Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp giải quyết việc làm đối với người DTTS tốt nghiệp đại học trở lên chưa có việc làm tại vùng Tây Bắc

09:10 PM 27/11/2020 |   Lượt xem: 1822 |   In bài viết | 

Quang cảnh phiên họp của Hội đồng

Đề tài Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp giải quyết việc làm đối với người DTTS tốt nghiệp đại học trở lên chưa có việc làm tại vùng Tây Bắc, mã số ĐTCB.UBDT.03.18 do TS. Đỗ Thùy Ninh là Chủ nhiệm, Đại học Thái Nguyên là tổ chức chủ trì triển khai nhiệm vụ. Mục tiêu của Đề tài là đánh giá, làm rõ thực trạng người DTTS đã tốt nghiệp đại học trở lên chưa có việc làm ở vùng Tây Bắc, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp, cơ chế chính sách giải quyết việc làm cho người DTTS đã tốt nghiệp đại học trở lên chưa có việc làm tại vùng Tây Bắc.

Triển khai các nhiệm vụ, Ban Chủ nhiệm Đề tài đã đề xuất khung phân tích chính sách nhằm giải quyết việc làm cho người DTTS đã tốt nghiệp đại học trở lên để làm căn cứ nghiên cứu. Từ việc điều tra khảo sát, đánh giá thực trạng, phân tích một số chính sách liên quan, Đề tài đã chỉ ra được một số hạn chế, sự thiếu đồng bộ trong các chính sách đã ban hành ở cả cấp trung ương và địa phương.

Từ đó, Đề tài đề xuất cần xác định cụ thể vị trí, việc làm để bố trí cán bộ, trong đó tập trung ưu tiên đối tượng cử tuyển; có chương trình, kế hoạch, lộ trình để thay thế đội ngũ cán bộ tại địa phương không đáp ứng yêu cầu hiện nay; tăng cường bổ sung, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cử nhân sau khi ra trường; kết nối hệ thống doanh nghiệp để tạo ra thị trường lao động cho vùng. Ngoài ra, cần xem xét một số giải pháp như: Phát triển hệ thống giáo dục phổ thông, duy trì và điều chỉnh chính sách cử tuyển cho phù hợp với thực tiễn; xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực người DTTS; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nỗ lực vươn lên học tập cho các em học sinh, sinh viên; phát triển hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng DTTS...

Đánh giá để hoàn thiện các sản phẩm nghiên cứu của Đề tài, các thành viên Hội đồng đề nghị cần điều chỉnh, sắp xếp lại cấu trúc cho phù hợp hơn; cập nhật một số dữ liệu mới từ Điều tra, khảo sát thực trạng KT-XH 53 DTTS; đánh giá sâu hơn về hệ thống chính sách liên quan; phân tích thêm về cơ cấu dân tộc, từng địa phương, ngành nghề lĩnh vực đào tạo để từ đó có đánh giá nguyên nhân cụ thể; tách thành các nhóm như cử tuyển và đào tạo chung và nhóm có việc làm/chưa có việc làm để có sự phân tích, so sánh. Nghiên cứu, phân tích thêm một số giải pháp như: Tăng cường tổ chức các sàn giao dịch việc làm, kết nối thị trường lao động để tăng cơ hội tiếp cận việc làm; định hướng, phân luồng nghề nghiệp cho sinh viên ngay trong thời gian học tập, nghiên cứu; tập trung chuyển đổi nghề, định hướng đào tạo vào một số lĩnh vực ưu tiên; đề nghị các địa phương phải có chương trình, kế hoạch cụ thể, đa dạng các mô hình chính sách như: cho sinh viên được vay vốn ở một số ngành nghề đang cần, với nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau...

Các thành viên Hội đồng thống nhất Đề tài nghiệm thu ở mức “Đạt” và tiếp thu các ý kiến góp ý của Hội đồng để hoàn thiện.