Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030: Thể hiện tính nhân văn, tinh thần đại đoàn kết các dân tộc

05:13 PM 14/06/2020 |   Lượt xem: 3061 |   In bài viết | 

Toàn cảnh phiên họp

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu): Nhất trí cao về sự cần thiết của Chương trình

Tôi nhất trí cao về sự cần thiết của Chương trình đối với sự phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đây là Chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đề nghị Chính phủ quan tâm đánh giá việc tích hợp chính sách. Với 10 dự án của Chương trình, Chính phủ cần làm rõ mối tương quan với các chương trình MTQG khác.

Theo đó, Chính phủ cần rà roát, đánh giá cụ thể hiệu quả của các chương trình MTQG đang thực hiện để bảo đảm không trùng lắp, loại bỏ những dự án không phù hợp. Đồng thời, Chính phủ cũng nên lựa chọn thứ tự ưu tiên các dự án thành phần để triển khai theo từng giai đoạn, đặc biệt, cần quan tâm đầu tư mạnh hơn cho giáo dục và đào tạo; quan tâm đến nhóm DTTS rất ít người.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An): Đồng bào vui mừng, phấn khởi khi có Chương trình dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi

Đồng bào DTTS tại Nghệ An rất vui mừng, phấn khởi khi có Chương trình dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Dự thảo Chương trình xây dựng công phu, tâm huyết, thể hiện sự ưu việt của chế độ ta, sự chăm lo cho đồng bào DTTS của Đảng, Nhà nước. Để thực hiện hiệu quả Chương trình, cần bố trí nguồn kinh phí, nguồn lực bảo đảm. Xác định những vấn đề còn bất cập, khó khăn nhất để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Chính phủ cũng cần quan tâm đến sinh kế cho đồng bào DTTS. Giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp; phát huy mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương thực hiện sát với thực tiễn, bởi mỗi địa phương đều có những thế mạnh riêng, điều kiện khác nhau.

Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng): Chương trình không chỉ mang ý nghĩa chính trị, mà còn thể hiện tinh thần đại đoàn kết các dân tộc

Đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh phạm vi áp dụng phân định vùng đối với các xã, thôn vùng DTTS giảm từ 15% xuống 10% tỷ lệ đồng bào DTTS, để mở rộng phạm vi các xã có đông đồng bào DTTS được thụ hưởng Chương trình. Đặc thù của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là các DTTS sống xen kẽ với đồng bào Kinh. Mặc dù nhiều xã có nhiều hộ DTTS sống ổn định, nhưng do địa giới hành chính rộng, chưa đủ điều kiện chia tách, nên số xã này còn tỷ lệ dân số đông, có nơi gần 6.000 hộ trên/xã, nhưng đồng bào DTTS không đạt tỷ lệ trên 15% dân số của xã. Chương trình không chỉ mang ý nghĩa chính trị, mà còn thể hiện tinh thần đại đoàn kết các dân tộc.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum): Chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Đây là Chương trình không chỉ nhằm phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Để thực hiện hiệu quả Chương trình, các mục tiêu cụ thể đề ra cần bảo đảm tính thống nhất với Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Thực tế của địa phương cho thấy, khi thực hiện Chương trình, Chính phủ cần quan tâm giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, giải quyết tốt vấn đề định cư, có an cư mới lạc nghiệp; quan tâm đến sản xuất có gắn kết thị trường để đồng bào tham gia vào chuỗi giá trị.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận): Chương trình sẽ là động lực phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi

Để thực hiện hiệu quả Chương trình, đề nghị Chính phủ sớm hoàn thành việc phân định vùng DTTS và miền núi theo trình độ phát triển để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; áp dụng một số cơ chế đặc thù, phân cấp trao quyền; công khai dân chủ, phát huy tinh thần vươn lên của đồng bào DTTS; huy động cả hệ thống chính trị theo dõi, giám sát, bảo đảm thắng lợi mục tiêu; có giải pháp đa dạng hóa nguồn vốn, đẩy mạnh thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách… Nếu được Quốc hội thông qua, dưới sự điều hành của Chính phủ, Chương trình sẽ là động lực phát triển cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.  

(baodantoc.vn)