Thông tin giá cả thị trường số 41/2019

10:48 AM 16/10/2019 |   Lượt xem: 3929 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Tiêu điểm

Đắk Lắk:

Sầu riêng đạt năng suất thấp, giá giảm

Những ngày đầu tháng 10, vùng trọng điểm trồng sầu riêng Krông Năng (Đắk Lắk) bước vào chính vụ thu hoạch. Năm nay, đa số các vườn sầu riêng đạt năng suất thấp, giá giảm.

Thời điểm này, đi dọc tuyến đường về các xã của huyện Krông Năng dễ dàng bắt gặp các thương lái, nông hộ tấp nập vận chuyển, buôn bán sầu riêng. Mặc dù năm nay giá sầu riêng giảm so với năm 2018 nhưng lượng thương lái các nơi đổ về vẫn đông. Để có đủ lượng hàng hóa trong ngày, mỗi vườn đều có hàng chục nhân công thu hái dưới sự giám sát của chủ hàng và chủ vườn. Theo đó, những quả chín được tách riêng để vận chuyển đi tiêu thụ ở những vùng lân cận trong thời gian sớm nhất. Những quả già được phân loại theo hàng loại 2, loại 3 và quả đạt chuẩn được xếp vào loại 1 để vận chuyển về điểm tập kết. Các thương lái cho biết, họ thu mua nguyên vườn và chịu trách nhiệm khâu thu hoạch. Vì vậy, để đạt được lợi nhuận cao nhất và hạn chế sự thất thoát, hư hỏng khi vận chuyển buộc phải thu hoạch theo đợt. Theo đó, bình quân mỗi vườn sẽ thu hái từ 2 - 3 đợt dựa vào sự đồng đều của vườn cây. Việc phân loại từ vườn sẽ ước lượng được số lượng hàng hóa tập kết mỗi ngày trước khi vận chuyển về nơi tiêu thụ. Điều này được bàn bạc và có sự đồng thuận của các chủ vườn để bảo đảm sự sinh trưởng của vườn cây cũng như chất lượng trái sầu riêng khi giao thương trên thị trường.

Dù đang vào thời gian cao điểm của vụ thu hoạch nhưng hầu hết các hộ dân trồng sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Năng đều không vui do giá giảm. Theo nhiều tiểu thương, năm nay do sức mua của Trung Quốc - thị trường xuất khẩu sầu riêng chủ yếu của Việt Nam có nhiều biến động nên giá thu mua tại vườn cũng giảm mạnh, chỉ bằng khoảng 1/2 của năm trước. Đến thời điểm hiện nay, giá thu mua cao nhất chỉ khoảng 50.000 đồng/kg đối với loại được tuyển chọn.

Theo số liệu của Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Krông Năng, toàn huyện hiện có khoảng 1.150 héc-ta sầu riêng tập trung tại các xã: Ea Tân, Ea Toh, Tam Giang, Phú Lộc… Trong đó, diện tích kinh doanh khoảng 400 héc-ta, sản lượng năm 2018 đạt 6.760 tấn. Trước bối cảnh thương mại nông sản ngày càng khó khăn như hiện nay, huyện đang khuyến khích người dân liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất theo hướng an toàn, bền vững. Qua đó, từng bước đồng nhất cách thức, quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng và giá thành trước biến động của thị trường. Thực tế của vụ sầu riêng này cho thấy, ngoài giá thu mua giảm năng suất sầu riêng cũng đạt thấp hơn năm trước khoảng 2 tấn/héc-ta, một phần do ảnh hưởng thời tiết, phần khác do nhiều nông hộ vẫn chưa am hiểu về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc. Trước thực trạng trên, để góp phần phát triển sầu riêng theo hướng bền vững, từ đầu năm đến nay huyện Krông Năng đã tổ chức tập huấn quy trình trồng xen sầu riêng, bơ, hồ tiêu trong vườn cà phê và kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại cho cây sầu riêng cho gần 1.200 lượt nông dân. Tới đây huyện sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo để thúc đẩy bà con sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, GlobalGAP… vừa bảo vệ môi trường vừa nâng cao tính cạnh tranh trong hội nhập.

3 - 4 năm trở lại đây, ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, sầu riêng đã trở thành cây trồng được nhiều người quan tâm vì giá liên tục tăng cao. Nhiều hộ nông dân đã tận dụng diện tích trồng xen trong vườn cà phê, điều, thậm chí phá bỏ diện tích cây trồng đang có để trồng sầu riêng.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Cơ hội Giao thương

Bình Phước:

Nhãn Thanh An được mùa

Những ngày này, tranh thủ thời tiết nắng ráo, các hộ nông dân tại ấp Thanh An, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước tất bật thu hoạch nhãn. Nhãn năm nay được mùa, được giá nên nhà nông rất phấn khởi.

Năm nay, thời tiết lúc cây đơm bông kết trái thuận lợi, cộng với việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc nên vườn nhãn cho năng suất cao. Giá thu mua tại vườn dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, tương đối ổn định.

Ấp Thanh An có hơn 450 héc-ta nhãn tiêu da bò. Mặc dù ấp đã thành lập Hợp tác xã trồng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP và đăng ký thương hiệu nhãn tiêu da bò nhưng do hợp tác xã không có nguồn vốn để xây dựng kho bảo quản, sản phẩm lại chưa có đầu ra ổn định nên khi gặp thời tiết bất lợi, nhất là mưa nhiều mỗi khi vào vụ thu hoạch khiến nhà vườn rất khó khăn. Bên cạnh đó, số nông hộ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP còn manh mún, cùng đặc thù của ấp Thanh An vào mùa khô lượng nước rất ít, không đủ cho nhà nông làm nhãn nghịch vụ nên việc đưa nhãn vào siêu thị còn nhiều khó khăn. Ấp Thanh An là vùng trồng cây ăn trái lớn nhất của thị xã Bình Long, với hơn 900 héc-ta. Mỗi khi vào vụ thu hoạch, nhà vườn lại thấp thỏm theo dõi tín hiệu của thị trường. Năm nay, người trồng nhãn Thanh Lương rất may mắn vì không bị rơi vào cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Tuy nhiên, để nông dân yên tâm canh tác, góp phần phát triển kinh tế cần sự vào cuộc của các ngành chức năng và chính quyền địa phương.

An Giang:

Mùa ươm cây giống

Nghề ươm cây giống được coi là nghề truyền thống của bà con ấp Phú Bình, xã Phú An, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang với gần 20 hộ dân tham gia và đã trải qua nhiều thế hệ nối tiếp.

Thay vì phải canh tác theo mùa vụ để sản xuất như trước đây, hiện nay, các cơ sở ươm cây giống trên địa bàn tỉnh An Giang cho xuất hàng liên tục mới đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện nay là thời điểm xôm tụ nhất trong năm của bà con theo nghề ươm cây giống. Tùy theo điều kiện thực tế của từng hộ gia đình, mỗi hộ dân sẽ trồng từ vài thiên (1.000 cây) cho đến vài chục thiên. Cây giống sẽ được ươm theo đơn đặt hàng hoặc được người bán lẻ chở trên xe đạp, xe đẩy phục vụ đến tận tay người có nhu cầu ở khắp nơi, từ trong tỉnh đến ngoài tỉnh và sang cả nước bạn Campuchia.

Bên cạnh các hộ làm quanh năm, những hộ còn lại làm các nghề khác nhưng cũng chọn thời điểm gần đến khi con nước rút là chuẩn bị đồ nghề, sân bãi nhận các đơn đặt hàng của bà con gần xa để chuẩn bị cho vụ mùa sản xuất. Đa phần bà con tận dụng diện tích đất trước sân, cặp hông nhà khoảng 100 - 200m2 để phát triển nghề ươm cây giống. Ở đây ươm nhiều loại cây giống, như: ớt, đu đủ, sầu đâu, cà...

Nhu cầu cây giống của nông dân các tỉnh hiện rất lớn, đơn đặt hàng liên tục nên bà con đều có ý thức phải đảm bảo cung cấp cho thị trường những sản phẩm tốt nhất. Những cây giống khỏe mạnh, không bị sâu bệnh sẽ giúp người nông dân canh tác đạt năng suất và chất lượng cao. Đây còn là niềm vui chung của bà con làm nghề ươm cây giống vì không những có thêm thu nhập mà còn tạo được thương hiệu, uy tín, cây giống chất lượng cho địa phương.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Hậu Giang:

Giá mía giảm sâu

Vụ mía 2019 – 2020, Nhà máy đường Phụng Hiệp (Hậu Giang) sẽ thu mua mía giá 700 đồng/kg (10 chữ đường - CCS) tại cầu cảng. Mức giá trên không bao gồm chi phí vận chuyển. Mía trên 10 CCS tăng thêm 7 đồng/kg cho mỗi 0,1 CCS, mía dưới 10 CCS sẽ giảm 7 đồng/kg cho mỗi 0,1 CCS. Chi phí vận chuyển từ ruộng mía về nhà máy do công ty chi trả. Công ty sẽ không hỗ trợ tạp chất cho bên bán mía, người bán sẽ chịu trừ tạp chất theo thực tế vào trọng lượng thanh toán.

Thông tin này khiến nhiều nông dân chán nản, muốn bỏ mía vì chỉ có những hộ trồng mía giỏi, năng suất cao mới đạt mức giá thành 700 đồng/kg, trong khi đa số nông dân lỗ nặng, dù chưa tính chi phí nhân công.

Cần Thơ:

Giá phân bón giảm

Do nguồn cung dồi dào và nhu cầu tiêu thụ giảm, giá nhiều loại phân bón trên thị trường như: Urê, DAP, NPK... hiện giảm khoảng 5.000 - 10.000 đồng/bao so với cách nay hơn 1 tháng.

Tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở Cần Thơ và các tỉnh lân cận như: Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, các loại Urê Phú Mỹ, Urê Cà Mau (Đạm Cà Mau), Urê Ninh Bình và Urê Hà Bắc có giá phổ biến từ 350.000 - 390.000 đồng/bao. Giá DAP Trung Quốc loại hạt nâu: 540.000 - 545.000 đồng/bao; DAP Trung Quốc loại hạt xanh giá 625.000 - 630.000 đồng/bao; DAP Hàn Quốc khoảng 690.000 - 700.000 đồng/bao…

Ngoài ra, nhu cầu mua phân bón phục vụ cho sản xuất lúa tại nhiều tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long không còn nhiều do nông dân đang bước vào thu hoạch lúa thu đông 2019. Thời điểm này là mùa lũ, nông dân cũng hạn chế mua phân bón để sử dụng cho các loại cây trồng khác, nhất là cây ăn trái.

Đồng bằng sông Cửu Long:

Giá lúa ở mức thấp

Giá lúa tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm thêm từ 100 - 200 đồng/kg so với cách nay 2 tuần và đang ở mức thấp. Giá lúa giảm không chỉ do ảnh hưởng bởi giá gạo xuất khẩu giảm mà do nhiều tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào thu hoạch rộ lúa thu đông 2019. Ngoài ra, thời tiết bất lợi, mưa kéo dài gần đây khiến việc thu hoạch lúa gặp khó, lúa bị ướt, thương lái đã giảm giá thu mua lúa. Hiện giá lúa tươi IR50404 được nhiều nông dân bán ngay tại ruộng chỉ còn ở mức 3.900 - 4.000 đồng/kg, trong khi trước đó có giá 4.100 - 4.200 đồng/kg. Giá lúa tươi OM5451 tại nhiều nơi ở mức 4.600 - 4.700 đồng/kg; lúa tươi Đài Thơm 8 ở mức 5.100 - 5.200 đồng/kg. Riêng nông dân tham gia các mô hình hình “cánh đồng lớn” sản xuất lúa theo đơn đặt hàng và được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, bán lúa với giá cao hơn mức trên khoảng 100 - 200 đồng/kg.

Bình Định:

Phù Mỹ trồng kiệu tết

Vụ kiệu tết năm 2020, nông dân huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đã xuống giống trồng hơn 899 héc-ta kiệu, tăng hơn 90 héc-ta so với cùng vụ năm trước. Kiệu được trồng tập trung ở các địa phương như: Mỹ Trinh, Mỹ Hòa, Mỹ Hiệp, Mỹ Chánh Tây, Mỹ Tài, Mỹ Quang... Đến nay, nông dân các địa phương đã xuống giống xong diện tích kiệu và đang tiến hành các bước chăm sóc với ước mong một mùa kiệu bội thu.

Hàng năm, vụ kiệu tết cuối năm được xem là mùa thu nhập chính cho bà con nông dân sắm sửa dịp tết. Vì vậy, hầu hết các gia đình đều dành nhiều tâm huyết và tiền của đầu tư cho vụ kiệu này.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Yên Bái:

Mở rộng diện tích trồng quế

Xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái có 854 hộ và đồng bào Dao chiếm khoảng 76% dân số. Cây quế đã đem lại ấm no cho bà con nơi đây nên dù có lúc giá cả bấp bênh nhưng bà con vẫn giữ vững và cố gắng mở rộng diện tích trồng.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh đồi rừng, hàng năm, xã Viễn Sơn chỉ đạo, vận động đồng bào tập trung trồng mới từ 150 - 200 héc-ta quế, nâng tổng diện tích quế lên trên 2.700 héc-ta. Nhiều hộ trồng quế lâu năm đã xây được nhà cao tầng, mua xe máy, ti vi, các vật dụng đắt tiền… Mặc dù có một số hộ phá bỏ quế trồng các loại cây khác nhưng nhiều hộ vẫn kiên định không những giữ nguyên diện tích mà còn trồng mới từ 1 - 2 héc-ta quế mỗi năm. Bởi cây quế rất hợp với thổ nhưỡng nơi đây, nên cứ trồng, chăm sóc là sinh trưởng tốt, cho thu hoạch nhanh.

Hàng năm, Viễn Sơn có trên 200 hộ trồng quế có mức thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên và giải quyết việc làm ổn định cho trên 1.000 lao động. Không chỉ phát triển ổn định diện tích, xã còn tạo điều kiện để người dân chủ động nâng cao giá trị các sản phẩm từ cây quế. Theo đó, một số hộ mạnh dạn đầu tư máy móc, phương tiện chế biến các sản phẩm từ quế như: Chưng cất tinh dầu, mua ô tô vận tải nguyên liệu quế, chế biến gỗ quế.

Việc mở rộng diện tích quế, hình thành các cơ sở chế biến sản phẩm từ quế đã tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động với nguồn thu nhập khá ổn định, góp phần vào xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho bà con. Đặc biệt, việc xây dựng mô hình kết hợp du lịch sinh thái rừng quế gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Dao đã, đang và sẽ là nét văn hóa đặc sắc của Văn Yên thu hút du khách.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Tăng cường kiểm tra các mặt hàng phân bón

Tại một số địa bàn các huyện miền núi, thời gian qua đã xuất hiện phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng. Tình trạng này khiến các cơ sở sản xuất chân chính bị ảnh hưởng, bà con nông dân thiệt hại về vật chất.

Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao –  doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn của ngành công thương cho biết, thời gian qua, công ty phát hiện một số cửa hàng kinh doanh phân bón nhỏ lẻ lấy vỏ bao bì phân bón Lâm Thao để cho phân bón của các công ty không có thương hiệu, bán với giá thấp. Ví dụ tại tỉnh Hòa Bình, sản phẩm NPK-S 5.10.3-8 từng bị làm giả từ đất sét và bột đá. Người dân mua về bón cho ngô thì cây bị lá vàng, không cho năng suất hoặc chết. Tại Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh, đối tượng làm phân bón giả đã sử dụng bột đá màu xám làm nhái Supe lân Lâm Thao, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người trồng cà phê. Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất phân bón làm mẫu mã bao bì với kiểu dáng giống hệt bao bì của phân bón Lâm Thao chỉ khác vài chi tiết nhỏ (logo và tên cơ sở sản xuất), đặt in giả bao bì phân bón Lâm Thao. Điều này dễ gây nhầm lẫn cho bà con nông dân khi chọn sản phẩm phân bón Lâm Thao, đặc biệt là bà con vùng sâu, vùng xa. Các cơ sở này thường chiết khấu rất cao cho các đại lý bán hàng nên các đại lý vì lợi nhuận đã tiếp tay, hướng bà con nông dân mua các sản phẩm phân bón giả. Mặt khác, do nhận thức của người dân nhiều nơi đặc biệt là nông dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, không phân biệt được phân bón thật, phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Thêm vào đó là tâm lý ham rẻ nên dễ mua phải phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng.

Nhằm khắc phục tình trạng này, thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường cả nước sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, các đơn vị liên quan kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón.

Về phía các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón cần đầu tư dây chuyền sản xuất các loại phân bón có chất lượng, giá bán hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà sản xuất, hệ thống phân phối và người nông dân. Cần xây dựng hệ thống phân phối bán hàng khép kín, có chính sách hậu bán hàng tốt, trang bị kiến thức cho bà con nông dân về nhận diện thương hiệu, sản phẩm và hướng dẫn sử dụng phân bón theo đúng quy trình kỹ thuật.

HÀNG VIỆT

Quảng Ngãi:

Tăng cường kết nối cung - cầu hàng Việt

Sau hơn 10 năm tích cực triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Quảng Ngãi đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường kết nối cung - cầu hàng Việt, hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường.

Xây dựng điểm bán hàng Việt ở miền núi

Đối với hoạt động xây dựng điểm bán hàng Việt cố định, Quảng Ngãi đã chủ trì xây dựng 5 điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại 5 huyện: Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ, Bình Sơn, Sơn Tịnh. Hiện tại đang chuẩn bị ra mắt điểm bán hàng Việt thứ 6 tại huyện Đức Phổ. Trong đó có 3 điểm kinh doanh hàng Việt cố định tại các huyện miền núi (Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ) đã góp phần ổn định thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh. Qua đó, khuyến thích việc sản xuất và tiêu dùng trong nước phát triển, đồng thời thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Kết quả sau khi triển khai thực hiện Điểm bán hàng Việt cho thấy, sản lượng tiêu thụ các sản phẩm trong nước tăng đáng kể; tạo cơ hội quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; thúc đẩy sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, hằng năm, Quảng Ngãi còn tổ chức khoảng 4 - 6 phiên chợ hàng Việt kết hợp triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” về các huyện miền núi và hải đảo. Thông thường mỗi phiên chợ có hơn 35 gian hàng; số lượt khách tham quan phiên chợ từ 4.000 - 5.000 lượt khách/phiên chợ. Thông qua các phiên chợ, tỉnh cũng đã huy động các nhà tài trợ hỗ trợ nhiều suất quà cho học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn.

Ngoài ra, ngành công thương tỉnh cũng giới thiệu cho Bộ Công Thương 32 mặt hàng thực phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương đã có chứng nhận an toàn, có chỉ dẫn xuất xứ hàng hóa để thúc đẩy tiêu thụ vào hệ thống phân phối của các tỉnh, thành phố; hệ thống phân phối của các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại. Trong đó có 13 sản phẩm miền núi đã có chứng nhận an toàn, có chỉ dẫn xuất xứ hàng hóa; 5 sản phẩm công nghiệp nông thôn ở miền núi được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh (bộ sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ vỏ cây quế, tinh dầu quế, nhang quế; sản phẩm dệt thổ cẩm Làng Teng; rượu sâm cau Việt).

Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia kết nối cung cầu

Nhằm tăng cường kết nối cung - cầu hàng Việt, thời gian qua, Quảng Ngãi rất chú trọng việc giới thiệu, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tham gia các hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm thương mại do Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức. Trong 2 năm (2017 - 2018), tỉnh đã tổ chức thành công 2 hội nghị quốc tế về kết nối tiêu thụ dưa hấu và một số mặt hàng nông sản giữa tỉnh Quảng Ngãi với các doanh nghiệp Trung Quốc. Mục đích nhằm trao đổi thông tin sản phẩm hàng hóa, gặp gỡ giữa các doanh nghiệp, mở rộng cơ hội hợp tác giao thương, thúc đẩy thương mại dịch vụ đối với mặt hàng dưa hấu và một số nông sản thế mạnh của tỉnh đối với thị trường Trung Quốc. Qua hội nghị đã có 15 hợp đồng nguyên tắc được ký kết với 25 cơ sở, doanh nghiệp tham gia. Nhiều thương hiệu, sản phẩm của tỉnh Quảng Ngãi đã tham gia vào hệ thống các chuỗi phân phối như: Siêu thị Big C, Siêu thị Coop.Mart, Siêu thị Tứ Sơn (An Giang)… Đặc biệt, năm nay, tỉnh  đã tổ chức Hội chợ, Triển lãm sản phẩm Núi Ấn Sông Trà năm 2019” với quy mô 400 gian hàng.

Một trong những điểm nổi bật của Quảng Ngãi là hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số. Đó là: Hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề sản xuất nhang quế; xây dựng mô hình kỹ thuật sản xuất tinh dầu quế… Các dự án này sau khi được triển khai đã tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.