Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh làm việc với các trường chuyên biệt

02:56 PM 06/04/2023 |   Lượt xem: 1385 |   In bài viết | 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh chủ trì buổi làm việc.

Đến thời điểm hiện nay, hoạt động của các trường tiếp tục thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành, nhanh chóng thích ứng với mô hình, cơ chế mới sau khi chuyển từ Bộ GD&ĐT về UBDT quản lý theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo nguyên tắc không làm gián đoạn công việc, duy trì ổn định.

Các trường tiếp tục triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 theo kế hoạch và chức năng nhiệm vụ được giao. 5/5 trường đã tiến hành đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2023 - 2024. Trên cơ sở đề xuất của các trường, Vụ Tổng hợp (UBDT) đã tham mưu trình Lãnh đạo Uỷ ban ban hành Văn bản số 352/UBDT-TH ngày 16/3/2023 gửi Bộ GD&ĐT về chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2023 - 2024 cho các trường chuyên biệt (tổng số dự kiến 3.000 chỉ tiêu dự bị đại học và 550 chỉ tiêu phổ thông dân tộc nội trú).

Các trường đã phối hợp với Vụ Tổng hợp (UBDT) để xây dựng kế hoạch tập huấn về Chương trình Giáo dục phổ thông mới và tổ chức Hội thảo cấp quốc gia về “Đổi mới mô hình hoạt động các trường chuyên biệt, trường phổ thông dân tộc nội trú” theo chỉ đạo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban.

Trao đổi tại buổi làm việc, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang Hoàng Trọng Ngô cho biết, vấn đề nổi lên hiện nay là việc bồi dưỡng dự bị đại học đang ngày càng khó khăn, vài năm trở lại đây, Trường không tuyển sinh đủ chỉ tiêu được giao, dẫn đến quy mô học sinh ngày càng giảm đi. Nguyên nhân do phạm vi địa bàn, đối tượng bị thu hẹp so với trước đây, một số các trường đại học sử dụng mọi hình thức để tuyển đủ chỉ tiêu, như hạ điểm chuẩn bằng với điểm sàn của Bộ GD&ĐT, xét tuyển học bạ…

Hiệu trưởng Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc Lục Thuý Hằng báo cáo tại buổi làm việc.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc Lục Thuý Hằng cho biết, từ năm học 2022 - 2023, Bộ GD&ĐT bắt đầu thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho đối tượng học sinh lớp 10. Như vậy, đến năm học 2024 - 2025 học sinh lớp 12 sẽ phải học theo Chương trình này. Điều này dẫn đến các trường chuyên biệt cần sớm được tập huấn để cập nhật theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Cơ sở vật chất của Trường hiện tại đã xuống cấp; trang thiết bị phục vụ cho dạy học còn thiếu, còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Hiệu trưởng Lục Thúy Hằng đề nghị sớm triển khai các dự án đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia 1719, phù hợp với nhu cầu của từng trường.

Các trường đều đề nghị cần đổi mới mô hình dự bị đại học, trước mắt bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ, nhất là bổ sung thêm hệ THPT, phổ thông dân tộc nội trú... nhằm đáp ứng được nhu cầu học tập của con em đồng bào các DTTS và đáp ứng nhu cầu tạo nguồn nhân lực là người DTTS cho các tỉnh miền núi, vùng DTTS.

Quang cảnh phiên họp.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đánh giá cao công tác phối hợp giữa UBDT và Bộ GD&ĐT trong sự nghiệp phát triển giáo dục vùng DTTS, cũng như sự hợp tác hiệu quả, quyết tâm cao của hai bên trong công tác bàn giao các Trường chuyên biệt. Đồng thời, biểu dương các Trường trong bối cảnh rất khó khăn, nhưng đã có nhiều quyết tâm, xây dựng tập thể đoàn kết, hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ, đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác dạy và học tập.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết, thực tiễn cho thấy, để các Trường đi vào hoạt động ổn định, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra, đòi hỏi phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn, kịp thời, trách nhiệm và khoa học hơn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị Ban Giám hiệu các Trường quán triệt đầy đủ, chấp hành nghiêm túc các văn bản hướng dẫn; thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách cho học sinh; động viên tinh thần, khắc phục khó khăn cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng học sinh khi ra trường. Thực hiện tốt công tác quản lý tài chính, tài sản, tận dụng tối đa hệ thống trang thiết bị giảng dạy và học tập hiện có. Duy trì hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể, phát huy vai trò trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện các phong trào thi đua, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho các học sinh và thầy cô giáo. Đổi mới tư duy, chương trình; xây dựng mô hình, nâng cao chất lượng dạy và học; tăng cường tham gia các kỳ thi trong công tác giảng dạy, học tập và hoạt động giao lưu, kết nghĩa với các trường đại học… góp phần phát huy vai trò, vị trí của nhà trường.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đã chia sẻ, giải đáp những nội dung trọng tâm và kiến nghị của các Trường liên quan đến tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, công tác đầu tư, quản lý tài chính, công tác tuyển sinh…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị các vụ, đơn vị chức năng thuộc UBDT tiếp tục phối hợp với các Trường để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra; nghiên cứu kỹ lưỡng từng nhiệm vụ, có tham mưu, đề xuất sát thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, đúng nguyên tắc. Xây dựng nội dung và kế hoạch triển khai công tác phối hợp năm 2023 với Bộ GD&ĐT…