Thông tin thị trường giá cả số 40/2021

10:51 AM 04/10/2021 |   Lượt xem: 7435 |   In bài viết | 

THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ

Hậu Giang:

Vào vụ thu hoạch mía

Hậu Giang là tỉnh dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về lĩnh vực sản xuất mía đường. Để vụ thu hoạch và tiêu thụ mía sắp tới đạt hiệu quả cao, hiện ngành chức năng và nhà máy đường trong tỉnh Hậu Giang đang nỗ lực hết sức nhằm hỗ trợ người dân.

Huy động tối đa nhân lực và vật lực

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hậu Giang sẽ huy động tối đa nhân lực và vật lực để hỗ trợ bà con thu hoạch và tiêu thụ mía. Về nhân lực thu hoạch mía, theo báo cáo của huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy, hàng năm tổng số tổ thu hoạch mía thuê cho người dân dao động từ 120 - 150 tổ và mỗi tổ thường có 16 - 18 người. Với số lượng nhân công thu hoạch mía như trên, dự kiến mỗi ngày sẽ có từ 50 – 60 héc-ta mía được thu hoạch và đem ra bãi tập kết để cân cho thương lái đi mua mía chở về nhà máy đường tiêu thụ. Hiện nay, Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp đang phối hợp cùng chính quyền địa phương rà soát lại tình hình hoạt động thực tế của các tổ thu hoạch mía; từ đó đề ra kế hoạch, giải pháp trong việc khoanh vùng và điều tiết nhân công đốn chặt phù hợp khi vào vụ thu hoạch sắp tới.

Về tình hình tiêu thụ, đến thời điểm này, Công ty Cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) đã ký hợp đồng bao tiêu mía cho người dân trong vùng mía nguyên liệu của công ty 380 héc-ta (đất đã trừ mương liếp), tương đương sản lượng khoảng 44.778 tấn mía cây với giá sàn bảo hiểm là 1.000 đồng/kg (mía 10 chữ đường cân tại cầu cảng nhà máy). Riêng tại vùng mía huyện Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy, diện tích mía được Casuco ký hợp đồng bao tiêu là 309 héc-ta, tương đương sản lượng khoảng 37.111 tấn mía cây. Casuco khẳng định, những diện tích mía được Casuco ký kết hợp đồng thì Casuco cam kết thu mua hết số lượng. Riêng những diện tích mía chưa được Casuco ký kết hợp đồng, công ty cũng cam kết thu mua hết diện tích cho bà con.

Đề xuất nhà máy đường vào vụ sớm

Huyện Phụng Hiệp - địa phương có diện tích mía lớn nhất tỉnh Hậu Giang đề nghị Casuco xem xét cho Nhà máy đường Phụng Hiệp vào vụ sản xuất sớm hơn kế hoạch dự kiến 1 tháng bởi theo kế hoạch Casuco sẽ vào vụ ép mía ngày 15/11. Niên vụ mía 2020 - 2021, nông dân huyện Phụng Hiệp xuống giống được 4.725 héc-ta. Đến nay, bà con đã bán được hơn 600 héc-ta mía chục (mía làm nước giải khát), diện tích mía còn lại đang trong giai đoạn từ 7 - 8 tháng tuổi. Dự kiến đến ngày 15/10, huyện Phụng Hiệp có khoảng 800 héc-ta mía (thuộc giống mía chín sớm là ROC 16) cần được thu hoạch vì đã chín, sang đầu tháng 11 tiếp tục có thêm khoảng 500 héc-ta và đến ngày 15/11 có thêm khoảng 700 héc-ta. Như vậy, nếu cộng dồn lại thì địa phương có khoảng 2.000 héc-ta mía cần thu hoạch sớm trước ngày 15/11. Những diện tích mía cần thu hoạch sớm trên nếu bị kéo dài thì khả năng gây thiệt hại về năng suất cho nông dân khá lớn nên rất cần nhà máy đường vào vụ sớm hơn dự kiến đề ra.

Trước đề xuất của ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, lãnh đạo Casuco cho biết, đơn vị sẽ triển khai công tác kiểm tra, tu bổ và bảo dưỡng thiết bị tại Nhà máy đường Phụng Hiệp trên tinh thần cố gắng tối đa. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc cung ứng vật tư và công việc sửa chữa tại lò hơi phải thuê đơn vị chuyên môn từ Thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội vào sẽ mất thêm thời gian. Ngoài ra, tình hình lao động cho nhà máy khi vào vụ sản xuất cũng là nỗi lo lớn của Casuco. Bởi theo báo cáo của lãnh đạo Nhà máy đường Phụng Hiệp, lực lượng lao động hiện có của nhà máy chỉ là 80 người trong khi nhu cầu của đơn vị cần đến 154 người. Mặt khác, Casuco sẽ xây dựng phương án 3 tại chỗ khi vào vụ sản xuất và 1 cung đường 2 điểm đến nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh trước, trong và sau sản xuất. Casuco đề nghị ngành chức năng có liên quan và các cấp chính quyền có vùng mía nguyên liệu tổ chức phối hợp với Casuco trong công tác thu hoạch mía, nhân công đốn chặt, đồng thời tạo điều kiện thuận tiện cho vận chuyển mía về nhà máy đường.

Mường Nhé - Điện Biên:

Liên kết trồng lạc đỏ

Mường Nhé là huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh Điện Biên với đa số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, mô hình liên kết trong sản xuất, trồng trọt đã được triển khai trên địa bàn các xã khó khăn, trong đó có Mường Toong.

Trung tuần tháng 8 vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Mường Toong (đã ra mắt Tổ liên kết trồng lạc đỏ với sự tham gia của 35 hộ gia đình hội viên, phụ nữ xã. Mô hình được đánh giá là một trong những hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Về lâu dài sẽ hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, phụ nữ xã, góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững tại địa phương. Mô hình được triển khai trên diện tích hơn 2 héc-ta tại 3 bản: Mường Toong 1, Mường Toong 2 và Mường Toong 3. Sau khi đi vào hoạt động, Tổ liên kết sẽ tổ chức tập huấn kỹ thuật gieo trồng lạc theo đúng quy trình, đảm bảo sản phẩm lạc thu hoạch có chất lượng theo phương thức hàng hóa (liên kết giữa sản xuất - tiêu dùng); giúp thành viên chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong trồng trọt kịp thời vụ, đạt năng suất, chất lượng. Tổ liên kết cũng là đầu mối mở rộng quy mô hoạt động; kết nối đầu ra cho sản phẩm…

Mô hình thành công sẽ góp phần khuyến khích, hỗ trợ, tạo cơ hội cho hội viên, phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất. Đồng thời, giúp bà con tìm kiếm thị trường, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Với vị trí thuận lợi về giao thông cộng với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, Mường Toong hội tụ đủ các điều kiện để phát triển lạc đỏ thành cây trồng hàng hóa. Tuy nhiên, nhiều năm nay, sản phẩm khó tiêu thụ, giá cả bấp bênh khiến người trồng chưa mấy mặn mà.

Hòa Bình:

Cam Cao Phong lên sàn

Mặc dù còn gần 1 tháng nữa mới đến vụ thu hoạch cam Cao Phong, nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hòa Bình đã khẩn trương tổ chức các buổi kết nối tiêu thụ cam.

Mục đích nhằm tăng cường mối liên kết giữa các hộ gia đình, hợp tác xã với các doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử để đưa ra các giải pháp tiêu thụ cam trong thời gian tới. Trong đó, giải pháp đưa cam Cao Phong lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Bưu điện Việt Nam được triển khai ngay đầu thời điểm đầu tháng 9/2021. Ngoài việc hỗ trợ, hướng dẫn, tập huấn cho các hộ sản xuất nông nghiệp để đưa cam và các nông sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử, Bưu điện còn miễn phí toàn bộ các chi phí đăng ký, quản lý gian hàng trên sàn Postmart.vn cho người dân. Đồng thời, áp dụng nhiều chính sách ưu đãi về giá cước, đóng gói hàng hóa, quảng bá thương hiệu… nhằm thúc đẩy sản lượng tiêu thụ và nâng cao giá trị nông sản cho các hộ sản xuất. Đặc biệt, với mạng lưới và lực lượng lao động phủ rộng tới từng thôn, bản, các nhân viên bưu điện đã đi tới tận hộ gia đình để hướng dẫn bà con các cách đơn giản nhất để đưa hàng lên sàn Postmart.vn.

Từ nay đến cuối năm, bưu điện tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ đưa các hộ sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã kinh doanh cam Cao Phong đăng ký tham gia sàn thương mại điện tử  để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới. Mục tiêu từ nay đến cuối năm sẽ tiêu thụ khoảng 2.000 tấn cam Cao Phong.

Huyện Cao Phong hiện có hơn 2.800 héc-ta cây ăn quả có múi, trong đó hơn 1.100 héc-ta cam được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Thương hiệu cam Cao Phong đã được khẳng định trên thị trường và được đông đảo người tiêu dùng mua và sử dụng trong thời gian qua.

Gia Lai:

Giá hồ tiêu tăng

Giá hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang ở mức 76.000 – 77.000 đồng/kg và dao động đến 80.000 đồng/kg. Dự báo, giá hồ tiêu sẽ còn tiếp tục tăng vào thời điểm cuối năm. Tuy nhiên, người dân không có hàng trong vùng nguyên liệu để thu mua bởi gần 80% sản lượng hồ tiêu đã được nông dân bán từ đầu vụ. Hiện nay, chủ yếu các thương lái thu mua nhỏ lẻ, gom hàng. Điều này cũng dễ hiểu bởi khi tình hình hồ tiêu chết, giá giảm sâu, người dân buộc phải chuyển đổi sang loại cây trồng khác, số diện tích còn lại thì gần như không được đầu tư chăm sóc nên năng suất, sản lượng sụt giảm. Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết bất lợi, suất đầu tư giảm mạnh dẫn đến sản lượng của niên vụ 2020 - 2021 ước tính giảm tới 30% so với niên vụ trước.

Cư Kuin - Đắk Lắk:

Trồng cau thu lãi khá

Trong khi hàng loạt nông sản hạ giá mạnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì nhiều hộ dân trồng cau tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk lại phấn khởi vì vụ cau được mùa được giá.Trong 5 năm trở lại đây, khi trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở thu mua, chế biến cau quả thì giá loại nông sản này tăng dần lên, dao động từ 35.000 – 50.000 đồng/kg. Đặc biệt, năm nay đầu mùa, giá cau tăng lên đến 70.000 đồng/kg, tăng gần 20.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng. Với giá này, các hộ dân ở huyện Cư Kuin đã có nguồn thu nhập ổn định nhờ trồng cau.

Đồng bằng sông Cửu Long:

Lúa, gạo tăng giá nhẹ

Tuần qua, giá lúa, gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhẹ. Cụ thể, giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 4.900 đồng/kg, giá bình quân là 4.820 đồng/kg, tăng 10 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 7.150 đồng/kg, trung bình là 6.050 đồng/kg, tăng 13 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá các loại gạo cũng có xu hướng tăng nhẹ. Gạo 5% tấm có giá cao nhất 9.150 đồng/kg, giá bình quân 8.986 đồng/kg, tăng 86 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 8.950 đồng/kg, giá bình quân 8.752 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 8.750 đồng/kg, giá bình quân 8.508 đồng/kg, tăng 83 đồng/kg.

Vụ Hè Thu sắp kết thúc, trong khi nhu cầu trong nước bắt đầu tăng cao. Chính phủ cũng tăng cường mua gạo để tích dự trữ quốc gia sau khi cung cấp gạo cho người dân bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa để phòng, chống dịch COVID-19. Hiện một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã bước vào thu hoạch lúa Thu Đông sớm và được thương lái đặt cọc nhiều.

Vĩnh Long:

Giá bưởi Năm Roi giảm

Thông thường, giá bưởi Năm Roi được thương lái thu mua tại vườn được duy trì ở mức 18.000 - 30.000 đồng/kg, dịp lễ tết lên đến 40.000 - 50.000 đồng/kg. Nhưng hiện nay người dân trồng bưởi Vĩnh Long lâm cảnh khó khăn vì giá xuống rất thấp. Hiện giá bưởi chỉ còn 2.000 - 9.000 đồng/kg tùy kích cỡ, trọng lượng trái. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng 10 năm qua, không bù được tiền phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc.

Phong Điền - Thừa Thiên Huế:

Nông dân thu hoạch sắn sớm

Những ngày vừa qua, người dân huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế khẩn trương thu hoạch sắn chạy bão. Mặc dù thu hoạch sớm năng suất sẽ thấp hơn nhưng chất lượng củ sắn vẫn được đảm bảo.

Vụ sắn năm nay, toàn huyện Phong Điền gieo trồng 1.015 héc-ta; tập trung ở các địa phương: Phong Sơn, Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong An, Phong Hiền, Phong Hòa... Trước tình hình mưa lũ, huyện yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch đối với những diện tích thấp trũng. Các diện tích đã đúng tuổi cần theo dõi diễn biến mưa lũ để có phương án thu hoạch hợp lý.

Giá sắn năm nay được thu mua cao hơn. Các thương lái thu mua trực tiếp tại cánh đồng với giá từ 1.700 đồng/kg. Trong khi đó, người dân đến bán tại Chi nhánh Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế (thuộc Công ty TNHH Một thành viên Nông sản xuất nhập khẩu Hoàng Huy, trụ sở tại tỉnh Tây Ninh) với giá 1.800 đồng/kg và có thể cao hơn tùy theo chất lượng.

Dự báo, thời gian tới, mưa lũ diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến việc thu hoạch sắn, đặc biệt tại các vùng thấp trũng. Để hạn chế thiệt hại do mưa lũ, huyện Phong Điền yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê diện tích đến kỳ thu hoạch, chỉ đạo ưu tiên thu hoạch trước đối với diện tích vùng thấp trũng. Phối hợp với các địa phương chọn đơn vị làm đầu mối dịch vụ để cung ứng giống sạch bệnh cho nông dân trồng trong niên vụ 2022. Đồng thời, phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật lấy mẫu test virus gây bệnh khảm lá, nhằm chủ động nguồn giống sạch bệnh ngay từ đầu vụ. Đặc biệt, huyện sẽ xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, đưa giống từ các vùng đang nhiễm bệnh sang trồng trên địa bàn khác. Đối với niên vụ sắn 2022, khuyến cáo nông dân trồng sắn sạch bệnh, rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không sử dụng hom sắn của cây sắn nhiễm bệnh khảm lá để làm giống. Sắn để lại làm giống phải đảm bảo sạch bệnh, sinh trưởng, phát triển tốt.

CHỐNG BUÔN LẬU - GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Thanh Hóa:

Gần 5 tấn bánh kẹo, thực phẩm vi phạm

Đội Quản lý thị trường số 9, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa đột xuất kiểm tra hành chính cơ sở kinh doanh bánh kẹo địa chỉ số 179 Nguyễn Trãi, phường Tân Sơn, TP. Thanh Hóa. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 5 tấn bánh kẹo, thực phẩm như: Bánh Trung thu, bánh sữa chua, bánh mochi, bánh kem, bánh bông lan, chân gà, trà sữa… và khoảng 1.000 chai sữa, nước cốt lẩu, đồ uống đóng chai. Chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì có liên quan đến số hàng hóa nói trên. Hiện lực lượng chức năng đã tịch thu toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Tuyên Quang:

Thu giữ khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc

Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Tuyên Quang do Cục Quản lý thị trường chủ trì đã tiến hành kiểm tra, tịch thu hơn 13.000 khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc được rao bán trên nền tảng mạng xã hội facebook. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện có 13.350 khẩu trang y tế loại 4 lớp được đóng gói trong hộp giấy (mỗi hộp 50 cái). Chủ cửa hàng không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Tiền Giang:

Phát hiện 4,2 tấn tỏi vi phạm nhãn hiệu

Đội QLTT số 5 thuộc Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã kiểm tra, phát hiện 2 vụ kinh doanh tỏi nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam trên địa bàn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện các cơ sở này đang bày bán tổng cộng 4,2 tấn tỏi, trị giá hàng hóa vi phạm là hơn 23 triệu đồng. Đoàn đã xử lý, thu phạt với tổng số tiền 9 triệu đồng.

HÀNG VIỆT

Chè shan tuyết Hà Giang:

Hương vị của đất trời

Lên với tỉnh Hà Giang, nếu bạn không thưởng thức chè shan tuyết thì sẽ là một thiếu sót lớn. Bởi lẽ cùng với cam sành, cháo ấu tẩu, mật ong bạc hà… chè shan tuyết chính là một sản vật với hương vị vô cùng đặc biệt mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc.

Từ những vùng chè tự nhiên quý hiếm…

Nhận túi quà của một đơn vị ở Hà Giang gửi tặng, tôi khá ngạc nhiên bởi tất cả đều là các sản phẩm được chế biến từ chè shan tuyết – loại chè mọc hoang dại trên một số vùng núi đá cao và phân bố chủ yếu ở dãy Hoàng Liên Sơn, Tây Côn Lĩnh.

Lần theo địa chỉ liên lạc ghi trên các gói chè được đóng gói khá công phu, bắt mắt, mới hay, những món quà tôi nhận được là một vài sản phẩm trong số rất nhiều sản phẩm chè của Công ty TNHH Thành Sơn (tiền thân là Xí nghiệp 66 – đơn vị khai sinh ra thương hiệu “Phìn Hồ Shan Trà” năm 1999, đặt cột mốc đầu tiên trong lịch sử ngành chè Hà Giang).

Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Thành Sơn, Giám đốc HTX Tây Côn Lĩnh - Phạm Thị Minh Hải, Công ty TNHH Thành Sơn hiện có vùng nguyên liệu chè shan tuyết trải dài ở các xã Cao Bồ, Nà Thác, Than Vè, Khuổi My, Lùng Vài, Xín Chải, Lao Chải nằm dưới chân dãy núi Tây Côn Lĩnh có độ cao hơn 2.000m. Những cây chè ở đây đều là chè cổ, có bán kính thân cây từ 20cm đến 80cm, tuổi thọ từ 200 năm đến trên 700 năm tuổi.

Nhờ được nuôi dưỡng bởi khí hậu lạnh ẩm quanh năm, cùng địa y của cây rừng và các khoáng chất của đất và nước mưa tự nhiên… nên chè shan tuyết Tây Côn Lĩnh có chất lượng rất tốt; mỗi phiến lá chè đều được bao phủ bởi lớp lông tơ trắng mịn như sương khói, mây mù của Hà Giang với hàm lượng polyphenol lên đến 45,7%.

Đánh giá đúng tiềm năng, lợi thế và chất lượng của vùng chè shan tuyết cổ thụ, từ chỗ chỉ khai thác búp chè để sản xuất trà xanh thuần túy, hơn 10 năm trở lại đây, Công ty TNHH Thành Sơn đã tập trung đi vào nghiên cứu chè và đã chính thức trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh Hà Giang với các sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả nghiên cứu là: Trà Lạc hồng, Hồng Shan và Hồng trà shan tuyết.

 … đến khát vọng đưa sản phẩm chè vươn xa

Đến nay, cùng với các loại trà như: Trà trắng, trà xanh, hồng trà, phổ nhĩ, Công ty TNHH Thành Sơn đã sản xuất được nhiều sản phẩm tinh, tốt cho sức khỏe từ chè shan tuyết, cho giá trị cao như: Trà lạc hồng (3,8 triệu đồng/kg, Trà Bạch Mi Tiên Cô (6,5 triệu đồng/kg)… Điển hình phải kể đến cao trà - dòng trà dược quý, rất tốt cho sức khỏe được chiết xuất từ chè xanh shan tuyết cổ thụ. Đây không chỉ là sản phẩm dầy công nghiên cứu của Phó giám đốc Phạm Thị Minh Hải mà còn là một trong những sản phẩm được UBND tỉnh Hà Giang cấp Giấy chứng nhận OCOP xếp hạng 3 sao cấp tỉnh.

Chia sẻ về “duyên nợ” với cây chè shan tuyết Hà Giang, Phó giám đốc Phạm Thị Minh Hải cho biết: Chị lên làm dâu ở gia đình có thâm niên gắn bó với cây chè, do đó hiểu được giá trị của chè. Nhìn đồng bào dân tộc Dao, Mông, Cờ Lao sống giữa vùng chè quý mà đời sống vẫn còn cơ cực; chị rất trăn trở: Nơi đây có nguyên liệu tuyệt vời, an toàn và hoàn toàn tự nhiên, được cả thế giới mơ ước, tại sao mình không tạo nên những sản phẩm tuyệt vời để phát triển bền vững?. Từ ý tưởng này, lại được bố chồng (ông Ngô Viết Thành - Giám đốc Công ty TNHH Thành Sơn) truyền cảm hứng và dạy những bài học quý về chè, Phó giám đốc Phạm Thị Minh Hải đã không ngừng nghiên cứu để cho ra đời các sản phẩm chè cao cấp, được đông đảo người yêu chè biết tiếng…

Từ chỗ nâng cao giá trị cho sản phẩm chè, Công ty TNHH Thành Sơn đã và đang góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số sống dưới chân núi Tây Côn Lĩnh đang tham gia vào thu hoạch, chế biến, sản xuất chè. Đồng thời, đóng góp vào công tác an sinh xã hội ở các xã, bản - nơi công ty chọn làm vùng nguyên liệu.

Với những bước đi tiên phong, vững vàng, hướng đến sản phẩm tinh, có giá trị cao, tốt cho sức khỏe và sắc đẹp... sản phẩm của Công ty TNHH Thành Sơn đã đạt giải Vàng cuộc thi trà Thế giới tại Pháp năm 2019 và được nhiều người tiêu dùng từ Bắc chí Nam lựa chọn. Đây cũng chính là sự ghi nhận cho nỗ lực của những con người hết lòng với cây chè và không ngừng thực hiện khát vọng đưa cây chè shan tuyết của Hà Giang vươn xa.