Thông tin thị trường giá cả số 50/2019

03:42 PM 17/12/2019 |   Lượt xem: 3506 |   In bài viết | 

TIÊU ĐIỂM

Các tỉnh miền núi phía Bắc:

Nuôi cá lồng bè đạt hiệu quả cao

Sau 3 năm triển khai, dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá tầm, cá lăng, cá diêu hồng trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc” giai đoạn 2017 – 2019 đã xây dựng được 21 mô hình tại 8 tỉnh miền núi phía Bắc. Theo đánh giá chung, mô hình đạt hiệu quả cao, cá sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại các hồ chứa lớn khu vực miền núi phía Bắc. Cũng trong 3 năm triển khai, dự án đã tổ chức được 21 lớp tập huấn cho các học viên tham gia mô hình và các hộ xung quanh với số lượng 630 học viên. Ngoài ra, dự án cũng đào tạo ngoài mô hình cho 648 học viên. Qua tập huấn, các học viên nắm được những bước chuẩn bị lồng bè, kỹ thuật nuôi cá đảm bảo an toàn thực phẩm.

Về mặt kinh tế, các mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các đối tượng nuôi khác. Lợi nhuận thu được bình quân trên 600.000 đồng/m3. Thực hiện mô hình giúp tăng thu nhập cho người nông dân quanh khu vực lòng hồ.

Về mặt xã hội, dự án góp phần nâng cao kiến thức, trình độ tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho bà con nông dân. Sản phẩm cá tầm, cá lăng, cá diêu hồng sản xuất ra có chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng. Qua việc thực hiện mô hình, người dân quanh vùng có trách nhiệm bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường tự nhiên để nuôi trồng thủy sản.

Để nghề nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa phát triển bền vững, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã đưa ra các giải pháp sau: Thứ nhất, cần tăng cường công tác quản lý chất lượng cá giống. Đầu tư nghiên cứu sinh sản nhân tạo các loại giống thủy sản nước ngọt chất lượng, năng suất cao, sức đề kháng tốt, kháng bệnh. Thứ hai, tăng cường tập huấn kỹ thuật, tổ chức các điểm trình diễn mô hình nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa cho nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm, nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Thứ ba, bà con lưu ý thả cá đúng thời vụ, chọn đúng đối tượng, đúng kích cỡ quy định sẽ làm tăng tỷ lệ sống, cá sinh trưởng nhanh hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn. Thứ tư, hỗ trợ các cơ sở nuôi thành lập các Hợp tác xã nuôi trồng để liên kết lại và hình thành mô hình liên kết phát triển nuôi cá lồng bè theo chuỗi giá trị để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, bảo vệ người sản xuất, nhà chế biến và người tiêu dùng. Cuối cùng cần lưu ý, các tỉnh miền Bắc thường hay xảy ra mưa lũ vào thời điểm tháng 6-10 hàng năm và mùa đông kéo dài. Vì vậy, các hộ cần chuẩn bị tu sửa, gia cố lồng bè chắc chắn hoặc có thể tiến hành thu hoạch sớm để hạn chế rủi ro.

8 tỉnh miền núi phía Bắc triển khai dự án gồm: Hòa Bình, Lào Cai, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Cao Bằng. Trong đó có 8 mô hình nuôi cá tầm, 8 mô hình nuôi cá diêu hồng và 5 mô hình nuôi cá lăng.

CƠ HỘI GIAO THƯƠNG

Bình Phước:

Giá cà phê giảm

Thời điểm này, người trồng cà phê tại tỉnh Bình Phước đang bước vào mùa thu hoạch. Dù cà phê được mùa, các nhà vườn vẫn lo lắng vì giá đang giảm xuống thấp.

Tỉnh Bình Phước có 16.000 héc-ta cà phê, tập trung tại các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập và Đồng Phú. Khác với các tỉnh Tây Nguyên, cà phê ở Bình Phước không được trồng tập trung mà phân tán trên nhiều khu vực. Tại thời điểm này, hầu hết các vườn cà phê đang bước vào giai đoạn chín rộ, có năng suất cao hơn năm trước. Tuy nhiên, giá cà phê tươi chỉ còn 6.000 đồng/kg, cà phê nhân dao động 30.000 - 32.000 đồng/kg. Đây được coi là mức giá thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong thời gian tới, nếu giá không tăng, người trồng cà phê sẽ không đủ chi trả tiền đầu tư, công chăm sóc và nguy cơ thiếu hụt vốn để tái sản xuất mùa vụ sang năm. Do vậy, một số hộ chưa vội bán mà trữ lại để chờ được giá. Đối với các hộ đồng bào dân tộc xã Đắc Nhau, huyện Bù Đăng – huyện giáp ranh tỉnh Đắc Nông, giá cà phê giảm đã khiến cuộc sống của bà con bị ảnh hưởng. Đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn nên bà con trồng cà phê thường bị thương lái ép giá.

Huyện Đồng Phú hiện có hơn 877 héc-ta cà phê với năng suất bình quân 2 - 3 tấn/héc-ta. Thời điểm này, nhiều hộ phải tranh thủ thu hoạch cà phê cả non lẫn già mà không quan tâm đến chất lượng. Trong khi mọi năm, bà con phải chờ chín nhiều rồi mới thuê người phụ thu hoạch một lần. Tuy nhiên, năm nay giá bán thấp, nếu thuê nhân công thì lỗ nặng nên bà con tự thu hoạch. Với nhiều nông hộ Bình Phước, cà phê là nguồn thu nhập chính để nuôi sống gia đình nên giá xuống thấp như hiện nay khiến người nông dân lo lắng. Thu vụ mùa không đủ bù vốn thì việc tái đầu tư cho cây trồng sang năm sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, dù rớt giá nhưng cây cà phê vẫn có đầu ra ổn định và xuất khẩu đi nhiều nước. Để gắn bó và làm giàu từ cà phê, nông dân cần chuyển đổi hình thức canh tác, tập trung vào liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ để giảm chi phí đầu tư và ổn định đầu ra sản phẩm. Đồng thời, bà con cần mạnh dạn chuyển đổi những vườn cà phê già cỗi, năng suất kém sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Lạng Sơn:

Phục tráng giống hồng không hạt Bảo Lâm

Là xã biên giới của huyện Cao Lộc, Bảo Lâm vốn là “cái nôi” của cây hồng không hạt. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, giống hồng này đứng trước nguy cơ thoái hóa và mất dần thương hiệu “đặc sản” vốn có.

Trước đây, hầu như gia đình nào ở Bảo Lâm cũng trồng cây hồng không hạt, nhà nào nhiều có 700 – 800 cây, nhà ít cũng có 200 – 300 cây. Khi phát triển tốt, một cây hồng có thể cho năng suất từ 80 kg – 1 tạ/vụ. Với giá bán từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã có thu nhập cao. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều diện tích hồng đã bị thoái hóa. Những cây hồng cổ thụ bị mọt đục thân, chỉ sau một thời gian cây sẽ rụng hết lá và chết; những cây hồng non thường bị bệnh thán thư, sâu đục cuống gây rụng quả… Trước thực trạng đó, một số hộ dân trong xã đã ươm, ghép, trồng lại vườn hồng với mong muốn cải thiện về năng suất cũng như chất lượng. Tuy nhiên, kết quả không mấy khả quan.

Nhằm hỗ trợ bà con nông dân, từ năm 2018, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cao Lộc đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thực hiện dự án “Cải tạo, phục tráng, bảo tồn phát triển và xây dựng nhãn hiệu Hồng không hạt Bảo Lâm” tại tất cả các xã trồng hồng trên địa bàn huyện. Tại xã Bảo Lâm, dự án được thực hiện ở thôn Cốc Tào với diện tích 4 héc-ta. Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn cuốc hố, trồng cây. Hy vọng qua quá trình nghiên cứu, khảo nghiệm, dự án thành công sẽ được nhân rộng để cây đặc sản hồng không hạt Bảo Lâm phát triển bền vững, đem lại thu nhập ổn định cho bà con. Đồng thời, hằng năm, Trung tâm cũng tổ chức các lớp tập huấn và hướng dẫn bà con cách phòng trừ sâu bệnh trên cây hồng.

MUA GÌ - BÁN GÌ?

Hậu Giang:

Dừa tươi tăng giá

Những ngày gần đây, nhiều hộ dân trồng dừa trong tỉnh Hậu Giang phấn khởi bởi giá dừa trái đang tăng. Hiện giá dừa tươi người mua tự hái tại vườn cho bà con là 90.000 - 100.000 đồng/chục (12 trái). Giá bán tại vựa là 105.000 - 110.000 đồng/chục, cao hơn những tháng trước đây từ 20.000 - 30.000 đồng/chục. Sở dĩ dừa tươi tăng giá trong những ngày gần đây là do thời tiết đang chuyển mùa nắng nên nhu cầu nước giải khát của người tiêu dùng ngày càng phổ biến. Bên cạnh đó, ngay thời điểm này, các lò bánh, mứt đang đẩy mạnh việc thu mua dừa với số lượng nhiều để làm nguyên liệu sản suất bánh, mứt phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.

Đà Lạt:

Giá atisô tăng kỷ lục

Tuần qua, giá hoa atisô Đà Lạt dao động từ 250.000 - 340.000 đồng/kg tùy độ tươi và kích cỡ, cao gấp 2,5 lần so với thời điểm này năm 2018. Do giá hoa atisô tươi tăng mạnh nên giá hoa atisô khô cũng tăng theo và lên đến 700.000 - 900.000 đồng/kg. Nguyên nhân khiến giá hoa atisô tươi tăng mạnh là do Đà Lạt vừa trải qua mùa mưa nên năng suất hoa chỉ đạt khoảng 60% so với thời điểm tháng 3 - 4 hằng năm. Bên cạnh đó, người dân Đà Lạt đang chuyển một phần diện tích atisô sang trồng rau, hoa trong nhà kính khiến cho diện tích cây dược liệu này ngày càng bị thu hẹp. Chính việc khan hiếm cộng với thời điểm này không phải mùa thu hoạch chính vụ đã đẩy giá hoa atisô Đà Lạt tăng cao kỷ lục.

Được biết, nhằm ổn định nguồn cung, các công ty sản xuất cao dược liệu, trà từ cây atisô trên địa bàn đang khẩn trương thúc đẩy liên kết với nông dân TP. Đà Lạt và các huyện lân cận bằng hình thức cung cấp cây giống, bao tiêu sản phẩm với giá thành cao hơn.

Đồng Tháp:

Giá trứng vịt tăng trở lại

Trong tuần qua, giá trứng vịt bắt đầu tăng mạnh trở lại sau thời gian dài rớt giá. Hiện trứng vịt được thương lái, doanh nghiệp thu mua tại các trang trại tại huyện Tháp Mười, Thanh Bình với giá dao động từ 22.000 – 23.000 đồng/chục đối với vịt nuôi rọ và giá 18.000 đồng/ chục đối vịt chạy đồng. Với mức giá này, người chăn nuôi có lãi khoảng từ 500 - 600 đồng/trứng.

Giá trứng vịt tăng là do nhu cầu tiêu thụ của thị trường tăng mạnh. Hiện giá thịt heo đang tăng mạnh, người tiêu dùng chuyển sang lựa chọn những loại thực phẩm khác để cân đối thực đơn cho gia đình. Ngoài ra, sau thời gian trứng vịt rớt giá, nhiều hộ chăn nuôi vịt trứng giảm đàn, dừng nuôi nên sản lượng trứng cung ứng cho thị trường khá khiêm tốn. Dự báo, vào dịp cuối năm, người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng trứng vịt nhiều nên giá trứng vịt có thể tăng mạnh.

Trước những tín hiệu mới từ thị trường, hy vọng giá trứng vịt sẽ tiếp tục duy trì ổn định để người chăn nuôi có thể yên tâm sản xuất và tái đàn.

An Giang:

Khô cá tăng giá

Nước lũ rút cũng là lúc làng khô cá đồng Vĩnh Hội Đông – xã giáp biên của huyện An Phú, tỉnh An Giang vào vụ mùa sản xuất, chuẩn bị đón tết. Tuy nhiên, năm nay, sản lượng cá nguyên liệu không dồi dào khiến vụ khô tết năm nay kém hơn. Thời điểm hiện tại, giá các loại khô đã tăng so với giữa mùa nước nổi. Theo đó, khô cá chốt có giá 200.000 đồng/kg, khô cá chèn bầu ở mức 280.000 đồng/kg, khô cá chạch còn xương giá 270.000 đồng/kg, trong khi khô cá chạch xẻ 370.000 đồng/kg. Riêng loại đặc sản trứ danh của miền biên giới là khô rắn lên đến 500.000 - 600.000 đồng/kg. Giá tăng, sức tiêu thụ cũng tăng. Nguyên nhân do các loại cá đồng không chỉ tiêu thụ ở các vùng giáp biên mà còn được vận chuyển ngược lên các thành phố lớn của Campuchia để tiêu thụ. Tranh thủ thời tiết, các hộ làm khô ở xã giáp biên đang tập trung chuẩn bị cho vụ khô tết năm nay với kỳ vọng sẽ có nguồn thu kha khá.

CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

Vào vụ cam sành Hà Giang

Cam sành Hà Giang được trồng tại các huyện: Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên. Niên vụ 2019, chất lượng, sản lượng cam sành đã được nâng lên rõ rệt.

Năm 2019, Hà Giang có 7.067,42 héc-ta cam sành, trong đó có 4.268,2 héc-ta sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chiếm trên 80% diện tích cam cho thu hoạch; năng suất bình quân đạt 115,5 tạ/héc-ta; sản lượng ước đạt trên 60.759 tấn.

Bắc Quang là huyện có diện tích trồng cam lớn nhất tỉnh Hà Giang. Hiện, 22/23 xã, thị trấn của huyện Bắc Quang đều sản xuất cam sành, với tổng diện tích lên đến 4.589,6 héc-ta (chiếm 76% tổng diện tích cam toàn huyện). Trong những năm gần đây, cây cam sành phát triển mạnh cả về diện tích, năng suất, sản lượng. Do đó, để cây cam không phá vỡ quy hoạch và nằm trong định hướng phát triển chung của huyện; UBND huyện đã kịp thời ban hành Đề án Quy hoạch cây có múi trên địa bàn huyện đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và quy hoạch phát triển sản xuất hàng hóa đối với các sản phẩm chủ lực có thế mạnh huyện Bắc Quang giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, xác định vùng sản xuất cam tập trung tại 8 xã có nhiều lợi thế về phát triển cây ăn quả có múi của huyện. Tuy nhiên, để cam sành xứng tầm là cây trồng chủ lực của huyện Bắc Quang nói riêng và của tỉnh nói chung cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người trồng cam; xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng; có cơ chế, chính sách hỗ trợ người sản xuất bao tiêu sản phẩm để đảm bảo hài hòa quyền lợi giữa người sản xuất và đơn vị thu mua. Đặc biệt, để giữ gìn uy tín chất lượng cam Sành Hà Giang trên thị trường, cấp ủy, chính quyền các cấp của Hà Giang đã quyết liệt vào cuộc, phối hợp với các đoàn thể xã hội, Hội trồng cam địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không bán cam non đầu vụ ra thị trường để giữ uy tín cam sành Hà Giang. Qua đó, người dân đã tự nâng cao ý thức trong việc củng cố, nâng cao chất lượng và gìn giữ thương hiệu cam sành Hà Giang.

CHỐNG BUÔN LẬU-GIAN LẬN THƯƠNG MẠI 

Điện Biên:

Khó kiểm soát hàng giả ở vùng cao

Tại nhiều xã, bản ở các huyện vùng cao trên địa bàn tỉnh Điện Biên, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn đang là vấn đề khó kiểm soát.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Điện Biên cho biết, những năm gần đây, hàng giả, hàng kém chất lượng tuồn về các khu vực vùng cao vẫn diễn ra. Các mặt hàng giả thường là hàng tiêu dùng, vật tư nông nghiệp được các tiểu thương trộn lẫn với các sản phẩm chính hãng. Tại các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Ðiện Biên Ðông, Tuần Giáo, Nậm Pồ, Tủa Chùa… nhiều hộ kinh doanh dưới hình thức nhỏ, lẻ. Nếu chỉ nhìn qua bao bì, người tiêu dùng khó phân biệt hàng giả, hàng nhái với hàng thật. Hơn nữa, bà con dân tộc thiểu số lại ít quan tâm đến thương hiệu sản phẩm, thậm chí còn không biết đến khái niệm này. Chính sự nhập nhằng, không rõ nguồn gốc này đã qua mắt các lực lượng chức năng địa phương. Trong khi đó, lực lượng quản lý thị trường mỏng trong khi địa bàn quản lý rộng khiến công tác điều tra, trinh sát, thu thập thông tin còn nhiều hạn chế và thiếu chính xác. Ngoài ra, giao thông ở những địa bàn này đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa; thủ đoạn của các đối tượng gian lận thương mại ngày càng tinh vi, khó lường, gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát.

Trước tình hình này, Cục Quản lý thị trường tỉnh Điện Biên đã sáp nhập 11 Ðội Quản lý thị trường thành 8 đội (1 Ðội Quản lý thị trường Cơ động và 7 Ðội Quản lý thị trường cấp huyện, liên huyện). Việc sáp nhập này giúp cho việc nắm bắt diễn biến, hoạt động kinh doanh ở các xã vùng cao cụ thể và sâu sát hơn. Việc kiểm soát hàng hóa lưu thông đến các địa bàn này cũng được các đội thực hiện ngay tại các đầu mối cung cấp ở trung tâm huyện. Ðội phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng công chức quản lý địa bàn từng xã, nắm tình hình cụ thể. Ðồng thời, phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, phân biệt hàng thật, hàng giả cho bà con.

HÀNG VIỆT

Sóc Trăng:

Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các nhãn hiệu lúa gạo đặc sản

Sóc Trăng nổi tiếng về chất lượng gạo, nhất là gạo thơm được sản xuất từ các giống lúa ST do nhóm chuyên gia nông nghiệp của tỉnh nghiên cứu, chọn lọc. Cuối năm 2011, Sóc Trăng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Gạo thơm Sóc Trăng”. đây chính là cơ hội để tỉnh nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo, tăng thu nhập cho người trồng lúa.

Tập trung phát triển lúa gạo đặc sản

Ngày 3/12/2019, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tổ chức hội thảo “Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các nhãn hiệu lúa gạo đặc sản của tỉnh Sóc Trăng”. Theo đề án phát triển lúa đặc sản giai đoạn năm 2016 - 2020, tỉnh Sóc Trăng có 7 huyện, thị được tập trung, tăng cường phát triển lúa đặc sản là: Trần Đề, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Châu Thành, Long Phú, Mỹ Tú và TX. Ngã Năm. Đến nay, diện tích gieo trồng lúa đặc sản hơn 150.130 héc-ta, chiếm hơn 42% diện tích canh tác, vượt 19% so với chỉ tiêu kế hoạch đề án đặt ra với sản lượng 800.000 tấn và các giống lúa đặc sản được sử dụng chính trong sản xuất là ST, lúa Tài nguyên mùa và các giống lúa thơm nhẹ. Đồng thời, đề án phát triển sản xuất lúa đặc sản Sóc Trăng được thực hiện đã góp phần mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị của hạt gạo Sóc Trăng trên thị trường trong và ngoài nước, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý rất cần thiết để sản phẩm có danh tiếng, chất lượng. Hội thảo đã giúp người sản xuất lúa gạo đặc sản trong tỉnh hiểu biết hơn về các giải pháp để bảo hộ nhãn hiệu, xây dựng và quảng bá thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần đưa hạt gạo đặc sản Sóc Trăng ngày càng phát triển và cạnh tranh hơn nữa trên thị trường.

ST24 - gạo ngon nhất thế giới năm 2019

Điểm nhấn nổi bật của ngành lúa gạo Sóc Trăng trong năm nay là loại gạo ST24 do nhóm nhà khoa học của Sóc Trăng lai tạo, phát triển đã được công nhận là “Gạo ngon nhất thế giới 2019” tại Hội nghị thương mại gạo thế giới được tổ chức tại Manila (Philippines). Gạo ST24 được lai tạo từ giống lúa thơm nổi tiếng của vùng đất Sóc Trăng và  là giống lúa cao sản có thể trồng 2 - 3 vụ/năm, trong khi gạo thơm Thái Lan là lúa mùa dài ngày chỉ trồng được 1 vụ/năm. Điểm đặc trưng của gạo ST24 là hạt dài trắng tinh, dẻo, có mùi thơm dứa được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Hai năm trước, gạo ST24 cũng từng được xếp là 1 trong 3 loại gạo ngon nhất thế giới tại Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về thương mại gạo được tổ chức tại Macau (Trung Quốc) vào tháng 11/2017.

Lúa ST24 được lai tạo và nhân rộng từ năm 2010, đến nay đã được sản xuất rộng rãi ở Đồng bằng sông Cửu Long và một số địa phương khác. Lúa được sản xuất theo quy trình sạch, chế biến gạo theo dây chuyền hiện đại, công nghệ của Thụy Sĩ, với mục tiêu “3 không”: Không hàm lượng cadimi, aflatoxin; không dư lượng thuốc trừ sâu, diệt cỏ; không dùng hóa chất tạo mùi. Hiện gạo ST24 tiêu thụ khá tốt và được bán với nhiều mức giá, trong đó gạo ST24 hữu cơ có giá tới 65.000 đồng/kg, còn gạo ST24 thường từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Với thương hiệu được vinh danh lần này, sắp tới Sóc Trăng sẽ quy hoạch vùng trồng lúa ST, chú trọng việc nhân rộng mô hình lúa hữu cơ ST24 ở các địa phương có ưu thế. Đồng thời, tỉnh đã và đang đầu tư ngân sách thỏa đáng cho công tác lai tạo chọn lọc và dự trữ giống lúa thơm đặc sản. Tỉnh cũng quy hoạch vùng sản xuất ổn định, đầu tư cho người nông dân về kỹ thuật canh tác, quy trình quản lý, sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản để bà con yên tâm sản xuất. Chú trọng đến việc phát triển vùng chuyên canh trồng lúa thơm đặc sản, bảo đảm không chỉ cho năng suất mà còn có giá trị cao để xuất khẩu và tiêu thụ trên thị trường. Hình thành các doanh nghiệp đi sâu, mở rộng quy mô kinh doanh lúa gạo thơm. Ðây chính là hướng đi đột phá để nâng lên thành thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.