Thông tin thị trường giá cả số 33/2021

04:09 PM 12/08/2021 |   Lượt xem: 6136 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Đồng bằng sông Cửu Long:

Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản ứng phó để việc thu hoạch, tiêu thụ, lưu thông hàng hóa nông sản của bà con nông dân thuận lợi.

Linh động các phương án hỗ trợ

Do đang thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch Covid-19 nên Hậu Giang đã huy động 264 máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa giúp nông dân. Lực lượng tham gia gặt đập, thương lái mua lúa tại ruộng phải đảm bảo an toàn về phòng chống dịch, áp dụng test nhanh và thực hiện nghiêm 5K. Ngoài ra, các sở, ban, ngành tỉnh Hậu Giang đã phối hợp đưa lên nhóm kết nối tiêu thụ nông sản giữa hợp tác xã, nông dân với đầu mối tiêu thụ các nơi. Đây là nhóm giao dịch mua bán nông sản nhằm phát huy hiệu quả khi có nhiều giao dịch thông qua nhóm. Về giải quyết lưu thông phương tiện vận chuyển hàng nông sản, Hậu Giang đã tổ chức tốt theo quy định luồng xanh, có mã code cho xe.

Tại An Giang, ngay đầu vụ thu hoạch, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú đã cử cán bộ xuống từng xã, thị trấn tham mưu, hỗ trợ, thống kê, rà soát, lập tất cả danh sách các chủ máy cắt, máy kéo, nhân công theo máy, bốc vác, cò lúa, thương lái… để lên phương án hỗ trợ. Đồng thời, yêu cầu các đối tượng này phải khai báo y tế. Riêng những người từ địa phương khác đến huyện Châu Phú, ngoài việc khai báo y tế, còn phải giấy xét nghiệm âm tính với SARS CoV-2, hoặc test nhanh. Huyện cũng có kế hoạch thu hoạch, tiêu thụ trong vùng phong tỏa: Thứ nhất là các nông dân trong vùng phong tỏa không tham gia thu hoạch, phải nhờ người thân, người quen trong địa phương hỗ trợ; nếu không liên hệ được người thân, quen thì xã sẽ thành lập các đoàn để hỗ trợ thu hoạch, tiêu thụ, sau đó sẽ chuyển kinh phí đó cho chủ ruộng. Đặc biệt, các thương lái, nhân công tham gia thu hoạch, tiêu thụ nông sản mà ở ngoài huyện thì phải có giấy xét nghiệm PCR, còn thời hạn trong 3 ngày, hoặc test nhanh thì trong vòng 24 giờ.

Ở các tỉnh Bạc Liêu, Đồng Tháp, Vĩnh Long… cũng kết nối các siêu thị, cá nhân, kêu gọi cộng đồng chung tay hỗ trợ tiêu thụ, gỡ khó cho đầu ra nông sản trong thời gian dịch bệnh và giãn cách xã hội. Bình thường đầu ra khoai lang đã gặp khó, nay giãn cách càng khó hơn, giá khoai lang chỉ vài trăm đồng/kg vẫn ít người mua. Tuy nhiên, qua kết nối với các siêu thị và các tổ chức, cá nhân, Vĩnh Long đã giúp nông dân bán hàng ngàn tấn khoai lang tím với giá 3.000 đồng/kg. Sở Công Thương Long An, Hiệp hội thanh long Long An đã phối hợp với huyện Châu Thành giúp nông dân tiêu thụ hết sản lượng thanh long đang thu hoạch. Bước đầu, địa phương đã kết nối thành công với hệ thống bưu điện nhiều tỉnh, thành tham gia tiêu thụ. Trong đó, Công ty Vina T&T cam kết hỗ trợ tiêu thụ; Siêu thị Big C và Bách Hóa Xanh đề nghị chào giá hợp lý để thu mua, cùng vận động các kho dự trữ.

Tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa, nông sản

Hiện cách làm thiết thực nhất mà nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện là kết nối với các siêu thị, chợ truyền thống (được phép hoạt động) để tiêu thụ nông sản. Một số địa phương như Bạc Liêu, Hậu Giang, Đồng Tháp còn linh động tổ chức “mua hàng giùm dân” thông qua việc người dân điện thoại đặt hàng, có xe chở đến nhà dân. Sóc Trăng thậm chí còn có công văn đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thông báo đến các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh nếu có xe vận chuyển hàng hóa đường dài (xe tải đi ngoài tỉnh), khẩn trương lập danh sách đăng ký tiêm vắc-xin Covid-19 cho tài xế, phụ xế và bốc xếp đi theo xe. Đây là một trong những tỉnh đầu tiên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tạo điều kiện cho các đối tượng vận chuyển hàng hóa đi ngoài tỉnh. Sở Giao thông Vận tải các tỉnh cũng đề nghị các đơn vị, địa phương trên địa bàn không kiểm tra tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch đối với phương tiện có giấy nhận diện QR code còn thời hạn do ngành giao thông vận tải cấp vận chuyển hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng (trừ các hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định) trên tất cả các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị…

Trấn Yên - Yên Bái:

Thu mua măng đúng tiến độ

Là huyện miền núi của tỉnh Yên Bái, Trấn Yên có điều kiện tự nhiên thích hợp để trồng tre Bát độ. Đây là một trong những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao đã được khẳng định qua thực tiễn. Trong đó, mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con được thực hiện có hiệu quả.

Năm 2021, huyện Trấn Yên phấn đấu trồng mới 125 héc-ta tre Bát độ, đưa tổng diện tích toàn huyện hiện lên 3.500 héc-ta. Huyện Trấn Yên cũng đã hình thành chuỗi liên kết phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm măng Bát Độ. Trong đó, Công ty TNHH Vạn Đạt, Công ty cổ phần Yên Thành ký hợp đồng hợp tiêu thụ sản phẩm lâu dài, giá thu mua ổn định và hàng năm có điều chỉnh theo hướng có lợi cho nông dân để nâng cao giá trị sản phẩm.

Ngay từ đầu vụ, 2 công ty này đã triển khai thu mua đến các thôn bản và sơ chế tại chỗ, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân khai thác sản phẩm. Giá thu mua bảo đảm theo giá thị trường. Các điểm thu mua được đặt tại tất cả các xã trong vùng trồng tre Bát độ để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thu hoạch, vận chuyển, đảm bảo chất lượng sản phẩm măng. Đặc biệt, các doanh nghiệp này đã thực hiện ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm măng Bát độ đến các tổ, nhóm, hợp tác xã... nhằm tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ trồng tre măng và doanh nghiệp, hạn chế được tình trạng tranh mua tranh bán.

Thời điểm này, người dân Trấn Yên đã thu hoạch trên 2.000 tấn măng thương phẩm với giá 3.500 đồng/kg măng ống, 4.000 đồng/kg măng ngọn. Với giá này, người trồng măng lãi khá.

Từ mô hình thu mua măng Bát độ có thể khẳng định, sự liên kết trong sản xuất, hình thành chuỗi giá trị sản xuất đã nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập ổn định cho bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.        

Khánh Sơn - Khánh Hòa:

Tiêu thụ chuối gặp khó

Hiện nay, trên địa bàn huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, hàng trăm tấn chuối mốc, chuối dạ hương đến kỳ thu hoạch nhưng không tiêu thụ được. Chuối chín rục trong vườn khiến bà con lo lắng.

Theo thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, trên địa bàn huyện có 780 héc-ta chuối, chủ yếu chuối mốc và chuối dạ hương. Ước tính từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 8, sản lượng chuối thu hoạch hơn 700 tấn. Chuối Khánh Sơn chủ yếu được thương lái các tỉnh, thành miền Nam và miền Trung đến thu mua đưa đi các tỉnh tiêu thụ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ chuối khó khăn, giá chuối giảm sâu còn 1.500 - 2.000 đồng/kg nhưng bán chậm, chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh, huyện. Tại xã Sơn Lâm, bà con dân tộc Raglai đang thu hoạch chuối. Bỏ công gùi chuối từ rẫy về không bán được, mấy tuần nay bà con đành để chuối chín rục trên rẫy. Chuối ở Sơn Lâm trước đây được thương lái các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Bình Dương, Đồng Nai… đến thu mua với giá khá cao, trung bình 3.500 - 4.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đi lại khó khăn nên hiện nay nhiều hộ trồng chuối không tiêu thụ được sản phẩm. Các hộ trồng chuối chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn, chuối không tiêu thụ được sẽ càng khó khăn hơn.

Được biết, việc tiêu thụ chuối tại Khánh Sơn chủ yếu là trái tươi, trên địa bàn chỉ có 1 cơ sở chế biến mật chuối và chuối sấy nhưng lượng tiêu thụ rất ít. Để hỗ trợ nông dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, các nhóm thiện nguyện tại Khánh Sơn đang quyên góp, thu mua chuối từ những hộ khó khăn để ủng hộ các khu vực phong tỏa do dịch Covid-19 trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh nhưng số lượng không nhiều. Nông dân Khánh Sơn mong muốn các cơ quan chức năng kết nối, giới thiệu để các siêu thị, đơn vị kinh doanh nông sản trong và ngoài tỉnh hỗ trợ người dân địa phương tiêu thụ chuối nhằm giảm bớt khó khăn.

Sầu riêng đầu mùa giá ổn định

Năm nay, sầu riêng Khánh Sơn (Khánh Hòa) được mùa. Trên bạt ngàn đồi núi, đâu đâu cũng thấy những vườn sầu riêng xanh mát, trĩu quả, thơm ngon vượt trội so với mọi năm. Hiện nay, một số thương lái đã gọi điện cho các nhà vườn ra giá thu mua 48.000 đồng/kg sầu riêng Monthong (tương đương mức giá thời điểm này năm trước), 35.000 đồng/kg sầu riêng Ri6 (giảm khoảng 5.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm trước). Thế nhưng, nhà vườn chưa chốt bán mà tiếp tục theo dõi tình hình dịch, đợi giá cao mới bán. Nhiều nhà vườn hy vọng dịch bệnh được kiểm soát, giá sầu riêng sẽ tiếp tục tăng.

Hậu Giang:

Chôm chôm giá thấpnhưng không có người mua

Thành phố Ngã Bảy là vùng chuyên canh chôm chôm lớn nhất tỉnh Hậu Giang. Thời điểm này, chôm chôm đang vào mùa thu hoạch rộ nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến giá nông sản này giảm hơn phân nửa so với năm ngoái, thương lái không mặn mà. Hiện giá bán chôm chôm thường chỉ còn 6.000 đồng/kg, chôm chôm Thái 15.000 đồng/kg, giảm hơn 50% so với năm ngoái. Giá giảm trong bối cảnh tiêu thụ khó khăn nên nhiều vườn bỏ không thu hoạch. Mọi năm, đến mùa thu hoạch thương lái ở tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ đến thu mua chôm chôm đưa đi tiêu thụ ở khắp nơi nhưng năm nay dịch Covid-19 bùng phát, nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội nên nhà vườn đành nhìn thành quả của mình chín rục trên cây.

Miền Tây:

Giá gà công nghiệp giảm mạnh

Giá gà công nghiệp ở miền Tây hiện chỉ còn dưới 10.000 đồng/kg trong bối cảnh tiêu thụ khó khăn. Nguyên nhân do một số lò giết mổ lớn tại Tiền Giang, Long An, TP. Hồ Chí Minh và khu vực miền Đông tạm ngưng hoạt động vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Người nuôi gà công nghiệp lỗ nặng vì đàn gia cầm số lượng lớn không xuất chuồng được trong khi vẫn phải tốn thức ăn mỗi ngày. Nhất là khi giãn cách xã hội, đầu ra cho gà thịt rất khó vì vận chuyển gặp khó khăn. Hơn nữa, giãn cách nên người đi chợ hạn chế và ai cũng nghĩ đến việc ăn món gì cho đơn giản. Trong khi đó, chi phí tăng do việc vận chuyển gặp khó khăn, trên đường đi gà, vịt chết và các chi phí khác liên quan đến tài xế.

Lâm Đồng:

Cà chua giảm giá

Huyện Đơn Dương là địa phương có diện tích cà chua lớn nhất tỉnh Lâm Đồng. Hiện cà chua Đơn Dương đang trong thời kỳ thu hoạch nhưng giá giảm mạnh. Giá cà chua giảm chỉ còn 3.000 tới 5.000 đồng/kg cà chua loại ngon. Riêng đối với cà chua quả nhỏ, loại 2, loại 3 giá chỉ 700 đồng tới 1.000 đồng/kg. Nhiều nông dân không đủ kiên nhẫn chỉ bán cà loại 1 cho thương lái để gỡ lại vốn, cà loại 2, loại 3 nhiều nơi để chín rục ngoài đồng. Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc vận chuyển khó khăn. Tương tự, tại địa bàn huyện Đức Trọng nơi có diện tích cà chua lớn trên địa bàn tỉnh, giá cà chua thương lái thu mua theo vườn chỉ khoảng hơn 2.000 đồng/kg. Trong khi đó, khoảng 1 tháng trước giá cà chua đang ở ngưỡng 13.000 tới 15.000 đồng/kg. Nhiều vườn cà chua sau khi người dân thu hoạch loại 1, những trái loại nhỏ thương lái không mua để chín rục ngoài đồng. Với giá bán tại vườn từ 3.000 tới 5.000 đồng/kg đối với cà chua trái to đều như hiện nay, nếu trừ các chi phí như phân, cây giống, công chăm sóc… người dân lãi thấp, thậm chí chỉ hòa vốn.

Ngân Sơn - Bắc Kạn:

Bà con thu nhập cao từ trồng hồi

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung trồng hồi. Đây là cây lâm nghiệp và cũng là một loại dược liệu giá trị kinh tế cao đang được khuyến khích phát triển.

Nhận thấy cây hồi không chỉ có tác dụng giữ đất, bảo vệ rừng mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian qua, huyện Ngân Sơn đã khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng. Đến nay, toàn huyện có khoảng 230 héc-ta hồi, tập trung nhiều ở xã Hiệp Lực, Thuần Mang và trồng phân tán. Để từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, huyện xây dựng đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh huyện Ngân Sơn giai đoạn 2021 - 2025”. Trong đó, phấn đấu trồng mới 200 héc-ta cây hồi tại các xã: Thuần Mang, Thượng Quan, Hiệp Lực, Trung Hòa. Đồng thời, huyện định hướng thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã chế biến sâu các sản phẩm từ hồi; từng bước hình thành thương hiệu và đạt tiêu chuẩn OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồi và thu hái quả. Huyện cũng khuyến khích bà con trồng thay thế các cây già cỗi kém hiệu quả; trồng xen một số loại cây ngắn ngày trên diện tích trồng hồi những năm đầu để nâng cao thu nhập và thuận tiện chăm sóc.

Cây hồi cho thu hoạch 2 lần trong năm, hiện đang là chính vụ, sản lượng cao hơn so với đợt thu vào tháng 2, tháng 3 dương lịch. Vụ này, thương lái thu mua với giá 34.000 – 40.000 đồng/kg nhưng có những thời điểm giá lên đến 80.000 đồng/kg. Từ trồng hồi, hàng năm các hộ gia đình có thêm khoản thu nhập đáng kể.

Hiện huyện Ngân Sơn đang định hướng cho các xã có diện tích hồi lớn thành lập các tổ hợp tác, từng bước chế biến sâu sản phẩm từ cây hồi để nâng cao giá trị kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Không mua kit test COVID-19 không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Theo Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương, qua kiểm tra đã phát hiện một số lượng lớn các bộ kit test nhanh COVID-19 được nhập lậu vào Việt Nam. Các sản phẩm này đa dạng và phần lớn được thẩm lậu vào nội địa qua đường xách tay.

Mới đây, lực lượng Quản lý thị trường TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra, thu giữ vài nghìn bộ kit test nhanh COVID-19 và hầu hết là không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Do vậy, người tiêu dùng hết sức lưu ý khi mua sản phẩm này, phải kiểm tra rõ ràng thông tin nguồn gốc sản phẩm và phải được cấp phép của Bộ Y tế.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương thông tin thêm, lợi dụng tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, hiện trên mạng xã hội và các website/ứng dụng thương mại điện tử rao bán bộ kit test COVID-19 với giá từ 300.000 - 800.000 đồng. Các chủ hàng quảng cáo mặt hàng kit test COVID-19 xuất xứ từ nhiều nước như Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Tuy nhiên, khi hỏi hóa đơn, chứng từ thì những người này cho biết do kit test COVID-19 là hàng xách tay từ nước ngoài về nên có giá rẻ và không cần giấy tờ.

Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số khuyến cáo người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác, không nên tự ý mua những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên thị trường, đặc biệt là mạng xã hội bởi những sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành khi xét nghiệm có thể cho kết quả không chính xác. Người tiêu dùng chỉ nên mua hàng kit test COVID-19 tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương.

Trường hợp người dùng nếu mua online thì chỉ mua sản phẩm kit test COVID-19 ở các đơn vị là các cửa hàng thuốc có uy tín, đã được cấp phép và các mặt hàng nằm trong danh mục Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành.

HÀNG VIỆT

Bến Tre:

Chất lượng - yếu tố quyết định thành công của OCOP

Bến Tre là 1 trong 12 tỉnh chỉ đạo điểm của Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đây cũng là tỉnh đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long triển khai chương trình OCOP và đạt được những kết quả nhất định.

Phát huy đặc trưng riêng

Quán triệt sâu sắc mục đích, ý nghĩa, nội dung của Chương trình OCOP đã giúp Bến Tre định hướng chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp theo tư duy mới. Dần dần thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hình thành các liên kết sản xuất, mở rộng quy mô và xây dựng các hệ thống sản phẩm chủ lực của địa phương. Các sản phẩm được định hướng sản xuất, phát triển và hoàn thiện theo tiêu chuẩn của Chương trình. Từ đó, bước đầu đã hình thành các sản phẩm có chất lượng, thương hiệu và mang nét đặc trưng riêng. Hiện nay, nhiều sản phẩm đặc trưng, có chất lượng tốt từ chương trình OCOP Bến Tre không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được phân phối ở các chuỗi siêu thị trong nước, có mặt trên một số chuyến bay quốc tế. Có được kết quả đó là do địa phương rất chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Đây cũng là yếu tố quyết định sự thành công của Chương trình OCOP của tỉnh Bến Tre. Yếu tố này không chỉ thể hiện ở chất lượng của hàng hóa được kết tinh từ khâu nguyên liệu sản xuất sạch, thân thiện môi trường đến công nghệ chế biến và bảo quản hiện đại với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật rõ ràng, chặt chẽ đã được giám định kỹ lưỡng mà còn là sự thể hiện ở nghệ thuật mô tả cách điệu của bao bì, nhãn mác. Hầu hết các sản phẩm đạt OCOP của Bến Tre đều được bao gói bắt mắt, hấp dẫn và thuận tiện khi sử dụng, bảo quản... Tất cả các cơ sở tham gia OCOP đều ứng dụng thành công khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh và được hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ, ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số, mã vạch, dán tem điện tử phục vụ truy xuất nguồn gốc, xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng. Bên cạnh đó, thời gian qua, Bến Tre đã thực hiện tốt phong trào “Đồng khởi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn” nhằm hỗ trợ người dân hình thành tư duy, ý tưởng và phát triển các sản phẩm theo hướng chất lượng, đạt tiêu chuẩn sao của Bộ tiêu chí. Qua đó, góp phần tạo việc làm mới, ổn định thu nhập và ngày càng nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn.

Hỗ trợ xây dựng 10 nhãn hiệu cộng đồng

Thời gian tới, Bến Tre tiếp tục triển khai thực hiện đúng tiến độ 3 đề tài phục vụ thiết thực cho OCOP, gồm: Nghiên cứu xây dựng các giải pháp nâng cấp sao cho các sản phẩm OCOP đã được công nhận; nghiên cứu xây dựng các giải pháp công nhận sản phẩm OCOP cho các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bến Tre và nghiên cứu đề xuất các giải pháp phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Tỉnh cũng đã lên kế hoạch hỗ trợ xây dựng 10 nhãn hiệu cộng đồng cho các sản phẩm OCOP. Đồng thời, tiến hành xây dựng và triển khai chính sách khoa học công nghệ đối với sản phẩm OCOP theo hướng nghiên cứu ứng dụng, triển khai, xây dựng tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Ưu tiên công tác phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm OCOP. Ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tổ chức kinh tế tập thể sản xuất sản phẩm OCOP tại cộng đồng… Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thế mạnh phát triển theo định hướng OCOP của tỉnh tiếp cận các thị trường tiêu thụ tiềm năng. Thực tế cho thấy, các sản phẩm OCCOP đang được hoàn thiện theo hướng phát huy các giá trị truyền thống, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc gắn với cải tiến dây chuyền sản xuất thân thiện với môi trường… Từ đó, góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vào các thị trường tiềm năng, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại. Hiện nay, Bến Tre đã tổ chức đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP lần 1 năm 2021 với 31 sản phẩm đạt 4 sao và 14 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm được trưng bày, giới thiệu trong các kỳ Hội chợ trong và ngoài tỉnh cũng như các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá ứng dụng công nghệ thông tin... Lũy kế đến nay, tỉnh đã có 89 sản phẩm OCOP, trong đó có 9 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 38 sản phẩm 4 sao và 42 sản phẩm 3 sao.