Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh làm việc với UBND tỉnh Phú Thọ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi

09:12 PM 24/09/2021 |   Lượt xem: 2384 |   In bài viết | 

Quang cảnh buổi làm việc

Dự buổi làm việc có đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT. Về phía Bộ GD&ĐT có đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng và Thứ trưởng, Ngô Thị Minh. Về phía tỉnh Phú Thọ có đồng chí Bùi Minh Châu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Bùi Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng sự tham dự của Lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, các vụ, đơn vị của UBDT và Bộ GD&ĐT.

Giai đoạn 2016-2020, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển KT-XH vùng DTTS&MN. Cơ sở hạ tầng được tăng cường; hệ thống chính trị, trình độ đội ngũ cán bộ không ngừng được củng cố; bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc được gìn giữ và phát huy; bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh là 30,08% (giảm 3,48% so với năm 2016). Thu nhập bình quân đầu người của người DTTS năm 2020 đạt khoảng 34,9 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ thôn, bản vùng DTTS có đường ô tô đến trung tâm đạt 100%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của người DTTS đạt 96,36%. Tỷ lệ hộ đồng bào DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 92%. Nguồn nhân lực vùng DTTS được đào tạo nghề đạt 65%.

Trên địa bàn tỉnh, 100% các xã vùng dân tộc và miền núi có 5 trường dân tộc nội trú (3 cấp tỉnh, 2 cấp huyện), với 1.102 học sinh; 03 trường phổ thông dân tộc bán trú với 34 lớp, 1.084 học sinh; 07 trường phổ thông có học sinh bán trú, với 2.570 học sinh. Tổng số học sinh người DTTS là 75.892 học sinh, chiếm trên 19% tổng số học sinh toàn tỉnh. 100% các xã, thị trấn miền núi có trung tâm học tập cộng đồng. Tỷ lệ phòng học kiên cố vùng dân tộc đạt 100%. Hơn 90% trẻ em trong độ tuổi được đến trường. Có 19 di tích thuộc vùng DTTS được Nhà nước xếp hạng; 12 lễ hội đã được tổ chức phục dựng và duy trì tại các địa phương. Có 09/58 xã thuộc vùng DTTS&MN đạt tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới. Để chuẩn bị cho Chương trình MTQG, tỉnh Phú Thọ cơ bản đã hoàn thiện các thủ tục rà soát và xác định nhu cầu vốn kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 của 10 dự án thành phần.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh tặng quà lưu niệm của UBDT cho các đồng chí Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ

Để triển khai hiệu quả các chính sách, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, tỉnh Phú Thọ đề nghị UBDT xem xét bố trí thêm nguồn vốn ODA để nâng cao định mức đầu tư đối với các xác đặc biệt khó khăn và đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương chọn huyện Tân Sơn là huyện chỉ đạo điểm để thực hiện Chương trình MTQG...

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Minh Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ đã cám ơn sự quan tâm đặc biệt của UBDT và Bộ GD&ĐT đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo và công tác dân tộc của tỉnh. Đây là hai lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, với nhiều trăn trở của các thế hệ Lãnh đạo của tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu đề nghị UBDT và Bộ GD&ĐT tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện để tỉnh triển khai hiệu quả Chương trình MTQG, góp phần giảm nghèo, phát triển KT-XH vùng DTTS&MN của tỉnh.

Tại buổi làm việc, các đại biểu tham dự đã trao đổi, làm rõ hơn một số thông tin về các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Phú Thọ. Một số ý kiến đánh giá cao công tác giáo dục, đào tạo của tỉnh thời gian qua, đặc biệt là nhóm chỉ số tiếp cận về giáo dục của tỉnh cao hơn mặt bằng chung của cả nước. Các chỉ số trong công tác giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS của tỉnh cũng đáng ghi nhận.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh chúc mừng tỉnh Phú Thọ đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển KT-XH, đặc biệt là công tác giáo dục, công tác dân tộc đã có nhiều kết quả khả quan. Ban Dân tộc tỉnh cũng nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh trong triển khai công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nhấn mạnh: Với đặc điểm tình hình, vị thế quan trọng trong khu vực, với vai trò kết nối, tỉnh Phú Thọ có vị thế trong công tác triển khai các chính sách, chuyển đổi tập quán canh tác, nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào DTTS toàn vùng. Cùng với đó là vị thế quan trọng trong công tác giáo dục - đào tạo, với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực người DTTS cho toàn vùng. Thời gian tới, UBDT sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT, các bộ ngành khảo sát nhiều mô hình khác nhau, trong đó có những bài học kinh nghiệm được triển khai thành công ở tỉnh Phú Thọ, để từ đó có thể xây dựng được những chính sách toàn diện và phù hợp với từng giai đoạn. Thời gian tới, cần thiết kế lại quy hoạch hệ thống trường chuyên biệt, dân tộc nội trú, bán trú để tăng cơ hội cho các em học sinh DTTS cấp II được lên học cấp III. Cùng với đó là các chính sách triển khai đồng bộ, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đề nghị tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm đến công tác thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Chương trình MTQG để phân công đầu mối triển khai cụ thể. Lượng kinh phí triển khai Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2022 rất lớn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị tỉnh bố trí nguồn vốn đối ứng, giao các sở ngành làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư. Ngoài ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm đến số lượng biên chế cho Ban Dân tộc và công tác tạo nguồn cán bộ cho cơ quan làm công tác dân tộc ở vùng DTTS, để có đội ngũ am hiểu phong tục, tập quán, văn hóa của đồng bào, góp phần triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh chụp ảnh lưu niệm với tập thể Lãnh đạo, cán bộ, công chức của Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ

* Trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đã có cuộc thăm hỏi, trao đổi, nắm tình hình với Ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đánh giá cao tinh thần chủ động trong công tác của Ban Dân tộc, trong bối cảnh vừa triển khai các chính sách dân tộc, vừa phòng chống dịch bệnh. Để triển khai hiệu quả Chương trình MTQG, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị Ban Dân tộc cần thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc; xây dựng cơ chế phối hợp với các sở, ban, ngành; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; nâng cao tinh thần trách nhiệm; đổi mới tư duy, tác phong công tác, tăng cường kỷ luật kỷ cương, gắn với chuyển đổi số để trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình kịp thời; chăm lo, triển khai hiệu quả chính sách cho đội ngũ người có uy tín...

(Việt Cường)