Thông tin thị trường giá cả số 08/2020

08:55 AM 20/02/2020 |   Lượt xem: 3320 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Siêu thị hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Tuần qua, nhiều hệ thống siêu thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra các chương trình “giải cứu” nông sản nhằm hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, thu hồi vốn.

Cụ thể, hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op bán hàng không lợi nhuận cho 3 mặt hàng nông sản: Thanh long, dưa hấu và cá basa của các tỉnh miền Tây Nam bộ. Với giá thu mua tại nguồn cao hơn thương lái, hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food đang bán thanh long ruột trắng và ruột đỏ giá khuyến mãi từ 4.800 đồng/kg đến 9.900 đồng/kg, dưa hấu quanh mức 9.500 đồng/kg tùy theo khu vực địa lý của siêu thị. Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị của Saigon Co.op cũng đang áp dụng giảm giá 20% còn 44.500 đồng/kg cho mặt hàng cá basa nguyên con không đầu đạt chuẩn xuất khẩu. Tổng lượng tiêu thụ của 3 mặt hàng nông, thủy sản này trong thời gian tới dự kiến khoảng 6.000 tấn. Ngoài ra, các mặt hàng: Chanh tươi không hạt, chuối tươi loại 1, bưởi da xanh, trứng gà, giò sống, bắp cải, nấm mỡ… cũng giảm giá trung bình 15 - 20% so với giá bán trước đó. Đặc biệt, lượng thịt heo an toàn, heo VietGAP về các siêu thị Co.opmart, Co.op Xtra, Co.op Food của Saigon Co.op vẫn ổn định và đang áp dụng giảm giá từ 20.000 - 40.000 đồng/kg, tương đương giảm 15% cho các loại chân bắp giò, các loại xương và sườn heo non.

Hệ thống siêu thị Big C và GO! dự kiến hỗ trợ tiêu thụ khoảng 4.000 tấn thanh long và dưa hấu cho nông dân với chính sách không lợi nhuận. Chương trình “Chung tay hỗ trợ nông dân trồng dưa hấu, thanh long” được triển khai trên toàn bộ hệ thống siêu thị Big C và GO! trên toàn quốc. Nhằm kích cầu tiêu thụ, giúp bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn, toàn bộ hệ thống 37 siêu thị Big C và GO! toàn quốc của Central Retail áp dụng bán hàng không lợi nhuận kéo dài liên tục cho đến khi hàng hóa nông sản của bà con các tỉnh như: Bình Thuận, Gia Lai, Long An, Tiền Giang... dần đi vào ổn định. Tại các siêu thị Big C và GO! miền Bắc, dưa hấu ruột đỏ được Big C áp dụng giá chỉ 6.200 đồng/kg; thanh long ruột đỏ và ruột trắng bán đồng giá 15.500 đồng/ kg. Tại các siêu thị Big C và GO! khu vực phía Nam, giá thanh long ruột đỏ miền Tây được bán với giá 10.900 đồng/kg; dưa hấu ruột đỏ 4.900 đồng/kg.

Tương tự, hệ thống Lotte Mart, MM Mega Market... cũng áp dụng chương trình “giải cứu” lượng lớn thanh long và dưa hấu cho nông dân. MM Mega Market đã phối hợp với Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh triển khai hoạt động hỗ trợ nông dân tiêu thụ thanh long và dưa hấu tại 20 trung tâm và siêu thị trên toàn quốc bắt đầu từ ngày 6/2. Tại khu vực miền Nam, giá thanh long ruột đỏ là 10.900 đồng/kg, miền Trung 13.200 đồng/kg, miền Bắc 15.500 đồng/kg. Giá dưa hấu là 5.500 đồng/kg khu vực miền Nam, miền Trung 3.500 đồng/kg, miền Bắc 6.200 đồng/kg, miền Tây 7.500 đồng/kg.

Đồng hành cùng các siêu thị và doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng đang vận động các doanh nghiệp hội viên giảm 10 - 20% phí lưu kho lưu bãi, đặc biệt là kho lạnh để hỗ trợ các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị mua nông sản cho nông dân. Kinh nghiệm từ một số nước cho thấy, nông nghiệp là một ngành nhiều rủi ro nên việc thông thương luôn phải có dự phòng như xây dựng các nhà kho, kho lạnh tại cửa khẩu, địa phương để hỗ trợ người dân gửi nông sản. Nhiều nước trên thế giới cũng đã thực hiện phương pháp này để giảm thiệt hại cho nông dân khi hàng hóa bị ùn ứ.

Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, Bộ Công Thương liên tục có văn bản cập nhật tình hình, đưa ra cảnh báo. Đồng thời, yêu cầu các thương vụ nước ngoài tổ chức tìm kiếm, kết nối chuyển hướng hoạt động thương mại xuất khẩu mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây, sang các thị trường khác; đề nghị các doanh nghiệp logistics giúp bảo quản nông thủy sản trong thời gian chờ xuất khẩu…

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Ninh Thuận:

Diêm dân được mùa muối sau tết

Những tuần đầu tháng 2/2020, diêm dân huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận tất bật thu hoạch muối với niềm vui được mùa. Nguyên nhân do thời tiết từ sau tết đến nay nắng nóng, ít mưa, rất thích hợp cho nghề làm muối.

Hiện nay, bà con đang thu hoạch muối vụ chính, năng suất cao hơn mọi năm, trung bình khoảng 7 - 10 ngày thu hoạch 1 lứa muối với sản lượng trên 1,7 tấn/sào, cao hơn vụ trước 400 - 600kg. Tuy nhiên, giá muối năm nay thấp, giảm hơn 30% so với năm trước nên thu nhập của bà con chưa ổn định. Hiện nay giá muối trong vùng đang dao động từ 450.000 - 500.000 đồng/tấn đối với muối truyền thống trên nền đất. Còn riêng với muối công nghiệp (muối trải bạt) giá muối dao động từ 800.000 - 900.000 đồng/tấn.

Ninh Thuận hiện có khoảng 2.500 héc-ta diện tích đồng muối. Trong đó, có khoảng 1.800 héc-ta muối công nghiệp và khoảng 700 héc-ta muối truyền thống. Tính từ sau tết đến nay, bà con diêm dân đã thu hoạch được 6 lứa muối với năng suất trung bình 15 - 17tấn/héc-ta, sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi héc-ta diêm dân thu lãi trên 5 triệu đồng.

 

Giá hành, tỏi, gừng tăng mạnh

Dịch viêm phổi cấp do virut Corona mới (Covid-19) ở Trung Quốc khiến nhiều thị trường tạm dừng nhập khẩu nông sản từ nước này gây thiếu hụt nguồn cung khiến hàng loạt gia vị tăng giá mạnh.

Trong số đó, tỏi, hành và gừng tăng giá nhiều nhất bởi đây là những loại gia vị được tiêu thụ mạnh để phòng, chống dịch. Tại Việt Nam, giá hành, tỏi gừng đang tăng mạnh và bán chạy vì ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 nên việc vận chuyển những mặt hàng này từ Trung Quốc vào nước ta bị hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều người mua tỏi, gừng về nấu nước uống, chế biến món ăn... cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá đi lên.

Giá hành, tỏi ngoài chợ hiện đang ở mức 40.000 - 60.000 đồng/kg. Tỏi nhập về từ Trung Quốc giá cũng tăng lên mức 70.000 - 80.000 đồng, còn đặc sản Lý Sơn được bán với giá từ 130.000 - 150.000 đồng/kg. Mức giá này so với ngày trước tết đã cao hơn tới 20.000 - 30.000 đồng/kg dù khi đó nhu cầu của người dân rất lớn.

Không chỉ có hành, tỏi, giá gừng cũng đang ở mức 60.000 đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với thời điểm trước tết. Hiện giá củ gừng tại nhiều tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang… đang ở mức từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, tùy loại. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh thu mua để làm các sản phẩm chế biến phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong khi đó, nguồn cung gừng tại nhiều địa phương có xu hướng giảm vì bà con đang giảm diện tích trồng sau một thời gian dài giá ở mức thấp và trồng gừng cũng dễ gặp rủi ro, thất mùa bởi sâu bệnh và thời tiết bất lợi.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Vĩnh Long:

Chôm chôm nghịch vụ khó tiêu thụ

Hiện nay, nhiều vườn chôm chôm ở miền Tây chín đỏ nhưng không có thương lái đến mua. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm ngoái, chôm chôm tiêu thụ mạnh. Nguyên nhân do dịch bệnh Covid-19, chôm chôm không xuất đi Trung Quốc được. Hiện nay, khoảng 70% chôm chôm của tỉnh Vĩnh Long được xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng do không xuất khẩu được, thị trường nội địa tiêu thụ không hết nên ảnh hưởng đến giá cả. Hiện chôm chôm chỉ tiêu thụ cầm chừng trong nước với giá 6.000 đồng/kg. Trong khi đó, đầu tư trồng chôm chôm nghịch vụ tốn rất nhiều công sức và chi phí. Với giá bán thấp như hiện nay, các nhà vườn trồng chôm chôm đều lỗ.

Đà Lạt:

Giá ớt ngọt giảm mạnh

2 tuần qua, giá ớt ngọt ở xã Xuân Trường và Trạm Hành, TP. Đà Lạt giảm sâu, chỉ còn 8.000 – 10.000 đồng/kg bán tại vườn. Giá ớt giảm mạnh nhưng nhiều nông trại vẫn không bán được hàng. Cá biệt, một số hộ trồng ớt ở Trạm Hành đã phải hái bỏ để nuôi cây vì giá quá rẻ và khó bán. Trước đó, giá ớt ngọt bán tại vườn luôn duy trì ở mức 29.000 – 30.000 đồng/kg. Thậm chí, thời điểm giáp tết, tại một số địa phương, giá ớt lên đến 40.000 - 50.000 đồng/kg. Ớt không tiêu thụ được khiến bà con gặp khó khăn bởi khi trồng ớt ngọt bà con phải đầu tư khá lớn vì trồng trong nhà kính, nhà lưới. Tương tự ở Trạm Hành, một số vùng nông sản khác như: Đơn Dương, Đức Trọng, giá ớt ngọt cũng liên tục giảm sâu và khó tiêu thụ.

Bình Phước:

Giá hạt điều tươi đầu vụ thấp hơn cùng kỳ năm ngoái

Tại các địa phương có diện tích trồng điều lớn của tỉnh Bình Phước hiện đã có nhiều vườn bắt đầu vào vụ thu hoạch hạt điều tươi. Tuy nhiên, giá hạt điều tươi được các đại lý, thương lái thu mua với giá dao động trên dưới 28.000 đồng/kg tùy địa phương. Giá thu mua này thấp hơn 10.000 - 12.000 đồng/kg so với đầu mùa năm ngoái.

Năm nay, thời tiết thuận lợi hơn, cây điều có tỷ lệ đậu trái cao. Trước diễn biến giá thấp như hiện nay, nhiều hộ trồng điều dự kiến sẽ dành một phần phơi khô chờ giá lên mới bán để có thêm tiền chi tiêu trong gia đình cũng như tái đầu tư vụ mùa năm tới. Tại huyện biên giới Bù Đốp, không khí thu hoạch hạt điều tươi cũng ảm đạm vì giá thu mua thấp hơn nhiều so với mùa trước. Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước, diện tích trồng điều hơn 134.000 héc-ta. Trong nhiều năm qua, cây điều được coi là cây xóa đói, giảm nghèo của người dân ở vùng đất đỏ Đông Nam bộ này.

Đồng Tháp:

Giá bưởi da xanh giảm

Sau Tết Nguyên đán, giá bưởi da xanh trên địa bàn huyện Lai Vung giảm nhưng nông dân vẫn có lời. Hiện giá bưởi da xanh chỉ ở mức 50.000 đồng/kg, giảm hơn 20.000 đồng/kg so với thời điểm trước. Nguyên nhân khiến giá bưởi da xanh giảm do nhu cầu tiêu thụ sau tết giảm. Đây cũng là xu hướng chung của nhiều loại nông sản. Dự đoán, giá bưởi da xanh sẽ tăng nhẹ trở lại vào những tháng tới.

Theo tiểu thương, giá bưởi da xanh ở mức thấp so với các năm do xuất khẩu không thuận lợi. Bên cạnh đó, nguồn cung bưởi phục vụ thị trường ngày càng đa dạng và có sự cạnh tranh của nhiều loại trái cây có múi, trái cây nhập khẩu. Đặc biệt, hiện có nhiều loại bưởi trồng tại các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ và miền Bắc tuy ăn không ngon bằng bưởi da xanh nhưng có mẫu mã khá đẹp và giá tương đối rẻ nên ảnh hưởng đến giá bán của bưởi da xanh.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Lâm Đồng:

Hơn 90% lượng dưa đã được tiêu thụ

Vụ dưa hấu 2020, nông dân tỉnh Lâm Đồng xuống giống gần 300 héc-ta dưa các loại. Do thời tiết thuận lợi nên sản lượng dưa hấu tăng cao, giá bán trước tết tương đối ổn định, nông dân có lãi.

Hiện tình hình tiêu thụ dưa hấu của bà con nông dân tương đối khả quan với sản lượng hơn 90% đã được thu hoạch và tiêu thụ với giá cao ngay từ thời điểm trước tết. Tại vùng dưa hấu Đạ Tẻh, Cát Tiên, tiêu thụ dưa có nhiều dấu hiệu tích cực. Nhìn chung, do thời tiết thuận lợi nên sản lượng dưa hấu tăng cao, trong khi giá trước tết ổn định và có lãi. Trên thực tế, thời điểm bắt đầu Tết Nguyên đán 2020, giá dưa đạt mức 5.000 - 7.000 đồng/kg. Trung bình mỗi héc-ta dưa cho thu hoạch khoảng 20 tấn; sau khi trừ các chi phí, nông dân lãi từ 50 - 70 triệu đồng. Sau tết, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bùng phát khiến xuất khẩu dưa hấu qua thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng. Hiện một số diện tích dưa thu hoạch sau tết của nông dân bị rớt giá, tiêu thụ khó khăn. Tuy nhiên, diện tích cũng như sản lượng dưa thu hoạch sau tết còn lại không nhiều, chỉ khoảng 5 héc-ta. Hiện nay, các thương lái thu mua dưa tại ruộng dao động từ 2.000 - 2.500 đồng/kg.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, vụ dưa hấu Tết Nguyên đán 2020, toàn tỉnh xuống giống gần 300 héc-ta; tập trung chủ yếu ở 2 huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên với những giống dưa như: Phù Đổng, Trang Nông, An Tiêm, Hồng Cúc, Rồng Xanh… Đây là những giống dưa cho năng suất và chất lượng cao. Đồng thời, người dân cũng sử dụng màng phủ sinh học để hạn chế cỏ dại và giảm chi phí công tưới nước, giúp dưa hấu phát triển tốt hơn.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Phát hiện khẩu trang làm giả từ giấy vệ sinh

Khẩu trang y tế là mặt hàng thiết yếu để phòng chống trong mùa dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, lợi dụng việc khan hiếm khẩu trang y tế, không ít đối tượng gom hàng, đẩy giá, thậm chí còn sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế giả.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), những ngày gần đây đã xuất hiện một số đối tượng thu gom khẩu trang y tế không đảm bảo chất lượng, hay sản xuất khẩu trang y tế dùng giấy vệ sinh thay lớp lót kháng khuẩn… Điển hình, QLTT Hà Nội đã phát hiện Công ty TNHH Việt Hàn (xã Minh Cường, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) sản xuất khẩu trang y tế bằng công nghệ “giấy ăn”. Lớp giấy vệ sinh này được dùng làm lớp lót giữa, trong khi đó, khẩu trang y tế thật là lớp kháng khuẩn, không bị tan trong nước. Ông Chu Xuân Kiên – Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội chỉ rõ, lớp kháng khuẩn để ngăn vi khuẩn, giờ giá trị kháng khuẩn lại không có, thì nguy cơ xâm nhập còn nhiều hơn.

Trước đó, QLTT Hà Nội cũng phát hiện và tịch thu lô hàng 143.000 chiếc khẩu trang, trị giá hơn 1 tỷ đồng. Kiểm nghiệm lô hàng cho thấy số khẩu trang y tế trên là hàng giả, không đạt yêu cầu về chất liệu theo TCVN 8389-1:2010. Trung tâm kiểm nghiệm khẳng định, đây chỉ là khẩu trang thông thường, không có lớp kháng khuẩn. Là khẩu trang 4 lớp nhưng lớp vải sử dụng bên trong lại được thay thế bằng giấy vệ sinh.

Tại TP. Hồ Chí Minh, lực lượng QLTT và Thanh tra Y tế cũng đã kiểm tra cơ sở sản xuất khẩu trang thương hiệu Nice Star tại quận Tân Phú và thu giữ 27.850 chiếc khẩu trang tương đương 557 hộp (loại 50 cái/hộp). Lực lượng chức năng đã lấy mẫu gửi kiểm nghiệm để làm rõ các hành vi liên quan về chất lượng sản phẩm, từ đó có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.

Tổng cục QLTT sẽ cương quyết xử lý đối với các cơ sở, cá nhân có biểu hiện buôn bán, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ...

HÀNG VIỆT

Chứng nhận nhãn hiệu:

Khẳng định lợi thế gạo Krông Ana

Vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo Krông Ana”. Việc chứng nhận nhãn hiệu giúp khẳng định lợi thế, dần tiến đến tạo thương hiệu gạo Krông Ana trong tương lai.

Với khí hậu ôn hòa, đặc biệt thời gian chiếu sáng các ngày trong năm cao, lượng phù sa bồi đắp của 2 con sông lớn là điều kiện thuận lợi để huyện Krông Ana (Đắk Lắk) phát triển cây lúa nước. Hiện Krông Ana có hơn 11 nghìn héc-ta lúa nước, việc đăng ký nhãn hiệu “Gạo Krông Ana” được xem là bước khởi đầu thuận lợi để tạo thương hiệu gạo Krông Ana trong tương lai… Cùng với điều kiện tự nhiên thuận lợi, thời gian qua, địa phương đã đẩy mạnh áp dụng cải tiến công nghệ vào sản xuất tại các cánh đồng và đưa các giống mới chất lượng, phù hợp với thổ nhưỡng nên năng suất lúa hằng năm trên địa bàn huyện được nâng cao...

Trong những năm gần đây, người dân huyện Krông Ana đã canh tác thành công nhiều giống lúa đặc sản, có năng suất, sản lượng và chất lượng cao như: RVT, HT1, VS1, OM4900, OM6162… Trong đó, giống RVT được trồng phổ biến nhất, chiếm tới khoảng 40% tổng diện tích lúa nước toàn huyện, OM4900 chiếm 20%, OM6162 chiếm 10%...

Trên cơ sở được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu “Gạo Krông Ana”, vừa qua, UBND huyện Krông Ana đã tổ chức hội thảo công bố, quảng bá nhãn hiệu Chứng nhận “Gạo Krông Ana” với mục đích giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về phát triển lúa nước và quảng bá nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana” đến người tiêu dùng, các doanh nghiệp… Đồng thời, thông tin cơ sở pháp lý bảo vệ cho quyền lợi nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana”, chống những hành vi xâm phạm tới quyền sử dụng nhãn hiệu.

Cùng với hoạt động sản xuất, theo thống kê trên địa bàn có gần 50 cơ sở kinh doanh, xay xát lúa gạo. Trong đó, có khoảng 10 cơ sở xay xát có quy mô lớn, công suất trung bình từ 30 - 50 tấn/ngày…

Theo lãnh đạo UBND huyện Krông Ana, việc triển khai xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana” là một yêu cầu cấp thiết, nhằm khẳng định lợi thế sản phẩm gạo Krông Ana, nâng cao sức cạnh tranh, phát huy lợi thế, tiềm năng hiện có, thúc đẩy nền nông nghiệp của huyện ngày một phát triển theo hướng sản xuất bền vững.

Cao Bằng:

Công nhận làng nghề hương thảo mộc Nà Kéo là làng nghề truyền thống

UBND huyện Hà Quảng (Cao Bằng) đã tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận Làng nghề làm Hương thảo mộc Nà Kéo (xóm Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng) là làng nghề truyền thống.

Nghề làm hương thảo mộc Nà Kéo có lịch sử hàng trăm năm và được bảo tồn, duy trì, phát huy tới ngày nay. Làng nghề hoạt động quanh năm nhưng sôi động nhất mỗi dịp tết đến, xuân về. Làng nghề cũng đã trở thành cái tên quen thuộc của người tiêu dùng bởi mùi hương của thảo mộc. Mùi hương dịu nhẹ, thơm phảng phất đã tạo nên thương hiệu đặc trưng cho sản phẩm hương thảo mộc. Hiện nay, sản xuất hương chủ yếu vẫn được làm thủ công, không áp dụng các dây chuyền sản xuất công nghiệp. Đặc biệt, nguồn nguyên liệu không độc hại, có nguồn gốc tự nhiên, ít tác động đến môi trường sống.

Nguyên liệu để làm que hương từ thân cây mai. Bà con thường chọn cây mai có độ tuổi từ 3 năm trở lên, chặt thành từng khúc tầm 40 cm và chẻ nhỏ, ngâm với nước khoảng 10 ngày sau đó vớt lên phơi khô, chân hương được nhuộm bằng phẩm màu. Sau khi có đầy đủ nguyên liệu sẽ tiến hành quấn bột trộn vào que hương, lăn qua bột mặt – lăn qua ván gỗ, hương sau khi quấn xong được phơi ngang trên ván gỗ hoặc phơi dọc trên giá gỗ. Ðể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, que hương cũng không ngừng được cải tiến về mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ làm hương thảo mộc, các hộ dân đã có nguồn thu nhập ổn định, kinh tế gia đình phát triển, nhiều hộ thu nhập trên 80 triệu đồng/năm. Cuộc sống của người dân làng nghề đã ấm no hơn, nhiều ngôi nhà mới, khang trang được xây dựng. Ðường làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa từ nguồn vốn xã hội hóa của dân làng. Nơi đây cũng trở thành điểm đến của mỗi du khách khi về thăm khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó.