Đại hội XIII của Đảng: Tiếp tục thảo luận Văn kiện trong ngày làm việc thứ ba

09:17 PM 27/01/2021 |   Lượt xem: 1632 |   In bài viết | 

Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, trình bày tham luận. Ảnh: TTXVN

Khởi sắc vùng đồng bào DTTS

Theo thông báo của Đoàn Chủ tịch, trong sáng 27/01, Đại hội đã nghe 12 tham luận của 12 Đoàn đại biểu bộ ngành, địa phương. Trong chiều nay, Đại hội tiếp tục nghe tham luận của các Đoàn đại biểu: Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và các địa phương. Trong các tham luận, các đại biểu đồng tình, nhất trí cao với báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng; đồng thời góp ý, đề xuất một số vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành, địa phương. 

Trình bày tham luận "Một số kết quả chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu giai đoạn 2021 - 2025" tại Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: Nước ta có 53 DTTS, với gần 14,2 triệu người, sinh sống thành cộng đồng ở 5.266 xã, 548 huyện, 51 tỉnh, thành phố. Đây là địa bàn núi cao, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ, sạt lở đất.

"Nhiệm kỳ vừa qua, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 118 nghị quyết, nghị định, quyết định về chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện các chính sách đã ban hành để đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến, thứ nhất là kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư đồng bộ, đạt được kết quả quan trọng. Trong 5 năm qua, từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đã xây dựng hàng vạn công trình đường điện, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa,... phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào. Nhờ đó, đến nay 100% đường từ tỉnh đến trung tâm huyện được rải nhựa hoặc bê tông hóa; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm; tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng điện lưới đạt 96,7%; 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,5% xã có trạm y tế; 76,7% thôn có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; tỷ lệ thôn có đường giao thông được kiên cố tăng 16,7% so với năm 2015.

Bên cạnh đó, công tác xóa đói giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng, được bạn  bè quốc tế đánh giá cao; Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả bước đầu đáng khích lệ. Theo đó, hằng năm tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm 2 - 3%; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3 - 4%; các huyện nghèo giảm 4 - 5%; đã có 22 huyện, 125 xã, 1.298 thôn ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

"Vùng DTTS và miền núi đã có 1.052 xã, chiếm tỷ lệ 22,3% đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó 106 xã từ đặc biệt khó khăn phấn đấu trở thành xã nông thôn mới; có 27 huyện vùng DTTS và miền núi, chiếm 6% đạt chuẩn nông thôn mới", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở vùng đồng bào DTTS và miền núi ngày càng phát triển cả về quy mô, mạng lưới và chất lượng. Công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ đạt kết quả tốt, tỷ lệ người đủ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết tiếng phổ thông tăng 1,7%; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học tăng 8%, trung học cơ sở tăng 9%, trung học phổ thông tăng 145,7%. Đã xây dựng được 316 trường phổ thông dân tộc nội trú, 1.097 trường phổ thông dân tộc bán trú; 4 trường và 3 khoa dự bị đại học dân tộc, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em đồng bào DTTS...

"Kết quả phát triển giáo dục - đào tạo ở vùng DTTS và miền núi là một trong những kết quả nổi bật trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến khẳng định.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng, phát triển cả về mạng lưới, trang thiết bị và đội ngũ; chất lượng khám chữa bệnh có chuyển biến tích cực. Đến nay, vùng DTTS và miền núi có 99,5% số xã có trạm y tế, 83,5% trạm y tế đạt chuẩn quóc gia; 77,2% số trạm y tế có bác sỹ; 93% người DTTS được cấp thẻ BHYT; tỷ  lệ tảo hôn giảm 4,7%, hôn nhân cận huyết thống giảm 0,9%,... Cùng với đó, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các DTTS đạt được kết quả rõ nét hơn; Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức người DTTS được quan tâm, có chuyển biến rõ nét.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nhưng so với mặt bằng chung của cả nước, đời sống của đồng bào DTTS vẫn thuộc diện khó khăn nhất; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, tái nghèo còn cao;... Cùng với đó là một số hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan ở một số nơi chậm được khắc phục; vẫn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp...

Nhất trí cao với phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu chung về công tác dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 trong Báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến khẳng định, thực hiện đồng bộ phương hướng, nhiệm vụ nêu trên nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế -xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, đảm bảo an ninh xã hội, thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập và mức sống so với vùng phát triển.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến, thời gian tới, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục đổi mới tư duy, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó cần tập trung cao độ thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày tham luận

Triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia

Tham luận về vấn đề phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của ngành đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, Chương trình xây dựng NTM đã đạt được nhiều kết quả vượt bậc. Chương trình xây dựng NTM đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi và đời sống của người dân nông dân. 

Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân của người nông dân ở nông thôn chỉ đạt 12,8 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2020 nâng lên 43 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm nhanh (giảm bình quân khoảng 1,5%/năm) và đến nay chỉ còn 4,2%,… Hết năm 2020, có 62% số xã, 173/664 (26%) đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 12/63 tỉnh/thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Đến 15/01/2021, đã có 4 tỉnh (Đồng Nai, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam) được công nhận tỉnh đạt chuẩn NTM.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, 5 năm tới, chúng ta triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Do đó, thời gian tới rất cần sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương nhằm giải quyết một cách đồng bộ, tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp để hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng NTM theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế.

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình bày tham luận. Ảnh: TTXVN

Đóng góp vào Văn kiện Đại hội XIII, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhận định: Nhìn lại cả giai đoạn 2016 - 2020, công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã đạt được những thành tựu nổi bật. Nhưng nhiệm kỳ 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, tình hình thế giới dự kiến sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều bất trắc, khó lường, dịch bệnh có khả năng kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế - xã hội của hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. 

Trong điều kiện Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng và có độ mở kinh tế lớn, với tác động tiêu cực và chưa có hồi kết của đại dịch Covid - 19, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân tiếp tục khó khăn, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống ngân hàng, nhất là quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Trong bối cảnh thương mại giữa các nước lớn vẫn gia tăng, các đối tác thương mại lớn quan tâm sâu hơn về điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ và gia tăng giám sát thương mại đối với Việt Nam, đặt ra nhiều thách thức đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong điều hành chính sách tiền tệ. 

"Bối cảnh trên đòi hỏi quyết tâm cao của toàn hệ thống Ngân hàng, sẽ tiếp tục phát huy các thành quả quan trọng đã đạt được và nhận thức rõ những thách thức đặt ra, tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ngành Ngân hàng và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết. 

Theo Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, thời gian tới, một trong những giải pháp được Ngân hàng Nhà nước triển khai và chỉ đạo các Tổ chức tín dụng thực hiện là tích cực triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khuyến khích tổ chức tín dụng phát triển các sản phẩm tín dụng đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, đặc biệt là các đối tượng thu nhập thấp, góp phần hạn chế “tín dụng đen”. 

"Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy mạnh triển khai các chương trình cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

(baodantoc.vn)