Thông tin giá cả thị trường tuần từ 22/02/2014 đến 28/02/2014

04:22 PM 22/02/2014 |   Lượt xem: 2720 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Người dân chủ quan trong phòng, chống dịch cúm gia cầm: Hậu quả sẽ rất khó lường

Chưa đầy 2 tháng sau khi xuất hiện tại nước ta, dịch cúm gia cầm đã làm 2 người tại Bình Phước và Đồng Tháp thiệt mạng. Nếu khống chế dịch không tốt trên đàn gia cầm, đặc biệt là ngăn chặn gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, nguy cơ sẽ có thêm người chết vì dịch bệnh này rất cao. Hiện, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đang hết sức nỗ lực phòng, chống dịch. Tuy nhiên, nếu người dân, nhất là nhân dân ở khu vực có chung đường biên giới với các quốc gia đang có dịch cúm A/H7N9 không nâng cao ý thức tự phòng vệ, thì hậu quả sẽ rất khó lường.

Cơ quan chức năng quyết liệt...
Không như những đợt dịch cúm gia cầm những năm trước, cuối năm 2013, đầu năm 2014, vi rút cúm A đã biến thể thành những chủng vi rút đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây nhiễm cao, kháng thuốc mạnh và khó phát hiện triệu chứng khi lây nhiễm trên người.

Vì vậy, từ đầu năm 2014 đến nay, Thủ tướng chính phủ phải có 2 công điện (Công điện 133/CĐ-TTg ngày 23/01/2014 và 200/CĐ-TTg ngày 14/2/2014) chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống nhập lậu, buôn bán, vận chuyển gia cầm, các sản phẩm từ gia cầm trái phép và phòng chống dịch cúm gia cầm lây lan qua biên giới. Theo đó, các bộ, ngành Trung ương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo khẩn cấp. Trong đó, các ngành Nông nghiệp Phát triển nôn thôn, trực tiếp là cơ quan Thú ý; ngành Công Thương, trực tiếp là lực lượng Quản lý thị trường (QLTT), cùng nhiều ban ngành hữu quan đã xây dựng kế hoạch hành động khẩn cấp. Các lực lượng liên ngành (QLTT, công an, biên phòng, thú y, cảnh sát biển…) tập trung cao nhất nhân lực, phương tiện ứng trực 24/24 giờ tại các điểm chốt và tổ chức lực lượng cơ động kiểm tra, xử lý hiệu quả các tình huống khẩn cấp.

Với các địa phương cũng khẩn trương, chủ động thực hiện với tinh thần coi việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình trạng gia cầm nhập khẩu trái phép và phòng, chống dịch là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách.
...Nhưng người dân còn chủ quan
Trong khi các cơ quan chức năng căng mình phòng, chống dịch cúm gia cầm thì dường như, người dân vẫn chưa thực sự có những hành động cụ thể để bảo vệ bản thân, gia đình trước đại dịch nguy hiểm này.
Thể hiện rõ nhất qua các con số các vụ vi phạm trong nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển gia cầm trái phép trong những tháng đầu năm 2014. Cụ thể, từ đầu năm đến nay các lực lượng chức năng ở Lạng Sơn và Bắc Giang vẫn bắt giữ hàng chục vụ buôn bán, vận chuyển hàng ngàn con gà thịt không nguồn gốc và trên 3.000 con gia cầm giống nhập lậu qua biên giới. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm cho biết, kết quả giám sát tại 147 chợ thuộc 44 tỉnh, thành, thì tỷ lệ chợ có phát hiện virus H5N1 trên vịt là gần 6% và 61% chợ có virus này.

Còn theo khảo sát của phóng viên Báo Công Thương tại chợ Thương (thành phố Bắc Giang), tình trạng buôn bán, giết mổ gia cầm vẫn diễn ra không đảm bảo vệ sinh. Ở hầu hết chợ các địa phương, như: Chi Ma; Lộc Bình; Đình Lập… (Lạng Sơn), Tiên Yên; Ba Chẽ (Quảng Ninh) và Sơn Động (Bắc Giang), dù ở quy mô nhỏ lẻ, nhưng hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm vẫn diễn ra. Đặc biệt, các nhà hàng, quán ăn vẫn bày bán các sản phẩm gia cầm (dù họ luôn khẳng định là gia cầm trong nước và đã qua kiểm dịch), song bằng cảm quan có thể nhận thấy, rất nhiều sản phẩm không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú ý.

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm gia cầm, nguy cơ lây lan rộng dịch cúm gia cầm H5N1 là rất cao, bởi thời tiết đang trong giai đoạn bất lợi và bất thường, làm giảm sức đề kháng của gia cầm, trong khi việc vận chuyển, buôn bán gia cầm qua biên giới phía Bắc chưa được kiểm soát hoàn toàn và việc chăn nuôi thủy cầm tại biên giới với Campuchia diễn biến phức tạp, khó có thể kiểm soát.
 

Lúc này, để đảm bảo an toàn trước dịch cúm gia cầm, cùng với các cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân và người dân cần chủ động nắm bắt thông tin và thực hiện nghiêm các quy định trong việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán gia cầm và sản phẩm từ gia cầm. Nếu chính quyền từ cơ sở thôn, xã và nhất là người dân không vào cuộc phòng chống dịch quyết liệt sẽ rất khó lường về hậu quả.
 

MUA GÌ?

Trái cây Long Khánh vào siêu thị Nhật

Năm nay bà con trồng sầu riêng, chôm chôm Long Khánh (Đồng Nai) không còn lo lắng tìm đầu ra cho sản phẩm bởi hệ thống Siêu thị Aeon (Nhật Bản) đứng ra ký hợp đồng thu mua với số lượng không hạn chế. Theo đó, mùa vụ năm 2014, hơn 150 nông dân đang sử dụng thương hiệu sầu riêng, chôm chôm Long Khánh sẽ bán trực tiếp khoảng 200 tấn sản phẩm cho hệ thống Siêu thị Aeon.

Thị xã Long Khánh có khoảng 3.000 héc-ta chôm chôm và gần 1.300 héc-ta sầu riêng. Năm 2011, chôm chôm và sầu riêng của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTX) Xuân Thanh, TX. Long Khánh đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Mặc dù vậy, đầu ra cho sản phẩm chủ yếu phụ thuộc vào thương lái thu mua nhỏ lẻ. Chính vì vậy, sản phẩm của nông dân làm ra luôn bị ép giá, thậm chí bị ứ đọng dẫn tới hư hỏng. Trước khi đi đến ký kết hợp đồng, Aeon đã tiến hành khảo sát vườn cây, tìm hiểu quy trình chăm sóc và đánh giá chất lượng quả. Khi biết sầu riêng, chôm chôm Long Khánh có chất lượng vượt trội, đạt tiêu chuẩn, Aeon đã bắt tay mua sầu riêng với mức giá 35.000 – 45.000 đồng/kg (cao hơn khoảng 7.000 đồng/kg so với giá thương lái mua); chôm chôm với giá từ 12.000 – 13.000 đồng/kg (cao hơn khoảng 2.000 – 3.000 đồng/kg). Đây là hợp đồng dài hạn, không hạn chế số lượng và bắt đầu thực hiện vào mùa vụ năm 2014. Theo ông Phạm Phú Quốc - Chủ nhiệm HTX Xuân Thanh: “Việc Aeon đứng ra mua sản phẩm sầu riêng, chôm chôm đã tạo cơ hội phát triển bền vững cho các nhà vườn. Những năm trước, tại Long Khánh đã từng xảy ra tình trạng người nông dân chặt bỏ chôm chôm, sầu riêng vì làm ra không biết bán cho ai, mà có bán thì giá cũng ở mức thấp”. Ông Mai Văn Liêm, một nông dân ngụ xã Hàng Gòn, TX. Long Khánh, hồ hởi chia sẻ: “Điều quan trọng bây giờ là cố gắng chăm sóc cây thật tốt để đạt năng suất và chất lượng cao. Hiện tại, tôi đang trồng 2 héc-ta sầu riêng và thu hoạch mỗi năm đạt khoảng 20 triệu đồng. Sắp tới, Siêu thị Aeon mua với mức giá cao hơn thị trường nên sẽ hứa hẹn một vụ mùa lợi nhuận cao hơn”.

Những năm tới, ngoài việc cung cấp cho Siêu thị Aeon, trái cây Long Khánh sẽ tiếp tục được mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ với số lượng lớn. Đây sẽ là tín hiệu vui và hứa hẹn sự phát triển bền vững cho bà con.

Thừa Thiên - Huế: Ngư dân được mùa cá trích
 

Vừa qua, hàng trăm ngư dân trên địa bàn xã trúng đậm mùa cá trích sau mỗi chuyến ra khơi bằng nghề đi lộng. Bình quân mỗi thuyền của ngư dân đánh bắt vài tạ cá trích/ngày. Từ mùng 10 tháng Giêng đến nay, mỗi thuyền ra khơi trúng 1 - 2 tạ cá trích/ngày, mang về thu nhập trên dưới 1 triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó, thời gian trong Tết và sau Tết, bà con ngư dân ở xã Quảng Ngạn cũng trúng đậm mùa khuyết, cá cơm, mang thu nhập vài trăm nghìn lao động/người/ngày.
Tiền Giang: Khoai lang vụ sớm đạt năng suất không cao

Theo Phòng NN & PTNT huyện Châu Thành (Tiền Giang), vụ khoai lang năm nay nông dân các xã Tân Hương, Tân Lý Đông và Tân Lý Tây… xuống giống 200 héc-ta, nhiều nhất là khoai bí đế, khoai Nhật (ruột tím). Tuy nhiên, do thời tiết lạnh nên vụ khoai sớm năm nay năng suất đạt không cao, bình quân từ 1,5 - 1,8 tấn/1.000m2, cá biệt có một số diện tích đạt năng suất từ 2 - 2,2 tấn/1.000m2. Hiện thương lái đến tận ruộng thu mua khoai với giá từ 5.000 - 5.500 đồng/kg, nông dân thu lãi từ 3,5 - 4 triệu đồng/1.000 m2.

Ninh Thuận: Củ cải trắng được mùa nhưng mất giá

Vụ Đông - Xuân năm nay, xã An Hải (Ninh Phước, Ninh Thuận) sản xuất hơn 80 héc-ta rau màu các loại, trong đó, có 15 héc-ta củ cải trắng. Chi phí để trồng củ cải trắng khoảng 500.000 đồng/sào, đó là chưa kể tiền thuê nhân công làm đất, tiền điện bơm nước… Mặc dù năng suất có tăng lên từ 800 kg - 1 tấn/sào nhưng chẳng thấm vào đâu. Nguyên nhân do không nắm được nhu cầu thị trường, nhiều nông dân An Hải đã chủ quan xuống giống ồ ạt, dẫn đến “cung” vượt “cầu” nên “đầu ra” cho sản phẩm cải trắng gặp khó khăn, mất giá.

Ngư dân trúng lớn vụ rong sụn đầu năm

Tại làng biển Lạc Tân 3, xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, mới đầu vụ thu hoạch đầu năm, người dân đã trúng đậm năng suất, sản lượng lẫn giá cả. Trung bình 1 héc-ta diện tích mặt nước thả nuôi thu hoạch được hơn 10 tấn rong tươi (trồng theo kiểu căng dây), còn trồng trong lồng lưới thì năng suất đạt đến 15 tấn/héc-ta. Theo đó, 1kg rong tươi có giá từ 4.500 - 4.800 đồng, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với những vụ của năm trước. Ngoài ra, rong khô cũng có giá khá cao 22.000 đồng/kg, so với các vụ năm trước tăng khoảng 5.000 - 7.000 đồng/kg. Thương lái đưa xe đến tận nơi nuôi trồng thu mua, vận chuyển.
Giá cả trong tuần:     
 

Tại Lai Châu

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

Lạc nhân loại 1

55.000

Ngô hạt

8.500

Búp chè xanh

5.500

Bắp cải

10.000

Su hào

12.000

Cà chua

20.000

     
 
Tại Phú Yên

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

Lạc nhân loại 1

65.000

Bắp cải

14.000

Su hào

10.000

Cà chua

12.000

Đậu tương

32.000

      Tại Tây Ninh

Mặt hàng

Giá (đồng/kg)

Lạc nhân

40.000

Đậu xanh có vỏ

36.000

Đậu xanh không vỏ

39.000

Tiêu hạt

150.000

Cà chua

12.000

Cà rốt

17.000

 

BÁN GÌ?

Đồng Nai: Xuất khẩu xoài tươi sang Ukraina

Sau khi xuất khẩu thành công 5 loại sản phẩm trái cây (xoài, mít, chuối sấy, thanh long, sầu riêng), từ đầu năm 2014, Đồng Nai đã ký được hợp đồng xuất khẩu xoài tươi sang Ukraina. Theo đó, HTX xoài Suối Lớn (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) đã ký được hợp đồng xuất khẩu xoài tươi sang Ukraina với giá cao gấp 2 lần so với trong nước. Bên cạnh đó, mới đây, xoài sấy khô của HTX chào hàng ở châu Âu đã được chấp nhận và HTX đang gấp rút chuẩn bị việc ký hợp đồng. Ngoài 2 thị trường lớn trên, phía Dubai cũng đang dự tính sẽ nhập khẩu xoài “ba mùa mưa” từ HTX xoài Suối Lớn (giống xoài theo cách gọi của bà con địa phương trồng bằng hạt chỉ 3 năm là cho quả).
 

Hiện một số doanh nghiệp Mỹ, Nhật Bản, EU... đã đặt vấn đề nhập khẩu trái cây từ Đồng Nai với giá cao gấp 1,5 - 2 lần so với thị trường trong nước, nhưng sản phẩm phải có chứng nhận GAP (thực hành nông nghiệp tốt) và bảo quản đảm bảo chất lượng trong quá trình vận chuyển. Do vậy, vấn đề của ngành nông sản xuất khẩu bây giờ không phải là thị trường mà là phương pháp bảo quản sau thu hoạch (bảo quản quả tươi sau thu hoạch từ 10 - 15 ngày và không dùng các chất có hại). Đây cũng là thách thức mà các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây ở Đồng Nai phải giải quyết.

Điều chỉnh giá sàn gạo xuất khẩu
 

Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong cuộc họp thường kỳ, Ban Chấp hành VFA đã thống nhất quyết định điều chỉnh giá sàn xuất khẩu gạo cấp thấp xuống còn 265 đô-la Mỹ/tấn (FOB) (trước đây là 275 đô-la Mỹ/tấn); đóng bao 50kg, giao tàu và theo tiêu chuẩn chất lượng gạo xuất khẩu Việt Nam. Chênh lệch giá giữa các loại gạo khác do các thương nhân tính toán và quyết định. Giá công bố sẽ được áp dụng sau 3 ngày kể từ ngày ra quyết định. VFA đề nghị các thương nhân xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm mức giá sàn xuất khẩu trên.

VFA cũng phổ biến giá thành bình quân của vụ đông xuân 2013 - 2014 theo tinh thần văn bản của Bộ Tài chính công bố, bình quân là 3.769 đồng/kg. Theo Bộ Tài chính, các bộ, ngành và doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo căn cứ vào giá hướng dẫn bình quân để mua lúa cho nông dân có lãi tối thiểu.
Thuế nhập khẩu sản phẩm từ sắn giảm mạnh

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 17/2014/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng sắn thuộc nhóm 07.14 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 164/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính. Theo đó, các sản phẩm sắn thái lát hoặc đã làm thành dạng viên (lát đã được làm khô, đông lạnh hoặc loại khác) có mức thuế nhập khẩu 10% sẽ giảm xuống còn 3% bắt đầu từ ngày 25/3/2014.

Tồn kho 400.000 tấn đường
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện mùa thu hoạch mía đường đang vào vụ nhưng lượng đường tồn kho tại các nhà máy trên 400.000 tấn và đang tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Nguyên nhân chủ yếu do đường cát nhập lậu từ Thái Lan qua đường biên giới Tây Nam ngả Campuchia hiện đang chiếm lĩnh 70 - 80% thị phần thị trường khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các nhà nhập khẩu cho biết, nguyên nhân khiến giá đường trong nước cao hơn đường nhập từ Thái Lan là do đường nhập lậu, trốn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng. Thêm vào đó là quy mô sản xuất mía đường ở Thái Lan theo nông trại, sản lượng rất lớn nên giá mía thấp và giá thành sản xuất đường thấp.
Lâm Đồng: Hoa lay ơn rớt giá
Đợt lạnh kéo dài trước Tết Nguyên đán khiến nhiều vườn hoa lay ơn của các hộ nông dân xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng (dưới chân đèo Prenn, Đà Lạt) không nở kịp vào dịp cuối năm. Nhiều cành lay ơn lẽ ra được dành cung ứng cho thị trường Tết nay mới bung hoa. Những ngày đầu tháng 2, nhà vườn chào giá 200 đồng/cành mà không có người mua nên nhiều vườn đã chặt bỏ cho bò ăn hoặc phơi khô rồi đốt.

Theo tính toán, 1.000 m2 đất trồng được 25.000 cây hoa lay ơn, chi phí cho một cây từ lúc bắt đầu gieo trồng tới lúc thu hoạch 600 - 700 đồng, tương đương 15 triệu đồng cho diện tích đất 1.000 m2. Trong đó, riêng tiền giống chiếm 50%. Nếu giá hoa giữ mức 1.200 đồng/cành như những vụ Tết trước, nông dân không bội thu nhưng ít ra cũng có lời 12 - 15 triệu trong 3 tháng canh tác. Tuy nhiên, khi giá bán chỉ 100 - 200 đồng/cành như mấy tuần qua thì nhà vườn không còn muốn canh tác tiếp. Có nhà vườn hụt vốn, thậm chí tiền vay ngân hàng đã đến kỳ đáo hạn. Hiện dọc hai bên quốc lộ trước khi vào thành phố Đà Lạt, những đám hoa lay ơn bung nở quá độ, phần nhiều đã héo rũ. Từng đoàn xe máy, xe công nông từ vùng nuôi bò sữa Bồng Lai, Đạ Ròn nối đuôi nhau chở về cho bò ăn để tăng thêm chất xanh trong mùa khô hạn.

NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG

Giá cà phê tăng nhưng không nên bán vội

Hiện nay, tổng sản lượng cà phê Việt Nam chiếm khoảng 18% thị trường thế giới nhưng riêng cà phê robusta thì nước ta xuất khẩu đứng vị trí thứ 1, chiếm khoảng 60% thị phần thế giới. Trong tháng 1/2014, xuất khẩu cà phê của Việt Nam chỉ đạt 135.600 tấn, giảm gần 40% so với cùng kỳ.

Đây cũng là nguyên nhân làm lượng hàng giao dịch cà phê trên sàn Luân Đôn giảm mạnh. Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Vicofa Việt Nam, giá tăng do nông dân và doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nghỉ ăn Tết dài ngày khiến lượng hàng bán ra giảm.

Cũng theo Vicofa, do mùa cà phê của Brazin (nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới) sẽ chịu một đợt khô hạn làm giảm sản lượng lớn. Ở Tây Nguyên, vùng trọng điểm cà phê của nước ta cũng chịu tác động của thời tiết lạnh kéo dài ảnh hưởng kỳ ra hoa trái vụ sau Tết. Nắm bắt được tình hình này, các nước xuất khẩu cà phê lớn cũng đang găm hàng và hạn chế bán ra. Tuy nhiên, trong thực tế thị trường xuất khẩu cà phê cùng kỳ của năm 2013, giá cà phê tăng cao đỉnh điểm nhưng sau đó lại giảm sâu nên nông dân và DN rất lúng túng. Vicofa cũng cho rằng giá cà phê hiện đang tăng từng ngày nhưng dự báo chính xác về giá rất khó. Bởi đà phục hồi khủng hoảng kinh tế thế giới đang diễn ra chậm chạp. Ông Đỗ Hà Nam cho rằng giá cà phê năm 2014 sẽ không xảy ra hiện tượng rơi thẳng đứng như thời điểm tháng 10, 11 năm 2013. Vicofa cũng sẽ kiến nghị với Chính phủ có các chính sách hỗ trợ người nông dân về lãi suất khi vay vốn trồng và trữ cà phê. Trước mắt, Vicofa sẽ kêu gọi các DN hạ giá thuê kho giữ cà phê cho người nông dân.

Theo nhận định của Vicofa, giá cà phê trong năm 2014 sẽ ổn định ở mức 35 - 37 ngàn đồng/kg. Giá thế giới sẽ ổn định khoảng 1.800 đô-la Mỹ/tấn. Như vậy, nông dân có quyền lựa chọn găm hàng hay bán ra vào lúc này. Với mức giá như hiện nay là bán được nhưng không nên bán ồ ạt làm thị trường hỗn loạn.
Ninh Thuận: Ngư trường thuận lợi, tín hiệu vui cho các cơ sở chế biến hải sản
 

Với hơn 50 cơ sở sản xuất nước mắm lâu đời, sản phẩm nước mắm Cà Ná khá nổi tiếng và được người tiêu dùng biết đến lâu nay. Năm nay, mùa nguyên liệu thuận lợi nên không khí sản xuất càng thêm rộn ràng. Theo các chủ cơ sở chế biến nước mắm thì những năm trước, để có đủ nguyên liệu chế biến, phải ra ngoài tỉnh để thu mua cá cơm đưa về chế biến với giá rất cao. Số lượng thu mua đôi khi không đủ sản xuất do khan hiếm, cơ sở chế biến hoạt động kiểu cầm chừng, rất khó khăn. Năm nay ngư trường trong tỉnh rất thuận lợi, nguồn nguyên liệu dồi dào và giá thành cũng tương đối nên các cơ sở chế biến nước mắm và hấp cá ở địa phương hoạt động sản xuất nhộn nhịp như từ đầu năm đến nay. Năm nay nguyên liệu cá cơm tươi mua vào có giá khoảng 20.000 đồng/kg, thấp hơn so với năm trước khoảng 10.000 đồng/kg, nên khả năng các cơ sở chế biến nước mắm thu lãi năm nay sẽ cao hơn so với năm trước khá nhiều.

Niềm vui không chỉ đến với các cơ sở chế biến nước mắm, nhiều cơ sở chế biến, hấp luộc cá cơm khô cũng rất phấn khởi. Các chủ cơ sở chế biến cá nhận định, sản lượng đánh bắt lớn cộng thêm giá thu vào chế biến khá ổn định, chỉ dao động từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng/kg, nên các cơ sở chế biến cá hấp không rơi vào cảnh khó khăn như các năm trước đây. Những ngày này các cơ sở chế biến cá hấp hoạt động liên tục, nhờ đó người lao động cũng có việc làm thường xuyên, ổn định hơn.

Ngư trường đầu năm thuận lợi, không chỉ ở làng biển Phước Diêm và Cà Ná của huyện Thuận Nam mà nhiều cơ sở sản xuất chế biến hải sản ven biển của tỉnh Ninh Thuận cũng đang hoạt động nhộn nhịp không kém. Đây quả là tín hiệu rất đáng mừng cho cả ngư dân lẫn nhà sản xuất, kinh doanh chế biến hải sản của Ninh Thuận.

Hòa Bình: Gà thương phẩm tồn đọng lớn

Chưa có năm nào, người chăn nuôi gia cầm ở Hòa Bình gặp phải cảnh này bởi thông thường, cứ vào dịp giáp Tết, giá gà lại tăng. Ví như Tết Nguyên đán 2013, giá gà tăng cao điểm lên đến 200.000 đồng/kg. Những ngày cận Rằm tháng Giêng, giá cũng không dưới 150.000 đồng/kg đối với gà ta. Thế nhưng thời điểm này, giá bán ngoài thị trường chỉ chưa đến 100.000 đồng/kg. Với người chăn nuôi, giá xuất bán lại càng thấp rớt. Có đến hàng nghìn hộ chăn nuôi các huyện Lạc Thủy, Kim Bôi, Lạc Sơn, Lương Sơn đang phải xuất tại chuồng chỉ với giá 75.000 đồng, cao nhất là 80.000 đồng/kg.
 

Một chủ trang trại gà ở huyện Lương Sơn cho biết có rất ít đơn đặt hàng trong khi hàng ngày lượng gà tồn đòi hỏi tiếp tục phải cung cấp thức ăn, khả năng thua lỗ đã cầm chắc. Đối với đàn gà nuôi trong dân, một số hộ chăn nuôi bất đắc dĩ phải xoay sở bằng cách tự mang ra chợ, tập kết dọc các tuyến quốc lộ những mong bán bớt được chừng nào hay chừng ấy.
 

Từ đầu năm đến nay, không chỉ có gà thương phẩm mà nhiều sản phẩm khác như lợn, rau cũng gặp khó khăn về giá thị trường. Điều này được lý giải do sản phẩm nông nghiệp dư thừa trong khi sức mua trên thị trường vẫn chưa được cải thiện. Theo báo cáo sơ bộ, toàn tỉnh hiện còn tồn trên 1 triệu con gà thương phẩm đến kỳ xuất bán, giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng. Ở các huyện có trang trại, gia trại tập trung như Lạc Thủy, Lạc Sơn, Kim Bôi, mỗi huyện còn tồn vài trăm nghìn con.

Theo ý kiến của các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình, để vượt qua giai đoạn khó khăn, người chăn nuôi cần phải kiên trì giữ đàn. Qua theo dõi quy luật hàng năm, nếu để xảy ra tình trạng xuất bán ồ ạt với giá thấp như hiện nay, người chăn nuôi phải chịu rủi ro thua lỗ nặng, thiệt hại nhiều. Nhưng đến khi giá thị trường tăng trở lại sẽ không còn hàng để bán. Trong lúc này, các hộ cần cũng cân nhắc, thận trọng về thời điểm tái đàn.  
 

LƯU Ý, CẢNH BÁO

Hệ lụy từ việc trồng dong riềng ồ ạt
 

Hy vọng trồng dong riềng thu nhập hàng trăm triệu đồng/héc-ta như những năm trước, năm 2013 nông dân tỉnh miền núi Bắc Kạn ồ ạt trồng dong riềng dẫn đến sản lượng quá lớn, bị các cơ sở thu mua dìm giá xuống thấp. Hiện đã vào cuối vụ nhưng giá bán không đủ bù đắp chi phí thu hoạch, nông dân không muốn thu hoạch hàng trăm héc-ta dong riềng. Không chỉ Bắc Kạn, mà nông dân các tỉnh Tuyên Quang, Điện Biên, Sơn La... cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

Hàng trăm héc-ta bỏ không thu hoạch

Những năm trước, dong riềng chủ yếu chỉ được trồng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, “đầu ra” của dong riềng là tinh bột, miến dong chủ yếu được tiêu thụ ở Hà Nội, Thái Nguyên và các tỉnh miền xuôi. Từ năm 2013, thấy dong riềng có thu nhập cao, lại dễ trồng, dễ chăm sóc nên nhiều tỉnh miền núi phía Bắc cũng trồng dong riềng, trong khi đó thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh miền xuôi. Tại Bắc Kạn, nông dân ồ ạt trồng dong riềng, đồi bãi trống đều được tận dụng để trồng nên diện tích năm 2013 tăng đột biến với 2.943 héc-ta, tăng gần 1.000 héc-ta so với năm trước. Tuy nhiên, do được trồng quá nhiều, sản lượng lớn nên đã bị các cơ sở thu mua chế biến tinh bột, từ tinh bột chế biến ra miến ép giá. Giá thu mua dong riềng hiện chỉ đạt 700 - 800 đồng/kg củ, bằng một nửa so với năm trước. Một ngày, một lao động chỉ có thể thu hoạch được một tạ củ dong riềng, lại phải mất công gánh gồng, thồ, chở đến cơ sở thu mua mới bán được 70 - 80.000 đồng nên nông dân chán không muốn thu hoạch.

Diện tích dong riềng của tỉnh Tuyên Quang là gần 1.100 héc-ta, tập trung chủ yếu ở các huyện Yên Sơn, Chiêm Hóa, Lâm Bình... Những năm qua, cây dong riềng đã dần được khẳng định vai trò và vị thế của mình trong việc cải thiện đời sống của bà con nhân dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, vào vụ thu hoạch năm nay người nông dân đang lao đao khi giá dong riềng xuống thấp. Với giá như hiện nay, trừ chi phí đầu tư phân bón, giống, thuê người đào và vận chuyển thì gần như người nông dân không có lãi. Nhiều hộ chán nản đã bỏ không hàng trăm héc-ta dong riềng để làm các công việc thuê mướn khác.

Trên thực tế, việc trồng dong riềng đua theo tâm lý đám đông đã góp phần đẩy người nông dân đến tình cảnh éo le này. Một vài năm trước, khi các cơ sở chế biến tranh nhau mua để găm hàng đã tạo nên hiện tượng “cầu giả”, khiến nhiều hộ nông dân bỏ đất trồng ngô, sắn… đi trồng dong riềng và coi đó là lối đi thoát nghèo. Thế nhưng, khi tỉnh nào cũng được mùa, cung dư thừa, cầu lại có xu hướng giảm do sự xâm lấn của bột Trung Quốc, giá bị đẩy xuống thấp, người nông dân rơi vào vòng lao đao âu cũng là lẽ dĩ nhiên. Thêm vào đó, tình trạng dong riềng trong nước ế cũng xuất phát từ việc hàng Trung Quốc đang xâm lấn đến cả những nguyên liệu thực phẩm truyền thống của người Việt. Trước đây, dong riềng được trồng lấy củ, nghiền thành tinh bột để bán cho các cơ sở làm miến, thế nhưng giờ đây người làm miến không còn “chuộng” bột dong nội nữa mà dùng bột nguyên liệu nhập từ Trung Quốc vừa rẻ lại tiện lợi.

Kiên quyết tổ chức lại việc trồng và chế biến dong riềng

Ông Hà Văn Khoát - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn cho biết: Ngay từ giữa năm 2013, diện tích trồng dong riềng tăng đột biến, sản lượng nhiều, tiêu thụ không hết rất dễ bị các cơ sở thu mua ép giá nên địa phương đã quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn, ngành chức năng, các địa phương yêu cầu các cơ sở thu mua, chế biến dong riềng. Đặc biệt là những cơ sở được ngân sách, dự án hỗ trợ vốn mua sắm thiết bị, tập huấn nghề phải tìm mọi cách tiêu thụ hết sản phẩm, không được ép giá nông dân. Nhưng cuối cùng vẫn không đạt yêu cầu đề ra. Do vậy, từ năm 2014 phải kiên quyết tổ chức lại từ việc trồng đến chế biến dong riềng. Trước mắt, Bí thư Khoát yêu cầu năm 2014 toàn tỉnh chỉ trồng 1.700 héc-ta dong riềng (giảm 1.200 héc-ta so với năm trước), trồng ở những nơi gần đường giao thông, tiện vận chuyển để giảm chi phí. Các cơ sở chế biến dong riềng trong tỉnh phải có cam kết giá thu mua dong riềng hợp lý để nông dân yên tâm; tăng cường tuyên truyền, quảng bá miến dong Bắc Kạn có thương hiệu là chứng nhận nhãn hiệu tập thể để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Tuyên Quang cũng đã có các chính sách khuyến khích các địa phương phát triển cây dong riềng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung như: Đưa cây dong riềng vào trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa thuộc dự án TNSP. Trong đó đã thực hiện xây dựng nhà xưởng chế biến miến dong đảm bảo VSATTP, hỗ trợ bà con máy sản xuất tinh bột dong riềng sạch... Tuy nhiên, để cây dong riềng tiếp tục phát triển bền vững rất cần các cơ quan chức năng có chính sách hợp lý trong công tác quy hoạch phát triển cây dong riềng, hỗ trợ người nông dân từ khâu trồng, chế biến đến khâu tiêu thụ... Cùng với đó, các cơ sở chế biến cũng cần nâng cao ý thức tránh nhiệm của mình trong phát triển chất lượng và uy tín của sản phẩm trên thị trường.

Thông tin do Báo Công Thương và Cổng TTĐT Ủy ban Dân tộc phối hợp thực hiện