Xây dựng bộ tài liệu Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018 – 2025

02:39 PM 11/09/2019 |   Lượt xem: 4734 |   In bài viết | 

PGS.TS Trần Trung – Quyền Giám đốc Học viện Dân tộc phát biểu tại Hội thảo

Tham dự có lãnh đạo Vụ Tổ chức Cán bộ - UBDT; các nhà quản lý, lãnh đạo, nhà nghiên cứu thuộc Ban Dân vận Trung ương, Học viện chính trị Công an Nhân dân, Học viện Khoa học Xã hội – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

Khai mạc Hội thảo, PGS.TS Trần Trung - Quyền Giám đốc Học viện Dân tộc nhấn mạnh: Hội thảo nhằm tham vấn ý kiến của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà nghiên cứu để hoàn thiện Chương trình bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018 – 2025 dành cho đối tượng 3 và đối tượng 4. PGS.TS Trần Trung nhấn mạnh, cốt lõi của Đề án “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018 – 2025”  là các tài liệu và chương trình đào tạo. Thông qua các chương trình đào tạo, bộ tài liệu sẽ cung cấp cho học viên nhận thức đầy đủ hơn trong tham mưu, hoạch định, thực hiện công tác dân tộc. Vì vậy, việc ban hành tài liệu phải được sự góp ý của nhiều bên liên quan, triển khai bài bản, từng bước trước khi có thể đưa vào khai thác chính thức.

Toàn cảnh Hội thảo

Bộ tài liệu Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025 dành cho cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo cấp phòng và tương đương (đối tượng 3) và công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo (đối tượng 4) có cấu trúc  6 chuyên đề, gồm 2 phần: chương trình và tài liệu. Các chuyên đề đề cập đến: Tổng quan về các DTTS Việt Nam; quan điểm chủ trương, đường lối của Đảng về dân tộc và công tác dân tộc; quản lý văn hóa vùng DTTS; xây dựng hệ thống chính trị ở vùng DTTS vững mạnh...

Thảo luận, đóng góp ý kiến cho nội dung bộ tài liệu, các đại biểu nhận định: Đây là bộ tài liệu quan trọng, rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng, không thể nóng vội đưa vào khai thác. Đối với nội dung các chuyên đề, các nhà nghiên cứu đã phân tích, đóng góp bổ sung nhiều ý kiến quan trọng. Trong đó, đề cập đến tầm nhìn của tài liệu, một số ý kiến cho rằng, sau khi biên soạn xong tài liệu phải đảm bảo tính thực tiễn, có giá trị pháp lý. Tài liệu dành cho 2 đối tượng khác nhau thì kiến thức cung cấp cho 2 đối tượng này cũng cần có sự khác nhau (đối tượng 4 là đối tượng gắn liền với thực thi, triển khai nhiệm vụ thực tiễn; đối tượng 3 là đối tượng vừa giữ nhiệm vụ lãnh đạo, vừa triển khai thực tiễn và vừa làm công tác tham mưu).

Các đại biểu cũng đề xuất, bộ tài liệu cần: Cập nhật thông tin mới để cung cấp cho người học, đặc biệt là những thông tin về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về dân tộc, công tác dân tộc, pháp luật và các chính sách phát triển kinh tế- xã hội vùng DTTS; nội dung bộ tài liệu cần bố cục hợp lý hơn, lưu ý khi sử dụng các thuật ngữ; câu hỏi thảo luận trong mỗi chuyên đề cần đúng với từng đối tượng; các khái niệm cần tập trung và thống nhất trong từng chuyên đề, hạn chế các khái niệm mang tính hàn lâm...

Tổng kết Hội thảo, PGS.TS Trần Trung đánh giá cao các ý kiến thảo luận rất tâm huyết, trách nhiệm, cụ thể của các đại biểu. Với mục tiêu trình lãnh đạo Ủy ban cho ý kiến trong việc đưa bộ tài liệu ra tập huấn cho giảng viên, báo cáo viên để lấy ý kiến phản hồi trong thời gian tới, PGS.TS Trần Trung đề nghị Ban Thư ký, Tổ soạn thảo tiếp thu ý kiến ngày hôm nay và cập nhật, chỉnh sửa tài liệu theo hướng: Biên tập, cắt giảm các nội dung mang tính khái niệm, hàn lâm; giải pháp, phương án, bám sát nội dung mang tính thực hành; thống nhất lại 2 đối tượng và 2 tài liệu; tập trung cho chất lượng của các nội dung thảo luận trong tài liệu. Đề nghị Tổ soạn thảo cập nhật 3 tài liệu quan trọng vào bộ tài liệu để đảm bảo tính thời sự, bao gồm: Báo cáo dự thảo kết luận của Bộ Chính trị về tổng kết Nghị quyết 24; dự thảo của tổ văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII về công tác dân tộc; kế thừa nội dung hồ sơ Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025; kế thừa 51 đề tài Chương trình CTDT/16-20.

Về mặt hình thức, PGS.TS Trần Trung yêu cầu đóng quyển chương trình, tài liệu theo đúng quy cách; thống nhất về số trang; rà soát lại phần “trích dẫn” đảm bảo khoa học, nguồn trích dẫn phải rõ ràng, chính xác, chính thống.

Xuân Thường