Thông tin giá cả thị trường số 14/2019

09:16 AM 11/04/2019 |   Lượt xem: 3673 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Lai Châu: Nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện

Xác định phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trên lòng hồ thủy điện là hướng đi mới, tạo sinh kế giúp bà con xoá đói, giảm nghèo, thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã dành nhiều nguồn lực nhằm khuyến khích, hỗ trợ bà con.

Hình thành các vùng nuôi cá lồng tập trung

Trên địa bàn tỉnh Lai Châu có nhiều lòng hồ của các công trình thủy điện lớn như: Hồ thủy điện Bản Chát, thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu, thủy điện Huổi Quảng, hồ Hoàng Hồ, Pa Khóa…  Nhằm phát huy tối đa lợi thế mà thiên nhiên ban tặng, thời gian qua, các huyện: Tân Uyên, Than Uyên, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè đồng loạt triển khai dự án nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện với tổng quy mô nhóm hộ, hợp tác xã. Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ 100% chi phí làm lồng và được cán bộ kỹ thuật của trạm Khuyến nông các huyện hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật làm lồng, nuôi thả, chăm sóc và phòng trị bệnh trên cá... Người dân đối ứng kinh phí mua giống, thức ăn và thuốc phòng bệnh. Mặc dù người dân tham gia dự án được hỗ trợ thấp nhưng các hộ dân tham gia rất nhiệt tình do mô hình đã đáp ứng nhu cầu phát triển thủy sản của bà con. Đặc biệt, Lai Châu đã dành nhiều nguồn lực nhằm tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng; ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích người dân và doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thủy sản. Tập trung chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng vận động bà con thâm canh diện tích ao hồ hiện có, phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện. Từng bước hình thành các vùng nuôi cá lồng tập trung tại các xã: Tà Mít (huyện Tân Uyên); xã Ta Gia, Mường Mít, Mường Kim (huyện Than Uyên); xã Nậm Mạ (huyện Sìn Hồ); xã Mường Mô, thị trấn Nậm Nhùn (huyện Nậm Nhùn); thị trấn Mường Tè (huyện Mường Tè).

Diện tích nuôi thủy sản tăng

Tận dụng lợi thế tự nhiên với nhiều khe suối, sông và lòng hồ thủy điện Huội Quảng - Bản Chát, huyện Tân Uyên đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ bà con phát triển nghề nuôi và đánh bắt thủy sản. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con mở rộng quy mô lồng nuôi và nuôi các loại cá có giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường như: Cá tầm, cá lăng. Tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thủy sản. Khuyến khích các hộ đầu tư mở rộng ao, bè nuôi tại khu vực đủ điều kiện. Nghiên cứu mở rộng, tạo thị trường ổn định để bà con yên tâm sản xuất, vươn lên làm giàu. Nhờ vậy, từ năm 2013 - 2018, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Tân Uyên tăng đáng kể. Nếu năm 2013, diện tích nuôi đạt 95 héc-ta, sản lượng 117 tấn thì năm 2018 tăng lên 128 héc-ta, sản lượng 240 tấn.

Tại huyện Sìn Hồ, vài năm trở lại đây, người dân trên địa bàn xã Nậm Mạ đã tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La để nuôi trồng thủy sản. Huyện cũng tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn phổ biến kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, được trang bị các kiến thức về vệ sinh ao hồ, phòng chống dịch bệnh, chọn giống... Đồng thời, thực hiện quy trình nuôi cá sạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường. Về vấn đề đầu ra, xã hướng dẫn bà con liên kết với các quán ăn, đầu mối bán thực phẩm trên địa bàn huyện; tăng cường xúc tiến, quảng bá sản phẩm tại thị trường trong và ngoài huyện.

Với kết quả khả quan từ các dự án nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, người dân vùng lòng hồ mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của tỉnh nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế. Từ đó duy trì, phát triển nhân rộng, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của địa phương.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Ninh Thuận: Ngô lai mất mùa

Năm nay, thời tiết không thuận, năng suất, sản lượng đạt thấp nên nhiều hộ trồng ngô lai F1 ở Ninh Thuận thua lỗ.

Đầu tháng 4, người dân Ninh Thuận đã thu hoạch xong những trà ngô giống lai F1. Khác với không khí phấn khởi mọi năm, năm nay bà con nông dân buồn bã vì mất mùa. Nguyên nhân do vụ sản xuất ngô vừa rồi gặp thời tiết bất thuận, khi xuống giống lớn kéo dài khiến cây còi cọc chậm phát triển, cây trổ cờ thụ phấn lại tiếp tục gặp mưa khiến bắp không có hạt. Theo tính toán sơ bộ, với chi phí 1 héc-ta sản xuất hạt giống ngô lai F1 (tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc, thu hoạch, rút cờ, thụ phấn…) hết khoảng 35 - 40 triệu đồng/héc-ta trong khi đó mỗi héc-ta chỉ thu khoảng 27 triệu đồng. Như vậy nông dân lỗ 60 – 70 triệu đồng.

Ngay tại Trung tâm Sản xuất giống cây trồng Nha Hố đang liên kết với nông dân trồng ngô với diện tích 192 héc-ta tại các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước cũng bị tình trạng mất mùa.  Đến nay, toàn bộ diện tích ngô giống đã thu hoạch xong, năng suất bình quân chỉ đạt 2 - 3 tấn bắp cùi, giảm năng suất từ 60 - 70% so với các năm trước. Nguyên nhân do đầu vụ khi xuống giống gặp mưa nhiều, nhiều diện tích gieo đi gieo lại đến lần thứ ba đã dẫn đến cây sinh trưởng kém, trái bắp nhỏ, tỷ lệ cây 2 bắp thấp, nhiều cây không ra bắp. Đặc biệt đến tháng 12 khi ngô trổ cờ lại tiếp tục gặp mưa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thụ phấn, tỷ lệ kết hạt giảm rõ rệt. Tuy nhiên, với những diện tích ngô giống F1 bị giảm năng suất chủ yếu tập trung ở trà xuống giống sớm, các diện tích gieo đi gieo lại, Trung tâm đã kịp thời có chính sách hỗ trợ 100% tiền hạt giống bố mẹ cho nông dân. Còn lại, hơn 100 héc-ta diện tích thu hoạch vào cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 trở đi, cây bắp phát triển khá tốt, hy vọng bù lại phần nào những diện tích năng suất thấp vừa qua.

Vĩnh Long: Trồng lác giúp bà con tăng thu nhập

Thời gian qua, nhiều nông dân ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long đã duy trì ổn định diện tích cây lác thích ứng điều kiện sản xuất hạn, mặn cũng như tận dụng tốt nguồn phụ phẩm rơm cuộn để nâng cao thu nhập.

Trong 4 năm trở lại đây, diện tích trồng lác của huyện Vũng Liêm ổn định trên 300 héc-ta mặc dù giá lác ở mức khá cao. Năm nay, chất lượng lác vụ Đông Xuân khá tốt, giá bán cao hơn các vụ thu hoạch trước. Giá bán hiện nay lác loại I từ 15.000- 16.000 đồng/kg, lác loại II và loại III từ 9.000 - 11.000 đồng/kg, sau khi trừ hết các khoản chi phí, người trồng thu được lợi nhuận khoảng 13 triệu đồng/công. Như vậy, mỗi năm cho lợi nhuận bình quân 30 triệu đồng/công, cao gấp 7 lần so với trồng lúa. Ngoài việc bán lác khô loại I, loại II thu lợi nhuận trực tiếp cho người trồng lác còn giải quyết lao động ở nông thôn, bình quân 1 công lác thu hoạch khoảng 60 ngày công, giá mỗi ngày công là 80.000 - 100.000 đồng/ngày. Bà con còn tận dụng lác loại III để xe lõi tăng thu nhập cho gia đình, bình quân 1 lao động xe lõi cho thu nhập từ 60.000 - 80.000 đồng/ngày. Một số cơ sở thu mua lõi lác và lác khô đang mua vào giá 13.000 đồng/kg lõi để bán lại cho các cơ sở sản xuất hàng thủ công trên địa bàn huyện và nơi khác giá 13.500 đồng/kg.

Năm 2019, huyện Vũng Liêm kết hợp Trung tâm Khuyến công tỉnh Vĩnh Long sẽ đầu tư hỗ trợ 20 máy phát lác và 20 máy xe lõi lác cho nông dân vùng trồng lác xã Trung Thành Đông và khảo sát để đầu tư chuyển giao công nghệ sấy lác nhằm giải quyết khó khăn cho người trồng lác trong các tháng mùa mưa.

Kế hoạch phát triển cây lác của huyện Vũng Liêm đến năm 2020 là 400 héc-ta. Đồng thời, tạo điều kiện mở rộng, mời gọi các đơn vị liên kết hợp tác thu mua, chế biến, từng bước đưa tiểu thủ công nghiệp chế biến sản phẩm từ cây lác của huyện phát triển bền vững hơn.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Hậu Giang: Giá lươn thương phẩm ở mức cao

Hiện nay, giá lươn thương phẩm loại 1 (200 gram/con trở lên) được thương lái thu mua tận nơi với giá 185.000 đồng/kg. Các hộ nuôi lươn cho biết, đây là thời điểm giá lươn ở mức cao, bởi vào mùa khô lươn đồng khan hiếm, lươn nuôi được tiêu thụ mạnh. Thương lái phải tăng cường thu mua để mang đi tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Dự báo, mức giá này còn có thể tăng thêm cho đến đầu mùa mưa mới dần “hạ nhiệt”, tuy nhiên, giá thường duy trì không dưới 160.000 đồng/kg.

Nghệ An: Quýt được mùa, giá bán giảm

Quýt được mùa nhưng giá bán giảm đang là nỗi lo lớn nhất của nông dân xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.

Toàn xã Minh Hợp hiện có tổng diện tích hơn 500 héc-ta trồng quýt, phần lớn là giống quýt PQ. Quýt PQ là giống cây sinh trưởng tốt, phát triển khoẻ và cho năng suất cao. Tuy nhiên, năm nay đang vào vụ thu hoạch nhưng quýt rụng quả nhiều, giá bán chỉ 3.500 – 4.000 đồng/kg. Nếu năm ngoái đến tầm này, thương lái đã ồ ạt đi thu mua cả những trái quýt rụng sớm và chủ động hái quýt cùng chủ vườn thì năm nay, tới đầu tháng 4 rồi mà bà con vẫn phải gửi quýt đi chào hàng nhiều chợ đầu mối như Vinh, Đà Nẵng... Một số thương lái nhỏ lẻ còn tới các nhà vườn thu gom ép giá của nông dân, kỳ kèo qua lại.

Trước thực trạng đó, xã Minh Hợp đã có phương án quy hoạch vườn cam, quýt theo hướng bền vững.

Hòa Bình: Tồn đọng 1.000 héc-ta mía tím

Toàn tỉnh Hòa Bình trồng khoảng 3.200 héc-ta mía tím. Mía được xem là cây trồng chủ lực của địa phương, giúp bà con phát triển kinh tế. Từ năm 2016 – 2018, việc tiêu thụ mía tím ổn định. Tuy nhiên, sang đầu năm 2019, mía tím chỉ tiêu thụ khoảng 2/3 diện tích… Đặc biệt, giá mía tím giảm chỉ còn 3.000 - 3.500 đồng/cây khiến nông dân lo lắng. Tiêu thụ mía cũng rất chậm. Như mọi năm, đến tháng 4 bà con đã thu hoạch xong nhưng năm nay mía tiêu thụ rất ì ạch. Đầu vụ giá mía 7.000 - 8.000 đồng/cây, ai cũng phấn khởi. Ra giêng bỗng chững lại, mía loại 1 hiện chỉ khoảng 3.000 đồng/cây, có hộ chỉ bán được 800 đồng/cây để thu hồi vốn. Trong khi đó, theo tính toán của bà con nông dân, giá mía 3.500 – 4.000 đồng/cây bà con hòa vốn, còn dưới 3.000 đồng/cây thì lỗ. Thậm chí có những vườn bán 1.000 - 1.500 đồng/cây thì lỗ 50 - 60 triệu đồng/héc-ta. Trước sức ép thời vụ, sang giữa tháng 4 nếu không tiêu thụ được, bà con buộc chặt bỏ trồng sang cây ngắn ngày hoặc bán làm thức ăn gia súc, chặt làm giống…

Đơn Dương (Lâm Đồng): Giá ớt sừng tăng mạnh

Tại huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, giá ớt sừng được thương lái thu mua tại vườn lên đến 40.000 đồng/kg, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ tháng trước. Trên thực tế, thời điểm trước tết, thương lái mua ớt sừng có giá dao động từ 7.000 – 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhờ thị trường tiêu thụ mạnh, ớt sừng đã vọt lên 15.000 đồng/kg vào cuối tháng 2.

Ớt sừng thường để làm tương. Vụ đông xuân năm nay, nhiều hộ gia đình trồng ớt sừng ở Đơn Dương đã thu lãi cao. Nhiều hộ có thu nhập 1 vụ ớt lên đến hàng trăm triệu đồng.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Long An: Giá thanh long ruột đỏ tăng gấp 3 lần

Hiện giá thanh long ruột đỏ trên địa bàn Long An dao động từ 33.000 - 35.000 đồng/kg; thanh long ruột trắng từ 18.000 - 20.000 đồng/kg, tăng gấp 3 lần so với thời điểm trước tết.

Long An hiện có hơn 11.000 héc-ta thanh long, chủ yếu tập trung ở huyện Châu Thành với diện tích trồng gần 9.000 héc-ta. Do hiệu quả kinh tế cao, diện tích trồng thanh long thời gian qua tăng rất nhanh. Người dân từng bước cải tạo vườn từ trồng bằng trụ sống chuyển sang trồng bằng trụ bê tông kết hợp với đầu tư thâm canh tăng năng suất. Đến nay, Long An có gần 1.700 héc-ta thanh long ứng dụng công nghệ nghệ cao, đạt hơn 80% so với kế hoạch đề ra. Tỉnh cũng đã xây dựng 9 hợp tác xã, 70 tổ hợp tác xã trong vùng thực hiện đề án; trong đó, hợp tác xã Dương Xuân, xã Dương Xuân Hội (huyện Châu Thành) làm điểm của tỉnh về sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao. Dự kiến đến năm 2020, Long An phấn đấu có 2.000 héc-ta thanh long ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh đang vận động nông dân sản xuất theo hướng VietGAP; xây dựng tổ hợp tác và hợp tác xã gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới. Các ngành chuyên môn tích cực xây dựng thương hiệu thanh long Châu Thành gắn với chứng nhận VietGAP và thực hiện mã vạch có truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, Long An tăng cường quản lý quy hoạch vùng sản xuất thanh long, tập trung theo hướng nâng cao chất lượng và đầu ra của sản phẩm. Tỉnh không khuyến cáo mở rộng diện tích ở những vùng không nằm trong quy hoạch, thiếu điều kiện để sản xuất. Đồng thời, tỉnh nghiên cứu, đầu tư công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch thanh long; vận dụng, hệ thống và đề xuất một số chính sách để hỗ trợ nhà vườn, doanh nghiệp tham gia sản xuất, tiêu thụ, chế biến thanh long.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Tiêu huỷ hơn 1,6 tấn nầm lợn nhập lậu

Đội Kiểm soát Hải quan số 1 (Cục Hải quan Quảng Ninh) phối hợp Trạm Kiểm dịch động vật đã tiến hành tiêu hủy hơn 1,6 tấn nầm lợn nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trước đó, ngày 28/3/2019, tại Khu 7, phường Hải Yên, TP. Móng Cái, tổ kiểm soát cơ động thuộc đội kiểm soát Hải quan số 1 đã phát hiện và tiến hành kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 14C-163.73 do Hoàng Văn Đại, SN 1994, trú tại thôn Bắc, xã Vạn Ninh, TP. Móng Cái là người điều khiển đang vận chuyển 27 thùng xốp chứa nầm lợn đông lạnh, bốc mùi hôi thối đang trong quá trình phân hủy. Tổng số nầm lợn đông lạnh là 1.620 kg, không có nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hoàng Văn Đại khai nhận chở thuê số thịt lợn, nầm lợn có nguồn gốc từ nước ngoài cho một người đàn ông khoảng 40 tuổi (không rõ tên, địa chỉ) từ khu 7, phường Hải Yên, TP.Móng Cái đến huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh với tiền công là 1.000.000 đồng. Tại thời điểm kiểm tra, Hoàng Văn Đại không xuất trình được các hóa đơn chứng từ hợp pháp của số hàng hóa trên.

Đội Kiểm soát Hải quan số 1 đã lập biên bản tịch thu, xử phạt vi phạm hành chính và phối hợp các cơ quan chức năng tiêu hủy toàn bộ số nầm lợn nhập lậu theo quy định của pháp luật. 

HÀNG VIỆT

Hà Tĩnh: Tạo thói quen tiêu dung hàng Việt cho bà con

Hàng loạt các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi được Sở Công Thương Hà Tĩnh tổ chức thời gian qua đã giúp bà con hình thành thói quen tiêu dùng hàng Việt.

Để phục vụ người dân mua sắm hàng hóa, đặc biệt cho các dịp lễ, tết, đầu năm 2019, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương Hà Tĩnh) phối hợp với 7 doanh nghiệp tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tại 6 huyện, thị xã ở nông thôn, miền núi. Các mặt hàng được bày bán tại phiên chợ khá đa dạng như: May mặc, hóa mỹ phẩm, hàng gia dụng, bánh kẹo, nước giải khát, nước mắm truyền thống… Phiên chợ hàng Việt đã nhận được sự quan tâm lớn của người dân địa phương.

Tại xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, mặc dù phiên chợ bắt đầu từ rất sớm, nhưng nhiều người dân đã tập trung đến tham quan hàng hóa. Không khí mua sắm sôi nổi kéo dài từ sáng sớm cho đến tận khuya. Tại xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, mặc dù phiên chợ diễn ra trong điều kiện mưa dầm dề cả ngày; nhưng hễ ngớt mưa là bà con lại tranh thủ đến phiên chợ hàng Việt mua sắm. Tại huyện Sông Hinh, do đã được thông báo trước về chương trình bán hàng phục vụ tết, ngay từ sáng sớm, hàng trăm người dân xã Sông Hinh đã tập trung để mua sắm.

Tâm lý háo hức khi được mua sắm hàng Việt tại các phiên chợ là tâm lý chung của người dân Hà Tĩnh trước mỗi chuyến hàng Việt về nông thôn. Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Tĩnh, hiện nay, trên thị trường các huyện, thị xã, thành phố, hàng Việt ngày càng được ưa chuộng, nhất là người tiêu dùng ở vùng nông thôn.

Để thúc đẩy lưu thông, cung ứng hàng hóa sản xuất trong nước đến người tiêu dùng, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã định hướng ưu tiên sử dụng hàng Việt, khuyến khích sử dụng các hàng hóa nông sản, chế biến tại địa phương. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, ngành tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất đẩy mạnh sản xuất, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng; tổ chức các hội chợ thương mại, các phiên chợ đưa hàng Việt về với vùng nông thôn, vùng sâu… Từ đó, tạo tâm lý tiêu dùng hàng nội trở thành thói quen của người dân.

Chỉ tính riêng trong năm 2018, Sở Công Thương đã hỗ trợ triển khai xây dựng và hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh thực hiện 5 cửa hàng thương mại dịch vụ gắn với Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) trong xây dựng nông thôn mới; xây dựng 4 chuỗi sản phẩm an toàn có xác nhận gắn với dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, để giới thiệu hàng nội đến với người tiêu dùng, các doanh nghiệp tích triển khai thực hiện tuần lễ hàng Việt, tổ chức các chương trình khuyến mại, quảng cáo kích cầu mua sắm hàng Việt Nam bằng các hình thức như bốc thăm trúng thưởng, giảm giá, tặng quà khi mua sản phẩm… Ngoài ra, các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi liên tục được tổ chức để kết nối cung cầu sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi cũng là cầu nối để các doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu về nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Từ nhu cầu thực sự của người dân, các doanh nghiệp sẽ từng bước cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm để tăng sức cạnh tranh, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường nông thôn, miền núi.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, nguồn hàng hóa tham gia các Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, được doanh nghiệp lựa chọn kỹ, chủ yếu là hàng Việt chất lượng, giá cả phải chăng nên đã phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của bà con vùng nông thôn, miền núi. Ngoài ra, rất nhiều sản phẩm nằm trong chương trình khuyến mãi, hàng bình ổn giá đã được đưa vào chương trình để góp phần bình ổn thị trường dịp cuối năm.

Năm 2019, Sở Công Thương Hà Tĩnh đặt mục tiêu tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mạng lưới phân phối hàng Việt đến các địa phương trong tỉnh… Chú trọng các khu vực vùng sâu, vùng xa, nông thôn, miền núi.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)