TỔNG THUẬT: Tọa đàm 'Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững'

05:12 PM 27/05/2022 |   Lượt xem: 8544 |   In bài viết | 

Các vị khách mời tham dự Tọa đàm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Do nhiều nguyên nhân khách quan, kinh tế thế giới hiện nay phục hồi sau đại dịch chậm hơn dự báo. Trong nước, nền kinh tế được mở cửa trong trạng thái bình thường mới. Báo cáo của Chính phủ trình bày trước Quốc hội cũng đã chỉ rõ, một số chỉ tiêu KTXH đạt cao hơn so với số đã báo cáo trên Quốc hội, điển hình như thu ngân sách nhà nước tăng 16,8% dự toán, xuất siêu đạt 4 tỷ USD (số báo cáo Quốc hội là nhập siêu 2 tỷ USD). Bên cạnh đó, nhìn nhận thẳng thắn rằng một số yếu tố như giá xăng dầu tăng cao, nguồn nhân lực còn thiếu hụt và việc giải ngân vốn đầu tư công chưa nhanh như kỳ vọng cũng đã phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển đồng đều của nền kinh tế.

Tọa đàm "Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững" sẽ nhìn nhận lại, đánh giá khách quan bức tranh tổng thể có sáng có tối của nền kinh tế và quan trọng nhất là kiến tạo nên những mảng màu tươi sáng hơn phục vụ nhân dân, bàn các giải pháp đột phá để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công, tăng cường an sinh xã hội, đẩy mạnh xuất khẩu...

Khách mời tham dự Tọa đàm là các lãnh đạo đến từ 4 Bộ:  

1. Ông Lê Minh Hoan, Ủy viên trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2, Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

3, Ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính

4, Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội

Cuộc tọa đàm đang được phát sóng trực tiếp trên Cổng TTĐT CP và trang fanpage Thông tin Chính phủ, được tổng thuật trực tiếp trên Báo điện tử Chính phủ.

Mọi câu hỏi xin được gửi về hòm thư: thongtinchinhphu@chinhphu.vn

16:48 ngày 27/05/2022

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: Cân đối giữa sản lượng, sinh thái, trách nhiệm, bền vững, làm sao dung hoà ngắn hạn, dài hạn, hướng tới nền nông nghiệp xanh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Với thời điểm nhạy cảm hiện nay thì an ninh lương thực luôn được các quốc gia lấy làm trọng. Liên Hợp Quốc đã phải họp về vấn đề đó. Bối cảnh đó, Việt Nam là một trong những nước giữ vững được an ninh lương thực quốc gia và thậm chí còn xuất khẩu gạo vào nhóm hàng đầu thế giới. Chúng ta vẫn có tăng trưởng và xuất khẩu vượt trội so với năm 2021. Trong bối cảnh thế giới như vậy, để làm được điều này một cách bền vững, chiến lược của Bộ sắp tới có gì thay đổi không, làm sao để đạt hiệu quả cao nhất, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: Đọc tài liệu nước ngoài cho thấy thời đại tóm lược trong 4 chữ: Biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ, trong bối cảnh nhiều biến động như: Xung đột Nga-Ukraine không rõ bao giờ kết thúc, hoặc kết thúc hình thái thế nào, COVID-19 cũng có nhiều dự báo khó lường, không biết còn biến chủng nào, hay chấm dứt thế nào.

Dịch bệnh giờ thành thách thức an ninh phi truyền thống toàn cầu, tác động đến chuỗi cung ứng, liên quan nhiều ngành kinh tế, trong đó có nông nghiệp.

Sau bối cảnh dịch COVID-19, có nhiều tranh cãi về việc ngành nào thiết yếu hay không. Trong đó, có ngành không cần tranh cãi vì hội đủ mọi nhu cầu thiết yếu, đó là nông nghiệp. Không có cái ăn thì không làm gì được.

Trong các chuyến tháp tùng Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thăm một số nước, nhất là trong chuyến đi vừa rồi, tôi cảm nhận vai trò của Việt Nam góp phần cân đối an ninh lương thực thế giới đã được nâng cao, họ luôn nhắc đến vai trò Việt Nam. Tham gia các cuộc làm việc của Thủ tướng tại các viện, Bộ Nông nghiệp Mỹ, các tổ chức quốc tế như Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), WB, thiết chế sáng kiến hệ thống lương thực toàn cầu đều nhắc đến Việt Nam. Họ đều mong chúng ta tham gia nhiều hơn để góp phần cùng thế giới vượt qua cơn khủng hoảng lương thực. Bối cảnh hiện nay, nhiều quốc gia bảo hộ mậu dịch, nhiều ngành hàng đứt gãy, ví dụ Pháp thức ăn chăn nuôi tăng giá cao, Bangladesh phân và thuốc cao quá nên bỏ đồng ruộng… Nhưng Việt Nam 5 tháng vừa qua không chỉ đủ nuôi 100 triệu miệng ăn mà còn xuất 3 triệu tấn gạo, mang về 1,4 tỷ là đáng ghi nhận.

Chúng ta bảo đảm tốt cho mình và các nước, qua đó họ đánh giá cao và muốn tài trợ nhiều dự án phát triển nông nghiệp, thích ứng xu thế kinh tế xanh, nông nghiệp xanh, giúp thế giới vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa lường trước các vấn đề mù mờ, từng giai đoạn và thời điểm, ta cần nắm bắt tình hình, giao thương giữa các quốc gia vì bài toán kinh tế, đặc biệt giao thương lương thực còn mang tính nhân văn. Đó là cơ hội, cần tính toán nhiều chiều.

Có thời điểm thế giới khủng hoảng lương thực do thiên tai, ta đóng cửa xuất khẩu, nông dân kêu. Cân đối khẩu phần ăn giữ trong kho, các nước khác vẫn xuất, khi mở ra, giá lại bị xuống, bà con lại kêu. Vậy là các chính sách, cân đối chưa khớp.

Do đó, qua thời điểm này có mấy lựa chọn.

Chắc chắn sẽ phải tích cực hơn lo cho mình, nâng cao vị thế,  không chỉ xuất khẩu vì kinh tế mà nâng cao vị thế với khẩu hiệu "Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm". Ta phải cân đối xuất khẩu sản lượng, bảo đảm mục tiêu chuyển đổi nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Cân đối giữa sản lượng, sinh thái, trách nhiệm, bền vững, làm sao dung hoà ngắn hạn, dài hạn, hướng tới nền nông nghiệp xanh. Đó là xu thế.

Ngắn hạn, Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành liên quan định kỳ ngồi lại nắm bắt thông tin, cân đối cung cầu trong nước, định mức xuất khẩu, thay đổi tư duy cách tiếp cận an ninh lương thực, bảo đảm cuộc sống gắn liền cơ cấu kinh tế trồng trọt. Làm sao vẫn xuất khẩu, giá tốt, thu nhập người nông dân tương ứng tăng theo, không tăng sản lượng đánh đổi môi trường sinh thái, đa dạng sinh học. 

14:38 ngày 27/05/2022

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Bây giờ có một vấn đề vừa là phấn khởi nhưng dư luận xã hội cũng bày tỏ băn khoăn, đó là bội thu về ngân sách. Tức là kinh tế vừa mới phục hồi nhưng mấy tháng đầu năm, thu ngân sách của chúng ta, kể cả 2021, 6 tháng đầu năm 2022, khá cao. Có ý kiến băn khoăn là doanh nghiệp vừa mới phục hồi, đang khó khăn mà mình thu như vậy, thu được nhiều thì phấn khởi nhưng liệu có lạm thu chăng, có ảnh hưởng đến doanh nghiệp không? Căn cứ nào lại có thu tăng như vậy? Thu tăng là rất quan trọng, nếu chúng ta muốn tăng cường đầu tư công, muốn các chi tiêu, dịch vụ quan trọng mà Nhà nước phải bảo đảm, mà không có nguồn thu thì rất khó khăn. Những băn khoăn đó xin ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính, giải trình và làm rõ thêm nguồn thu thêm từ nguyên nhân nào, để xã hội hiểu hơn?

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng: Trước hết, quan điểm của Chính phủ, Bộ Tài chính luôn luôn chỉ đạo trong công tác thu là bảo đảm tất cả các khoản thu phát sinh thuộc về ngân sách Nhà nước được thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Nhìn vào kết quả thu ngân sách Nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, chúng tôi thấy mấy điểm nổi lên:

Một là, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Trong năm 2021, trước khó khăn của doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội có những điều chỉnh về chính sách thu ngân sách. Chúng ta hỗ trợ miễn, giảm, giãn rất nhiều loại thuế, phí, lệ phí và các khoản thu ngân sách nhà nước cho các doanh nghiệp; tập trung vào các doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ để hỗ trợ họ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và vượt qua khó khăn trong đại dịch. Tổng kinh phí miễn, giảm, giãn về thuế, phí, lệ phí năm 2021 trên 123.000 tỷ, trong đó miễn giảm là trên 100.000 tỷ.

Thứ hai là kết quả thu năm 2021 đến thời điểm này vượt 16,8% so với dự toán, cơ bản các địa phương đều đạt và vượt dự toán. Dự toán thì cả Trung ương và địa phương đều vượt dự toán. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn do đại dịch mà thu ngân sách như thế thì đây là nguồn lực hết sức quan trọng để giúp cho cả Trung ương và địa phương có thể đối phó hiệu quả với dịch. Như Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã nói, chúng ta đã chi trên 81.000 tỷ để hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động, nếu tính cả phần kinh phí chúng ta bỏ ra mua vaccine, thuốc và thiết lập các cơ sở khám chữa bệnh thì trên 100.000 tỷ. Trong điều kiện thu như vậy, chúng ta có thêm nguồn lực phòng, chống dịch mà không phải vay thêm, tức là không phải bội chi thêm ngân sách cho công tác phòng chống dịch, tôi cho đây là kết quả hết sức tích cực.

Thứ ba, trong điều kiện kinh tế khó khăn như vậy, chúng ta thu như thế có lạm thu hay không, có tạo gánh nặng cho doanh nghiệp hay không? Như tôi đã nói, trong điều hành chính sách, chúng ta đã miễn, giảm, giãn cho các doanh nghiệp, đồng thời, thu chúng ta là so với dự toán chứ không phải so với thực hiện. Nếu so với thực hiện của năm 2020 thì tổng thu ngân sách chỉ tăng khoảng 3,8%, và như vậy hoàn toàn phù hợp với tăng trưởng kinh tế có 2,8%, lạm phát trên 1,8%. Rất phù hợp. Chúng ta xây dựng dự toán 2021 đúng vào thời điểm bùng phát dịch lần thứ 3 ở Việt Nam, nhìn ra xung quanh cả thế giới và nhiều nước trong khu vực kinh tế suy giảm rất nặng, các tổ chức quốc tế đều đánh giá là tăng trưởng kinh tế của thế giới là âm khoảng 4-5%. Riêng đối với Việt Nam, 9 tháng chúng ta tăng trưởng 2,1%, thu khoảng 64%, mà nếu bình thường, 9 tháng ta phải thu 74-75%. Trên cơ sở tình hình dịch bệnh lúc đó, chúng ta xây dựng dự toán 2021 có phần thận trọng, vì vậy đến tháng 9/2021, báo cáo Quốc hội, chúng ta dự báo thu ngân sách, mặc dù khó khăn như thế nhưng vẫn vượt dự toán. Tất nhiên, lúc ấy chúng tôi dự báo vượt khoảng hơn 20.000 tỷ nhưng thực tế vượt trên 220.000 tỷ.

Thứ tư, về cơ cấu, thu của chúng ta dần bền vững hơn. Thu nội địa, tức là thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước ngày càng chiếm vị trí chủ đạo, thu từ đất đai ngày càng giảm. Trong năm 2021, thu nội địa chiếm khoáng 84-85%, so với giai đoạn trước, chúng ta đã có bước phát triển vượt bậc. Giai đoạn 2006-2010, thu nội địa chúng ta khoảng 60%, còn lại chúng ta thu từ các yếu tố phụ thuộc rất nhiều vào thị trưởng bên ngoài, đấy là thu dầu thô, thu hoạt động xuất khẩu. Cũng có ý kiến cho rằng thu của chúng ta thời gian vừa qua tăng vượt khá chủ yếu từ đất. Đúng là như vậy, thu từ đất vượt tới gần 80.000 tỷ. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận sự phục hồi kinh tế quý IV rất tốt, từ mức âm 6% quý III thì đến quý IV đảo ngược chiều là 5,22%, riêng thu từ sử dụng đất trong quý IV khoảng 74% dự toán. Thứ hai, thu cũng phản ánh xu thế chung, đó là trong điều kiện kinh tế khó khăn như vậy nhưng niền tin của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, vào nền kinh tế Việt Nam vẫn rất tốt. Thu hút FDI trong năm 2021 vẫn tăng tới 9% so với 2020 trong bối cảnh chúng ta khó khăn về dịch bệnh như vậy. Rồi đầu tư toàn xã hội tăng, như vậy niềm tin vào nền kinh tế rất khá. Các sự án đầu tư ở địa phương vẫn phát triển. Khi các địa phương có dự án đầu tư, người ta đấu giá và thu tiền sử dụng đất. Nếu nhìn khía cạnh như thế thì rất tích cực. Vấn đề chúng ta thu được tiền như thế, chúng ta phải quản lý đầu tư phát triển hiệu quả nhất để thúc đẩy kinh tế ở địa phương và cả nước. Cái đấy không có gì đáng lo ngại.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Cảm ơn Thứ trưởng Bộ Tài chính! Tôi cũng thấy vấn đề lạm thu rất khó xảy ra bởi phải có căn cứ pháp luật để thu, không phải muốn thu thế nào thì thu. Ở đây có sự phục hồi kinh tế, có cả thu từ đất. Thực tế, Bộ Tài chính đã áp dụng hoá đơn điện tử, rồi số hoá nhiều hoạt động, rất minh bạch, thành thử nếu mình thu đúng, mình thu đủ thì nó tăng, vì hoạt động kinh tế như vậy. Có thể trước kia không minh bạch, giấu doanh thu, bây giờ đã số hoá, hoá đơn điện tử thì Bộ quản lý nhanh hơn. Đây cũng là xu hướng lành mạnh, rất đáng nghi nhận.

14:25 ngày 27/05/2022

Chương trình lớn cần quyết tâm, hiểu biết và trách nhiệm cao

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: Lần đầu tiên Đảng, Chính phủ dành nguồn lực và sự quan tâm đặc biệt, kế thừa sự phát triển chính sách dân tộc trong giai đoạn trước đây, để xây dựng một chương trình mục tiêu riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Có một Chương trình vừa có yếu tố an sinh xã hội vừa có yếu tố phát triển kinh tế xã hội là Chương trình Mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Do đó, tầm quan trọng của Chương trình này là rất lớn. Xin hỏi ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, tiến độ triển khai của Chương trình đến thời điểm này như thế nào? Đây là vấn đề các đại biểu Quốc hội rất quan tâm và dư luận cũng đã nói đến giải ngân của Chương trình chưa được mức như mong muốn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: Trước hết, tôi xin nói về Chương trình. Đây là Chương trình rất lớn, lần đầu tiên Đảng, Chính phủ dành nguồn lực và sự quan tâm đặc biệt, kế thừa sự phát triển chính sách dân tộc trong giai đoạn trước đây để xây dựng một chương trình mục tiêu riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 88 ngày 18/11/2019. Sau đó Chính phủ tiếp tục trình chủ trương và được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 120 ngày 19/06/2020. Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã triển khai các bước, thực hiện các quy trình chuẩn bị, đầu tư, phân bổ vốn.

Cho đến ngày hôm nay, trải qua hơn 2 năm triển khai Chương trình này, việc chuẩn bị đã hoàn tất và phương án phân bổ vốn đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt vào ngày 22/5/2022.

Quá trình chuẩn bị này khá dài bởi trải qua quy trình hết sức chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Trong quá trình chuẩn bị, chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ để trình hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm 2 nghị quyết của Quốc hội, 2 nghị định của Chính phủ, 9 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 14 quyết định của Ban Chỉ đạo Trung ương, 216 văn bản có liên quan của các bộ, ngành, địa phương để hướng dẫn thực hiện Chương trình. Khối lượng công việc lớn và mỗi loại văn bản đều theo trình tự quy định pháp luật nhưng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt. Để thực hiện khối lượng văn bản khổng lồ như vậy, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ quản và Ủy ban Dân tộc với các bộ, ngành liên quan. Đấy là điều thứ nhất về các văn bản pháp luật.

Thứ hai, Chương trình này là Chương trình rất đặc biệt, tập trung ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ở địa bàn 13.222 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 3.434 xã của 51 tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là những vùng đồng bào có điều kiện kinh tế xã hội hiện nay khó khăn nhất cả nước, nằm ở 3 vùng chiến lược là Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Tây Bắc. Chính vì vậy, việc tổng hợp số liệu, trao đổi với các địa phương để đánh giá đầy đủ, đưa vào báo cáo khả thi sau khi có Nghị quyết Quốc hội là việc làm cũng rất mất nhiều thời gian.

Về việc phối hợp với các bộ, ngành, riêng Chương trình này có 10 bộ, ngành tham gia tổ chức thực hiện. Đây là một Chương trình rất lớn gồm có 10 dự án, 14 tiểu dự án thành phần, 36 nhiệm vụ. Tức là 36 chính sách, được tích hợp từ những chính sách còn hiệu lực từ giai đoạn trước vào đây. Vì vậy Chương trình rất phong phú, có cả chính sách mới, có cả chính sách cũ đang có hiệu lực. Do đó việc tích hợp vào để xây dựng một hệ thông văn bản hướng dẫn triển khai Chương trình là việc làm hết sức kỳ công, công phu và kỹ lưỡng. Bởi vì đây là lần đầu tiên Đảng và Nhà nước dành một nguồn lực riêng cho nên không cho phép làm một cách lơ là, chủ quan; cần có sự rà soát đi rà soát lại. Việc làm lâu nhất là quá trình xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi sau khi có Nghị quyết 120 của Quốc hội. Chính phủ đã chỉ đạo và Ủy ban Dân tộc đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi để trình Hội đồng Thẩm định Nhà nước. Nội dung này trình trong vòng 9 tháng, trải qua 6 lần thẩm định và nhiều ý kiến khác nhau của địa phương, bộ ngành. Chính vì vậy cũng kéo dài thời gian hơn so với yêu cầu.

Vấn đề thứ ba, ngoài thuận lợi còn gặp phải những tồn tại khó khăn. Đầu tiên là kinh nghiệm của cơ quan chủ quản được giao. Ủy ban Dân tộc lần đầu tiên được giao nhiệm vụ lớn như thế này. Bên cạnh đó, việc phối hợp trong quá trình thực hiện và xây dựng các văn bản pháp luật có những lúc, những thời điểm cũng chưa thực sự chủ động. Còn chờ đợi, xin ý kiến,… mới tổng hợp lại nên chậm so với yêu cầu ở một giai đoạn nhất định. Vấn đề chậm này đã được Ủy ban Dân tộc tham mưu cho Chính phủ báo cáo với Quốc hội tại văn bản số 366 ngày 30/9/2021 trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, nêu rõ tồn tại, hạn chế, những nguyên nhân của sự chậm trễ và những khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình này. Ngay sau báo cáo 366 đó, Chính phủ đã chỉ đạo hết sức quyết liệt và Ủy ban Dân tộc và các bộ ngành, đặc biệt là các cơ quan chủ trì các dự án, tiểu dự án thành phần phối hợp chặt chẽ, rà soát và đến giờ toàn bộ nội dung về văn bản pháp lý, các nhiệm vụ triển khai trong chương trình cơ bản hoàn tất. Như vậy chúng ta đủ điều kiện triển khai chương trình trên thực địa và đã hoàn thành toàn bộ phương án phân bổ vốn. Sau khi có Nghị quyết Quốc hội sẽ trình Thủ tướng Chính phủ và ký trong tháng 5 này.

TS. Nguyễn Sỹ Dũng: Quả thực đây là một khối lượng công việc đồ sộ với hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật, chính sách. Tôi nghĩ đó là nguyên nhân giải thích vì sao giải ngân sẽ là giai đoạn tiếp theo nhưng đây cũng là dịp rất may vì Quốc hội đang họp và Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu Quốc hội rất quan tâm vấn đề giải ngân. Đây cũng là dịp để nếu còn vướng mắc gì về cơ chế, thể chế thì Quốc hội sẽ xem xét. Vậy xin ông cho biết cần giải pháp gì để thực thi nhanh hơn và giải ngân để đẩy nhanh Chương trình này?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: Tôi cho rằng đến thời điểm này giải pháp quan trọng nhất là phần tổ chức thực hiện. Vì sau khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định phân bổ vốn trong tháng này thì việc còn lại là triển khai của các địa phương. Các địa phương trên cơ sở quyết định phân bổ vốn này sẽ trình HĐND cấp tỉnh, để phân bổ chi tiết, bao gồm nguồn ngân sách hỗ trợ từ nguồn Trung ương và nguồn ngân sách đối ứng từ địa phương cùng các nguồn ngân sách lồng ghép khác. Đây thuộc trách nhiệm của chính quyền các cấp.

Đối với các bộ, ngành cần xây dựng kế hoạch triển khai đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện. Về mặt pháp lý, các văn bản quy phạm pháp luật đã cơ bản hoàn thành, đến bước hai là triển khai thì tôi cho rằng giải pháp quan trọng là khâu tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ. Vì chương trình này đối tượng bao gồm cả xã, thôn, hộ gia đình và người dân là những người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn có trình độ khác nhau, sự hiểu biết khác nhau nên việc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được đây là một chính sách, chủ trương lớn, đặc biệt quan trọng của Đảng, Nhà nước và sự tham gia trách nhiệm của người dân trong việc tổ chức triển khai chương trình này là điều vô cùng quan trọng.

Thứ hai, tuyên truyền, vận động các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương hiểu về chương trình này và chung tay bởi vì làm ở những vùng có điều kiện vô cùng khó, nếu không quyết tâm, hiểu biết và trách nhiệm cao thì sẽ không triển khai được.

Vấn đề thứ ba, chúng tôi mong muốn có vai trò của các cơ quan truyền thông. Ủy ban Dân tộc cũng rất chủ động, đã ký các chương trình phối hợp truyền thông với các cơ quan báo chí lớn của Trung ương. Hiện nay Ủy ban Dân tộc đang phối hợp với 19 cơ quan báo chí Trung ương làm công tác tuyên truyền đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có Chương trình này.

Cuối cùng để triển khai, thúc đẩy được nhanh, dựa trên cơ sở nền tảng các kinh nghiệm của chương trình mục tiêu trước, các địa phương phải triển khai hết sức đồng bộ các giải pháp chuẩn bị nguồn lực đầu tư thật tốt, đặc biệt phần ngân sách Trung ương hỗ trợ từ nguồn đầu tư công. Còn nguồn ngân sách khác là nguồn vốn tín dụng, vốn đối ứng của địa phương, nguồn vốn từ NSNN, từ nguồn chi thường xuyên cũng cần chuẩn bị chu đáo; triển khai hết sức đồng bộ, mới triển khai được Chương trình này nhanh bởi chỉ còn thời lượng 3 năm cho giai đoạn này.

TS. Nguyễn Sỹ Dũng: Việc trao đổi của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh rất quan trọng. Tôi thấy thực chất truyền thông là quan trọng trong mọi chính sách nhưng với Chương trình này thì yếu tố truyền thông càng cực kỳ quan trọng hơn. Ủy ban Dân tộc và các cơ quan truyền thông báo chí cần dành nhiều thời gian, trợ giúp truyền thông hơn nữa cho Chương trình này bởi thực tế cần đến với người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

14:14 ngày 27/05/2022

Phản ứng chính sách phù hợp

TS. Nguyễn Sĩ Dũng và Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh (trái) trao đổi tại Tọa đàm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Vấn đề an sinh xã hội là vấn đề được nói nhiều nhất cho đến lúc này kể từ khi đại dịch xảy ra. Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, vừa có một tour nhiều ngày đi thực tế địa phương. Xin ông cho biết bức tranh mới nhất về bảo đảm an sinh xã hội tại các địa phương trong điều kiện mở cửa kinh tế hiện nay như thế nào? Bởi đó là vấn đề mà Đảng và Nhà nước ta quan tâm nhất và có lẽ cũng thể hiện XHCN của dân, do dân, vì dân.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh: Vừa qua đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt là đợt dịch thứ tư (từ 27/4/2021) xảy ra hết sức nặng nề tại các tỉnh, thành phố, nhất là khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Dịch bệnh đã ảnh hưởng đến tất cả người dân, người lao động, các doanh nghiệp.

Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội. Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách quan trọng để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp và người lao động vượt qua đại dịch COVID-19. Ví dụ như Nghị quyết 42 hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, trong đó có cả người nghèo, người lao động, người có công. Đặc biệt là Nghị quyết 68, với 12 nhóm chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, người lao động bị ngừng việc, người lao động bị thất nghiệp, trong đó có người lao động tự do, hỗ trợ cả doanh nghiệp (từ giãn đóng BH thất nghiệp, cho vay trả lương…). Tổng tất cả những chính sách này, chúng ta đã hỗ trợ cho hơn 50 triệu lượt người lao động và người dân, với tổng mức 81 nghìn tỷ đồng. Qua khảo sát vừa rồi tại các địa phương, các địa phương đã triển khai rất quyết liệt Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng ban hành thêm chính sách riêng của mình để hỗ trợ các đối tượng lao động tự do, những đối tượng lao động đặc thù mà Nghị quyết của Trung ương chưa phủ đến. Tóm lại, tổng kết qua đợt khảo sát vừa rồi, hầu hết các đối tượng của chúng ta đã được hỗ trợ, giúp họ vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó giúp cho người lao động có an sinh tốt hơn, người sử dụng lao động có điều kiện vượt qua khó khăn.

Có thể thấy rằng, qua COVID-19, nhờ có an sinh xã hội đã giúp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phục hồi kinh tế xã hội. Trải qua hai năm phòng chống dịch COVID-19, có nhiều doanh nghiệp bị phá sản hoặc dừng hoạt động, dẫn đến một loạt người lao động bị mất việc làm. Các chính sách cho vay vốn trả lương, phục hồi sản xuất, giúp cho người lao động có công ăn việc làm trở lại.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Nhưng trên thực tế chính sách này đã phát huy hiệu quả như thế nào?

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh: Trong Nghị quyết 68 có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, trong đó có chính sách cho người sử dụng lao động vay để trả lương cho người lao động. Qua triển khai và rút kinh nghiệm từ Nghị quyết 42, chúng ta đã giảm các điều kiện, các thủ tục hành chính rất nhiều. Đến nay chúng ta đã cho 3.600 doanh nghiệp, người sử dụng lao động vay và hỗ trợ cho 1,2 triệu người lao động, với kinh phí khoảng 4.800 tỷ đồng.

Qua đánh giá của các doanh nghiệp, nhờ có hỗ trợ này đã giúp cho các doanh nghiệp có nguồn kinh phí để hỗ trợ trả lương cho người lao động, trước hết là giúp cho doanh nghiệp và giúp người sử dụng lao động giữ được chân người lao động. Thời gian vừa qua, số người lao động ngừng việc, thất nghiệp giảm đi là nhờ có chính sách này.

Đến nay, chúng tôi cũng thấy rằng có thể sau đại dịch sẽ đứt gãy nguồn cung ứng lao động nhưng do có chính sách này nên đã giữ chân được người lao động và giúp cho người lao động quay lại thị trường lao động nhanh hơn. Vì vậy đến nay các doanh nghiệp cơ bản đã phục hồi được sản xuất kinh doanh, đáp ứng được yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Các chính sách an sinh xã hội rất tốt đẹp nhưng nhiều ý kiến cho rằng "lên tivi mà nhận" và một số cũng cho rằng không phải dễ dàng để nhận được hỗ trợ này. Vậy thực chất bức tranh thật là như thế nào hay đó chỉ là ý kiến của một vài người và không phản ánh được hết thành quả mà chúng ta đã làm được?

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh: Thời gian vừa rồi, qua đi khảo sát trực tiếp, về cơ bản các đối tượng đã nhận được từ chính sách này. Tuy nhiên, trong 12 chính sách thì chính sách thứ 12 là đối với lao động tự do giao cho địa phương căn cứ vào khả năng cân đối và đặc thù của từng địa phương để ban hành những chính sách. Nhưng một số địa phương ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc nguồn kinh phí hạn chế do dùng vào phòng chống dịch, hoặc nguồn kinh phí dự trữ hết nên không ban hành chính sách hỗ trợ lao động tự do… và một số lao động không nhận được. Đây là câu chuyện thực tế.

Làm việc với địa phương, những danh sách đã được phê duyệt thì khẩn trương chi trả, nếu kinh phí thiếu cần lập dự toán để đề nghị Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ có thể bổ sung nguồn kinh phí cho địa phương, làm sao tất cả người dân đều có thể nhận được.

Qua đi kiểm tra, hầu hết các đối tượng đã nhận được rồi, còn có thể có một số ít chưa nhận được, chúng tôi đang yêu cầu các địa phương rà soát lại. Đặc biệt lần này, chúng tôi đang yêu cầu thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gửi công điện cho các địa phương thực hiện tổng kết Nghị quyết 68. Vấn đề nào chưa nhận được thì báo cáo lên trên để kịp thời giải quyết cho người dân.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Tôi cho rằng phản ứng đó rất phù hợp. Việc đi xuống địa phương như vậy rất là sâu sát và chúng ta cũng thấy được rằng chính sách của mình rất tốt nhưng chỗ nào cần phải thúc đẩy.

14:09 ngày 27/05/2022

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Rõ ràng là ngành nông nghiệp đã có nhiều cố gắng. Đạt được như vậy, phản ứng chính sách là kịp thời, đúng và trúng. Bộ trưởng có thể chia sẻ những phản ứng chính sách của bộ, ngành mình?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đầu tiên là chúng ta phải tập trung hỗ trợ phát triển thị trường. Chúng ta nắm bắt được thông tin thị trường, chuẩn mực thị trường để điều chỉnh lại sản xuất. Như vậy, trong suốt thời gian qua, Bộ NN&PTNT cùng với Bộ Công Thương và một số bộ, ngành liên tục có những cuộc đàm phán về thị trường. Chúng ta không có những chính sách hỗ trợ cụ thể cho người nông dân nhưng chúng ta hỗ trợ thông qua thị trường để kích hoạt được thị trường. Khi kích hoạt được thị trường thì dòng chảy nông sản mới trôi chảy. Đây là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Trong những phiên đàm phán với các đối tác, các tổ chức quốc tế, những nhà lãnh đạo thế giới thời gian vừa qua, tôi thấy rằng, mấu chốt là làm sao để mở cửa thị trường, nhất là đối với thị trường Trung Quốc. Nghĩa là sự tháo gỡ thị trường là một trong quyết sách, điểm sáng nhất của Chính phủ. Tất nhiên như tôi đã nói, thị trường luôn biến động. Nhưng rõ ràng là khi chúng ta đàm phán với Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia… có những nông sản của chúng ta bắt đầu đến được các thị trường đó. Chúng ta tự tin có thể làm được điều đó.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhiều khi chưa thành một chương trình tổng thể mà chúng ta vẫn đi theo mối quan hệ mà tôi hay nói là "buôn chuyến" nhiều hơn. Bây giờ chúng ta lập một chiến lược tổng thể cho từng loại thị trường.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Vâng, điều đó rất quan trọng. Có lẽ chuyện chuyển sản xuất nông nghiệp thành làm kinh tế đã nói trước đây. Nhưng nhiệm kỳ Chính phủ này, điều đó thành đổi mới về tư duy, về nhận thức, thành khuôn khổ định hướng cho những cố gắng phát triển nông nghiệp. Có lẽ cái đó tạo sự khác biệt. Quả thật nông nghiệp chúng ta phát triển và đạt những thành tựu như vậy, cũng là nền tảng quan trọng cho việc bảo đảm an sinh. Nông nghiệp là hậu phương vững mạnh, khi sản xuất nông nghiệp, lương thực, thực phẩm, rau quả đầy đủ, thì không có gì quan trọng hơn là bảo đảm an sinh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Rõ ràng vừa qua, lúc bị đứt gẫy, ngay cả giữa năm 2021, sự đóng băng của 19 đô thị như thế, của các trung tâm công nghiệp như thế, kéo dài và có nhiều bất trắc trong xã hội liên quan đến vấn đề COVID-19, nhưng vấn đề bảo đảm an ninh lương thực, bảo đảm thực phẩm cho người dân không gây ra một xáo trộn lớn trong xã hội do thiếu nguồn cung, hay người không tiếp cận được nguồn lương thực, thực phẩm. Và đó là một thành tựu lớn.

14:03 ngày 27/05/2022

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: Đến hết tháng 5, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt 23,2 tỷ USD, nhập khẩu 18,1 tỷ USD, như thế xuất siêu 5,1 tỷ USD - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Nhìn toàn cảnh bức tranh kinh tế năm 2021 vừa qua thì có nét chấm phá rất đáng ghi nhận là xuất khẩu nông, lâm thủy sản đã cán mức kỉ lục 48,6 tỷ USD. Đây là tín hiệu cho thấy ngành nông nghiệp tạo đà bứt tốc đúng hướng. Vậy con số xuất siêu siêu tốt trong 6 tháng đầu năm 2022 nói lên điều gì và con số cụ thể là bao nhiêu thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: Chúng tôi nhận chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao vào Hội nghị tổng kết vừa rồi là làm sao trong năm 2022 đạt trên 48,6 tỷ USD (con số của năm 2021). Chúng tôi đưa ra con số rất khiêm tốn là trên 50 tỷ USD. Nhưng Thủ tưởng nói rằng trên đà này thì nông nghiệp phải phấn đấu cao hơn nữa. Thực tế chúng tôi cũng lo ngại.

Đến hết tháng 5, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt 23,2 tỷ USD, nhập khẩu 18,1 tỷ USD, như thế xuất siêu 5,1 tỷ USD. Đây là tín hiệu đáng mừng trong 6 tháng đầu năm. Tất nhiên chặng đường phía trước như thế nào, vẫn còn những yếu tố bất ngờ. Nhưng rõ ràng trong 5 tháng đầu năm, chúng ta cũng thấy đầy rẫy những khó khăn của ngành nông nghiệp như COVID-19, vấn đề thông cửa khẩu, vấn đề đứt gẫy chuỗi cung ứng, đứt gẫy nguồn nguyên liệu nhập khẩu vật tư đầu vào để phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

Để đạt được kết quả đó, chúng tôi thấy tự tin về một số nét chấm phá trong câu chuyện cấu trúc nền nông nghiệp hay chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Chúng ta đã thích ứng được, lấy thị trường để điều chỉnh lại sản xuất mặc dù quá trình này không phải dễ dàng. Chỉ khi chúng ta điều chỉnh được thì thị trường mới chấp nhận như thế và con số xuất khẩu mới được như thế. Rõ ràng đây mà một xu thế, là nét chấm phá đầu tiên của chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn mà Thủ tướng đã phê duyệt cũng như đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, theo tư duy mà Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra là chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, lấy thị trường để điều chỉnh lại sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, chứ không phải chúng ta bán cái gì mà chúng ta có.

Rõ ràng, bên cạnh những khó khăn chúng ta gặp phải trong thời gian vừa qua mà báo chí đã phản ánh và bà con nông dân đều âu lo, đều thấp thỏm là vật tư đầu vào - vấn đề tồn tại nhiều năm - nhưng có một tín hiệu là đã có nhiều người nông dân tự mình giảm chi phí đầu vào bằng cách dùng các chế phẩm sinh học tự sản xuất được trong nhà.

Chúng tôi đã bắt đầu giao cho viện trường nghiên cứu. Một trong những chiến lược sắp tới là chúng ta tính tới chi phí, bởi chi phí chúng ta có thể quyết định được, chứ giá bán đầu ra thì cung cầu thị trường thế giới sẽ quyết định. Thành ra giảm chi phí nông nghiệp là một chiến lược chúng tôi cho rằng nên đi đúng hướng. Rất nhiều mô hình của chính bà con nông dân tự nghĩ ra hoặc của các dự án, những mô hình mà Bộ Nông nghiệp cùng các tổ chức quốc tế định hình ở vùng Đồng bằng sông Hồng, ĐBSCL, kể cả ở Tây Nguyên trong lĩnh vực cà phê. Chúng ta đạt được mục tiêu kép, một là giảm chi phí, hai là chất lượng tăng lên. Mặc dù sản lượng không cao bởi vì dùng hữu cơ và chế phẩm sinh học nhưng chính bà con nói rằng ít như vậy nhưng giá bán cao hơn, bù được, thâm chí còn lời hơn so với theo tư duy truyền thống, khị chúng ta quá lạm dụng vật tư đầu vào khiến cho chi phí đội lên, chất lượng nông sản lại không đạt được yêu cầu của thị trường. Đến giờ, nói lại lần nữa là xuất khẩu đạt được 23,2 tỷ USD, chứng tỏ rõ ràng nông sản chúng ta đã bắt đầu được thị trường đón nhận, đạt chuẩn của thị trường.

(baochinhphu.vn)