Thông tin giá cả thị trường số 9/2016

02:18 PM 28/06/2016 |   Lượt xem: 2514 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Tạo điều kiện tốt nhất cho xuất khẩu vải thiều

Mỗi khi mùa vải đến, cơ quan chức năng của các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương đã cùng nhau bàn bạc, thống nhất giải pháp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xuất khẩu (XK) vải thiều sang thị trường Trung Quốc.
Số lượng vải qua các cửa khẩu chiếm tỷ lệ cao

Vải thiều là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ đạo qua các cửa khẩu của tỉnh Lào Cao và Lạng Sơn. Chính vì vậy, năm nay 4 tỉnh: Lào Cai, Bắc Giang, Hải Dương, Lạng Sơn đã chủ động phối hợp với chính quyền và thương nhân huyện Hà Khẩu (Vân Nam - Trung Quốc), thị Bằng Tường (khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc) để bàn bạc, thống nhất giải pháp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho XK vải sang thị trường nước này.

Ông Trần Quang Tấn – Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, năm 2016, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo kế hoạch sản xuất và tiêu thụ vải thiều rất sớm. Dự kiến sản lượng vải thiều Bắc Giang ước đạt 130.000 tấn, trong đó sẽ XK khoảng 40% sang Trung Quốc. “Với con số XK này, thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường truyền thống và quan trọng đối với vải thiều Bắc Giang. Chính vì vậy Bắc Giang sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thương nhân trong và ngoài nước, nhất là thương nhân Trung Quốc đến thu mua vải thiều” - ông Tấn khẳng định!

Không chỉ Bắc Giang, Hải Dương cũng là một trong những địa phương quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ vải thiều. Ông Nguyễn Anh Cương - Phó Chủ tịch tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh đã tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp (DN) tham gia các hội chợ, triển lãm, liên kết với các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để tiêu thụ vải thiều. Hiện vải thiều của Hải Dương đã XK được khoảng 25% sản lượng, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc.

Hỗ trợ tối đa cho XK vải thiều

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho XK vải thiều qua biên giới, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn Vũ Hồng Thủy cho biết, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các khu kinh tế cửa khẩu. Nhờ đó hệ thống đường giao thông, kho bãi tại các khu vực cửa khẩu được nâng cấp mở rộng, đáp ứng nhu cầu hoạt động xuất nhập khẩu.

Đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã mở rộng được 19 bến, bãi hàng hóa với diện tích hơn 820 nghìn mét vuông. Từ tháng 3/2016, phía Trung Quốc cũng đã đưa vào sử dụng bãi chuyên dụng hàng hóa Khả Phong, thay thế bãi cũ ở Pò Chài, Bằng Tường (Quảng Tây) với khả năng tiếp nhận gần 1.000 xe hàng hóa nông sản Việt Nam.

Về phía tỉnh Lào Cai, Cục Hải quan Lào Cai đã chỉ đạo các chi cục hải quan tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp XK vải thiều. Đồng thời, chủ động đàm phán với Trung Quốc mở cửa sớm và ưu tiên XK vải đầu tiên. Cụ thể như: Phân luồng hàng hóa, cấp C/O ngay tại cửa khẩu để quả vải sang thị trường Trung Quốc nhanh nhất.

Để tập trung xúc tiến XK vải thiều thành công, ông Trần Quốc Toản - Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại biên giới và miền núi (Bộ Công Thương) cho biết, trên cơ sở kết quả đạt được năm 2015, niên vụ này Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy tiêu thụ trên thị trường trong nước cũng như XK. Trong đó tập trung vào việc cung cấp thông tin về công tác sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm 2016 trên các phương tiện thông tin đại chúng để thúc đẩy XK và tiêu thụ trong nước.

“Trên cơ sở đó, các tỉnh nên phối hợp với các sở, ban, ngành tạo mọi điều kiện thu hoạch, vận chuyển vải thiều diễn ra thuận lợi. Tuyên truyền hướng dẫn các thương nhân Trung Quốc tới huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), huyện Thanh Hà (Hải Dương) mua, bán vải thiều theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam” - ông Toản đề nghị!

Box: Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc kết nối với DN uy tín để đẩy mạnh XK vải thiều vào thị trường Trung Quốc. Tăng cường giới thiệu, quảng bá quả vải thiều Bắc Giang, Hải Dương trong các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước.

MUA GÌ

Lào Cai: Vỏ quế khô tăng giá

Bước vào vụ thu hoạch quế năm 2016, giá quế ở xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai tăng cao. Hiện giá quế duy trì ở mức trung bình từ 35.000 – 36.000 đồng/kg vỏ quế khô. Ngoài ra, bà con nông dân còn bán gỗ quế, cành lá, nấu tinh dầu… cũng cho thu nhập cao.

Sản phẩm quế của xã Nậm Đét được thị trường đánh giá cao. Tinh dầu quế có chất lượng tốt nên rất nhiều tư thương đến mua. Sản phẩm từ cây quế đã trở thành hàng hoá có giá trị cao, đem lại nguồn thu lớn cho người dân. Nhiều hộ dân giàu lên từ trồng quế. Vụ thu hoạch năm nay, thị trường trong và ngoài nước ổn định, có nhiều hợp đồng đặt hàng nên đời sống của các hộ gia đình được cải thiện. Vì vậy, xã Nậm Đét coi cây quế là cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo, tiếp tục vận động bà con nông dân mở rộng diện tích trong các năm tới. Đây cũng là chủ trương đúng đắn của chính quyền địa phương, là cách làm hiệu quả, đem lại nguồn thu lớn, giúp bà con nông dân trong xã xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu từ trồng quế.

Khánh Hòa: Ngư dân thu lãi khá

Theo các ngư dân, thời điểm này đang là cao điểm mùa đánh bắt ở vùng biển phía Nam, chủ yếu là cá nục. Tại cảng Hòn Rớ, những tàu cá các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận… nối đuôi nhau cập bến để bán cá. Không khí trên cảng diễn ra tấp nập với giá cá nục dao động 12.000 - 17.000 đồng/kg, tăng 30% so với đầu vụ cá năm nay. Thông thường, các tàu cá đi biển từ 10 - 15 ngày, đánh bắt được 20 - 30 tấn/chuyến. Sau khi trừ chi phí, mỗi tàu lãi từ 80 - 120 triệu đồng/chuyến. Đặc biệt, với giá bán cao như hiện nay, ngư dân rất phấn khởi. M.T

Đồng Tháp: Cá lóc đắt hàng

Khoảng 2 tuần nay, giá cá lóc thương phẩm nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tăng mạnh do nhu cầu tiêu thụ tăng cao và thời tiết giao mùa xuất hiện dịch bệnh làm tỷ lệ hao hụt cao.

Hiện tại thương lái đến tận ao nuôi để “đặt cọc” trước với giá dao động từ 38.000 - 42.000 đồng/kg; cao điểm có hộ bán với giá 45.000 đồng/kg, tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg so với vài tuần trước. Nhiều năm trở lại đây, phong trào nuôi các lóc thương phẩm trong ao, hầm, vèo tập trung chủ yếu ở các huyện Hồng Ngự, Tam Nông, TX. Hồng Ngự. Theo tính toán của các hộ nuôi, sau 5 - 6 tháng thả nuôi và với giá như hiện nay, trừ toàn bộ chi phí giống, thức ăn, thuốc thủy sản, người nuôi thu lãi khoảng 50 - 70 triệu đồng/tấn cá thương phẩm. Mặt khác, việc cá lóc thương phẩm tăng giá cũng kéo theo cá lóc giống tăng giá theo, cá lóc giống hiện có giá từ 450 - 500 đồng/con tăng từ 50 - 100 đồng/con.

Bắc Giang: Vải thiều sạch bán được giá

Năm nay, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có 10.500 héc–ta vải thiều sản xuất theo quy trình VietGAP và gần 220 héc-ta sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Diện tích này tập trung nhiều ở 3 xã: Hồng Giang, Giáp Sơn, Nghĩa Hồ. Thời điểm này, vải chính vụ bắt đầu cho thu hoạch với giá bán tại vườn 33.000 – 35.000 đồng/kg, cao hơn 7.000 – 10.000 đồng/kg so với năm ngoái. Vải thiều VietGAP, GlobalGAP cao hơn 10.000 – 12.000 đồng/kg so với vải sản xuất theo cách truyền thống. Dự kiến, sản lượng vải sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP ước đạt khoảng 45.000 tấn, chủ yếu được các doanh nghiệp, thương nhân đặt mua cung cấp cho các siêu thị và xuất khẩu.

BÁN GÌ

Giá đường sẽ tăng do sản lượng giảm

Đến thời điểm này, đã có thể khẳng định chắc chắn, sản lượng đường trong nước niên vụ 2015 - 2016 giảm nhiều so với niên vụ trước.

Sản lượng đường sẽ giảm 200.000 tấn

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến ngày 15/4/2016, các nhà máy đã ép được 10.674.035 tấn mía, sản xuất được 1.061.294 tấn đường. Trong đó, đường sản xuất từ mía là 1.040.702 tấn; còn lại là đường được sản xuất từ đường thô. Dựa trên sản lượng đường đã sản xuất, TS. Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối, cho biết: Sản lượng đường niên vụ 2015 - 2016 chỉ đạt 1,22 triệu tấn, giảm gần 200.000 tấn so với niên vụ 2014 - 2015. Dự báo sản lượng sản xuất trong thời gian cuối vụ ước tính niên vụ 2015 - 2016 sẽ giảm khoảng 200.000 tấn đường so với niên vụ trước. Nguyên nhân đường giảm sản lượng chủ yếu do hạn hán, xâm nhập mặn đã làm hỏng nhiều diện tích mía, làm giảm năng suất và chất lượng mía (chữ đường) ở nhiều diện tích khác. Cộng với một số yếu tố khác như tâm lý cuối vụ, và nhất là giá đường thế giới tăng do sản lượng giảm mạnh ở nhiều nước, đã làm cho giá đường liên tục tăng trong thời gian qua. Giá bán buôn đường kính trắng ở mức 15.300 - 15.700 đồng/kg, đường tinh luyện 15.800 - 17.200 đồng/kg.

Nhập khẩu bổ sung 100.000 tấn đường

Tuy giảm sản lượng nhưng theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam khả năng cung cấp đường cho nhu cầu trong nước từ nay đến cuối vụ vẫn đảm bảo, khi các nhà máy vẫn đang tồn 436.224 tấn đường và các công ty thương mại thuộc Hiệp hội Mía đường tồn kho 21.006 tấn. Bên cạnh đó là 85.000 tấn đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan đang chuẩn bị được đấu giá trong thời gian tới. Ngoài ra, đường nhập lậu vẫn vào qua biên giới Tây Nam, khu vực Tây Nguyên và miền Trung. Vì thế, trước mắt, nguồn cung đường cho nhu cầu trong nước sẽ chưa đến mức căng thẳng.

Trong khi đó Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp (DN) có nhu cầu sử dụng đường làm nguyên liệu, các DN thương mại và cả nhà máy đường phản ánh họ gặp khó khăn trong việc mua đường do giá cả liên tục tăng cao và không mua được đường với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng. Ngoài ra, còn có hiện tượng “găm hàng” tại một số DN kinh doanh đường để đẩy giá lên, khiến một số doanh nghiệp sử dụng đường không mua được đường trong nước để sản xuất. Vì vậy, các công ty thương mại, DN sản xuất chế biến thực phẩm và nhà máy chế biến đường đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương sớm xem xét cấp hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2016 để phục vụ sản xuất và cung ứng cho thị trường. Bộ Công Thương đánh giá năm 2016, dự kiến tổng nguồn cung đường giảm do lượng mía giảm 10%, trong khi nhu cầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng tăng. Nhất là theo dự báo, giá đường sẽ còn tăng trong thời gian tới, khi đã vào mùa hè làm tăng nhu cầu sử dụng đường.

Vì vậy Bộ Công Thương đã cùng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trước mắt cho phép nhập khẩu 100.000 tấn đường để góp phần bổ sung nguồn cung cho thị trường, phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước. Như vậy, trong bối cảnh nguồn cung trong nước thiếu hụt thì việc sớm cho nhập khẩu đường trong hạn ngạch thuế quan cũng là một biện pháp để bình ổn thị trường.

BOX: Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tháng 6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều hành nhập khẩu đường phù hợp và triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt cho phép bổ sung hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 100.000 tấn đường.

LƯU Ý CẢNH BÁO


Thạch Thành - Thanh Hóa: Hiệu quả từ trồng mía cánh đồng mẫu lớnKon Tum: Nguy cơ ngộ độc nấm khi mùa mưa đến

Khác với các địa phương ở đồng bằng, Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng trong năm chỉ có hai mùa mưa – nắng. Mùa mưa kéo dài từ tháng 4 đến khoảng tháng 9, tháng 10. Đây cũng là thời điểm thường xảy ra những ca ngộ độc nấm.

Đẩy mạnh tuyên truyền bằng tiếng dân tộc

Năm nay, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trên địa bàn Tây Nguyên mùa mưa đến muộn, đến gần nửa tháng 5 dương lịch những cơn mưa mới bắt đầu… Và đây cũng là điều kiện thuận lợi để các loại nấm hoang dại mọc ở khắp nơi, nhất là trên nương rẫy. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nấm là món ăn khoái khẩu, đặc biệt là trong thời gian canh tác phải ở lại trong các chòi rẫy trên nương. Và hệ lụy là do thiếu kiến thức và không biết phân biệt được loại nấm nào ăn được và loại nấm nào là nấm độc, nên đã xảy ra các vụ ngộ độc nấm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người.

Theo thống kê của ngành chức năng Kon Tum, thời điểm này năm ngoái, chỉ trong khoảng gần một tháng, trên địa bàn tỉnh này đã liên tiếp xảy ra 7 vụ ngộ độc nấm khiến 3 người tử vong. Mới đây nhất, cuối tháng 5/2016 tại thôn Nú Vai, xã Kroong, huyện Đắk Glei (Kon Tum) đã xảy ra 1 vụ ngộ độc nấm khiến 5 người phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum.

Trước thực trạng nêu trên, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh khuyến cáo người dân không ăn nấm rừng và nấm mọc tự nhiên khi không biết đó là nấm độc hay nấm không độc. Kiểm tra nấm thật kỹ trước khi nấu và biết chắc chắn nấm ăn được mới được ăn, tuyệt đối không ăn nấm lạ. Không ăn thử hoặc cho động vật ăn thử; không hái nấm non để ăn (vì chưa thấy hết đặc điểm cấu tạo của nấm nên không xác định rõ loại nấm) và cũng không ăn nấm quá già.

Bên cạnh đưa ra khuyến cáo với người dân, ngành chức năng cũng đề nghị các địa phương, đơn vị phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về nấm bằng tiếng Xê Đăng, Ba Na, Gia Rai… trên sóng phát thanh nhằm phổ biến rộng rãi các thông tin phân biệt nấm độc tới người dân để bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc do nấm độc.

Nhận biết và đề phòng nấm độc

Khi biết ăn phải nấm độc bà con cần xử lý bằng cách gây nôn và đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời. Đặc biệt, không cho bệnh nhân uống các loại thuốc với rượu vì chất độc của nấm ngấm rất nhanh vào máu, làm tăng thêm độc tính của chất độc. Để giúp phân biệt nấm độc và không độc, bà con có thể áp dụng hai phương pháp thử nghiệm đơn giản sau:

Thử nghiệm biến màu: Dùng phần trắng của hành lá chà xát trên mũ nấm. Nếu thân hành biến thành màu xanh nâu chứng tỏ có độc. Ngược lại, hành không chuyển màu chứng tỏ không có độc. Ngoài ra, sau khi nấu chín, có thể dùng đũa, thìa bạc để thử trước khi ăn.

Thử nghiệm bằng sữa bò: Cho một lượng nhỏ sữa bò tươi bên trên mũ nấm, nếu thấy hiện tượng sữa vón cục, có khả năng nấm này có độc.

Ở các xã vùng sâu, vùng xa khi ăn nấm nên hỏi rõ những người thực sự có kinh nghiệm để nhận biết nấm độc, tránh ăn nhầm nấm độc. Khi bị ngộ độc nấm cần phải đưa tất cả những người bị ngộ độc và cả người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng đến các cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và cấp cứu kịp thời.

Box: Ngộ độc nấm độc thường có các triệu chứng chung như: Đau bụng dữ dội từng cơn, đi ngoài ra nhiều nước tanh, thối, dính máu; buồn nôn, nôn ra thức ăn, có thể lẫn máu; toàn thân mệt mỏi, chân tay lạnh, khát nước, đôi khi nổi mẩn; hoa mắt, chóng mặt, da xanh tái; co giật, tăng tiết đờm rãi; đi tiểu ít hoặc không đi tiểu được; khó thở do co thắt phế quản, ứ máu ở phổi. Khi ăn phải nấm độc, tuỳ theo loại nấm mà có các biểu hiện ngộ độc khác nhau. Có trường hợp xuất hiện rất nhanh ngay sau khi ăn 20 - 30 phút, nhưng cũng có trường hợp xuất hiện sau 2 - 4 giờ, thậm chí xuất hiện muộn sau khi ăn 20 giờ. Triệu chứng ngộ độc nấm xuất hiện càng muộn thì tiên lượng bệnh càng nặng, khó điều trị.

Nhằm đưa cơ giới hóa vào khâu sản xuất đồng bộ, UBND huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai phương án “Xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất mía nguyên liệu áp dụng cơ giới hóa đồng bộ” ở các xã: Thành Vinh, Thạch Cẩm, Thành Trực, Thạch Quảng với diện tích 540 héc-ta.

Áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới

Theo kế hoạch, vụ ép 2016 - 2017, huyện Thạch Thành sẽ trồng 400 héc-ta mía trong mô hình cánh đồng mẫu lớn. Ngay từ đầu vụ, Ban chỉ đạo mía huyện Thạch Thành đã phối hợp với Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan ban hành quy trình trồng, chăm sóc mía nguyên liệu với các biện pháp, kỹ thuật mới nhằm tăng năng suất, hiệu quả kinh tế. Hai bên cũng đã thống nhất ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư 10,5 triệu đồng/héc-ta cho diện tích thuộc vùng sản xuất mía nguyên liệu trên cánh đồng mẫu lớn áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Ngoài ra, công ty thực hiện cho vay đầu tư theo quy trình sản xuất 40 triệu đồng/héc-ta cho khâu làm đất, giống, phân bón, chăm sóc. Đồng thời, tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho cán bộ nông nghiệp, khuyến nông viên, hộ trồng mía, cán bộ HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp các xã trong vùng dự án.

Căn cứ vào quy trình trồng và chăm sóc mía nguyên liệu do Công ty TNHH Đường mía Việt Nam – Đài Loan ban hành, Ban chỉ đạo đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm triển khai thực hiện công tác giải phóng đất. Theo kỹ thuật mới, công tác giải phóng đất phải bảo đảm 5 khâu: 2 lần cày, 2 lần bừa, 1 lần rạch hàng; độ sâu của rãnh từ 45 cm trở lên, cải tiến mật độ hàng cách hàng 1,5 m. Từng bước thực hiện cơ giới hóa trong các khâu bón phân, làm cỏ, thu hoạch bằng máy…

Ngoài ra, Ban chỉ đạo đề nghị các xã, thị trấn khi đưa vào trồng phải bảo đảm chọn giống mía tốt, thích hợp cho từng loại đất và điều kiện canh tác của từng vùng. Yêu cầu giống phải được lấy từ các ruộng giống bảo đảm mía từ 6 đến 8 tháng tuổi, mía tơ hoặc mía gốc 1, độ thuần trên 98%... Đồng thời, tuân thủ nghiêm ngặt biện pháp bón lót bằng các loại phân hữu cơ, vi sinh kết hợp với bón lót phân vô cơ bằng biện pháp bón vùi. Đối với diện tích mía lưu gốc, hướng dẫn nông dân trồng mía sau khi thu hoạch tiến hành định lại gốc kết hợp với làm cỏ, rạch hàng, bón thúc phân bảo đảm liều lượng cho mía sinh trưởng, phát triển, đẻ nhánh tốt.

Hướng dẫn bà con thực hiện cơ giới hóa đồng bộ

Trong quá trình phát triển cây mía nguyên liệu theo đề án “Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp huyện Thạch Thành trong hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2015 – 2020”, Ban chỉ đạo đã chỉ đạo các xã Thạch Quảng, Thạch Cẩm, Thành Vinh, Thành Trực thực hiện sản xuất mía nguyên liệu cánh đồng mẫu lớn, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch. Hiện Ban chỉ đạo và Công ty TNHH Đường mía Việt Nam – Đài Loan đang tiến hành hướng dẫn bà con nông dân làm cỏ kết hợp với bón phân bằng máy. Đồng thời, xây dựng, triển khai kế hoạch sản xuất mía giống tập trung tại xã Thành Tân với 18 héc-ta nhằm đáp ứng nhu cầu mía giống cho các hộ dân trồng mía trong những niên vụ tới, với chất lượng giống bảo đảm tiêu chuẩn, đạt năng suất cao. Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các xã, thị trấn thực hiện nạo vét kênh mương. Các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đầu tư mua máy bơm để bảo đảm nước tưới cho cây mía nguyên liệu. Trong đó, ưu tiên những diện tích mía ở vùng cao, vùng khó tưới. Cán bộ nông nghiệp huyện phải sát cánh cùng các hộ trồng mía thường xuyên thăm đồng, phát hiện và chủ động phòng trừ sâu bệnh, nhất là bọ hung đen hại mía.

Bằng những giải pháp cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch, các huyện phải đảo đảm năng suất niên vụ 2016 – 2017 đạt từ 100 tấn/héc-ta trở lên. Tổng diện tích thực hiện cánh đồng mẫu lớn đạt hơn 281 héc-ta. Đồng thời, tăng cường du nhập, khảo nghiệm và trồng, nhân rộng các giống mía có năng suất, chữ lượng đường cao trên địa bàn tỉnh.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Gia Lai: Diện tích mỳ đã vượt quy hoạch

Tính đến cuối năm 2015, diện tích mỳ của tỉnh Gia Lai đã vượt so với quy hoạch hơn 10.000 héc-ta và đạt đến con số hơn 60.000 héc-ta. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến cơ cấu cây trồng của tỉnh.

Theo thống kê của ngành chuyên môn, trong khi diện tích điều của tỉnh Gia Lai giảm mạnh thì ngược lại, diện tích mỳ hiện đã vượt so với quy hoạch. Phần lớn diện tích mỳ vượt quy hoạch đều được chuyển dịch từ các loại cây trồng ngắn ngày khác kém hiệu quả như: Dưa hấu, đậu đỗ các loại. Đặc biệt có cả một số diện tích xâm chiếm đất rừng trong các vùng đồng bào dân tộc đang sinh sống gần rừng. So với các loại cây trồng khác thì cây mỳ vẫn là loại cây gắn bó với nông dân nghèo, bởi vốn đầu tư thấp hơn so với các cây trồng khác. Hơn nữa, cây mỳ lại là cây dễ trồng, ít sâu bệnh.

Tại xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, cây mỳ vẫn là sản phẩm nông nghiệp cho thu nhập khá bền vững của bà con nông dân. Toàn xã có hơn 600 héc-ta đất trồng mỳ, nằm rải rác ở tất cả 9 làng. Gần đây, bà con tiếp tục mở rộng diện tích trồng mỳ nhưng chính quyền địa phương đã khuyến cáo là phải đa dạng hóa các loại cây trồng. Trong đó, chỉ nên trồng mỳ ở những diện tích đất không phù hợp, bởi loại cây trồng này ảnh hưởng lớn đến độ phì nhiêu của đất.

Trước thực tế này, tỉnh có chủ trương không mở rộng diện tích mỳ trên cơ sở tuyên truyền, vận động bà con nông dân không chuyển đổi các loại cây trồng khác sang trồng mỳ. Đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân thực hiện các biện pháp thâm canh vừa đảm bảo tăng năng suất, vừa cải tạo đất trên những vùng đất trồng mỳ đã được quy hoạch.

Bình Phước: Sản lượng và năng suất xoài cao

Các nhà vườn trồng xoài trên địa bàn xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước rất vui mừng vì mùa xoài năm nay được mùa với sản lượng và năng suất cao.

Theo các nhà vườn, giá xoài hiện đang ở mức trung bình khoảng 17.000 đồng/kg và 20.000 đồng/kg đối với xoài loại 1. Đây là mức giá khá cao bởi những năm trước, giá xoài cao nhất cũng chỉ vào khoảng 13.000 đồng/kg. Với mức giá và sản lượng này, các nhà vườn có thể thu lợi nhuận tới hàng trăm triệu đồng/héc-ta. Mức giá này cũng chịu ảnh hưởng nhiều do các vựa xoài ở khu vực miền Tây đang bị mất mùa do tình trạng xâm nhập mặn dẫn đến thiếu nguồn cung ra thị trường.

Thêm vào đó, mặc dù đang ở thời điểm nắng hạn kéo dài nhưng do chủ động được nguồn nước tưới từ các hồ thủy lợi nên các vườn xoài ở xã Lộc Quang không bị ảnh hưởng nhiều và vẫn cho năng suất, sản lượng cao. Các nhà vườn cũng đã áp dụng nhiều phương thức sản xuất khoa học điều chỉnh mùa vụ để xoài cho trái quanh năm, tránh tình trạng bị tư thương ép giá mỗi khi vào mùa.

Ngoài ra, để chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, Hội Nông dân xã cũng thường xuyên khuyến cao, động viên các hộ gia đình sản xuất hàng sạch theo VietGAP, chỉ dùng thuốc sinh học và phân hữu cơ vi sinh, hạn chế dùng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, chú trọng nhân giống nhiều giống xoài mới để làm hàng xuất khẩu và vận chuyển đến các thị trường xa hơn.

CHỐNG BUÔN LẬU MUA BÁN GIAN LẬN

Phân biệt dây cáp điện CADIVI

Thời gian gần đây, Chi cục Hải quan Khu Thương mại Lao Bảo thuộc Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị đã phát hiện hiện tượng một số sản phẩm giả nhãn mác mang thương hiệu CADIVI để đưa hàng qua cửa khẩu.

Hầu hết các trường hợp bị phát hiện đều sử dụng nhãn mác giả để dán lên sản phẩm nhiều lần nhằm hưởng lợi từ việc trốn thuế. Bên cạnh đó, trên thị trường cũng xuất hiện một số thương hiệu gần giống với CADIVI như: CADAVI, CADIVINA, HTH-CADIVINA… gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm dây cáp điện CADIVI thật.

Nhận thức được việc đó, Công ty CADIVI đã đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho thương hiệu của mình và đầu tư thêm thiết bị, dây chuyền công nghệ tiên tiến để làm ra nhiều mặt hàng có chất lượng, giá cả cạnh tranh, phù hợp với người tiêu dùng. Đặc biệt, bao bì hàng hoá luôn được cải tiến và dán tem chống giả để tránh bị làm giả. Đơn cử như công nghệ in tem nhãn đặc biệt, có nhận dạng riêng chỉ có thể thấy khi chiếu đèn tia cực tím vào nhãn mác sản phẩm. Riêng đối với sản phẩm dây dẫn trần, công ty sẽ có thêm tem bảo vệ dán ở đầu và cuối cuộn dây, còn trên dây có vỏ bọc sẽ in dấu nhận dạng bảo mật riêng. Ngoài ra, nhãn mác giả có rất nhiều sự khác biệt về lô-gô, nội dung, hình ảnh, màu sắc và không có dấu hiệu bảo mật riêng như nhãn mác thật.

Phích cắm điện Điện Quang

Thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận liên tục phát hiện nhiều vụ mua bán, vận chuyển trái phép phích cắm điện chân tròn giả nhãn hiệu Điện Quang.

Các loại phích cắm giả này dễ dàng đánh lừa được người tiêu dùng bởi việc “nhái” từ thiết kế bao bì đến thiết kế sản phẩm, trong khi đó chất lượng lại không được đảm bảo. Theo các chuyên gia cảnh báo, các loại dây điện, ổ cắm, công tắc điện kém chất lượng có rất nhiều tác hại. Đặc biệt các phích cắm, ổ cắm không đảm bảo được các quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn vật liệu sẽ dễ gây nên chập điện, cháy nổ. Điều đáng lo ngại là hiện nay, các sản phẩm điện gia dụng giả, nhái các thương hiệu đang được “thiết kế” với vẻ ngoài ngày càng tinh vi hơn.

Ngay sau khi cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ sản phẩm phích cắm điện chân tròn giả nhãn hiệu Điện Quang, Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang đã có thông báo khuyến cáo nhằm giúp người tiêu dùng cách phân biệt phích cắm điện do Điện Quang sản xuất. Theo đó, phích cắm Điện Quang có chân phích cắm là đồng và bề mặt láng, không thô ráp. Trong khi đó, phích cắm giả chỉ được mạ sắt giả đồng, không phải đồng, bề mặt thô nhám, không láng bóng và dễ bị gỉ sét. Đường nối bao bì phích cắm Điện Quang là đường răng cưa giúp dễ xé rời, còn bao bì hàng nhái, hàng giả thì không. Tốt nhất, bà con nên mua sản phẩm ngay tại các cửa hàng địa lý chính thức của công ty. Nếu có các nghi vấn về phích cắm điện là hàng giả, hàng nhái, khách hàng có thể gọi ngay số: 1900 1257 của Điện Quang để được tư vấn.

Box: Với 5 nhà máy có dây chuyền sản xuất đồng bộ và hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, Điện Quang có khả năng kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất từ khâu nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm ra thị trường. Sản phẩm Điện Quang đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng uy tín về chất lượng và thương hiệu như đạt chứng nhận CE hợp chuẩn an toàn của châu Âu, được Bộ Công Thương cấp nhãn “Ngôi sao năng lượng Việt” chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng và được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao.

HÀNG VIỆT

Truyền thông - cầu nối đưa hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo

Năm 2009, ngay khi Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) được triển khai, tôi được phân công là phóng viên trực tiếp theo dõi CVĐ. Hơn 7 năm qua, điều khiến tôi nói riêng và những phóng viên đã gắn bó với CVĐ này cảm thấy đáng mừng nhất là truyền thông được đánh giá là một trong những hoạt động thành công nhất của CVĐ, đặc biệt trong việc góp phần xây dựng hệ thống phân phối khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Sau gần 7 năm, trong khuôn khổ CVĐ, hàng loạt hoạt động đã được triển khai. Tuy nhiên với tôi, những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo luôn để lại những ấn tượng không thể nào quên. Bởi lẽ, cái khó khăn, vất vả, cùng những niềm vui và sự háo hức của người dân khi được sở hữu những sản phẩm Việt chính hãng, có chất lượng với giá cả phải chăng luôn là động lực thúc giục chúng tôi lên đường.

Sau một thời gian dài gắn bó với CVĐ, có một chuyến đi khiến tôi không thể nào quên. Vào những ngày giữa đông năm 2014, tôi theo chân các cán bộ Trung tâm Xúc tiến thương mại Quảng Ninh đưa hàng Việt về huyện đảo Cô Tô. Những ngày cuối năm, bão liên tiếp ập về, biển Cô Tô cuồn cuộn dậy sóng. Đứng giữa phòng làm việc ngổn ngang hàng hóa, chị Nguyễn Thị Thúy – Phó Giám đốc Trung tâm đứng ngồi không yên khi tin bão liên tiếp được báo về. Tưởng chừng chuyến đi sẽ hủy thì kỳ lạ thay, khi chỉ còn đúng 1 ngày là đến khai mạc phiên chợ thì bão tắt, chuyến đi kịp khởi hành đúng hẹn. Nhưng bão tắt không có nghĩa là biển lặng. Chiếc tàu chở chúng tôi không ngừng trồi lên, ngụp xuống giữa những con sóng bạc đầu của biển Cô Tô. Tiếng nói chuyện nhỏ dần, nhỏ dần mỗi khi từng đợt sóng đập mạnh vào mạn thuyền. Cả tôi – người lần đầu được trải nghiệm một chuyến đi biển sau bão lẫn những cán bộ trung tâm – người đã có thâm niên hơn 2 năm đưa hàng ra đảo không khỏi lo lắng, sợ hãi, bám

chặt cứng vào tay nắm ghế. Hơn 2 tiếng lênh đênh giữa biển, thuyền cập bờ, ai nấy “mặt cắt không còn một giọt máu”. Từng bộ ghế, khay chén bát, rau quả... được đưa ra từ đất liền dường như cũng thấm cái nắng, cái gió và vị mặn mòi của biển khơi. Vậy mới biết, những chuyến hàng Việt đến vùng khó khăn thực sự “khó” đến mức nào. Và có lẽ, những nụ cười sáng bừng, niềm háo hức của bà con là động lực duy nhất cho sự nỗ lực của những người gắn bó với CVĐ suốt những năm qua.

Chính vì vậy, điều trăn trở lớn nhất trong suốt nhiều năm làm báo của tôi là làm sao trở thành cầu nối, truyền tải cho các cơ quan chức năng ước mong của bà con. Làm cách nào để xây dựng được một hệ thống phân phối ngay tại khu vực bà con sinh sống để các cơ quan chức năng, doanh nghiệp bớt vất vả, bà con cũng dễ dàng mua được hàng Việt chính hãng mà không phải chờ đến các chuyến hàng.

Niềm vui đã vỡ òa khi năm 2015, Đề án Phát triển Thị trường trong nước gắn với CVĐ được triển khai với một trong những hoạt động đầu tiên là xây dựng một số điểm bán hàng Việt Nam cố định tại các địa phương. Ngay khi nghe tin vui, tôi lập tức điện thoại cho chị Thúy, nghe giọng chị dường như cũng vỡ òa, háo hức khoe: “Quảng Ninh dự định xây dựng một số điểm bán hàng Việt cố định, trong đó Cô Tô là một trong những địa phương được ưu tiên xem xét đợt đầu. Điều chúng tôi cần trong suốt 7 năm qua không hẳn là hỗ trợ về tiền mà chính là những cơ chế mạnh như vậy để hàng Việt sớm đến với người dân một cách thuận lợi nhất”. Cảm động hơn khi cuối câu chuyện, giọng nói mạnh mẽ của người đàn bà miền biển trùng xuống: “Cảm ơn em, cảm ơn các phóng viên báo chí vì đã là “cầu nối” biến ước mơ đưa hàng Việt phủ sóng vùng khó khăn mau chóng thành hiện thực”!

Box: Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa:
Gần 7 năm với hàng trăm chương trình tuyên truyền lớn nhỏ, những hội chợ hàng Việt, những chuyến đưa hàng về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa... tuyên truyền luôn được đánh giá là một trong những hoạt động thành công nhất của CVĐ, giúp góp phần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, thúc đẩy người Việt dùng hàng Việt.

(Thông tin do Báo Công Thương và Cổng Thông tin điện tử UBDT phối hợp thực hiện)