Đánh giá hiệu quả mô hình điểm phát triển cộng đồng và đề xuất giải pháp nhân rộng

05:25 PM 17/01/2018 |   Lượt xem: 3990 |   In bài viết | 

Sau một thời gian triển khai thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới ở nước ta nói chung và đặc biệt đối với 3 khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ nói riêng còn bộc lộ nhiều bất cập. Đặc biệt, ở nhiều địa phương nhất là các xã đặc biệt khó khăn của các huyện nghèo (thuộc diện 30a) chưa thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo và nguyên tắc của Chương trình Nông thôn mới, đó là việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng trong xây dựng Nông thôn mới chưa được quan tâm đúng mức.

Với mục tiêu xây dựng mô hình điểm tổ chức cộng đồng dân cư cấp thôn/bản/ấp phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc trưng của 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ nhằm phát huy nội lực để xây dựng nông thôn mới và phát triển cộng đồng ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn phù hợp với bản sắc văn hóa, tri thức bản địa của các DTTS; Dự án Xây dựng mô hình điểm tổ chức cộng đồng xây dựng nông thôn mới được triển khai tại 3 xã: Bản Lầu (Mường Khương, Lào Cai), Đạ K’Nàng (Đam Rông, Lâm Đồng) và Tân Hiệp (Trà Cú, Trà Vinh).

Xây dựng mô hình điểm tổ chức cộng đồng tham gia xây dựng nông thôn mới bao gồm 4 hoạt động: (1) Phát triển cộng đồng dựa vào nội lực, (2) Thông tin, Giáo dục và Truyền thông phát triển cộng đồng, (3) Hỗ trợ cộng đồng bảo vệ môi trường, (4) Xây dựng hương ước thôn bản.

PGS. TS. Ngô Quang Sơn - Phó Giám đốc Học viện Dân tộc - Chủ nhiệm Dự án chủ trì hội thảo

Sau 2 năm triển khai, tại mỗi xã xây dựng mô hình điểm, Dự án đã đạt được một số kết quả: Có 50 hộ gia đình DTTS tham gia tổ chức sản xuất, hoạt động kinh tế, đảm bảo hiệu quả kinh tế tăng 15% so với ngoài mô hình; Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh hơn bình quân toàn vùng 20%, không có hộ tái nghèo; Có 50 hộ gia đình DTTS tiếp cận được thị trường, tăng thu nhập so với hộ ngoài mô hình. Cùng nhiều tài liệu, sách, sổ tay, tờ gấp, áp phích đã được chuyển giao cho địa phương để góp phần duy trì tính bền vững của Dự án.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến để đánh giá hiệu quả mô hình và đề xuất giải pháp nhân rộng, tập trung vào một số nội dung: tăng cường thông tin và phương pháp truyền thông; phương pháp cầm tay chỉ việc giúp người dân; phát triển dựa vào nội lực, tính gắn kết của cộng đồng; tăng cường nguồn  lực, kinh phí; giải pháp bảo vệ môi trường bền vững; các bài học kinh nghiệm của mô hình ở từng vùng; tính hiệu quả, lan tỏa, bền vững của mô hình; tác động của phong tục tập quán trong xây dựng nông thôn mới…

Tổng kết hội thảo, PGS. TS Ngô Quang Sơn thay mặt Ban Chủ nhiệm Dự án cám ơn sự góp ý của các đại biểu. Các nội dung góp ý sẽ được nghiên cứu, tổng hợp, góp phần hoàn thiện các sản phẩm và báo cáo tổng hợp của Dự án. Ban Chủ nhiệm cũng mong muốn tiếp tục có sự hỗ trợ của các nhà khoa học và sự phối hợp chặt chẽ giữa Học viện Dân tộc với các địa phương triển khai để góp phần nhân rộng, phát triển bền vững mô hình điểm tổ chức cộng đồng xây dựng Nông thôn mới trong thời gian tới.

Phóng viên