợ rồi bán cho thương lái với giá khoảng 8.000 - 10.000 đồng/kg, có lúc cao được 12.000 đồng/kg. Nếu không bán tươi, người dân có thể phơi qua vài nắng rồi bán khô, giá mỗi kg khoảng 20.000 - 23.000 đồng. Tính trung bình, một người mỗi ngày hái được khoảng 30 kg với giá 10.000 đồng, bán đi đã thu về 300.000 đồng. Hết vụ hồi, hầu như nhà nào ít nhất cũng được gần chục triệu tiền đồng. Nhiều nhà, nhờ có tiền bán hoa hồi đã sắm sửa, đóng góp cho các con , các cháu khi bước vào năm học mới.

Cây hồi phát triển tốt tại Lạng Sơn do phù hợp với loại đất và sinh trưởng ở địa hình cao. Người dân xứ Lạng gắn bó với rừng hồi kiểu cha truyền con nối. Trồng một lần và cho thu hoạch cả trăm năm sau. Riêng diện tích hồi Lạng Sơn đã chiếm hơn 70% của cả nước. Tinh dầu hồi là nguyên liệu quý sản xuất thuốc xoa bóp, tiêu hóa, chế biến những đồ mỹ phẩm, hương liệu.

Tiềm năng xuất khẩu cà phê hòa tan


Trong bối cảnh xuất khẩu cà phê nói chung đang gặp khó khăn, xuất khẩu cà phê hòa tan lại đang tăng trưởng rất ấn tượng. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Việt Nam đã vươn lên đứng hàng thứ 5 trong số những nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn trên thế giới, sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ. Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng dự báo trong niên vụ 2014/2015, Việt Nam có thể xuất khẩu được 1,3 triệu bao cà phê hòa tan (78.000 tấn), tăng tới 44% so với niên vụ trước.

Sở dĩ xuất khẩu cà phê hòa tan của Việt Nam tăng trưởng mạnh là nhờ vào vị thế nước sản xuất cà phê Robusta (thường được dùng để làm cà phê hòa tan) lớn nhất thế giới. Hiện nước ta có 19 nhà máy chế biến cà phê hòa tan nguyên chất, cà phê hòa tan phối trộn, với công suất 75.280 tấn sản phẩm/năm. Chính vì vậy, định hướng phát triển chế biến cà phê của Bộ NN&PTNT cũng tập trung nhiều vào cà phê hòa tan. Mục tiêu là đến năm 2020, có từ 25% sản lượng cà phê nhân trở lên được chế biến thành các sản phẩm cà phê phục vụ trực tiếp cho tiêu dùng (cà phê rang xay, cà phê hòa tan). Đến năm 2030, sản lượng cà phê hòa tan sẽ tăng lên 350.000 tấn/năm, còn cà phê rang xay vẫn giữ như năm 2020. Sở dĩ như vậy là vì cà phê hòa tan được định hướng phát triển mạnh để phục vụ xuất khẩu và một phần đáp ứng tiêu dùng nội địa, còn cà phê rang xay chủ yếu cho tiêu dùng nội địa.

Hậu Giang: Giá chanh cuối vụ giảm

Hơn nửa tháng qua, giá chanh ở các tỉnh miền Tây tuột dốc từng ngày. Hiện tại, giá chanh núm tại vườn chỉ bán được từ 1.000 - 1.500 đồng/kg. Trong khi đó, chanh giấy và chanh không hạt có giá nhỉnh hơn khoảng 4.000 - 6.000 đồng/kg. Nguyên nhân chủ yếu do mùa mưa bắt đầu nên nhu cầu giải khát từ chanh giảm đi rõ rệt. Hơn nữa, thị trường Trung Quốc bất ngờ ngưng nhập khẩu chanh của Việt Nam khiến giá chanh giảm. Tình hình này trái ngược hoàn toàn với thời điểm đầu năm, hàng loạt nhà vườn bất ngờ trở thành triệu phú khi giá chanh tăng cao kỷ lục, lên tới 30.000 đồng/kg. Thấy bà con khấm khá từ chanh, ngành nông nghiệp các tỉnh Hậu Giang, Long An, Sóc Trăng… còn tính đến chuyện khuyến khích nhà nông mạnh dạn phá bỏ những loại cây ăn trái kém hiệu quả khác để chuyển sang trồng chanh.

LƯU Ý CẢNH BÁO

Cà phê giảm giá - bà con có nên trữ hàng chờ giá?

Thời gian qua, biến động tỷ giá là nguyên nhân chính khiến giá cà phê tại thị trường Việt Nam và thế giới tiếp tục giảm mạnh. Điệp khúc giá giảm, nông dân trữ hàng chờ giá lên đã kéo dài trong nhiều tháng qua. Hiện tượng này thoạt nhìn tưởng sẽ giúp người trồng cà phê tránh phần thiệt thòi, nhưng thực chất, nếu kéo dài sẽ không lường trước được những rủi ro.

Giá tiếp tục giảm do biến động tỷ giá

Tuần cuối tháng 8, giá cà phê nhân xô tại các vùng nguyên liệu Tây Nguyên giảm thêm 200 đồng so với tuần trước, xuống ở mức 35.100 – 35.600 đồng/kg. Giá cà phê Robusta sàn London và giá cà phê Arabica sàn New York cũng trên đà giảm sâu. Giá cà phê Robusta giao tại cảng TP. Hồ Chí Minh hiện còn 1.677 đô-la Mỹ/tấn. Giá cà phê liên tục giảm là nguyên nhân chính khiến nông dân có tâm lý trữ hàng cho đến vụ mới và đợi giá tăng.

Theo số liệu ước tính của Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam, dự trữ cà phê trong nước hiện nay là 300.000 tấn hay 5 triệu bao. Như vậy, lượng cà phê còn trữ trong dân hiện chiếm hơn 50% sản lượng toàn niên vụ. Trong khi đó, nhu cầu trên thị trường rất yếu, hầu như không có hợp đồng nào được ký kết. Hiệp hội cũng nhận định, dù có nhiều áp lực bán ra trước mùa thu hoạch vụ mới nhưng giao dịch tại thị trường nội địa gần như đóng băng. Đây là nguyên nhân khiến các nhà xuất khẩu cà phê không dám ký kết những hợp đồng giao hàng nếu không tăng mức giá chênh lệch xuất khẩu. Nhiều đơn hàng đã ký với đối tác nước ngoài từ quý trước nhưng doanh nghiệp không dám giao hàng bởi chênh lệch tỷ giá quá cao, chưa giao đã lỗ. Đặc biệt, do giá giảm mạnh nên từ người trồng cà phê cho đến những đại lý, doanh nghiệp nhỏ cũng trữ hàng chờ giá tăng, khiến thị trường cà phê càng thêm trầm lắng.

Áp lực đặt lên người nông dân

Có thể thấy, trên tất cả các thị trường cà phê thế giới, giá cả được quyết định bởi cung cầu. Theo phân tích của giới chuyên gia thị trường cà phê, việc trữ hàng chờ giá lên ban đầu thoạt nghĩ sẽ ngăn chặn đà giảm giá khi thiếu hụt hàng, nhưng khi tổng lượng tích trữ, tồn kho đủ lớn thì rất dễ gây tác dụng ngược. Đặc biệt, tình trạng này là tiền đề để các thương lái mua cà phê ép giá nông dân. Thực tế cho thấy, quá trình phát triển, sản xuất, kinh doanh cà phê đang ẩn chứa nhiều rủi ro mà người nông dân luôn là người gánh chịu những thiệt thòi. Trước tiên, do không đủ vốn, lãi suất ngân hàng cao, nên người trồng cà phê muốn trữ hàng cũng chưa chắc giữ được lâu để chờ giá lên mà phải đem đi ký gửi cho các thương lái trung gian. Đó là chưa kể, vừa trữ hàng vừa tự xoay vốn để tái đầu tư nên nhiều nông dân trồng cà phê không tránh khỏi áp lực lớn. Nhất là từ nay đến cuối năm, thời điểm trả nợ ngân hàng cận kề, chi phí lao động thu hái cà phê, chi phí đầu vào... ngày càng cao. Do vậy, nguy cơ nông dân trồng cà phê năm nay sẽ lỗ nặng là điều có thể xảy ra. Bởi vậy, hơn ai hết, người trồng cà phê nên suy nghĩ cho kỹ trước quyết định trữ hàng, chờ giá tăng. Chuyện trữ hàng có thể không sai nhưng chỉ là nhất thời, điều cần thiết là phải tỉnh táo lựa chọn thời điểm bán ra thích hợp. Bởi đã có những hộ sau khi trữ hàng chờ giá tăng không đủ lực đã phải “bán đổ bán tháo” với giá còn thấp hơn giá trước đó để trả nợ ngân hàng.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Khánh Hòa: Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó do đồng Nhân dân tệ phá giá

Từ 11 đến 13/8/2015 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã hạ giá đồng Nhân dân tệ tổng cộng xuống 4,6% so với đồng đô-la Mỹ (hiểu đơn giản là phải mất nhiều tiền Trung Quốc hơn mới đổi được 1 đô-la Mỹ so với trước kia), mức thấp nhất so với cách đây 3 năm.

Điều này khiến các doanh nghiệp Khánh Hòa xuất khẩu sang Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn. Do đồng Nhân dân tệ mất giá nên quy ra đô-la Mỹ thấp xuống, bắt buộc doanh nghiệp nào muốn xuất hàng sang Trung Quốc đều phải hạ giá. Ví dụ trước đây xuất sang Trung Quốc 1 tấn sắn giá 236 đô-la Mỹ, thì nay phải hạ xuống còn 230 đô-la Mỹ hoặc thấp hơn nữa mới có thể cạnh tranh được. Như vậy, việc đồng Nhân dân tệ mất giá cũng ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của doanh nghiệp, kéo theo giá thu mua sản phẩm của nông dân và lương công nhân giảm theo...

Hiện, trên địa bàn Khánh Hòa có khoảng 20 doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc. Các mặt hàng chủ yếu là sắn lát, thủy sản, thủ công mỹ nghệ... Năm 2014, tổng giá trị xuất hàng đi Trung Quốc khoảng 20 triệu đô-la Mỹ. Dự báo, năm nay con số này sẽ giảm đi nhiều.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Nhật, châu Âu... của Khánh Hòa cũng bị ảnh hưởng vì đồng Nhân dân tệ giảm giá khiến mặt hàng của Trung Quốc cùng loại với Việt Nam giảm đáng kể.

Từ trường hợp của Khánh Hòa, có thể nhận định bước đầu là việc đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá so với đô-la Mỹ sẽ có một số ảnh hưởng đến thị trường trong nước trong thời gian tới. Ví dụ:

+ Giá thu mua nguyên liệu sản phẩm trong nước của các doanh nghiệp trong nước sẽ bắt buộc phải giảm xuống.
+ Hàng hóa Trung Quốc, đặc biệt là hàng tiêu dùng sẽ rẻ hơn nữa, cạnh tranh với hàng sản xuất trong nước.
+ Hàng xuất khẩu của Việt Nam phải hạ giá thành mới có thể cạnh tranh được với hàng Trung Quốc ở nội địa và các thị trường nước ngoài.

Đồng Nai: Xuất khẩu trái cây vỵn rất khó khăn

Thời gian qua, rất nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Dubai... đến Đồng Nai đặt vấn đề hợp tác xuất khẩu xoài, thanh long... nhưng thực tế vẫn dừng lại ở việc khảo sát.

Với lợi thế về diện tích, ứng dụng quy trình sản xuất an toàn, Hợp tác xã xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc) là địa chỉ được nhiều doanh nghiệp từ các nước tìm về đặt vấn đề hợp tác xuất khẩu cho trái xoài. Mỗi năm, đơn vị này đón nhiều đoàn đối tác đến tham quan, bàn việc hợp tác nhưng đến nay vẫn chưa có hợp đồng xuất khẩu nào được ký kết. Một số doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu cần nhập khẩu các giống xoài Việt Nam không có. Mặt khác, trái cây Việt Nam vẫn yếu thế trong cạnh tranh về giá với các nước lân cận, như: Thái Lan, Philippines... Trong đó, chi phí vận tải bằng đường hàng không quá cao cũng là một trong những nguyên nhân chính. Cụ thể, Thái Lan có chương trình trọng điểm quốc gia về xuất khẩu trái cây, doanh nghiệp xuất khẩu được hỗ trợ 50% cước phí vận chuyển bằng đường hàng không nên doanh nghiệp Thái có lợi thế rất lớn trong thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, sự quan tâm, đầu tư cho các khâu sơ chế, đóng gói sản phẩm ở Đồng Nai cũng còn rất thiếu. Ví dụ như trồng chuối, tại các nhà vườn, khâu bảo quản, sơ chế còn quá lạc hậu, thiếu quy trình chặt chẽ gây rủi ro rất lớn về chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, dù có doanh nghiệp đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm xuất khẩu cho cây chuối, nhưng nhiều nông dân không mặn mà tham gia vì doanh nghiệp đưa ra các yêu cầu khắt khe từ quy trình sản xuất đến thu hoạch. Cụ thể, cả buồng chuối doanh nghiệp chỉ chọn được vài nải ở giữa để đóng hàng xuất khẩu, còn lại thương lái thu mua với giá hàng dạt; tỷ lệ hao hụt cao đều do nông dân gánh.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Thị trường sách giáo khoa và đồ dùng năm học mới: Nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá

Thị trường sách giáo khoa và đồ dùng học tập năm nay rất đa dạng và phong phú. Đặc biệt, tại các tỉnh miền núi, vùng cao, nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi được áp dụng.

Đủ sách giáo khoa cho năm học 2015 - 2016

Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học cho biết, từ tháng 5 đến nay, hệ thống đại lý của công ty tại 21 huyện, thành, thị trong toàn tỉnh đã phát hành được gần 2 triệu bản sách giáo khoa; đạt 105% so với cùng kỳ năm trước. Các bậc phụ huynh lưu ý, năm nay chỉ có chương trình sách giáo khoa tiếng Anh của lớp 4 là có sự thay đổi, còn lại sách giáo khoa của các cấp học khác vẫn được tái bản. Do vậy, để tiết kiệm, phụ huynh vẫn có thể sử dụng lại sách cũ. Sách giáo khoa năm học 2015 - 2016 đủ để cung ứng cho tất cả nhu cầu của người dân, đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu sách.

Để lựa chọn được sách tham khảo đảm bảo chất lượng và phát huy hiệu quả trong việc bổ sung, nâng cao kiến thức cho học sinh, phụ huynh cần chọn mua sách của những nhà xuất bản có uy tín như: Nhà Xuất bản giáo dục, nhà xuất bản của các trường đại học hay mua sách theo tên của tác giả. Phụ huynh nên mua sách tham khảo, sách nâng cao đúng với học lực của con; những cuốn sách tham khảo bám sát chương trình SGK, gợi mở, phát triển trí tuệ cho học sinh. Về chất lượng của SGK, các bậc phụ huynh và học sinh khi đi mua sách nên đến các cửa hàng có uy tín để chọn mua. Khi chọn mua lưu ý sách phải đảm bảo các tiêu chí: sách in bằng giấy trắng, chữ và hình ảnh rõ nét, có tem, mã vạch, tên Nhà xuất bản… để không mua phải sách giả, sách kém chất lượng, sách in lậu.

Nghệ An: Dịch vụ đổi sách cũ lấy sách mới đắt hàng

Để thu hút khách hàng, dịp này các nhà sách đã đồng loạt đưa ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Hệ thống đại lý của Công ty CP Sách và thiết bị trường học Nghệ An giảm giá từ 10 - 15% tất cả các mặt hàng; Nhà sách Huy Hoàng giảm giá 10% các loại sách giáo khoa và tham khảo. Còn một số nhà sách tư nhân áp dụng mức giảm giá nhiều hơn, từ 10 - 30% tuỳ loại sách… Theo nhận định chung của nhiều nhà sách tư nhân, năm nay, sách bán khá chậm, chỉ đạt chừng 50% năm trước. Một phần có thể là bởi năm nay nhiều học sinh đã đăng ký mua sách thông qua kênh nhà trường và sách giáo khoa tham khảo cũng được giáo viên định hướng để mua. Bên cạnh việc mua sách mới thì học sinh cũng có thể tiết kiệm bằng cách mua lại sách cũ. Hiện, sách giáo khoa cũ được bày bán khá nhiều ở nhiều cửa hàng sách cũ với giá chỉ khoảng bằng 1/3 hoặc 1/2 sách mới (tùy theo độ mới của sách). Ngay tại nhà sách của Công ty CP Sách và Thiết bị trường học cũng có dịch vụ đổi sách cũ lấy sách mới, hiện đã có khoảng 3.000 đầu sách cũ đã được đổi…

Phú Yên: Hàng hóa nhiều nhưng tiêu thụ chậm

Đến thời điểm này, sức mua trên thị trường khá trầm lắng, dàn trải mặc dù các nhà sách đã đưa ra nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi hấp dẫn. Mặc dù các nhà sách trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị hàng hóa đầy đủ nhưng mức tiêu thụ vẫn thấp. Tại Nhà sách Nguyễn Văn Cừ đã áp dụng chương trình giảm giá, chiết khấu 10% đối với sách giáo khoa; 10 - 20% đối với sách tham khảo, sách bài tập và 10% đối với một số thiết bị giáo dục… nhưng sức mua vẫn không tăng so với mọi năm. Nhà sách Văn hóa Phú Yên cũng triển khai nhiều chương trình giảm giá từ 10 - 15% trên một số loại sách giáo khoa, sách bài tập, tham khảo, cặp sách, vở, đồ dùng học tập. Để phục vụ cho năm học mới, Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Phú Yên đã phát hành hơn 1 triệu sách giáo khoa và hơn 800.000 sách bài tập các loại, tăng 8 - 10% so với năm trước. Công ty cũng áp dụng chương trình chiết khấu 10% đối với các loại sách trên toàn tỉnh, tuy nhiên, sức tiêu thụ vẫn chưa khả quan. Do sức tiêu thụ chậm nên nhiều nhà sách vẫn tiếp tục áp dụng các chương trình khuyến mại, giảm giá cho đến sát ngày tựu trường.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Thiết bị đồ dùng học tập: Hàng nhái vẫn sống “khỏe”

Năm học mới 2015 - 2016 đã bắt đầu, hàng ngàn học sinh trên cả nước tưng bừng chào đón năm học mới. Thiết bị đồ dùng học tập như: tập vở, sách giáo khoa, bút mực... được các doanh nghiệp trong nước sản xuất đưa ra thị trường đa dạng và phong phú với nhiều mẫu mã. Tuy nhiên, cũng không ít những tư thương, cửa hàng đã lợi dụng nhập hàng Trung Quốc không rõ nguồn gốc về tiêu thụ, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi việc nhận biết hàng kém chất lượng còn hạn chế.

Ma trận đồ dùng học tập, sách giáo khoa kém chất lượng

Năm học mới đến gần, bên cạnh các sản phẩm do các doanh nghiệp chính hãng sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng thì nhiều cửa hàng văn phòng phẩm đã nhập về số lượng lớn sách lậu và đồ dùng học tập không rõ nguồn gốc, giá rẻ cung ứng ra thị trường.

Ông Phạm Tuấn Vũ - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: "Thị trường sách lậu đang ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Điều này không chỉ gây tổn hại lớn đến các nhà xuất bản, mà còn gây hại cho người dạy và người học". Sách lậu thường không được biên tập, kiểm tra kỹ lưỡng khi in, vì vậy, rất dễ xảy ra nhầm lẫn, sai sót như: thiếu trang, sai nội dung, sai chính tả…

Không chỉ có sách giáo khoa, các loại đồ dùng học tập như: bút, hộp bút, bút màu sáp, cặp sách, bảng, chặn vở… kém chất lượng cũng được bán tự do trong các cửa hàng văn phòng phẩm với nhiều hình thức bắt mắt. Những sản phẩm như vậy thường không có nhãn mác hoặc chỉ có một vài dòng chữ giới thiệu về sản phẩm bằng chữ Trung Quốc. Điển hình như: bộ tẩy đủ hình thù, màu sắc như các loại trái cây, bánh, kem... có giá từ 5.000 - 15.000 đồng; các loại bút mực, bút nước, bút xóa... chỉ có giá dao động dưới 10.000 đồng. Đặc biệt những dụng cụ được trang trí bởi chất lỏng sóng sánh lạ mắt được học sinh ưa thích như cục chặn giấy, bút nhớ dòng, gọt bút chì... có giá chưa tới 30.000 đồng. Theo Công ty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà, để thu hút sự chú ý của các học sinh, trong quá trình sản xuất, nhiều nhà sản xuất đã sử dụng các chất phụ gia cũng như các chất hóa học gồm chì, asen, Cd (cadmium) với hàm lượng khá cao để sản phẩm gia công đạt được hình thức. Nhiều đồ dùng không chỉ có màu sắc sặc sỡ, hình dạng đa dạng mà còn có mùi thơm hấp dẫn nên trong quá trình sử dụng, trẻ không chỉ tiếp xúc qua da tay, qua đường hô hấp mà nhiều trẻ còn có thói quen ngậm đồ dùng học tập… nên rất dễ nhiễm hóa chất, kim loại nặng vào cơ thể.
Lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng

Anh Nguyễn Văn Thao – giáo viên tiểu học Mù Cang Chải (Yên Bái) cho biết, hiện nay sản phẩm thiết bị đồ dùng học tập trong nước được các giáo viên sử dụng tới 80%. Đồng thời các giáo viên cũng đã hướng dẫn cho phụ huynh mua các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao để phục vụ học tập thay vì mua các sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc không đảm bảo chất lượng. “Những sản có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và thành phần sản phẩm rõ ràng hoặc đã được xác định có an toàn tại Việt Nam sẽ là sự lựa chọn tốt nhất. Điều này sẽ giúp trẻ tránh được những ảnh hưởng từ các chất độc hại trong quá trình học tập của học sinh” – anh Thao chia sẻ.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, để đối với sách lậu, nhà xuất bản đã phối hợp với các ban, ngành ở trung ương và địa phương (công an, quản lý thị trường, thanh tra…) thành lập đoàn kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều vụ in lậu sách giáo dục. Đồng thời, khuyến cáo các phụ huynh và học sinh nên mua sách giáo khoa và các sản phẩm giáo dục ở các cửa hàng, siêu thị sách của tất cả các Công ty Sách - Thiết bị trường học các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cục Quản lý thị trường cũng cho biết, Cục sẽ chỉ đạo các chi cục kiểm tra nhãn mác, chất lượng các loại đồ dùng học tập, đặc biệt là các loại không rõ nguồn gốc. Theo đó sẽ lấy mẫu giám định chất lượng đối với các loại đồ dùng học tập do nước ngoài sản xuất có dấu hiệu nhiễm các chất độc hại: chì (Pb) cadimi (Cd), thủy ngân (Hg) hoặc các chất khác vượt quá giới hạn cho phép.

BÀ CON CẦN BIẾT


Thủ tục cho sinh viên nghèo vay vốn



Theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên thì chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên được áp dụng để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn góp phần trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt của học sinh, sinh viên trong thời gian theo học tại trường bao gồm: tiền học phí; chi phí mua sắm sách vở, phương tiện học tập, chi phí ăn, ở, đi lại.



Đối tượng được vay vốn



Là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm:



- Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động.



- Học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: Hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật; Hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật.



- Học sinh, sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.



Việc cho vay đối với học sinh, sinh viên được thực hiện theo phương thức cho vay thông qua hộ gia đình. Đại diện hộ gia đình là người trực tiếp vay vốn và có trách nhiệm trả nợ Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động, được trực tiếp vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi nhà trường đóng trụ sở



Điều kiện vay vốn



Đối với học sinh, sinh viên năm thứ nhất phải có giấy báo trúng tuyển hoặc giấy xác nhận được vào học của nhà trường.



Đối với học sinh, sinh viên từ năm thứ hai trở đi phải có xác nhận của nhà trường về việc đang theo học tại trường và không bị xử phạt hành chính trở lên về các hành vi: cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, buôn lậu.



Mức vốn cho vay tối đa là 800.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên.



Bên cạnh đó, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề có trách nhiệm:
- Trong thời hạn 2 tuần lễ kể từ khi bắt đầu nhập học, phải xác nhận cho học sinh, sinh viên năm thứ nhất thuộc đối tượng vay vốn đã nhập học vào trường, để làm thủ tục vay vốn.



- Hàng năm, chậm nhất là 1 tháng trước khi khai giảng năm học mới, nhà trường phải xác nhận các học sinh, sinh viên đang theo học tại trường từ năm thứ hai trở đi thuộc đối tượng vay vốn không bị xử phạt hành chính trở lên về các hành vi: cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, buôn lậu để làm thủ tục vay vốn.



Cơ chế, thủ tục vay vốn



Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm hướng dẫn hồ sơ xin vay vốn, trình tự và thủ tục cho vay, kỳ hạn trả nợ, mức trả nợ, gia hạn trả nợ, chuyển nợ quá hạn đối với học sinh, sinh viên theo quy định. Tổ chức huy động vốn để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với học sinh, sinh viên. Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề trong quá trình cho vay để vốn vay được sử dụng đúng mục đích, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên trong việc nhận tiền vay và đóng học phí. Việc giải ngân của Ngân hàng chính sách xã hội được thực hiện một năm 2 lần vào các kỳ học.



Về việc hỗ trợ giãn nợ hoặc khoanh nợ cho học sinh, sinh viên ra trường không có công ăn việc làm cụ thể như sau: Trong thời gian học tập học sinh, sinh viên được vay vốn chưa phải trả nợ gốc và lãi; học sinh, sinh viên được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi học sinh, sinh viên có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khoá học; đến kỳ trả nợ cuối cùng, học sinh, sinh viên có khó khăn chưa trả được nợ, nếu có văn bản đề nghị gia hạn nợ thì được Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét cho gia hạn nợ, thời gian gia hạn nợ tối đa bằng 1/2 thời hạn trả nợ.

HÀNG VIỆT

Năm học mới: Đồ dùng học tập nội lên ngôi

Thời điểm này, cả nước đang bước vào một năm học mới. Theo ghi nhận tại các trung tâm phát hành sách và các siêu thị ở Hà Nội nói chung và cả nước nói riêng, đồ dùng học tập “Made in Vietnam” mẫu mã rất phong phú, phù hợp lứa tuổi học sinh. Thêm nữa, các đơn vị trong nước cũng rất chú trọng khâu quảng bá, bán hàng với nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn.

Duy trì mức giá ổn định

Ngay từ cuối tháng 5/2015, để chuẩn bị cho năm học mới, Công ty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà đã đưa ra thị trường khá nhiều sản phẩm vở viết chất lượng tốt, phong cách thiết kế mới lạ. Đối với dòng giấy vở, công ty chú trọng đến việc sử dụng giấy trắng tự nhiên chống lóa, mỏi mắt, an toàn sức khỏe, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Một số sản phẩm mới bút máy luyện viết chữ đẹp, ba lô cặp siêu nhẹ, chống cong vẹo cột sống cũng đã được công ty sản xuất kịp thời nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh, sinh viên trước mùa khai trường. Mặc dù phải chịu nhiều chi phí tăng cao như giá nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển… song các sản phẩm mang thương hiệu Văn phòng phẩm Hồng Hà vẫn duy trì mức giá ổn định không tăng giá so với thị trường.

Bên cạnh đó, đón đầu mùa tựu trường, công ty còn thực hiện chương trình khuyến mại học bổng “Chắp cánh ước mơ” hấp dẫn trị giá 5 tỷ đồng. Ngoài việc trao học bổng cho khách hàng may mắn, Công ty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà còn dành tặng hàng trăm suất học bổng tới các em học sinh nghèo vượt khó và học sinh có thành tích học tập tốt các trường THCS & THPT thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra phía Bắc.

Nhiều chương trình kích cầu thị trường nông thôn, miền núi

Theo ghi nhận, năm nay, đồ dùng học tập trong nước đang chiếm ưu thế. Nhiều sản phẩm với mẫu mã phong phú, đảm bảo sức khỏe và giá cả hợp lý đã được bày bán kèm theo nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn.

Ông Hoàng Mạnh Ánh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà cho biết: Năm nay công ty sản xuất khoảng 100 triệu sản phẩm tăng gần 10% so với năm ngoái và triển khai liên tục có các chương trình khuyến mại sản phẩm giảm giá từ 5% đến 50%. Ông Hoàng Mạnh Ánh cũng cho biết: “Có thể nói chương trình khuyến mại năm nay rất phong phú cho người tiêu dùng và cho cả nhà phân phối, làm sao kích cầu được người tiêu dùng mua hàng. Nhìn chung, năm nay sức mua không có đột biến so với năm ngoái nhưng các sản phẩm trong nước đã chiếm lĩnh thị trường 70 - 80%. Chúng tôi hy vọng trong quý 3 trọng tâm của công ty chắc chắn sẽ tăng 10%”. Đặc biệt, công ty rất chú trọng xây dựng phân khúc giá dành riêng cho thị trường nông thôn, miền núi với mức giá thấp hơn so với các tỉnh miền xuôi khoảng 30%. Đồng thời, mở rộng các đại lý phân phối tới tận các xã, huyện...

Ông Trương Quang Luyến – Tổng giám đốc Công ty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà cho biết, nhằm khuyến khích động viên tới các em học sinh nghèo vượt khó, nhất là ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, cuối năm học 2014 - 2015 vừa qua, giai đoạn 1 chương trình Học bổng Chắp cánh ước mơ - Công ty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà đã vượt nhiều dặm đường đến với học sinh các trường THCS & THPT của các tỉnh: Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai... Tại mỗi điểm trường, Công ty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà đã dành tặng 10 suất học bổng cho các bạn học sinh tiêu biểu. Mỗi suất học bổng trị giá 1 triệu đồng. Vào năm học mới, giai đoạn 2 Chương trình học bổng Chắp cánh ước mơ – Công ty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà sẽ tiếp tục đến với học sinh các tỉnh Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An…

Sơn Nam (Báo Công Thương và Cổng Thông tin Điện tử UBDT phối hợp thực hiện)