Hội thảo hoạt động tham vấn về khung phát triển sau năm 2015

10:59 AM 17/04/2013 |   Lượt xem: 2091 |   In bài viết | 

Với những thành tựu ấn tượng đạt được trong việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và vị thế quốc gia có thu nhập trung bình vừa đạt được, Việt Nam là một trong 70 nước trên thế giới được Liên Hợp quốc lựa chọn tổ chức các cuộc tham vấn cấp quốc gia để trực tiếp lắng nghe từ các công dân về những ưu tiên cho tương lai.

Được sự chấp thuận của Chính phủ, Liên Hợp quốc tại Việt Nam đã quyết định tập trung vào việc tham vấn các nhóm dân cư tụt hậu hơn so với các nhóm khác và không thường xuyên được tham gia trong các tranh luận về phát triển. Tám nhóm đã được lựa chọn bao gồm: người dân tộc thiểu số, thanh thiếu niên, người cao tuổi, người nghèo nông thôn, người nghèo thành thị, người khuyết tật, người sống chung với HIV và khu vực tư nhân.

Chỉ trong vòng 3 tháng, bằng những kỹ năng, chuyên môn, nhiệm vụ đặc thù và quan hệ đối tác với các Bộ ngành chủ quản và đối tác khác, các cơ quan Liên Hợp quốc đã tiến hành 31 cuộc thảo luận chuyên sâu với 1.300 người tại 11 tỉnh. Các cuộc tham vấn được đảm bảo rằng, trong mỗi nhóm, cả phụ nữ và nam giới, trẻ em gái và trẻ em trai, đều được lắng nghe.

Mỗi nhóm tham vấn được đề nghị bày tỏ những nguyện vọng và những thách thức đặc thù với nhóm của mình. Các nhóm cũng đưa ra những điểm chung như nhu cầu được tham gia, một xã hội bình đẳng hơn, việc làm có chất lượng và công việc ổn định, dịch vụ y tế có thể chi trả, giáo dục và đào tạo nghề có chất lượng.

Qua quá trình tham vấn, thách thức và nguyện vọng đối với nhóm người dân tộc thiểu số được đặt ra là: khả năng hạn chế khi tiếp cận dịch vụ công, hạn chế về các nguồn sinh kế thay thế và khối lượng công việc (bao gồm việc nhà và công việc cộng đồng) quá tải đè nặng lên vai những phụ nữ người dân tộc thiểu số.

Những thông tin phong phú và đa chiều do người dân trực tiếp nói lên không chỉ rất hữu ích với quá trình tham vấn toàn cầu về chương trình nghị sự sau năm 2015, mà còn đối với cả các quá trình phát triển và hoạch định chính sách khác tại Việt Nam.

Qua Hội thảo, các ý kiến nhận xét, đánh giá và đóng góp của các cơ quan chuyên môn của Chính phủ, các viện nghiên cứu, nhà khoa học, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế, Bản “Báo cáo tham vấn quốc gia của Việt Nam về Chương trình phát triển sau năm 2015” sẽ được hoàn thiện hơn, phản ánh được bức tranh tổng thể và toàn diện của Việt Nam và đóng góp có hiệu quả cho Báo cáo cấp toàn cầu của Liên Hợp quốc về những ý tưởng cho chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015.

Bên cạnh đó, Tổng thư ký Liên Hợp quốc đã phát động một sáng kiến về khảo sát trực tuyến toàn cầu với tên gọi Thế giới của tôi (MyWorld), tạo cơ hội để công dân trên toàn thế giới trao đổi với các nhà lãnh đạo trên thế giới về những gì họ nghĩ cần đưa vào khuôn khổ phát triển toàn cầu trong giai đoạn tiếp theo.

Việt Cường