Điều tra, khảo sát thực hiện Quyết định số 456/QĐ-UBDT tại các tỉnh Đắk Nông, Kon Tum

08:27 AM 28/10/2022 |   Lượt xem: 2527 |   In bài viết | 

Ông Trần Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) - Trưởng đoàn điều tra, khảo sát phát biểu trong buổi làm việc tại xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum

Nhằm đánh giá kết quả thực hiện chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạo chí cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn (Quyết định 45). Đồng thời, nắm bắt nguyện vọng của đồng bào, nhất là các đối tượng thụ hưởng chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí, Từ ngày 12 - 21/10, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc phối hợp với Ban Dân tộc các tỉnh Đắk Nông, Kon Tum và địa phương thực hiện điều tra, khảo sát tại hai xã Đắk Drong, Ea Po và thị trấn Ea Tlinh thuộc huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông và 4 xã Xã Mô Rai, Rờ Kơi, Ya Xiêr và Hơ Moong thuộc huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum qua phiếu hỏi và phỏng vấn trực tiếp của đồng bào, cơ quan quản lý địa phương.

Đoàn công tác hướng dẫn bà con xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum điền thông tin vào phiếu điều tra

Cụ thể, Đoàn công tác đã chọn tại các xã các đối tượng thụ hưởng để cung cấp thông tin vào phiếu khảo sát: Người có uy tín để khảo sát phiếu dành cho Người có uy tín ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; đại diện cơ quan, tổ chức như UBND xã, HĐND xã, Ủy ban MTTQ xã, Hội Nông dân xã, Hội Cựu chiến binh xã, Hội Phụ nữ xã, Đoàn Thanh niên xã, Hội Chữ thập đỏ xã, thôn đặc biệt khó khăn... để khảo sát phiếu dành cho cơ quan, tổ chức; học sinh tiểu học và THCS ở các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi để khảo sát phiếu dành cho học sinh.

Đoàn công tác hướng dẫn học sinh tại xã Đắk Drong, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông điền thông tin vào phiếu điều tra

Để nắm bắt công tác tuyên truyền chính sách dân tộc tại địa phương, Đoàn công tác tiến hành phỏng vấn sâu đối với các đối tượng thụ hưởng một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn như cán bộ xã, già làng, học sinh. Từ đó, nghe phản ánh của địa phương về những ưu điểm, khó khăn, hạn chế, đề nghị khác ngoài những nội dung trong phiếu đã có. Nhiều ý kiến cần thiết cho việc xây dựng đề án như: Tin, bài, ảnh về các vùng miền chưa nhiều, các lĩnh vực, tình hình phản ánh kết quả từ thực tiễn; những mong muốn thông tin đăng tải trên báo chí trong thời kỳ công nghệ thông tin phát triển mạnh như hiện nay; những nội dung hướng dẫn các mô hình khởi nghiệp làm giàu ở các địa phương; các bài được chọn lọc, biên dịch và phát sóng trên hệ thống truyền thanh của xã; các ấn phẩm cấp cho các tổ chức đoàn thể, các hội quần chúng được sử dụng làm tài liệu trong các kỳ sinh hoạt, làm tài liệu tuyên truyền, trong công tác vận động quần chúng hay làm tài liệu sinh hoạt đầu giờ học trong các nhà trường…

Thành viên Đoàn công tác phỏng vấn Phó Hiệu trưởng tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum

Những thông tin trên phiếu cũng như thông tin thu thập được trong quá trình phỏng vấn là cơ sở quan trọng để Ủy ban Dân tộc xây dựng Đề án nhằm đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí với hình thức cung cấp thông tin được đổi mới, phù hợp đa số nguyện vọng của các đối tượng được thụ hưởng và phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn trong giai đoạn 2023 - 2025.

(baodantoc.vn)