Thông tin giá cả thị trường số 21/2019

11:10 AM 28/05/2019 |   Lượt xem: 3890 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Phú Yên:

Mía khô héo do nắng nóng kéo dài

Tính đến thời điểm này, vùng miền núi của tỉnh Phú Yên đã trải qua 5 tháng khô hạn, ngoài mía đang thu hoạch khô héo thì mía để giống cũng chết khô.

Từ cuối năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên không có mưa và thời điểm này được xem là đỉnh điểm của nắng nóng. Mía là cây trồng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đợt nắng nóng kéo dài này. Nhiều cánh đồng mía của Phú Yên đã chín nhưng chưa thể thu hoạch đang khô héo và chết khô trên ruộng. 

Theo tính toán của nông dân, 1 héc-ta mía nếu không bị hạn hán năng suất có thể lên đến 70 tấn/héc-ta nhưng khi đã héo khô, năng suất chỉ còn một nửa, thậm chí thấp hơn. Với tình trạng khô héo như hiện nay, sản lượng mía có thể giảm còn 40%. Bà con nông dân sẽ thiệt hại rất lớn.

Tại 2 huyện Sông Hinh và Sơn Hòa - vùng trồng mía chủ lực của tỉnh Phú Yên, diện tích mía bị khô do nắng hạn hiện đã trên 1.000 héc-ta. Mía chín đồng loạt, trong khi việc tiêu thụ đường tiếp tục gặp khó khăn cũng khiến các nhà máy khó khăn hơn bao giờ hết. Hiện nay, nhà máy đường Sơn Hoà đang tăng cường máy thu hoạch mía và máy bốc mía về thu hoạch tại các khu vực tâm điểm nắng hạn để giúp nông dân giải phóng nhanh lượng mía còn lại. Bởi với tình hình nắng gay gắt, nếu không thu hoạch sớm chỉ cần 10 ngày nữa, phần lớn diện tích mía này sẽ mất trắng.

Tại huyện Sơn Hòa, đợt nắng kéo dài 5 tháng vừa qua làm mía khô lá, nhiều người kịp thời chặt chở đến nhà máy đường bán. Riêng mía để giống cũng khô lá buộc bà con phải chặt bán theo. Cùng thời điểm này năm trước, qua tháng 2, tháng 3, trời mưa rải rác, đất có độ ẩm nên mía đứng đám qua hết tháng 5 vẫn còn xanh nhưng năm nay mới đầu tháng 5 mía đã chết khô. Trước đây, nông dân thu hoạch 60 - 70 tấn mía/héc-ta, còn nay mía khô héo, mất nước, nhẹ ký nên chỉ còn 45 - 50 tấn/héc-ta.

Theo UBND huyện Sơn Hòa, toàn huyện có 15.615 héc-ta mía, trong đó diện tích có nước tưới chưa đến 10% còn lại dựa vào nước trời. Thời tiết khắc nghiệt, nắng hạn kéo dài làm giảm năng suất mía, thu nhập của người trồng mía cũng bị ảnh hưởng. Cách duy nhất để giảm thiệt hại cho nông dân là cố gắng đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Hiện diện tích mía chưa thu hoạch trên toàn huyện khoảng 1.000 héc-ta, trong đó mía làm giống 385 héc-ta. Để giảm thiểu thiệt hại ở cây mía do khô hạn, vừa qua, UBND huyện đã làm việc với Nhà máy đường KCP Sơn Hòa, đề nghị đẩy nhanh tiến độ thu mua, giúp người dân giảm thiệt hại. Đồng thời, UBND huyện chỉ đạo các ngành liên quan, mở rộng diện tích mía có nước tưới bằng cách đầu tư hệ thống kênh mương của hồ Suối Vực để tưới cánh đồng mía xã Suối Bạc, Sơn Nguyên.

Không riêng mía bán cho nhà máy, nắng nóng kéo dài cũng làm cho mía để giống khô héo. Tại huyện Sông Hinh, giống mía cao sản năng suất cao nhưng đòi hỏi phải có đủ nước tưới; còn giống mía thông thường năng suất thấp nhưng chịu hạn tốt. Trong khi đó, vùng này bây giờ ai cũng trồng mía cao sản, gặp đợt nắng nóng vừa qua mía khô héo hàng loạt. Người dân thấy vậy đã chặt mía giống bán theo mía đám nên hiện thiếu mía giống để trồng.

Do nắng nóng kéo dài, đất khô, người dân không xuống giống trồng rải vụ được nên diện tích mía niên vụ mới giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Thống kê của Sở NN-PTNT, niên vụ 2018 - 2019, nông dân trong tỉnh trồng gần 30.000 héc-ta, đến nay đã thu hoạch hơn 21.415 héc-ta, năng suất đạt 62 tấn/héc-ta. Đối với niên vụ 2019 - 2020, đến thời điểm hiện nay nông dân chỉ trồng được 19.070 héc-ta.

Những năm trước, mía là cây trồng chủ lực của tỉnh Phú Yên với diện tích chiếm tỷ lệ lớn. Riêng năm nay, người trồng mía gặp khó khăn do lượng đường tồn kho nhiều, giá thu mua mía nguyên liệu xuống thấp, cùng với đó nắng nóng kéo dài khó xuống giống vụ mới nên diện tích mía giảm.

Trước thực trạng trên, Sở NN-PTNT đã khuyến cáo các địa phương định hướng nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp, giảm thiệt hại về kinh tế. Đối với cây mía trong vùng quy hoạch, người dân cần tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa những giống mía chịu hạn tốt, năng suất cao vào sản xuất.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Mận Tam hoa được mùa, được giá

Hiện đang là thời điểm bắt đầu vụ thu hoạch mận Tam hoa chính vụ năm 2019 ở “cao nguyên trắng” Bắc Hà (tỉnh Lào Cai).

Nhờ thời tiết ổn định, thuận lợi nên cây mận sinh trưởng và phát triển tốt, quả đậu, trúng mùa, năng suất, sản lượng mận thu hoạch cao hơn năm ngoái. Giá mận cũng khá cao, ổn định so với vụ trước khiến người trồng mận vui mừng.

Hiện huyện Bắc Hà có 555 héc-ta mận Tam hoa cho thu hoạch. Những ngày này, nhất là ngày thứ 7 và chủ nhật, ngay từ buổi sáng sớm, người dân trồng mận ở các xã tấp nập chở mận về khu vực trung tâm huyện để bán. Đầu vụ, đa số các hộ dân hái tỉa mận xô, loại nhỏ, chín sớm và một số quả mận ngố, ở trên cao, đã chín đem bán. Thị trường bán, mua mận Tam hoa ở Bắc Hà bắt đầu sôi động với sự tham gia của các tiểu thương người địa phương, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Hà Nội... Giá mận duy trì ổn định so với vụ trước, dao động từ 7.000 - 10.000 đồng/kg mận xô, 20.000 – 30.000 đồng/kg mận chọn và mận ngố ổn định từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Giá mận ổn định, cao so với các loại hoa quả khác khiến người trồng mận Bắc Hà phấn khởi.

Hiện nay, nhất là vào dịp cuối tuần có khá nhiều khách du lịch đến với Bắc Hà nghỉ mát, khám phá, trải nghiệm mùa mận Tam hoa chín. Năm nay, mận sai hơn năm trước. Bây giờ khác trước, còn ít mận già, chủ yếu mận trồng mới, quả đẹp, có vị chua ngọt, rất phù hợp vào ngày hè, giá cả lại phải chăng nên ai nấy đều mua về làm quà.

Tháng 6 vào chính vụ thu hoạch mận cũng là dịp Bắc Hà tổ chức Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà năm 2019. Theo Phòng Nông nghiệp huyện Bắc Hà, ước tính sản lượng mận của huyện năm nay đạt gần 4.000 tấn, trong khi đó vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 sẽ còn trên dưới 3.000 tấn mận Tam hoa để phục vụ nhu cầu của du khách tham quan, khám phá trong dịp Festival. Vào dịp này, huyện Bắc Hà khuyến khích cũng các hộ dân mở cửa vườn để du khách tham quan, trải nghiệm thu hái, thưởng thức và mua mận tại vườn.

Yên Bái vào vụ chè mới

Hiện nay, nông dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh chế biến chè đang bắt đầu cho một mùa vụ mới.

Niên vụ sản xuất, kinh doanh chè 2019 đã bắt đầu và được dự báo có nhiều thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm, nhưng sẽ gặp khó khăn do thời tiết nắng nóng kéo dài. Mặc dù trời nắng như đổ lửa, nhưng trên các vùng chè đâu đâu cũng bắt gặp bà con tất bật làm cỏ, bón phân, chuẩn bị thu hái lứa chè. Toàn tỉnh Lào Cai hiện có khoảng 8.510 héc-ta chè (giảm hơn so với những năm trước). Nguyên nhân chính là do những diện tích chè già cỗi, không được đầu tư chăm sóc, hiệu quả kinh tế thấp nên người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả...

Đối với những diện tích chè được đầu tư thâm canh cao, ổn định, năng suất đạt 20 - 25 tấn/năm; diện tích chè được quản lý của doanh nghiệp hoặc mới được trồng thay thế giống năng suất bình quân đạt 12 - 15 tấn; diện tích chè shan vùng cao năng suất bình quân đạt 5 - 7 tấn/héc-ta; diện tích kém đầu tư chăm sóc đã trồng xen các loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả trên nương chè, năng suất rất thấp, ước đạt 2 - 3 tấn/héc-ta.

Dự kiến, niên vụ sản xuất kinh doanh chè 2019, giá thu mua chè bình quân từ 4.000 - 5.000 đồng/kg; chè shan cành mật độ cao giá 6.500 - 7.000 đồng/kg; chè shan cổ thụ 18.000 - 20.000 đồng/kg; chè nhập nội giá trung bình 12.000 - 16.000 đồng/kg). Với mức giá này, người trồng chè có thu nhập ổn định.

Đặc biệt, song song với phát triển vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở chế biến không ngừng thay thế, bảo dưỡng, máy móc, tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Tính đến nay, nhiều công ty có sản lượng xuất khẩu chè trực tiếp và xuất ủy thác lớn đã ký được hợp đồng tiêu thụ. Những niên vụ chè trước đây, vấn đề lo lắng nhất là thị trường đầu ra, thì năm nay hầu hết các doanh nghiệp chế biến lại lo lắng không mua được nguyên liệu đảm bảo chất lượng cho chế biến. Bởi đòi hỏi của thị trường ngày một cao, chè phải sạch, đảm bảo chất lượng.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Đồng Tháp: Giá xoài cát chu giảm mạnh

Hiện nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đang vào mùa thu hoạch rộ xoài cát chu. Giá xoài bán xô hiện thương lái thu mua 6.000 - 7.000 đồng/kg; giảm hơn phân nửa so với tháng trước. Ngoài ra, nông dân còn lo lắng bởi những năm gần đây xoài cát chu thường bị các loại sâu bệnh tấn công, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái. Nguyên nhân giá xoài xuống thấp là do đang thời điểm thu hoạch rộ vụ xoài khiến cung vượt cầu. Vì vậy, để đảm bảo ổn định đầu ra, các thành viên HTX cũng tìm kiếm thêm nhiều vựa, đầu mối tại các tỉnh lân cận hay TP. Hồ Chí Minh... Đặc biệt, các nhà vườn đang có xu hướng tìm kiếm các cơ sở, doanh nghiệp kỹ kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với mức giá ổn định ngay từ đầu vụ.

Lạng Sơn: Ớt đầu vụ được giá

Những ngày này, người trồng ớt ở Lạng Sơn đang rất phấn khởi bởi cây ớt năm nay được mùa, giá lại cao. Giá ớt tươi được các thương lái thu mua tại ruộng từ 70.000 – 75.000 đồng/kg, cao hơn từ 30.000 – 35.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Lạng Sơn là một trong những tỉnh có diện tích ớt xuất khẩu lớn của cả nước, với diện tích trên 150 héc-ta, tập trung ở các huyện: Lộc Bình, Cao Lộc, Chi Lăng, Văn Quan. Các giống ớt truyền thống trước đây đã được thay bằng giống ớt cao sản, năng suất bình quân đạt khoảng 500 kg/sào. Cây ớt sau khi trồng hơn 2 tháng sẽ cho thu hoạch liên tục từ 3 - 4 tháng. Nếu giá ớt ổn định như hiện nay, trồng ớt sẽ cho thu nhập trên 30 triệu đồng/sào/vụ.

Theo các thương lái thu mua ớt ở Lạng Sơn, nguyên nhân khiến giá ớt tăng cao như hiện nay là do thị trường Trung Quốc đang tiêu thụ mạnh. Bên cạnh đó, năm ngoái giá ớt quá thấp nên năm nay không có nhiều người trồng ớt, sản lượng ít mà nhu cầu tăng nên giá cũng tăng theo.

Hậu Giang: Măng cụt đầu vụ giá cao

Hiện nay, nhà vườn trồng măng cụt ở thị xã Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) đang rất phấn khởi vì thương lái đến tận vườn mua với giá 50.000 - 55.000 đồng/kg. So với vụ cùng kỳ năm trước, 1 héc-ta măng cụt trồng hơn 10 năm tuổi hiện có thể cho 5 - 6 tấn trái/vụ, tăng hơn 1 tấn. Về công đầu tư cho vườn măng cụt chỉ cần tưới nước, giúp cho cây giữ độ ẩm trong mùa nắng nóng, bón phân và phòng trừ sâu bệnh hợp lý, 2 năm bồi gốc 1 lần bằng cách bơm sình cho cây. Với giá cả và sản lượng như hiện tại, sau khi trừ chi phí sản xuất người trồng có thể đạt lợi nhuận gần 200 triệu đồng/héc-ta.

Sơn La: 5.000 tấn mận hậu lần đầu xuất khẩu sang Campuchia

Mận hậu từ lâu đã trở thành mặt hàng chủ lực của tỉnh Sơn La. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới xuất khẩu sang các thị trường giàu tiềm năng như Mỹ, Nhật… Sơn La đang xây dựng thương hiệu cho quả mận bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn Vietgap, GlobalGAP, xây dựng vùng chỉ dẫn địa lý…

Nhằm giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, HTX Nông nghiệp hữu cơ Vân Hồ đã ký hợp đồng với Công ty CP Tập đoàn Uniseed thu mua 5.000 tấn quả mận hậu với tổng giá trị 40 tỷ đồng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Campuchia.

Năm nay là năm đầu tiên mận hậu Sơn La được xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường Campuchia. Đây là cơ hội giúp nông dân Sơn La nâng cao giá trị hàng hóa nông sản, ổn định giá cả và mở rộng thị trường xuất khẩu.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Hà Tĩnh: Chanh tươi khan hàng, giá cao

Tại thị trường Hà Tĩnh, gần 1 tháng nay, giá chanh tươi trái vụ liên tục giữ mức cao từ 35.000 - 50.000 đồng/kg tùy loại.

Tại các chợ dân sinh, giá bán buôn chanh quả luôn ở mức cao kỷ lục từ 35.000 - 50.000 đồng/kg. Giá chanh tươi ở mức cao khiến hoạt động buôn bán bị ảnh hưởng. Tiểu thương không dám nhập hàng với số lượng lớn vì lượng tiền hàng bỏ ra nhiều. Ở thời điểm cao nhất, giá bán lẻ ra thị trường đạt 52.000 đồng/kg. Kể cả những người mua sỉ về bỏ mối tại các chợ nhỏ, sạp hàng rau quả, điểm bán lẻ cũng phải hạn chế lấy hàng. Thông thường, các cửa hàng nhỏ chỉ lấy 2 - 3kg rồi chia ra bán lẻ với giá từ 3.500 – 4.000 đồng/quả. Mặc dù vào cao điểm nắng nóng nhưng người tiêu dùng cũng hạn chế mua về làm thức uống giải khát do giá chanh quả quá cao.

Theo thông tin từ nhiều thương lái, vào đầu mùa, chanh quả từ các vùng trồng lớn trong tỉnh như: Vũ Quang, Đức Thọ, Hương Khê, Hương Sơn… thường rất khan hiếm, không đủ cung ứng cho mối buôn, nên nguồn hàng chủ yếu đều từ miền Nam ra. Giá chanh tươi tại vườn hiện đang được các thương lái mua với giá từ 27.000 - 37.000 đồng/kg tùy loại. Chanh lên giá đã hơn một tháng nay mà chưa có dấu hiệu giảm xuống do chính vụ chanh phải đến tháng 6 mới bắt đầu. Hơn nữa, bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ chanh tăng cao kéo giá tăng theo trong khi nguồn cung đang hạn chế do ảnh hưởng những đợt nắng nóng kéo dài thời gian trước tại miền Nam.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Bắt giữ nhiều vụ buôn lậu thuốc lá

Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, Việt Nam đang trở thành 1 trong 14 thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu hàng đầu châu Á. Thời gian qua, lực lượng chức năng các địa phương đã bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, bán thuốc lá lậu.

Tại Quảng Trị, Đội Quản lý thị trường số 5 – Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị kiểm tra, phát hiện và tạm giữ số lượng lớn thuốc lá điếu nhập lậu và một số hàng hóa khác. Tang vật thu giữ gồm 2.880 bao thuốc lá điếu hiệu 555 do nước ngoài sản xuất và hơn 5.000 sản phẩm gồm giày dép, túi xách… không có hóa đơn, chứng từ, chưa có chủ nhận tại thời điểm kiểm tra.

Tại tỉnh Kiên Giang, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang nhận được tin báo qua điện thoại về việc hàng hóa được cất giấu trong phương tiện không biển số là thuốc lá điếu nhập lậu, đang tập kết tại khu vực ấp Ngã Con, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Qua thẩm tra, xác minh, Đội Quản lý thị trường số 1 đã xây dựng phương án và tổ chức khám phương tiện theo quy định. Kết quả phát hiện 7.000 bao thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất gồm các nhãn hiệu Hero, Jet và Ram; toàn bộ số hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ kèm theo. Người điều khiển phương tiện khi thấy đoàn kiểm tra đã bỏ trốn, bỏ lại tang vật và phương tiện cùng với máy nổ. Tổng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm ước tính khoảng 100 triệu đồng.

Trước đó, lực lượng chức năng Lạng Sơn đã kiểm tra và phát hiện cửa hàng số 188 đường Lê Lai, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn bày bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu nhãn hiệu 555 loại 20 điếu/bao, số lượng 96 bao. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. Đội Quản lý thị trường số 1 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Cao Thị Tuyết về hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu, xử phạt 7.500.000 đồng. Tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

HÀNG VIỆT

10 năm Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam: Xóa những “điểm trắng” hàng Việt

Sau 10 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (CVĐ), một trong những thành công trong việc triển khai thực hiện của ngành Công Thương là đã xóa được những “điểm trắng” hàng Việt, đặc biệt ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nông thôn.

Không còn lạ lẫm với những phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi nhưng bà con xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn và xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới tỉnh Bắc Kạn vẫn không giấu được sự háo hức khi đón những xe chở đầy hàng Việt về với địa phương trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vừa qua. Mỗi phiên chợ diễn ra trong 4 ngày với sự tham gia của 36 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, quy mô 72 gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá và bán các sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân địa phương, bao gồm các mặt hàng: Quần áo comple; chăn ga trải giường, thảm, đệm; giày, dép da; đồ may mặc; đồ gia dụng; nước tẩy rửa các loại; giống cây trồng, hoa, cây cảnh; bếp tiết kiệm củi… là mặt hàng do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Theo Sở Công Thương Bắc Kạn, phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con. Hàng hóa tiêu thụ tốt, doanh thu của nhiều doanh nghiệp lên đến vài trăm triệu đồng chỉ sau 4 ngày bán hàng.

Không chỉ ở Bắc Kạn, các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi được Bộ Công Thương tổ chức thời gian qua đã trở nên quen thuộc với bà con khu vực miền núi. Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chia sẻ, công tác đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong thời gian qua được các địa phương rất quan tâm và đã trở thành một trong các nội dung trọng tâm hưởng ứng CVĐ. Hầu hết các đợt bán hàng đã thu hút được đông đảo người dân địa phương đến thăm quan, mua sắm; bước đầu đã tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm nội địa. Các phiên chợ mang đến nhiều mặt hàng phong phú, phù hợp với nhu cầu người dân, lại gắn với Chương trình bình ổn thị trường nên có giá cả rất hợp lý. Chưa kể, các phiên chợ thường được tổ chức ở những thời điểm nhu cầu hàng hóa Việt tăng cao như lễ, tết, trước năm học mới… nên càng thu hút lượng lớn người tiêu dùng đến thăm quan, mua sắm. Kể từ khi có CVĐ, số lượng các đợt bán hàng Việt về nông thôn cũng tăng lên cả về số lượng và quy mô tùy theo từng địa bàn, đồng thời cũng cho thấy sự chủ động, tích cực, sáng tạo của  nhiều tổ chức, doanh nghiệp tham gia như Hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op Mart, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Hiệp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Công ty Kỹ nghệ súc sản (Vissan), Tổng Công ty Giấy Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam, Công ty cổ phần Intimex, Công ty TNHH Ba Huân, Sài Gòn Satra...

Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 10 năm qua, các Sở Công Thương tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức được gần 4.000 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 100.000 lượt doanh nghiệp tham gia với hơn 78.000 gian hàng, thu hút hơn 5 triệu lượt người dân địa phương tới tham quan mua sắm và doanh thu mang lại là hơn 64,47 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, tại các tỉnh biên giới, các đợt bán hàng Việt không chỉ thu hút được người dân trên địa bàn tới tham quan, mua sắm mà còn thu hút được đông đảo dân cư của các nước láng giềng như Lào, Campuchia…

Bằng sự trợ sức của các chuyến hàng Việt về nông thôn, miền núi, đến nay, nhiều thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao đã chiếm thị phần lớn trong các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, với tỷ lệ ở các kênh phân phối nông thôn lên đến 68%. Bà con đã ủng hộ hàng Việt Nam ngày càng nhiều hơn, quan tâm mua sắm các mặt hàng trong nước sản xuất, với sự tin tưởng hơn về mặt chất lượng và giá cả sản phẩm.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương:

Thời gian tới, hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi sẽ không chỉ tập trung vào các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn mà còn chú trọng xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam ở khu vực này để đưa hàng Việt đến bà con một cách nhanh chóng và thuận lợi nhất.

(Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)