Thông tin thị trường giá cả số 06/2020

03:45 PM 18/02/2020 |   Lượt xem: 3896 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Hoa hồi Tràng Định:

Hướng tới giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Khi cần thì sẵn sàng đẩy giá mua lên cao ngất ngưởng, bất chấp chất lượng; khi không cần thì bỏ mặc cho giá rớt thê thảm… là câu chuyện từng xảy ra với sản phẩm hoa hồi ở huyện Tràng Định (Lạng Sơn). Việc phụ thuộc quá nhiều vào thương lái Trung Quốc đang khiến người trồng hồi không khỏi âu lo.

Huyện Tràng Định là mảnh đất có cây hồi bén rễ đã nhiều đời. Đến nay, diện tích hồi khoảng 1.878,8 héc-ta, trong đó có khoảng 1.000 héc-ta đã cho thu hoạch, giá trị hàng năm ước đạt 41 tỷ đồng.

Dẫn tôi đi thăm rừng hồi trải dài, ông Triệu Thạch Can – Bí thư Chi bộ thôn Khau Cà, xã Đề Thám chia sẻ: “Lớn lên đã thấy rừng hồi rồi, nhưng trước kia giá hồi lúc đắt, lúc rẻ nên chưa quan tâm cây hồi lắm đâu. Giờ thì nhà nào trong thôn cũng có 2 - 3 máy cắt cỏ để chăm sóc hồi. Nhà tôi có 3 héc-ta hồi, vụ vừa rồi thu hoạch cũng được hơn 100 triệu đồng”. Ông Can chỉ là một trong số hàng trăm hộ trúng vụ do giá hồi năm 2019 tăng cao, với 30.000 đồng/kg hồi xanh, hồi khô là 135.000 đồng/kg. Giá hồi tăng cao đã khiến cho người trồng hồi rất vui vì trồng hồi không phải đầu tư chăm bón gì, thi thoảng chỉ cần làm cỏ cho rừng hồi, nên chi phí khá thấp.

“Vụ hồi năm 2019, có bao nhiêu hồi thương lái Trung Quốc mua hết, còn tranh nhau mua cả hồi xấu. Thậm chí có lúc độ ẩm của hồi lên tới 70% họ vẫn mua” – chị Ma Thị Tét – thương lái chuyên gom hồi ở xã Đề Thám cho hay.

Có thâm niên hơn 10 năm thu mua hồi, chị Ma Thị Tét nhớ khá rõ sự bấp bênh của giá hồi ở Tràng Định mấy năm gần đây. Năm nào sản lượng hồi thu được thấp, thương lái Trung Quốc sẵn sàng tăng giá cao để gom cho đủ hàng, bất chấp chất lượng. Vậy nhưng mùa sau, nếu nguồn cung dư thừa, thì cũng chính những thương lái này hoặc mua rất rẻ hoặc không sang mua, mặc cho người trồng hồi thấp thỏm, lo lắng.

Để hạn chế sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, 2 năm trở lại đây, chị Ma Thị Tét cùng một số thương lái ở Tràng Định cũng đã tìm đến những công ty quế hồi của Việt Nam để chào bán hồi với mong muốn sẽ có được giá bán ổn định; trong đó có Công ty CP Sản xuất và Xuất khẩu quế - hồi Việt Nam (Vina Samex).

“Tôi cũng đã 2 lần gửi mẫu hồi lên mời Vina Samex nhưng đều không đạt yêu cầu. Nay hay tin công ty sắp mở nhà máy tại Tràng Định, tôi và các thương lái cũng đang băn khoăn không biết việc thu mua hồi tới đây sẽ thế nào?” - chị Tét lo ngại. Trước băn khoăn của chị Tét, chị Phương Liên – Trưởng phòng quản lý chất lượng Vina Samex, cho hay: Hơn 90% sản phẩm hồi của Vina Samex là làm nguyên liệu để xuất khẩu. Chính vì vậy, đầu vào nguyên liệu đòi hỏi chất lượng phải đảm bảo. Đây cũng là lý do để năm 2019, Vina Samex xây dựng các vùng hồi hữu cơ ở xã Đề Thám, đồng thời tổ chức 6 lớp đào tạo cho các hộ nông dân canh tác, bảo quản, vận chuyển quế - hồi theo tiêu chuẩn hữu cơ. “Hiện tại, hồi của đồng bào ở Tràng Định chủ yếu thu hái và cho vào các bao tải đựng phân bón, cám gạo tận dụng lại, sau đó sấy bằng củi nên chưa đảm bảo yêu cầu. Tới đây, chúng tôi sẽ phát cho bà con bao tải mới và thu mua hồi xanh để về chế biến, bảo quản tại nhà máy nhằm có được những sản phẩm hồi có chất lượng cao nhất” – chị Liên khẳng định.

Yêu cầu của Vina Samex có thể được xem là “khắt khe” với người trồng hồi và các thương lái thu mua hồi ở Tràng Định – vốn vẫn làm theo kiểu tự phát, với thiết bị thô sơ. Tuy nhiên, theo chị Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc Vina Samex, công ty xác định giúp bà con sản xuất để có sản phẩm chất lượng cao, có thu nhập ổn định. Vì vậy, công ty sẽ đồng hành cùng bà con trong suốt quá trình chăm sóc, thu hái và tiêu thụ sản phẩm. Ngay cả với các thương lái đang thu mua hồi để bán cho thị trường Trung Quốc, chị Huyền cũng mong muốn các thương lái này cùng hợp tác để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, giảm sự phụ thuộc vào thị trường này.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Tiềm năng xuất khẩu ngô ngọt

Hiện nay, một số tỉnh như: Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Bắc Giang đang chuyển sang trồng ngô ngọt xuất khẩu. Đây là loại cây trồng được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế, tiêu thụ thuận lợi do được khá nhiều doanh nghiệp thu mua xuất khẩu.

Một doanh nghiệp chuyên thu mua, chế biến và xuất khẩu nông sản cho biết: Tại phía Bắc, hiện có khoảng 4 - 5 nhà máy chuyên thu mua, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm ngô ngọt sang nhiều thị trường với sản lượng bình quân 80 - 100 tấn/ngày/nhà máy. Trong đó, ngô ngọt là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, truyền thống và đang có nhu cầu xuất khẩu rất lớn, giá trị cao. Thông thường, ngô ngọt được xuất khẩu nguyên bắp (bằng container lạnh), hoặc cắt khúc 5cm, hấp để xuất khẩu sang nhiều thị trường như: Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong đó, Hàn Quốc là thị trường có nhu cầu tiêu thụ cũng như tiềm năng đối với sản phẩm này.

Hiện nay, bắp ngô ngọt đang được các nhà máy thu mua với giá bình quân từ 5.000 - 7.000 đồng/kg (đầu vụ từ 7.000 - 10.000 đồng/kg). Tại thị trường ăn tươi bán lẻ trung bình chỉ 5.000 – 7.000 đồng/bắp. Tuy nhiên, khi xuất khẩu sang Hàn Quốc, giá ngô ngọt bán tại các siêu thị quy ra tiền Việt Nam lên tới 180.000 đồng/bắp và được người tiêu dùng Hàn Quốc rất ưa chuộng. Đối với thị trường Trung Quốc, ngô ngọt cũng là sản phẩm tiềm năng bởi mùa đông của Trung Quốc quá lạnh nên không thể trồng được sản phẩm này trong vụ đông.  Các tỉnh phía Bắc có thể tận dụng lợi thế này để quảng bá và tăng cường xuất khẩu ngô ngọt sang Trung Quốc.

Với giá trị kinh tế khá cao, diện tích ngô ngọt có khả năng sẽ được mở rộng trong thời gian tới. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu vẫn là bài toán liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, giúp ổn định nguồn nguyên liệu. Vì vậy, các hợp tác xã, tổ hợp tác cần có hợp đồng liên kết bền vững hơn nhằm ổn định sản xuất.

 

 

Tuyên Quang:

Xúc tiến tiêu thụ cam sành Hàm Yên

Vụ cam vừa qua, năng suất cam bình quân của toàn huyện Hàm Yên đạt 17 tấn/héc-ta, sản lượng toàn huyện đạt từ 70.000 - 100.000 tấn. Đặc biệt, tìm thị trường tiêu thụ cam luôn được huyện quan tâm, mở rộng để bà con yên tâm sản xuất.

Huyện đã phát huy vai trò của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn bao tiêu sản phẩm cam cho bà con. Trong đó, Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên đã ký kết thu mua với 300 hộ trồng cam. Vào vụ thu hoạch, công ty thu mua hết sản phẩm cam với giá cao hơn giá thị trường. Sau đó, tiêu thụ trong các siêu thị và chợ đầu mối ở phạm vi cả nước. Thời gian tới, công ty sẽ tăng cường liên kết với các doanh nghiệp ở miền Trung, Tây Nguyên để tiêu thụ sản phẩm cam sành cho bà con nông dân.

Huyện đã thành lập các đoàn công tác tiến hành khảo sát thị trường các tỉnh, thành phố nhằm xúc tiến đưa sản phẩm cam vào siêu thị, chợ đầu mối. Hiện nay, cam sành Hàm Yên đã được đưa vào tiêu thụ tại 4 siêu thị lớn là: BigC, Metro, Co.opmart, Fivimart và thị trường thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai… Hàng năm, huyện tổ chức Hội chợ cam sành Hàm Yên mời gọi các doanh nghiệp tham gia để ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tại Hội chợ cam sành Hàm Yên năm 2019, huyện đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cam sành với các doanh nghiệp đến từ: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam với sản lượng tiêu thụ ước đạt trên 40 nghìn tấn. Mới đây, huyện tổ chức gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm cam sành Hàm Yên tại Hội chợ hàng Việt thành phố Đà Nẵng năm 2019 được đông đảo người tiêu dùng đánh giá cao. Đây là cơ hội để huyện tiếp tục đưa sản phẩm cam sành vào các thành phố lớn, nâng cao giá bán cho người dân. Hiện UBND huyện Hàm Yên đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ hoàn thiện hồ sơ đăng ký chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho cam sành Hàm Yên. Được cấp chỉ dẫn địa lý sẽ khẳng định chất lượng và thương hiệu của cam sành Hàm Yên, giúp việc truy xuất nguồn gốc thêm thuận lợi. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để cam sành Hàm Yên mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Yên Bái:

Quế hữu cơ bán chạy

Xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái có 274 hộ dân đăng ký trồng quế hữu cơ với diện tích hơn 200 héc-ta, chủ yếu ở Khe Mạng, Làng Than, Làng Chạng, Thượng Sơn.  Hiện quế hữu cơ tiêu thụ tốt, giá tương đối ổn định, dao động từ 45.000 - 59.000 đồng/kg quế vỏ khô. Đặc biệt là chính sách ưu đãi của Công ty cổ phần Visimex đối với sản phẩm quế hữu cơ của các hộ dân: Thu mua theo giá thị trường, thưởng thêm 500.000 đồng/tấn quế vỏ tươi và 1 triệu đồng/tấn quế vỏ khô. Chính sách thưởng nhằm khuyến khích người trồng quế canh tác, sản xuất, thu hoạch sản phẩm theo tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Tổ chức Helvetas Việt Nam đã triển khai hỗ trợ người dân trên địa bàn xã Phong Dụ Thượng là vùng nguyên liệu của đối tác Visimex về công tác tập huấn, hướng dẫn. Chủ trương của địa phương là tạo điều kiện, phối hợp, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp thu mua sản phẩm của bà con.

Long An:

Mè thu lợi nhuận cao

Nhờ thời tiết thuận lợi, nông dân trồng mè (vừng) trên địa bàn huyện Tân Hưng, tỉnh Long An đạt năng suất cao. Bên cạnh đó, giá ổn định ở mức cao nên nông dân trồng mè rất phấn khởi. Vụ đông xuân 2019 - 2020 này, nông dân huyện Tân Hưng xuống giống được hơn 290 héc-ta, chủ yếu mè đen. Giá bán trên thị trường hiện nay dao động từ 52.000 - 58.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, nông dân có lợi nhuận từ 20 - 30 triệu đồng/héc-ta.

Nông dân trồng mè cho biết, năm nay, thời tiết thuận lợi, mè phát triển tốt, ít sâu bệnh, năng suất cao hơn so với các vụ mùa trước từ 100 - 200kg/héc-ta, giá bán ở mức cao nên nông dân trồng mè rất phấn khởi.

Cây mè phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, nhất là đất cát, chịu hạn tốt, có thời gian sinh trưởng ngắn, cho năng suất cao. Tuy nhiên, thời gian qua, nông dân trồng mè chủ yếu tự tìm thương lái để bán, giá cả không ổn định nên hiệu quả sản xuất không cao.

Đắk Lắk:

Giá bí đỏ giảm

Tại huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, giá bí đỏ vẫn trong đà giảm mạnh. Hiện bà con đang khẩn trương thu hoạch nốt những diện tích chưa kịp thu hoạch trước tết. Với giá bán 2.000 đồng/kg, hầu hết các hộ trồng bí đều thua lỗ vì không đủ chi phí đầu tư, thuê công và vận chuyển. Đó là giá của bí loại 1, bí loại 2, loại 3 thì chỉ bán được tầm 500 đồng/kg cho các hộ chăn nuôi.

Trên thực tế, năm 2019, xã Bình Hòa đã chuyển đổi từ đất trồng lúa, bắp sang trồng bí đỏ khoảng 40 héc-ta. Phần lớn diện tích trồng bí đỏ ở các vùng đất cao, khó chủ động nguồn nước tưới. Vụ này, năng suất bí đạt cao nhưng giá xuống thấp khiến bà con gặp khó khăn.

Đồng bằng sông Cửu Long:

Thanh long xuất khẩu bị ảnh hưởng

Những ngày đầu năm, người trồng thanh long vùng Châu Thành (Long An) và Chợ Gạo (Tiền Giang) đứng ngồi không yên khi mức giá thương lái đưa ra thay đổi từng giờ.

Sáng mùng 6 tết, ngày khai trương đầu năm nhưng nhiều vựa thanh long trên tuyến đường từ huyện Châu Thành sang Chợ Gạo vẫn đóng cửa. Trước đó, từ ngày mồng 3 Tết Nguyên đán, khi thông tin về virus corona đang gây hoang mang thì một số nhà kho đã ra thông báo dừng thu mua. Giá thanh long được thương lái đặt cọc trước tết cao lên đến 37.000 đồng/kg loại 1, khi vừa bước sang năm mới đã được thương lái thông báo chỉ có thể thu mua với giá 5.000 đồng/kg. Một số thương lái đã đặt cọc trước đó giờ cũng tạm ngừng thu mua hàng khiến người trồng thanh long càng thêm thấp thỏm.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Lâm Đồng:

Trồng dâu nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế cao

Trên xứ dâu tằm tơ Bảo Lộc, những vườn dâu tại xã đam B’ri đang xanh ngắt một màu trở lại. Giống mới được triển khai trồng trọt đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây.

Đam B’ri từng là xã trồng dâu nuôi tằm nổi tiếng một thời Bảo Lộc. Nhưng rồi theo thời gian nghề trồng dâu nuôi tằm của xã đi xuống vì nhiều nguyên do, trong đó có giá kén thấp, tằm nuôi nhiều dịch bệnh, thu không đủ chi, người dân thay dần các vườn dâu bằng vườn cà phê. Hiện nay, quá trình chuyển đổi cây dâu tằm đang quay ngược trở lại. Giống tằm mới hiện nay cho kén to, đạt chất lượng. Chuyện nuôi cũng không phải quá vất vả như trước, các né tre truyền thống được thay bằng né gỗ, bền hơn, dễ làm hơn, giá thành kén cao hơn. Số bữa ăn của tằm trên một ngày cũng giảm xuống chỉ còn 4 bữa. Nhiều hộ dân trong xã đã áp dụng nuôi tằm dưới nền đất, tiết kiệm nhiều thời gian và công sức. Tính trung bình mỗi tháng một gia đình nuôi 3 hộp tằm, mỗi hộp được chừng 50 kg kén. Với giá thành kén hiện nay là 150.000 đồng/kg, ước tính thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Từ khi chuyển sang trồng dâu nuôi tằm, hiệu quả kinh tế hộ gia đình đã cải thiện đáng kể.

Với các giống dâu tằm mới có năng suất và hiệu quả về mặt kinh tế hơn nên chính quyền, đoàn thể xã Đam B’ri đã tăng cường vận động bà con chuyển đổi những diện tích trồng chè, cà phê cằn cỗi, hiệu quả thấp sang trồng dâu hoặc xen canh dâu vào để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Nhằm hỗ trợ bà con, xã đã phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc mở các lớp dạy trồng dâu nuôi tằm để hướng dẫn cho bà con kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc mới. Xã cũng phối hợp với Phòng Kinh tế và Trung tâm Nông nghiệp thành phố tổ chức các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm cho người dân; chính quyền cũng hỗ trợ người nuôi nông cụ như: Nong, né, khay đựng tằm... Với những kết quả thu được, nghề trồng dâu nuôi tằm đã và đang cải thiện cuộc sống cho rất nhiều người dân trên vùng đất Đam B’ri hôm nay. 

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Nhận biết dầu gội giả

Dầu gội là sản phẩm sử dụng hàng ngày của các hộ gia đình. Do đây là hóa chất và sử dụng trực tiếp lên cơ thể nên nếu dùng phải hàng giả, nhái, chất lượng kém có thể gây nhiều tác hại khôn lường.

Thời gian qua, tại một số chợ vùng cao đã xuất hiện nhiều sản phẩm dầu gội giả loại gói nhỏ nhái các thương hiệu: Sunsilk, Dove, Clear… Hầu hết dầu gội giả chứa các thành phần và quy trình sản xuất không đảm bảo. Do đó, có thể gây ngứa, khô da đầu, viêm da đầu, rụng tóc… Đặc biệt, dầu gội giả từ Trung Quốc có chứa hàm lượng chì và thạch tín rất cao. Đây là các chất độc, có nguy cơ gây ung thư. Để phân biệt hàng thật, hàng giả, bà con có thể dựa vào các yếu tố sau:

Tem chống hàng giả, mã vạch và các thông số

Tem chống hàng giả: Đối với các sản phẩm chính hãng đều phải có tem chống hàng giả. Tem chống hàng giả không được bong tróc, còn nguyên. Hiện nay, tem chống hàng giả vẫn có thể làm giả nên bà con cần lưu ý xem xét kỹ tem khi mua hàng.

Mã vạch: Bà con có thể quan sát mã vạch phải đảm bảo còn nguyên, in rõ ràng hoặc sử dụng phần mềm kiểm tra mã vạch trên điện thoại để kiểm tra.

Các thông số: Hàng thật phải được in rõ ràng, không mờ hay bong tróc.

Hình thức, mẫu mã của sản phẩm

Bao bì hàng giả không được chăm chút. Màu mực in nhòe, không sắc nét. Đặc biệt đối với các cách in nổi, in bóng ở logo, tên hãng... của hàng chính hãng, hàng giả hầu như không thể in được như vậy. Đây là yếu tố giúp bà con phân biệt được hàng giả nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hàng giả, hàng nhái tên thương hiệu, logo in mờ, không sắc nét, có thể in theo kiểu chữ khác, gần giống với logo chính hãng hoặc in sai chính tả.

Chất lượng sản phẩm

Màu sắc hàng giả khi sử dụng có thể khác so với hàng thật. Mùi cũng nồng và gắt hơn, không có mùi đặc trưng của hàng thật. Khi sử dụng sản phẩm, nếu bà con cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, dị ứng da đầu cần ngưng sử dụng ngay lập tức.   

HÀNG VIỆT

Bình Định:

Xây dựng Điểm giới thiệu - bán sản phẩm OCOP

Việc đẩy mạnh xây dựng Chương trình mỗi địa phương 1 sản phẩm gắn với kinh tế tập thể đã góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm, nhất là các sản phẩm mang đặc trưng vùng miền của tỉnh Bình Định.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Thực hiện chương trình Quốc gia mỗi địa phương 1 sản phẩm (OCOP), đến nay, tỉnh Bình Định có 53 sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Trong số này có 2 sản phẩm đạt chất lượng 5 sao là cá ngừ đại dương ở huyện Hoài Nhơn và giống gà Minh Dư ở huyện Tuy Phước. Bên cạnh đó, Bình Định xây dựng được 6 sản phẩm 4 sao là những đặc sản của địa phương như: Nước mắm truyền thống Hoài Nhơn, bưởi Hoài Ân, trà Gò Loi... Đặc biệt, mhững sản phẩm này đều gắn với chuỗi sản xuất, gắn với các doanh nghiệp. Đến nay, tỉnh Bình Định đã xây dựng 24 chuỗi sản xuất gắn kết người sản xuất, doanh nghiệp với thị trường. Bên cạnh đó, các ngành chức năng của Bình Định đang hợp sức để giúp các địa phương xây dựng dự án, từng bước đưa sản phẩm của Bình Định sản xuất và tiêu thụ bền vững. Đó là các dự án: Dự án phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP; Dự án một số vùng sản xuất, dịch vụ nông thôn trọng điểm; Dự án Trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP gắn với giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại các vùng trọng điểm. Trong đó, xây dựng Điểm giới thiệu - bán sản phẩm OCOP là một trong những nội dung mà Sở Công Thương đã và đang tập trung triển khai. Theo kế hoạch, trong năm 2019 chọn một điểm tại Big C Quy Nhơn - Trung tâm Thương mại và Dịch vụ Kim Cúc và năm 2020 sẽ xây dựng 3 - 5 điểm tại các huyện, thị xã trong tỉnh… Sở cũng sẽ chọn một số sản phẩm của tỉnh đạt danh hiệu “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” cấp tỉnh, cấp khu vực và sản phẩm đặc trưng của tỉnh (trừ sản phẩm cơ khí và sản phẩm thủ công mỹ nghệ) để trưng bày tại Điểm giới thiệu - bán sản phẩm OCOP. Dự kiến đó sẽ là các sản phẩm đã có thương hiệu, như: Rượu Bàu Đá, bún Song Thằn, bánh ít lá gai, nem Chợ Huyện, nước mắm Như Hoa, tinh dầu dừa Ngọc An, nước tương Magic…

Sản phẩm OCOP lên sàn Postmart

Gần đây, Bưu điện tỉnh Bình Định đã phối hợp với Sở Công Thương tổ chức giới thiệu nhiều sản phẩm đặc sản của Bình Định, nhất là những sản phẩm thuộc chương trình OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart (https://postmart.vn/) của Tổng Công ty Bưu Ðiện Việt Nam (VNPost). Bước đầu, các sản phẩm này đã được người tiêu dùng đón nhận và tiêu thụ mạnh.

Bình Định hiện đang có 48 sản phẩm trên sàn Postmart, trong đó khoảng 10 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP. Theo đánh giá chung của các cơ sở sản xuất, sàn Postmart bước đầu đã giúp rất nhiều trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, còn người tiêu dùng có thể mua được hàng tận gốc, có nguồn gốc, thương hiệu rõ ràng. Khi người sản xuất đưa hàng hóa lên sàn Postmart, với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm đặc sản của Bình Định đứng vững trên thị trường.

Bưu điện sẽ nỗ lực đưa tất cả các sản phẩm nằm trong danh sách các hộ được công nhận là làng nghề tại Bình Định lên sàn Postmart, nhằm giúp các hộ làng nghề có thêm kênh bán hàng, giúp sản phẩm của họ vươn xa hơn và được sử dụng nhiều hơn.